113-TRẢ LỜI CÂU HỎI VỀ TU TẬP (4). TL Thích Thông Lạc

17- Khắc phục tâm vô ký

Hỏi: Kính bạch Thầy, khi quét sân hoặc đi kinh hành, con có nhắc tâm chia tuần tự ba loại định tu tập. Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Niệm Hơi Thở, kết hợp hành động của Thân hoặc bước chân, Định Vô Lậu? Con tu như vậy có đúng không? Dù có nhắc tâm, nhưng khi thực hiện thường bị quên do tạp niệm vô ký. Vậy con phải khắc phục như thế nào?

              Đáp: Tu tập xả tâm theo đạo Phật là phải kết hợp bốn loại định:
              1- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác (định ngăn ác pháp).
              2- Định Niệm Hơi Thở (định ngăn ác pháp).
              3- Định Vô Lậu (định diệt ác pháp).
              4- Định Sáng Suốt (thư giãn, trạng thái chân lý).

Trong một thời tu tập trên bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp của chúng ta thường có những hiện tượng sanh ra trên đó. Khi mỗi ác pháp sanh ra tại một trên bốn chỗ này thường tạo ra chướng ngại khiến cho bốn chỗ này bất an. Muốn cho bốn chỗ này được an ổn thanh thản, an lạc và vô sự thì phải tùy theo các pháp đã tu học trên đây áp dụng để diệt những ác pháp để đem lại sự bình an cho thân, thọ, tâm và pháp.

Nếu không có ác pháp sanh ra trên bốn chỗ này thì chúng ta dùng pháp tác ý ngăn ác pháp, nhưng khi chúng ta sử dụng công sức nhiều để tu tập không phù hợp với đặc tướng của mình nên thường bị hôn trầm, thùy miên và vô ký. Đó là thời gian tu tập chưa phù hợp với đặc tướng của mình. Biết như vậy con phải tu ít trở lại để tu tập có chất lượng tỉnh thức cao, không còn bị rơi vào vô ký nữa.

Xét qua sự trình bày tu tập những loại định của con thì con tu tập không sai, chỉ sai là tu hơi nhiều quá sức tỉnh thức của mình. Muốn không bị rơi vào vô ký thay vì con tu một giờ thì con nên tu lại 30 phút, thay vì con tu 30 phút thì con tu lại 15 phút. Chừng nào con thấy sự tỉnh thức của mình trong suốt thời gian tu tập mà không có một chút nào vô ký thì con mới tăng thời gian lên.

Nhưng khi tăng thì con chỉ tăng lên từ 5 phút chứ đừng có tăng nhiều quá mà sức tỉnh thức không đủ thì con sẽ bị rơi vào vô ký nữa. Vô ký là thiếu sự tỉnh thức, vì thế mà pháp môn của đức Phật dạy chúng ta tu tập tỉnh thức bằng Thân Hành Niệm là một pháp môn tuyệt vời. Nếu chúng ta biết cách tu đúng đặc tướng thì chúng ta có sự tỉnh thức ngay liền, phá sạch hôn trầm, thùy miên, vô ký.

Tóm lại, nếu tu tập đúng cách của Thân Hành Niệm thì phá tâm si ám rất dễ dàng. Hôn trầm, vô ký, thùy miên là những trạng thái của tâm si, cho nên tâm tỉnh thức có thì tâm si ám bị triệt tiêu, tâm si ám bị triệt tiêu thì chánh niệm mới hiện tiền.

Có chánh niệm thì ác pháp không xen vào được, ác pháp không xen vào được thì tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự, mà tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự thì đó là giải thoát của Phật giáo,

18- Pháp môn của Phật là pháp môn câu hữu

Hỏi: Kính bạch Thầy, khi nào cần kết hợp các định với nhau, khi nào chỉ tu tập một loại định mà thôi?

Đáp: Theo như lời đức Phật đã dạy:

“Tỳ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng định thì có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động.

“Tỳ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng tinh cần thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến trạo cử.

“Tỳ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng xả, thời có sự kiện tâm vị ấy không chân chánh định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc.

“Nhưng nếu tỳ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ-kheo, nếu thỉnh thoảng tác ý tướng định, thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, thỉnh thoảng tác ý tướng xả, tâm vị ấy trở thành nhu nhuyến, kham nhậm, chói sáng, không bẻ vụn, chân chánh định tỉnh để đoạn tận các lậu hoặc.”

              Trên đây đức Phật dạy câu hữu ba pháp môn trong một thời tu:
              1- Tỉnh thức (Thân Hành Niệm Nội và Ngoại, tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Niệm Hơi Thở).
              2- Tứ Chánh Cần.
              3- Định Vô Lậu.

Lời dạy này chúng ta ghi nhớ: Phật pháp không thể tu riêng một pháp môn nào. Khi tu hành phải biết kết hợp chặt chẽ pháp này với pháp kia, lúc thì định tỉnh, lúc thì quán tư duy vô lậu, lúc thì ngăn diệt mạnh mẽ. Có tu tập đúng như vậy tâm mới nhu nhuyến dễ sử dùng.

19- Niệm thiện

Hỏi: Kính bạch Thầy, khi quét sân, đi kinh hành các niệm thiện khởi lên như: nhớ lại một câu Phật ngôn chưa hiểu, về cách thức tu tập Thầy dạy …, con nên gạt hongy để tiếp tục theo hành động hon hay nên suy xét thêm về những niệm thuộc về thiện này?

Đáp: Đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.” Như vậy khi tu tập trong một thời con đều luôn tu cả ba pháp môn, trong đó có Tứ Chánh Cần và vì vậy khi một câu Phật ngôn khởi lên trong con thì con phải tư duy nghĩa lý của câu Phật ngôn này để thấu suốt lý như thật của nó. Nhờ vậy mà tri kiến của con càng ngày càng phát triển, đó là con triển khai trí tuệ tri kiến giải thoát tức là con thỉnh thoảng tác ý tướng xả như lời Phật đã dạy trong kinh Tăng Chi.

Đây cũng là sự tăng trưởng thiện pháp trong Tứ Chánh Cần, người tu sĩ cần phải siêng năng và cần mẫn tu tập. Đạo Phật có được sự giải thoát là nhờ vào trí tuệ tri kiến này, nếu con không chịu triển khai tu tập như thế này thì làm sao có trí tuệ tri kiến được.

Muốn có trí tuệ tri kiến giải thoát, người mới tu thì phải bắt đầu học hiểu đạo đức nhân quả, Tứ Diệu Đế, Thân Ngũ Uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên… nói chung là phải nghiên cứu tạng kinh Pali cho hong suốt.

Vì thế mỗi khi có một niệm khởi về Phật pháp thì con nên tư duy quán xét cho rõ tận nguồn gốc, đừng nên gạt bỏ ngang, vì bỏ qua một điều kiện triển khai trí tuệ thì thật quá uổng.

Tóm lại sự tu tập theo Phật giáo không giống sự tu tập của ngoại đạo, ngoại đạo tu tập hay chuyên nhất một pháp trong một thời tu, còn Phật giáo thì không chuyên nhất vào pháp môn nào cả trong một thời tu.

Phật giáo chuyên xả tâm vào định, ngoại đạo chuyên ức chế tâm vào định. Cho nên Phật giáo và ngoại đạo không giống nhau là ở chỗ xả tâm và ức chế tâm. Phật giáo đi từ xả vào định bằng tri kiến giải thoát nên lấy đạo đức làm gốc (giới luật), còn ngoại đạo đi từ định đến xả (quán, hoàn, tịnh) bằng tưởng tuệ, nên phá giới luật.

Do đó Phật giáo lấy tri kiến giải thoát quán xét xả tâm nên rất thực tế cụ thể, tâm hồn giải thoát thật sự, còn ngoại đạo lấy tưởng tuệ nên mơ hồ trừu tượng ảo giác, không có giải thoát.

Trên đây là những điều các con nên lưu ý và để tránh xa những sự sai lạc nó không tốt cho con đường tu tập này.

20- Hỷ của Sơ thiền gấp 16 lần hỷ vật chất

Hỏi: Kính bạch Thầy, có vị nói rằng hỷ của Sơ Thiền gấp 16 lần hỷ mạnh nhất thuộc vật chất (nhục dục) đúng không thưa Thầy?

Đáp: Quý vị có ly dục ly ác pháp chưa (?) mà dám khẳng định gấp 16 lần. Thật là xảo trá, trạng thái hỷ do ly dục ly bất thiện pháp làm sao so sánh với hỷ dục lạc và ác pháp được.

Hỷ ly dục và hỷ dục là hai con đường cách biệt song song, làm sao gặp nhau chỗ nào mà so sánh được. Hỷ ly dục có mặt thì hỷ dục phải không có mặt, hai cái này cũng giống như đêm với ngày, đêm có thì ngày phải không, ngược lại cũng như vậy.

Người dạy điều này là người sống trong tưởng tượng, trong mơ, không biết bốn Thánh Định là gì, nhất là Sơ Thiền một loại thiền thuộc về giới luật đạo đức nhân bản của Phật giáo.

Người tu học theo Phật giáo cần phải hiểu cho rõ ang hỷ lạc do ly dục sinh và hỷ lạc do dục sinh, hai trạng thái hỷ này không có giống nhau. Cho nên lòng vui mừng khi cha con chồng vợ gặp nhau trong sự trùng phùng, còn hỷ lạc do ly dục sinh cũng giống như một người thích sống một mình không muốn tiếp duyên với mọi người.

Vui thích sống một mình là hỷ do ly dục sinh. Xin quý vị nên lưu ý điều này để không lầm lạc.

21- Chỉ cần đắc Sơ thiền và đoạn trừ năm hạ phần kiết sử

Hỏi: Kính thưa Thầy, con được biết có số vị sư Nguyên Thủy quan niệm chỉ cần đắc Sơ Thiền và đoạn trừ năm hạ phần kiết sử để khi thân hoại mạng chung từ cảnh giới tương đương thể nhập Niết Bàn. Như trong kinh Bát Thành (Trung Bộ tập 2, kinh Damasa Gia chủ Tăng Chi). Dựa vào kinh mà tu như vậy có đúng không thưa Thầy? Kết quả ra sao?

Đáp: Trong bài kinh này đức Phật đưa ra một ví dụ: lỡ trong kiếp này tu chưa được hoàn thành viên mãn của con đường giải thoát mà nhân quả đã đến thình lình thì phải đành chịu. Nhưng nếu tu tập đạt được Sơ Thiền và đoạn được năm hạ phần kiết sử thì không còn tái sanh làm người nữa. Nghĩa là sắc uẩn đã bị hoại diệt chỉ còn bốn uẩn kia trong trạng thái của Sơ Thiền Thiên và trạng thái đoạn năm hạ phần kiết sử, ở đó sẽ lần lượt quét sạch lậu hoặc và vào Niết bàn.

Trên đây là một ví dụ bất đắc dĩ trong kinh, chứ không phải người tu ước ao như vậy. Bởi con đường tu của đạo Phật rất khó là ở giai đoạn Sơ Thiền, vì Sơ Thiền chỉ rõ sự sống của một bậc Thánh ở đây. Cho nên từ phàm phu chuyển lên một bậc Thánh không phải là một việc dễ làm, dễ sống.

Vì thế tu sĩ thời nay không riêng gì tu sĩ Đại Thừa mà cả tu sĩ Nguyên Thủy đều phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới. Sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới mong gì ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền và đoạn năm hạ phần kiết sử được như các sư ước mong.

Các quan niệm của một số sư Nguyên Thủy như vậy là không đúng với tinh thần giải thoát của đạo Phật. Mong cầu như vậy có nghĩa là các sư cảm thấy con đường thiền định của Phật giáo quá khó khăn, nhưng không ngờ cái khó là chỗ Sơ Thiền (giới) còn đoạn đường thứ hai (Định, Tuệ) thì không còn khó khăn gì cả.

Bỏ hết cuộc đời đi tu mà không có ý chí quyết tâm tìm cầu sự giải thoát trong một đời này thì chẳng phí uổng một đời lắm sao. Phật pháp chỉ khó ở giai đoạn đầu giới luật, còn giai đoạn thiền định và Tam Minh thì không có khó khăn, không có mệt nhọc.

Thế mà đạt được ở giai đoạn đầu tức là nhập được Sơ Thiền và đoạn được năm hạ phần kiết sử mà không vào Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền sao? Khi nhập được Sơ Thiền thì Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền không còn khó khăn, nhập những loại định này như lấy đồ trong túi.

Vì năng lực của tâm ly dục ly ác pháp rất là mầu nhiệm, nếu nó không mầu nhiệm được thì không thể nào ly dục ly ác pháp được. Do mầu nhiệm mới làm chủ sanh, già, bệnh, chết, mới chấm dứt tái sanh luân hồi.

Dựa vào kinh mà tu như vậy là không hiểu kinh và không hiểu kinh thì làm sao tu hành đúng được, kết quả là một số không. Những người tu như vậy là không có ý chí, không có tự giác, không hiểu rõ Phật pháp và nhất là pháp hành.

Ở ngoài đời làm việc gì gặp khó khăn thì chùn bước, trước gian nan thì ngã lòng, người như thế thì không làm việc lớn được huống là đi tu còn gặp nhiều khó khăn gắp trăm ngàn lần hơn nữa.

Xưa đức Phật nguyện: “Nếu không chứng đạo thề nát xương không rời khỏi cội bồ đề.” Do ý chí ngút ngàn tâm bất động trước các ác pháp, Ngài chứng đạo để lại cho loài người bốn chân lý tuyệt vời.