143-BỜ BÊN NÀY, BỜ BÊN KIA. TL Thích Thông Lạc

ÁC NGHIỆP

Lời Phật dạy:

              “Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ác nghiệp được làm, ác nghiệp được tiếp tục làm?
              Này Mahàli, do nhân tham, do duyên tham, ác nghiệp được làm, ác nghiệp được tiếp tục làm.
              Này Mahàli, do nhân sân, do duyên sân, ác nghiệp được làm, ác nghiệp được tiếp tục làm.
              Này Mahàli, do nhân si, do duyên si, ác nghiệp được làm, ác nghiệp được tiếp tục làm.
              Này Mahàli, do nhân phi như lý tác ý, do duyên phi như lý tác ý, ác nghiệp được làm, ác nghiệp được tiếp tục làm.
              Này Mahàli, do nhân tà hướng, do duyên tà hướng, ác nghiệp được làm, ác nghiệp được tiếp tục làm.  Và ngược lại thì thiện nghiệp được làm, thiện nghiệp được tiếp tục làm”. 

                                               (Tăng Chi Bộ Kinh tập IV trang 355).

Chú giải:

Đoạn kinh này đức Phật đã xác định hướng đi và pháp hành của chúng ta trên đường tu tập từ khởi đầu đi đến rốt ráo. “Do nhân gì, do duyên gì, ác nghiệp được làm, ác nghiệp được tiếp tục làm?“Do nhân gì, do duyên gì, thiện nghiệp được làm, thiện nghiệp được tiếp tục làm?”

Khi rõ được lời dạy này, chúng ta sống là tu, chúng ta tu là sống. Cho nên biết sống là tu, biết tu là sống thì cuộc sống này là Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn. Đã là Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn thì còn đến chùa tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền để làm gì? Nếu để cầu về cõi Thiên Đàng, Cực Lạc và Niết Bàn thì chỉ là những người mất trí mà thôi! Cõi Thiên Đàng, Cực Lạc và Niết Bàn là cõi tưởng. Vậy, các bạn có nên cầu về đó chăng? Có cõi đó đâu mà cầu. Phải không các bạn? Cực Lạc, Thiên Đàng và Niết Bàn là ở tại tâm chúng ta. Khi chúng ta biết: “Do nhân tham, sân, si, do duyên  tham, sân, si, ác nghiệp được làm, ác nghiệp được tiếp tục làm?“Do nhân vô tham, vô sân, vô si, do duyên vô tham, vô sân, vô si, thiện nghiệp được làm, thiện nghiệp được tiếp tục làm? 

Khi chúng ta biết: “Do nhân như lý tác ý, do duyên như lý tác ý, thiện nghiệp được làm, thiện nghiệp được tiếp tục làm?” Phật pháp rất thực tế, nó là nền đạo đức nhân bản - nhân quả giúp cho con người xây dựng hành tinh sống này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng và Niết Bàn. Có đúng vậy không các bạn? 

Nếu mọi người đều hiểu Phật pháp một cách rất cụ thể như lời Phật đã dạy trên đây thì chúng tôi tin chắc rằng mọi người trên thế gian có một cuộc đời an lạc tuyệt vời. Chúng tôi ước nguyện cho mọi người trên hành tinh sớm được gặp những lời dạy quý báu này để mọi loài sống và được hưởng một mùa xuân vĩnh cửu.

TÂM KHÓ TRỊ

Lời Phật dạy: 

               “Tâm phàm hay dao động
               Khó chế, khó nhiếp phục
               Kẻ trí khiến tâm chánh
               Như thợ khéo nắn tên”.
                                                   (Kinh Pháp Cú 33).

Chú giải:

Tâm con người rất khó chế ngự, chế ngự tâm là một việc làm hết sức thiện xảo, phải biết rõ đặc tướng, hành tướng, nhân tướng của tâm mình, thì mới uốn nắn nó được. Cho nên, tất cả pháp môn của đạo Phật là những phương pháp huấn luyện tâm, muốn huấn luyện tâm cũng giống như người huấn luyện voi, cọp, chó, ngựa, v.v...

Huấn luyện tâm thì chúng ta phải dùng ý thức. Ý thức tác ý để chế ngự, để nhiếp phục, để dụ dỗ và để dẫn dắt nó theo lộ trình thiện pháp. Tâm chúng ta như con trâu rừng hoang dã, rất khó trị. Như chúng ta cũng thấy, những nhà huấn luyện voi, cọp, chó, khỉ, vượn, heo, dê, ngựa, chim, v.v... làm xiếc. Loài vật hoang dã còn huấn luyện được huống là tâm chúng ta. Phải không các bạn? Đường đi không khó mà khó chỉ vì lòng người còn ham dục lạc thế gian, không bền chí.  

Chúng ta nên đọc kỹ lại bài “Định Niệm Hơi Thở”, thì sẽ thấy đó là một phương pháp dẫn và dụ tâm. Chúng ta hãy đọc kỹ lại kinh Tứ Niệm Xứ, thì sẽ thấy đó là phương pháp vừa nhiếp phục vừa dụ tâm. Chúng ta hãy đọc kỹ lại kinh Thân Hành Niệm, thì sẽ thấy đó là phương pháp vừa tỉnh thức cũng vừa tạo lực tâm. Chúng ta hãy đọc kỹ lại bài kinh Song Tầm, thì sẽ thấy đó là phương pháp ngăn ngừa tâm ác. Chúng ta hãy đọc kỹ lại bài kinh An Trú Tầm, thì sẽ thấy đó là phương pháp đoạn diệt tâm ác.

Nếu chúng ta hiểu rõ mỗi pháp mà áp dụng mỗi tâm niệm thì kết quả ngay liền như đức Phật đã nói: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy…”. Đúng vậy, chỉ có những người tu sai pháp tức là tu tập ức chế tâm thì không thấy mà thôi, hay tu tưởng thế giới siêu hình thì mới có thời gian vô lượng kiếp.

LÒNG TIN

Lời Phật dạy:

“Đối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa”.

Chú giải:

Xưa, đức Phật còn tại thế, chúng tỳ-kheo nào tu tập chứng quả A-la-hán đều tin vào đức Phật, vào pháp của đức Phật, còn ngược lại chúng tỳ-kheo nào không tin vào Phật, Pháp thì quả A-la-hán kia không bao giờ đến với họ được. Cho nên các vị tỳ-kheo trong thời đó thường nói lên câu nói này trước đức Phật: Đối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa”.

Lòng tin ấy đã giúp họ sống đúng Phạm hạnh và thực hành nghiêm chỉnh không sai lời dạy, mặc dù lúc bấy giờ pháp môn của Bà-la-môn rất thịnh hành cũng giống như pháp môn của Đại Thừa hiện giờ vậy. Nhưng khi tin Phật họ đều ném bỏ giáo pháp Bà-la-môn xuống như một chiếc giày rách, do đó họ mới tu chứng quả A-la-hán. Nhưng dù sao thời đó cũng có nhiều người còn chấp chặt pháp môn của Bà-la-môn. Đại diện như Đề Bà Đạt Đa chống lại Phật và tìm mọi cách giết Phật. Ảnh hưởng tư tưởng tinh thần diệt Phật giáo từ khi đức Phật còn tại thế. 

Hôm nay, tinh thần tư tưởng đó đã thể hiện và thành hình một Phật giáo kiểu mới “Phật giáo Đại Thừa” mà hiện giờ mọi người đang tôn thờ, còn Phật giáo nguyên gốc thì ít có người biết đến. Nếu tại Việt Nam không có Hòa Thượng Minh Châu dịch tạng kinh Nguyên Thủy thì giờ này tín đồ Phật giáo sẽ ra sao? Còn biết Phật giáo nữa không? Giáo lý Đại Thừa gần như phủ kín chánh pháp của Phật. Có phải không hỡi các bạn?

Đọc lại những lời Phật dạy và lòng tin của chúng thánh Tăng ngày xưa và xét lại ngày nay chúng tôi dạy các bạn tu hành, bạn nào tin nơi chúng tôi thì bạn ấy có giải thoát; bạn nào không tin nơi chúng tôi, thường tin kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông, sống đời sống phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới, bạn ấy sẽ không có giải thoát và còn đi vào con đường bỉ thử danh lợi, nên thường chê bai, kích bác người khác thế này, thế kia. Nhưng cuối cùng bạn ấy tu hành cũng chẳng tới đâu, chỉ có uốn ba tấc lưỡi lừa đảo những người khác chưa thông giáo lý của Phật, chứ không thể lừa đảo những người sống có Phạm hạnh, có Thiền định, có Tam Minh.

BỜ BÊN NÀY, BỜ BÊN KIA

Lời Phật dạy:

                 “1- Tà kiến, này Bà-la-môn, là bờ bên này, Chánh kiến là bờ bên kia.
                  2- Tà tư duy là bờ bên này, Chánh tư duy là bờ bên kia.
                  3- Tà ngữ là bờ bên này, Chánh ngữ là bờ bên kia.
                  4- Tà nghiệp là bờ bên này, Chánh nghiệp là bờ bên kia.
                  5- Tà mạng là bờ bên này, Chánh mạng là bờ bên kia.
                  6- Tà tinh tấn là bờ bên này, Chánh tinh tấn là bờ bên kia.
                  7- Tà niệm là bờ bên này, Chánh niệm là bờ bên kia.
                  8- Tà định là bờ bên này, Chánh định là bờ bên kia.
                  9- Tà trí là bờ bên này, Chánh trí là bờ bên kia.
                 10- Này Bà-la-môn, Tà giải thoát là bờ bên này, Chánh giải thoát là bờ bên kia. Này Bà-la-môn, đây là bờ bên này, đây là bờ bên kia”.

                 “Ít người giữa nhân loại,
                 Đến được bờ bên kia
                 Còn số người còn lại
                 Xuôi ngược chạy bờ này
                 Những ai hành trì pháp
                 Theo Chánh pháp khéo dạy
                 Sẽ đến bờ bên kia…”.
                                             (Tăng Chi Bộ Kinh tập 4 trang 557). 

Chú giải:

                 Theo Phật giáo xác định cho chúng ta thấy hai lộ trình: 
                 1- Lộ trình đau khổ.
                 2- Lộ trình hết đau khổ.

Lộ trình đau khổ là bờ bên này, lộ trình hết đau khổ là bờ bên kia. là đau khổ, Chánh là hết khổ đau; Ác là đau khổ, Thiện là hết khổ đau. Đọc đoạn kinh trên đây, chúng ta xét thấy sự giải thoát của Phật giáo rất rõ ràng và dễ dàng không có khó khăn. Bởi vì cần có chánh tri kiến hiểu biết thiện và ác là giải thoát ở ngay đó, như bờ bên này và bờ bên kia.

Đức Phật dạy: “Tà kiến, này Bà-la-môn, là bờ bên này, Chánh kiến là bờ bên kia” Vậy, Tà kiến và Chánh kiến là gì? 

Tà kiến là thấy đúng, thấy sai, thấy phải, thấy trái, thấy trắng, thấy đen, thấy tốt, thấy xấu, v.v… do đó thường ở bờ bên này chịu nhiều khổ đau.  

Chánh kiến là thấy nhân, thấy quả. Do thấy nhân quả như thật nên ở bờ bên kia không còn khổ đau. Chúng tôi thường khuyên mọi người: “Chớ nhìn mọi việc đúng sai phải trái mà hãy nhìn nó là thiện ác thì cuộc đời các bạn sẽ được an vui và hạnh phúc ngay liền”.

Đức Phật dạy: “Tà tư duy là bờ bên này, Chánh tư duy là bờ bên kia”. Vậy, Tà tư duy và Chánh tư duy nghĩa là gì? Muốn hiểu rõ lời dạy này thì phải hiểu nghĩa tư duy. Tư duy là sự suy nghĩ. Tà tư duy là suy nghĩ một điều gì, điều đó làm khổ mình khổ người và khổ cả hai. Nói cho rõ ràng hơn là sự suy nghĩ làm cho chúng ta buồn khổ, phiền não, tức giận căm ghét, thương nhớ, lo sợ, âu sầu, v.v… Sự suy nghĩ như vậy là không giải thoát mà đức Phật dạy: “Tà tư duy là bờ bên này”. Bờ bên này là bờ đau khổ, địa ngục. Vì thế, đạo Phật không chấp nhận những sự tư duy như vậy, đó là những tư duy của người không có trí còn sống trong mê mờ ngu si.

Chánh tư duy là sự suy nghĩ một điều gì mà điều đó không làm khổ mình khổ người, khổ cả hai. Chánh tư duy là một sự suy nghĩ làm cho chúng ta không buồn phiền, không làm cho ta tức giận, không làm cho ta lo lắng sợ hãi, không làm cho ta bất toại nguyện, v.v… Sự suy nghĩ như vậy, mang đến cho chúng ta một tâm hồn an vui và hạnh phúc biến cảnh thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Cho nên đức Phật dạy: “Chánh tư duy là bờ bên kia”. Bờ bên kia tức là bờ giải thoát. Nếu cuộc sống mà chúng ta khéo Chánh tư duy như vậy thì lúc nào tâm hồn cũng thanh thản, an lạc và vô sự không còn một ác pháp nào tác động được thân tâm thì chúng ta đã chứng quả A-la-hán, đâu còn gì mà tu tập nữa. Phải không các bạn? Cho nên bờ bên kia là bờ của những bậc A-la-hán ở.

Đức Phật dạy: “Tà ngữ là bờ bên này, Chánh ngữ là bờ bên kia”. Vậy, Tà ngữ và Chánh ngữ nghĩa là gì?

              Tà ngữ là lời nói ác. Lời nói ác có bốn: 
              1- Nói lời hung dữ
              2- Nói lời đâm thọc
              3- Nói lời lật lọng
              4- Nói lời không thật

Người nào còn nói những lời ác ngữ là còn ở bờ bên này, bờ bên này là bờ đau khổ. Chính lời ác khẩu là sự đau khổ của người có lời nói ấy, khi ta nói lời tà ngữ ấy là địa ngục mở cửa đón ta.

              Chánh ngữ là những lời nói thiện. Lời nói thiện có bốn:
              1- Không nói lời hung dữ
              2- Không nói lời đâm thọc
              3- Không nói lời lật lọng
              4- Không nói lời không thật.

Lời nói không làm khổ mình khổ người là lời nói thiện, lời nói ấy là chánh ngữ, nếu ai đã từng nói những lời nói này là người ở bờ bên kia, bờ giải thoát, như vậy chứng quả A-la-hán đâu phải khó. Phải không các bạn?

Đức Phật dạy: “Tà nghiệp là bờ bên này, Chánh nghiệp là bờ bên kia”. Vậy, Tà nghiệp và Chánh nghiệp là gì?

Tà nghiệp là những hành động làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Nếu ai có những hành động như vậy là người ấy đang mở cửa địa ngục, đang ở bờ bên này, bờ khổ đau.

Chánh nghiệp là những hành động không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Chánh nghiệp là những hành động mở cửa Thiên Đàng cho chúng ta bước vào. Ai từng có những hành động này là ở bờ bên kia. Bờ bên kia là bờ giải thoát, bờ giải thoát là bờ vô lậu. Như vậy chứng quả A-la-hán đâu phải khó khăn. Phải không các bạn?

Đức Phật dạy: “Tà mạng là bờ bên này, Chánh mạng là bờ bên kia”. Vậy, Tà mạng và Chánh mạng nghĩa là gì?

Tà mạng là nuôi mạng sống không chân chánh có nghĩa là ăn uống và ngủ nghỉ phi thời, ăn uống không tiết độ, ăn uống những thức ăn độc vào thân, ăn uống thích món ngon vật lạ cao lương mỹ vị. Người ăn uống phi thời như vậy là mở cửa địa ngục, là ở bờ bên này. Ở bờ bên này là bờ đau khổ.

Chánh mạng là ăn uống không phi thời, ăn uống có tiết độ, ăn để sống chứ không phải ăn cho ngon, ăn cho bổ mập, ăn những cao lương mỹ vị. Chánh mạng không bao giờ ăn thịt chúng sanh. Chánh mạng là nuôi mạng sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Chánh mạng là ở bờ bên kia, bờ giải thoát, bờ vô lậu. Như vậy chứng quả A-la-hán đâu phải khó. Phải không các bạn?

Đức Phật dạy: “Tà tinh tấn là bờ bên này, Chánh tinh tấn là bờ bên kia”. 

              Vậy, Tà tinh tấn và Chánh tinh tấn nghĩa là gì? Tinh tấn có nghĩa là siêng năng.

Tà tinh tấn là siêng làm điều ác luôn luôn làm khổ mình khổ người khổ tất cả chúng sanh. Người siêng năng làm điều ác là người mở cửa địa ngục cho mình là người ở bờ bên này, bờ đau khổ.

Chánh tinh tấn là hằng ngày siêng ngăn ác diệt ác pháp luôn luôn sinh thiện tăng trưởng thiện pháp. Người nào luôn luôn sống Chánh tinh tấn như vậy là người mở cửa Thiên Đàng, là người ở bờ bên kia, bờ giải thoát, bờ không còn khổ đau. Như vậy chứng quả A-la-hán không có khó khăn không có mệt. Phải không các bạn?

Đức Phật dạy: “Tà niệm là bờ bên này, Chánh niệm là bờ bên kia”. Vậy, Tà niệm và Chánh niệm nghĩa là gì?

Tà niệm là pháp môn của ngoại đạo, người tu tập theo pháp của ngoại đạo như: tụng kinh, niệm chú, niệm Phật bắt ấn, ngồi thiền ức chế tâm, tụng kinh cầu siêu cần an, cúng sao giải hạn, trừ tà yểm quỷ, v.v… Người nào chuyên tu hành những pháp môn ấy là mở cửa địa ngục sẽ lọt vào thế giới tưởng, sẽ bị bệnh thần kinh điên khùng, là người ở bờ bên này, bờ bên này là bờ đau khổ, bờ không giải thoát.

Chánh niệm là pháp môn Tứ Niệm Xứ, người nào tu pháp môn này sẽ có giải thoát ngay liền, họ đang ở bờ bên kia, bờ không còn đau khổ, bờ không còn lậu hoặc, chỉ trong vòng 7 ngày, 7 tháng, 7 năm là viên mãn. Như vậy, chứng quả A-la-hán đâu có gì khó khăn. Phải không các bạn?

Đức Phật dạy: “Tà định là bờ bên này, Chánh định là bờ bên kia”. Vậy, Tà định và Chánh định nghĩa là gì? 

Tà định là những thiền định của ngoại đạo, như Bốn Thiền Vô Sắc: Không Vô Biên Xứ Tưởng, Thức Vô Biên Xứ Tưởng, Vô Sở Hữu Xứ Tưởng, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Tưởng, Thiền Tri Vọng, Thiền Công Án, Thiền Minh Sát Tuệ, v.v… những loại thiền định này không làm chủ sanh, già, bệnh, chết, không chấm dứt tái sanh luân hồi. Nó là những Tà định là ở bờ bên này, bờ đau khổ, bờ địa ngục không giải thoát.

Chánh định là Tứ Thánh Định, pháp môn thiền định của Phật giáo. Người nào tu tập Tứ Thánh Định là đang ở bờ bên kia, bờ giải thoát. Tứ Thánh Định là pháp môn làm chủ  sanh, già, bệnh, chết, nhưng muốn nhập được Tứ Thánh Định là phải có Tứ Như Ý Túc. Người có Tứ Như Ý Túc là người ở bờ bên kia. Như vậy, chứng quả A-la-hán đâu phải khó khăn. Phải không các bạn?

Đức Phật dạy: “Tà trí là bờ bên này, Chánh trí là bờ bên kia”. 

Vậy, Tà trí và Chánh trí nghĩa là gì?

Tà trí là tri kiến không có giới luật, tri kiến không có giới luật là tri kiến ác, ác với mình với người và ác cả hai, tri kiến không giới luật là tri kiến làm khổ mình khổ người và khổ cả hai. Người có tri kiến này là người khổ đau, người ở bờ bên này, người ở trong địa ngục.

Chánh trí là tri kiến có giới luật như đức Phật đã dạy: “Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”. Nếu một người sống có tri kiến và giới luật như vậy, là ở bờ bên kia, bờ giải thoát. Như vậy, chứng quả A-la-hán đâu phải khó khăn như mọi người nghĩ. Phải không các bạn?

Đức Phật dạy: “Này Bà La Môn, Tà giải thoát là bờ bên này, Chánh giải thoát là bờ bên kia”. Vậy, Tà giải thoát và Chánh giải thoát là gì?

Tà giải thoát là tu tập cầu mong gặp Tổ, gặp Phật, có thần thông biến hóa tàng hình, biết chuyện quá khứ vị lai, ngồi thiền sinh hỷ lạc, ngồi thiền thấy xuất hồn, ngồi thiền thấy hào quang ánh sáng, nghe âm thinh trong tai, nghe mùi hương thơm ngào ngạt, nghe vị ngọt trong cổ, v.v… Đó là Tà giải thoát, nên tâm còn tham sân si ngút ngàn, vì thế luôn luôn lúc nào cũng ở bên bờ bên này, bờ đau khổ.

Chánh giải thoát là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ, tâm thanh thản, an lạc và vô sự, tâm không phóng dật đó là ở bờ bên kia, bờ giải thoát, tâm vô lậu. Như vậy, tu chứng quả A-la-hán đâu phải khó khăn. Phải không các bạn?

Đoạn kinh này xác định có 10 pháp ở bờ bên kia hay nói cách khác là đoạn kinh này dạy chúng ta nên chọn lấy một pháp trong 10 pháp này để sống đúng lời dạy thì luôn luôn ở bờ bên kia tức là chứng quả A-la-hán. Cho nên, tóm lược bài pháp này bằng những câu kệ xác định bờ bên này và bờ bên kia.

Đức Phật dạy: “Này Bà-la-môn, đây là bờ bên này, đây là bờ bên kia”.

               Ít người giữa nhân loại
                Đến được bờ bên kia
                Còn số người còn lại
                Xuôi ngược chạy bờ này
                Những ai hành trì pháp
                Theo Chánh pháp khéo dạy
                Sẽ đến bờ bên kia…

Người ở đời vì vô minh lầm chấp cho các pháp thế gian là thật có nên không dám buông bỏ vì thế mà chạy xuôi chạy ngược chịu khổ đau vô cùng vô tận, chứ không phải chứng quả A-la-hán của Phật là khó. Khó là do không buông xả dục và các pháp.