Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh
Thời gian: 1993
Thời lượng: [43:59]
(01:02) Do duyên này, Thầy sẽ nói rõ mục đích tu hành của Tu Viện Chơn Như để quý Thầy hiểu rõ hơn. Này quý Thầy! Bây giờ, quý Thầy hãy lắng nghe cho kỹ, Để nhận rõ mục đích tu hành của chúng ta. Và cũng nhân dịp này, Thầy khuyên quý Thầy cần nên suy ngẫm lại mục đích tu hành ở đây có phù hợp với nguyện vọng, thiết tha, ao ước và điều mong cầu của quý Thầy hay không? Nếu mục đích tu hành ở đây không đúng, và không phù hợp với sự mong cầu và nguyện vọng của quý Thầy, thì quý Thầy đừng nên theo tu hành, mà hãy chọn những pháp môn nào đúng nguyện vọng của mình thì thực hiện. Không phí thì giờ vô ích, không uổng cuộc đời tu hành của mình. Và lại, quý Thầy đã bỏ cuộc đời để đi tìm đường giải thoát, đi tìm chân lý cứu cánh cho mình. Mà lại tu sai nguyện vọng thì làm sao tu hành được?
(02:45) Nếu có một người hỏi quý Thầy, thưa quý Thầy! Quý Thầy tu hành để làm gì? Nếu quý Thầy không rõ mục đích tu hành, thì không thể nào trả lời được câu hỏi này. Và nếu quý Thầy có trả lời, chăng cũng chỉ trả lời loanh quanh, mơ hồ, không đúng mục đích tu hành và nguyện vọng của mình.
Thường con người, hay chịu ảnh hưởng của các xu hướng khi nghe đồn đại, huyền thoại, thần thánh hóa một bậc minh sư nào đó. Rồi tin bừa, tin đại, không chịu suy xét cho kỹ trước sau. Chỉ nông nổi, vội vàng, chấp nhận, rồi nhắm mắt đưa cuộc đời vào tu hành. Để đến khi vỡ lẽ, không đúng với nguyện vọng thiết tha của mình, và không thực hành được những gì mình mơ ước thì lúc bấy giờ mất hết niềm tin, bỏ cuộc tu hành, thối chuyển đạo tâm, rồi đâm ra vô vọng như người mất phao.
Hôm nay, đã đúng lúc để được nghe Thầy trả lời chung cho tất cả mọi người muốn hướng về đây tu hành với Thầy. Vậy trước khi nghe Thầy trả lời riêng cho hai người cư sĩ này đã có thư hỏi, nhưng Thầy cũng sẽ trả lời chung cho tất cả quý Thầy, quý Phật tử đang hướng về đạo Phật. Trước tiên, quý Thầy được nghe hai bức thư của hai người cư sĩ đã gửi đến hỏi Thầy.
(06:13) Đây là bức thư thứ nhất Thầy sẽ đọc lại cho quý Thầy nghe :
Quy Nhơn ngày 23 tháng 11 năm 1992
Kính gửi: Thiền sư Thông Lạc
Được nghe biết về Thầy con rất mừng, con rất muốn đích thân về đến đất Tây Ninh để trực tiếp bái kiến Ngài. Song vì những lý do thuộc về tài chánh, điều kiện thời gian không khắc phục được con đành viết thư thôi. Song vẫn hi vọng có ngày nào đó, con sẽ được ở cạnh Thầy. Thưa Thầy, quả rằng Thầy đã đáo đạt chân lý rồi chăng? Thầy cũng có luôn cả lục thông nữa? Con muốn được biết rõ sự thật này của Thầy để biết chắc được rằng có giải thoát không như Phật Thích Ca giới thiệu. Mọi lý thuyết đều có thể có được và đạt được, song thực hiện lý thuyết đó lại là một việc khác hẳn. Con đang là một cái thư viện đầy sách và đóng cửa, chả ích lợi chi hết cho chính con và người khác, con chỉ mong gặp minh sư chân thật. Con cứ nghe rằng: có thật xưa nay là có minh sư, kể cả Phật Thích Ca. Con nghĩ Ngài chỉ là nhân vật của huyền sử, được mọi người thần thoại hóa, thân hóa thêm. Bạch Thầy! Thầy nghĩ biết gì về Chúa Giêsu? Chúa Giêsu có phải là Thánh không? Là hiện hữu nhiệm mầu, là Chơn Như, là chơn lý giải thoát?
(08:58) Kính mong Thầy bỏ ít thì giờ hồi đáp thư cho con. Hay nếu có dịp, Thầy có dịp tiện và là con có nhân duyên với Thầy, gặp minh sư để đạt đích cuộc đời thì ghé về Quy Nhơn để con được cần hỏi và hưởng từ phước của Thầy phát tác bao trùm lấy con.
Kính chào Thầy
Con Nhân
(09:54) Và đây là bức thơ thứ hai, Thầy sẽ đọc để quý Thầy nghe bức thư này.
Quy Nhơn, ngày 1 tháng 1 năm 1993
Ôi Thầy Thông Lạc ơi! Thầy đã gần 70 tuổi rồi phải không? Con xin phép được xưng con là phải. Thầy là thiền sư chơn chánh và đã đạt đạo rồi ư? Có thể có một người như thế thật sao? Có thể có chân lý thật để đạt ư, hở Thầy?
Thầy ơi! Chân lý của Thầy nhận ra là gì đó? Có thể chia sẻ cùng con chăng? Liệu Thầy có phải cũng mơ theo một cách riêng của Thầy, như con đã từng biết, từng thấy hàng trăm giấc mơ độc đáo đủ dạng, loại.
Thầy ơi! Thầy có lục thông đúng nghĩa thật sự, chứ không phải nghĩa bóng theo kiểu phải hiểu bằng trí tuệ Ba-La-Mật chứ? Hay lại là chỉ những lời đan dệt của một số đệ tử hâm mộ Người?
(11:49) Con cứ bơi mãi mệt nhoài, trong cả đống các kết luận, mà mỗi kết luận là một chơn lý của một Giáo phái. Các chân lý đều bất toàn và phi lý ở một góc độ nhất định. Con có những chứng minh cụ thể không thể chối cãi nổi. Con đã từng tự thuyết phục và an ủi mình chịu du di cho một chơn lý khả dĩ, dễ ưa nhất, lợi lạc, thông minh cho người và cho mình nhất. Song lại không thể chịu được. Chúa Giêsu con cũng đã từng kinh nghiệm, Ngài thú vị hay lắm. Song con lại có những chứng minh khác cụ thể, rõ ràng để phủ nhận Ngài. Còn kinh Lăng Nghiêm, Viên Giác của Thích Ca Mâu Ni con cũng có kinh nghiệm của khoảng hai phần ba các cung bậc trong đó. Kể cả cảnh ma và từng lớp chứng đạt, và với sách tâm thần hiện đại con cũng là bệnh nhân chính cống. Ngài ơi! Thầy Lê Ngọc An ơi! Hiện giờ có một vị minh sư mà con cũng chưa đủ điều kiện để có thể nhận ra minh sư, hay tiên tri giả, giáo sư giả, ma vương nữa. Đó là Vô Thượng Sư Thanh Hải bên trời Tây kia. Thuyết pháp hay tuyệt vời, lại rất hợp với hầu hết các kiến giải của con về đạo. Song còn một ít chỉ kiện khác khiến con băng khoăn và nghi ngại nên chưa quyết định nên theo để được truyền Tâm Ấn hay không? Vì Tâm Ấn theo kiểu Phật truyền cho Ca Diếp hay Huệ Năng truyền cho Châu đệ tử ngày xưa, về bản chất khác 180 độ. Hay bây giờ, là lúc gần tận diệt nên mở rộng cửa và thu hồi đại trà.
(15:03) Con cũng chưa biết rõ Thầy. Song Thầy có vẻ kính nhiệm, chẳng chịu xưng là Phật, giống kinh Lăng Nghiêm Phật Thích Ca có dặn là đấng A La Hán, Bồ Tát chỉ khi tịch diệt mới tạm để lộ tông tích. Với lại, con được biết Thầy qua một người mà đối với con không phải xoàn về độ phát triển tinh thần tâm linh. Song anh ta hãy còn mơ. Con cứ tin đại Thầy trước. Hỏi Thầy những điều này. Ôi thật tội nghiệp cho con. Thầy là ai? Đã đến đâu? Người thứ thiệt hay cũng thông thường như lắm kẻ mà con cũng đã từng nghe ca tụng, đơm đặt về. Rồi con cũng đã từng tìm cách tiếp xúc để rồi thất vọng. Ôi, Phật khi xưa nói rõ ràng: “Ta là Phật đã thành, là đấng không đến, không đi, là người giác ngộ hoàn toàn, đã giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, đã luôn được thường lạc ngã tịnh”.
Hiện Phật cũng có phải là người đang mơ còn mơ không? Và nếu vậy thì không cần nói Thầy cũng là một đệ tử mơ của Phật, một đệ tử xuất sắc. Xin Thầy cũng cứ vài dòng cho con, cọng rơm đang bị trôi trong nước lụt. Rất mong thư Thầy.
Thôi thì Thầy cứ giải lao là trò chuyện với cô phụ nữ tâm thần này vậy.
Kính chào Thầy
Con Nguyên Trí
(17:23) Đến đây, quý Thầy đã nghe xong hai bức thư, quý Thầy sẽ được tiếp tục nghe bức thư trả lời của Thầy. Nội dung bức thư trả lời quý Thầy phải lắng nghe cho kĩ từng ý, từng lời văn. Nếu không sẽ không hiểu gì hết, hay chỉ hiểu chung chung thì chẳng ích lợi gì cho quý Thầy. Đây là bức thư Thầy gửi cho hai vị cư sĩ đó.
Ngày 14 tháng 2 năm 1993
Kính gửi hai cư sĩ Nguyên Trí và Nhân
Hai cư sĩ đã thành thật kể lại nội tâm bi quan của mình, trên đường tìm chân lý vô vọng. Hiện giờ, phải nói mọi người đã và đang tìm chân lý trong Phật giáo cũng như trong các Tôn giáo khác. Đều mang một tâm niệm như hai cư sĩ nếu họ không tìm danh lợi trong đó. Này hai cư sĩ khi hai cư sĩ chưa gặp một người có kinh nghiệm sống thật trong đạo Phật hướng dẫn, mà vội vàng đánh giá đức Phật thì chúng tôi e rằng quý vị quá nông nổi. Quý vị dựa vào một đống kinh sách khổng lồ của Phật giáo hiện nay, mà cho đó là con đường đưa đến cứu cánh chân lý của đạo Phật. Rồi ra công tìm kiếm ở trong đó không được, quý vị đâm ra hoang mang, dao động, mất hướng rồi sanh tâm nghi ngờ, phỉ báng Phật Pháp. Điều này rất là tội lỗi.
(19:42) Này quý vị, đống kinh sách đó, toàn những thứ ô hợp. Chỉ được gạt những kẻ mù mắt, những kẻ đầy tham vọng khát chân lý mà thôi.
Này hai cư sĩ: “Đạo Phật thiết thực, hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy”. Thật vậy, ai sống đúng đời sống của đức Phật, người ấy sẽ thấy giải thoát ngay trong hiện tại bây giờ, chẳng cần phải đi tìm đâu xa, chẳng cần phải bỏ nhiều thì giờ nghiên cứu học hỏi. Xưa Phật không để lại một cuốn kinh nào, chỉ nói những gì Ngài sống, Ngài biết, không có quảng cáo, không có viết lách kinh sách như thời đại chúng ta. Không có nghĩa thời đại đức Phật chưa có chữ viết, bằng chứng đã có các bộ kinh Vệ Đà, chỉ vì Ngài không hiếu danh.
(20:50) Này hai cư sĩ, đạo Phật hôm nay không còn nữa. đạo Phật ngày nay chỉ là một thứ Tôn giáo do các thời đại và hai giai cấp của con người đẻ ra.
Giai cấp tri thức: đã biến Phật giáo thành một thứ triết lý cao siêu màu nhiệm tuyệt đỉnh, để thỏa mãn nhu cầu ảo tưởng của họ. Và họ cũng biến Phật giáo thành một khoa tâm lý học tinh vi.
Giai cấp bình dân: biến Phật giáo thành Thần giáo để phục vụ đời sống của họ. Gần đây, khắp trên thế giới con người đã biến Phật giáo thành một cơ quan từ thiện để phục vụ xã hội, gọi là Bồ Tát hạnh.
Vì thế hai cư sĩ tìm chơn lý trong đống kinh sách ảo tưởng, nên bảo sao chẳng thành mộng tưởng. Tìm Phật giáo trong đống kinh sách của hai giai cấp này nên bảo sao chẳng vô vọng. Những điều đã dạy tu hành trong kinh sách từ nhiều thế kỷ nay cho đến hôm nay vẫn chưa có ai thực hiện được chứng quả A La Hán. Chỉ chứng những định tưởng thuộc về tà giáo ngoại đạo, không làm chủ được thân tâm, không làm chủ được tâm tham, sân, si và chấm dứt tái sinh luân hồi. Chỉ thể hiện những điều kỳ quặc, những thần thông gạt người, mê hoặc người để cầu danh, cầu lợi. Bởi họ viết ra bằng những tưởng giải do tâm háo danh của họ, họ viết ra chính họ thực hành cũng chẳng được, họ viết ra có rất nhiều điều phi lý, nhưng khéo lý luận che đậy, khiến con người không thể hiểu được, họ viết ra tưởng chừng con người là cây đá, thế mà mọi người đều tin đó là của Phật, họ viết ra như những nhà giải phẫu, phân tích tâm con người manh mún từng mảnh nhỏ. Để làm gì? Để làm một trò chơi cút bắt tâm, để lý luận cho vui tai chứ không ít lợi gì cho con người cả. họ viết ra những điều úp úp mở mở để khiến cho con người tò mò tưởng chừng như trong đó có những điều kỳ đặt, mầu nhiệm, để rồi toàn là một thứ lý giải suông.
(23:56) Đã trải qua bao nhiêu thế kỷ, người ta đã tu theo những kinh sách này, đều dở sống dở chết. Thế mà cho đến hôm nay mọi người vẫn đều tin theo, chạy theo, một cách mù quáng. Không chịu nhìn lại cha đẻ của những pháp môn này, họ đã làm được những gì chưa? Nếu chỉ nhắm mắt tu đùa, tu đại, chừng thực hành không được thì lỡ vỡ cả đời người. Rồi đây, bổ ngửa ra cả đám thất vọng, vô vọng, đâm ra mất hết niềm tin, cũng giống như hai cư sĩ bây giờ vậy.
(24:38) Con người thời nay cũng quyết tâm tu hành cầu giải thoát rất đông đảo. Nhưng họ đang nuốt không vô, nhả không ra, nhầm những triết lý cao siêu mầu nhiệm, còn đi tìm người có kinh nghiệm thì chẳng biết tìm đâu ra, chỉ toàn những bậc minh sư lên đồng, nhập xác, tự xưng Ông này, Bà kia thì nhiều hoặc gặp những thiền sư miệng, đạo sĩ bùa chú thì không thiếu gì trong thời đại này. Trong thời đại này, quý vị có tìm được một minh sư chân thật, chắc quý vị cũng chẳng đủ lòng tin. Vì quý vị đang thần thánh Hóa một vị minh sư siêu việt, có đầy đủ thần thông, Tam Minh, lục thông. Vì thế, mà quý vị chẳng bao giờ gặp được minh sư chân thật của quý vị.
Xưa, Vua Louis đến thăm một vị hiền nhân trong thất hiền của nước Pháp thời bấy giờ. Nhà Vua thấy ông ta đang xay bột giúp vợ làm bánh bán trong cảnh nghèo túng khổ khốn khổ. Nhà Vua liền ban cho vàng bạc, châu báu nhưng ông khéo từ chối. Thế mới biết trong cái tầm thường có cái phi thường. Cái phi thường không phải ở thần thông phép tắc, mà cũng không phải ở chỗ mầu nhiệm kỳ đặt ngoài sức con người làm được, mà ở chỗ con người làm được thoát ra khỏi sự cám dỗ danh lợi, sắc tài, ăn và ngủ của đời người. Và còn làm được của con người là thoát ra khỏi những thú tính mà con người đang mang trong người.
(26:52) Này hai cư sĩ, hai cư sĩ đã từng nghe trên báo chí hoặc đài phát thanh đăng tin những đạo sĩ Ấn Độ chìm trong nước, chôn trong đất không chết. Đi trên lửa, mặc áo mỏng bên trời Liên Xô dưới không độ không run rẩy. Đó là những trò gian xảo, lừa bịp, quảng cáo gạt người bằng những khổ công tu hành của những Pháp môn Yoga, hoặc những Pháp môn khác để được người ta thần thánh mình, và để làm gì? Làm gì nữa? Để tìm danh lợi trong đó. Nếu được sự chứng kiến này chắc quý vị sẽ xem họ là minh sư của mình.
Này hai cư sĩ, chúng tôi tu theo đạo Phật không như lời người ta giới thiệu, đã đạt đạo, chứng đạo, có lục thông. Chúng tôi theo đạo Phật rất thực tế hơn nhiều, không mơ mộng những điều như vậy. Tu tập để làm chủ thân và tâm của mình, để giải thoát bốn sự khổ đang ràng buộc chúng tôi sanh lão bệnh và tử.
(28:11) Này hai cư sĩ, mục đích của đạo Phật là giải quyết Bốn sự khổ này của loài người, để thoát ra sự trói buộc của nó chứ không phải đi tìm lục thông, Tam minh, Phật tánh, Chơn Như, bản thể, v.v… Mà cũng vẫn không phải đi tìm nghĩa lý trong các kinh sách, ngữ luật, công án, v.v… Hoặc tu thế này, thế kia để có thần thông, phép tắc hoặc để triệt ngộ, thông suốt những điều bí mật trong các kinh sách.
Chúng tôi tu theo đạo Phật cũng không xây dựng một thế giới Cực Lạc tưởng, một cõi trời tưởng, để đến khi chết được sinh về đó. Chúng tôi tu theo đạo Phật với một vị trí tuệ sẵn có của mình, biết chọn lựa cách sống của đạo Phật, sống ly dục.
Khi sống ly dục, chúng tôi từng chiến thắng lại tâm mình bằng những trí tuệ và kinh nghiệm từ bản thân, không dựa vào kinh sách nào cả. Sau khi tạo hoàn cảnh sống ly dục được, chúng tôi tiếp tục sống đúng đời sống của đức Phật, sống đoạn dục.
Khi sống đoạn dục, chúng tôi từng ức chế vọng tưởng, nhưng không diệt và không đè nén nó, biết dẫn dắt nó tưới mát tâm chúng tôi, khiến cho đời sống chúng tôi tâm được an vui và giải thoát mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng.
(29:55) Chúng tôi không phải là thiền sư và cũng không đạt đạo. Chúng tôi cũng không thấy có chân lý gì để đạt. Chúng tôi chỉ sống như mọi người khác, nhưng sống thật giải thoát khỏi tâm ham muốn của mình. Chúng tôi không có lục thông, không có bùa chú linh thiêng và cũng không có gì kỳ đặc, độc đáo cả. Chúng tôi là một người thường, không phải A La Hán, Bồ Tát và Phật. Chúng tôi chỉ là những người biết sống, khéo sống. Chúng tôi sống không mơ mộng, không ước ao và không cầu mong một điều gì khác hơn là chúng tôi sống với ý thức sẵn có của chúng tôi. Chúng tôi từng biết rõ việc làm của mình, từng ý niệm của mình, từng hành động và lời nói của mình. Chúng tôi đã tự điều khiển và quản lý được tâm của chúng tôi. Do đó, chúng tôi đã làm chủ được thân tâm hoàn toàn. Chúng tôi không còn bị nô lệ bất cứ một vọng tưởng nào của chúng tôi. Bệnh tật, tử vong, đau khổ không làm chúng tôi sợ hãi. Chúng tôi lại cũng biết rõ, chúng tôi không còn bị danh, lợi, sắc, ăn và ngủ lôi cuốn chúng tôi được nữa. Vả lại, chúng tôi cũng còn biết rất rõ ràng sanh, lão, bệnh, tử không còn trói buộc chúng tôi.
(31:39) Này hai cư sĩ, điều tôi nói trên đây là sự thật, tin hay không tin là ở quý vị. Riêng chúng tôi, chúng tôi chẳng cần ai tin mình. Tôi giải thoát cho tôi, không thể giải thoát cho quý vị được. Cũng như quý vị giải thoát cho quý vị, không thể giải thoát cho tôi được. Tôi không có mộng làm Bồ Tát độ chúng sanh. Danh lợi đối với chúng tôi, chúng tôi đã chấm dứt nó từ lâu. Cho nên Bồ Tát đối với chúng tôi vẫn còn danh lợi. Chúng tôi hiểu rất rõ điều này.
Đến đây tôi xin thành thật bảo quý vị, thực hiện được sự thật này là một công trình vĩ đại khó hơn việc “Dời non lấp biển”.
Một người có đầy đủ ý chí, bền lòng, chặt dạ, kiên trì “mài sắt thành kim” mới thực hiện được.
Những người đứng núi này trông núi khác, thì chẳng đời nào thực hiện được.
Những người đi tìm thần thông, phép tắc, Tam minh, lục thông thì cũng chẳng đời nào thực hiện được.
Những người ban ngày thắp đuốc đi tìm chân lý như hai cư sĩ cũng chẳng thực hiện được.
(33:06) Một lần nữa, chúng tôi xin thành thật khuyên hai cư sĩ, nên sống một đời sống của người cư sĩ giữ trọn đức hạnh làm người. Biết tha thứ, biết san sẽ, biết nhận những lỗi nhỏ của mình và biết khắc phục tâm tham muốn của mình. Thế đủ lắm rồi, đừng mơ gì nữa!
Chúng tôi thăm và chúc hai cư sĩ thân tâm an lạc và thường vui vẻ.
Tu Viện Chơn Như kính thư.
Sau khi nghe bức thư của Thầy trả lời, Quý Thầy đã rõ mục đích tu hành của Tu Viện Chơn Như. Vậy quý Thầy hãy xét lại mình. Nếu họa chăng mục đích tu tập của quý Thầy sẽ đúng vào mục đích này, thì quý Thầy sẽ ở lại đây cùng Thầy tu tập với sự hướng dẫn tận tâm của Thầy. Bằng thấy mục đích tu hành này không phù hợp với nguyện vọng của mình, thì Thầy rất hoan hỷ để quý Thầy rời khỏi Tu Viện, để đi tìm đúng mục đích mà quý Thầy từng ôm ấp trong lòng.
(34:36) Quý Thầy đừng nghĩ rằng, thời kỳ mạt Pháp không thể nào thực hiện được mục đích tu hành tại Tu Viện này được. Điều nghĩ này sai. Tại sao? Tại vì trong mọi thời kỳ, trong mỗi thời kỳ đều có người tu chứng. Tuy rằng, người ta đã phân chia 3 thời kỳ như trong kinh đã dạy:
Thời kỳ chánh Pháp
Thời kỳ tượng Pháp
Thời kỳ mạt Pháp
Hòa Thượng Thiền Tâm đã nói rõ trong cuốn Phật Học Tinh Yếu. Sao gọi là chánh, tượng và mạt Pháp?
Sở dĩ, nói chánh Pháp, vì chánh có nghĩa là chứng. Trong thời kỳ này, đức Thế Tôn tuy đã nhập diệt. Những Pháp nghi của Ngài chưa sửa đổi, có giáo lý, có kẻ hành trì, có nhiều người chứng quả. Như trong kinh đã dạy: “Sau Phật diệt, nhập Niết Bàn 500 năm gọi là thời kỳ chánh Pháp”, người tu có chứng quả A La Hán.
Sau thời kỳ chánh Pháp là thời kỳ tượng Pháp. Nói tượng Pháp, vì tượng có nghĩa là tương tợ, tức là mường tượng. Trong thời kỳ này, đạo hóa chỉ còn mường tượng, Pháp nghi lệch lạc, kinh điển giáo lý có nhiều sự sửa đổi, tuy giáo lý có, cũng có nhiều người hành trì nhưng rất ít kẻ chứng đạo. Thời kỳ tượng Pháp cách Phật 1.000 năm.
(36:56) Sau thời kỳ này là thời kỳ mạt Pháp. Nói mạt Pháp, vì mạt là làm, “Làm ý di mạt” nghĩa là mang manh, nhỏ nhiệm, như chóp đầu lông, chia nhỏ như hạt bụi, điểm sương. Trong thời kỳ này, đạo hóa suy vi, tuy có giáo lý, kinh sách rất nhiều, song ít kẻ hành trì đúng Pháp, huống chi là chứng đạo.
Theo kinh Nhân Vương nói:
Có giáo lý, có hành trì, có quả chứng, gọi là chánh Pháp.
Có giáo lý, có hành trì, không chứng quả, gọi là tượng Pháp.
Có giáo lý, không hành trì, không quả chứng, gọi là mạt Pháp.
Thật ra, thời tượng Pháp chẳng phải là không có quả chứng. Song bậc chứng quả như sao buổi sáng trên nền trời, khó tìm, khó gặp. Thời mạt Pháp chẳng phải là không có người hành trì, song kẻ hành trì đúng theo giáo lý rất ít, hầu như không có, nên mới gọi là không hành trì.
(38:34) Để kết luận buổi nói chuyện hôm nay, theo lời dạy của Hòa Thượng Thiền Tâm dẫn chứng trong các kinh sách thì chúng ta nhận thấy cũng khá rõ ràng. Nhưng đó là kinh, còn theo Thầy nghĩ trong ba thời kỳ này, thời kỳ nào cũng có người tu chứng quả A La Hán. Bằng chứng hiển nhiên rất cụ thể, do sức Thiền Định mà các vị tu hành để lại nhục thân cho đến ngày nay. Gần đây 300 năm, tại quê hương chúng ta, đất nước Việt Nam có Ngài Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã để lại nhục thân ở chùa Đậu miền Bắc nước ta. Đó là vì họ tu đúng. Tu đúng như thế nào?
· Thứ nhất là phải thực hiện giới luật nghiêm túc.
· Thứ hai là tập luyện Thiền Định phải đúng cách và phải do những kinh nghiệm của những bậc Độc Giác Phật.
Còn những ai dựa vào kinh sách mà tu hành trong thời kỳ mạt Pháp thì khó thành tựu. Bằng chứng hiển nhiên chúng ta thấy hiện giờ, người ta dựa vào kinh sách tu hành đã nhiều thế kỷ nay, không thấy có ai chứng quả A La Hán, chỉ toàn học giáo lý mà thôi! Tại sao vậy?
(40:56) Tại vì kinh điển đã bị người sau thêm thắt quá nhiều, làm lệch lạc tất cả kinh nghiệm tu hành của đạo Phật. Cho nên xét về quá trình thời gian, thì thời nào cũng có những bậc Độc Giác ra đời. Đó là để giữ gìn giềng mối của đạo Phật. Nếu không có các bậc này, thì đạo Phật ngày nay sẽ đi về đâu? Chắc chắn, sẽ trở thành một môn học cho người sau mà thôi. Chúng ta cũng nên xét kỷ, vì mục đích của đạo Phật hiện giờ đã bị lệch lạc, cho nên khiến người sau chẳng biết đường lối nào tu hành.
(41:57) Sau khi quý Thầy đã hiểu rõ mục đích tu hành tại đây và trong ba thời kỳ mà là kinh sách đã chia cắt ra. Nhưng kết luận chúng ta nhận xét kỹ trong mỗi quá trình thời gian, thời kỳ thì thời kỳ nào cũng có bậc Độc Giác Phật xuất hiện ra đời. Nhưng có điều họ không phát triển kinh nghiệm tu hành sâu rộng trong mỗi tầng lớp con người, mà chỉ giữ mãi chiều sâu của đạo Phật còn trụ thế mà thôi. Bởi vì, họ gặp một thế lực Phật giáo kinh điển chèn ép mạnh mẽ. Đây cũng là duyên của chúng sanh. Vậy một lần nữa Thầy khuyên quý Thầy, sự tu hành là sự ích lợi cho bản thân cá nhân của quý Thầy hơn hết, hơn tất cả. Quý Thầy cứ tư duy cho chính chắn rồi mới thực hiện, đừng vội vàng, nông nổi mà hãy cẩn thận và cẩn thận hơn.
Đến đây, Thầy xin chấm dứt buổi nói chuyện hôm nay quý Thầy cùng Thầy niệm hồi hướng:
Nguyện đem công đức này
Hồi hướng cho tất cả
Pháp giới và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
HẾT BĂNG