125-TRẢ LỜI CÂU HỎI VỀ TU TẬP (16). TL Thích Thông Lạc

56- Câu hỏi về niệm và tâm.

Kính gửi LC: Con nói tâm con “im re không niệm. Vậy sao tê chân, hoặc chuyển sang đi kinh hành con đều biết?

             1- Biết tê chân là khởi niệm.
             2- Biết chuyển sang đi kinh hành là khởi niệm.

Như vậy, con tu sai mà không biết mình tu sai. Nếu thật sự con không còn khởi niệm, thì con trở thành cục đá, gốc cây.

Đạo Phật là đạo Trí Tuệ, vì thế trước các ác pháp tâm không giận hờn phiền não, là nhờ hiểu biết nhân quả, cũng như đứng trước các dục mà không bị lôi cuốn, đắm mê, chớ không phải không niệm.

Tịnh mà không niệm là sai, là không hiểu nghĩa của tịnh. Tịnh mà không niệm là ức chế ý thức. Niệm tịnh (thanh tịnh) là những niệm đem lại sự an vui, yên ổn cho mình và cho mọi người.

Nếu con bảo tâm con không niệm, sao con biết mọi vật xung quanh con? Con hiểu sai chữ niệm, vì chữ niệm có hai nghĩa rất rõ ràng:

               1- Niệm là sự tư duy, suy nghĩ, đó là niệm thô.
               2- Niệm chỉ là biết mọi vật xảy ra xung quanh con, đó là niệm vi tế.

Vậy biết niệm nào đúng và niệm nào sai?

Niệm thô có hai niệm:

              1- Niệm đúng là sự tư duy suy nghĩ những điều thiện.
              2- Niệm sai là sự tư duy suy nghĩ những điều ác.

Niệm vi tế có hai niệm:

              1- Niệm là chỉ biết mọi vật xung quanh con, mà không bị lôi cuốn theo mọi vật là đúng.
              2- Niệm là chỉ biết mọi vật xung quanh con, mà bị lôi cuốn theo mọi vật là sai.

Hỏi: Định niệm hơi thở nhiếp tâm và an trú 30 phút, tiếp đến tu tập 30 phút tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Thưa Thầy, cả hai pháp môn này thời gian là một tiếng. Khi con tu tập như vậy thì thân tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự có thể kéo dài thời gian hơn 1 tiếng có được không?

Đáp: Được, càng kéo dài thời gian tâm bất động càng tốt, nhưng chỉ có một niệm duy nhất là tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, còn có bất cứ một niệm nào khác khởi lên là các con không chấp nhận, phải tác ý đuổi ngay liền.

Các con phải nhớ: chỉ có Tâm bất động vô lậu, đó là niệm duy nhất mà các con cần phải giữ gìn và bảo vệ, nó là chân lí của đạo Phật. Chân lí của đạo Phật không có hai, ba chân lí, mà chỉ có một chân lí này mà thôi, nếu còn có những chân lí khác là của ngoại đạo, các con cần lưu ý đừng dễ tin người khác.

Thầy chỉ ước mong sao các con hiểu rõ cách thức tu tập xả tâm để chứng được tâm vô lậu, để được giải thoát hoàn toàn, để làm chủ sinh tử và chấm dứt luân hồi, để không phụ ơn Phật, ơn sinh thành dưỡng dục, ơn Thầy và ơn đàn na thí chủ.

Hỏi: Con vào tu tập Định niệm hơi thở an trú trong 30 phút, tiếp đến 30 phút nữa tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, từ 1 đến 2 giờ rồi đến 3 giờ, có lúc đến 4 giờ sáng tâm con mới khởi niệm, nhưng nó vẫn tỉnh táo và sáng suốt.

Kính thưa Thầy, con theo dõi thân tâm của con nó an ổn, vô sự thì được bao lâu hay bấy lâu con không chuyển sang tu pháp khác? Như vậy con cần phải xả ra tu tập sang pháp khác không? Hay con cứ để cho thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự như vậy? Con chờ mong Thầy chỉ dạy. Nếu không, tâm con sẽ rơi vào thụ động lười biếng, buông lung, ỷ lại vào cái sự an ổn đó.

Đáp: Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự là tâm vô lậu, nếu các con tu tập tâm ở trong trạng thái này mà kéo dài thời gian sáu giờ cho đến một ngày đêm, và từ một ngày đêm cho đến bảy ngày đêm là con đã chứng đạo A-la-hán hoàn toàn. Đạo Phật chỉ có tu tập giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, nhờ đó tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi là chứng đạo. Các con có hiểu chưa? Các con đừng nghĩ rằng chứng đạo của đạo Phật là vĩ đại, là cao siêu huyền bí, là thần thông phép lực vô tận, vô biên, v.v...

Không phải vậy đâu các con ạ! Tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là chứng đạo các con ạ!

Hỏi: Con xả tâm, ly dục ly bất thiện pháp như: ngũ triền cái, dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu và các pháp quán tư duy thân, thọ, tâm, pháp, thân ngũ uẩn đều vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, v.v... Các pháp trên con đã tu tập trên một thời gian dài, thân tâm được an ổn, các chướng ngại trong tâm được giảm đi rất nhiều, đến nay con không còn tu tập các pháp đó nữa, con đã chuyển sang tu tập pháp quán trên thân quán thân trong bốn oai nghi, mỗi oai nghi con tu tập thời gian 10 phút rồi lại chuyển sang oai nghi khác. Kính thưa Thầy, con tu tập và xả tâm như vậy có được không?

Con nghĩ nếu con không tu tập liên tục quán thân trên thân như vậy, thì tâm con dễ phóng dật, buông lung, lười biếng rồi có lúc ngủ phi thời, nên con đã tự tu tập liên tục như vậy. Ngoài ra con còn tận dụng kết hợp xả tâm, ly dục ly ác pháp trong mọi thời gian trống. Vì con muốn cho thân tâm mau chóng hoàn toàn thành thanh tịnh.

Đáp: Con tu tập pháp quán xả tâm, ly dục ly ác pháp như vậy rất đúng, không sai, rồi con tiếp tục tu tập quán thân trên thân Tứ Niệm Xứ trong bốn oai nghi để bảo vệ và giữ gìn tâm mình bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Con tu tập như vậy không sai, hãy cố gắng tiếp tục để tâm bất động được kéo dài đến khi chứng đạo mới thôi. Con đường tu theo đạo Phật bắt đầu ly dục, ly ác pháp trên pháp môn Tứ Chánh Cần, rồi kế tiếp ly dục, ly ác pháp vi tế trên pháp môn Tứ Niệm Xứ.

Như vậy con đã tu tập đúng theo lộ trình của đạo Phật dạy. Con đừng sợ lạc đường, chỉ còn có thời gian bảy ngày đêm tâm bất động vô lậu là đến nơi đến chốn con ạ! “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Con đường tu tập cũng vậy các con ạ! Phật pháp không khó vì tu tập với những pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ, mà khó vì lòng người không bền chí, kiên trì tu tập với pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ. Cho nên lộ trình tu tập của Phật giáo từ thấp đến cao, từ giới đến định cụ thể rõ ràng. Vậy mà có người không hiểu, nghe nói thiền định là ôm ngay tu tập, mà không chịu khó suy tư cho chín chắn trình độ mình đang ở lớp tu tập nào?

Đừng vội vàng ham tu mà tự đưa mình vào con đường rối loạn thần kinh, trở thành điên khùng thật là tội nghiệp. Các sư Nam Tông tu hành chưa làm chủ sinh tử mà dám đem pháp môn Tứ Niệm Xứ dạy người tu tập, đó là những người điếc không sợ súng, những người mù mà làm hướng đạo viên thì biết chừng nào đến nơi đến chốn.

Hỏi: Con đọc lại toàn bộ kinh sách của Thầy viết, từ bộ Đường Về Xứ Phật và bốn quyển Những Lời Gốc Phật Dạy, con đã hiểu thêm pháp tu tập và các giới luật của Phật mà Thầy đã biên soạn trên các bộ sách đó. Con đang mong đợi bộ sách giới luật của Thánh tăng và Thánh ni mà thầy đã viết. Con chỉ có ước nguyện đủ duyên để thực hiện giới luật Phật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật.

Đáp: Con nên đọc bộ sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, đó là bộ sách giới luật Thánh tăng và Thánh ni mà Thầy đã biên soạn gần xong, nhưng chưa đủ tiền in ra. Hiện giờ Thầy mới được giấy phép và in ấn hai tập, còn lại tám tập nữa.

Muốn đọc kinh sách giới luật thì con nên chịu khó nghiên cứu bộ sách TAM QUY. Trong sách dạy về oai nghi giới luật của đức Phật và chư Thánh tăng. Có đọc như vậy mới thông suốt những pháp ly dục, ly ác pháp của Phật và chúng Tăng ngày xưa. Một kinh nghiệm sống động mà người tu sĩ Phật giáo không thể không nghiên cứu những tập sách quý giá vô cùng mà chỉ có tu viện Chơn Như mới có.

57- Về bệnh thần kinh.  

1- Muốn nhận xét một người bình thường có bệnh tưởng hay không, thì nên xét qua giấc mộng, lòng tin của họ có thế giới siêu hình, đi ban đêm thường thấy ma, nằm ngủ bị mộc đè, ma đè, khi ngủ thường hay nói chuyện lảm nhảm trong miệng, v.v...

Các nhà ngoại cảm, đồng, bóng, cốt Cô, cốt Cậu và những người tâm sinh lý không bình thường, thiếu ý thức chủ động nên thường sống trong tưởng, cảm nhận người cõi âm đến sống với họ như vợ chồng (nam gọi là đàn bố, nữ gọi là đàn dưới).

2- Những người bệnh thần kinh đều là bệnh tưởng, vì thân tâm họ không bình thường (rối loạn thần kinh). Rối loạn thần kinh về tâm nhiều thì gọi là bệnh điên, ít thì gọi là “mát”; về thân nhiều thì tử vong, ít thì bán thân, miệng méo, quai hàm giựt, tay run, v.v... Những bệnh này đều do thần kinh không bình thường, nên thần kinh ý thức không còn hoạt động bình thường, không còn tự chủ điều khiển, nên được gọi chung là bệnh tưởng.

Cho nên, một người chạy theo lòng ham muốn thường làm khổ m.nh, khổ người, không tự chủ được ý thức để tâm tham, sân, si sai khiến ý thức, thì người ấy gọi là người vô minh, người ngu si. Còn những người thân tâm thường sống trong mơ mộng, ảo giác, hư tưởng, v.v... là những người bệnh tưởng. Đối với Phật giáo, những người này được xem họ là những người điên.

Ví dụ: Không có cõi Cực lạc, Thiên đàng, Niết bàn như thật, mà họ tưởng là có các cõi ấy như thật, nên thường sống trong hư tưởng, cầu về các cõi đó, đó là những người bệnh thần kinh (điên).

Không có thần thông thật, mà chỉ có năng lực do tâm thanh tịnh ly dục, ly ác của người xả tâm diệt ngã. Năng lực ấy dùng để làm chủ sự sống chết. Còn những người tu tập cầu mong có thần thông là những người bị bệnh tưởng. Vì thần thong đều do tưởng uẩn lưu xuất. Đó là những trò ảo thuật để lừa đảo người; để thực hiện tâm tham danh vĩ đại như cậu bé Ram Bahadur Bamjan người Ấn Độ ngồi thiền 6 tháng không ăn uống. Đó là một loại thiền tưởng của ngoại đạo, chứ Phật giáo không có những loại thiền này.

Thiền của Phật giáo không sống trong tưởng, nên thường đem lại lợi ích cho con người. Vì thiền của Phật giáo là thiền quán dùng để ly dục, ly ác pháp; dùng để cuộc sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Cho nên thiền Phật giáo là thiền như thật, chứ không phải là loại thiền tưởng như cậu bé nói trên đang nhập. Thiền như cậu bé này đang tu chẳng ích lợi gì cho ai cả. Càng tu tập, cậu bé này càng rơi vào bệnh tưởng (tưởng không ăn uống). Đó là một loại bệnh thiền, thiền “điên”.

3- Người bị bệnh rối loạn thần kinh thân, dù là bệnh nặng như bệnh bán thân vẫn tu tập pháp Như Lý Tác Ý và pháp Thân Hành Niệm bằng cách nương vào hơi thở, hoặc nương vào hành động đưa tay ra vào theo như lời Phật đã dạy: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”, hoặc: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”.

Trước khi tác ý hai câu này, thì nên tác ý câu lệnh: “Thọ là pháp vô thường, cái bệnh bán thân này phải lìa khỏi thân ta”.

Trong khi tu tập như vậy thì phải sống đúng tám giới (Bát Quan Trai), thì bệnh sẽ bình phục lại như xưa, không còn bị bán thân, không còn bị méo miệng và không còn bị run tay nữa.

58- Phương pháp Tác ý trị bệnh.

Nằm hay ngồi trong tư thế nào cũng được, nhưng nếu gan dạ thì nên ngồi kiết già hay bán già lưng thẳng; mắt mở, nhìn phía trước cách chỗ ngồi khoảng hơn một thước. Khi thân ngồi ngay thẳng, tâm yên ổn mới tác ý như sau:

 “Tất cả bệnh tật đều vô thường, vậy thân bệnh này phải phục hồi, không còn bệnh tật nào cả. Tất cả bệnh tật này hãy đi đi!!! An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. (Hoặc: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”)

Khi tác ý như vậy xong thì chú tâm vào hơi thở hít vô và hơi thở ra đúng năm hơi thở (hoặc cánh tay đưa ra, đưa vô năm lần) rồi lại tác ý lần thứ hai như câu trên đã dạy. Cứ như vậy tiếp tục đuổi bệnh trong 30’ rồi nghỉ độ 10’. Khi nghỉ xong 10’ rồi lại tiếp tục đuổi bệnh trong 30’ nữa.

Khi đuổi bệnh phải siêng năng tác ý như vậy, thì chỉ trong thời gian ngắn bệnh tật sẽ chấm dứt và thân không còn một bệnh tật nào cả.

Pháp Như Lý Tác Ý đuổi bệnh là do đức Phật dạy: “Có Như Lý Tác Ý, bệnh tật khổ đau (lậu hoặc) chưa sinh sẽ không sinh, mà đã sinh thì bị diệt”, nhưng muốn được hiệu quả đẩy lui bệnh ra khỏi thân, thì bệnh nhân phải Nhiếp Tâm Và An Trú Tâm Trong Thân Hành (hơi thở ra, hơi thở vô, cánh tay đưa ra, đưa vào hay chân bước đi kinh hành). Trong những thân hành, nên chọn một thân hành mà tập luyện nhiếp tâm, an trú cho được, thì đẩy lui bệnh rất hiệu quả.

Dụng pháp Như Lý Tác Ý đuổi bệnh không có tốn hao tiền thang thuốc và bác sĩ. Vậy mong sao quí vị hãy tự cứu mình ra khỏi biển khổ của kiếp làm người.

                                                                                                                    Kính thư,
                                                                                                           Thầy của các con