109-TRẢ LỜI VỀ KINH SÁCH ĐẠI THỪA. TL Thích Thông Lạc

Câu hỏi 1: Kinh Tứ Thập Nhị Chương.

Hỏi: Kính bạch Thầy, sự thật bản thân con thấy thế, mặc dù những thử thách tâm mình cũng có kết quả chút xíu là những thói hư tật xấu có giảm thiểu, từ đó cũng thấy được tường tận lẽ thật của một kiếp người ở trong muôn một. Chắc hẳn cũng do luật nhân quả chi phối. Sự nhiệt tâm tu hành thật sự cầu giải thoát, nên nhân duyên đã đưa con đến với ĐVXP của Thầy chỉ dạy về pháp môn tu Tứ Thánh Định, đi đến Tam Minh, con bừng tỉnh và nói: “À có pháp hành đây rồi” như làm lại từ đầu, xong với con chỉ như nhắc lại cho rõ hơn và phải sắp xếp cái gì cần làm trước mà thôi.

Dẫu sao thì nó cũng dấy lên trong con biết bao nhiêu là chướng ngại pháp trong tâm. Chính vì lẽ đó hôm nay con mạo muội hỏi; xin Thầy từ bi hoan hỷ chỉ dạy và cũng là sách tấn cho con ngày một tinh tiến.

Kính bạch Hòa Thượng! Kinh Tứ Thập Nhị Chương do cư sĩ Thiền Chỉu dịch, kinh này có phải Phật thuyết không?

Đáp: Kinh Tứ Thập Nhị Chương không phải Phật thuyết mà do các Tổ soạn viết theo kiến giải của mình trong kinh sách Nguyên Thủy A Hàm. Cho nên kinh này có sự thêm bớt rất nhiều, có những bài kinh làm sai ý Phật. Quý phật tử hãy dè dặt cẩn thận đừng vội quá tin vào những loại kinh sách này mà cần phải đề cao cảnh giác, kinh dạy thì có lý nhưng thực hành không có kết quả mà còn làm mất thì giờ vô ích của quý vị.

Câu hỏi 2: Kinh Kim Cang.

Hỏi: Kính bạch Thầy, kinh Kim Cang có phải Phật thuyết không? Câu: Do chấp bốn tướng nên sinh ra nhiều kỳ sự: Ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, hay câu: phàm cái gì hữu tướng đều hư hoại. Xin Thầy giảng rõ.

Đáp: Kinh Kim Cang không phải Phật thuyết, do các Tổ sau này biên soạn ra, kinh này xuất xứ trong thời ngài Long Thọ. Các nhà tưởng giải biên soạn ra kinh Kim Cang thường lý luận chia chẻ thân ngũ uẩn đưa ra nhiều danh từ như: ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, nhưng kỳ thực bốn tướng này cũng chỉ là một tướng của thân ngũ uẩn, nên cuối cùng kết luận bằng một câu kinh: “Phàm cái gì hữu tướng đều hư hoại.

Đó là một lối hý luận lòng vòng quanh co mà không có lối thoát, tức là không có pháp hành. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã xác định thân ngũ uẩn cụ thể rõ ràng và dễ hiểu: “Con người do năm uẩn hợp lại mà thành nên vô thường không có thật thể, chết là hết không còn có một vật gì lưu lại.

Trong kinh sách Nguyên Thủy Đức Phật xác định rất rõ ràng về các tướng như: nhân tướng, đặc tướng, hành tướng của thân ngũ uẩn, với sự chia ra các tướng này là để giúp cho người tu sĩ áp dụng các pháp hành trên ba tướng này để đi đến sự giải thoát hoàn toàn, làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người chứ không như lý luận suông như trong kinh Kim Cang Bát Nhã bằng cách chơi chữ. Nêu lên bốn tướng của thân ngũ uẩn để chứng tỏ mình là nhà phân tích hay, nhưng lại là thứ “dỏm.”

Đọc suốt bộ kinh Kim Cang ta không thấy có một pháp hành nào cả, chỉ toàn là hý luận lý thuyết suông. Cho nên nói được nhưng chưa có ai làm được như trong kinh này. Kinh này từ xưa đến nay đã cho chúng ta ăn toàn thứ bánh vẽ. Chúng tôi nói nhưng quý vị đừng vội tin mà hãy suy ngẫm, chúng tôi nói là tỉnh thức quý vị mà thôi, chúng tôi nói là gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, tin hay không tin là quyền của quý vị. Kinh sách phát triển bày vẽ lý luận phân tích chia chẻ ra cho nhiều để làm rối loạn đường tu hành của tín đồ Phật giáo.

Câu hỏi 3: Bát Nhã Tâm Kinh.

Hỏi: Kính bạch Thầy, kinh Bát Nhã: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành sâu Bát Nhã Ba La Mật, ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách hoặc đối cảnh vô tâm…” Tất cả những câu pháp đó có đồng nhất với câu pháp hướng tâm như lý tác ý trong ĐVXP mà Thầy dạy “Tâm như cục đất” không?

Đáp: Không, pháp hướng tâm “Tâm như cục đất” là một phương pháp tự kỷ ám thị để rèn luyện nội tâm của mình, chứ không phải một lời suông như trong Tâm Kinh Bát Nhã “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Câu kinh này là câu kinh nhật tụng hằng ngày trong các chùa không có ngày nào mà tu sĩ Phật giáo không tụng niệm câu kinh này, thế mà những người tụng niệm câu kinh này có bao giờ hết khổ ách chưa? Từ các Tổ xa xưa cho đến các thầy hiện giờ không ngày nào là không tụng niệm, thế mà ngũ uẩn có không đâu, nó đang hành hạ các Tổ và các thầy đủ thứ tai họa, như vậy kinh chỉ nói chứ không có hành được là vì nó không có pháp hành.

Còn pháp hướng tâm tự kỷ ám thị là một pháp môn thực hành nó đã mang đến kết quả chúng ta thấy rõ ràng, khi chúng ta giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh.

Vì thế hai pháp môn này không có giống nhau chút nào cả, một pháp môn nói được mà không hành được, nó là một triết học tánh không, (hý luận của Long Thọ) còn một pháp nói được làm được, nó là một nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người, nó không phải là triết học, mà là đạo đức học.

Nó là một môn học đưa ra những hành động sống hằng ngày để con người áp dụng vào đời sống mà không trái với quy luật tự nhiên của bản chất con người. Cho nên càng áp dụng vào đời sống thì càng thích thú hơn nhiều vì nó mang lại hạnh phúc và sự an vui cho cá nhân và tập thể. Nói đến đạo đức là nói đến sự sống an lành của mỗi con người, vì thế nó phải là một pháp môn cụ thể thực tế, không lý luận quanh co, không tưởng giải ra những điều trừu tượng ảo giác không thật.

Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Hành thâm như thế nào? Chiếu kiến như thế nào? Tụng niệm hay là quán xét? Tụng niệm thì các chùa đã từng tụng niệm hằng ngày, còn quán chiếu thì người ta đã quán chiếu quá nhiều, nhưng ai là người đã độ được khổ ách? Người ta đã thực hiện nằm lòng những câu kinh này nhưng tìm thấy sự giải thoát trong tâm thì chưa có ai cả. Tại sao vậy? Vì nó là một triết học, một lý luận suông của những nhà học giả, không có kinh nghiệm tu hành.

Câu hỏi 4: Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Hỏi: Kính bạch Thầy, không có ngã, không có ta và không có cái của ta, nếu quán chiếu được như thế thì mới có luận: vô khổ, tập, diệt, đạo.

Đáp: Đúng là cái hý luận của các nhà học giả của kinh sách phát triển, vì không có cái ngã, không có cái ta và không có cái của ta nên mới có chỗ đập phá chân lý của Phật giáo là “vô khổ, tập, diệt, đạo” nên mới có chỗ cấm tín đồ Phật giáo nếu ai tu theo Thanh Văn Nhị Thừa thì sẽ bị khinh cấu tội.

Bởi vì con người không có cái ngã, không có cái ta, không có cái của ta nên chân lý khổ, tập, diệt, đạo đế làm sao có được. Không có cái ngã, không có cái ta, không có cái của ta thì con người là gốc cây, là cục đá. Cho nên chân lý khổ, tập, diệt, đạo đế của đạo Phật là chân lý của con người chứ không phải chân lý của cục đá, gốc cây. Khổ, tập, diệt, đạo đế là chân lý của con người có cái ngã, có cái ta, có cái của ta.

Con người tu hành trở thành cục đá gốc cây mới sản xuất ra trí tuệ Bát Nhã Tâm Kinh, để trong các chùa hằng ngày tụng niệm “Vô khổ, tập, diệt, đạo” để diệt mất cái chân lý này đi, diệt mất cái chân lý này để làm gì? Diệt mất cái chân lý này là diệt mất Phật giáo.

Sau khi Đức Phật tịch thì Phật giáo ngay trên quê hương của Người đã bị quét ra khỏi và cũng không còn dấu vết gì của Phật giáo ở trên đất nước này. Bây giờ chúng ta trở về thăm quê hương xứ Phật, những nơi di tích này mới được trùng tu, trùng tu để thu tiền khách tham quan vãng cảnh chứ đâu có ý nghĩa làm cho Phật giáo sống, sống với đất nước Ấn Độ nữa. Một cái gì cao quý và đẹp đẽ nhất của nước Ấn Độ đã bị lòng ganh tỵ nhỏ hẹp của các tôn giáo ích kỷ tại quê hương này diệt mất rồi, còn đâu nữa. Có còn cũng chỉ là hình thức kinh doanh tôn giáo mà thôi.

Đúng như con đã nói: “Không có ngã, không có ta, không có cái của ta, nếu quán chiếu như thế thì mới có luận vô khổ, tập, diệt, đạo.” Vậy không có cái ngã, cái ta, cái của ta thì lấy cái gì quán chiếu, nếu có cái quán chiếu được thì phải có ngã, có ta, có cái của ta, ngoài ra ba cái này thì không có cái quán chiếu.

Vì thế cái quán chiếu này là cái ảo giác trừu tượng, không phải của con người. Không phải của con người thì cái này không phải của Phật giáo. Vì Phật giáo lấy con người làm nơi tu hành giải thoát cho con người, ngoài con người ra thì không có cái gì để tu hành cả. Vì con người khổ nên đạo Phật ra đời giải quyết sự đau khổ cho con người, mà con người thì phải có cái ngã, cái ta, cái của ta. Nhưng cái ngã, cái ta, cái của ta đều thiện thì có làm khổ mình khổ người đâu mà chúng ta lại dẹp bỏ nó.

Chúng ta chỉ dẹp cái ngã, cái ta, cái của ta trong ác pháp, vì cái ngã, cái ta, cái của ta trong các ác pháp là cái thường làm khổ mình khổ người. Nên Đức Phật dạy: “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” thì chân lý khổ, tập, diệt, đạo đế mới thật là chân lý của loài người.

Bởi vậy lý Bát Nhã chỉ áp dụng vào thế giới tưởng của Long Thọ chứ không thể áp dụng cho loài người được. Vì nó là một ảo giác chân không diệu hữu.

Câu hỏi 5: Sự mâu thuẫn trong kinh sách Đại thừa.

Hỏi: Kinh bạch Thầy, trên bình diện Hữu sắc và Vô sắc. Về hữu sắc thực tế trong nhân loại hiện nay không còn con đường nào khác là phải xây dựng cho mỗi người có một nền đạo đức nhân bản và nhân quả trên cơ sở Bốn Đế (khổ, tập, diệt, đạo). Vậy pháp hành là Tứ Chánh Cần ly dục ly ác pháp thật là tuyệt vời.

Bởi lẽ thế gian hiện nay đã hầu hết làm mất đi nền đạo đức nhân bản này. Thế mới có chuyện một lũ người điên ngồi xem một quả bóng tròn, tranh giành tổng thống, làm từ thiện thì bớt xén cả của những người khuyết tật, cả những người hoạn nạn do thiên tai v.v…

Tất cả vì dục vọng mà họ đã làm mất đi bản chất làm người để đi vào thú tính, xét cho cùng ngay những con thú họ cũng không bằng. Vì bản chất loài thú, nó ăn no rồi thì thôi, nằm ngủ, nhưng con người hiện nay no vẫn chưa đủ mà còn phè phỡn tìm kiếm thật nhiều, để rồi vào tù còn giở trò sám hối. Thật là đau lòng cho những vị Thánh Minh muốn cứu đời trước thực tại này.

             Bốn câu kệ trong kinh Kim Cang:
             “Nhược dĩ sắc kiến ngã
              Dĩ âm thanh cầu ngã
              Thị nhân hành tà đạo
              Bất năng kiến Như Lai”…

Liễu nghĩa được bốn câu này thì làm gì có kinh Phổ Môn, kinh Địa Tạng, kinh Di Đà, chuyện Bà Thanh Đề (kinh Vu Lan Bồn) là một sự lừa dối phi đạo đức và phi nhân quả, mà Thầy đã phải dằn giọng kêu lên. Một tiếng sét cho những ai còn mê muội.

Đáp: Tại sao kinh Kim Cang nằm trong hệ thống kinh sách phát triển mà lại mâu thuẫn đập phá lại kinh sách phát triển, bởi vậy chúng ta mới thấy hệ thống kinh sách phát triển không nhất quán. Cuốn kinh nào cũng tự ca ngợi nó là đệ nhất hơn các cuốn kinh khác, kinh Kim Cang ca ngợi kinh Kim Cang là đệ nhất, kinh Pháp Hoa cũng ca ngợi kinh Pháp Hoa là đệ nhất, kinh Lăng Già, kinh Viên Giác, kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng vậy.

             Vì thế câu:
             “Nhược dĩ sắc kiến ngã
             Dĩ âm thanh cầu ngã
             Thị nhân hành tà đạo
             Bất năng kiến Như Lai”…

            Bốn câu kệ này nó thể hiện qua trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật Tánh Không cho một hành tinh chết trong vũ trụ này, chứ không phải áp dụng cho hành tinh sống của chúng ta, vì nó là chân lý của Long Thọ sản xuất, nó đang áp dụng trên cung trăng, mặt trời và trên những hành tinh chết khác, còn ở địa cầu thì nó là chân lý ảo tưởng, vì địa cầu là môi trường sống nên mọi vật ở đây không thể là cục đá gốc cây được (không có ngã, không có ta, không có cái của ta).

Nếu bảo rằng lấy bốn câu kệ này làm pháp tu quán chiếu thì không đúng, vì bốn câu kệ này không phải là pháp hành, nó chỉ là một lý luận suông của Bát Nhã phát triển mâu thuẫn lại chính bản thân của sự phát triển, tức là mâu thuẫn lại Tịnh Độ Tông và Mật Tông. Còn nếu lấy câu:

             “Nhất thiết hữu vi pháp
              Như mộng, huyễn, bào, ảnh
              Như lộ diệc, như điển 
              Ưng tác như thị quán.”

Nếu dùng câu này tác ý tu tập để chúng ta trở thành cây đá trong môi trường chết thì có thể được, chứ pháp môn này không có mang tánh chất ly tham đoạn ác pháp để được giải thoát như kinh sách Nguyên Thủy.

Do biết các pháp hữu vi như giấc mộng, như huyễn ảo, như sương mù, như điện chớp thì nó trở thành là pháp môn tránh né, pháp môn tránh né là pháp môn ức chế tâm, pháp môn ức chế tâm thì không bao giờ ly dục ly ác pháp được, không ly dục ly ác pháp thì không bao giờ có giải thoát.

            Câu hỏi 6: Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng.

Hỏi: Kính bạch Thầy, trong nhiều kinh nói Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp, vì thương chúng sanh thị hiện vào làm con vua Tịnh Phạn ở cõi Sa Bà để hóa độ chúng sanh.

Theo như Thầy giảng trong ĐVXP, chánh niệm tỉnh giác ở giai đoạn bốn “khi bỏ thân này (chết) đi đầu thai vào trong thai mẹ, ở trong thai mẹ, ra khỏi thai mẹ và lớn lên đều biết.”

Đã như thế thì có nhớ biết được tiền kiếp không? Như vậy sao lúc đầu Phật còn tu sai? Hay do Phật phương tiện để hóa độ chúng sanh cho nên lúc quyền lúc thật là như thế?

Đáp: Nhiều kinh nói về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật từ vô lượng kiếp, nhưng đó là những kinh sách phát triển do tưởng của người sau bịa đặt ra. Sự thật phải là sự thật của dòng lịch sử đã chứng minh điều này, Đức Phật sanh ra cũng có cha mẹ, lớn lên có vợ con cũng giống như bao nhiêu người khác trên hành tinh này.

Vì ngao ngán đời người sanh ra để thọ khổ nên Ngài từ giã cung vàng điện ngọc, cha già, vợ trẻ, con thơ để đi tìm đường thoát khổ. Sau bao năm tu hành không đúng chánh pháp, tưởng chừng như Ngài sắp chết, bỏ xác giữa rừng già.

Phước của chúng sanh trên hành tinh này còn nên cuối cùng Ngài đã tìm ra một lối đi giải thoát mà thời ấy không có tôn giáo nào có được giáo pháp chân lý ấy.

Sau 49 ngày dưới cội cây Bồ Đề, Ngài chứng quả giải thoát. Từ đó mới bắt đầu có đạo Phật. Đạo Phật là một nền đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người mà con người đã có sẵn nhưng có mấy ai biết đến. Bài pháp đầu tiên Tứ Diệu Đế đã làm sáng tỏ những gì con người đã từng có mà không biết, nhưng sau này kinh sách phát triển bịa đặt ra và bóp méo làm sai lệch lịch sử của một con người toàn thiện như Ngài, một ân nhân của loài người

Sau khi chứng quả chánh giác Ngài đã thấu suốt đường đi, nên trong kinh Ngài dạy:

              “Có bốn giai đoạn tỉnh thức:
              1- Tỉnh thức khi chết vào thai mẹ.
              2- Tỉnh thức khi ở trong bụng mẹ.
              3- Tỉnh thức khi xuất thai.
              4- Tỉnh thức trong khi còn bé.”

Bốn sự tỉnh thức này là những pháp môn tu tập để làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người. Kinh sách viết sai sự thật là những kinh sách không đáng tin cậy, vì thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: “Có 10 điều chớ có tin…”.

Đức Phật đã cân nhắc chúng ta như vậy, thế sao những kinh sách nói không đúng sự thật mà chúng ta lại còn tin được?

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, Đức Phật thường dạy thẳng thực hành vào pháp môn của Ngài hơn là dùng phương tiện, vì dùng phương tiện người tu hành dễ bị lệch lạc vào ngoại đạo, cho nên Đức Phật là người thẳng thắn, không giả dối, nên không dụng quyền.

Người sau không hiểu nên đã dùng nhiều phương tiện, vì thế khiến cho đạo Phật ngày nay mới ra nông nỗi này, mới trở thành một tôn giáo thần quyền.

            Câu hỏi 7: Bất Ưng trụ… có giống Bất động không?

Hỏi: Kính bạch Thầy, kinh Kim Cương dạy: “Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”

Vậy có giống Định Bất Động Tâm, hay Định Vô Tướng, hay phòng hộ: mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý không cho dính mắc sáu trần không?

Vậy thì vô tâm, nhưng liễu liễu thường tri (rõ ràng thường biết có giống tác ý câu: “Tâm như cục đất” không? Tâm như đất, có sợ rơi vào vô ký không?

Đáp: Kinh Kim Cang thuộc về hệ thống Bát Nhã, Bát NhãKhông. Câu kinh trên đây diễn tả vị trí Chân Không Diệu Hữu của triết học tánh không thì không thể nào là bất động tâm định.

Bất động tâm định do ly dục ly ác pháp hay nói một cách khác hơn bất động tâm định là tâm không phóng đật, nên Đức Phật dạy: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật.

Bất động tâm định là một quá trình tu tập bằng một cuộc sống đúng giới luật, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả trong khi giữ gìn giới luật, và còn tu tập các pháp hành như: Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ… để làm cho thanh tịnh giới luật, nhờ giới luật thanh tịnh tâm mới ly dục ly ác pháp hoàn toàn.

Các nhà kinh sách phát triển chỉ biết lý luận bằng ngôn ngữ hay tuyệt nhưng cuộc sống của các ngài rất phàm phu (sống phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới), nhưng lại khéo dùng những danh từ để che mắt tín đồ: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Đây là những danh từ suông chứ sự sống của con người không thể thực hiện được như vậy, cho nên kinh sách thuộc hệ thống Bát Nhã này từ xưa cho đến nay đã lưu hành hơn hai nghìn năm mà có mấy ai đã tu tập đạt được

Vô tâm nhưng liễu liễu thường tri nghĩa của nó cũng giống như chân không diệu hữu, chỉ nói được chứ không sống với cái đó được là tại vì nó là cái bánh vẽ, còn câu tác ý tâm như cục đất là câu pháp huấn luyện tâm để tâm huân thành thói quen như đất chứ không phải tâm là cục đất thật.

Vì thế, tâm làm sao rơi vào vô ký được. Nghe hướng tâm như đất là người ta sợ tâm thành đất thật sự. Đất là đất, tâm là tâm, có nghĩa là tâm không làm khổ mình khổ người nữa, tức là tâm không còn mang bản chất hoang dã của loài cầm thú nữa, chứ không phải tâm như cục đất vô tri vô giác (vô ký) như con hiểu.

Tâm như cục đất, có nghĩa là tâm không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Tâm không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Tâm như mọi người đang sống nhưng không có tham, sân, si, mạn, nghi.