LỜI NÓI ĐẦU “NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY tập III”
Kho tàng văn hóa đạo đức Phật giáo rất phong phú và tuyệt vời, thường có những văn hóa thực tế, không mơ hồ, trừu tượng, ảo giác, không mê tín, dị đoan v.v… Nhưng chưa có người tu chứng triển khai đúng mức. Vì thế những văn hoá ấy gần như mai một, bị chôn vùi dưới lớp văn hoá Bà-la-môn và những kiến giải tưởng của các Tổ, sư học giả, chúng biến văn hoá chân lý của đức Phật thành văn hoá triết học siêu hình tưởng, ảo giác, trừu tượng và mê tín (Đại Thừa, Thiền Tông).
Hôm nay chúng tôi triển khai những văn hoá đạo đức mà đức Phật đã dạy từ ngày xưa. Khi chúng tôi đã thực hành được, thấy biết những văn hoá này đúng như thật và có lợi ích rất lớn cho loài người đang sống trên hành tinh này.
Phật pháp không dối người, hễ tu thì thấy kết quả ngay liền: “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy…” Chỉ có những người tu sai, tu tập theo sự suy nghĩ của mình, không theo kinh nghiệm của người tu tập đã xong, do căn cứ vào trình độ học thức có cấp bằng Cử nhân, Tiến sĩ…. rồi tự cho mình có thể thông suốt khi đọc trong kinh sách Phật. Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng những nhà học giả xưa nay đã làm một việc rất sai lệch: chưa tu chứng, không hiểu đúng được những lời dạy của đức Phật, chỉ tìm hiểu nghĩa lý chữ nghĩa qua kiến giải, tưởng giải của mình, rồi áp dụng vào sự tu tập thì thật là điên đảo. Phần đông những người tu theo kiến giải này đều rơi vào pháp ức chế tâm như chúng tôi đã nói.
Những người tu tập rơi vào pháp ức chế tâm thì hay bị bệnh, bị điên khùng, thường tưởng nghĩ mình nhập Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền… nhưng khi xét lại thì Sơ Thiền còn chưa nhập được, có nghĩa là, khi ngồi thiền không có vọng tưởng, còn lúc xả thiền ra là đủ thứ vọng tưởng, tưởng danh, tưởng lợi, tưởng ăn uống và sắc dục. Tu như vậy gọi là tu tập thiền ức chế tâm. Từ lâu người ta chịu ảnh hưởng của Phật giáo Đại Thừa nên tu tập thành một thói quen là nhiếp phục và ức chế ý thức cho hết vọng tưởng. Vì thế hiện giờ rất khó dạy cho những người tu tập đúng pháp. Vì “dạy xả tâm thì họ lại tu tập ức chế tâm”. Họ đi theo lối mòn của người xưa, nên dạy một điều, họ tu tập một điều khác, nên kết quả giải thoát chỉ là số không.
Sau thời gian dài tu tập họ lọt vào thiền tưởng, từ đó sống phá giới luật, sống phi Phạm hạnh, nhất là Thánh hạnh độc cư, tâm thì phóng dật chạy tứ tung tìm gặp mọi người để nói chuyện, thường thích khoe khoang sự tu tập của mình, chứng cái này, đạt cái kia, nhưng nhìn lại Thánh hạnh sống chẳng ra gì. Trong khi đức Phật dạy: “Giới sanh định”. Vậy, giới sống chưa trọn vẹn mà có định là định gì đây? Các bạn cứ suy ngẫm lại đi.
Thưa các bạn! Định ấy có đúng như lời Phật dạy không?
Xưa đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo khi tu tập có những công đức gì đều nên im lặng như Thánh, duy chỉ có những điều lỗi lầm thì nên nói ra để mà sửa đổi, để mà ngăn và diệt…”
Kính thưa các bạn! Khi các bạn về đây tu tập, dù một giờ, một phút hay nói ít nhất là một giây thì các bạn có nhớ lời dạy đầu tiên của Thầy chăng: “Sống độc cư, không nên hội họp, không nên nói chuyện”. Thế các bạn có nghe lời dạy này đâu, nên các bạn tu hành chỉ uổng công mà thôi. Thấy các bạn sống chưa đúng Phạm hạnh, nhất là các bạn còn thích nói chuyện thì dù các bạn có tu pháp nào, chúng tôi đều biết chắc các bạn đã tu sai và sự tu tập của các bạn chỉ phí thời gian và uổng phí cuộc đời, chẳng bao giờ các bạn tìm thấy sự giải thoát trong Phật giáo.
Tứ Thánh Định là loại thiền định của bậc Thánh, chứ không phải thứ phàm phu thiền như các bạn đã hiểu sai lạc theo Đại Thừa kiến giải. Chúng tôi dạy tu tập ở đây là có trách nhiệm và bổn phận, khi các bạn tu đúng lời dạy. Nếu các bạn tu sai lời dạy thì chúng tôi không có trách nhiệm và bổn phận. Giải thoát được thì các bạn nhờ, không giải thoát thì các bạn chịu, đừng đổ thừa tại tu pháp môn của Thầy. Thầy dạy các bạn ly dục ly ác pháp. Sao các bạn không chịu ly mà lại tu pháp môn gì? Thích nói chuyện, thì đừng đi nói chuyện, đó là ly dục; thích ngủ nghỉ thì đừng đi ngủ nghỉ, đó là ly dục; thích ăn uống phi thời thì đừng ăn uống phi thời, đó là ly dục… tu như vậy mới thật là tu, tu như vậy mới gọi là tu thiền, nên đức Phật dạy: “Ly dục ly bất thiện pháp nhập Sơ Thiền do ly dục sanh hỷ lạc”.
Con đường tu theo đạo Phật đã xác định rõ ràng như vậy, cớ sao các bạn tu sai rồi bảo rằng Thầy dạy sai. Khi ra khỏi tu viện cái gì của các bạn cũng đều đúng, nhưng tâm các bạn có hết tham, sân, si, mạn, nghi chưa? Có làm chủ sanh tử luân hồi chưa? Còn Thầy cái gì cũng sai nhưng Thầy làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Như vậy ai đúng, thưa các bạn?
Tu tập theo Thầy thì phải nhận ra cho được hai điều sai quan trọng:
1- Đang tu tập thấy mình có chứng đắc trạng thái tưởng thì phải biết đó là tưởng. Nếu không biết là tu sai
2- Tu theo ức chế tâm mà không biết tu sai. Đó là hai điều tai hại nhất trong cuộc đời tu tập.
Mọi người cứ tưởng dùng trí thông minh đọc kinh sách của Phật là hiểu biết cách tu tập ngay liền. Sự thật là không phải vậy. Khi đối chiếu sự tu tập dựa vào kinh sách Đại Thừa và các kiến giải của các nhà học giả xưa và nay đã chứng minh cho các bạn thấy rất rõ ràng: Đọc kinh sách Phật phát triển chỉ hiểu biết để lý luận tranh chấp hơn thua chơi, chứ tu tập không đi đến đâu cả. Cho nên, cùng một bài kinh mà người này hiểu như thế này, kẻ kia hiểu như thế kia; cũng một người, một bài kinh năm nay hiểu như thế này, sang năm hiểu như thế khác. Do hiểu như vậy, làm sao tu tập có kết quả đúng được.
Khi chú thích lời Phật dạy, chúng tôi cố gắng giải thích như thế nào để giúp các bạn hiểu rõ pháp hành ly dục ly ác pháp, chứ không phải pháp hành ức chế tâm. Lời dạy của đức Phật cần phải hiểu rõ, hiểu đúng và rất chính xác, có thể khi hành pháp thì mới có kết quả. Tuy chúng tôi biết rõ nghĩa kinh như vậy nhưng dùng từ để diễn đạt cho các bạn hiểu rõ là một điều rất khó. Vì thế, chúng tôi hay dùng những từ trong kinh sách, vì những từ này được mọi người biết nhiều hơn (phổ thông). Tóm lại khi tu tập các bạn cần nên biết rõ mục đích của sự tu tập.
Vậy mục đích của sự tu tập theo Phật giáo là gì?
Mục đích tu tập theo Phật giáo là chỗ bất động tâm trước các cảm thọ và các ác pháp, chứ không phải chỗ khinh an, hỷ lạc, chỗ Phật tánh, chỗ Cực lạc, Thiên đàng, Niết bàn v.v.., cũng không phải chỗ Thiền định, cũng không phải chỗ giới luật mà cũng không phải chỗ Tam minh, Lục thông… Xin các bạn hãy lưu ý những điều này, vì nó rất cần thiết và ích lợi cho một đời tu hành.
Tâm bất động là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tu hành mà không hiểu biết, không nhận ra điểm quan trọng này thì dù các bạn có tu tập một ngàn kiếp cũng vẫn không có kết quả, mà còn có khi bị điên khùng vì rối loạn thần kinh.
Nhận thấy những lời Phật dạy này là những châu báu, nên chúng tôi cố gắng ghi ra đây để giúp những bạn nào hữu duyên với chánh pháp của đức Phật.
Vậy, các bạn hãy lắng nghe và đọc kỹ lại những lời đức Phật đã dạy mà chúng tôi đã ghi ra để các bạn làm cuốn sách gối đầu nằm, để làm những hành trang trên bước đường tu tập của các bạn. Mong sao những tập sách nhỏ này, ghi lại những lời đức Phật dạy, đem đến cho các bạn những điều lợi ích thiết thực, cụ thể trên đường tu tập và sẽ giúp các bạn thu ngắn thời gian, sớm được toại như ý nguyện
LỜI NÓI ĐẦU “NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY tập IV”
Bộ sách “Văn Hóa Phật Giáo Những Lời Phật Dạy” từ tập 1, 2, 3 đã tạm đủ các pháp hành từ thấp đến cao, nhưng khi tu tập mỗi pháp còn tùy theo đặc tướng của các bạn, nếu đặc tướng của các bạn hợp với pháp nào thì ôm ngay pháp đó mà tu tập cho đến khi giải thoát hoàn toàn.
Hôm nay tập 4 ra đời là để chỉ cho các bạn hiểu biết rõ ràng những danh từ, những ý nghĩa trong những bài kinh Phật thuyết thuộc kinh Nguyên thủy mà những người tu tập chưa chứng đạo, cứ dựa vào tưởng giải của mình, của những học giả xưa, rồi luận ra lý này lẽ kia, thành hiểu sai ý Phật, biến giáo pháp chân chánh của Phật thành giáo pháp của ngoại đạo Bà La Môn. Khiến cho người đời sau tu hành chẳng ly dục ly ác pháp, nên giới luật đức hạnh của bậc chân tu Thánh Tăng Thánh Ni không còn nữa.
Trong tập 4 này chúng tôi chọn một số bài mà các nhà Đại Thừa đã hiểu sai nghĩa, sai pháp gồm có các kinh: kinh Tam Minh, kinh Niết Bàn, kinh Tiểu Không, kinh Đại Không, kinh Can Ki v.v… Tất cả những bài kinh này được chúng tôi chú giải một cách tường tận làm sáng nghĩa giáo pháp thực hành và đạo đức của Phật giáo để các nhà học giả Đại Thừa không còn tưởng giải sai lệch khiến cho giáo pháp của đức Phật mâu thuẫn lại lời dạy của đức Phật.
Sự hiểu lầm chánh pháp của Phật đã có hơn 2000 năm từ khi đức Phật nhập Niết-bàn. Khiến cho con đường chánh pháp của đạo Phật gần như bị dìm mất. Do sự tu hành của các Tổ chưa đến nơi đến chốn, cho nên cứ dựa trên chữ nghĩa mà hiểu bằng tưởng tri thì làm sao hiểu đúng nghĩa pháp hành được. Phải không các bạn? Phật pháp không khó, không khó hiểu nhưng vì không có ngưới tu hành chứng đạo, nên người ta hiểu sai nghĩa. Hiểu sai nghĩa nên rất khó tu. Vì hiểu sai nghĩa nên người ta nghĩ rằng Phật giáo là tôn giáo có thần thông pháp thuật cao siêu, chứ người ta đâu biết rằng Phật giáo chỉ ở chỗ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; Phật giáo chỉ ở chỗ sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai; Phật giáo chỉ ở chỗ thiện pháp, vô lậu tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Những trạng thái tâm này là tâm buông xả ly dục ly ác pháp, là tâm không phóng dật.
Người tu hành chỉ có nhiệt tâm quyết buông xả tất cả các ác pháp thì các bạn đã thành tựu viên mãn ngay liền tức khắc, chứ đâu phải tu tập khó khăn mệt nhọc. Có người bảo rằng: tu tập phải có đạo lực để làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi. Phải nhập được Bốn Thiền, phải có Tam Minh, phải có Niết-bàn, phải có cõi Cực Lạc, phải có Phật tánh, phải biết ngày giờ chết, sống chết phải ra đi tự tại v.v… Nghĩ như vậy các bạn đã đi lạc đề, đối với Phật giáo các bạn không thể nghĩ như vậy. Nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một tôn giáo thần thông; nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một tôn giáo để làm gạch nối giữa con người và thế giới siêu hình; nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một bản thể thường hằng vĩ đại của vạn hữu; nghĩ như vậy nên vô tình các bạn lý luận đưa ra những triết lý cao siêu tuyệt đỉnh của trí tuệ như trí tuệ Bát Nhã (Tánh không); nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín v.v… Do những sự nghĩ sai lệch ấy biến Phật giáo thành một triết học vi diệu cao siêu để tranh luận hơn thua với các hệ phái khác, tôn giáo khác và cũng chính để lý luận đánh lừa mọi người.
Kính thưa các bạn! Phật giáo không phải là tôn giáo; không phải là đảng phái chánh trị; không phải một đế quốc lợi dụng thần quyền cai trị thế giới. Phật giáo chỉ là một nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người; Phật giáo chỉ có nhắc lại những gì của con người đã có sẵn, chứ không sáng tạo ra cái gì mới cả và cũng không bịa đặt ra và thêu dệt những chuyện ảo tưởng, hư cấu, và cũng không sử dụng quyền năng siêu việt của bản thân mình để lừa đảo mọi người khuyến dụ họ theo với tôn giáo mình. Cho nên những điều của đức Phật dạy qua ngôn ngữ thay vì hiểu nghĩa rất tầm thường, giản dị và bình dân thì các nhà học giả Đại Thừa lại hiểu một cách cao siêu ảo tưởng, hư cấu thành sai nghĩa.
Khi tu tập ly dục ly ác pháp tâm trở thành bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì tâm thanh tịnh hoàn toàn. Tâm thanh tịnh hoàn toàn thì tự có bảy năng lực Giác Chi xuất hiện. Bảy năng lực Giác Chi xuất hiện tức là Tứ Thần Túc. Khi có Tứ Thần Túc bấy giờ các bạn muốn sử dụng như thế nào tùy theo ý muốn, ý thích.
Kính thưa các bạn! Khi tâm thanh tịnh hoàn toàn, các bạn sẽ có đủ những năng lực như vậy, nhưng không vì những năng lực đó để các bạn lừa đảo những người khác. Cho nên người tu sĩ Phật giáo không bao giờ thị hiện thần thông, chỉ thị hiện một đời sống đức hạnh giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà thôi.
Tập 4 “Những Lời Phật Dạy” chúng tôi cố gắng giải thích để các bạn hiểu đúng nghĩa của Phật dạy. Trong khi chú giải nghĩa lý này chúng tôi đứng trên cương vị một người đã từng tu tập những lời Phật dạy đã làm chủ được 4 sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết mà chú thích chứ không bị ảnh hưởng tưởng giải của các Tổ Bắc tông, Nam tông, Thiền tông v.v... mà cũng không ảnh hưởng khoa học, y học, vật lý học v.v… Nếu ai bảo rằng chúng tôi chú thích sai thì hãy tu tập làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi thì mới luận bàn, còn nếu chưa làm chủ được thì xin quý vị hãy im lặng lắng nghe.
Tóm lại, đạo Phật chỉ khơi lại nền đạo đức của loài người bằng chương trình giáo dục đào tạo ba cấp Giới, Định, Tuệ và tám lớp học (Bát Chánh Đạo):
1- Chánh kiến,
2- Chánh tư duy,
3- Chánh ngữ,
4- Chánh nghiệp,
5- Chánh mạng,
6- Chánh tinh tấn,
7- Chánh niệm,
8- Chánh định.
Tám lớp học này để đào tạo một người có đủ đức hạnh sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh, tức là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ hay nói cách khác là tâm thanh thản an lạc và vô sự.
Cho nên mục đích của Phật giáo là đạo đức nhân bản – nhân quả; là tâm bất động, chứ không phải đào tạo thành ông A La Hán, ông Phật, ông Bồ Tát hoặc bất cứ ông Thánh, ông Thần nào mà chỉ đào tạo con người thực là con người có đạo đức sống trong cảnh thế gian này, chứ không cầu mong tu hành để thành ông gì cả, hoặc cũng không cầu mong chết sẽ đi vào cõi giới nào cả, dù cõi Cực lạc, Thiên đàng hay cõi Niết-bàn cũng không mong cầu.
Kính thưa các bạn! Tập sách nhỏ này ra đời nhằm chỉnh đốn những điều hiểu sai lầm về những lời dạy của Phật, để mọi người hiểu cho đúng nghĩa của Phật giáo mà không bị ảnh hưởng sai lệch của Đại Thừa, Thiền tông, Mật tông và Tịnh Độ tông.
Sau cùng với tập sách nhỏ này chúng tôi ước mong nó sẽ mang lại sự lợi ích lớn cho quý vị trong cuộc sống hiện tại.
Kính ghi
Tu viện Chơn Như
GIỚI CỤ TÚC
Lời Phật dạy: “Người tu sĩ còn tự nuôi bằng những tà mạng, các loại nghề nghiệp, thì không thành giới cụ túc, còn ngược lại chỉ đi xin ăn ngày một bữa thì mới thành cụ túc giới” .
Chú giải: Nghề nghiệp duy nhất của người tu sĩ theo Phật giáo, là chỉ có nghề đi ăn xin và ăn ngày một bữa, còn tất cả các nghề khác không phải là nghề của người tu sĩ Phật giáo. Như lời Phật dạy trên đây, ngoài nghề đi khất thực xin ăn, người tu sĩ Phật giáo hành các nghề khác thì giới luật cụ túc không thành.
Chúng tôi xin kể một số các nghề khác trong Phật giáo hiện giờ để các bạn tư duy thấy rằng tu sĩ Phật giáo hiện giờ có phải là tu sĩ Phật giáo thật hay là tu sĩ của Bà La Môn?
1- Nghề cúng bái cầu siêu, cầu an
2- Nghề coi ngày giờ tốt xấu
3- Nghề cúng sao giải hạn
4- Nghề tụng kinh trị bệnh tà, ma
5- Nghề thầy thuốc trị bệnh (thuốc đông y, thuốc nam)
6- Nghề xem xăm bói quẻ
7- Nghề trồng tỉa cây trái
8- Nghề đan thêu may
9- Nghề bán cơm chay
10- Nghề làm và bán nhang
11- Nghề bán kinh sách
12- Nghề bán tứ khí của Bà La Môn
13- Nghề thuyết giảng (giảng sư)
14- Nghề làm ruộng rẫy
15- Nghề làm ma chay, v.v…
Còn rất nhiều nghề khác nữa, nhưng chúng tôi không thể kể ra đây hết được, vì tu sĩ Phật giáo hiện giờ đã làm đủ thứ mọi nghề. Nhất là nghề mê tín (Cúng bái, cầu siêu, cầu an) và thứ hai là nghề nói dối (thuyết giảng), còn nghề khất thực thì đã bỏ mất. Qua lời Phật dạy trên đây chúng tôi thấy tu sĩ Phật giáo hiện giờ là tu sĩ của Bà La Môn. Như vậy các bậc tôn túc Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni chưa thành giới cụ túc. Ngay cả với Mười Giới Đức Thánh Sa Di, các ngài còn vi phạm thì chưa xứng đáng là tu sĩ đệ tử xuất gia của Phật, có đâu thành giới cụ túc được.
Nếu Phật giáo hiện giờ mà được lấy giới chấn chỉnh thì giới tu sĩ còn lại chắc không đầy trong 10 đầu ngón tay. Nếu chấn chỉnh Phật giáo được như vậy, thì xã hội này bớt đi một gánh quá nặng cho mọi người. Đó là một điều vô cùng quan trọng và nhức nhối trong tâm tư của mỗi người.