59- Những câu hỏi về Định niệm hơi thở và an trú
Kính thưa Thầy! Con có một số câu hỏi xin Thầy chỉ dạy:
Hỏi: Định niệm hơi thở nhiếp tâm và an trú 30 phút, tiếp đến tu tập 30 phút tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Thưa Thầy, cả hai pháp môn này thời gian là một tiếng. Khi con tu tập như vậy thì thân tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự có thể kéo dài thời gian hơn 1 tiếng có được không?
Đáp: Được, càng kéo dài thời gian tâm bất động càng tốt, nhưng chỉ có một niệm duy nhất là tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, còn có bất cứ một niệm nào khác khởi lên là các con không chấp nhận, phải tác ý đuổi ngay liền.
Các con phải nhớ: chỉ có Tâm bất động vô lậu, đó là niệm duy nhất mà các con cần phải giữ gìn và bảo vệ, nó là chân lí của đạo Phật. Chân lí của đạo Phật không có hai, ba chân lí, mà chỉ có một chân lí này mà thôi, nếu còn có những chân lí khác là của ngoại đạo, các con cần lưu ý đừng dễ tin người khác.
Thầy chỉ ước mong sao các con hiểu rõ cách thức tu tập xả tâm để chứng được tâm vô lậu, để được giải thoát hoàn toàn, để làm chủ sinh tử và chấm dứt luân hồi, để không phụ ơn Phật, ơn sinh thành dưỡng dục, ơn Thầy và ơn đàn na thí chủ.
Hỏi: Con vào tu tập Định niệm hơi thở an trú trong 30 phút, tiếp đến 30 phút nữa tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, từ 1 đến 2 giờ rồi đến 3 giờ, có lúc đến 4 giờ sáng tâm con mới khởi niệm, nhưng nó vẫn tỉnh táo và sáng suốt.
Kính thưa Thầy, con theo dõi thân tâm của con nó an ổn, vô sự thì được bao lâu hay bấy lâu con không chuyển sang tu pháp khác? Như vậy con cần phải xả ra tu tập sang pháp khác không? Hay con cứ để cho thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự như vậy? Con chờ mong Thầy chỉ dạy. Nếu không, tâm con sẽ rơi vào thụ động lười biếng, buông lung, ỷ lại vào cái sự an ổn đó.
Đáp: Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự là tâm vô lậu, nếu các con tu tập tâm ở trong trạng thái này mà kéo dài thời gian sáu giờ cho đến một ngày đêm, và từ một ngày đêm cho đến bảy ngày đêm là con đã chứng đạo A-la-hán hoàn toàn. Đạo Phật chỉ có tu tập giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, nhờ đó tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi là chứng đạo. Các con có hiểu chưa? Các con đừng nghĩ rằng chứng đạo của đạo Phật là vĩ đại, là cao siêu huyền bí, là thần thông phép lực vô tận, vô biên, v.v...
Không phải vậy đâu các con ạ! Tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là chứng đạo các con ạ!
Hỏi: Con xả tâm, ly dục ly bất thiện pháp như: ngũ triền cái, dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu và các pháp quán tư duy thân, thọ, tâm, pháp, thân ngũ uẩn đều vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, v.v... Các pháp trên con đã tu tập trên một thời gian dài, thân tâm được an ổn, các chướng ngại trong tâm được giảm đi rất nhiều, đến nay con không còn tu tập các pháp đó nữa, con đã chuyển sang tu tập pháp quán trên thân quán thân trong bốn oai nghi, mỗi oai nghi con tu tập thời gian 10 phút rồi lại chuyển sang oai nghi khác. Kính thưa Thầy, con tu tập và xả tâm như vậy có được không?
Con nghĩ nếu con không tu tập liên tục quán thân trên thân như vậy, thì tâm con dễ phóng dật, buông lung, lười biếng rồi có lúc ngủ phi thời, nên con đã tự tu tập liên tục như vậy. Ngoài ra con còn tận dụng kết hợp xả tâm, ly dục ly ác pháp trong mọi thời gian trống. Vì con muốn cho thân tâm mau chóng hoàn toàn thành thanh tịnh.
Đáp: Con tu tập pháp quán xả tâm, ly dục ly ác pháp như vậy rất đúng, không sai, rồi con tiếp tục tu tập quán thân trên thân Tứ Niệm Xứ trong bốn oai nghi để bảo vệ và giữ gìn tâm mình bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Con tu tập như vậy không sai, hãy cố gắng tiếp tục để tâm bất động được kéo dài đến khi chứng đạo mới thôi. Con đường tu theo đạo Phật bắt đầu ly dục, ly ác pháp trên pháp môn Tứ Chánh Cần, rồi kế tiếp ly dục, ly ác pháp vi tế trên pháp môn Tứ Niệm Xứ.
Như vậy con đã tu tập đúng theo lộ trình của đạo Phật dạy. Con đừng sợ lạc đường, chỉ còn có thời gian bảy ngày đêm tâm bất động vô lậu là đến nơi đến chốn con ạ! “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Con đường tu tập cũng vậy các con ạ! Phật pháp không khó vì tu tập với những pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ, mà khó vì lòng người không bền chí, kiên trì tu tập với pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ. Cho nên lộ trình tu tập của Phật giáo từ thấp đến cao, từ giới đến định cụ thể rõ ràng. Vậy mà có người không hiểu, nghe nói thiền định là ôm ngay tu tập, mà không chịu khó suy tư cho chín chắn trình độ mình đang ở lớp tu tập nào?
Đừng vội vàng ham tu mà tự đưa mình vào con đường rối loạn thần kinh, trở thành điên khùng thật là tội nghiệp. Các sư Nam Tông tu hành chưa làm chủ sinh tử mà dám đem pháp môn Tứ Niệm Xứ dạy người tu tập, đó là những người điếc không sợ súng, những người mù mà làm hướng đạo viên thì biết chừng nào đến nơi đến chốn.
Hỏi: Con đọc lại toàn bộ kinh sách của Thầy viết, từ bộ Đường Về Xứ Phật và bốn quyển Những Lời Gốc Phật Dạy, con đã hiểu thêm pháp tu tập và các giới luật của Phật mà Thầy đã biên soạn trên các bộ sách đó. Con đang mong đợi bộ sách giới luật của Thánh tăng và Thánh ni mà thầy đã viết. Con chỉ có ước nguyện đủ duyên để thực hiện giới luật Phật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật.
Đáp: Con nên đọc bộ sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, đó là bộ sách giới luật Thánh tăng và Thánh ni mà Thầy đã biên soạn gần xong, nhưng chưa đủ tiền in ra. Hiện giờ Thầy mới được giấy phép và in ấn hai tập, còn lại tám tập nữa.
Muốn đọc kinh sách giới luật thì con nên chịu khó nghiên cứu bộ sách TAM QUY. Trong sách dạy về oai nghi giới luật của đức Phật và chư Thánh tăng. Có đọc như vậy mới thông suốt những pháp ly dục, ly ác pháp của Phật và chúng Tăng ngày xưa. Một kinh nghiệm sống động mà người tu sĩ Phật giáo không thể không nghiên cứu những tập sách quý giá vô cùng mà chỉ có tu viện Chơn Như mới có.
60- Những câu hỏi về Dựng Lại Chánh Pháp
Kính bạch Trưởng Lão Hòa Thượng! Con có vài cảm nghĩ muốn xin trình bạch lên Trưởng Lão:
Hỏi: Con hiểu ý Trưởng Lão muốn xây dựng lại, muốn vực dậy một Phật giáo quá suy đồi. Trưởng Lão đã dựng lên cái đã ngã xuống, đốt sáng lên ngọn đèn đã tắt, phá dẹp áng mây mù tối đen mờ ảo. Thưa Trưởng Lão, những điều con hiểu như vậy có đúng không?
Đáp: Những điều sư đã hiểu ý của Trưởng Lão là đúng. Một Phật giáo hiện giờ là một Phật giáo tha lực chuyên cầu cúng tụng niệm; một Phật giáo sống trong tưởng tri chứ không phải sống trong liễu tri; một Phật giáo không còn có đường lối tu hành làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi; một Phật giáo suy thoái tận cùng đang chạy theo ngũ dục lạc thế gian. Tất cả tu sĩ đều phạm giới, phá giới tan nát, không còn giữ một giới nào trọn vẹn. Thật là đau lòng cho những ai có tâm niệm thiết tha tìm cầu sự giải thoát ra khỏi nhà sinh tử.
Đứng trước cảnh nhà tan cửa nát của Phật giáo như vậy, ai nỡ tâm làm ngơ cho đành. Vì thế, Trưởng Lão mới kê vai gánh vác mọi công việc quá nặng nhọc ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Với tâm nguyện chỉ ước mong sao chúng sinh hữu duyên có đầy đủ phước báo để thọ hưởng được những pháp bảo quý báu mà đức Phật đã để lại cho đời. Một kho tàng pháp bảo quý báu vô cùng, vô tận, thế mà mai một bị chôn vùi dưới lớp giáo pháp mê tín, lạc hậu, dị đoan của tà giáo ngoại đạo đã hơn 2500 năm.
Chánh pháp của Phật là một chân lý, là một nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người, giúp cho con người sống với nhau mà không làm khổ mình, khổ người. Thế mà con người tuy có duyên, nên được đức Phật ra đời trao cho chánh pháp, nhưng chưa đủ để thọ hưởng phước báo ấy, nên khiến cho tà giáo ngoại đạo phủ kín. Vì vậy không còn ai biết đường lối tu tập giải thoát như thế nào. Bởi, Phật pháp là để cho người hữu duyên và đầy đủ phước báu, chứ không thể để cho người thiếu duyên, thiếu phước. Thế nên, chúng sinh thiếu duyên, thiếu phước, vì thế Phật pháp mới bị chôn vùi hơn 2500 năm tính từ khi đức Phật ra đời cho đến nay.
Vào thế kỷ này mới có người tu chứng đạo. Nhờ có người tu chứng đạo nên mới làm cho ánh sáng chánh pháp của Phật soi rọi đánh thức mọi người. Đấy cũng là lúc chúng sinh đã đủ duyên, vì biết sống theo khoa học, chọn lối sống thực tế, cụ thể hơn, xả bỏ xa lìa lối sống mê tín dị đoan lạc hậu, v.v... không còn tin tưởng vào thế giới siêu hình, nên chánh pháp của Phật mới dựng lại được. Nếu không có con người sống thực tế khoa học, mà cứ sống trong mê tín thì chánh pháp của Phật vẫn phải tiếp tục chôn vùi.
Hỏi: Nhưng con thắc mắc: Từ khi đức Phật nhập Niết Bàn đến nay hơn 2500 năm, không có một vị nào tu chứng quả A-la-hán sao? Nếu có thì với trí tuệ Tam Minh, vị này phải thấy là Phật giáo suy đồi và lên tiếng cảnh tỉnh sửa sai chứ?
Đáp: Sau khi tu chứng quả vô lậu, Trưởng Lão đã sử dụng Tam Minh quan sát về quá khứ xem có người nào tu chứng quả A-ha-hán, nhưng hoàn toàn không thấy. Một bằng chứng hiển nhiên và cụ thể. Đó là không thấy có một cuốn kinh sách của một vị tổ sư nào từ khi khi đức Phật ra đời cho đến nay dám nói cái sai của Phật giáo, toàn là a dua theo kiến giải một chiều.
Xưa đức Phật khi tu chứng, Ngài dõng dạc tuyên bố: “Ba mươi ba cõi trời là cõi tưởng, chứ không có cõi thật” (tưởng tri chứ không phải liễu tri). Thời đó từ nhân dân già trẻ bé lớn, cho chí vua quan đều tin tưởng có 33 cõi Trời thật. Lời tuyên bố của đức Phật đã làm đảo lộn tư tưởng của con người lúc bấy giờ. Làm đảo lộn tư tưởng của con người chỉ có những bậc tu chứng quả A-la-hán mới dám cả gan làm điều này.
Trong lịch sử loài người từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mãi đến hôm nay mới có một người thứ hai ra đời dám cả gan xác định thế giới siêu hình không có, không có linh hồn, không có quỷ, ma, thần, thánh, không có cõi địa ngục, thiên đàng, v.v... và thế giới siêu hình. Tất cả chỉ là thế giới tưởng mà tưởng uẩn của con người tạo ra.
Con người không còn lạc hậu như trong thời đức Phật, vì hiện nay kiến thức của con người có trình độ khoa học, thích chọn sự hiểu biết thực tế. Vì thế, thời điểm đã đến lúc dựng lại nền đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo và các pháp hành thực tế cụ thể, để giúp loài người ngăn chặn sự xung đột và chiến tranh. Nhất là để tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết.
Những việc làm trên đây đều do lòng từ bi thương xót chúng sinh của các Ngài. Cho nên không có một vị nào tu chứng quả mà nhập Niết Bàn liền, đành lòng làm ngơ bỏ chúng sinh đang đau khổ mà ra đi bao giờ, dù biết rằng duyên phước chúng sinh chưa đủ, nhưng các Ngài cũng không nỡ tâm bỏ mặc. Chúng sinh có hưởng được pháp bảo hay không là còn tùy duyên ở mỗi chúng sinh có phước hay thiếu phước.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là một hướng đạo viên mà thôi” Trưởng Lão Thích Thông Lạc nói: “Các con có tin thì tu tập là có ích lợi cho các con, chứ Thầy có lợi ích những gì”.
Hỏi: Suốt 2500 năm qua, Phật giáo cứ tiếp tục suy tàn và đến hôm nay thì mới có một vị tu chứng Tam Minh đứng lên vạch trần sự tệ hại suy đồi của Phật giáo. Vậy là sao?
Chúng sinh (tu sĩ và cư sĩ) trong mấy ngàn năm qua đã sống trong u mê mờ mịt, không lối thoát, đui mù không biết lối đi. Trách nhiệm này do ai?
Đáp: Đừng hỏi tại sao, mà hãy nhìn sự sống muôn vật trong vũ trụ bằng con mắt nhân quả thì biết rõ. Nếu chúng sinh cứ gieo nhân mê tín, lạc hậu thì quả phải chịu gặt lấy sự tệ hại suy đồi của Phật giáo, sự u mê mờ mịt, không lối thoát, đui mù không biết lối đi. Đó là nhân nào quả nấy, vì vậy dù đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thương xót chúng sinh, có để lại bốn chân lý và một nền đạo đức nhân bản - nhân quả, thì cũng âm thầm mai một trong các bia đá của vua A Dục. Có ai thèm ngó tới nó làm gì. Dù có lưu ý ngó ngàng tới những bia kinh kia thì có ích lợi gì, khi tâm hồn của họ còn mang nặng những nhân mê tín dị đoan thì quả phải mù mờ, thì làm sao tin và hiểu nổi những lời dạy của đức Phật rất khoa học thực tế. Khi đọc những lời Phật dạy làm sao họ chịu nổi những đòn sấm sét làm đảo lộn tư tưởng của loài người đang tin vào thần thánh ma quỷ, vào một thế giới siêu hình.
Với tư tưởng mê tín mà đọc kinh sách Phật thì kinh sách Phật cũng trở thành kinh sách mê tín. Đó là theo luật nhân quả “gieo nhân nào thì gặt quả nấy”, chứ đừng hỏi trách nhiệm này của ai? Trách nhiệm này của chúng sinh chứ đâu phải của bậc tu chứng. Bậc tu chứng đã làm xong trách nhiệm bổn phận của mình, còn tin hay không tin là trách niệm bổn phận của chúng sinh.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại giáo pháp của mình cho chúng sinh, đó là làm xong trách nhiệm bổn phận của mình, còn tu hay không tu là trách nhiệm bổn phận của chúng sinh, cũng như hiện nay Trưởng Lão Thích Thông Lạc đã dựng lại chánh pháp của Phật là trách nhiệm bổn phận của người tu chứng đã làm xong, còn tin hay không tin là trách nhiệm bổn phận của chúng sinh, chứ không phải của người tu chứng. Do điều này mà chúng ta biết rất rõ thời gian 2500 năm không có người tu chứng quả A-la-hán, nên không có ai dám nói Phật giáo sai, Phật giáo mê tín, khiến cho chúng sinh càng mê mờ lại càng mê mờ hơn.
Những điều đã nói trên đây là một bằng chứng xác định khoảng thời gian 2500 năm cho đến nay không có người tu chứng quả A-la-hán đúng theo pháp của đức Phật, chỉ có những người tu theo thiền ngoại đạo nên chứng thiền tưởng, phần đông đều rối loạn thần kinh, lên đồng, nhập cốt, làm thầy pháp, thầy bùa, thầy phù thủy, thầy cúng, thầy thuyết giảng, v.v...
Hỏi: Những lời dạy của đức Phật (gọi là kinh) còn để lại trong kinh sách rất khó hiểu mà Trưởng Lão cũng xác nhận: “Nếu không phải là người tu chứng thì không hiểu được”. Vậy:
- Ngày xưa đức Phật muốn phát biểu hay giảng dạy điều gì thì chỉ nói một vài câu ngắn ngủi vậy rồi thôi sao?
- Hay là sau khi phát biểu vài câu ngắn ngủi (ý chánh) thì đức Phật cũng có một bài giảng, giải nghĩa rõ ràng từng chi tiết như Trưởng Lão đã giảng lại lời Phật dạy trong các kinh sách của Trưởng Lão)?
Đáp: Đọc trong kinh Nikaya chúng ta mới thấy đức Phật thuyết giảng rất kỹ, từ lý thuyết đến thực hành rõ ràng, và sau khi thuyết pháp xong, đức Phật còn trùng tuyên lại chữ nghĩa giải thích rõ ràng những từ khó hiểu, rồi còn cô đọng lại bài thuyết giảng thành câu kinh PHÁP CÚ. Đức Phật là một nhà sư phạm truyền đạt tư tưởng đạo đức rất cẩn thận kỹ lưỡng, làm cho mọi người tiếp thu một cách dễ dàng.
Tuy Phật giảng rất kỹ, nhưng đầu óc con người trong thời đức Phật cũng như con người hiện nay đều đầy ắp những kiến giải mê tín, hư ảo, huyền bí trong thế giới siêu hình. Và những sự hiểu biết mê tín này nó đã trở thành những thói quen, những phong tục tập quán của một dân tộc, của một đất nước. Cho nên, dù pháp Phật có hay đến bậc nào cũng không thể lọt vào tai của họ được. Cùng đọc một câu kinh Nikaya mà người mê tín hiểu theo kiểu mê tín, mà người tu thiền hiểu theo kiểu Thiền tông, mà người tu Mật tông hiểu theo kiểu Mật tông; mà người tu theo pháp môn Tịnh độ hiểu theo kiểu Tịnh độ. Chỉ có người tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết thì hiểu đúng lời thuyết giảng của Phật. Tại vì pháp của Phật là dạy tu tập làm chủ sinh tử luân hồi, nên người tu tập làm chủ sinh tử luân hồi thì mới hiểu đúng nghĩa.
Phật giảng dạy nghĩa lý rõ ràng, nhưng mọi người hiểu nghĩa lý một cách khác nhau là do tâm niệm của họ đầy ắp những kiến giải, tưởng giải của ngoại đạo, của Bà La Môn. Vì thế, nghĩa lý của kinh sách Phật lần lần hiểu ra thành kinh sách ngoại đạo, và cụ thể nhất là kinh sách Phật giáo Đại thừa và Thiền Tông Trung Hoa. Cho nên trách Phật thuyết giảng ngắn ngủi không nghĩa lý đầy đủ là sai. Phật bao giờ cũng giảng dạy nghĩa lý rõ ràng, còn ai hiểu hay không hiểu là vì tư tưởng của quý vị quá đầy ắp những cái sai nên quý vị không thể hiểu đúng được.
Nhà dạy đạo tu hành cũng giống như nhà sư phạm, hai người đều cố gắng truyền đạt lại tư tưởng văn hóa, đạo đức hay những phương pháp tu tập để những người nghe tiếp nhận đúng nghĩa một cách dễ dàng.
Ở đây, chúng ta nên nhắm vào người nghe, nếu người nghe đầy ắp những tư tưởng mê tín lạc hậu, đầy ắp những tư tưởng giáo pháp của ngoại đạo thì sẽ hiểu không đúng lời dạy của Phật. Đó là lỗi của người nghe. Nếu Trưởng Lão Thích Thông Lạc không nói mạnh, không chỉ thẳng giáo pháp của Đại thừa và Thiền tông sai thì Trưởng Lão có giảng kinh sách Nikaya hay đến bậc nào thì họ cũng hiểu theo kiểu Đại thừa. Nhờ vạch cái sai của kinh sách Đại thừa mà quý vị mới hiểu đúng nghĩa của Phật dạy.
Hỏi: Trường hợp 1- Nếu Phật chỉ nói vài câu ngắn ngủi vậy thôi thì chắc chắn không ai hiểu nổi, và như vậy mới có tình trạng đưa Phật giáo đến chỗ suy đồi ngày nay, vì không hiểu nghĩa được nên tu sai, không lối thoát thì dễ bị lý thuyết ngoại đạo (Bà La Môn) xâm nhập, hủy hoại.
Đáp: Như trên đã nói: Phật thuyết giảng những bài pháp rất đầy đủ nghĩa lý không thiếu một nghĩa nào cả, chỉ người nghe giống như ly nước đầy ắp những tư tưởng, phương pháp, phong tục mê tín ngoại đạo nên không thể nào còn rót vào ly nước ấy được nữa. Cho nên trường hợp thứ nhất sư nói không đúng.
Hỏi: Trường hợp 2- Nếu Phật có giảng thì lời giảng, bài giảng đó ở đâu? Không còn thấy lưu lại bất cứ một bài giảng nào của Phật cả, mà chỉ thấy những lời dạy ngắn ngủi quá cô đọng, với lời văn trúc trắc rất khó hiểu.
Đáp: Những bài giảng của Phật còn đầy đủ trong kinh tạng Nikaya, nhưng vì là bản dịch ngôn ngữ văn hóa của người Ấn Độ, nên người dịch không thể làm cách nào khác hơn được, chỉ chuyển ngữ qua ngôn ngữ Việt Nam. Đó cũng là may mắn lắm rồi, nếu không chuyển ngữ thì tiếng Pali làm sao chúng ta hiểu được. Từ chỗ chuyển ngữ này có một người nào phải am tường ngôn ngữ văn hóa Việt Nam tường tận thì mới chuyển ngôn ngữ văn hóa Ấn Độ thành ngôn ngữ văn hóa Việt Nam. Nhờ đó mà mọi người Việt Nam đọc kinh sách Phật mới dễ hiểu.
Tại sao quý vị đọc kinh Nikaya rất khó hiểu? Vì kinh sách Nikaya là văn hóa Ấn Độ. Trái lại, khi chuyển nó ra thành văn hoá Việt Nam thì quý vị dễ hiểu, không còn hiểu khó khăn gì cả. Có đúng như vậy không? Cho nên, trường hợp hai không phải đức Phật giảng dạy quá ngắn ngủi cô đọng, lời văn trúc trắc, mà vì nó là văn hóa Ấn Độ mới chuyển ngữ Việt Nam. Chứ kinh Nikaya không phải là văn hóa Việt Nam.
Hỏi: Vậy chúng sinh đã u mê rồi (nên mới tìm tu), mà lại không được sự hướng dẫn rõ ràng sáng sủa (như lời giảng của Trưởng Lão), mà chỉ đọc được những lời dạy cô đọng khó hiểu của Phật thì làm sao tu được? Họ phải tu sai, hiểu sai, và một số lớn quay sang các lý thuyết khác có vẻ dễ hơn (Bà La Môn), một số khác thì chán quá (đọc không hiểu được) bỏ tu luôn.
Đáp: Trưởng Lão Thích Thông Lạc nhờ tu chứng làm chủ sinh tử luân hồi như Phật, nên hiểu lời dạy của Phật dễ dàng hơn những người khác. Cho nên, vừa giảng dạy vừa chuyển văn hóa Ấn Độ thành văn hóa Việt Nam, nên khiến cho mọi người Việt Nam đọc thấy dễ hiểu, dễ tu tập, nhờ đó tu tập đâu có kết quả đó rõ ràng. Khi mọi người đọc sách của Trưởng Lão xong rồi mới đọc lại kinh sách Nikaya thì thấy dễ hiểu, là vì những tư kiến trong đầu đã bị những lời nói thẳng của Trưởng Lão gọt rửa.
Hỏi: Đức Phật với tuệ Tam Minh vượt bậc, sao không lường được các hậu quả ghê gớm như hiện nay. Phải chi ngay từ đầu (khi Phật còn tại thế cũng như sau khi nhập diệt), Phật để lại những bài giảng quý giá như của Trưởng Lão, thì chúng sinh và Phật giáo ngày nay đâu đến đổi tệ hại như vậy?
Đáp: Bây giờ sư không còn trách Phật nữa phải không? Phật là người Ấn Độ nên sử dụng văn hóa ngôn ngữ Ấn Độ mà giảng dạy cho người Ấn Độ, nên số người Ấn Độ theo đạo Phật có 1250 vị tỳ kheo. Tuy vậy đầu óc họ lúc bấy giờ vẫn đầy ắp những tà kiến của Lục Sư ngoại đạo.
Sư còn nhớ không? Sau khi tu chứng, đức Phật đã dùng trí tuệ Tam Minh quan sát, và bảo: “Chúng sinh khó độ”. Nhưng người tu chứng không nỡ bỏ chúng sinh mà vào Niết Bàn, vì thế, Ngài làm hết bổn phận và trách nhiệm của người tu chứng là đã để lại tạng kinh Nikaya quá đầy đủ. Nhưng người sau kiết tập kinh sách đã làm “tam sao thất bổn”, lại thêm bớt quá nhiều khiến cho kinh sách gốc của Phật bị lệch lạc và khó hiểu, chứ không phải do Phật mà do nhân quả của chúng sinh như trên đã dạy: “Tạo nhân nào thì phải gặt quả nấy”.
Hỏi: Đến đây con cảm nhận được trách nhiệm của người đi rao giảng thật là lớn lao quá, giết người hay cứu sống người, vùi lấp bao nhiêu thế hệ chúng sinh hay làm rạng rỡ chúng sinh giải thoát cũng ở trong tay các vị này. Tài hèn, sức yếu, con cũng nguyện ráng cố gắng hết sức mình vươn lên để sau này may ra đền ơn Trưởng Lão và nối tiếp ý nguyện của Trưởng Lão. Xin Trưởng Lão ban phúc lành cho con, con nguyện ráng tinh tấn.
Đáp: Đúng vậy, người thuyết giảng mà tu hành chưa chứng đạo là giết người bằng miệng lưỡi, không phải giết một người mà giết nhiều người và nhiều thế hệ. Bằng chứng rất cụ thể hiện nay là nhiều người ham danh nên đi học làm giảng sư. Cuối cùng mình chẳng tu hành ra cái gì, chỉ dối gạt người bằng miệng lưỡi. Thật là đáng trách thay!