Pháp Âm - 1999 - PHẬT TỬ VẠN HẠNH - ĐẠO ĐỨC CỦA ĐẠO PHẬT

1999 - PHẬT TỬ VẠN HẠNH - ĐẠO ĐỨC CỦA ĐẠO PHẬT

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 1999

Thời lượng: [01:44:34]

Tên cũ: 1999-Thầy dạy đạo cho ptử Vạn Hạnh

https://thuvienchonnhu.net/audios/1999-phat-tu-van-hanh-dao-duc-cua-dao-phat.mp3

1- BÁO HIẾU CHA MẸ, NGƯỜI THÂN

(00:00) Trưởng lão: Báo hiếu cha mẹ mình hay những người thân mình muốn tỏ lòng thương của mình, thì đức Phật có dạy bài Kinh Ước Nguyện.

Mình muốn ước nguyện cho họ được điều gì, thì mình phải sống đúng đức hạnh không làm khổ mình, khổ người. Tức là đức hạnh của một con người, rồi đức hạnh của bậc Thánh Tăng. Lấy đức hạnh đó mà hồi hướng cho người khác là đúng Chánh pháp. Chứ không phải lấy đức hạnh đó mà hồi hướng cho họ được siêu sanh Cực Lạc hay Thiên Đàng, không được. Hồi hướng cho người mà mình hồi hướng đó được sống một đời sống đức hạnh. Vì trong đời sống đức hạnh đó, nó có sự giải thoát.

Bởi vì đức hạnh mình không làm khổ mình, khổ người là giải thoát chứ gì? Nó cụ thể, rõ ràng. Người ta chửi mình mà mình không giận, tức là mình giải thoát chứ gì? Mình đừng chửi người ta, mình chửi người ta tức là ác pháp làm người ta khổ. Cho nên nó rõ ràng, cụ thể. Cho nên mình ước ao cho cha mẹ của mình được sống đạo đức, như vậy là giải thoát chứ gì, phải không?

Còn bây giờ mình cầu về Cực Lạc. Cực Lạc có hay không? Thiên Đàng có hay không? Điều đó mơ hồ, trừu tượng. Đạo Phật rất thực tế, rất cụ thể. Chúng ta không làm khổ mình, không làm khổ người, thì đó là giải thoát.

Cho nên đức Phật nói: “Trí tuệ ở đâu thì đức hạnh ở đó. Trí tuệ làm thanh tịnh đức hạnh, đức hạnh làm thanh tịnh trí tuệ. Người nào có trí tuệ, người đó có đức hạnh. Người nào có đức hạnh, người đó có trí tuệ. Trí tuệ không lìa đức hạnh, đức hạnh không lìa trí tuệ”.

Nếu mà người nào sống thường mắng chửi, thường làm khổ người khác, mà gọi là “Tôi có bằng Tiến sĩ, tôi đã thông suốt Tam tạng kinh điển”, thì người đó là người ngu chứ không phải là người có trí tuệ.

2- VIẾT SÁCH CHỈNH ĐỐN LẠI PHẬT GIÁO

(01:47) Trưởng lão: Hôm nay tiếp tục Thầy nhắc lại. Vừa rồi thì Nhà Xuất bản Tôn giáo ở ngoài Hà Nội có gửi cho Thầy một bức thư. Cho nên Thầy trả lời lại cho Nhà Xuất bản Tôn giáo:

Kính gửi Nhà Xuất bản Tôn giáo,

Trước hết, chúng tôi có lời kính thăm sức khỏe của anh/chị/em trong Nhà Xuất bản Tôn giáo. Sau khi được tin tác phẩm của chúng tôi được cấp giấy phép xuất bản, chúng tôi rất mừng, và thầm biết ơn anh/chị/em trong Nhà Xuất bản Tôn giáo đã tận tình giúp đỡ mới có được giấy phép như ngày hôm nay.

Ước vọng của chúng tôi viết những tác phẩm này để chấn chỉnh lại Phật giáo. Những cái sai được loại trừ ra khỏi, và lôi ra những cái đúng để làm sáng tỏ lại đạo Phật. Vì đạo Phật là một tôn giáo được truyền thống lâu đời, ăn sâu vào tư tưởng của dân tộc Việt Nam. Nó tốt là dân tộc tốt, nó xấu là dân tộc sẽ xấu. Nhất là sự chú ý của chúng tôi dựng lại nền Đạo đức Nhân bản của đạo Phật đã bị chìm mất từ ngàn xưa khi đức Phật nhập diệt. Để giúp cho con người trên hành tinh này có một nền đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Để quân bình với những vật chất mà các nhà khoa học đã và đang phát minh phục vụ đời sống của loài người. Vật chất phát triển phục vụ đời sống tiện nghi, thì tâm tham đắm của con người sẽ đưa họ đến đời sống vô đạo đức. Trước tình trạng thanh thiếu niên Việt Nam nói riêng, cả thế giới nói chung, đạo đức đang xuống dốc. Bổn phận và trách nhiệm của những người tu sĩ như chúng tôi không thể làm ngơ nhìn con cháu của chúng ta như con thiêu thân lao đầu vào chỗ chết.

Chúng tôi nghĩ rằng những tác phẩm của chúng tôi khó mà xin phép, vì cái sai là truyền thống lâu đời, nhưng cái đúng thì chưa ai biết cả, thì làm sao người ta chấp nhận cho phép được? Nhưng chúng tôi tin ở lẽ phải. Cái gì đúng là đúng, cái gì sai là sai. Không thể lấy cái sai làm cái đúng được, không thể lấy cái đúng làm cái sai được. Bất chấp trước sự hiểm nguy, chúng tôi viết. Viết làm lợi ích cho đời. Viết xây dựng nền đạo đức cho con người. Ngày nay tác phẩm xin phép chưa được, ngày mai sẽ được.

Hôm nay anh/chị/em đã cảm thông được nỗi khắc khoải trong lòng của chúng tôi. Vì đạo đức của dân tộc, nên mới tận tâm, tận lực giúp đỡ, tác phẩm này mới được giấy phép. Chúng tôi không kinh doanh buôn bán, chúng tôi không kinh doanh, buôn Phật bán Pháp nhưng chỉ biết in, phát hành, ấn tống giúp cho mọi người không bị tà sư, ngoại đạo lừa đảo và họ tự tạo cho mình một nền đạo đức không làm khổ mình, khổ người.

Khoảng ba năm nay, chúng tôi viết và soạn mười tập “Đường Về Xứ Phật”, hai tập “Giới Đức Làm Người”, hai tập “Giới Đức Làm Thánh”, hai tập “Những Lời Phật Dạy”, bốn tập “Giáo Trình Đạo Đức Nhân Quả”. Sau khi nhuận lại những bản thảo này xong, chúng tôi sẽ gửi đến Nhà Xuất bản Tôn giáo, nhờ các anh/chị/em giúp đỡ và xin phép.

Xin chân thành cảm ơn. Chúc anh/chị/em dồi dào sức khỏe.

Kính thư,

Thích Thông Lạc

TB: Xin Nhà Xuất bản đừng gọi Hòa thượng Thích Thông Lạc mà hãy gọi Tỳ kheo Thông Lạc; trên tác phẩm xin đề “Thông Lạc” đừng đề “Hòa thượng Thích Thông Lạc”.

(05:34) Bởi vì vừa rồi, thì Nhà Xuất bản họ đề pháp danh của Thầy.

Hầu hết là tác phẩm của Thầy đều không đề danh, nghĩa là Thầy để: “Tu viện Chơn Như”. Trong Tu viện Chơn Như ấy có một vị sư, một vị thầy viết cái này. Hay hoặc là trong nhóm đó, người ta viết cái này. Cho nên, hầu hết là tác phẩm không được để tên Thầy, vì Thầy không lấy nó để mà cầu danh, để mà làm cái danh của mình. Thầy thiết nghĩ, vì làm lợi ích cho con người không phải vì cầu danh. Cho nên những tác phẩm của Thầy đều được bỏ cái tên, mà để tên Tu viện.

Nhưng mà Nhà Xuất bản họ đòi hỏi người tác giả viết: “Không, phải có cái tên”. Nên Thầy mới buộc lòng bảo: “Đề Thông Lạc, không được đề Thích Thông Lạc, chỉ đề Thông Lạc mà thôi”. Đó cũng như là cái danh của một nhà văn nào đó mà thôi, người ta đừng nghĩ đến Thầy làm gì cả.

Nhưng mà đó là xin phép. Nhưng sau khi xin phép rồi, thì tác phẩm chúng ta sẽ xóa cái tên trên đó đi. Cho nên có những tập mà xin phép in tên của Thầy, thì Thầy nói cô Út nên xóa cái tên. Mặc dù cái gì thì người ta cũng biết, nhưng mình để cái tên mình lù lù trên đó, tức là chứng tỏ mình còn tạo danh, còn tham danh, mình sẽ gạt bỏ. Cái điều kiện mình làm tốt cho xã hội thì cứ làm tốt, không cần phải người ta biết mình là ai, cái đó là tốt. Vì vậy mà người ta có người nói như thế này: “Thầy làm như vậy, sau này ai biết là ai”. Thầy chả cần biết là ai hết, chỉ biết làm sao cho con người chúng ta có đạo đức là được. Nghĩa là bây giờ trong thời hiện tại thì người ta còn biết Thầy, nhưng mà sau trăm năm người ta không biết tác phẩm này của ai. Nghe cái tên Tu viện Chơn Như người ta không biết ông thầy nào ở trong Tu viện Chơn Như, người ta không biết.

Nhưng điều đó không quan trọng. Thầy chỉ biết rằng, trong hiện tại người đương thời biết được Thầy thì biết, mà người không đương thời với Thầy thì họ chỉ biết có cái Tu viện đó, có một người, có một vị tu sĩ làm chuyện đó, thì đủ rồi, đừng có nghĩ đến ai nữa hết. Thầy không nghĩ rằng cái tên của Thầy lưu danh thiên cổ đâu. Thầy chỉ nghĩ rằng Tu viện là nơi tu hành của Phật giáo. Ở đó có bổn phận không phải riêng Thầy, mà tất cả tu sĩ đều phải làm điều này.

(07:45) Nghĩa là bây giờ không ai viết cho nên Thầy viết. Trước kia, khi mà thầy Thông Huyễn về đây, sống chung với Thầy, Thầy thấy thầy ấy có khả năng viết lách. Bản chất có nhiều người, người ta có khả năng, cho nên thầy ấy có khả năng. Mặc dù thầy ấy tu chưa tới đâu, nhưng mà thầy có khả năng. Khi nghe nói rồi, thì thầy ấy ghi chép lại rất là rõ ràng và cụ thể qua cái lời văn của thầy. Thầy thấy mình không phải là một con người có khả năng viết lách. Thầy công nhận Thầy ấy là một con người có khả năng viết lách. Thầy đã tu, Thầy đã hiểu biết tất cả, cho nên Thầy nghĩ rằng Thông Huyễn sẽ ở gần Thầy tu tập, và đồng thời Thầy trò có thể cùng nhau làm về Phật giáo.

Vì thế mà cuốn Luận Về Nhân Quả của thầy Thông Huyễn, Thầy đã góp ý rất nhiều để chữa lại những sự sai lệch ở trong cái cuốn đó. Cho nên sau này, tuy rằng chữa chưa hết nhưng mà vì cư sĩ người ta đọc, người ta thấy hay, người ta phô-tô ra, hồi đó người ta đánh máy, người ta phô-tô ra để người ta chia nhau, người ta đọc. Nhưng mà không còn có thì giờ để mà kiểm tra, vì lúc bấy giờ ở đây kín, rất là đông Thầy không có thì giờ. Do đó, tác phẩm tuy chưa được hoàn chỉnh, nhưng thấy nó cũng có lợi ích về Đạo đức Nhân quả.

Vì vậy hôm nay, thì Thầy thấy không còn ai có thể ngồi lại, ghi chép lại cho Thầy. Chứ Thầy chỉ mượn cái tên của Thông Huyễn mà viết lại những cái ý của Thầy mà thôi, Thầy không cầu danh. Nhưng mà không người, cho nên buộc lòng bây giờ Thầy ngồi lại Thầy viết. Thầy viết những điều mà Thầy đã tu tập, Thầy đã thấy cái đúng, cái sai. Thầy chỉnh đốn lại Phật giáo, vì Phật giáo có nhiều cái sai, quá sai, phi đạo đức trong đó rất lớn, làm cho con người chúng ta lầm lạc, mê muội, càng lúc càng mê muội hơn. Cho nên Thầy quyết định là phải viết, chỉnh lại tất cả những cái sai, làm tốt lại.

Ngày xưa, đức Phật, Ngài bác sáu mươi hai lập luận của ngoại đạo. Trong Kinh Nguyên Thủy còn ghi rất rõ ràng, thế mà người ta không nói đức Phật bài bác. Còn bây giờ, Thầy chỉ là người chỉnh đốn lại Phật giáo cho nó tốt chứ Thầy không bài bác một tôn giáo nào hết. Nhưng mà tôn giáo nào sai thì bị đụng chạm những lời nói thẳng của Thầy, chứ không phải Thầy chỉ trích cái tôn giáo đó sai.

Còn Phật giáo là bổn phận của Thầy, Thầy chỉnh đốn. Thầy là người tu sĩ Phật giáo, mà bây giờ cái nào của Phật giáo mà cái đó sai, đưa tín đồ Phật giáo đi đến chỗ chết, đi đến cái chỗ không đúng, thì Thầy có bổn phận phải chỉnh đốn lại để cho tín đồ Phật giáo biết rõ. Chứ không phải là Thầy bài bác Đại Thừa hoặc là Thiền Đông Độ. Cái nhiệm vụ của Thầy là phải làm sáng tỏ lại Phật giáo.

Thầy là tu sĩ Phật giáo, Thầy đã theo Phật, thì Thầy phải làm sao cho đúng Phật. Còn những cái không đúng Phật, thì Thầy gạt ra. Chứ không phải Thầy bài bác. Người ta hiểu Thầy bài bác Đại Thừa, bài bác Thiền Đông Độ là sai. Cũng như bây giờ trong Phật giáo có những cái không phải của Phật giáo, mà nó biến Phật giáo trở thành một tôn giáo mê tín, thì buộc lòng Thầy phải gạt nó ra khỏi môi trường của Phật giáo, không để cho Phật giáo phải mang tiếng là một tôn giáo như vậy.

Như bây giờ quý cư sĩ thấy rõ ràng, người ta nhìn vào Phật giáo, người ta nói Phật giáo toàn là cái thứ mê tín: cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an, không có hay sao? Rồi coi ngày tốt xấu, xin xăm, bói quẻ, đủ loại. Cái gì cũng ở trong Phật giáo đi ra hết, không có cái nào ngoài Phật giáo mà có cái loại này.

(11:26) Như vậy, chúng ta là những tu sĩ, chúng ta đau lòng. Phật giáo - cái giáo lý rất là cao đẹp, rất là tuyệt vời - thế mà đưa nó đi vào cái chỗ mê tín như vậy, cái chỗ sai lạc như vậy, cái chỗ lừa đảo như vậy.

Phật giáo đã xác định không có một cái vật gì thường hằng của chúng ta. Thế mà bây giờ nó lại có một cái Phật tánh trừu tượng, mơ hồ, làm chúng ta điêu đứng. Người nào cũng nhận ra “nó là thật”, cho nên cuối cùng thì chúng ta quá khổ đau. Tại sao như vậy?

Hãy nhìn sự thật. Họ nói rằng tánh thấy, tánh nghe, tánh biết. Chúng ta là con người làm sao có trí tuệ Tam Minh mà chúng ta hiểu cái tánh thấy, tánh nghe, tánh biết đó như thế nào đúng, sai. Thì Thầy hỏi họ: “Như trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy chúng ta cái tánh nghe, tánh thấy, chúng ta thấy quá rõ ràng. Nhưng mà khi ngủ, tánh nghe, tánh thấy còn nghe, còn thấy nữa không? Khi chúng ta đến bệnh viện, bác sĩ chụp thuốc mê, chúng ta mê man. Tánh nghe, tánh thấy nó ở trong thân chúng ta sao? Tại sao bây giờ chúng ta mê, lại không biết gì nữa”? Đó là những cái lý luận già hàm lẻo mép của những người kiến giải, tưởng giải ra, mà lý luận, để viết nên bộ kinh này.

Mà người ta còn cho là bộ kinh này rất có giá trị. Người ta cấm không cho lưu hành ra nước khác. Cho nên một vị hòa thượng phải mổ bắp đùi của mình, nhét bộ kinh đó vào, để đưa qua Việt Nam, đưa qua các nước khác để truyền bá cái kinh sách đó, ca ngợi cái kinh sách đó, người ta phải hy sinh đến sự đau khổ như vậy để đem cái giáo pháp, chân lý đó cho chúng ta. Nhưng sự thật khi lật ngược trở lại: Những lời pháp đó có đúng sự thật hay không?

Chúng ta là con người phải có trí tuệ chứ. Cho nên đức Phật đã nói chúng ta: “Đừng nên tin những gì mà người ta nói, mà hãy thấy những điều đó có làm được lợi ích cho chúng ta thật sự hay không thì chúng ta mới tin”. Cho nên sao? Thầy cũng là như tất cả các quý vị có mặt hôm nay ở đây với Thầy, Thầy cũng ngu si như vậy. Trước kia, Thầy đọc tới Kinh Thủ Lăng Nghiêm, là Thầy thấy tuyệt vời: “Hay quá! Như vậy rõ ràng là từ xưa đến giờ mình không biết cái tánh thấy của mình, tánh nghe của mình. Bây giờ, nhờ cái bộ kinh này mới thấy…​” và rất thích thú để đi tìm cái chơn Phật tánh của mình.

Nhưng cuối cùng, suốt chín năm trời trong thất nỗ lực để thực hiện (vì người ta bảo rằng mình kiến tánh, thì tự mình đốn ngộ rồi tiệm tu), thấy tánh rồi, nỗ lực tu, phải được. Nhưng cuối cùng chín năm nỗ lực đã thấy tánh rồi, mà nỗ lực tu chín năm hết sức mình, chẳng thấy được gì. Chỉ thấy ba cái ảo tưởng mà thôi! Cho nên, cuối cùng Thầy biết rằng bao nhiêu người - cả Đông, Tây chứ không phải chỉ riêng Việt Nam chúng ta đâu - đã say đắm, đã mê mờ, đã không thấy đường lối. Mà nếu Thầy không nói ra, thì ai mà dám nói? Không người nào dám nói cả.

Mười bảy năm trời. Về đây mở Tu viện Chơn Như, Thầy âm thầm chịu đựng những nỗi cay đắng, tùy thuận tất cả mọi người về đây. Nhắc khéo, nhắc khéo, không dám nói thẳng, nói thẳng sợ đụng, sợ đụng một cái lực lượng rất mạnh, thì khó quá. Cho nên cuối cùng, thì không thể dừng lại được, vì Thầy thấy tuổi mình sắp già. Và, sắp chết rồi.

3- ĂN, NGỦ PHÂN BIỆT HẠNH THÁNH, PHÀM

(14:58) Ba năm gần đây, thì những người Phật tử miền Bắc họ có duyên trong những năm hạ đó, họ đi về đây. Họ cũng ngồi đông như các con. Thậm chí những cư sĩ, các bà già ở ngoài miền Bắc, họ về đây họ tập trung.

Họ về đây được là nhờ gì? Nhờ ở đây có một thầy ở miền Bắc, tức là thầy Chơn Trí. Lúc bấy giờ ông ta về đây thì ông có tiền nhiều, cho nên khi được nghe Thầy thuyết giảng những cuộn băng của Thầy, thì ông ta gửi về miền Bắc, ông bỏ số tiền ra, ông sang cái băng đó. Ông sang, ông cho mọi người ở miền Bắc. Cho nên người miền Bắc họ được biết Thầy trước hơn là miền Nam. Từ đó, khi mà Thầy mở khóa để mà Thầy giảng “Giáo án tu tập đường lối của đạo Phật”, thì họ tập trung về đây, để họ nghe trong những tháng hạ. Cho nên từ đó, họ được nghe những lời Thầy dạy. Vì Thầy thấy rằng người ta theo giáo Pháp của Phật mà tu Giới, là sống không lầm.

Các cư sĩ cứ nghĩ rằng: một số người rất đông về đây tu tập. Thậm chí như ở đây mở Hạ nữa mà, thì các cư sĩ nghĩ số người như vậy. Thế mà cho ăn ba bữa thì thôi, tập trung tu rất đông. Vì ở đây đâu có lao động, đâu có làm gì đâu. Người đông như vậy, sáng quét ba, bốn chổi là thấy sạch sẽ hết rồi. Không có trồng tỉa, không có gì hết. Thật sự thì đông người bao nhiêu, thậm chí như mà Thầy muốn cho họ không ăn bữa chiều thì Thầy xin sữa cho họ uống buổi chiều, thì chú Tâm chú kéo về đây cả mấy chục thùng sữa. Thậm chí như Thầy còn phải đem bố thí cho Cô Nhi, cho những nơi mà người ta nuôi trẻ con. Thì quý Phật tử biết rằng, về tinh thần giúp đỡ cho người tu, người cư sĩ người ta có tinh thần rất lớn.

Thế rồi, có nhiều vị ăn sữa không hết. Họ nói rằng sữa đặc đó (hộp như thế này này) họ chỉ ăn có nửa hộp, còn nửa hộp họ quăng. Họ nói ở dưới là bột mì, họ bỏ, họ không ăn. Đó thì đủ biết rằng tu sĩ thời nay, Thầy nói chứ chỉ ăn, ăn thừa là quăng bỏ, chứ không tiếc mồ hôi nước mắt người ta làm ra được một hộp sữa đâu có dễ. Các con hiểu không? Cho nên vì vậy mà Thầy thấy rằng họ không phải những người tu hành theo đạo Phật. Tu ăn, tu ngủ, chứ không phải Thiền Định gì hết. Giờ giấc thì làm bộ ngồi cho có tướng để mà ăn, ngủ thôi chứ không có gì hết.

(17:24) Thầy thật sự Thầy khép vô. Bắt đầu, Thầy cho ăn buổi sáng; buổi chiều Thầy không cho uống sữa, Thầy cho uống nước chanh. Sau đó Thầy dứt nước chanh, Thầy cho buổi sáng không cho ăn, cho uống sữa. Và tới chừng khi khép vô ăn một ngày một bữa là không cho ăn uống gì nữa hết, thì họ bỏ đi mất sạch. Đủ biết là cái thời đại người ta tu ăn, chứ không phải thật sự người ta đi tìm sự giải thoát.

Cuối cùng, Thầy khép vô. Thầy tăng giờ lên. Nghĩa là, ngủ phải từ giờ nào, thức phải giờ nào. Thí dụ như Thầy tăng lên mười giờ đi ngủ, tới hai giờ phải thức dậy tu. Thì trong lúc đó họ bị hôn trầm đánh họ, họ không chịu nổi được nữa, họ bỏ. Ở đây chỉ còn có năm, mười người.

Thầy khép vô độc cư: không được đọc kinh sách, không được nghe băng, không được nói chuyện, thất của ai người nấy ở, không được đi qua đi lại, chỗ nào nấy ở, chết chỗ đó. Họ đi sạch, còn có một người, mà sống không nổi độc cư đâu.

Thì các con biết rằng đời nay thì người ta sống vui, mà người ta đòi đi theo đạo Phật thì thôi, thực ra đạo Phật không thể dung chứa cho những hạng người đó. Người ta đòi ăn, thì không thể nào chấp nhận cho những người theo đạo Phật mà ham ăn như vậy. Bởi vì, thầy nhắc lại cho các con nghe: Đạo Đức của đạo Phật thì trong Giới luật đã dạy cho chúng ta rất rõ. Đức Phật ví chúng ta là loài động vật. Con người là loài động vật, chúng ta còn mang bản chất của loài động vật, chứ chưa phải con người của chúng ta là thoát khỏi loài động vật. Cho nên những cái mà thiếu đạo đức, nó là còn ở trong loài động vật.

Thí dụ như một ngày mà chúng ta ăn vặt, ăn không giờ giấc, đó là con thú vật, chứ không phải là con người. Con người thì phải ăn có giờ, có giấc, có bữa. Thí dụ ba bữa là ba bữa, còn lát ăn cái bánh, lát ăn cái trái, lát uống chai nước ngọt, đó là con thú vật. Nó gặp hồi nào, nó ăn hồi nấy. Nó không đúng.

(19:20) Nhưng bây giờ một người có đạo đức: ăn ba bữa, hai bữa đâu ra đó đàng hoàng, không ăn vặt, thì người đó phải là người có đạo đức.

Kế đó, một vị Thánh Tăng, một bậc Thánh mà còn ăn ba bữa, còn ăn đêm, thì thử hỏi đó là Thánh sao?

Cho nên đức Phật nói: “Thừa tự Pháp, chứ không thừa tự thực phẩm”.

Vì vậy một bậc Thánh ăn ngày một bữa mà người ta không thèm khát. Còn mình ăn ngày ba bữa mà đụng cái gì cũng thèm. Như vậy có phải ăn mà hết thèm không? Đâu hết! Càng ăn lại càng tham ăn. Còn người ta ăn một bữa mà người ta không thèm, mà người ta có chết không?

Quý vị thấy không, nội Giới luật của Phật, cái Giới luật cấm ăn phi thời, ăn đúng Ngọ, ăn đúng giờ, không được ăn phi thời, là hành động của sự sống một bậc Thánh chứ không phải là của phàm phu được. Như vậy, chúng ta nhìn vào giới đức là chúng ta biết vị đó Thánh tăng hay là Phàm tăng.

Một vị gọi là Hòa thượng, Thượng tọa mà bây giờ ăn phi thời: sáng ăn, trưa ăn, chiều ăn. Thử hỏi đó là Thánh hay là Phàm? Thì cũng như quý cư sĩ thôi, có gì đâu mà lại Thánh, Phàm? Thế mà quý vị đảnh lễ, thì đảnh lễ ai đây? Cái ăn của người ta cũng như mình. Người ta đâu phải Thánh mà mình đảnh lễ?

Hôm nay Thầy nói, đây là quý vị chưa đọc bộ “Kinh Giới Đức Làm Thánh”. Quý vị sẽ thấy được đức hạnh của một bậc Thánh. Họ sẽ làm hành động nào mà gọi là Thánh, mà hành động nào là con người, mà hành động nào là con thú. Trong Giới luật của Phật đã dạy rõ để chúng ta biết được điều đó, để xác định bậc chân tu, bậc giả tu, bậc dối gạt người. Mặc dù bậc đó có thần thông, bậc đó có cấp bằng cao, nhưng vẫn là phàm phu tục tử, vẫn là ác quỷ ma vương, chứ không phải là người chơn chánh tu hành.

Hôm nay Thầy nhắc lại, để cho tất cả các cư sĩ, các con sẽ hiểu sơ sơ, để nhận ra một vị chơn tu, một bậc thầy của mình như thế nào xứng đáng.

Sau này đọc cuốn “Tập VIII – Đường Về Xứ Phật”, Thầy sẽ xác định một bậc thầy của quý vị.

(21:52) Trưởng lão: Một bậc thầy của quý vị là một bậc phải sống đúng Giới luật của Phật, Giới đức của Phật hẳn hòi, đàng hoàng. Tại sao vậy? Tại vì đức Phật di chúc: “Các vị Tỳ kheo hãy lấy Giới luật ta làm thầy”. Vậy thì mình nương vào Giới luật, là nương vào chỗ nào? Nương vào Giới luật tức là nương ông thầy giữ gìn Giới luật nghiêm túc, chứ không phải nương ông thầy phạm Giới, phá Giới. Có phải đúng vậy không?

Đức Phật đã di chúc mà, đừng lấy ai làm thầy, đừng lấy ai làm tổ, mà hãy “lấy Giới luật làm thầy”. Nhưng Giới luật nó là một bộ sách, một đống giấy, thì nó là một vật vô tri. Lật ra đọc, chúng ta hiểu nổi không? Nó có nói lên được cái đức hạnh đó không?

Nhưng một vị Thánh Tăng mà người ta sống đúng đức hạnh, thì đó là một gương hạnh sống, một Giới luật sống, để chúng ta nương vào đó mà chúng ta thực hiện đời sống đạo đức của chúng ta. Có phải là đức Phật muốn di chúc vậy không? Muốn di chúc cho chúng ta, để chọn lấy một bậc Thiện hữu tri thức sống đúng Giới luật của Phật là thầy của mình, chứ không phải đụng ai cũng là thầy của mình!

Nếu đụng một người mà không đức hạnh làm thầy của mình, thì mình sẽ ảnh hưởng cái không đức hạnh đó. Cũng như bây giờ Thầy theo một vị thầy, vị thầy đó có vợ, có con, thì như vậy vị thầy đó đâu có dạy chúng ta đức hạnh gì đâu. Khi chúng ta cũng thấy vậy, chúng ta cũng tu mãi thì chúng ta cũng có vợ con.

Vì vậy mà trong các chùa chúng ta thấy ở nông thôn, nhiều ông thầy có vợ, có con sống y như gia đình. Rồi bây giờ mình cũng cho con mình vào đó học tu theo Phật đi. Mai mốt nó cũng làm ông thầy cạo đầu có vợ, có con đi ra gõ mõ, tụng kinh, làm thầy tụng để kiếm tiền sống; rồi về trồng lúa, trồng khoai cũng như mọi người, nuôi gà, nuôi vịt, đủ thứ. Thử hỏi cái đó có phải là làm tốt Phật giáo không, hay là phỉ báng Phật giáo?

Thế mà cái số tu sĩ này đâu phải là ít. Đó là một cái sai. Làm cho Phật pháp suy đồi. Làm cho người ta nhìn vào Phật pháp người ta ngao ngán. Cho nên vì số tu sĩ này mà những câu ca dao, những lời mỉa mai rất nhiều. Người ta nói: “Xoài cà lăm nhỏ trái mà chua. Thầy tu mê gái, bỏ chùa không ai coi”, có phải không? Là cái số tu sĩ này nó mới làm vậy chứ. Nó cạo đầu như thế này, nó đi ra nó chọc gái, thì người ta không nói sao được? Đó thì Thầy nói những câu ca dao, những câu mà người ta coi thường Phật giáo rất nhiều.

Cho nên ở đây Thầy nói thật sự, khi mà mình tu hành xong, mình đau lòng. Mình nhìn thấy Phật giáo là một con đường chân chánh, là một tôn giáo xuất hiện ra đời để giúp cho con người thoát bốn cái khổ: sanh, già, bệnh, chết. Thế mà nó trở thành quá tầm thường.

(25:01) Thật sự ra, chúng ta ngồi đây, chúng ta là những người Phật tử, chúng ta còn có niềm tin. Chứ nếu người mà không biết, không tôn giáo, họ nhìn Phật giáo chẳng ra gì đâu quý vị. Họ coi thường lắm quý vị. Đừng có nghĩ chiếc áo mà chúng ta mặc thế này họ kính chúng ta đâu, họ coi chúng ta như bọt. Thực sự ra họ cho chúng ta chẳng ra gì. Một đứa nhỏ bảy, tám tuổi, mười một, mười hai tuổi, chúng ta đi ngang, nó chế nhạo chúng ta liền tức khắc: thầy chùa này, thầy chùa kia, đủ thứ hết.

Các con đã từng mang chiếc áo này đi, các con đã từng nghe được lời người ta. Thầy nói thật sự, trên con đường ngang qua cái hàng rào chùa này, mọi người đi ngang qua lại, họ nói chuyện với nhau, họ châm biếm với nhau rất nhiều. Tại sao họ châm biếm như vậy? Chúng ta không nên trách họ. Tại vì trong chúng ta, có những người làm sai, làm không đúng. Cho nên chúng ta phải sửa sai. Lời trách mắng, lời châm biếm của họ làm chúng ta phải cảnh tỉnh.

Thế mà cái bọn tu hành kia có cảnh tỉnh đâu. Càng lo cất chùa cao Phật lớn, càng lo làm những chuyện danh lợi, chứ đâu lo tu hành, giữ gìn nghiêm chỉnh Giới Đức của Phật đâu. Ăn uống phi thời, xe cộ chạy nhảy bon chen như một người đời, lừa đảo Phật tử để sống trong mồ hôi, nước mắt, khổ đau của người khác bằng cách này, bằng cách khác.

Thí dụ như bây giờ quý Phật tử về đây, Thầy tổ chức năm tổ, mười tổ. Bây giờ Thầy cần dùng cái gì, ông tổ này phải đi lại đằng kia kêu gọi Phật tử, hay người này người kia góp cho có năm trăm, ba triệu, một triệu hay năm triệu, mười triệu để làm cái này, làm cái này để có phước báo. Thì bà tổ trưởng này, hoặc ông tổ trưởng kia đi lại kêu gọi, dối gạt người ta: “Làm cái chuyện này phước báo lắm về sau, này kia nọ…​ đủ thứ hết”. Gạt người ta phước báo, để rồi lấy tiền người ta được, để xây chùa cho đẹp. Đó là cái lừa đảo, phỉnh gạt người ta làm cái này.

Thí dụ như bây giờ đúc cái chuông cho lớn như này. Bây giờ tổ này, tổ kia, tổ nọ - bây giờ tổ chức có những cái tổ, bây giờ về gọi: “Đây là cái tiếng chuông mà gióng lên một cái, là thông Thiên Đường xuống dưới Địa Ngục. Ai có tội gì thì ghi vào cái chuông này, thì sẽ tiêu tội, tiêu tai hết”. Chà! Bà con nghe hay quá rồi! Đóng tiền nhau để đúc cái chuông cho thật lớn, để gióng cái tiếng chuông đó nó kêu tới Thiên Đường, đặng cho cái lời cầu ước của mình nó theo trên đó, đặng cho chư Phật, Ngọc Hoàng, Thượng Đế ghi thêm cái tuổi thọ của mình sống thêm vài ba trăm năm nữa để cho hưởng hết cái dục lạc thế gian này, có phải vậy không? Cho nên xúm nhau đóng tiền để mà đúc chuông. Thật sự làm cái điều mê tín đó. Làm gì ở đây mà chúng ta làm tội mà gióng tiếng chuông đó để mà bay theo sự cầu nguyện của chúng ta lên đó, mà giải quyết cho chúng ta, đặng chúng ta làm ác nữa sao? Đó là những cái sai mà chúng ta bị lừa đảo.

Đúc chuông để làm gì? Thật sự ra, trong thời đức Phật, chúng ta chẳng thấy một cái chuông nào để lại hết. Trong thời đức Phật, chúng ta cũng chẳng thấy để lại một cái nền gạch, đá cho tốt nữa. Về sau người ta mượn cái danh ông Phật, người ta xây tháp. Người ta nói nào chỗ này là Bồ Đề đạo tràng, nào chỗ này là nơi đức Phật tắm, nào chỗ này đức Phật đản sanh. Để làm gì? Để cho bà con đi du ngoạn, đi xem, ham thích để xem đó, để kiếm lấy tiền, chứ để làm gì. Đó là chúng ta bị lừa đảo mọi cái. Người ta đem Phật ra người ta bán. Người ta đem di tích của Phật ra, người ta bán. Mà trong khi ấy di tích hồi đức Phật sống, thì tịch rồi người ta đến đó, người ta thấy một cái hình tan rã. Không còn một cái nền chứ đừng nói. Không còn cục gạch ở trên cái nền đó nữa. Thì đủ biết đạo Phật như thế nào.

(28:39) Còn bây giờ chúng ta xây nền, xây này kia. Thầy nói đây cái nhà của Thầy, cái chùa của Thầy, Thầy cất bằng tầm vông. Thầy chết rồi nó tan hoại. Nhưng cái nền này còn là Thầy phải còn nợ. Một viên gạch bông này nó không mất, là Thầy còn phải nợ của đàn na thí chủ. Nhưng mà làm sao, khi mà các con về đây đông quá không có chỗ nào ngồi. Bàn ghế làm sao đâu mà ngồi được? Cho nên phải làm như thế này để mấy con có chỗ ngồi. Cho nên, Thầy chịu cái tội lỗi này, mặc dù Thầy biết rõ ngàn năm sau viên gạch này chưa tan. Đó là cái nợ của Thầy mà.

Đừng nghĩ rằng chúng ta cất một cái chùa kiên cố là làm cho tên tuổi chúng ta vang lừng mãi mãi: Nhờ Hòa thượng đó, tên đó, mới trùng tu được cái chùa đó, không phải đâu. Cái chùa đó là cái cục nợ của ông ta đó. Nghĩa là muôn đời, muôn kiếp ông ta trả không hết. Chừng nào cái chùa đó hoại diệt toàn bộ, thành như đất, thì ông ta mới hết cái nghiệp.

Người ta thấy được nhân quả, người ta quá sợ. Người ta quá sợ! Người ta làm những điều lợi ích cho chúng sanh, mà người ta còn mang nợ thật sự. Như Thầy làm một cái bia đá, là vì những lời của Phật dạy người ta đã dìm mất rồi. Bây giờ mình móc lên, mình phải ghi vào trong đó, để cho một ngàn năm sau nó không bị xóa đi.

Nhưng việc làm đó đâu phải là không mồ hôi, nước mắt. Thầy có trồng khoai, trồng củ Thầy bán đâu. Cũng là tất cả mồ hôi, nước mắt của quý Phật tử làm ra. Quý Phật tử đi ăn cướp người ta được sao? Cũng phải là bán buôn, cũng phải lương thiện, làm ăn cái gì cũng phải lương thiện. Thì, làm được một cái bia đá như vậy bao nhiêu tiền? Do ai mà làm được? Thì Thầy đã chủ trương điều này thì Thầy phải nhận lãnh cái tội đó chứ. Cho nên vì vậy mà dù sao đi nữa, Thầy cũng ước nguyện: “Kiếp này chưa xong nhiệm vụ của mình, thì tiếp tục để làm xong những con đường chấn hưng lại Phật giáo, đem lại sự lợi ích cho chúng sanh”. Do đó Thầy mới làm.

Chứ nếu mà không, Thầy chẳng làm một cái gì hết. Thầy chết đi, hoàn toàn cái thất của Thầy bằng tầm vông, cốt tre, Thầy chết ba hôm, năm hôm, một năm sau là bao nhiêu cái nhà này, nó sẽ bị bao nhiêu mối mọt ăn mục ruỗng hết thành ra một đống đất, Thầy không còn một cái nghiệp gì của chúng sanh nữa hết, thì Thầy an ổn trong Niết Bàn vĩnh cửu. Còn bây giờ Thầy lưu lại cái này, cái nọ kia, không chắc Thầy an ổn trong Niết Bàn. Mà cái nợ đó muôn đời, muôn kiếp phải trả.

Các con biết: “Vay một, trả mười”. Đời nay Thầy ăn các con một bát cơm, đời sau Thầy phải trả các con mười bát cơm. Cho nên của đàn na nặng lắm chứ không phải nhàn. Thế mà người ta đã ăn, mà còn phung phí bỏ. Chưa thấy cái đó là cái đau khổ, cái nước mắt của người khác. Người ta tìm ra một đồng đâu phải chuyện dễ, tại sao chúng ta không thấy được điều đó? Nhiều khi người ta cúng dường mình: năm nay người ta cúng dường, năm sau người ta đi ở tù.

Thầy nói thật sự mà. Có nhiều Phật tử đã đi ở tù, vì làm ăn của người ta thất bại, vì làm ăn người ta mang nợ, Nhà nước bắt người ta bỏ tù. Người ta muốn làm thiện, chứ không phải ai muốn làm ác. Con người chúng ta làm ăn, muốn làm điều tốt, không ai muốn làm điều xấu. Nhưng môi trường đẩy người ta đến chỗ người ta phải trở thành giả dối, gian xảo, chứ không ai mà làm cái chuyện gian xảo. Vì cuộc sống mà chúng ta phải vươn lên, vươn lên. Mà không có lối thiện được, thì phải đi vào lối ác chứ, để mà sống. Chúng ta không cảm được nỗi khổ đau đó, mà chúng ta nỡ tâm nào để mà ngồi đây, để mà lợi dụng người khác, lợi dụng tôn giáo để mà ở trên mồ hôi, nước mắt, xương máu của người khác? Chúng ta phải làm cho đúng.

Cho nên bổn phận của Thầy soạn thảo những bài “Giới Đức Làm Người”, “Giới Đức Làm Thánh” để chấn chỉnh lại Phật giáo. Và đồng thời, soạn thảo “Đạo Đức Nhân Quả” không làm khổ mình, khổ người để giúp cho con người chúng ta mọi người đều hiểu và thực hiện đời sống của chúng ta không làm khổ mình, khổ người. Như vậy, chúng ta cũng đủ giải thoát lắm rồi.

(32:48) Từ giải thoát không làm khổ mình, khổ người, tâm hồn chúng ta yên ổn, thanh thản, an lạc, thanh tịnh. Từ đó chúng ta mới đi vào Thiền Định. Lúc bấy giờ, hỏi về Thiền Định, Thầy sẽ dạy. Còn bây giờ quý vị hỏi về Thiền Định, hỏi để mà chơi, chứ quý vị làm gì được?

Đối với Thiền Định, quý vị biết, Thiền Định không phải như các vị ngồi thiền hít thở mà có Thiền Định được. Một ngàn năm sau, quý vị có ngồi mười giờ, hai mươi giờ không vọng tưởng, quý vị cũng chẳng ra gì. Thiền Định của Phật đã xác định rất rõ, là phải tịnh chỉ hơi thở. Nếu thân mà “định” mà còn thở, là thân gì, làm sao gọi là “Thân định”? Định là không động đậy. Định mà còn động đậy, là “định” gì? Cho nên khi mà nói “Thân định”, là thân không thở. Mà thân không thở, không phải là nín thở. Nó phải tịnh chỉ, chứ không phải đình chỉ, hay định chỉ nó, không phải nín thở để mà nhập Định được. Nó khó là ở chỗ chúng ta phải biết tu tập đúng cách thì chúng ta sẽ làm rất dễ dàng, yên ổn, không sai. Và như vậy, chúng ta mới làm chủ được cái sự chết, sự sống của chúng ta.

Cái này để dành riêng cho những người tâm đã thanh tịnh, tâm đã không làm khổ mình, khổ người. Tức là người đó đã sống đúng đạo đức. Còn những người sống chưa đúng đạo đức bây giờ dù muốn, Thầy cũng chẳng dạy. Vì họ chưa sống đúng đạo đức, thì họ còn tham. Họ còn tham mà bây giờ họ tịnh chỉ hơi thở được, thì họ có đủ sức thần thông, họ ra họ lòe bịp, họ lừa đảo bằng cái sức thần thông này, họ làm tiền, hoặc là họ làm bá chủ hoàn cầu nữa là. Cho nên, cái này đạo Phật không thể hướng dẫn cho những người còn tâm tham vọng mà có những hành động siêu việt, thì quả đất này, loài người này sẽ ra sao?

Cho nên đặc biệt, đạo Phật là lấy tâm “ly dục, ly ác pháp” mà làm chủ để tiến tới Thiền Định. Cho nên kẻ nào tu hành mà không ly dục, ly ác pháp mà tu tập Thiền Định, đó là một tham vọng rất lớn: một tham vọng mình muốn hơn người, mình muốn trở thành người siêu việt, mình muốn trở thành người có thần thông phép tắc.

Như các vị sư Lạt Ma, không ly dục ly ác pháp, mà tạo ra cho mình có những thần thông bằng các con đường Mật Tông, bùa chú. Rõ ràng các ngài đã tái sanh luân hồi, đã biết chuyện tái sanh luân hồi của mình, đã làm cho thế giới người ta điêu đứng, người ta không biết cách nào mà các ngài đã biết được như vậy. Đó rõ ràng là lừa bịp người khác.

Cho nên ở đây, đối với Thầy, những vị sử dụng thần thông không thể gạt Thầy được. Nhưng mà đối với các con, họ có thể gạt được các con. Cho nên họ gạt được các con, từ cái ông thầy bói nói tầm bậy, tầm bạ, các con cũng vẫn tin, vẫn bỏ tiền ra để coi bói. Thật là điên đảo, thật là ngu si! Thầy nói lời nói hơi quá nặng đối với các con, nhưng cũng là lời cảnh giác với các con, đừng quá ngu như vậy, để bị người ta lừa đảo.

(36:09) Hôm nay, các con có điều gì, thì hỏi Thầy, Thầy sẽ nói. Ngày mai, ngày mốt Thầy sẽ là du tăng khất sĩ, muốn gặp Thầy rất khó, tùy duyên. Có phước mới gặp, mà không phước là không gặp. Vì đức Phật đã nhắc nhở Thầy rất nhiều, rất đúng: “Có danh có lợi thì hãy ẩn bóng”. Nghĩa là bây giờ Kinh sách Thầy viết ra như vậy tức là có danh. Ngày nay, các con thấy một số người nhỏ, ngày mai nó sẽ chật cả chùa này, mà nếu Thầy cứ ngồi ở một chỗ, thì chắc chắn số lượng người mà đọc Kinh sách Thầy - họ tha thiết giải thoát, họ tha thiết biết đúng Chánh pháp của Phật. Hôm nay đọc được Kinh sách này, thì họ nghĩ rằng: “Đây là con đường có thể đưa họ đến giải thoát” và họ cầu mong sẽ gặp được người thiện tri thức.

Nhưng cầu mong để mà cầu mong, chứ sự thật họ tu được hay không? Hay biến Thầy trở thành một vị, một người đào kép hát, để hát cho họ nghe, để rồi về nhà, bản chất nào họ trở về bản chất nấy? Thầy đâu phải là một người ngu để trở thành một đào kép hát mà hát cho họ nghe. Các con nhớ kỹ, Thầy nói ra lời nói là vàng bạc để giúp cho các vị giải thoát, chứ không phải nói để mà nghe chơi. Cho nên người nào hữu duyên thì mới gặp, mà không hữu duyên thì không gặp.

4- RÈN LUYỆN THÂN TÂM

(37:25) Trưởng lão: Hôm nay các con gặp Thầy, đó là có duyên. Nhưng Thầy biết các con chưa đủ sức để mà giải thoát mình. Vì đủ sức để giải thoát mình, thì các con phải chọn lấy một Thiện hữu tri thức xứng đáng để mà theo gót Người, Người sẽ dạy các con từng chút, thì các con mới đi nốt cái quãng đường. Chứ các con ở xa vị Thiện hữu tri thức, sai một chút xíu, là các con đã rơi vào trạng thái ức chế tâm. Và rơi vào trạng thái ức chế tâm, thì các con sẽ thọ lấy cái khổ của các con.

Thí dụ, bây giờ nói “ăn ngày một bữa”, các con về nghe nói, ráng ăn ngày một bữa. Nhưng sáng đói bụng cũng muốn ăn, thì các con có ráng ăn ngày một bữa không? Như vậy rõ ràng là các con đã bị ức chế tâm. Các con hiểu sai một chút là ức chế tâm. Ức chế để chịu đựng thì tức là mình đã làm khổ mình rồi.

Người ta tu tập như thế nào, để rồi người ta ăn ngày một bữa mà người ta không bị ức chế? Còn các con chưa được mà các con lại ăn ngày một bữa, thì các con bắt buộc mình phải cố gắng như vậy là làm cho các con khổ đau, chứ không phải giải thoát. Vì đạo Phật không có thời gian, bắt đầu tu là có giải thoát ngay liền, mà không có giải thoát là tu sai.

Cũng như bây giờ các con ngồi thiền: kéo chân lên ngồi, hai chân đau, tê, ráng ngồi, ráng ngồi cho hết giờ. Ngồi đau đổ mồ hôi hột, mà ráng. Như vậy, các con có làm khổ mình không? Đó là ác pháp đó các con. Chứ đâu phải. Đau nhức như ai bẻ giò. Đau nhức như ai đốt lửa. Thế mà ráng ngồi. Tê gần như cóng. Tê gần như là khắp cả người. Thế mà cứ ráng ngồi, ráng ngồi để cho nhập Thiền Định. Nhập gì? Nhập cái khổ đau, chứ nhập Thiền Định gì.

Sự thật nói như vậy là đụng chạm lắm. Thầy không chủ trương điều đó đâu. Thầy ngồi, là thân tâm an ổn. Cho nên Phật dạy: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”, phải không? Các con thấy không? “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Nếu không an tịnh, tức là chúng ta tu sai. Mà có an tịnh, thì tức là tu đúng.

Đó, ông Phật đã nhắc nhở chúng ta như vậy. Mà giờ ngồi đau đó, mà cũng ngồi à? Ác pháp mà không xả. Đâu phải chờ người ta chửi mình, mình mới xả. Các con hiểu không, mình đã tự làm khổ mình. Ai buộc mình ngồi tréo chân đó cho khổ? Có phải tự mình mình ngồi tréo chân không? Mà mình muốn ngồi tréo chân để làm gì ư? Để làm Phật chứ gì? Đó là tâm tham của mình. Suy ra từ tham mà chúng ta trở thành ác pháp. Chúng ta tu như thế đâu giải thoát.

Thầy ngồi trên ghế thế này, tâm hồn Thầy thanh thản, vô sự. Có một niệm nào khởi lên Thầy biết nó là Dục Lậu, Hữu Lậu, Vô Minh Lậu. Niệm nào, nó là ác pháp, nằm chỗ nào, Thầy xả ly. Quán xét mà xả ly, thì tâm hồn Thầy trở về thanh thản, an lạc, vô sự.

Thầy ngồi đây suốt ngày mà tâm hồn Thầy thanh thản, an lạc, vô sự thì Thầy là người Giới đức rồi. Thầy không làm khổ ai cả. Bởi vì Thầy ngồi đây Thầy có làm ai khổ? Chính những pháp mà nghiệp lực của Thầy đã huân nó, bây giờ chính nó đem vô đầu Thầy, nó làm cho Thầy khổ đó. Mà Thầy chạy theo nó, tức là Thầy tự làm khổ mình thôi. Cho nên, Thầy biết cách Thầy quán xét, Thầy xả ly nó. Thầy ngồi đây Thầy xả, và ngày này qua ngày khác thanh thản như vậy, tâm Thầy định trên thân. Cho nên, Thầy bất động trước các pháp.

(40:32) Do đó, Thiền Định - Thầy cần phải tréo chân ngồi cho đau, để mà làm gì? Cho nên cuối cùng, các con biết rằng Thầy cũng đã tu, cũng đã tập, cũng đã ngồi thiền cho đến ba tiếng đồng hồ chứ không phải không. Khi Thầy lên Chơn Không Thầy tu theo Hòa thượng Thanh Từ. Lúc bấy giờ sức của Thầy mới tập ngồi có ba mươi phút à, nhưng Hòa thượng buộc là phải ngồi một giờ. Chu choa, sao mà ba mươi phút sau, nó đau quá trời. Coi như là Thầy ngồi, nó run mình, nó run tự ở trong các thớ thịt, nó đau quá. Tất cả các bắp thịt ở trong người nó run lên hết. Nhưng mà mọi người, người ta không xả, mà mình xả thì coi sao được. Ráng! Cho nên Thầy cũng ráng. Nhưng mà thầy Thanh Từ ngài cũng biết được cái nỗi khổ đó, cho nên ngài lấy bàn tay ngài để trên lưng Thầy, Thầy cũng nghe nó cảm được cái gì. Không biết có phải Thầy sợ Hòa thượng hay không, mà nghe nó bớt đau. Đó là cách thức hồi lúc mà Thầy về Chơn Không, Thầy tu như vậy.

Cho nên Thầy sau khi biết được Phật pháp, Thầy ngộ ra mình đã làm khổ mình mà mình không biết, khổ rất khổ. Cho nên ở đây, khi tu mà chúng ta tịnh chỉ hơi thở, bây giờ chúng ta bảo: “Hơi thở tịnh chỉ, ngưng. Nhập định bảy ngày đêm mà ra”. Dặn nó vậy rồi bắt đầu Thầy ngồi đó bảy ngày đêm nó xuất định ra. Như vậy nó có đau nhức gì đâu nhưng nó không thở nữa, thì nó có hoạt động đâu mà nó biết đau, phải không? Nhưng mà Thầy có bất tỉnh không? Không, Thầy tỉnh bơ chứ Thầy có ngất đâu. Nhưng mà Thầy không cảm giác được, tại vì nó ngưng hoàn toàn.

Còn bây giờ nó đang thở mà cứ bảo ráng, ráng mà ngồi một, hai tiếng đồng hồ, nó đau thấy mồ thấy tổ. Nó đau như là, Thầy nói thật sự, ai đè cái núi Ngũ Hành Sơn ở trên thân mình. Cho nên khi mà tới giờ chuông đồng hồ reng một cái, trời ơi, lôi cái chân xuống cũng như bằng để hòn núi xuống ấy các con ạ. Các con có tu, các con biết chứ, bộ Thầy nói…​ (cười). Nghĩa là coi như trong lúc đó, Thầy là người gác đồng hồ, chứ không phải không đâu, Thầy ngồi Thầy gác đồng hồ. Trời ơi! nó đau rồi Thầy nói một phút mà trôi qua nghe nó lâu quá! Cái kim đồng hồ, sao bây giờ nó chạy chậm ghê gớm. Nó đau là hồi đó nó thấy, kinh lắm các con. Đây là những kinh nghiệm đã đi qua mình trong sự tu tập. Cho nên Thầy biết rất rõ. Thầy nói, ai có tu rồi thì các con cũng đồng một bệnh với Thầy chứ không ai khác hơn hết đâu.

(42:59) Cho nên vì vậy mà các con hiện giờ đã được Thầy chỉ cho các con bước đầu vào tu là các con có giải thoát liền. Nếu các con xét thấy, các con sẽ rõ: có kết quả, có kết quả của sự giải thoát rồi! Các con đừng có nghĩ kết quả cao là hiện giờ các con phải tịnh chỉ hơi thở, ngưng để làm chủ sự sống chết, để hướng tâm đến Tam Minh, biết nhiều đời nhiều kiếp. Đừng nghĩ cái điều đó các con.

Mà các con nghĩ hàng ngày mình sống này: Ăn sao ngày một bữa mà sáng mình không thấy đói này, chiều mình không thấy đói nè, trưa nè. Mình phải sống, tập như thế nào để sống cho được những Đức Giải Thoát này. Hàng ngày, mình làm sao mỗi tâm niệm mình tỉnh thức để mình xả được cái tâm của mình, thì mình tìm thấy sự giải thoát nơi đó. Hàng ngày mình ngồi lại, mình nghe tâm hồn mình thanh thản, an lạc, và vô sự. Nó được bao nhiêu giây, thì mình thấy đây là sự giải thoát.

Còn bây giờ các con cứ nhìn cái lớn, để chọn lấy ông Phật rồi các con sẽ cố gắng tu sau. Chắc chắn điều đó sẽ không thể tu nổi. Cho nên, Thầy nghĩ nếu tu nổi, thì chúng ta sẽ có nhiều người, quả là giải thoát hết, không còn tham sân si nữa. Ông Phật sao còn tham, sân, si? Ông Phật sao còn tham ngủ? Ông Phật sao còn tham ăn? Nội cái đó chúng ta đã thấy rằng người Kiến Tánh sao còn tham ăn quá? Vậy mà gọi là “Kiến Tánh thành Phật”? Đâu có thể được. Thầy không chấp nhận điều đó đâu.

Nếu đã là Phật, thì không tham ăn. Ăn do đâu mà tham? Do tâm của mình, chứ đâu phải thân của mình đòi ăn mà nó ăn được. Như vậy cái thây ma, nó có lết đi ăn không? Do tâm của mình chứ, mình muốn lết, mình đi kiếm ăn. Chứ còn cái thân nó đâu có lết được. Ai bảo nó đi, cái tâm bảo chứ, đâu phải là cái thân đi. Cho nên chúng ta muốn đi là ai muốn? Cái tâm muốn chứ đâu phải cái thân muốn. Đó, chúng ta phải thấy cái điều kiện, nó cụ thể và rõ ràng.

Và cái thân này nó chịu ảnh hưởng của thói quen. Thí dụ như một người uống cà phê, một người ghiền thuốc phiện. Trước kia nó không ưa cái thứ đó, nhưng mà vì cái tâm bảo “Mày làm thử, hút thử đi”. Bây giờ nó hút thử rồi, lần lượt nó bắt đầu ghiền. Nó nghiện, bây giờ mới tới cái thân sai này.

Thân sai: trong khi mà không có thuốc phiện, nó làm cho ói mửa, hoặc là làm thế này thế khác, làm khổ sở mình, mình muốn hút vô cho nó khỏe. Đó, lúc bấy giờ nó trở thành cái bệnh gọi là “ghiền”; thì cái thân của chúng ta nó sai chúng ta là lúc bấy giờ nó trăn trở, nó không có cái chất đó nó làm cho chúng ta khổ sở. Đó là thân sai chúng ta. Còn đầu tiên là cái tâm sai chúng ta hết.

Bây giờ thí dụ như Thầy ăn ngày một bữa, Thầy thấy giải thoát. Còn mấy con ăn ngày một bữa, sáng thấy đói, thì cái đó là cái gì? Là cái thân sai mấy con, tại vì mấy con đã bị cái tâm nó sai các con muốn. Bây giờ Thầy ăn một bữa, bây giờ Thầy nói: “Thôi bây giờ ăn sáng chơi, thiếu gì đồ ăn, mình ăn chơi chứ bộ mình ghiền nó sao”. Nhưng ăn rồi, mai mốt sáng không ăn, cái bụng bấy giờ nó đói. Nó đói, bây giờ cái bụng nó sai mình đi ăn, chứ không phải là cái tâm nữa. Có phải vậy không?

Còn bây giờ, Thầy không ăn sáng. Cái bụng Thầy nó không đói. Tức là cái thân Thầy không sao. Mà bây giờ Thầy nói: “Thôi bây giờ đồ ăn nhiều quá, thôi ăn chơi đi, bỏ uổng, thôi ăn”. Ăn mấy bữa rồi, thì mấy bữa sau tới cái thân nó sai. Cho nên cái thân nó sai.

Vì vậy mà chúng ta lo tu cái tâm: “ly dục, ly ác pháp”. Khi tâm thanh tịnh, thì chúng ta dùng cái tâm mà sai cái thân. Cho nên cái thân tịnh chỉ hơi thở. Làm như vậy mới đúng chứ. Còn bây giờ cái tâm chúng ta, nó còn danh, còn lợi, còn đủ thứ ô nhiễm thế tục, mà bây giờ bảo cái thân này tịnh chỉ, ngồi thiền bảy, tám ngày; ráng ngồi mười hai, hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Ông nội nó đau, đau chứ sao không đau? Nó đau thấy mồ thấy tổ. Đó là cái chúng ta tu sai, không đúng.

Biết cách tu thì chúng ta đi từng Giới luật một, mà chúng ta đi đến chỗ giải thoát. Không biết cách tu thì chúng ta tu sai, chúng ta không đi đến chỗ giải thoát được.

(46:57) Bây giờ đến phần quý Phật tử hỏi Thầy, có ai muốn hỏi gì thì hỏi. Mai mốt tìm Thầy khó lắm.

Người nào có duyên, Thầy đi đâu đó rủi mà các con đi làm ăn mà nghe nói Thầy ở chỗ này, đến gặp Thầy, đó là cái duyên. Mà nghe nói: “Thôi Thầy ở chỗ nào không biết, nhưng mà có duyên mình gặp, tức là có duyên, thôi bỏ hết để đi theo Thầy mà tu”, thì người đó còn có duyên hơn nữa.

Nghĩa là lúc bấy giờ xin quyết định theo Thầy tu hành mà Thầy thấy căn duyên xả bỏ hết. Như bây giờ đương (đang) chở một cái tàu hàng hóa đi ra Hà Nội bán, mà bây giờ: “Thôi, con giao hết cho mấy đứa tụi nó đem về, con đi theo Thầy tu; bây giờ gặp được Thầy là phước báo con lớn lắm, con không còn ham muốn nó nữa”. Lúc bấy giờ cái người mà như vậy, chắc Thầy không bỏ. Thầy dẫn đi theo. Phải không các con?

Còn các con mà không bỏ cái tàu hàng hóa của các con mấy tỷ bạc ấy thì thôi, chắc chắn là bây giờ có xin theo Thầy cũng nói: “Để con đem về, rồi ít hôm rồi con xin Thầy độ con tu” thì thôi, cái chuyện đó thì chờ cái duyên sau đi, cái đời sau đi. Chưa xả bỏ được, thì đừng mong theo Thầy. Bởi vì xả bỏ được, đi theo Thầy mới ở trong rừng, trong núi, trong hang, trong hốc, lúc đói, lúc no, đủ thứ, đủ cách, muỗi mòng đủ cách…​ mà vẫn chịu đựng, thì cái người đó là người gan dạ, nên đem Chánh pháp mà dạy họ những pháp siêu việt, để cho giúp họ giải thoát.

Còn nếu những người sợ muỗi, sợ mòng, sợ này kia, sợ khổ đau…​ thì thôi, mấy người ấy về “đời” mà sống đạo đức là tốt hơn, chứ đừng theo Thầy, không nổi đâu.

Đó là ước nguyện, phát nguyện của Thầy. Cho nên vì vậy đó là cái duyên gặp Thầy, thì nghĩ cho kỹ. Bây giờ các con cứ hỏi Thầy đi, Thầy sẽ dạy đạo đức cho các con.

5- CÁCH ĂN NGÀY MỘT BỮA KHÔNG BỊ ỨC CHẾ

(48:35) Phật tử 1: A Di Đà Phật, Thầy nói tránh ức chế tâm, tức là mình phải huân tập cái thân của mình qua cái tâm.

Nhưng hiện tại như các con còn đang bị cái thân sai sử, mình đói bắt cái thân phải kiếm ăn. Mà con chắc chắn rằng trong giai đoạn đầu, nếu con muốn không ức chế tâm, thì con phải có một thời gian tu tập thế nào đây. Chứ nếu không, đến cơn đói nó làm con run cả tay chân, chắc chắn điều ấy sẽ xảy đến với chúng con. Mặc dầu, con đã hàng phục được cái tâm của mình, quyết chí để lấy cái tâm làm chủ cái thân.

Con xin Thầy dạy cho chúng con kinh nghiệm thế nào để mình hàng phục tâm để mau có kết quả; làm chủ được cái thân, dẹp những cơn đói làm run rẩy mà tự nhiên nó run rẩy thân, A Di Đà Phật.

(49:20) Trưởng lão: Trong vấn đề tu tập đó, không phải là tu một ngày. Nếu mà nói mình tu một ngày để ăn được một bữa cơm như một vị thầy, thì đó là một việc ức chế. Cho nên mình muốn tu được như vậy, thì Thầy muốn nhắc nhở cho quý vị đừng nên ức chế nó.

Là như vầy, ngày ba bữa: sáng mình ăn, trưa mình ăn, chiều mình ăn. Mà bây giờ thay vì buổi sáng mình ăn cơm hoặc ăn bánh, thì mình ăn cháo. Nó có đói nữa đâu, phải không? Rồi bắt đầu từ cháo đó, mình thay sữa. Từ sữa đó mình thay, mình thay dần, tới chừng đó mình thay nước, phải không? Từ nước đó mình bỏ luôn, thì tức là nó nhẹ nhàng, nó đâu còn đói nữa. Còn vô cái bắt đầu như Thầy ăn một bữa, mấy con cũng nhào vô ăn một bữa “Ôi! trời ơi, đói muốn chết”, thì như vậy là ức chế chứ gì, phải không các con?

Bởi vậy Thầy nói: Tập! Phải tu tập. Chứ đừng có mong mau thời gian mà thấy Thầy ăn một bữa cái, mình cũng nhào vô ăn một bữa. Thầy giải thoát, mình cũng làm cho được giải thoát. Không ngờ là mình ức chế mình. Cái thân nó đâu phải vậy, mấy con. Nó làm khổ mấy con nhiều lắm, mà chính là ác pháp ở trong sự khổ đó của các con đó. Các con có giải thoát không?

Còn bây giờ thay vì sáng các con phải ăn bánh mì, hoặc là bát cơm, hoặc là bát phở phải không? Các con: “Không! Bây giờ mình nấu cái chén cháo lỏng mình ăn rồi nó có đói nữa không”? Một tô cháo rồi nó đâu có đói nữa. Đến trưa mình ăn cơm, có gì đâu. Mai mốt mình thấy nó ăn cháo quen rồi, nó không có đòi, nó không có gì nữa hết, thì mình thay chén cháo bằng chén sữa chứ có gì. Được không? Các con thấy có khổ không? Đâu có khổ. Bởi vậy tu là phải vậy, tu là phải tập. Tập dần nó hết khổ. Từ đó chúng ta biết từ cái thân của chúng ta tập như thế nào, rồi cái tâm của chúng ta cũng tập như thế nấy.

Cho nên đức Phật nói: “Chúng ta hãy như người huấn luyện voi” - một người nài để mà tập luyện dần, chứ không phải là bắt buộc nó thế này, thế kia. Con voi mà bắt buộc, nó sẽ bẻ đấy. Con trâu nó còn bẻ nài, bẻ ống cơ mà. Các con nhớ, mình đừng có làm hung dữ với nó, đâu được. Mình phải dụ dỗ dần dần, lần lần cho nó nhẹ dần. Bởi vậy Thầy nói: “Chỉ có cái tâm tha thiết tu, hay là không tha thiết tu thôi”. Mình tha thiết tu giải thoát thì mình tập dần là sẽ được. Có ức chế không? Không!

Không thì ngồi vô đây bắt buộc cái đầu của mình đừng có vọng tưởng. Trời đất ơi, đâu phải chuyện dễ đâu. Nó là chuyện ức chế. Cho nên, nó không lọt vào được Tưởng thì nó lọt ở chỗ nào nữa. Nếu bây giờ nó hết vọng tưởng rồi thì nó phải vô Tưởng thôi chứ làm sao mà chạy đi đâu khỏi?

Còn trái lại, Thầy không tập như vậy, mà cuối cùng không vọng tưởng. Tại vì, Thầy xả cái tâm. Mỗi tâm niệm nó lên, Thầy quán xét: “Ờ, cái này là ác pháp nè”. Cho nên Phật dạy: “Ngăn ác, diệt ác” mà. Cái này là ác pháp, không được để cho tâm mình thọ cái ác pháp này, sẽ khổ. Do đó lần lượt Thầy cứ tu tập rồi tu tập. Và đồng thời, Thầy dùng pháp Như Lý Tác Ý, Thầy tác ý Thầy nhắc nó. Và cứ như vậy, mỗi lần, nhắc như vậy mà với lòng nhiệt tâm, thì lần lượt tâm của mình nó sẽ không còn tham sân si; thì ngồi lại nó có niệm đâu.

Còn không, trời ơi, tâm còn ăn ba bốn bữa, còn ham muốn cái này kia, mà ngồi biểu ráng đừng có vọng tưởng, niệm Phật giữ cho hết vọng tưởng, thì cái đó là ức chế. Các con hiểu chưa? Đức Phật nói đâu có sai. Đạo Phật đâu có dạy chúng ta vậy. Phải không, các con thấy tu dễ không? Đâu có khó đâu. Biết mà tu là dễ lắm. Cho nên, khi mà mình xả được cái niệm ác chứ gì, mấy con có thấy giải thoát không? Giải thoát ngay trong tâm mình liền, thanh thản liền mà, phải không? Đó là tu đúng.

Thầy nói thật sự theo Thầy mà sống, thì Thầy dạy mấy con tu, mấy con không có ức chế chút nào đâu. Nhưng mà sợ Thầy không có đủ sức mà theo dõi các con. Bởi vì các con bị ảnh hưởng của ngoại đạo, nó đã ăn sâu vào đầu óc các con. Hở ra một chút các con ức chế tâm các con liền. Mà ức chế thân nữa. Cái tâm tham đắm của các con nó quá nhiều đi, cho nên các con muốn mau. Vì vậy mà các con tập không có đúng.

Theo Thầy từ từ, từ từ mình sửa lần sửa lần. Sửa lần nó sẽ đi đến giải thoát. Từ cái sửa đã giải thoát rồi. Cho nên đức Phật nói: “Chúng ta phải sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt”. Những lỗi nhỏ nhặt đó, nó đưa đến chúng ta không giải thoát đâu. Chúng ta sợ hãi nó, cho nên vì vậy mỗi cái, chúng ta đều sửa lại mình, đừng có làm. Thì từ chỗ sửa đó, cái sai sẽ được thành cái đúng. Chứ không có gì hết.

Các con hỏi gì nữa không?

6- PHÁP TÁC Ý VÀ PHÁP NHƯ LÝ TÁC Ý

(53:43) Phật tử 2: Kính bạch Thầy, con có thắc mắc từ trước, chứ không phải là mới đây, là pháp Như Lý Tác Ý con không có hiểu rõ. Nhưng mà vừa qua được Thầy dạy cho cách nhịn đói, tập nhịn để mà ăn một ngày một buổi. Thì từ cái đói mình chuyển qua ăn cháo, rồi uống nước, như vậy có phải là tác ý như vậy không? Xin bạch Thầy chỉ ạ.

(54:15) Trưởng lão: Được rồi, các con chưa hiểu “tác ý” và “Như Lý Tác Ý”. Cái mà con hỏi Thầy đó là “Tác Ý”, chứ không phải là “Như Lý Tác Ý”, các con hiểu không?

“Như Lý Tác Ý” là pháp ám thị của tâm mình. Cho nên mình phải đặt một câu trạch pháp ra, tức là mình chọn lựa một câu nào đó. Thí dụ như bây giờ Thầy chọn lựa một cái câu, Thầy nói: “Tâm như cục đất, không có tham sân si nữa nhe”. Đó là Thầy ám thị như cái lý cục đất, là nó không tham sân si đó, nó như cục đất đó. Thầy ám thị, tức là Thầy trạch pháp câu đó ra, nó phù hợp với Thầy.

Hoặc là Thầy đặt trạch pháp ra một cái câu khác, thí dụ như: “Tâm ly dục, ly ác pháp đi”. Thầy nhắc bảo nó: “Tâm ly dục, ly ác pháp đi, đừng có ham muốn, đừng có ở trong ác pháp nữa, khổ lắm”. Thầy nhắc nó vậy. Hằng ngày Thầy nhắc nó. Đó là “Như Lý Tác Ý”. Còn bây giờ là “tác ý”, tác ý là khác đó.

  • Các con nhớ Như Lý Tác Ý: như một cái lý, tức là nó có một cái lý của nó, để tác cái ý đó ra.

  •  

    Còn bây giờ có một cái pháp nào hiện đến, Thầy “tác ý” ra cái pháp đó để mà Thầy giải quyết nó.

Bây giờ cái pháp đói bụng đến, bây giờ Thầy mới quán xét, Thầy tư duy: “Cái đói này là do mình quen ăn uống rồi nó thành thói quen, cho nên nó đói. Vì vậy bây giờ, cái đói này nó không thực, và làm cho mình mất sức đâu mà sợ. Nhưng mình biết rằng mình phải tập, dần dần thì nó sẽ quen đi, chứ không nên ức chế nó, làm khổ nó”. Đó là tác ý cái lý để chúng ta biết được cách thức chúng ta sẽ làm. “Bây giờ mình ăn như thế nào? Hồi nào sáng mình phải uống một ly sữa, một ổ bánh mì. Bây giờ mình bỏ, uống ly sữa thôi, bánh mì làm gì. Dụ nó làm. Dụ cho làm cái thân mình nó quen”. Thì đó là mình tác ý, mình suy tư để mình phá cái pháp này, phá cái pháp đói của mình. Thì như vậy là “tác ý”.

Còn bây giờ, Thầy không phá như vậy. Mà Thầy nói: “Cái đói này là vô thường, không thực, mày phải đi đi, mai mốt tao không có tha mày đâu”. Nhưng mà kèm theo cái tác ý thì chúng ta phải sống ăn cháo, hoặc là bột, hoặc là sữa. Chúng ta phải biết cách chứ. Chứ không phải là nói mình Như Lý Tác Ý rồi bắt đầu mình sống ức chế nó, thì sai. Mình Như Lý Tác Ý để cho nó có cái nhớ, đừng có quên. Cho nên từ đó mình lại sống đúng, lần lượt mình xả dần, xả dần thì nó hết.

Chứ không phải Như Lý Tác Ý mà mình ép nó quá, mình dùng cái đó để mình ức chế nó quá, thì cái pháp Như Lý Tác Ý là cái pháp ức chế rất mạnh. Nhưng mà chúng ta tạo nó thành lực, chứ không phải chúng ta dùng nó để ức chế. Nhiều khi cái tâm mình bây giờ nó còn tham, mình nhắc nó, tại sao nó không hết tham? Nhưng mà nhắc nó để nhớ, mai mốt nó khởi muốn cái gì đó, thì mình dừng nó lại. Mình dừng nó lại, mình tác ý ra, mình mới quán xét để cho cái tâm tham của mình xả ra, hiểu không?

Bởi vì Như Lý Tác Ý là chỉ tạo cho nó một cái lực đó thôi. Còn cái Tác Ý thì giúp cho chúng ta xả ngay cái pháp đó liền, tức là diệt ác liền. Như vậy được chưa? Các con phải phân biệt rõ giữa Tác Ý và Như Lý Tác Ý. Chứ không khéo thì chúng ta lại không hiểu.

7- TRẢ LỜI CƯ SĨ VỀ “TÂM”

(57:37) Phật tử 3: Mô Phật! Bạch Thầy, con nghe nói rằng sau khi mình chết rồi thì không còn cái linh hồn, mà còn cái tâm. Nhưng mà theo đệ tử thì vẫn còn lờ mờ, không biết thế nào là cái tâm, rồi thế nào là cái linh hồn. Con xin Thầy dạy.

(58:02) Trưởng lão: Bây giờ nói về cái tâm. Cái tâm là một danh từ để chỉ chung cho chúng ta ba cái biết, chứ không phải một cái biết đâu. Nhưng mà nói đến cái biết, như hồi nãy Thầy nói, có ba cái biết. Nhưng mà nói đến cái biết của Thân, thì nó có sáu cái biết, phải không? Nói đến Thân thì nó có sáu cái biết. Tại sao nói nó có sáu cái biết lận?

Bây giờ chúng ta nghe âm thanh, thì cái nghe để mà biết âm thanh đó là tiếng chim, hoặc tiếng người nói, hoặc là tiếng đờn (đàn), hoặc là tiếng nhạc…​ Tự trong cái nghe đó nó có cái biết. Chứ không phải nghe đó rồi, nó mới truyền qua cái biết của chúng ta, không phải đâu. Trong cái nghe nó biết. Cho nên Phật nói là: “Nhĩ thức” - cái nghe của cái biết mà, phải không?

Cho nên Nhãn thức - bây giờ chúng ta thấy màu trắng, màu xanh, màu đỏ, thì trong cái Nhãn thức đó thì nó có cái thức, nhãn thức là cái thấy biết mà. Thấy để mà biết cái màu sắc đó, cho nên mà gọi là nhãn thức. Mà chúng ta có sáu cái thức như vậy, gọi là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý thức, phải không?

Cho nên đối với cái Thân chúng ta hiện giờ sử dụng, người nào mà nhãn căn (con mắt) này bị mù đi, nó không thấy được, thì nó không phân biệt được màu sắc, nó thấy đen tối hết. Cái lỗ tai này điếc thì chúng ta không nghe âm thanh. Cái đầu chúng ta, nó còn biết chứ, tại sao nó không nghe, phải không? Cho nên chúng ta không nghe vì cái biết của nhĩ thức của chúng ta, nhĩ căn nó hư rồi, nó không thể tiếp nhận được âm thanh bên ngoài.

Đó là về cái Thân của chúng ta, nó có sáu cái biết.

Nhưng mà về cái Tưởng của chúng ta, thì nó chỉ có cái biết trọn vẹn của nó ở trong Tưởng. Nghe, thấy, biết tất cả, nó trong Tưởng. Thí dụ như quý vị nằm chiêm bao. Tối quý vị ngủ: tai đâu còn nghe, ý đâu còn khởi niệm, mắt không còn thấy vì mắt nhắm lại ngủ còn đâu thấy được. Thế mà nằm mộng thì vẫn thấy, biết, nghe, đủ thứ hết phải không? Đó gọi là Tưởng thức. Hồi nãy Sắc thức rồi, bây giờ là Tưởng thức.

Bây giờ còn cái Tâm thức của chúng ta - cái thức mà đức Phật nói “Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức”. Cái thức cuối cùng này nó chưa hoạt động đâu quý vị. Nó hoạt động là khi nào quý vị đang nhập Tứ Thiền. Nghĩa là quý vị phải ngăn, phải tịnh chỉ, phải làm cho cái Sắc thức của quý vị ngưng hoạt động, cái Tưởng thức ngưng hoạt động - tức là chiêm bao không còn hoạt động nữa, không còn giấc mộng nữa, và cái Ý thức của quý vị (sáu cái thức này) cũng ngưng hoạt động hoàn toàn, thì cái Tâm thức kia nó mới hoạt động.

Cho nên người mà nhập Tứ Thiền, người ta tịnh chỉ hơi thở, thì con mắt không còn thấy nữa. Mà tịnh chỉ hơi thở, thì cái Tưởng người ta không hoạt động được nữa, bởi vậy nên cái chiêm bao người ta cũng không có nữa. Do đó, người ta mới đánh thức cái Tâm thức của người ta dậy, tức là cái Thức thức. Thức thức nó dậy, người ta mới hướng cái thức đó, đi đến Tam Minh, mới biết được nhiều đời nhiều kiếp.

Cho nên nói về Tâm, thì chúng ta phải thấy nó có ba cái thức của nó, không thể riêng biệt. Nhưng cái này khi mà chúng ta chết rồi, ba cái này hoại diệt toàn bộ, không có cái nào còn. Cho nên linh hồn chúng ta không có. Cái tâm cũng không có, chứ không phải nó có, theo lời Phật thì hoàn toàn không có.

(01:01:09) Nhưng cái gì mà chúng ta còn tiếp tục tái sanh luân hồi đây? À, cái này nó đặc biệt. Bởi vì đức Phật đã nói là còn luân hồi chứ đâu phải đã hết luân hồi.

Hàng ngày, quý vị chửi người ta một tiếng đó, quý vị làm một điều ác; quý vị làm một điều thiện, ban cho người ta một bát cơm. Thì những hành động đó sẽ lại tiếp tục đi tái sanh luân hồi, gọi là nghiệp đi tái sanh. Chứ không ai nói linh hồn đi tái sanh. Cho nên phải hiểu như vậy. Vì vậy mà toàn bộ ba cái thức này thì chúng ta phải biết rất rõ.

Vì vậy, lúc mà người tu đánh thức được cái Tâm thức của họ, thì người ta sẽ biết được nhiều đời nhiều kiếp. Người ta ngồi đây mà người ta thấy được ở bên Nhật Bổn, ở bên Pháp, ở bên Mỹ, những thân nhân người ta nơi đó được. Là tại vì cái không gian nó không có ngăn cách đối với cái Tâm thức. Cái Tâm thức lúc đó nó không có không gian. Và người ta biết được cái Lậu tận của người ta. Cái nghiệp mà còn tái sanh luân hồi nó đã diệt sạch, hay là chưa diệt sạch, người ta biết hết. Đó là cái chỗ mà Tam Minh, cái chỗ đó là Tâm thức của chúng ta.

Vì chúng ta chưa đóng được hai cái thức: Sắc thức và Tưởng thức. Chúng ta chưa đóng được, cho nên cái Tâm thức của chúng ta không hoạt động được. Các con hiểu chưa? Cho nên do chỗ này mà đạo Phật mới dẫn chúng ta đi đến chỗ đánh thức Tâm thức của chúng ta dậy. Hễ muốn đánh thức nó, thì phải đóng mấy cái này lại. Mà đóng cái này lại, thì chỉ có: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền mới đóng nó lại mà thôi, không có thiền nào mà có thể đóng nó lại được. Còn Thiền Đông Độ thì họ bị rơi vào Tưởng. Bởi vì họ đóng được Ý thức của họ, cho nên họ rơi vào Tưởng. Họ sống ở trong trạng thái Tưởng.

Chúng ta cứ nghĩ đi, Tưởng với Ý thức của chúng ta nó câu hữu với nhau. Ngồi đây một chút chúng ta khởi cái niệm, gọi là vọng tưởng, đó là Tưởng đó. Chúng ta đang sống trong Tưởng. Cho nên thí dụ như bây giờ một người ngồi yên lặng như thế này, mới vô đầu thì vọng tưởng xen tới xen lui. Bắt đầu lặng không thấy nó nữa, ngồi vô không thấy nó vọng tưởng nữa, tưởng là mình đang biết chứ, không ngờ là cái Tưởng thức biết. Lúc bấy giờ chúng ta đang trong chiêm bao mà chúng ta không hay. Nghĩa là chúng ta đang biết chúng ta đang ở đó, nhưng mà biết trong Tưởng thức, chứ không phải là biết trong Ý thức nữa.

Cho nên vì vậy mà đức Phật nhắc chúng ta thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô. Thở ra tôi biết tôi thở ra”. Không nên để cho nó rớt ở trong cái Tưởng thức, mà phải giữ cho nó ở trong Ý thức. Cho nên cứ tác ý thôi. Quý vị nhớ kỹ Mười Sáu Đề Mục Thiền của Phật đâu có cho chúng ta ngồi yên lặng đâu, luôn luôn phải tác ý. Mà tác ý ra thì giữ Ý thức chứ gì? Còn nếu mà chúng ta không tác ý, thì chúng ta bị rơi vào Tưởng thức. Cho nên nó thay thế. Chúng ta tưởng ai cũng nhào vô được: “Thầy ơi, an lạc quá!” nhưng mà không ngờ là mình đã rớt trong Tưởng rồi, không biết đó.

Còn cái này, mục đích người ta phải diệt luôn cả Tưởng mà. Bắt đầu, người ta dùng ý người ta tác ý. Tác ý cho cái Ý thức của chúng ta hoàn toàn nó có cái sự tỉnh thức, nó không bị mất. Khi mà nó không bị mất rồi, nó ly được cái tâm danh, tâm lợi, tâm ác pháp của nó rồi - tức là “ly dục, ly ác pháp” ấy - nó ly được rồi, thì bắt đầu chúng ta dùng pháp Như Lý. Bởi vì pháp Như Lý của chúng ta - Ý thức của chúng ta dùng pháp Như Lý để mà tác ý - nó có cái lực. Sau khi nó có đủ cái lực, nó mới ly được cái tâm tham đắm của chúng ta. Cái “ly dục ly ác pháp” của chúng ta được trong tâm chúng ta rồi, cho nên nó làm cho tâm chúng ta thanh tịnh rồi, thì bắt đầu chúng ta dùng cái lực của pháp Như Lý Tác Ý này chúng ta mới tác ý các Hành trong Thân, bắt buộc cái Thân nó phải bất động, để cho nó nhập Định.

Các con thấy phương pháp, cách thức của người ta đi, tu tập nó có cách thức như vậy đó. Thế mà chúng ta không biết thì chúng ta tu ngàn đời chúng ta cũng không nhập Định được. Cho nên ngồi thiền, mà rồi ngồi riết, kéo dài riết, mà không vô Định đâu, không có đâu. Cái đó là định điên, định khùng, cái định xuất hồn của mấy người, chứ không phải Định của Phật giáo. Đó, mấy người hiểu chưa, mấy người hiểu rõ rồi phải không?

Ở đây, Thầy nói rất bài bản, rất rõ ràng các pháp của Phật, danh từ nào sử dụng đúng nghĩa của nó chứ không có trật. Chứ không phải như các nhà học giả mà họ lượm qua các danh từ, chữ nghĩa họ lượm miết, sai hết à. Đó, bây giờ muốn tu được như vậy thì phải ráng tu. Chứ không ai tu cho mình được hết.

Bây giờ có ai muốn hỏi thêm nữa không?

8- ĐỪNG DẪN ĐẠO VÀO TÂM, HÃY DẪN TÂM VÀO ĐẠO

(01:05:11) Phật tử 4: Dạ bạch Thầy, con đi vào con thấy có cái bảng đề lời Phật dạy là: “Đừng để đạo vào tâm, hãy để tâm vào đạo”, con không hiểu rõ được như thế nào. Con nghĩ là “đạo vào tâm” thì là làm cho tâm sáng, nhưng mà tại sao lại không được để đạo vào tâm?

Trưởng lão: Bởi vì mình huân cái đạo vào, cái ngã mình lớn, mình nói ờ mình hiểu đạo đây, đi đâu mình cũng nói đạo không đó. Nó sáng không, hay là nó tối? Mình nói dóc không à, mình không được gì hết mà mình cũng nói mình giải thoát hay này kia sao? Bởi vì mình học đạo nhiều thì tức là mình huân vô cái học, chứ đâu phải là đạo sáng được. Cho nên “Đừng dẫn đạo vào tâm, mà hãy dẫn tâm vào đạo”. “Vào đạo”, đạo là cái chỗ giải thoát. Cho nên mình nhắc cái tâm của mình, tức là Thầy muốn nói pháp Như Lý Tác Ý đó. Thầy muốn nói, nhắc cái tâm, tức là: “Tâm ly tham - sân - si đi”. Mà cái chỗ không tham - sân - si đó là cái chỗ “đạo”, con hiểu không? Giờ nhắc: “Tâm ly tham - sân - si đi đi”, mà nó ly hết thì nó “vào đạo” chứ gì.

Còn con học, nào là “ly dục, ly ác pháp, ly tham sân si” con nói vanh vách hết, mà con không nhắc nó, thì con cũng tham, sân, si như thường. Có không? Như vậy con dẫn đạo vào tâm, con nói thì hay mà con làm dở hơn ai hết à! Đúng chưa?

9- ĐẠO PHẬT LÀM CHỦ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT

(01:06:33) Phật tử 5: Kính bạch Thầy! Ở ngoài sân có để một tấm bảng mà có ghi lại một câu của Phật là: “Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn”. Kính bạch Thầy, cái đó là sao, cái ý mà Thầy giải thích thì con hiểu rồi, nhưng mà cái nghĩa của cái câu đó thì con chưa rõ, xin Thầy giải thích thêm cho con.

Trưởng lão: Ngày xưa, khi mà đức Phật tu chứng đạo rồi, thì Ngài mới dùng trí tuệ Tam Minh của Ngài quan sát hết khắp thế gian này, mà không những ở trong thế gian này nữa. Bởi vì Ngài nói “thiên thượng thiên hạ” mà, trên trời dưới trời khắp cùng hết, khắp trên thế gian nữa, không phải riêng ở trong cái thế gian của chúng ta không đâu, Ngài nhìn thấy không có người nào mà làm chủ được sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Ngài mới nói: “Trên trời dưới trời, ta là người duy nhất vượt qua sanh, già, bệnh, chết” tức là làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Ngài tu chứng rồi, Ngài mới nói lên câu nói này. Ngài quan sát hết không thấy ai nữa cả.

Cũng như hôm nay, Thầy dám xác định rằng người ta không tu chứng Bốn Thiền, chưa người nào nhập Bốn Thiền, Thầy xác định. Thầy xác định là do đôi mắt của Thầy đã quan sát. Chứ không phải, liệu coi chừng có ông nào ở trên núi kia ổng nhập được thì sao? Mình có quan sát coi hang cùng ngõ hẻm nào có ai nhập được Tứ Thiền này chưa? Đâu phải mình muốn nói là nói sao. Ông Phật cũng vậy, quan sát hết. Dùng cái gì quan sát, các con biết không? Dùng Thiên Nhãn Minh.

Cho nên người ta quan sát, người ta dám xác định mà. “Trên trời dưới trời, ta là người duy nhất” - “ta” không có nghĩa là xưng mình là ta, mà nói “chỉ có ta duy nhất” là người làm chủ bốn cái sự đau khổ này, không còn người thứ hai, các con hiểu chỗ đó không? Chứ không phải “ta là ngon” đâu. Nhưng mà ta làm chủ được cái sự đau khổ này, tức là ta đang ở trong thiện pháp đây.

Để làm gì? Để nói thẳng, nói thật rằng có rất nhiều tôn giáo, nhưng mà chưa có tôn giáo nào mà làm được thế này. Chỉ có pháp của “ta” mới có thể giải thoát được. Đó là câu mà đức Phật sau khi tu chứng, Ngài xác định.

Nhưng mà sau này các Tổ cắt ra. Bởi vậy cho nên tại sao mỗi câu Thầy phải đóng lại hết để nhấn mạnh những cái câu đó đều có một ý nghĩa. Không có được ai chia cắt nó ra trong cái bài này. Các con hiểu điều đó! Nếu mà chia cắt ra, thì các Tổ đã làm cái điều đó rồi. Bây giờ bài kệ này Thầy xếp chặt như vậy không ai được chia cắt nó ra. Ngày xưa các Tổ cắt hai câu cuối, lấy hai câu đầu, để chỉ cho Phật tánh. “Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn” tức là chỉ cho cái bản tánh thanh tịnh của mình. Như vậy, Thầy thấy việc họ dám làm cái điều tội lỗi như vậy. Kệ Phật bốn câu mà họ cắt hai câu. Cho nên, hầu hết có một số người chỉ biết hai câu: “Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn”. Còn hai câu sau, không ai biết. Nếu mà Thầy không vạch ra, bây giờ thì các vị không ai biết hai câu sau đó hết. Thầy nói thật mà.

Đó cho nên ở đây, thật sự ra những cái gì của Phật, Thầy móc ra hết. Còn những cái gì mà các Tổ làm sai, sẽ lộ bộ mặt ra hết, không giấu ai được hết.

Cho nên ở đây chúng ta phải biết rằng, câu kệ rất là quý. Nghĩa là đức Phật nói chúng ta sống thiện. Chúng ta đừng nghe Đại Thừa mà nói: “Ngã, Pháp đều không”, còn Nguyên Thủy hay là Tiểu Thừa thì: “Pháp còn, mà ngã không” Câu nói sai.

Thầy nói đạo Phật không phải là đạo vô ngã. Tại sao vậy? Tại vì đức Phật nói: “Ngăn ác, diệt ác. Sanh thiện, tăng trưởng thiện”. Nếu mà không còn cái thiện, thì còn cái gì đây? Mà đã còn cái thiện, bảo là “vô” sao? Quý vị nghĩ đi, còn cái thiện mà bảo “vô” sao? Đâu có “vô”! Thầy sống trong thiện là đã giải thoát rồi. Thầy không làm khổ mình, khổ người thì đó là thiện chứ gì? Như vậy là đủ giải thoát rồi chứ gì?

Cho nên vì vậy, từ cái chỗ đó nó mới có những cái thiền định này, không có nghĩa là hoàn toàn chúng ta vô ngã. Vô ngã như thế nào được? Các vị nghĩ “vô ngã” làm sao được? Cũng như bây giờ người ta bảo mình “Vô Sản”, vô sản làm sao được, khi Thầy có cái thân?

Đó là một cái lý thuyết, một cái triết thuyết người ta đưa ra, nhưng thực hành không thể làm được. Cho nên mới nói vô ngã là chỉ có Đại Thừa vô ngã thôi. Chứ còn đạo Phật không vô ngã. Cho nên ông Phật cũng nói: “Trên trời dưới trời, ta là người duy nhất vượt qua sanh, già, bệnh, chết” - ta là người duy nhất sống trong thiện pháp, không làm khổ mình, khổ người, mục đích là như vậy.

Nghĩa là ngay bây giờ, sanh - là cuộc sống của chúng ta, khổ rồi phải không? Là ác pháp chứ gì?

Già - nó làm cho chúng ta lụm cụm, khổ sở, điêu đứng chứ gì? Đó là ác pháp chứ gì? Khổ là ác chứ gì, phải không?

Bây giờ bệnh - đau nhức, không phải ác pháp sao? Nó là ác pháp.

Bây giờ chết, không phải là ác pháp sao? Đó là những cái khổ. Mà bây giờ thiện, thì nó không có sanh, già, bệnh, chết. Bởi vì thiện thì nó không có khổ. Mà không khổ thì sanh, già, bệnh, chết làm sao nó làm được.

(01:11:34) Đó! Cho nên Thầy nói thật sự tu theo đạo Phật chúng ta thấy rất rõ. Rất rõ là chúng ta làm chủ được nhân quả, nhân quả không tác động chúng ta. Bây giờ cái tay của Thầy đau, tức là Thầy sanh trong thân này là thân nhân quả chứ gì, thì sự vô thường nó sẽ vô thường, thì cái tay này nó phải đau là hẳn nhiên rồi. Đau nhức này thì làm cái gì? Nhưng mà Thầy làm chủ nó, Thầy bảo: “Cái Thọ là vô thường, cái đau chỗ cái tay này hãy đi đi, đi khỏi đây”. Thầy ra lệnh như vậy. Thầy ngồi im lặng, tâm bất động, thì lúc bấy giờ cái đau đi mất. Và nó sẽ phục hồi lại chỗ đau Thầy, nó sẽ lành.

Có phải là chúng ta lấy tâm mà trị bệnh không, hay là lấy thuốc trị bệnh? Còn quý vị phải chạy vô bệnh viện kà, nhờ bác sĩ coi trị bệnh, thì nó hết đau. Nhưng mà uống thuốc: bệnh này hết, thì bệnh khác tới. Thầy lấy tâm trị, không bao giờ, nó khỏi.

Cho nên các con thấy một người tu như Thầy khỏe không? Còn các con bây giờ lo không biết bữa nay mạnh, chứ ngày mai đau đây không biết sao đây. Không biết chừng, ra cửa đứt mạch máu não chết liền tức khắc nữa, trời ơi uổng quá, tu không được nữa.

Đó thì các con phải biết, tu hành nó thực, thì nó giúp chúng ta giải thoát, an vui, thanh thản, không lo gì hết. Muốn sống là kéo dài sự sống, muốn chết là ngay đó bỏ thân.

Còn của Phật, bởi vì ác pháp không tác động chúng ta được, chúng ta làm chủ tất cả. Chúng ta sống toàn thiện mà. Cho nên đối với những người mà nói người nào “sống trên tinh thần vô ngã”, thực sự họ chỉ nói dung tục. Bởi vì chưa có người nào vô ngã, ngay cả ông Phật còn thiện pháp kia mà. Bởi vì chúng ta phải chấp một cái tốt, để mà chúng ta sống cho mình, cho người, không làm khổ ai, thì cái tốt là thiện pháp. Đạo Phật đâu có khuynh hết những cái gì. Chúng ta vô ngã chúng ta trở thành cây, đá sao? Cũng như bây giờ quý vị không phân biệt: ác không phân biệt, thiện cũng không biết, thì cái chuyện này là chuyện như cục đá rồi. Tu để thành cây, đá để làm gì?

Chúng ta biết thiện, biết ác. Ác chúng ta ngăn chừa, chúng ta không làm khổ mình, khổ người. Thiện chúng ta sống thì không làm khổ ai. Đó là chúng ta giải thoát của cuộc đời chúng ta rồi. Là một người đạo đức, có đức hạnh rồi. Cần gì chúng ta phải đi lên Thiên Đàng, hoặc là làm Phật làm gì? Thầy chẳng làm Phật, Thầy không ham làm Phật đâu. Mà Thầy không làm khổ ai hết là được rồi. Thầy không làm khổ Thầy, không làm khổ người, thì Thầy là giải thoát. Mà chính chỗ này là cái mấu chốt để chúng ta làm chủ cả bốn sự khổ của kiếp người. Vì còn ác pháp là còn khổ, hết ác pháp là hết khổ.

10- PHƯỚC HỮU LẬU VÀ PHƯỚC VÔ LẬU

(01:14:20) Bây giờ Thầy nói để cho các vị thấy. Người ta gọi là phước Hữu lậu và phước Vô lậu. Phước Hữu lậu và phước Vô lậu không thể đi chung nhau một đường.

Một người có phước Hữu lậu giàu sang tiền của, người ta cung kính đảnh lễ, thì cái người đó, là không bao giờ giải thoát. Tại sao vậy? Tại vì đã nói Hữu lậu tức là có khổ. Ông ta có sung sướng gì chứ, ông ta phải lo mình làm sao cho người ta cung kính mình nữa chứ. Hoặc là bây giờ có tiền, mà làm sao để tiền này mình giữ chứ để không mất thì sao, phải không? Đó là có khổ rồi. Rồi ăn không ngon, ngủ không yên, thì cái đó là có khổ không? Còn Thầy còn ba y một bát, đi đến đây ai có lấy làm chi cái đồ này, phải không? Cho nên Thầy ngủ, thả cửa không lo gì hết. Giải thoát hoàn toàn. Không còn Lậu hoặc nữa.

Mà nói phước Hữu lậu, là người đó dù có làm vua các con thấy có lậu không? Có khổ chứ, ông vua cũng phải khổ chứ. Ông nhà giàu bây giờ, như Thạch Sùng, ông có khổ không? Khổ chứ đâu phải không.

Nhưng mà, cái ông tu phước Vô lậu: “Tâm luôn thanh thản, an lạc, và vô sự, không còn lậu hoặc”. Người ta đem tiền không ham. Tôi sợ cái này lắm: “Nó là rắn độc, ông đem về đi, cho tôi bữa cơm đủ ngày hôm nay, tôi không để dành ngày mai, mất công tôi quản”. Phải không, mình thấy có cái gì là mất công giữ à. Thầy nói: “Ờ, trái chuối này ăn không hết, thôi để dành”. Trời ơi, để dành kiến bu cũng mất công đuổi, phải không? “Thôi thôi, thầy ăn không hết, thầy cho ai thì cho đi, chứ tôi không có cất giữ. Cất giữ nó làm bận tâm tôi lắm”, có phải vậy không? Bây giờ mấy con cúng dường Thầy hộp mứt, thôi Thầy để dành ăn, trời ơi kiến lửa nó chung vô, mắc công Thầy đập. “Thôi tôi ăn một bữa thôi, còn bao nhiêu cơm thôi đem về đi. Ngày mai có tôi ăn, không có để dành”. Như vậy là Thầy giải thoát chứ gì? Thầy đâu có coi chừng kiến. Thầy nói: “Thôi, tôi quê vậy thôi, để biết được cái sự Vô lậu hay Hữu lậu”.

Thật sự ra khi các con cúng dường Thầy một hộp mứt, tức là Hữu lậu đó. Nhưng mà Thầy biết Hữu lậu là khổ, cho nên Thầy trả lại các con. Thầy ăn để mà thọ dụng cái lòng các con, Thầy ăn vừa đủ, ăn bữa nay thôi, trả lại các con. Ngày mai các con còn đem cúng dường nữa mà. Hết thôi Thầy không cần, chứ Thầy không để dành. Do đó, đêm nay Thầy ngủ khỏe không sợ kiến vô phá. Có phải Vô lậu không? Các con thấy mình đâu có gì thì mình Vô lậu chứ gì? Đó là cái phước Vô lậu của chúng ta.

Người tu phước Vô lậu là người như vậy. Đó mới là Thánh Tăng. Chứ còn cái gì cũng để dành ngày mai ăn, ngày mốt ăn, làm cái gì chúng ta…​

Đó, thì Thầy nói trong cái phước Vô lậu, nó có đầy đủ sự sống trong đó, không có lo đâu. Bữa nay vậy, chứ ngày mai người khác họ cúng dường, ăn cũng không hết đâu, đừng sợ. Đừng có lo đói, bữa nay để dành ngày mai tôi có cơm ăn; ngày mai đi xin họ không cho, không đói. Ngày mai không có thì tôi về ngồi thiền chơi hà. Ngồi thiền bảo: “Dừng hơi thở đi” thì còn gì biết đói nữa. Thầy ngồi vậy cả tháng nó cũng không biết đói nữa, chứ đừng có nói chi một ngày, hai ngày. Không phải sung sướng hay sao?

Thầy nói thật sự ra, đi xin ăn để mà tạo duyên, gần gũi với chúng sanh, để thực hiện đức hạnh, giúp đỡ cho người ta thấy cái gương hạnh của mình. Còn nếu không, ngồi thiền giờ một ngàn năm sau nó cũng có sao đâu mà sợ. Nó đâu có đói, nó đâu có tốn hột cơm, hột gạo nào đâu mà sợ. Mình không ăn mà không chết, mà bây giờ ngồi thiền không ăn không chết, mà ngồi đó như gốc cây thì làm gì, có được ích lợi gì cho ai? Cho nên mình đi xin ăn để mà hóa duyên độ chúng sanh qua cái gương hạnh đạo đức của chúng ta, các con hiểu vậy.

Cho nên đối với Thầy bây giờ, cái sự sống chết, thí dụ như Thầy bảo hồi nào, Thầy đi hồi nấy. Quá dễ dàng mà rảnh rang nữa chứ gì. Nhưng mà vì chúng sanh, vì các con còn khổ quá, chưa rõ con đường. Thầy đi các con sẽ bị dao động, các con không biết đâu mà tu. Đọc Kinh sách Thầy rồi, các con còn đường nào các con đi nữa? Vì các con đã thấy quá rõ ràng, bây giờ vô chùa, mình sao tu được, phải không; mà giờ bỏ đi thì các con lấy đâu các con tu? Các con hiểu điều đó. Cho nên Thầy chưa bỏ đi. Khi nào mà Thầy thấy cần đi là Thầy đi, thì tức là Thầy thấy duyên hết, Thầy đi. Nghĩa là Thầy làm xong bổn phận, còn các con cứu độ được các con là các con cứu, mà không thể cứu được thì thôi.

(01:17:32) Khi mà Thầy viết bộ giáo trình Đạo Đức Nhân Quả xong rồi, mỗi hành động Thầy dạy các con rất kỹ. Nói phải như thế nào, suy tư như thế nào, đi, đứng, nằm, ngồi các con phải làm như thế nào, để đúng cái Đạo Đức Nhân Quả. Mà Thầy dạy các con rồi, thì đó: “Bây giờ các con đã hiểu rồi, các con tự làm lấy, Thầy ra đi là vừa”. Còn bây giờ các con chưa hiểu, Thầy không nỡ bỏ các con đâu. Các con hiểu, cái tâm ý của Thầy là tâm ý nghĩ đến sự đau khổ của các con, mà bây giờ không có cách thức nào các con hiểu biết. Mà Thầy không đem cái sự hiểu biết này để giúp cho các con hiểu biết, thì Thầy thấy Thầy có lỗi với con người. Vì Thầy sinh ra làm con người mà không giúp đỡ con người, Thầy thấy Thầy có lỗi. Cho nên Thầy phải kéo dài tuổi thọ sống thêm.

Chứ Thầy ra đi là Thầy khỏe lắm mấy con. Ăn ngày một bữa có ngọt ngào gì đâu mấy con. Ăn để sống, để nuôi thêm chứ, nó có thích thú gì đối với Thầy. Bây giờ ăn không có cái gì mà có thể nói rằng “ngon thì phải biết ngon chứ hay sao”, nhưng mà không cám dỗ được Thầy, cho nên Thầy cũng không thích nó đâu. Ăn cũng coi như là cái liều thuốc để mà nuôi cái bụng bị đói của mình thôi. Cho nên đối với Thầy thì không còn tha thiết gì cái thế gian này, tất cả các vật dụng thế gian này không cám dỗ được Thầy cái gì nữa hết.

Vì vậy mà chỉ còn có tình thương của Thầy đối với các con mà Thầy còn nấn ná chúng sanh. Chứ nếu các con mà đã vững mạnh trên con đường Đạo Đức Nhân Quả “không làm khổ mình, khổ người” thì Thầy đi rồi. Bởi vì đi nó sẽ hết khổ hơn, sống nó cực lắm. Các con biết mang cái thân này cũng như là mang cái khối đá mà đi vậy. Các con thì không có cảm thấy, chứ còn Thầy, Thầy mang cái thân này bước đi Thầy nghe như là mang cái khối đá. Bỏ cái này đi, Thầy thấy nó nhẹ nhàng vô cùng. Bởi vì khi mà Thầy ngồi thiền, cái thân Thầy như là cái thây ma chết rồi chứ gì, Thầy bỏ nó ra được, nó thư thái, nó nhẹ nhàng lắm, nó không có…​. Còn ngồi đây mà cứ biết cái thân mình, có phải nặng không? Ngồi như một đống đá thôi chứ gì.

Thôi bây giờ các con hỏi Thầy gì nữa hay không?

11- ĐẠO ĐỨC NHÂN QUẢ LÀ THUỐC TRỊ BỆNH

(01:19:50) Phật tử 6: Mô Phật, con xin phép hỏi Thầy. Bây giờ nếu như trên trần gian này nó có cái bệnh gì mà thuốc của các nhà bác học trị không lại, trị không được. Vậy Thầy có thể trong thời gian tham thiền, Thầy có thể tìm bằng mọi cách, cách nào tìm được thứ thuốc đó, để cứu độ chúng sanh không?

(01:120:11) Trưởng lão: Có được chứ. Nhưng mà trị nữa rồi, nó lại là hư hoại nữa.

Có cái bệnh, đó là ngăn chặn nó đó. Mà nếu trị nó, nó có thuốc rồi, bắt đầu nó lại là thôi. Nó vô đạo đức còn kể vô số nữa Thầy không nói được. Phải không, có bệnh là ngăn chặn tốt đó.

Thầy biết nếu mà, Thầy tìm ra thứ thuốc Thầy trị bệnh được, nói không phải, thì thôi xã hội này nó loạn hết rồi. Thôi tốt hơn là để như vậy chứ còn…​ Nếu mà Thầy trị được mà nó loạn, nó lại còn sinh cái bệnh còn ngặt nghèo hơn nữa. Bởi vì nó đồi truỵ mà, các con biết nó đi đến chỗ sa đọa ghê gớm lắm. Cho nên từ đó, phải để có một cái gì ngăn chận. Bởi vì cái lực của nhân quả nó ngăn chặn, chứ không phải ai làm ra đâu. Các con không thấy, các con tưởng hư không mà nó sinh ra sao? Mình đồi truỵ quá độ, nó mới sanh ra cái thứ đó. Nó sanh ra thứ đó để nó ngăn chận lại, vì con người ai cũng ham sống chứ không ai muốn chết đâu. Mấy ông muốn ham chết thì mấy ông cứ lao đầu vô đi thì mấy ông biết, phải không? Cái đó là cái sự ngăn chận của Tạo Hóa đó, của cái luật nhân quả đó, chứ không phải gì đâu. Thầy nói như vậy, đừng có…​ (cười)

Bởi vì Thầy nghĩ nếu mà tìm thuốc, thì sự quan sát của Thầy dễ dàng tìm thuốc cho người ta trị. Nhưng mà tìm thuốc để trị cho họ, họ có thuốc trị rồi, thì bắt đầu đó họ đồi truỵ còn hơn nữa, đừng nói tới xã hội này, họ đâu còn sợ gì nữa đâu, các con biết mà.

Thầy biết lắm. Thầy rõ lắm. Chứ đâu có thể trí tuệ của Thầy mà không nhìn thấy được cái điều này. Thầy biết nỗi đau khổ của những người bệnh đó lắm chứ. Nhưng mà tìm ra được, thì nó sẽ không ngăn chận được. Cái xã hội, loài người này nó sẽ hư hoại hết, không còn. Nó lại trở về bản chất của loài cầm thú. Vật chất lên cao thì con người trở về bản chất của loài cầm thú. Mà con thú nó còn bảo vệ được sự dâm dục của nó đến mức độ: khi nào mà nó cần, thì nó mới dâm dục, mà không cần thì không. Không có phải như con người của chúng ta đâu. Cho nên cái này là cái đau khổ nhất. Loài người có trí tuệ, mà lại vô minh. Còn con thú nó tự cái bản năng của nó, nó bảo vệ nó, nó khác hơn chúng ta. Nếu mà nó không vậy thì nó cũng chết nó.

Cho nên, các con yêu cầu cái gì thì được, chứ còn yêu cầu Thầy đi tìm thuốc để trị ba cái bệnh thời đại này, Thầy nhất định là để cái bệnh thời đại này nó dạy cho nó đáng cái đời của nó, phải không? Không phải Thầy không thương đâu. Nhưng mà nếu mà không có một cái gì mà ngăn chận, thì bây giờ pháp luật làm gì cũng không được. Nó khó như vậy đó.

Cho nên tất cả những cái làm được mà nó đem đến xã hội tốt thì làm; mà làm đem đến xã hội xấu thì không làm, đem đến con người xấu thì không làm. Cho nên mục đích của Thầy, là làm thì phải làm Giáo trình Đạo Đức Nhân Quả. Còn cái trị bệnh ấy, thầy nói thật sự ra, người nào mà biết sử dụng tâm thanh tịnh của mình mà trị bệnh, là một cái thứ thuốc không còn thứ thuốc nào hơn. Chứ còn không phải thuốc của phàm phu ở thế gian này đâu. Cho nên người mà được thuốc Thánh rồi thì đâu còn cần gì viên thuốc ở thế gian này nữa. Bây giờ không có bệnh gì hết bởi vì, Thầy nói, ăn thua là ở chỗ trị tâm bệnh của họ. Mà tâm bệnh của họ sạch sẽ thì không phải uống thuốc gì nữa hết, có vậy thôi.

Cho nên Đạo Đức Nhân Quả sẽ ra đời, để giúp cho các con có một vị thuốc trị bệnh. Mà người nào muốn trị thì uống, mà người nào không muốn trị thì cứ để bệnh mà ráng chịu. Chứ không phải không có thuốc. Đó, như vậy là con yên tâm rồi, chứ không phải là Thầy bỏ, không tìm thuốc cho họ đâu.

12- KINH ĐỊA TẠNG

(01:23:39) Phật tử 7: Kính bạch Thầy! Con xin hỏi, khi thân người vừa mới mất thì sẽ thác sanh vào một cõi lành hoặc cõi ác tùy theo cái tội, tùy theo cái nghiệp của người đó tạo tác. Nếu như vậy vừa rồi con cũng có xem qua Kinh Địa Tạng. Trong đó con thấy ngài Quang Mục là thị hiện của ngài Địa Tạng. Mà ngài Quang Mục cũng vì tình thương với mẹ mà phải bán hết gia tài, của cải để mà làm lễ cúng dường trai tăng, để hồi hướng công đức để cha mẹ thác sanh vào các cõi lành. Trong Kinh Địa Tạng như thế thì Kinh đó có thật hay là hư, thưa Thầy? Con mong Thầy hoan hỷ chỉ bảo cho tụi con biết, mô Phật.

(01:24:13) Trưởng lão: Nó thuộc về hệ thống của Đại Thừa, nó thuộc về Bà-la-môn. Cho nên nó xây dựng ở trên cái vấn đề phước báo Hữu lậu, chứ không phải là Vô lậu. Vì vậy mà những loại kinh này, thật sự nó không đúng đường lối của đạo Phật đâu. Cho nên nó nói làm chúng ta không có hiểu. Làm sao hiểu được? Nhưng sự thật ra, cũng không phải là khó hiểu đâu.

Ví dụ như ngài Quang Mục, ngài bán hết của cải, tài sản, ngài đem cúng dường trai Tăng, mong nhờ công đức của chư Tăng để hồi hướng lại cho mẹ ngài. Thì sự thật ra, không có ai hồi hướng cho mình. Mà chính bản thân của mình. Chỉ có có ước vọng, ước nguyện của mình thôi. Trong Kinh Ước Nguyện, trong Kinh Trung Bộ thì Đức Phật có dạy về bài Kinh Ước Nguyện, chỉ ước nguyện chứ không hồi hướng cho ai được hết.

Nghĩa là bây giờ Thầy có tu rồi, Thầy hồi hướng cho con cũng không được. Mà Thầy chỉ ước nguyện cho con. Ước nguyện cho con được làm cái điều lành, làm cái điều tốt thôi. Cái sự ước nguyện đó thì mới có thể được. Bởi vì mình ước nguyện cho người ta. Bây giờ mình ước nguyện cho đứa con. Con nó hư, nó đi chơi, nó không có nghe lời dạy. Mình ước nguyện, mà mình làm được điều lành gì, mình ước nguyện con mình sẽ làm được những điều lành. Cái tâm tha thiết đó, và cái nhân quả đó, nó sẽ giao cảm, nó giúp con mình trong một ngày nào đó, nó có sức tỉnh, từ đó nó sẽ đổi được con đường. Chứ không thể làm gì. Nghĩa là chỉ có ước nguyện. Cho nên vấn đề ở trong Kinh Địa Tạng là vấn đề mê tín.

Sau này Thầy có dịp thầy lôi ra mà đập cái kinh đó hết, thì các con mới thấy kinh đó đúng hay sai. Tại vì nó không có duyên, không có người hỏi, chứ mà có người hỏi, Thầy lôi ra Thầy đập hết. Nghĩa là có nhiều cái mê tín ở trong đó rất lớn mà Thầy chưa tiện nói ra. Kinh Pháp Hoa đã có người hỏi Thầy. Cho nên do đó từ cái chặt tay, chặt chân cúng dường để mà cầu phước báo, để mà cầu “kiến tánh thành Phật”, điều đó là đã được Thầy đập. Sau này các con đọc tới cuốn IX, cuốn X “Đường Về Xứ Phật”, các con sẽ thấy Thầy dạy trong Kinh Pháp Hoa. Cái cách trong đó làm cho người ta hủy hoại cơ thể của người ta, người ta không tàn tật mà bắt buộc người ta phải cụt tay, cụt chân. Có nhiều người chặt tay, có người đốt ngón tay để mà cầu pháp mà. Gọi là “Pháp thí đại thừa” chứ gì? Cho nên ngài Thần Quang, tức là Huệ Khả, chặt cánh tay để mà cúng dâng lên cầu pháp với Bồ Đề Đạt Ma chứ gì? Đó là hình ảnh của Phật gia đó mấy con. Cái Phẩm “Tựa” của Pháp Hoa, mấy con tụng rồi mấy con biết, nó dạy cúng dường nhiều cách phi đạo lý lắm. Cơ thể chúng ta để chặt ngón tay, để đốt ngón tay, để làm đau khổ. Thậm chí nó dạy chúng ta phải đốt đầu, làm chúng ta hồi hướng muốn run người. Các con biết nếu mà không nhờ quý Hòa thượng bấm ở trên đầu chúng ta, thì chúng ta thấy đau không chịu được đâu. Cho nên tưởng là chúng ta đốt đầu nhiều dấu như vậy là lên chức Hòa thượng, Thượng tọa rồi ngon lành, sự thật ra, cái này là hành xác, làm cho khổ mình chứ không sai. Phật không chấp nhận điều đó.

Cho nên có dịp mà các con hỏi Thầy thì hôm nay các con sẽ lần lượt sẽ đọc lại những cái cuốn Đường Về Xứ Phật tập IX, tập X, các con sẽ nghe những bài pháp nói về Kinh Pháp Hoa. Rồi tới đây thì chắc chắn là sẽ có người hỏi về Kinh Địa Tạng. Và đồng thời thì các con sẽ được nghe hỏi lại. Còn giải thích bây giờ thì nó không có thì giờ. Để rồi, làm cho chúng ta sáng tỏ lại, không bị mê mờ của ba cái giáo pháp này. Bây giờ còn cái gì mấy con hỏi nữa không? Nếu không thì đi ăn cơm. (cười)

13- TẬP SÁCH “ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT”

Phật tử 8: Thưa Thầy con hỏi một câu. Con cũng có được cái duyên là đọc được cái cuốn thứ bảy (VII) thôi. Cuốn thứ tám (VIII), thứ chín (IX)…​

(01:28:10) Trưởng lão: Nghĩa là cuốn thứ bảy (VII) Thầy chưa nhuận lại, vì cuốn đó Thầy giao cho con của cô Châu nó đóng, rồi Thầy in ra để mà phát ra cho những người trong Tu viện. Nay là con đọc được tới cuốn thứ VII cũng là khá lắm rồi. Nhưng mà cuốn thứ bảy VII nó chưa đầy đủ lắm đâu. Thầy còn nhuận lại đó. Cho nên sau khi nhuận lại, bây giờ thì ít hôm Thầy in cuốn VIII, rồi Thầy nhuận lại cuốn VII, để cho từ cuốn IV, cuốn V, cuốn VI, cuốn VII, cuốn VIII là một loạt này. Còn cuốn IX, cuốn X là sắp sửa. Đã đánh lên vi tính nhưng mà Thầy chưa nhuận, mới đánh bản thảo thôi. Còn cái mà nhuận lại, tức là cái Thầy đọc trên vi tính Thầy nhuận lại, mà sau đấy Thầy chỉnh lại hết.

Rồi còn trở lại từ cuốn I, cuốn II, và cuốn III cũng của mấy cháu học sinh nó đánh đó cho nên vì vậy bây giờ Thầy chỉnh lại hết. Bởi vì đĩa nó sang rồi nó gửi về Thầy, Thầy cho vô vi tính Thầy chỉnh lại tất cả hết. Sau này các con được đọc toàn bộ là mười tập Đường Về Xứ Phật. Còn bây giờ, thì thôi chỉ còn mấy con đọc cuốn IV, cuốn V, cuốn VI, rồi tiếp tục đây tới cuốn VIII.

Rồi Thầy sẽ nhuận lại hết toàn bộ mười tập này. Và đồng thời thì các con sẽ đọc cuốn Giới Đức Làm Người, Giới Đức Làm Thánh, rồi học Giáo trình Đạo Đức Nhân Quả luôn, thì coi như là bổn phận Thầy xong rồi.

14- ĂN CHAY HẠNH THÁNH

(01:30:12) Phật tử 9: Thưa Thầy, con có một ông sư, ông ấy ăn chay mấy chục năm rồi, ổng tu Tịnh Độ, mà sao ổng nóng quá, không biết cái đó là cái duyên gì vậy Thầy?

(01:30:25) Trưởng lão: Ở đây ăn chay không có nghĩa là hết nóng. Con thấy con bò, con trâu nó ăn chay không? Nhưng mà cái hồi nó cụng lộn nó cũng đánh dữ tợn lắm, phải không. Nó đâm, nó chém nhau chết đấy.

“Mười phương”, nghĩa là tâm từ mình phải phủ trùm. Vì vậy mà thấy có thịt thì không được ăn, bởi vì tâm từ mà. Họ dạy mình: “Thương yêu chúng sanh mà ăn, chứ không phải ăn chay”. Mà hễ có thịt, mà mình “thương yêu”, thì thương yêu cái gì? Con hiểu bài Kinh Jivaka chưa? Cho nên ở đây, ăn chay không có nghĩa là theo con bò. Vì vậy mà trước đạo Phật, có đạo Bà-la-môn dạy người ta ăn chay, mà ăn chay theo kiểu con bò, chứ không phải là ăn chay theo ông Phật. Cho nên ông Phật nói: “Người cư sĩ làm thịt chúng sanh mà cúng Phật và cúng chư Thánh Tăng, thì người cư sĩ có năm điều phi công đức”. Có ai dám cúng không? Đó là cái đức Phật nói thứ nhất.

Cái thứ hai, đức Phật dạy cho chúng Tỳ kheo: “Ăn không nghe, không thấy, không nghi”. Bây giờ ăn mà thấy có miếng thịt, thì mình nhất định không ăn. Là “ăn không thấy”, mà thấy thì không ăn, phải không?

Bây giờ con làm đậu hũ mà con làm giống cái đùi gà là Thầy không ăn đâu. Phải không? Thầy cũng cho đó là đùi gà, tại vì thấy nó là cái đùi gà thì có sự đau khổ trong này. Chứ không phải nói đậu hũ mà gắp mà ăn đâu. Con lấy bột, lấy gì đó con nắn, con làm giống như thịt heo, có da đàng hoàng, rồi có nạc đàng hoàng. Thầy thấy giống thịt heo nhất định không ăn. Mặc dù con làm bằng bột mì, nhưng Thầy cũng không ăn. Con lấy mì căn con xé ra con trộn gỏi làm giống như thịt gà xé, Thầy cũng không ăn. Bởi vì đây Thầy biết “thịt gà xé”, Thầy không ăn. Chứ đừng nói con làm đồ chay mà gạt Thầy.

Đó gọi là “ăn không thấy”.

“Ăn không nghe” – Bây giờ con bằm nát hết tất cả mọi cái, con làm như là đậu hũ, không có gì hết, không còn thấy thịt gà gì hết, nhưng con nói: “Trong này có thịt gà”. Thầy nghe con nói là Thầy không ăn đâu. Bất kỳ đậu hũ Thầy cũng không ăn nữa. Mà Thầy chấm nước tương, Thầy ăn muối thôi. Bởi vì nghe người ta nói có, là không ăn.

Mà bây giờ, trong món ăn con đem cúng dường Thầy, Thầy nghe mùi tanh cá này, mùi hôi thịt bò này, mùi hôi gà này, nhất định Thầy không ăn. Thầy nghi! Nghi trong này có đồ tầm bậy tầm bạ nữa, nhất định không ăn.

Cũng như bây giờ con gói bánh ít, gói bánh tét phải không, con cho một miếng mỡ trong đó, con cúng dường Thầy. Con gỡ miếng mỡ đó, Thầy không thấy miếng mỡ. Nhưng mà Thầy nghe mùi hôi mỡ, Thầy nghi nó bỏ mỡ trong này, Thầy nhất định không ăn. Con hiểu chỗ đó không? Bởi vì nghe, nghe mà Thầy nghi ở trong đó: nó có mùi này là phải có thịt.

Như vậy, đức Phật dạy: “Một vị tu sĩ ăn không thấy, không nghe, không nghi”. Mà “miếng ăn của mình - phải khởi tâm từ của mình phủ trùm tất cả hết bốn phương” lận. Cái lòng thương yêu của mình phải khắp cả bốn phương, thì không thể nào mà ăn như con bò ăn cỏ được. Còn ăn với cái tâm của chúng ta rộng lớn như vậy, mới gọi là “ăn”.

Thấy chưa, thấy ông Phật dạy chúng ta ăn chay chưa? Mà có dạy chúng ta ăn chay đâu. Ông Phật đâu có cấm chúng ta không ăn chay đâu, nhưng mà ăn sao cho đúng cách của người tu sĩ chứ. Cái đạo đức của nó “không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh” mà. Tại sao giờ mình nuốt được cái này, cái mà sự đau khổ, chết chóc của chúng sanh đây? Các con hiểu chỗ đó chưa?

Cho nên người đó họ ăn chay, niệm Phật mà bây giờ sân dữ, thì Thầy nói con bò, con trâu nó cũng sân dữ tợn; hồi mà nó sân nhau, trời ơi, nó chém cũng ghê gớm lắm chứ. Thì ông này cũng như con bò, con trâu vậy thôi chứ gì, ổng coi chừng khi chết ông cũng thành bò, trâu. Bởi vì mình ăn chay để là bò, trâu chứ không phải ăn chay để giải thoát. Còn cái này “Ăn chay để không làm khổ mình, khổ người” là ăn chay giải thoát. Mình phải hiểu chứ. Cho nên chúng ta cũng ăn chay, coi chừng không hiểu được ý nghĩa nó, mà chúng ta trở thành bò, trâu.

Cho nên đức Phật nói, có một vị ngoại đạo đến hỏi: “Con tu theo hạnh con chó. Trong giáo lý thì dạy con tu như vậy sẽ trở về cõi Phạm Thiên, có được không?” Ông Phật nói: “Tu hạnh chó thì thành chó, chứ sao lại thành Phạm Thiên được”. Phải không, mình ăn cũng giống chó, mình nằm cũng giống chó, mình ngủ cũng giống chó, cũng thói quen đó, thì mình chết thì mình làm chó chứ? Ông tu hạnh con bò, ông ăn chay ăn cỏ, ông không ăn thịt chúng sanh gì hết, thì ông cũng sẽ thành con bò, chứ làm sao ông thành Phạm Thiên được? Cái đó đâu có đúng. Ông phải sống đúng Phạm Thiên thì ông mới thành Phạm Thiên chứ. Ông không sống đúng Phạm Thiên sao mà thành Phạm Thiên. Các con hiểu chưa?

Đó như vậy cho nên người tu sai là biết liền. Thí dụ như bây giờ con ngồi con tu Thiền định. Thầy biết người này thành cây, đá. Bởi vì họ vô phân biệt rồi họ phải thành cây, đá. Cây, đá nó có phân biệt đâu. Mình tu để thành cây, đá thì tu làm gì đây? Nhưng mà, đôi mắt của Phật nhìn thấy chúng sanh tu cái đó sẽ thành cây, đá thì biết là người đó sẽ tu thành cây, đá. Người đó tu thành con bò là biết thành con bò. Người đó tu cái gì biết thành cái nấy. Bởi vì cái hạnh của họ nó chứng minh cho cuộc sống của họ. Tức là nghiệp lực của họ phải tái sanh nơi đó thôi. Bởi vì con người không có linh hồn tái sanh, mà có nghiệp lực. Hồi mình sống cái nghiệp đó, thì mình phải sanh ra cái đó chứ, các con phải hiểu. Chân lý của Phật rõ lắm. Không có sai chỗ nào đâu. Thầy nói thật sự mấy con cứ suy ngẫm đi. Đừng có tin lời Thầy, mà về suy nghĩ. Suy nghĩ rồi có đúng hay không.

Cũng như bây giờ cứ trong mỗi chút mà con giận dữ, thì mai mốt người ta nói thì con phải giận dữ chứ gì. Rồi mỗi chút con cứ nhẫn nhục, nhịn nhẫn, nhịn nhẫn, rồi xả tâm. Mai mốt người ta chửi con, con không giận, là tại vì con biết xả tâm con, con nhẫn. Như vậy con mới hết khổ. Thì cái đó là cái đúng. Cho nên, tạo cái nghiệp đó là tạo cái nghiệp không khổ, thì con sẽ giải khổ. Mà tạo cái nghiệp khác đi, thì con phải bị khổ thôi.

Cho nên đừng lấy cái này mà gọi là giải thoát. Cũng như bây giờ con cầu Phật mà con cầu Phật không đúng cách, thì con cũng đâu có giải thoát. Còn Thầy đúng cách, Thầy không cầu Phật, Thầy giải thoát: Đó là pháp thiện.

“Phật” chỉ là một danh từ để chỉ cho cái tâm chúng ta ở trong thiện pháp, sống không làm khổ mình, khổ người, thì nó là “Phật”. Còn làm khổ mình, khổ người, thì nó là không Phật. Thí dụ như bây giờ con ngồi hai chân con đau mà con không chịu xả ra, tức là con không “Phật”. Bởi vì con làm khổ con thì con làm sao con “Phật” được?

Bây giờ mấy con còn hỏi Thầy gì nữa không?

15- GIÁO TRÌNH TU TẬP CON ĐƯỜNG CỦA ĐẠO PHẬT

(01:35:37) Phật tử 10: Bạch Thầy, con xem của Thầy một số quyển sách Đường Về Xứ Phật, trong đó Thầy nói rải rác về phương pháp thiền, thành ra con xin Thầy có một giáo trình đặc biệt về thiền. Bởi vì trong đó có một số trường hợp thí dụ như Thầy nói rằng cách để mà “Diệt tầm, giữ tứ” nhưng mà Thầy không nói rõ, thành ra con không hiểu như thế nào. Có thể nào Thầy soạn một giáo trình đó để mà lưu lại cho đời sau được không? Chứ mai sau này sẽ rất khó gặp Thầy, theo như Thầy nói.

(01:36:10) Trưởng lão: Bây giờ Thầy nói như thế này. Các con biết không, bởi vì cái bộ sách Đường Về Xứ Phật là những câu hỏi của những người khác, cho nên nó không phải là giáo trình tu tập con đường của đạo Phật. Nhưng hầu như là tất cả những phương tiện, cách thức để mà tu tập, đều là cô đọng ở trong đó rất nhiều.

Nhưng các con không đủ sức để cho mình lập thành một giáo trình của nó, Thầy biết mà. Bây giờ các con đọc thì đọc, chứ lập trình từ cái dễ đến cái khó thì các con chưa biết đâu. Phải không? Cho nên hiểu biết “tu vậy vậy, nói vậy vậy” mà vô đầu thì không biết cái nào trước, cái nào sau.

Cho nên vì vậy, như hồi nãy có cư sĩ hỏi Thầy về cái ăn mà muốn ngăn chận đừng ức chế cái bụng đói của mình, thì phải lập trình cái giáo trình là phải tu tập cái gì trước, cái gì sau, từ cái hạnh sống của mình phải tập luyện như thế nào. Thì cái giáo trình đó, nó không phải là trả lời ở trong đó đâu. Vì đây là người ta muốn hỏi cái đó, nên Thầy trả lời cái đó cho người ta biết thôi. Chứ còn cái mà các con tu đó, bởi vậy tu là phải có Thiện hữu tri thức. Bây giờ muốn tu giải thoát phải không? Bây giờ vô đây phải sống vậy vậy đó, rồi phải sống như vậy, phải tập như vậy vậy, thì nó sẽ có giải thoát. Chứ còn không thể nào mà khơi khơi mà được.

Mà Thầy thì bây giờ nói chung là không có thì giờ mà ngồi đó mà hướng dẫn từng chút. Nhưng mà chắc chắn là có một ngày nào đó, các con sẽ đọc một cái giáo trình tu tập của các con từ dễ đến khó, từ bắt đầu, để mà luyện tập. Vì cái Đạo Đức Nhân Quả chưa ra đời. Cho nên nó là cái bước đầu của các con.

Bây giờ dạy các con mà Đạo Đức Nhân Quả các con chưa biết, thì các con tu chỉ ức chế tâm thôi. Các con phải biết cái đạo đức - mình phải sống sao cho đúng đạo đức. Từ cái đạo đức đó người ta mới dạy mình cách thức tu đi sâu. Chứ còn nếu mà chưa có biết đạo đức gì hết, tức là mình chưa có biết cái căn bản sống đối xử với người ta như thế nào, bây giờ nhào vô chùa tu, thì ức chế mình rồi. Phải không, các con hiểu điều đó không?

Mình sống đạo đức, mọi người đều vui hết, mình không làm cho gia đình mình buồn gì hết, thì đó là mình là người có đạo đức “không làm khổ mình, khổ người” rồi. Bây giờ vô chùa người ta dạy mình bắt đầu tu đây là mình tu để ly dục, ly ác pháp mà, đi vào cái Sơ Thiền rồi. Đạo Đức Nhân Quả mà chưa có mà muốn Sơ Thiền, thì Sơ Thiền sao nổi?

Bây giờ các con là chỉ những người muốn Thiền Định, cho nên hỏi Thầy, Thầy mới nói cái đúng của Phật, cái không đúng của Phật thôi. Chứ còn Thầy dạy thật sự ra, phải là cái Giáo trình Đạo Đức. Các con mới học, rồi từ đó các con phải sống đạo đức như thế nào, gần gũi Thầy mới thấy những gương hạnh đạo đức của Thầy là cái gương sống để các con bắt chước. Cái thứ hai Thầy mới dạy. Bởi vì Thầy sống đúng đạo đức, Thầy mới dạy các con những gương hạnh đạo đức. Từ đó các con mới thấy, cuộc sống của mình đối xử không có khổ mình, khổ người.

Bây giờ nó mới tiến tới cái giai đoạn nữa, là bây giờ mới thật sự là đóng thất, vô đó Thầy dạy các con tu để ly dục, ly ác pháp để nhập Sơ Thiền. Chứ bây giờ các con muốn Sơ Thiền ngay liền không có được đâu. Cho nên các con biết cái đường đi, nó không phải đơn giản. Đạo Đức làm người chưa có, mà các con muốn làm Thánh nữa thì thôi, ông Thánh đó chắc lâu đó. Phải không, các con hiểu chưa?

Đó, bây giờ những cuộn băng này đừng cho ai nghe lại, họ động tâm lắm đó. Họ tu tầm bậy tầm bạ, rồi họ thấy rối họ chới với, họ không biết cái đường nào mà tu: “Ông thầy ổng nói kiểu này thôi chắc mình chết; đạo đức nhân quả mình cũng chưa biết sao nữa đây, mà ổng nói kiểu này nghe vầy thì thôi, chắc tiêu rồi”.

Các con hiểu chưa, bây giờ hoàn toàn nói về Đạo Đức Nhân Quả. Các con biết nhân quả đó thế nào chưa, các con chưa biết cái nhân quả sao hết. Thầy phải dạy, các con mới biết hoàn toàn, đó sẽ đưa đến cái quả gì. Rồi vì vậy mình phải giữ như thế nào, để mà sống mà đối xử với người ta, cái nhân quả mình phải tốt “không làm khổ mình, khổ người”.

Khó lắm mấy con, chứ không phải dễ đâu. Bởi vì con đường theo đạo Phật coi vậy chứ phải thông suốt dữ lắm. Rồi học, rồi tập, rồi sống, rồi xem xét từng phút, từng giây để rồi mình sửa mình lại, nó mới đúng đạo đức nhân quả. Rồi từ đó thì mới được thôi.

Chứ còn hiện giờ, mấy con đọc Kinh sách Thầy để biết được cái sai, cái đúng của đạo Phật đã, cái đó đã. Để nó dựng mình trên một cái niềm tin của mình - con đường của Phật như thế nào.

Chứ bây giờ các con đang ở trong một cái đám mây mờ nó che khuất cả những cái chân chính rồi, các con không thấy được cái chân chính của đạo Phật. Bây giờ các con đọc sách Thầy, các con có thấy được chút cái chân chính nào của đạo Phật ở đó không?

(01:40:40) Bây giờ khi nào mà đọc hết cái bộ Giáo trình Đạo Đức Nhân Quả rồi, các con mới thấy rằng đạo Phật xây dựng đạo đức rất cụ thể. Tuyệt vời lắm chứ không phải thường đâu. Mà chỉ có bài kinh ngắn gọn trong Kinh Trung Bộ, bài Kinh Kandaraka đức Phật nói có bốn hạng người. Thầy nói, đức Phật dạy đạo đức không nói đạo đức mà. Cũng như dạy chúng ta ăn chay không nói ăn chay mà. Mà nói những ý nghĩa của sự ăn chay, các con hiểu ông Phật hay lắm. Mà dạy đạo đức cho con người thì đức Phật nói thế này: “Trong thế gian chúng ta có bốn hạng người. Hạng người thứ nhất là làm khổ người”. Chúng ta hay làm khổ người lắm, phải không? “Hạng người thứ hai làm khổ mình”. Mình không làm khổ người ta, mà cứ làm khổ mình. Như mấy con bây giờ muốn đi tu là làm khổ mình đó. “Hạng người thứ ba này là vừa làm khổ mình vừa làm khổ người”. Muốn đi tu cái bỏ đùng đùng cái đi tu, vợ con bỏ kệ nó. Trời, cái đó là làm khổ mình mà khổ người nữa. Đi tu mà mình biết cách được không? Nhưng mà ở nhà bỏ vợ, bỏ con. Con còn nhỏ vậy mà cũng bỏ đi nữa. Nói ông Phật hồi đó cũng vậy chứ gì? Ờ, mấy người muốn làm Phật sớm cho nên làm cái chuyện phi đạo đức này. Chỉ có hạng người thứ tư là đức Phật chấp nhận: “Không làm khổ mình, khổ người”.

Đức Phật dạy đạo đức hay thật. Chỉ đem so sánh một thực tế trong cuộc sống của chúng ta có bốn hạng người đó như vậy. Nhưng mà hạng người “Không làm khổ mình, khổ người” thì không có; đức Phật chấp nhận, nhưng mà cái hạng người đó chúng ta không có. Các con thấy có không?

“Làm khổ mình” có này. “Làm khổ người” có này. “Vừa làm khổ mình, vừa làm khổ người” có. Mà cái hạng người “Không làm khổ mình, khổ người” thì không có. Vậy thì phải học cái đạo đức nào để mà “không làm khổ mình, khổ người”? Các con thấy rõ chưa, đức Phật dạy đạo đức mà, đâu có dạy đạo đức quân tử tam cang ngũ thường - nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đó là đạo đức quân tử, đạo đức anh hùng. Còn cái này không có anh hùng, mà giải thoát, cho nên Thầy mới nói là Đạo Đức Giải Thoát - đạo đức không làm khổ mình, khổ người.

Bây giờ hiểu rồi phải không? Các con sẽ lần lượt có đủ duyên các con còn sẽ học được những cái đạo đức mà Thầy đã viết.

Các con có duyên, các con đã đọc được bộ Giới Đức Làm Người, thì các con đã thấy đức Phật dạy từ cái đức vệ sinh, từ cái đức hạnh đi đường, tất cả mọi đức hạnh ở trong bộ Giới Đức Làm Người. Cách đây 2543 năm mà đức Phật dám dạy về vệ sinh của chúng ta mà gọi là đức hạnh.

Đức Phật dạy chúng ta, cấm chúng ta không được leo. Là tại vì sao? Leo mà ôm cái cây leo là Đức phật nói là “súc sanh”. Phải không, có phải con thú nó leo không? Nhưng mà dạy chúng ta phải bắc cây thang, để rồi chúng ta leo. Con người phải có thang leo, chứ chúng ta leo lầu mà không lẽ ôm cột kèo lên trên đó đâu. Cho nên chúng ta làm thang rồi chúng ta đi thôi. Như vậy nó có nguy hiểm không? Đâu có nguy hiểm. Mà cái hành động đi lên cây thang như vậy nó có phải là cái hạnh của chúng ta không? Hay là chúng ta ôm cái cây mà trèo lên là cái hạnh? Tức là cái hạnh của con thú, chứ không phải cái hạnh của con người. Các con thấy chưa, từ cái leo cây mà đức Phật đã cấm chúng ta rồi, đã dạy đạo đức chúng ta rồi.

Cho nên cái ăn mặc của các con này, từ cái ăn mặc mà các con lôi thôi, là đức Phật đã cho là vô đạo đức rồi. Ăn mặc cho đàng hoàng, nề nếp. Các con thấy đó là những đạo đức mà trong bộ Giới Đức Làm Người - một trăm giới Thức Xoa Ca La Ni đó. Nhưng mà nó chưa nói hết tất cả những hành động của nhân quả. Đây là chỉ mới dạy đạo đức thôi.

Các con đi đường mà đi song song hai người là đức Phật cấm rồi đó. Đó là làm cản trở giao thông. Thì bây giờ không ngờ là luật giao thông. Không ngờ ngày xưa đức Phật lại dạy Đạo Đức Giao Thông.

Các con thấy hay không? Có ai mà biết được như vậy không? Mà bây giờ chỉ có Thầy triển khai các con, có thấy người ta mà triển khai cái này dạy các con không? Mà ông Phật đã dạy rồi. Chứ đâu phải là Thầy mới chế ra đâu. Thầy đâu có chế cái gì. Cái gì của ông Phật, ông Thầy ông ấy cũng bới ra ấy nhỉ? Thầy chỉ lôi lại của đạo Phật thôi, không có cái gì của Thầy hết. Bởi vì Thầy cũng là đi vào cái giáo pháp đó, mà được sự giải thoát. Cho nên bây giờ Thầy lôi cái giáo pháp đó, để cho các con tu cái này, tu cái này.

…​Cái gì hả con? À tới giờ cơm rồi phải không? Thôi bây giờ mấy con ăn cơm. Rồi mấy con chiều về phải không? Còn duyên thì gặp nhau. Trái đất còn tròn mà, đâu có mất. Mà nếu mà lỡ mà Thầy có chết thì các con chết cũng vẫn gặp Thầy ở trong Niết Bàn.

HẾT BĂNG