29- Định Sáng Suốt
Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con cách thức tu Định Sáng Suốt như thế nào? Để chúng con tu hành cho đúng, nếu không chúng con sẽ tu sai thì vừa mất thì giờ và còn có thể đưa đến bịnh tật.
Đáp: Định Sáng Suốt gồm có hai cách tu tập:
1- Bình thường tâm không tán loạn, không thùy miên, không vô ký, không lờ mờ, không nửa tỉnh nửa mê, không bần thần lười biếng thì dùng pháp hướng khi đi kinh hành hoặc ngồi một chỗ Như lý tác ý: "Tâm phải sáng suốt như ban ngày, tâm phải thanh thản, tâm phải vô sự."
2- Khi tâm bị thùy miên (buồn ngủ), hôn trầm (ngủ gục), vô ký (mất tỉnh giác) hôn tịch (tỉnh tỉnh mê mê) bần thần, lười biếng. Không nên ngồi, nên đi kinh hành dùng pháp hướng tâm: "Tâm phải tỉnh thức, sáng suốt đêm như ngày." "Tâm phải tỉnh táo như ban ngày." "Tâm phải sáng suốt như ánh mặt trời."
Định Sáng Suốt tuy trong kinh Nikaya đức Phật dạy phải dùng tưởng tâm sáng suốt như ban ngày, sáng suốt như mặt trời v.v… Nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi hiểu định này là một loại Thiền định thư giãn các cơ và thần kinh trong thân.
Khi dụng công tu tập nhiều thì thân tâm mỏi mệt, sanh ra lười biếng mệt nhọc, u tối, trí óc không còn sáng suốt. Gặp trường hợp này, chúng ta phải tu Định Sáng Suốt. Định Sáng Suốt tức là phương pháp thư giãn của đạo Phật giúp chúng ta thư giãn thân tâm, khiến cho các cơ và tinh thần không còn căng thẳng, mỏi mệt.
Biết được công năng của định này, do đó khi mỗi thời gian tu tập một loại định nào xong, chúng ta đều dùng định này để thư giãn. Nhờ đó thân tâm chúng ta liên tục tu tập không thấy mỏi mệt hôn trầm, thùy miên; càng tu càng tỉnh thức và càng sáng suốt; càng tu càng thích thú và ưa thích ham tu hơn; càng tu càng thấy tâm hồn thanh thản, an lạc và giải thoát rõ ràng.
Nếu người tu hành theo đạo Phật mà không biết loại Định Sáng Suốt này thì dễ bị ức chế thân tâm và nếu ức chế thân tâm quá căng thì dễ sanh ra bệnh tật, hoặc bị căng mặt, căng đầu có khi rối loạn thần kinh sanh ra điên khùng mất trí.
Tóm lại, cách thức tu Định Sáng Suốt là dùng pháp Hướng Tâm thư giãn các cơ trong thân cũng như thư giãn thần kinh khiến cho các cơ và thần kinh buông xuống không còn một chút xíu dụng công và ức chế nào nên thấy cơ thể và tinh thần nhẹ nhàng thoải mái.
Khi thư giãn chúng ta cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng an lạc, nghe rất thoải mái vô cùng. Ở đây quý thầy và quý phật tử nên dùng câu pháp hướng ra lệnh cho các cơ và thần kinh thư giãn bằng cách hướng tâm.
Khi cảm giác nghe cơ thể mệt nhọc, đầu óc căng thẳng thì chúng ta nên ngồi nghỉ, hai chân duỗi thẳng dài ra, hai tay buông thõng, thả nhẹ xuống, các cơ trong thân không được gồng, tinh thần không được suy nghĩ và tập trung nơi nào cả, chỉ để nó tự nhiên theo tự nhiên của nó.
Khi cảm giác thân tâm buông thõng chúng ta mới hướng tâm: “Toàn thân an tịnh, tôi biết tôi đang thư giãn.” hoặc “Toàn tâm an tịnh, tôi biết tôi đang thư giãn.”
Xong, chúng ta để thân tâm tự nhiên thư giãn và an tịnh. Kế tiếp, chúng ta lại hướng tâm nữa:
“Các cơ trong thân thư giãn, buông xuống không được gồng, phải nhẹ nhàng thanh thản, an lạc và vô sự.” “Đầu óc phải thư giãn, không được tập trung chỗ nào hết, phải tự nhiên, hồn nhiên với vạn pháp.”
Đó là những cách hướng tâm để thư giãn, quý vị nên nhớ mà tu tập đừng nên biếng trễ.
Định Sáng Suốt sẽ giúp cho quý vị mau chóng tỉnh giác để luôn luôn quý vị ở trong chánh niệm. Nhờ đó, quý vị mới ly tham đoạn ác pháp. Có ly tham đoạn ác pháp thì quý vị mới nhập được Thiền định và Tam Minh.
Nếu không có Định Sáng Suốt thì quý vị tu hành sẽ rơi vào pháp ức chế tâm và chừng đó quý vị sẽ nhập định tưởng, quý vị sẽ rơi vào tà đạo giống như các thiền sư Đông Độ.
Định Sáng Suốt là một loại định rất quý cho quý vị trên đường tu tập giải thoát, quý vị cần phải tu tập nhiều hơn để thấy được trạng thái thanh thản vô sự và an lạc của loại định này.
30- Tỉnh thức ích lợi gì?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Tu tập sức tỉnh thức có ích lợi như thế nào?
Đáp: Sức tỉnh thức, có lợi ích rất lớn cho đường tu tập như:
1- Có tỉnh thức mới sáng suốt sống được chánh niệm.
2- Có tỉnh thức mới ở trong chánh niệm và chánh niệm mới hiện tiền.
3- Có tỉnh thức mới phá được hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không.
4- Có tỉnh thức mới tịnh chỉ ngôn ngữ.
5- Có tỉnh thức mới thấy được nhân quả.
6- Có tỉnh thức mới ly được lòng ham muốn.
7- Có tỉnh thức mới ly các ác pháp.
8- Có tỉnh thức mới giữ tứ diệt tầm được.
9- Có tỉnh thức mới tịnh chỉ tầm tứ.
10- Có tỉnh thức mới xả được 18 loại hỷ tưởng.
11- Có tỉnh thức mới xả được mộng tưởng.
12- Có tỉnh thức mới xả được âm thanh.
13- Có tỉnh thức mới tịnh chỉ hơi thở, xả thọ và các hành.
14- Có tỉnh thức mới tu Tứ Như Ý Túc.
15- Có tỉnh thức mới hướng tâm đến Tam Minh.
Toàn bộ giáo trình của đạo Phật quan trọng nhất là tập luyện tâm tỉnh thức. Có được tâm tỉnh thức mới đạt được Niết Bàn cứu cánh giải thoát.
Tỉnh thức như thế nào? Người tu tập theo đạo Phật, lúc mê biết mình mê là tỉnh thức, lúc tỉnh biết mình tỉnh là tỉnh thức.
Tâm mình tham, biết tâm mình tham là tỉnh thức. Tâm mình sân, biết tâm mình sân là tỉnh thức. Tâm mình phiền não, biết tâm mình phiền não là tỉnh thức. Tâm mình khởi niệm ác, biết tâm mình khởi niệm ác là tỉnh thức. Tâm mình lo rầu, biết tâm mình lo rầu là tỉnh thức. Đi, mình biết mình đi là tỉnh thức. Ăn, biết mình đang ăn là tỉnh thức. Đó là bước đầu mấu chốt sự tu tập giải thoát của đạo Phật.
Tu tập tỉnh thức có nhiều phương cách khác nhau:
1- Định Niệm Hơi Thở là phương cách tỉnh thức trong hơi thở để ly tham đoạn diệt khắc phục tham ưu.
2- Định Vô Lậu là phương cách tỉnh thức trong quán xét suy tư để xả bỏ dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.
3- Định Sáng Suốt là phương cách tỉnh thức để phá hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không, cơ thể mệt nhọc và căng thẳng.
4- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác là phương cách tỉnh thức trong mọi hành động để ngăn ác diệt ác pháp.
5- Định Sơ Thiền là phương cách tỉnh thức ly dục ly ác pháp.
6- Định Diệt Tầm Giữ Tứ là phương cách tỉnh thức trong tác ý hướng tâm khắc phục tham ưu.
7- Định Diệt Tầm Diệt Tứ là phương cách tỉnh thức giữ tâm yên lặng, bất động để làm chủ sự vô thường.
8- Định Tam Thiền là phương cách tỉnh thức vượt qua mọi trạng thái tưởng.
9- Định Ly Hỷ Trú Xả là phương cách tỉnh thức trong giấc ngủ xả mộng tưởng.
10- Tịnh chỉ âm thanh là phương cách tỉnh thức giữ tâm vắng lặng.
11- Tịnh chỉ các thọ là phương cách tỉnh thức giữ tâm vắng lặng vượt qua thọ để tịnh chỉ hơi thở.
12- Tịnh chỉ hơi thở và các hành trong thân là phương cách tỉnh thức giữ tâm vắng lặng, toàn thân tâm bất động.
Những phương pháp trên đây dùng để tu tập tỉnh thức sống không làm khổ mình khổ người tức là làm chủ được mình. Đức Phật đã xác định sự tu tập tỉnh thức có lợi ích rất lớn trên bước đường giải thoát của đạo Phật. Ngài dạy:
“Có một pháp, này các thầy tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến cảm hứng lớn, lợi ích lớn, an ổn lớn, khỏi các khổ ách đưa đến chánh niệm tỉnh giác, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, đưa đến chứng ngộ quả Minh và giải thoát.
Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm. Đây là một pháp, này các thầy tỳ-kheo, nếu pháp ấy được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến cảm hứng lớn, lợi ích lớn, an ổn lớn, khỏi các khổ ách đưa đến chánh niệm tỉnh giác, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 88, bài 2-8).
Đoạn kinh trên đây đã xác chứng sự tỉnh thức là một sự quan trọng rất lớn trên bước đường tu theo Phật giáo. Nó giúp cho chúng ta thành tựu viên mãn giải thoát và làm chủ thân tâm. Cho nên đức Phật đã xác định chỉ có một pháp này:
“Có một pháp” tức là không có pháp thứ hai. Do lời dạy này chúng ta mới biết rõ kinh sách Đại Thừa là kinh sách lừa đảo dối gạt chúng ta và bảo rằng: “Đạo Phật có tám mươi bốn ngàn pháp môn.” Thật là xảo trá, chỉ có các Tổ Bà La Môn mới nói như vậy.
Muốn cho thân tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp không còn đắm nhiễm, dính mắc thì chúng ta phải tu tập tỉnh thức. Để làm sáng tỏ điều này đức Phật dạy: “Có một pháp, này các thầy tỳ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, thân được khinh an, tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về minh phần đi đến tu tập làm cho viên mãn. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm.” (Tăng Chi Bộ Kinh, Tập1 trang 89).
Nếu chúng ta muốn tỉnh giác ngăn ác, diệt ác pháp, thì cũng phải tu tập tỉnh thức trong thân hành niệm. Nhờ có tu tập tỉnh thức trong thân hành niệm thì thân tâm của chúng ta mới có thanh thản và an lạc:
“Có một pháp, này các thầy tỳ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi và các ác pháp đã sanh bị đoạn tận. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm.” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 89, bài 13).
Nếu chúng ta có sức tỉnh giác, để các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi và các pháp thiện đã sanh được tăng trưởng thì cũng phải tu tập tỉnh thức trong thân hành niệm thì thân tâm của chúng ta mới có thanh thản, an lạc và giải thoát:
“Có một pháp, này các thầy tỳ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, các pháp thiện đã sanh được đưa đến tăng trưởng, quảng đại. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm.”
Nếu chúng ta muốn có minh sanh khởi, và vô minh được diệt trừ, ngã mạn được đoạn tận cùng các tùy miên được nhổ sạch và các kiết sử bị đoạn tận thì phải tu tập tỉnh thức nơi thân hành của chính mình như đức Phật đã dạy:
“Có một pháp, này các thầy tỳ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, vô minh được đoạn tận, minh sanh khởi, ngã mạn được đoạn tận, các tùy miên được nhổ sạch, các kiết sử bị đoạn tận. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm.” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 90, bài 16-21).
Nếu chúng ta muốn chứng quả Dự Lưu, chứng quả Nhất Lai, chứng quả Bất Lai và chứng quả A-la-hán, thì không có một pháp nào khác hơn là pháp tỉnh thức nơi thân hành niệm của chính chúng ta, nó sẽ giúp chúng ta đạt được như ý nguyện. Phật dạy:
“Có một pháp, này các thầy tỳ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả Dự Lưu, đưa đến sự chứng ngộ quả Nhất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả Bất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả A-la-hán. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm.”
Bởi sự tu tỉnh thức trong thân hành niệm quan trọng như vậy, đối với đạo Phật nó là một pháp tu tập duy nhất đạt đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn, không còn có một pháp thứ hai nào nữa. Thế mà, kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ dạy chúng ta tu mọi pháp, nào là Niệm Phật cầu vãng sanh, nào là tụng kinh, trì chú, cúng bái, tế lễ, sám hối lạy hồng danh chư Phật, chư Bồ Tát, hoặc ngồi thiền ức chế tâm bằng những pháp môn Chăn Trâu, Tham Thoại Đầu, Tham Công Án v.v… nhưng cuối cùng, chẳng có ai thành tựu viên mãn, chỉ đem lại một hy vọng ảo huyền.
Đức Phật cũng đã xác định nếu ai không tu tỉnh thức Thân hành niệm thì chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết:
“Những vị này không hưởng được bất tử, này các tỳ-kheo, là những vị không thực hiện Thân Hành Niệm. Những vị hưởng được bất tử, này các thầy tỳ-kheo, là những vị thực hiện Thân Hành Niệm.” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 91, bài số 47-48).
Xem thế chúng ta mới biết tỉnh thức lợi ích biết là dường nào cho sự tu tập giải thoát theo con đường của đạo Phật. Bởi nó là pháp môn quan trọng hàng đầu của đạo Phật, nếu không có pháp môn này thì pháp Hướng Tâm Như Lý Tác Ý cũng không có kết quả trong sự tu tập.
31- Tâm bất an
Hỏi: Kính thưa Thầy, khi làm xong việc, con vào cốc tu tập, tâm con cũng chưa được an?
Đáp: Khi vào cốc tu tập tâm chưa được an tức là xả tâm chưa được sạch. Nếu tâm xả chưa được sạch thì không nên tu Định Niệm Hơi Thở mà phải tu Định Vô Lậu, quán triệt cho thông suốt lý chân thật của các pháp.
Ở đây con làm xong việc rồi mới vào thất tu, như vậy làm việc và tu là hai việc khác nhau, do hiểu như vậy và tu như vậy nên tâm con bất an là phải.
Thầy thường dạy: “Tu là sống, sống là tu” nghĩa là tu tập trong mỗi hành động, việc làm chứ không phải đợi vào cốc ngồi tu, thế mới là tu. Con không nhớ lời Đức Phật dạy sao? Phải tu ngay trong thân hành niệm con ạ! Lúc nào thân có động dụng thì phải tu ngay trong hành động ấy, đó là tu tỉnh thức chánh niệm.
Ở đời người ta thường hiểu tu là vào chùa cạo đầu, mặc áo tu sĩ là tu, hiểu như vậy là sai hoặc người ta thấy ai gõ mõ tụng kinh, niệm chú, lần chuỗi niệm Phật, ngồi Thiền, họ cho đó là tu thì còn sai hơn nữa; đó là những hình thức của tôn giáo chứ đâu phải tu hành là vậy.
Tu ở đây theo đạo Phật có nghĩa là sửa đổi những thói hư tật xấu; sửa đổi những hành động ác, không làm ác nữa tức là không làm khổ mình khổ người. Không làm khổ mình khổ người tức là tu, nhưng không muốn làm khổ mình khổ người thì phải tu tập tỉnh thức trong mỗi hành động việc làm mà Đức Phật gọi là “Thân hành niệm.”
Tâm bất an tức là tâm vẫn còn trong chướng ngại pháp, tâm chưa xa lìa lòng ham muốn và các ác pháp; tâm chưa xa lìa lòng ham muốn và các ác pháp mà vào thất ngồi tu thì đó là cách thức ức chế tâm, nén tâm. Tu như vậy làm sao có giải thoát được, con phải tu trở lại cho đúng pháp.
Muốn tu cho tâm được an, thì phải theo lời đức Phật đã dạy: “Tỉnh thức trong thân hành niệm ngoại,” tức là đi, đứng, nằm, ngồi, làm tất cả mọi việc đều phải tỉnh thức trong mọi hành động, việc làm của mình. Tỉnh thức trong hành động ngoại để làm gì?
Để khắc phục tham ưu tức là lìa các chướng ngại pháp trong tâm. Lìa chướng ngại pháp trong tâm thì tâm được an ổn. Muốn được như vậy thì tâm luôn luôn phải tỉnh thức trên thân hành và luôn luôn phải tác ý ly tham, đoạn ác pháp. Cho nên tu trong thân hành niệm tức là lấy hành động của thân để tỉnh thức mà xả các niệm ác, xả các chướng ngại pháp để tâm không còn bất an.
Tâm con bất an thì Tổ sư Thiền Đông Độ sẽ bảo: “Lấy tâm ra đây ta an cho,” thì tâm con sẽ an liền. Như Huệ Khả đã được Bồ Đề Đạt Ma an tâm cho, đó là một lối nói để người nghe dùng tưởng mà nhận ra tâm đã an, nhưng kỳ thật không bao giờ có tâm an. Bởi vì tâm đã huân thành nghiệp bất an lâu đời nên hở ra một pháp nào va chạm vào tâm là tâm chướng ngại bất an liền. Cho nên cần phải siêng năng tu tập xả tâm chứ không phải nhìn lại chỗ bất an mà tâm an.
Ví dụ: khi chúng ta bị nhức đầu, tâm chúng ta bất an, bấy giờ chúng ta tìm chỗ tâm bất an thì tâm chúng ta có hết bất an không? Khi mà đầu chúng ta còn đau nhức.
Bởi người ta hiểu tâm và nghiệp là hai, nhưng kỳ thực tâm và nghiệp là một, nghiệp là tâm, tâm là nghiệp. Các nhà học giả hiểu tâm và nghiệp là hai nên bảo rằng: “Nghiệp dẫn tâm đi tái sanh luân hồi.” Không có dẫn tâm đi luân hồi, mà nghiệp luân hồi tức là nghiệp tạo duyên. Nghiệp tạo duyên vô minh.
Ví dụ: Như một người nam và một người nữ do đắm nhiễm tình dục nên tạo thành nghiệp ái dục, nghiệp ái dục tức là sự ưa thích tình dục cho nên họ hành động gần gũi nhau để rồi tạo ra nghiệp. Họ không biết tình dục sau đó là một sự khổ đau, sự khổ đau tức là ác pháp. Họ không biết ác pháp khổ đau nên họ lấy nhau, đó là vô minh của nghiệp ái dục tạo nên duyên hành “lấy nhau.”
Do hành động lấy nhau tạo duyên nghiệp, nghiệp này là nghiệp ái dục. Nên loài động vật sinh ra không ai dạy dâm dục cho nó nhưng con vật nào cũng dâm dục, con người cũng vậy. Dâm dục tức là nghiệp. Cho nên, người tu hành mà không đoạn tận dâm dục thì chẳng bao giờ có giải thoát.
Vì thế tâm là nghiệp, nghiệp là tâm, nó không phải là hai. Nên đức Phật dạy: “Lìa nghiệp ác, đoạn diệt nghiệp ác vì nghiệp ác tạo ra muôn thứ khổ đau, còn nghiệp thiện, không làm khổ mình khổ người thì nên giữ và tăng trưởng nó.”
Ví dụ: Chúng ta tu pháp Như Lý Tác Ý câu: “Tâm như cục đất,” tức là tạo nghiệp thiện, mà nghiệp thiện đã có thì nghiệp ác không có. Nghiệp ác không có thì không có sự khổ đau tức là giải thoát (Niết Bàn).
Con người khổ vì nghiệp ác, nghiệp ác là những hành động ác đã lập đi lập lại nhiều lần và đã đắm nhiễm hay nói cách khác là đã thành thói quen khó bỏ, các nhà Đại Thừa gọi là “tạp khí.”
Khi tu tập tâm bất an là tu sai không đúng pháp. Pháp của đức Phật dạy là pháp ngăn ác diệt ác pháp, cho nên tâm lúc nào cũng được an ổn. Vì tâm không an ổn là tại không biết sử dụng pháp đúng cách .
Do chỗ đẩy lùi các ác pháp trong tâm nên đức Phật dạy: “Pháp Ta tu là có kết quả ngay liền không có thời gian, có khả năng hướng thượng.” Kết quả ngay liền là tâm không còn bất an. Tâm con bất an là con không xả tâm, muốn xả tâm thì tu tập phải có đối tượng. Nhờ có đối tượng mà biết tâm xả hay chưa xả.
Người tu hành theo đạo Phật mà tránh né đối tượng thì tu chẳng bao giờ có giải thoát. Cho nên muốn tu tập giải thoát thì ngay nơi ác pháp ngăn và diệt, ngăn và diệt là dùng pháp Như lý tác ý, nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.
Giải thoát của đạo Phật không phải chỗ có thần thông phép tắc, chỗ thấy Tánh, chỗ ngồi Thiền năm bảy ngày, một đôi tháng mà là chỗ đẩy lui các chướng ngại pháp trong thân và tâm. Hằng ngày, từng phút, từng giây siêng năng chuyên cần đẩy lui các chướng ngại pháp thì làm sao tâm con bất an được. Tâm không còn bất an tức là giải thoát của đạo Phật hay gọi là tâm bất động.