150-NGƯỜI CƯ SỸ XIN NHÌN LẠI. TS Nguyễn Mạnh Hùng.

NGUỜI CƯ SỸ XIN NHÌN LẠI
TS Nguyễn Mạnh Hùng

Tôi lên kế hoạch viết bài này từ rất lâu rồi. Lâu lắm rồi. Nhưng không dám viết. Một phần có lẽ bởi tôi là kẻ hèn nhát, sợ ném đá. Cũng giống như bài “Người tu sỹ xin nhìn lại”, viết ra, đăng lên nhận đá, nhận gạch là chắc ăn. Hơn nữa rất có thể bị hiểu lầm thành người soi mói, nói cái xấu của người, phóng dật,... Tuy nhiên hôm nay, 31 tháng 12 là ngày cuối cùng của năm 2015, tôi vẫn quyết định viết ra. Suy đi tính lại, dù sao cũng cần viết ra suy nghĩ của mình, cái nhìn của mình. Chẳng gì bằng nói thật. Có gì tốt hơn khi chúng ta biết sự thật để tìm cách tự thay đổi. Tôi ngồi gõ và nghĩ gì gõ đó, không cần đọc lại. Bởi cứ để dòng suy nghĩ chảy ra là tốt nhất, là đúng như thật nhất.

Con xin thành tâm sám hối trước chư Phật, chư Bồ Tát mười phương, trước chư vị A-la-hán, chư Hiền Thánh Tăng thường trú khắp muôn nơi. Con xin chí thành sám hối trước liệt vị tổ sư qua các thời đại, từ Tây Trúc cho đến Việt Nam. Con thành thật viết ra để tự nhắc mình, răn mình, như một cư sỹ. Rồi biết đâu có những bạn đồng tu cũng có cùng suy nghĩ với con để cùng nhau giật mình, cùng nhau tu tốt hơn. Tu là sửa. Chúng con cùng bên nhau, nắm tay nhau, kề sát tâm với nhau để tu, để sửa.

Bài này con cũng mong rằng sẽ có ít nhất 1 ngàn người đọc. Trong 1 ngàn người đó ít nhất có 10 người đồng quan điểm với con và sẽ có 1 người liên lạc với con để chung bước đi tiếp con đường của người phật tử tại gia. Con cũng mong ngay cả thời nay vẫn có những vị cư sỹ tại gia chứng đắc, vẫn có những vị hộ pháp như ngài Cấp Cô Độc thời xưa. Mà phải nhiều là khác vì thời nay văn minh, điều kiện đầy đủ như vậy cơ mà.

1, Cơ sự đâu nên nông nỗi này?

Như chúng ta đã biết, ngày nay có một bộ phận quý thầy, quý sư cô, những người xuất gia, từ bỏ gia đình quyết chí tu tập để giác ngộ và giải thoát lại không lo chuyện tu mà lại CHUYÊN TÂM đi cúng, đi xây chùa, đi làm từ thiện, cúng lễ, bói toán, đi làm nhang làm nến, sản xuất hàng hóa để bán. Đó là những việc của người đời chứ đâu có phải là bổn phận của người tu. Đó là chưa nói đến chuyện Iphone, xe xịn, rượu bia, sống buông thả,…. Lỗi một phần rất lớn là của tôi, của chúng ta và của quý vị, của những người cư sỹ chúng mình.

Cơ sự rằng có những quý thầy, quý sư cô sống và tu sai, tu và sống theo Bát Tà đạo chứ không  phải Bát Chánh đạo là một phần do cư sỹ tại gia chúng ta. Người phật tử tại gia thích đến chùa to, thích vào chùa đẹp. Chùa là nơi để tu chứ đâu có phải là danh lam thắng cảnh để tham quan. Chúng ta khen chùa nọ đẹp, chùa kia lớn, chùa nơi A có tượng Phật ngọc, chùa nơi B có tượng Bồ Tát cao kỷ lục…. và làm quý thầy suy nghĩ. Quý thầy vẫn là người tu. Người tu tức là sửa mình. Tứ chúng cùng tu mà. Vì còn đang tu nên tham sân si vẫn còn. Làm sao mà hết ngay được ham muốn đối với tài, sắc, danh, thực, thùy. Vậy nên khi gặp những phật tử xúi thêm vào, kích bác quý thầy, quý thầy cũng khó xử, tâm xao động. Một người nói thầy thấy ổn. Vài người chê chùa nhỏ sư cô thản nhiên. Nhưng khi cả trăm, cả ngàn cư sỹ “phán” và “gạ gẫm” thì các thầy (vì chưa là Thánh) nên vẫn xiêu lòng. Vậy là thay vì để thời gian hành thiền, tu thân sửa tâm, nhiều thầy thành kiến trúc sư, thành kỹ sư xây dựng, thành nghệ nhân làm tượng bất đắc dĩ. Than ôi. Chúng ta cần nhìn lại mình nhé, quý vị cư sỹ yêu kính.

Khẩu nghiệp lớn quá. Chúng ta, chính chúng ta khen chùa này đông phật tử, khen thầy kia lắm đệ tử. Thế là có thầy mếch lòng. Thế rồi chúng ta đưa quý thầy quý sư cô vào con đường xấu – tìm cách chiêu mộ đệ tử, chẳng khác gì chiêu quân. Chuyện này có xảy ra không nào. Chắc chắn có. Lỗi tại ai nào, nếu không phải tại phật tử tại gia chúng ta. 

Chúng ta không hài lòng khi thấy quý thầy quý sư cô xin xăm, bói toán, kêu gọi ghi tên cầu an cầu siêu, cúng sao giải hạn, … mà quên đi rằng lỗi do chúng ta. Chúng ta mời, chúng ta thỉnh, chúng ta năn nỉ, chúng ta muốn. Có những quý thầy đâu có biết cúng. Nhưng nghe yêu cầu hoài, yêu cầu mãi, thầy đến cúng 1 lần và sau này, lâu dần thành nghề thầy cúng. Chỉ tại phật tử tại gia chúng ta làm hỏng các thầy mà thôi.

Viết đến đây tôi nhớ rằng có lần về quê thăm nhà 1 anh bạn. Cả làng cả xã đang khen ngợi và tôn vinh một ông quan chức A vừa làm cho làng 1 đoạn đường. Ông ấy còn xây cho cả cổng làng rất đẹp. Ai cũng trầm trồ tán thán. Ai cũng khen mà không biết (hoặc chưa biết) rằng ông quan chức kia lấy tiền đâu ra. 100% tiền làm đường và làm cổng làng đó là tiền tham nhũng. Ông quan chức được khen, sướng quá và hứa sẽ làm thêm cái B, cái C cho quê. Tiền đâu ra. Lại phải đi tham nhũng tiếp. Đấy chúng ta tiếp tay cho tham nhũng.

Đối với các chùa và các nhà sư cũng vậy. Chúng ta cũng khen, cũng kích động kiểu ấy và vô tình kéo thầy mình vào tà đạo, giết thầy mình không dao. Tôi nhớ và đã rất buồn khi được đón một Thượng tọa đến giảng pháp. Ai cũng cung kính và chờ đón. Cuối cùng thầy nói về sức khỏe và quảng bá thuốc của một hãng đa cấp. Rồi Thượng tọa bảo rằng nếu quý vị muốn thầy sẽ mời ngay chuyên gia rất giỏi của hãng đa cấp A đó về thuyết giảng về giá trị của các loại thuốc này. Thầy khoe ngay rằng nhờ tham gia vào đây mà thầy chẳng cần làm gì mỗi tháng cũng có hơn 100 triệu đồng. Ai là người đưa thầy đi bán hàng. Ai là ngươì lôi thầy vào đa cấp nếu không phải phật tử tại gia chúng ta. 

Cư sỹ chúng ta chưa chịu làm những việc mà các quý thầy quý sư cô đang phải làm. Ngày xưa ngài Cấp Cô Độc rồi các cư sỹ khác lo chuyện xây dựng thiền đường, tăng xá, ni xá. Quý vị xuất sỹ chỉ việc tu. Tại sao bây giờ cư sỹ không lo những chuyện ấy. Tôi nhớ rằng năm ngoái có đi Malaysia và Indonesia. Ít nhất tại 2 nước này có Hội Cư sỹ. Hội Cư sỹ lo toàn bộ các công việc mà ở Việt Nam chúng ta quý vị xuất sỹ phải làm. Tôi nói thật rằng rất, rất mong có Hội Cư sỹ tại Việt Nam ta.

Mỗi lần từ Hà Nội vào Sài Gòn tôi có tham gia sinh hoạt với nhóm Doanh nhân phật tử do bác Vũ Chầm – chủ tịch Vina Giầy. Tuy nhiên nay bác già rồi, nhóm cũng yếu đi, chưa có ai thay thế. Và tôi lại trăn trở: Liệu có thành lập được cái gì đó tương tự không. Để lo phật sự giúp quý thầy. Luật pháp Việt Nam chắc chắn là cho phép. Không những vậy mà nhà nước còn chắc chắn ủng hộ bởi tất cả cùng hiểu rằng khi Phật pháp mạnh thì đất nước thịnh vượng và bình an. Mà nếu các cấp chưa nhất trí thì chúng ta nên cùng nhau thuyết phục. Nước chảy đá mòn mà. Đời này chưa làm được thì đời sau nhất định sẽ được.

Cư sỹ chúng ta tham lam quá. Tôi nghĩ vậy. Chúng ta muốn giàu rồi, muốn đủ thứ. Chỉ vì cái tham quá đó mà chúng ta mời thầy đến cúng đến lễ, đến xem phong thủy để được giàu thêm, để khỏe ra, để có những gì mình muốn. Do tham quá và chúng ta lại lôi các thầy vào con đường tham của chúng ta. Thế mới có chuyên anh A mời Hòa thượng B dễ như chơi, chị C mời thượng tọa D lúc nào cũng được. Chúng ta tham đủ thứ và đôi khi, (nói dại), có quý vị cư sỹ còn điều khiển được cả quý vị xuất sỹ thậm chí quý vị có chức sắc cao trong Giáo hội cũng nên. Thế thì nguy hiểm quá. Lỗi không tại cư sỹ chúng ta thì tại ai mà ta cứ đổ thừa cho quý thầy, quý sư cô.

Cư sỹ chúng ta cúng dường chưa đúng cách. Tôi được gần 1 Sư Bà rất lớn. Bà than phiền rằng bà được cúng dường mấy cái máy. Nào là ipad, nào là iphone 6 plus, nào là gì gì nữa bà không nhớ. Nhưng Sư Bà đang cất hết trong tủ. Bà đâu có biết dùng. Có lần lôi ra không thể dùng được. Phật tử thì cứ ép Sư Bà nhận. Ai cũng muốn tặng quà. Thực ra quý anh, quý chị muốn Sư Bà có máy tốt để liên lạc, để sử dụng thôi. Nhưng, than ôi, lại chưa đúng thứ cần và chưa đúng cách. Sư Bà lại yêu quý các phật tử, tính lại cả nể, thế là nhận cho các trò vui. Gặp tôi hôm trước Sư Bà bảo rằng bà dùng chiếc máy điện thoại “cùi” này là thích nhất.

Lại có chuyện chị nọ nằm mơ thấy phải cúng 1 tỷ vào chùa mới tai qua nạn khỏi. Thế là chị tìm đến chùa của thầy và năn nỉ thầy xây chùa lại. Thầy bảo, chùa đang tốt thế này sao lại đập đi xây lại. Chị kể về giấc mơ. Thầy nói rằng nên dùng tiền này đi làm từ thiện, làm phước cứu người. Chị vẫn không chịu. Thầy gọi điện cho tôi. Thế là tôi đến. May thay tôi đã thuyết phục được chị dùng tiền đó giúp bệnh nhân nghèo. Quý vị thấy không ạ, nếu bữa đó tôi không về chùa được thì có thể 1 ngôi chùa đã được đập đi để xây mới. Hoặc chị đó lại tìm đến một ngôi chùa khác để “phá chùa” nếu thầy tôi không đồng ý xây lại chùa và không thuyết phục được chị ấy. 

Cư sỹ chúng ta tu chưa đúng cách. Chúng ta nương tựa vào quý thầy là rất đúng. Tuy nhiên có lẽ chúng ta cũng nên dành thời gian đọc lại kinh điển. Đối với tôi, bộ kinh Nykaya không phải quan trọng mà vô cùng quan trọng, vô cùng căn bản. Tôi mong làm sao có thể in thật nhiều bộ kinh này để tặng, để cúng dường. Không chỉ các quý thầy quý sư cô nên đọc mà cư sỹ tại gia cũng rất nên đọc. Thật sự là vậy. Đây là móng nhà, là nền tảng cho tứ chúng cùng tu. Nếu chúng ta đọc, có văn tuệ thì sẽ tiến đến tư tuệ và tu tuệ. Khi đó có thể đàm đạo với quý thầy về cách tu đúng tu trúng, cách tu theo đúng nhân bản nhân quả.

Chúng ta chưa biết cách khuyên ngăn các quý vị xuất sỹ đi sai đường. Chúng ta bị quan niệm sai rằng không dám nói lỗi của quý thầy. Ngày xưa tôi cũng vậy. Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ rằng quý thầy, nhất là các thầy ở miền Bắc, một mình một chùa (có khi một mình vài chùa), thời gian không có, thầy cũng không, kinh điển thì thiếu, thời gian tu hành chưa nhiều mà lại có thể tu hoàn toàn đúng được. Quý vị mà sống một mình, phải lo trăm công ngàn việc như vậy trong khi ngày chỉ vẫn có 24 tiếng thì thử hỏi có thời gian để tu hay không chứ chưa bàn đến chuyện tu đúng hay tu sai. Chúng ta nên (và có thể) bàn luận, đàm đạo với quý thầy, có thể mang hiểu biết hay kết quả tu của mình ra tâm sự với thầy. Ví dụ như thấy các thầy tổ chức những lễ hội quá hình thức, quá tốn kém chúng ta cũng nên góp ý. Khi đến chùa thấy các quý thầy vẫn ăn mặn, vẫn uống rượu bia, ta nên khuyên nhủ,...

Tôi nhớ rằng đã từng đến dự một chương trình ra mắt một ban Phật giáo ở cấp rất cao. Các thầy tổ chức rất lớn, hoành tráng như ngoài đời. Vẫn mua rất nhiều lẵng hoa đắt tiền để tặng, để chúc mừng. Rất nhiều lẵng hoa lớn lắm, đẹp lắm, tốn kém vô cùng. Tất cả chỉ để trưng bày ở đó. Tôi còn cảm nhận rằng có những quý thầy chức lớn trong Giáo hội vẫn hãnh diện ra chụp ảnh. Ban tổ chức giới thiệu từng đơn vị từng cá nhân lên tặng hoa và chụp hình. Nói thật rằng, nếu như ngày xưa thì tôi cũng ái ngại nhưng nay tôi đã biết chút ít nên hành xử khác đi. Tôi đã xin gặp một thầy lớn và góp ý rằng nên bỏ những thủ tục rườm rà và rất tốn kém này đi. Hòa thượng cám ơn và ghi nhận. Tôi thấy vui trong tâm.

Viết đến đây tôi muốn hỏi rằng bạn có biết rằng ngay ngoài đời có những doanh nghiệp cơ quan cũng ghi rõ, “Không nhận lẵng hoa” trong giấy mời. Họ yêu cầu rất rõ rằng xin chuyển tiền mua hoa vào tài khoản hay mang đến BTC để góp quỹ mua sách cho các lớp học,… Tôi rất thích cách làm này. Tôi học theo và mấy năm nay khuyến cáo và khuyên nhủ mọi người cùng lỳ xì kinh, sách thay vì tiền nhân Tết âm lịch. Cá nhân tôi cũng lỳ xì kinh, sách. Cũng khá hiệu quả đấy ạ. 

2, Người cư sỹ chúng ta cần gì và cần làm gì?

Chánh pháp. Chánh pháp là thứ chúng ta cần. Chánh pháp là cần nhất. Cư sỹ tại gia cần thoát khổ, cần hết khổ. Hay ít nhất là BỚT KHỔ. Mục đích của cuộc sống là chấm dứt khổ và đây là đích đến của con người. Khi hết khổ là ta không còn ham thích, luyến ái, ràng buộc với bất cứ lạc thú nào. Chúng ta biết rõ mình đi đâu, về đâu.

Cư sỹ tại gia chúng ta nên chung tay góp sức lại với nhau và lo việc nhà chùa. Tôi mong nhất là sớm có Hội Cư Sỹ hay Hội Doanh Nhân Phật Tử hay hội Phật Tử Tri Thức,… gì gì đó ở Việt Nam. Tôi cũng không hiểu tại sao ngày xưa có “Gia đình Phật tử” hay vậy mà ngày nay không thấy phát triển nữa. Tôi chưa hiểu tại sao ngoài miền Bắc lại chưa có mô hình tuyệt vời này. Hay là nhà nước không cho phép. Nếu thật vậy thì chúng ta phải cùng nhau đi thuyết phục nhà nước. Nhà nước là của dân, do dân và vì dân mà. Nhà nước nào thì cũng muốn dất nước và dân tộc thịnh vượng và bình an mà.

Người cư sỹ nên trăn trở về cuộc sống làm người đang có được. Chúng ta nên trăn trở về quỹ thời gian mình có phước được sống trên mặt đất thân yêu này. Sống ngắn hay dài không quan trọng mà là sống tốt, sống có ích, sống phụng sự, sống bình an và mang bình an và yêu thương đến càng nhiều người càng tốt.

Quỹ sống của chúng ta chưa chắc đã là 80 năm hay 70 năm như bạn nghĩ. Mỗi ngày có bao nhiêu người chết vì bệnh tật và tai nạn. Cư sỹ chúng ta nên biết quý từng ngày, từng giờ, từng phút giây. Chúng ta nên coi tài sản mình có duy nhất và quý nhất là hơi thở. Phải thở làm sao, phải sống làm sao trong chánh niệm. Phải “chi tiêu” làm sao để vốn thời gian trong một ngày, một giờ quý giá nhất, bình an nhất.

Thời gian vô cùng màu nhiệm, nó giúp cho mỗi chúng ta trưởng thành, giúp chúng ta lại gần nhau hơn, về với Niết-bàn và với Phật gần hơn, nếu như ta tu đúng, tu trúng.

Mấy năm trước tôi có đọc và nghiên cứu về đại bàng và cứ luôn lôi đại bàng ra làm thầy mình. Đại Bàng bay một mình ở một tầm rất cao. Chúng ta cũng nên đưa mình lên một tầm cao trong tu tập và phụng sự Tam Bảo. Đại Bàng có tầm nhìn rất xa, có khả năng tập trung cao độ. Chúng ta nên cùng nhau chú tâm và thực hành chánh niệm. Đại bàng chọn thức ăn rất kỹ. Cư sỹ chúng ta cũng vậy, nên chọn thứ để nghe, chọn cái để đọc, chọn bạn để chơi, nhất là cảnh giác với các bộ phim và các chương trình truyền hình. Đại Bàng rất thích các cơn bão. Chúng sử dụng sức gió của cơn bão để nâng mình bay cao hơn. Tại sao chúng ta không học đại bàng sử dụng những cơn bão của cuộc đời để nâng chúng ta lên tầm cao mới. Đại Bàng luôn có bài kiểm tra trước khi nó đặt niềm tin vào con khác. Ta cũng vậy, chúng ta nên nhớ lời Phật dạy, rằng “Đạo Phật là thiết thực cho hiện tại, đến để mà thấy, không có thời gian, có tính chất hướng thượng và dành cho người trí tự mình giác hiểu”. Nếu là người trí chúng ta cần biết đó là lời gốc Phật dạy và tự cam kết thực hành. Tôi rất thích cách đại bàng dạy con bay. Gai góc và khó khăn trong cuộc sống dạy chúng ta phải phát triển, rằng chúng ta cần ra khỏi “tổ”, ra khỏi vỏ bọc, thoát khỏi giả dối, vùng khỏi các loại mặt nạ. Để tu và sống.

Tôi nhớ rằng đã nhiều lần chiếu các clip về đại bàng khi già yếu sắp chết. cho các học trò khi tôi đi giảng dạy đại bang tìm đến một một nơi xa trong đá, đập vỡ mỏ cũ, đợi mỏ mới mọc ra, dùng mỏ mới nhổ hết móng vuốt cho móng vuốt mới mọc ra. Rồi đại bàng nhổ hết tất cả lông trên cơ thể của mình và ở lại đó đến khi cơ thể phát triển mới và trở lại cuộc sống. Và thế là đại bàng tái sinh, sống gấp đôi tuổi thọ.

Cư sỹ chúng ta cần dũng mãnh hơn, quyết liệt hơn trước cái đúng sai, trước các cám dỗ của cuộc dời, cần nhiệt tâm tỉnh giác nhiếp phục tham ưu.

Chúng ta cùng nhau nhớ lại xem ngày xưa Đức Phật có khổ không. Có chứ. Đức Phật có bị kẻ xấu hãm hại không. Có chứ. Phật có tuệ giác và từ bi bao la nên Phật biết cách quán khổ, quán các cảm thọ, quán tâm. Cho nên Phật khổ rất ít. Phật cũng có bệnh tật, cũng đau bụng, nhức đầu như chúng ta nhưng vì Phật có trí tuệ và tình thương lớn lao nên Phật biết chuyển hóa khổ đau.

Cư sỹ tại gia cần xách tấn nhau tu tập, thực hành lời gốc Phật dạy. Chúng ta cần tu mỗi ngày. Chiếc xe máy nếu không tăng ga thì xe đâu có chạy. Ta cũng vậy, rõ ràng cần nhất là hành thiền mỗi ngày. Hành thiền trong cả 4 tư thế: đi đứng nằm ngồi. Nếu thất niệm nổi lên ta nhắc tâm quay về với chánh niệm, để thấy biết như thật. Là cư sỹ tại gia nên chúng ta không sợ vọng tưởng, không sợ thất niệm. Cứ nhắc mình, cứ nhớ nghĩ đến việc quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp là chúng ta từng bước gần Phật và gần Niết Bàn. Cư sỹ tại gia cũng có thể tu được có thể thành đạo được chứ ạ.

Cư sỹ chúng ta cần trở thành những vị hộ Pháp. Thời của Đức Phật có đại thí chủ Cấp Cô Độc và nữ thí chủ Visakha. Họ thật sự là những cánh tay của Phật. Họ cùng các vị cư sỹ khác lo chuyện xây dựng, lo cúng dường thức ăn, thuốc chữa bệnh, y bát. Tuy nhiên họ vẫn tu tập tốt. Để rồi khi mạng chung ngài Cấp Cô Độc được sinh lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên.

Thời nay, trong số bạn bè và người quen của mình tôi cũng thấy nhiều vị hộ pháp rất lớn và là những tấm gương sáng chói. Tôi muốn kể đến và vô cùng biết ơn cư sỹ Trần Tuấn Mẫn, cư sỹ Tống Hồ Cầm, bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, cư sỹ Nguyễn Tường Bách, cư sỹ Phạm Nhật Vũ, cư sỹ Chánh Tín An,... Tôi muốn nhắc đến tấm gương hộ pháp của các doanh nhân Trương Gia Bình, Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Tuấn Khải, Trần Xuân Kiên, Vũ Thị Thuận, Lê Phước Vũ, luật sư Lê Thanh Sơn, ca sỹ Phi Nhung, nhà báo Hoàng Anh Sướng, nhạc sỹ Cù Lệ Duyên, nhạc sỹ Chúc Linh, ca sỹ Phi Nhung,… ,… Nhiều lắm. Rất nhiều. Không thể kể hết. Họ hộ pháp âm thầm và bí mật. Họ phụng sự hết mình cho Tam Bảo mà có mấy ai biết. Họ rất tuyệt vời. Họ vừa hộ pháp âm thầm vừa tu tập tinh tấn. Tôi thật sự ngưỡng mộ và kính quý.

Lầm lỗi của tôi, của cư sỹ tại gia chúng ta trong quá khứ thật là nhiều. Quá nhiều. Nhưng đó là quá khứ. Quá khứ thì đã qua rồi. Chúng ta chỉ cần nhắc nhau sám hối và nhận lỗi, nhận rồi tự sửa. Thế là chúng ta nhất định có tiến bộ.

Hôm nay là 31 tháng 12, là ngày cuối cùng của năm 2015. Quý vị đọc được những dòng chữ này có lẽ khi đã là năm 2016 rồi. Tôi đang rất bình an và sẽ ngồi ít phút nhìn lại một năm trôi qua xem mình đã làm được những gì tốt. Tôi may mắn được thầy đặt cho pháp danh là Thiện Đức với lời nhắc nhủ tôi luôn hành thiện tích đức. Vậy nên tôi cần tự soi xem năm 2015 vừa qua mình đã hành những gì thiện, có làm được gì phước đức hay không. Cái đó chỉ có mình tôi biết mà thôi.

Bạn cũng vậy. Bạn đọc những dòng này khi đã là những ngày đầu tiên của năm mới. Bạn hãy cùng tôi nghĩ về 1 năm qua. Là 1 cư sỹ tại gia, tôi mong bạn hãy cùng tôi nhìn lại. Cái nhìn của tôi còn rất phiến diện, còn thiếu khách quan, còn chứa chấp vô minh. Tôi mong bạn chia sẻ cùng tôi, hãy chỉ ra những lỗi lầm, những vụng dại, những cái sai của tôi, của chúng ta, để chúng ta cùng sửa. Cùng sửa để từng bước giác ngộ, để đi đến thực chứng. Chúng ta cùng nhau tu để có tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.

Tôi xin thành tâm xin lỗi vì những lời viết vụng dại này. Tôi cũng xin lại được nhẩm đọc “Kinh sám nguyện” trước khi gửi bài đi. Nguyện mong và nguyện chúc cho quý vị và các bạn một năm mới 2016 thật VỮNG CHÃI và thật AN LẠC.

           Năm mới ta cùng mới.
           Người vui cảnh sẽ vui.
           New year, we new!