106-NGHĨA CÁC TỪ PHẬT HỌC CHƠN NHƯ - Tỳ khưu Từ Quang

NGHĨA CỦA CÁC CÂU, CÁC TỪ - Kì 4

Vần C

Canh cuối (ThờiKhóa) tức là buổi khuya, sau khi thức dậy phải đi kinh hành hoặc ngồi nếu không buồn ngủ, luôn luôn không được lười biếng ham ngủ. Ban ngày cũng như ban đêm, đầu canh hay cuối canh đều duy nhất tu hành có một mục đích là xả tâm tẩy trừ các chướng ngại pháp. Trước khi nằm ngủ phải tập tỉnh thức rồi mới ngủ, không được nằm xuống là ngủ ngay liền.

Canh giữa (ThờiKhóa) tức là lúc nửa đêm chỉ có nằm nghiêng giữ chánh niệm tỉnh giác và phải luôn nghĩ đến thức dậy, chứ không được lười biếng nằm ráng, hể thấy thức ngủ thì nên thức dậy ngay liền để tu tập rèn luyện tẩy trừ tâm khỏi chướng ngại pháp tức là ly dục ly ác pháp.

Cá nhân thanh tịnh (Đường Về.7) là cá nhân phải có đạo đức, là một tu sĩ Phật giáo thì giới luật phải được nghiêm chỉnh, không vi phạm, không bẻ vụn giới luật.

Các căn (PhậtDạy.2) Trong thân chúng ta có sáu căn: 1- Nhãn căn, 2- Nhĩ căn, 3- Tỷ căn, 4- Thiệt căn, 5- Thân căn, 6- Ý căn.

Các căn được chế ngự (CầnBiết.4) Trong thân chúng ta có sáu căn: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn. Chế ngự nghĩa là làm cho nó giảm bớt, không còn tăng trưởng, không còn phát triển, không còn dính mắc với sáu trần, làm cho nó không còn dính mắc sáu trần nữa, không làm theo ý muốn. Trước khi làm theo ý muốn thì phải quán sát nên làm hay không nên làm, nên làm là làm không có dục xen vào, có dục xen vào nhất định không làm. Ví dụ 1: Chưa đến giờ ăn mà bụng đói muốn ăn, thì nhất định không ăn, chờ đúng giờ mới ăn. Đó là chế ngự ăn uống.

Các hành ác bị diệt (12Duyên) là người thông suốt Giới Luật Đức Hạnh. Giới Luật Đức Hạnh trong pháp tu hành của Phật giáo từ thấp đến cao. Phải theo sự phân chia pháp môn tu tập từ thấp đến cao mà Đức Phật đã tuyên bố: “Giới, Định, Tuệ”.

Các pháp ức chế thân tâm (ĐườngVề.4) không thể tu tập đi đến giải thoát được, không thể làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi của kiếp người. Từ bỏ và viễn ly các pháp đó. (GNCN ??)

Các pháp vô thường (PhậtDạy.4) không có một vật gì là thường hằng bất biến, luôn luôn biến đổi từng phút từng giây, sự vô thường không chờ đợi một ai, một khi nó đã đến thì không từ bỏ một người nào cả. Không thấy các pháp vô thường thì tâm không ly dục ly ác pháp được, dễ sanh ra dính mắc và chấp đắm các pháp. Không ly dục ly ác pháp được thì không làm sao có được sự giải thoát, sống sẽ làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Do các pháp vô thường nên không có pháp nào là ta, không có pháp nào là của ta, không có pháp nào là bản ngã của ta.

Các pháp Yết Ma (TâmThư.2) là những qui cụ của đoàn thể chúng tăng để điều hành người trên kẻ dưới trong Tăng đoàn có thứ bậc như kỷ luật quân đội. Các pháp Yết Ma còn là những nghi thức, nghi lễ truyền giới, thọ giới cho các giới tử mà người tu sĩ Phật giáo khi lãnh chúng, lãnh đạo giáo hội cần phải thông suốt. Các pháp Yết Ma gồm chung tất cả pháp thuộc về giới đàn, thành lập giới đàn, giới đức, giới hạnh, giới hành, giới tướng và giới thể, giáo trình, giáo án về kinh, luật, luận của Phật giáo. Muốn hiểu biết các pháp Yết Ma thì phải tu học từ căn bản đến chuyên sâu giới luật. Không học thì không hiểu, không hiểu thì không biên soạn được. Người tu chứng Tam Minh thì tất cả đều thông suốt, nhưng tu mà phạm giới thì không bao giờ tu chứng được Tam Minh.

Các quả tu chứng của Phật giáo (TrợĐạo) Con đường vào Niết Bàn tức Con đường tu tập theo Phật giáo mỗi chặng đường đều có kết quả. Cho nên người tu sĩ tu tập phải nhận biết điều này để khi tu tập tới đâu mình đều biết. Những điều tu hành ở đây là hãy xem tâm mình còn bị ác pháp tác động hay không? Nếu tâm không bị ác pháp tác động được thì đó là chứng đạo.

1- Chặng đường vào Niết Bàn thứ nhất: Những người tu hành đoạn trừ các lậu hoặc, đoạn trừ các kiết sử cho nên không có ác pháp nào tác động đến tâm họ được, họ là người giải thoát hoàn, là những vị tu hành đã đoạn trừ các lậu hoặc và các hữu kiết sử, đã chứng quả A-la-hán, họ đã đạt được mục đích tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Đạo Phật tu tập đến đây đã hoàn thành không còn tu tập một pháp môn nào nữa cả.

2- Chặng đường thứ hai: Những người tu hành chỉ cần diệt trừ được năm hạ phần kiết sử, khi chết vẫn nhập vào Niết Bàn rất dễ dàng.

3- Chặng đường thứ ba Đức Phật dạy: “Những tỳ-kheo diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, nhất định không còn đọa vào ác đạo, đạt đến chánh giác.”

4- Chặng đường thứ tư: chỉ cần diệt trừ ba kiết sử thì cũng nhập vào Niết bàn sau khi bỏ xác thân này.

5- Chặng đường thứ năm Đức Phật dạy: “Những tỳ-kheo tùy pháp hành, tùy tín hành, những vị này sau khi lội cắt ngang dòng sông của Ma vương sẽ qua bờ bên kia một cách an toàn.” Chặng đường thứ năm này tùy theo pháp thiện hay ác mà giữ gìn tâm thanh thản an lạc thì cũng vào Niết Bàn. Chặng đường thứ năm Đức Phật dạy chúng ta không diệt trừ tâm tham, sân, si, mạn, nghi và kiết sử nhưng chỉ có giữ gìn tâm thanh thản, an lạc thì cũng vào Niết Bàn.

6- Chặng đường thứ sáu: chỉ có lòng tin nơi Đức Phật mà khéo đối xử với mọi người mọi hoàn cảnh, không làm mình khổ, không làm người khác khổ và tất cả chúng sinh khổ thì mình cũng vào Niết Bàn. Đức Phật dạy: “Này các tỳ-kheo, nay Ta khéo biết đối với đời này, khéo biết đối với đời sau, khéo biết đối với Ma giới, khéo biết đối với phi Ma giới, khéo biết đối với tử thần giới, khéo biết đối với phi tử thần giới. Những ai nghĩ rằng, cần phải nghe, cần phải tin nơi Ta, thì họ sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.”. Chỉ cần tin nơi lời Phật dạy, biết đối xử với mọi người không làm khổ mình khổ người và tất cả chúng sinh thì khi bỏ thân này cũng vào Niết Bàn. Bởi đạo Phật có sáu chặng đường vào Niết Bàn chúng ta muốn đi chặng nào cũng được chỉ tùy vào sức lực, vào khả năng của mình mà chọn lấy nẻo vào Niết Bàn.

Cách đảnh lễ (OaiNghi) Trước khi đảnh lễ, người nam hay người nữ đều phải đứng trước bàn thờ Phật, tổ tiên hay đối tượng để đảnh lễ. Ðứng thẳng người, hai tay chắp lại để trước ngực rồi đưa lên trán cúi đầu xá, rồi đưa hai tay xuống ngực, hai chân từ từ quỳ xuống, hai bàn tay mở ra úp xuống mặt bằng, đưa thẳng các ngón tay về phía trước, đầu cúi xuống trán chạm vào bàn tay. Sau khi trán chạm vào lưng bàn tay thì hai tay chống thân đứng dậy, nhưng hai chân vẫn quỳ, lúc bấy giờ hai tay chắp lại để trước ngực rồi nâng lên trán, đầu cúi xuống hai tay vẫn còn chắp từ từ hạ xuống theo thân cúi xuống, lạy lần thứ hai và lần thứ ba cũng vậy. Cuối cùng hai tay vẫn chắp đặt trước ngực, hai chân từ từ đứng dậy, đồng thời hai tay vẫn chắp đưa lên trán, đầu cúi xuống xá, hai tay vẫn chắp nhưng từ từ hạ xuống ngực. Lạy ba lạy và xá một xá là đủ. Lạy bình thường thì úp lòng bàn tay xuống. Lạy sám hối thì lật ngữa lòng bàn tay lên. Lạy người còn sống thì hai bàn tay để ngang nhau. Lạy người đã chết thì hai bàn tay đưa thẳng về phía trước. Giáo Ðoàn Phật Giáo là theo gót chân Phật, nên lạy ba lạy đơn giản mà thôi.

Cách đẩy lui chướng ngại của tâm (MuốnChứngĐạo) thì dùng đề mục 7 của Định Niệm Hơi Thở: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Phải tập chuyên cần cho đến khi có kết quả thực sự của đề mục này thì có lợi ích rất lớn cho con đường tập luyện.

Cách đẩy lui chướng ngại của thân (MuốnChứngĐạo) thì dùng đề mục 5 của Định Niệm Hơi Thở: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Phải tập chuyên cần cho đến khi có kết quả thực sự của đề mục này thì có lợi ích rất lớn cho con đường tập luyện.

Cách đẩy lui tâm si, đẩy lui sự buồn ngủ, đẩy lui trạng thái lười biếng (MuốnChứngĐạo) thì dùng đề mục 18 của Định Niệm Hơi Thở: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô; với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”. Phải tập chuyên cần cho đến khi có kết quả thực sự của đề mục này thì có lợi ích rất lớn cho con đường tập luyện.

Cách để ý thức nhận xét sự hoạt động của tâm theo từng hơi thở ra vô (MuốnChứngĐạo) thì dùng đề mục 6 của Định Niệm Hơi Thở: “Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Mỗi lần hít vô hay thở ra đều lắng nghe tâm đang có niệm hay không niệm và niệm ấy là niệm mang ý nghĩa gì. Đề mục này là để hướng dẫn ý thức nhận xét sự hoạt động của tâm theo từng hơi thở ra vô chứ không phải biết hơi thở ra vô bình thường; nếu thấy tâm lặng lẽ bất động không một niệm mang ý nghĩa nói gì xen vào trong suốt 30 phút hay 01 giờ là đã đạt được kết quả tu tập tâm lặng lẽ về đề mục này. Nhưng đề mục 6 này mục đích không phải cảm nhận sự lặng lẽ của tâm mà cảm nhận sự hoạt động của Tâm Hành, biết rõ có lúc tâm lặng lẽ nhưng có lúc tâm không lặng lẽ. Đề mục 6 này dạy rất rõ là nương theo hơi thở vô ra mà thấy tất cả sự hoạt động của tâm, tâm muốn gì hay tâm làm gì đều biết rất rõ không bỏ sót một hành động nào của tâm. Tâm ở trong sự hoạt động là tâm nương hơi thở để cảm nhận sự hoạt động đó, cho nên câu này nghĩa rất rõ “Cảm Nhận Tâm Hành Tôi Biết Tôi Thở Ra". Cảm nhận Tâm Hành tức là làm chủ tâm, điều khiển tâm làm cho tâm luôn luôn sống trong thiện pháp và không bao giờ để tâm tư duy suy nghĩ những điều ác được. Vì thế phải tu tập cho thật kĩ, cho cảm nhận được sự động và sự tịnh của tâm. Khi tâm được An Tịnh thì không còn tạp tưởng, dù có những tư tưởng mạnh như thế nào đi nữa cũng đẩy lui được hết.

Cách hành chữ quán (ĐườngVề.9) như câu “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”, câu này có ba nghĩa và có ba kết quả trong một hành động tu: 1- Nhắc nhở tôi quan sát xem xét tâm tôi có khởi lên tham muốn cái gì không? Nếu có thì tôi phải tỉnh thức quán xét tâm tham muốn đó “để xa lìa” như tôi đang tỉnh thức biết hơi thở vô ra vậy. 2- Nếu không có niệm khởi tâm tham muốn thì nó giúp tôi tỉnh thức trên tâm tôi, tôi biết rõ tâm tôi “không có tham muốn” tức là tôi biết rõ tâm tôi đang ở trong trạng thái “thanh thản, an lạc và vô sự” như tôi đang tỉnh thửc biết hơi thở ra vô rõ ràng vậy. 3- Nếu tâm tôi không có niệm khởi tham muốn thì câu pháp hướng trên sẽ thấm nhuần “lý ly tham”và sau này trở thành một “nội lực không tham muốn” nó sẽ giúp tôi đoạn diệt lòng tham muốn.

Cách phát lồ sám hối (OaiNghi) là xin phát lồ sám hối. Nếu thấy mình có lỗi thì nên phát lồ như sau: “Hôm nay là ngày ... Suốt nửa tháng tu học tại ..., con, tỳ kheo ..., có làm một lỗi là .... Vậy từ đây con xin sám hối, không dám vi phạm lỗi lầm đó nữa, xin Phật và đại chúng chứng minh cho con, để thân tâm con được thanh tịnh”. Nếu thấy mình không có lỗi thì nên phát lồ như sau: “Hôm nay là ngày.... Suốt nửa tháng tu học tại ..., con, tỳ kheo ..., không tự thấy mình có làm lỗi trong giới luật Phật. Vậy ngưỡng mong quý thầy có nhận thấy (pháp danh vị đang sám hối) có vô ý làm lỗi gì, xin quý thầy chỉ dạy để (pháp danh vị đang sám hối) phát lồ sám hối, nhờ đó từ đây về sau (pháp danh vị đang sám hối) không tái phạm những lỗi lầm đó nữa. (pháp danh vị đang sám hối) xin thành tâm tri ân quý thầy”. Sau khi người cuối cùng phát lồ xong thì tất cả mọi người đồng tụng bài ước nguyện: “Hôm nay ngày phát lồ, Chúng con nguyện thành tâm. Giữ gìn tròn giới luật, Không hề vi phạm phải, Dù một lỗi nhỏ nhặt, Cũng không hề vi phạm, Nhờ đó tâm ly dục, Nhờ đó ác pháp lìa, Nhờ đó tâm thanh tịnh, Chúng con cũng thành tâm, Ước nguyện cho mọi người, Phát lồ như chúng con, Ðể thân tâm bất động, Thanh thản và an lạc, Cùng nhau vào Niết Bàn”.Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật

Cách quán Tứ Niệm Xứ (ĐườngVề.9) tức tu Định Vô Lậu trên bốn chỗ thân thọ tâm pháp khiến cho thân tâm không còn phiền não đau khổ nữa. 1- Thấy thân yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó. 2- Thấy tâm yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó. 3- Thấy thọ yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó. 4- Thấy pháp yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó.

Khi tu tập quán Tứ Niệm Xứ nếu thấy thân tâm cảm nhận có chướng ngại pháp: 1- Trên thân thọ có pháp ác đến, nghĩa là có cảm giác như: đau, nhức, ngứa, mỏi mệt, tê, nóng, rát trên thân, v.v... thì nên quán xét mà đẩy lui nó ra khỏi thân. Đẩy lui bằng cách: Khi ngồi kiết già chân bị tê, đau nhức hay nóng muốn đẩy lui chướng ngại pháp đó thì hãy đứng dậy đi kinh hành, tức khắc đau tê nhức được đẩy lui, tức là trở về trạng thái thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự. 2- Trên tâm thọ có ác pháp đến, nghĩa là trong tâm có một niệm khởi, niệm khởi ấy đem đến một sự phiền não, một sự lo lắng, một sự buồn khổ, v.v... cho đến tâm có một niệm tào lao chẳng ích lợi gì tuy nó không làm cho tâm buồn khổ, phiền não, nhưng nó cũng làm cho tâm mất thanh thản, an lạc và vô sự, vì vậy cần phải đẩy lui tất cả để tâm trở về trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự thì mới đúng cách thức tu tập. 3- Trên Pháp thọ có ác pháp đến, có nghĩa là đang sống một mình và đang quan sát thân, thọ, tâm, và pháp thì có một người bạn đến nói chuyện, thì phải hiểu đó là ác pháp đến, khiến mất đi trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, nếu thích nói chuyện với người bạn đó hoặc tùy thuận nói chuyện để khỏi mất lòng bạn bè, thì trong cuộc đời tu hành không mạnh dạn quyết tâm đẩy lui các chướng ngại pháp đó thì dù có tu ngàn đời muôn kiếp cũng chẳng bao giờ giải thoát được, vì đó là duyên để tâm phóng dật, mà tâm còn phóng dật thì chẳng bao giờ hết lậu hoặc, tâm không hết lậu hoặc thì làm sao tâm hết tham, sân, si được, tâm không hết tham, sân, si thì làm sao có thiền định được. 4- Thọ thân, thọ tâm, thọ pháp như thân thọ tâm pháp ở trên đã dạy đều có ác pháp đến xâm chiếm vào thân tâm thì nên quán xét đẩy lui để tâm luôn luôn sống trong thanh thản, an lạc và vô sự. Ở đây có nghĩa là tu tập đẩy lui như thế nào mà tâm tự nhiên không phóng dật. Tâm tự nhiên không phóng dật là đã đi hết hai phần ba đường của Ðạo giải thoát. Tóm lại, chỉ có hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, lúc nào, thời gian nào cũng đều phải quan sát trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp để đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó, để bảo vệ chân lý. Khi nào các chướng ngại pháp không còn tác động đến bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp là đã thành tựu viên mãn sự tu hành, đã chứng đạt chân lý, có nghĩa là lúc nào cũng sống với tâm bất động mà không một chướng ngại nào tác động được. Ðến đây con đường tu tập đã hoàn thành.

Cách thức gom tâm (ĐườngVề.3) phải thường xuyên tu tập những cách sau đây: 1- Phải thường xuyên đi kinh hành, phải biết đi kinh hành đúng pháp môn, đúng cách đi kinh hành, làm mọi việc phải biết làm mọi việc, hoặc ngồi tại chỗ biết ngồi tại chỗ, trong lúc ấy thường hướng tâm nhắc: “Tâm phải gom về thân hành, thân làm cái gì thì tâm phải biết làm cái nấy, không được phóng dật ra ngoài, không được đi lang thang, không được nghe ngóng, phải gom về thân hành cho thật chặt”. Nên tu tập tỉnh thức bằng pháp hướng này thì kết quả gom tâm rất nhanh. 2- Nên theo phương pháp thở hơi thở chậm để gom tâm. Trước khi thở hơi thở chậm nên hướng tâm: “Tâm phải tập trung vào hơi thở tại nhân trung”, hướng tâm xong, hít vô chậm chậm cho đến khi không còn hít vô được thì bắt đầu thở ra và cũng thở ra chậm chậm cho đến khi hết thở ra được thì thở trở lại hơi thở bình thường mười hơi thở, sau khi mười hơi thở bình thường đã thở xong thì phải hướng tâm như trên lại một lần rồi lại thở một hơi thở chậm chậm và nhẹ, rồi thở trở lại mười hơi thở bình thường. Cứ như thế mà tu hết 30 phút thì xả nghỉ. (theo thứ tự: hướng tâm nhắc, một hơi thở chậm chậm và nhẹ, mười hơi thở bình thường,…). Nếu 10 hơi thở thấy sức gom tâm còn yếu thì nên tu 5 hơi thở bình thường và một hơi thở chậm, khi nào tâm gom được thì chỉ thở hơi thở bình thường mà không cần thở hơi thở chậm và nhẹ nữa.

Cách thức làm chủ bệnh (PhậtDạy.4)giữ tâm Chánh Niệm Tỉnh Giác chịu đựng cơn đau”. Trong pháp môn Tứ Chánh Cần gồm có Chánh Niệm Tỉnh Giác Ðịnh. Chánh Niệm Tỉnh Giác chỉ là để chịu đựng cơn đau ghê gớm, khốc liệt như dao cắt ruột, bứt gan; giữ gìn tâm Chánh Niệm Tỉnh Giác trên Thân Hành Niệm Nội (hơi thở) hay Thân Hành Ngoại (hành động tay chân). Nhờ có pháp môn này mà tâm mới bất động hoàn toàn, mới ly dục ly ác pháp được trọn vẹn. Chánh Niệm Tỉnh Giác là phương pháp vượt qua cơn đau, chứ không phải là phương pháp trị cơn đau. Khi thân bị bệnh đau bất cứ chỗ nào, nặng nhẹ, hãy cố gắng dựng thân ngồi kiết già sừng sững, đừng nên nằm, rồi nhiếp tâm thanh thản, an lạc và vô sự, khi tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì tâm định trên hơi thở ra hơi thở vào một cách nhẹ nhàng rõ ràng và cụ thể. Khi biết tâm đã định trên hơi thở như vậy thì tác ý nhắc: “Thọ là vô thường cái đau bệnh này phải đi khỏi nơi thân tâm ta” (Nhất là phải chỉ rõ bệnh gì? Bệnh ở đâu?). Khi tác ý xong câu này thì tiếp tục tác ý câu thứ hai: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Khi tác ý xong thì cứ bám cho chặt trong hơi thở vô, hơi thở ra, ý thức chỉ biết hơi thở vô ra đều đặn, đừng lưu ý đến bệnh đau, thỉnh thoảng lại tác ý: “Thọ là vô thường cái thân bệnh này hãy đi! Ði! Ði cho khỏi thân ta”. Đó là phần nhiếp phục cơn bệnh đau bằng pháp môn như lý tác ý và pháp môn Ðịnh Niệm Hơi Thở.

Cách thức tu tập tâm ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm (ĐườngVề.5) Suy tư nào ác làm khổ mình, khổ người thì phải chấm dứt ngay liền; suy tư nào thiện không làm khổ mình, khổ người thì cần phải phát triển những suy tư ấy, sống không phóng dật, nhiệt tâm siêng năng tỉnh giác từng hành động thân ý, từng sự việc, từng đối tượng, từng hoàn cảnh, v.v...

Cách thức tu tập Tứ Niệm Xứ (ĐườngVề.2) (TrợĐạo) 1- Trên thân quán thân. 2- Trên thọ quán thọ. 3- Trên tâm quán tâm. 4- Trên pháp quán pháp. Kinh dạy là trên thân quán thân tỉnh giác Chánh Niệm để khắc phục tham ưu ở đời... Chúng ta phải hiểu quán là quan sát, quán xét trên bốn chỗ thân, thọ tâm, pháp; bốn chỗ này đức Phật gọi là Tứ Niệm Xứ. Trên bốn chỗ này thường có Tà Niệm xảy ra (ác pháp) vì vậy mà phải quan sát quán xét cho kỹ để phát hiện ra những Tà kiến, Tà Niệm; phát hiện ra được những Tà Kiến và Tà Niệm thì chúng ta phải đẩy lui chúng ra khỏi tâm tư mà Ðức Phật gọi là khắc phục tham ưu. Công việc tu hành Tứ Niệm Xứ là chỉ có quan sát bốn vị trí này để diệt trừ các chướng ngại pháp, cho nên tâm thường ở trong Chánh Niệm tức là không có Tà Niệm, tức là không có niệm ác, không có niệm ác thì thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Chánh Niệm là khắc phục tham ưu có nghĩa là chiến đấu với nội tâm của mình khi thân, thọ, tâm, pháp có chướng ngại thì dùng Tứ Niệm Xứ để đẩy lui ác pháp. Như vậy, Chánh Niệm là tu học cách thức đoạn diệt các ác pháp bên trong tâm.

Cách thức yểm ly các sắc (TruyềnThống.1) con mắt nhìn thấy mọi vật, biết rõ mọi vật mà không sinh tâm tham đắm ham muốn... mọi vật. Do lục nhập này (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) ta không chấp nhận; ta không chấp nhận tức là yểm ly.

Cách thức yểm ly các thức (TruyềnThống.1) con mắt nhìn thấy mọi vật, biết rõ mọi vật mà không sinh tâm tham đắm ham muốn... mọi vật. Do lục nhập này (Nhãn thức do mắt sanh, Nhĩ thức do tai sanh, Tỷ thức do mũi sanh, Thiệt thức do lưỡi sanh, Thân thức do thân sanh, Pháp thức do ý sanh) ta không chấp nhận; ta không chấp nhận tức là yểm ly.

Cách thức yểm ly các xúc (TruyềnThống.1) con mắt nhìn thấy mọi vật, biết rõ mọi vật mà không sinh tâm tham đắm ham muốn mọi vật. Do lục nhập này (Nhãn xúc do mắt sanh, Nhĩ xúc do tai sanh, Tỷ xúc do mũi sanh, Thiệt xúc do lưỡi sanh, Thân xúc do thân sanh, Pháp xúc do ý sanh) ta không chấp nhận; ta không chấp nhận tức là yểm ly.

Cách thức yểm ly con mắt (TruyềnThống.1) con mắt nhìn thấy mọi vật, biết rõ mọi vật mà không sinh tâm tham đắm ham muốn... mọi vật. (tức không có bất cứ niệm nào về vật thấy)

Cách tu tập Thân thiện hành (CầnBiết.4) hằng ngày phải tu tập ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp, như vậy là tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần. Muốn tu tập Tứ Chánh Cần ra hành động thì phải tu tập Định Niệm Hơi Thở, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Sáng Suốt và Định Vô Lậu.

Cái biết của con người (ĐườngVề.6) có ba cái: 1- Cái biết của ý thức (cái biết do sự phân biệt của sáu thức hằng ngày). 2- Cái biết của tưởng thức (cái biết trong giấc mộng). 3- Cái biết của tâm thức (cái biết của thức uẩn, cái biết siêu không gian và thời gian, cái biết để thực hiện Tam Minh vô lậu của bậc A La Hán). Chữ tâm ở đoạn kinh “Tâm chủ, tâm tạo tác, Nếu nói hay hành động, Với tâm tư ô nhiễm, Khổ não sẽ theo ta, Như xe theo vật kéo”. Theo chúng tôi thì chữ tâm mà dịch giả dùng ở đây phải hiểu là “ý thức phân biệt hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta”. Nó chính là tri kiến của mỗi người đang sử dụng hằng ngày. Con đường tu tập của đạo Phật lấy ý thức phân biệt tấn công giặc tham, sân, si; giặc sinh tử luân hồi. Ðó là ý của bài kinh này vậy.

Cái biết của tâm thức (ĐườngVề.6) là cái biết của thức uẩn, cái biết siêu không gian và thời gian, cái biết để thực hiện Tam Minh vô lậu của bậc A La Hán.

Cái biết của tưởng thức (ĐườngVề.6) là cái biết trong giấc mộng.

Cái biết của ý thức (ĐườngVề.6) là cái biết hằng ngày do sự phân biệt của sáu thức.

Cái khó của người tu hành theo đạo Phật (PhậtDạy.4) là ở chỗ Tỉnh Giác Chánh Niệm buông xả sạch dục và ác pháp, không phải chỗ nhập Bốn Thánh Ðịnh, thực hiện Tam Minh chứng quả A La Hán. Khi Tỉnh Giác Chánh Niệm buông xả sạch dục và ác pháp là trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự là chứng quả A La Hán, chứ không phải còn tu tập pháp môn nào cả. Có người tu tập rất lâu mới chứng đạt được chỗ tâm Chánh Niệm Tỉnh Giác này.

Cái thấy, cái biết, cái nghe (TâmThư.1) không phải ta, không phải là của ta và không phải là bản ngã của ta. Cái THẤY là cái BIẾT của THẤY, mà cái biết của thấy là NHÃN THỨC, chứ không phải là PHẬT TÁNH. Cái BIẾT là cái BIẾT của THỨC, mà cái biết của thức là cái biết của Ý THỨC, chứ không phải là PHẬT TÁNH. Cái NGHE là cái BIẾT của NGHE mà cái biết của nghe là NHĨ THỨC, chứ không phải là PHẬT TÁNH.

Cái thức (hay Cái biết) (LinhHồn) Trong thân chúng ta có nhiều Cái biết: I- Cái biết thứ nhất: Hằng ngày chúng ta đang chung đụng và giao tiếp với mọi người bằng sáu cái thức (Cái biết) 1- Cái thức của mắt. 2- Cái thức của tai. 3- Cái thức của mũi. 4- Cái thức của miệng. 5- Cái thức của thân. 6- Cái thức của ý; II- Cái biết thứ hai: là cái biết trong giấc ngủ khi ngủ chiêm bao, cái biết ấy là của tưởng thức; III- Cái biết thứ ba: là cái biết của người tu theo Phật giáo chứng đạo gọi là Tam Minh. Ba cái biết này đang xử dụng các cảm thọ và các hành động trong thân tâm của chúng ta.

Chánh (TâmThư.1) là thiện pháp, là không còn tham, sân, si.

Chánh Biến Tri (PhậtDạy.1) (CầnBiết.3) nghĩa là chánh trí biết rõ mọi pháp như thật. Chánh biến tri còn có nghĩa là trí hiểu biết chân chánh không bị tà pháp, tà kiến, tưởng kiến, tà giáo lừa đảo, trí hiểu biết vượt ra khỏi sự hiểu biết trong khuôn khổ nề nếp phong tục, tập quán và các hệ tư tưởng của các tôn giáo trên thế gian này. Chánh Biến Tri còn gọi là “Thánh Hạnh Liễu Tri”.

Chánh dâm (10Lành) Người cư sĩ, đối với vấn đề sinh lý vợ chồng thì đó là chánh dâm. Chánh dâm là hành dâm với người vợ hay chồng của mình.

Chánh Ðịnh (PhậtDạy.1) (PhậtDạy.2) (ĐườngVề.2) (ĐườngVề.6) là Bốn Thiền tức là Tứ Thánh Ðịnh. Tứ Thánh Ðịnh, pháp môn thiền định của Phật giáo. Trong Tứ Thánh Ðịnh có bốn thiền như: 1/ Sơ Thiền, 2/ Nhị Thiền, 3/ Tam Thiền, 4/ Tứ Thiền, ngoài bốn thiền này không có thiền nào được gọi là Chánh Ðịnh. Chánh định có nội lực giúp cho chúng ta làm chủ thân tâm, tự tại trong sự sống chết. Người nào tu tập Tứ Thánh Ðịnh là đang ở bờ bên kia, bờ giải thoát. Tứ Thánh Ðịnh là pháp môn làm chủ sanh, già, bệnh, chết, nhưng muốn nhập được Tứ Thánh Ðịnh là phải có Tứ Như Ý Túc. Người có Tứ Như Ý Túc là người ở bờ bên kia, chứng quả A La Hán.

Chánh giải thoát (PhậtDạy.2) là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ, tâm thanh thản, an lạc và vô sự, tâm không phóng dật, tâm vô lậu; đó là ở bờ bên kia, bờ giải thoát, chứng quả A La hán.

Chánh hạnh (PhậtDạy.1) là những hành động đoan chánh ngay thẳng, thấy sai nói sai, thấy đúng nói đúng, không nịnh bợ, a dua hay thấy sai mà không dám nói sai, những hành động sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Chánh hạnh tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Chánh kiến (PhậtDạy.2) (ĐườngVề.2) (ĐườngVề.3) (CầnBiết.5) là thấy nghe, hay biết một cách ngay thẳng, công minh, chánh trực, rõ ràng, cụ thể, không chủ quan, không sống trong tưởng tri trừu tượng mê tín, không dựa bên này, không dựa bên kia, không bị tập quán thành kiến dục vọng chi phối, không tin theo truyền thuyết, không tin theo truyền thống, không tin theo lời đồn, không tin theo kinh tạng truyền tụng, không tin theo lý luận siêu hình, không tin theo một lập trường, không tin theo hời hợt những dự kiện, không tin theo định kiến của mình, không tin theo xuất phát nơi có uy quyền, không tin theo bậc Sa Môn là Ðạo Sư của mình. Chánh Kiến là thấy nghe hiểu biết mọi sự, mọi việc và mọi vật bằng pháp thiện, toàn là thiện pháp không làm khổ mình, khổ người. Chánh kiến là một sự hiểu biết mà không có khổ đau, không có sự dối trá, gian xảo, không có sự lừa đảo, lường gạt, không có sự phi đạo đức, sự hiểu biết mà không có ảo tưởng, trừu tượng, không có tưởng tri. Chánh kiến là khi nào tâm ly dục ly ác pháp, thấy thân, thọ, tâm, pháp, vô thường, khổ, không, vô ngã như thật; khi nhìn thấy hình sắc xấu, tốt cũng như khi nghe âm thinh thuận tai, chướng tai; khi cảm giác êm ấm, thoái mái dễ chịu, khi ngửi một mùi thơm hay thối đều không có chướng ngại thân tâm; khi lục căn tiếp xúc lục trần không dính mắc. Chánh kiến thấy thân, thọ, tâm, pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã; thấy 12 nhân duyên hợp là thế giới khổ; thấy 12 nhân duyên rã là hết khổ; thấy thân ngũ uẩn không phải là ta, không phải của ta, không phải tự ngã của ta. Thấy biết đúng như vậy gọi là Chánh kiến. Chánh kiến ở đây là giải nghĩa Chánh kiến, chứ không phải Chánh kiến trong Bát Chánh Ðạo.

Tuy dựa theo các kinh để hiểu biết, nhưng không phải như vậy là “Chánh kiến” được, vì vẫn còn chấp ngã, tham, sân, si vẫn đầy, chỉ khi nào tâm ly dục ly ác pháp thì mới thấy thân, thọ, tâm, pháp, vô thường, khổ, không, vô ngã như thật (Chánh kiến trong Bát Chánh Ðạo). Khi nhìn thấy hình sắc xấu, tốt cũng như khi nghe âm thinh thuận tai, chướng tai, khi cảm giác êm ấm, thoái mái dễ chịu, khi ngửi một mùi thơm hay thối đều không có chướng ngại thân tâm thì đó là Chánh kiến; khi lục căn tiếp xúc lục trần không dính mắc là Chánh kiến, tức là một sự hiểu biết mà không có khổ đau (tâm ly dục ly ác pháp), đó là Chánh kiến. Một sự hiểu biết mà không có sự dối trá, gian xảo, không có sự lừa đảo, lường gạt, không có sự phi đạo đức (tâm ly dục ly ác pháp) thì đó là Chánh kiến. Một sự hiểu biết mà không có ảo tưởng, trừu tượng, không có tưởng tri (tâm ly dục ly ác pháp) thì đó là Chánh kiến. Chánh kiến nơi đâu thì nơi đó có đời sống giới luật (tâm ly dục ly ác pháp), nơi đâu có đời sống giới luật (tâm ly dục ly ác pháp) thì nơi đó có Chánh kiến. Nơi đâu có Chánh kiến (tâm ly dục ly ác pháp) thì nơi đó có tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Và vì vậy, nơi đó có sự giải thoát của đạo Phật. Chánh kiến là thấy nhân, thấy quả; do thấy nhân quả như thật nên ở bờ bên kia không còn khổ đau. “Chớ nhìn mọi việc đúng sai phải trái mà hãy nhìn nó là thiện ác thì cuộc đời các bạn sẽ được an vui và hạnh phúc ngay liền”.

Chánh Mạng (PhậtDạy.2) (ĐườngVề.1) (ĐườngVề.2) Chánh mạng là ăn uống không phi thời, ăn uống có tiết độ, ăn để sống chứ không phải ăn cho ngon, ăn cho bổ mập, ăn những cao lương mỹ vị. Chánh Mạng là mạng sống chân chánh của con người, là sự sống của cơ thể không huân tập vào thân những sự khổ đau của kẻ khác và của tất cả chúng sanh. Chánh Mạng là nuôi sống thân mạng bằng những nghề nghiệp chân chánh tức là những nghề nghiệp lương thiện không tạo việc làm ác để nuôi thân mạng. Chánh Mạng là nuôi mạng sống của mình không có sự đau khổ của chúng sanh, không bao giờ ăn thịt chúng sanh. Chánh Mạng còn có nghĩa là sống đúng chánh pháp, không mê tín dị đoan, không sống trong tưởng giải, ảo giác, mơ hồ, trừu tượng. Chánh Mạng còn có nghĩa là sống không chạy theo dục vọng và các ác pháp về ăn uống. Chánh mạng là nuôi mạng sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Chánh mạng là ở bờ bên kia, bờ giải thoát, bờ vô lậu.

Chánh mạng là nói về những sự nuôi dưỡng thân mạng chân chánh. Nuôi dưỡng thân mạng chân chánh có ý nghĩa tu sửa không ăn uống lặt vặt phi thời, ăn uống không đúng giờ đúng lúc, ăn uống không có tiết độ, ăn uống vì thèm khát mà không phải vì sự sống để tu tập. Ăn uống không vì lợi dưỡng, không ăn thịt chúng sanh, không ăn uống những chất độc hại gây tạo cho cơ thể bệnh tật khổ sở, dù những thực phẩm đó có ngon ngọt béo bổ đến đâu cũng nên tránh xa, đó là nuôi chánh mạng. Chánh Nghiệp tốt thì Chánh Mạng mới tốt theo. Chánh Nghiệp thanh tịnh thì Chánh Mạng mới thanh tịnh. Ăn uống không có sự gian ác và đau khổ trong những thực phẩm, tức là nói về những sự nuôi dưỡng thân mạng chân chánh. Chánh Mạng là nuôi thân mạng chân chánh có nghĩa tu sửa không ăn uống lặt vặt phi thời, không đúng giờ đúng lúc, ăn uống phải có tiết độ, không phải vì thèm khát, ăn uống là vì sự sống để tu tập, không vì lợi dưỡng, không ăn thịt chúng sanh, không ăn uống những chất độc hại, gây tạo cho cơ thể bệnh tật khổ sở. Thân mạng được nuôi sống chân chánh có những ích lợi: 1- Thân không trả nghiệp quả khổ đau. 2- Thân không bệnh tật khổ đau. 3- Tuổi thọ được lâu dài. 4- Thân được mạnh khỏe tu tập dễ dàng hơn. 5- Thân được mạnh khỏe tâm hồn được an vui, thanh thản và vô sự.

Chánh Nghiệp (PhậtDạy.2) (ĐườngVề.1) (ĐườngVề.2) là hành nghề đúng, những hành động không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Nghề nghiệp chân chánh mới nuôi được chánh mạng của mình và của mọi người trong gia đình. Chánh Nghiệp làm bằng sức lao động chân tay hoặc bằng trí óc tạo ra những thực phẩm lương thiện để nuôi thân mạng không có sự gian ác và đau khổ trong đó. Tức là nói về những hành động thân, miệng và ý phải chân chánh, do ba nơi này tu tập không làm hành động ác. Về thân có ba hành động Chánh Nghiệp như: 1/ Thân không đánh đập, không làm đau khổ và không tự giết hại mình, người và tất cả chúng sanh. 2/ Thân không trộm, cắp, cướp giựt , không móc túi, không lấy của không cho. 3/ Thân không tà dâm, không làm những điều bất chánh gây đau khổ cho mình cho người. Về miệng không nên ăn thịt chúng sanh. Chánh Nghiệp là những nghề nghiệp sống chân chánh, nghề nghiệp không làm đau khổ cho mình, cho người và không làm đau khổ chúng sanh. Thay đổi nghề nghiệp ác là hành động đầu tiên trau dồi thân tâm thiện (Chánh Nghiệp). Chánh Nghiệp thanh tịnh thì Chánh Mạng mới thanh tịnh, do đó, đời sống mới được an vui, hạnh phúc. Chánh nghiệp là những hành động mở cửa Thiên Ðàng, ai từng có những hành động này là ở bờ giải thoát, là bờ vô lậu, là chứng quả A La Hán.

Chánh Ngữ (PhậtDạy.2) (ĐườngVề.2) là lời nói chân thật, ngay thẳng, không bao giờ nói sai sự thật, lời nói không thiên vị, không xuyên tạc, không nói chuyện phiếm, chuyện tào lao, không nói đùa, nói chơi, nói giỡn cợt, nói móc họng, nói mỉa mai, nói to tiếng, nói tranh luận hơn thua, nói xỉ vả, chửi mắng, nạt nộ, la hét, hù dọa, không nói lời làm cho người khác tức giận, không nói lời làm cho người khác buồn phiền khổ đau, không nói xấu người khác, không đặt điều thêm bớt, không đem chuyện người này nói lại với người kia... Chánh Ngữ là những lời nói luôn luôn lúc nào cũng ôn tồn, nhã nhặn, dịu dàng, nhẹ nhàng, từ tốn, khiêm cung, những lời nói hiền lành, lời nói không làm khổ mình, khổ người, và khổ tất cả chúng sanh. Lời nói không làm khổ mình, khổ người là lời nói thiện. Lời nói thiện có bốn: 1- Không nói lời hung dữ, 2- Không nói lời đâm thọc, 3- Không nói lời lật lọng, 4- Không nói lời không thật. Lời nói không làm khổ mình, khổ người là lời nói thiện, lời nói ấy là chánh ngữ, nếu ai đã từng nói những lời nói này là người ở bờ giải thoát, như vậy chứng quả A La Hán đâu phải khó.

Chánh Niệm (PhậtDạy.1) (PhậtDạy.2) (Phậtdạy.3) (PhậtDạy.4) (ĐườngVề.2) (ĐườngVề.6) (Đường Về.7) (CầnBiết.4). Chữ “niệm” là “nhìn thấy, hiểu biết một cách tường tận, đúng như thật nhân quả, đúng như Thập nhị nhân duyên”. Chánh Niệm là niệm chân chánh, niệm thiện, niệm không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh, tức là sự hiểu biết rõ niệm thiện niệm ác. Biết rõ niệm thiện, niệm ác đó là do trí thức đã thấu suốt niệm thiện ác, nên thường ở trong chánh niệm. Trí thức tỉnh táo sáng suốt chính là chánh niệm. Chánh niệm còn có nghĩa là thân tâm không bị các pháp ác và các cảm thọ gây chướng ngại hay nói cách khác chánh niệm là chỉ cho thân tâm thường thanh thản, an lạc và vô sự; nói theo kiểu đạo đức chánh niệm là đạo đức không làm khổ mình, khổ người; nói theo kiểu tỉnh thức chánh niệm thì chánh niệm có nghĩa là ly tham, ly sân, ly si, ly mạn, ly nghi; là niệm vô lậu.

Chánh niệm gồm có 3: 1- Thân hành niệm nội là hơi thở. 2- Thân hành niệm ngoại là sự họat động của thân như: Đi, đứng, ngồi, nằm, nói, nín, đưa tay, duỗi chân, cúi đầu, liếc mắt, ngó nhìn làm tất cả mọi công việc, v.v... 3- Thân tâm ở trạng thái bất động tâm có nghĩa là tất cả các ác pháp không tác động vào thân được tức là tâm ở trong trạng thái “Vô Tướng Tâm Định” hay nói cách khác là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm lúc bấy giờ hoàn toàn không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Tâm không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu mới được gọi là tâm bất động; mới được gọi là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tất cả những niệm kể trên là niệm vô lậu. Niệm vô lậu chính là Chánh niệm. Trong kinh sách Nguyên thủy còn bảo Chánh Niệm là Tứ Niệm Xứ. Khi Chánh Niệm thanh thản, an lạc và vô sự hiện tiền trên bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp thì tà niệm không bao giờ xen vào được. Nếu tà niệm xen vào thì phải tức khắc nhiếp phục không được để chúng tác động vào thân, thọ, tâm và pháp. Ðức Phật đã xác định Chánh Niệm là Tứ Niệm Xứ, cho nên người tu Chánh Niệm tức là tu tập Tứ Niệm Xứ. Người nào tu pháp môn Tứ Niệm Xứ này chỉ trong vòng 7 ngày, 7 tháng, 7 năm là viên mãn, sẽ có giải thoát ngay liền, không còn đau khổ, họ ở bờ bên kia, bờ không còn lậu hoặc. Như vậy, họ chứng quả A La Hán. Chánh Niệm là tên của lớp học, còn Tứ Niệm Xứ là môn học cho lớp học đó, chứ không phải Chánh Niệm là những môn học như Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ thuộc Ðịnh Vô Lậu.

Muốn tu tập Ðịnh Vô Lậu thì phải dùng ý thức, pháp tác ý và pháp như lý tác ý. Tập sống trong Chánh Niệm tức là tu tập Tứ Niệm Xứ thì hằng ngày phải quan sát trên bốn chỗ: thân, thọ, tâm và pháp, nếu thấy có Tà niệm thì phải tu tập như sau: “Trên thân quán sát thân để khắc phục tham ưu; trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu ở đời; trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu; trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu”. Muốn đạt được Chánh Niệm thì phải có sự tỉnh thức. Muốn tu tập tỉnh thức, đức Phật dạy: “Tỳ Kheo tỉnh giác khi đi tới, đi lui; tỉnh giác khi ngó tới, ngó lui; tỉnh giác khi co tay, duỗi tay; tỉnh giác khi mang áo sanghati (tăng già lê), mang bát, mang y; tỉnh giác khi ăn uống, khi nhai, khi nếm; tỉnh giác khi đại tiện, tiểu tiện; tỉnh giác khi đi, đứng, khi ngồi, khi nằm, khi thức, khi nói, khi im lặng, đều tỉnh giác. Này các Tỳ Kheo, như vậy Tỳ Kheo sống tỉnh giác”. Ðoạn kinh nói như vậy, khiến các bạn sẽ hiểu sai lệch biến pháp xả tâm thành pháp ức chế tâm chỉ lo chú ý tập trung trên thân hành một cách ức chế tâm cho hết niệm khởi, đó là một điều tu sai lệch pháp hết sức. An trú Chánh Niệm Tỉnh Giác trong nhiều góc độ của pháp môn Tứ Niệm Xứ để đạt được sự làm chủ sự sống chết hoàn toàn chỉ trong một đời này mà thôi. Người đời sau đã biến Tứ Niệm Xứ thành một loạt thiền ức chế tâm chứ không còn là Chánh Niệm trong Bát Chánh Ðạo.

Chánh niệm không tham trước (PhậtDạy.1) có nghĩa là tu tập Tứ Niệm Xứ nên tâm đã khắc phục được những tham ưu trên thân, thọ, tâm, và pháp. Nhờ đó tâm không còn phóng dật.

Chánh Niệm Tỉnh Giác (PhậtDạy.4) (TrợĐạo) (Tạoduyên) (ĐườngVề.10) (CầnBiết.5) Chánh Niệm Tỉnh Giác là tên một pháp môn trong 4 pháp môn của Tứ Chánh Cần mà đức Phật dạy cho chúng ta đầu tiên khi mới bước chân vào đạo tu tập, (Tứ Chánh Cần gồm có: 1- Chánh Niệm Tỉnh Giác Định 2 - Định Vô Lậu 3 - Định Sáng Suốt 4 - Định Niệm Hơi Thở). Chánh Niệm Tỉnh Giác là một pháp môn đối trị bệnh gần chết của thân tứ đại nhưng chỉ là để chịu đựng cơn đau cũng giống như người ôm phao vượt biển. Khi có những cơn đau mãnh liệt như dao cắt ruột, xé gan thì chỉ còn có cách giữ gìn tâm Chánh Niệm Tỉnh Giác trên Thân Hành Niệm Nội (hơi thở) hay Thân Hành Ngoại (hành động tay chân) để chịu đựng được những cơn đau ấy. Nhưng chỉ là để chịu đựng cơn đau đó mà thôi. Đối với đạo Phật, đây là phương pháp đầu tiên để chiến thắng giặc sanh tử, giặc bệnh tật và giặc luân hồi. Phải rèn luyện tu tập cho thuần thục, nhu nhuyến những pháp môn này mới chiến thắng những cơn đau, đối trị những ác pháp đang tấn công ào ạt vào thân tâm; nhờ có những pháp môn này mà tâm ta mới bất động hoàn toàn, mới ly dục ly ác pháp được trọn vẹn.

Chánh Niệm Tỉnh Giác có bốn giai đoạn tu tập: 1- Giai đoạn thứ nhất: Ði kinh hành bình thường, chỉ đi 10 bước đứng lại tác ý một lần: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”, tác ý xong câu này rồi tiếp tục đi. Ði và đứng lại tác ý như vậy đúng 30’ mới xả nghỉ. 2- Giai đoạn thứ hai: Ði kinh hành bình thường, chỉ 10 bước đứng lại tác ý: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Sau khi tác ý xong rồi thở ra hít vô, đếm đúng 5 hơi thở, ngưng lại, rồi tác ý: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành” trước khi đi. Khi đi xong 10 bước đứng lại tác ý và thở như trên. Tu tập như vậy đúng 30’ rồi xả nghỉ. 3- Giai đoạn thứ ba: Ði kinh hành bình thường, chỉ 10 bước, ngồi xuống kiết già hay bán già lưng thẳng, mắt nhìn chóp mũi rồi tác ý: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Sau khi tác ý xong rồi thở ra, hít vô đúng 5 hơi thở, ngưng lại đứng dậy, tác ý: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành” trước khi đi. Khi đi xong 10 bước đứng lại rồi ngồi xuống tác ý và thở như trên. Tu tập như vậy đúng 30’ rồi xả nghỉ. 4- Giai đoạn thứ tư: Ði kinh hành theo pháp Thân Hành Niệm, pháp này phải được trực tiếp với người có kinh nghiệm dạy, chứ đừng tự mình tu tập vì dễ bị sai lệch rất nguy hiểm. Pháp này mỗi hành động trong thân đều phải tác ý trước rồi mới hành động sau, có nghĩa là lệnh đâu thì hành động phải theo lệnh đó mà thi hành. Ðó là những phương pháp vượt qua cơn đau, chứ không phải là phương pháp trị cơn đau. Ðối với những loại giặc cảm thọ mãnh liệt này, nếu không chịu rèn luyện tu tập cho thuần thục, nhu nhuyễn pháp môn Chánh Niệm Tỉnh Giác thì rất khó chiến thắng chúng. Nhờ có pháp môn này mà tâm mới bất động hoàn toàn, mới ly dục ly ác pháp được trọn vẹn.

Chánh Niệm trong Bát Chánh Ðạo là lớp thứ bảy. Chánh Niệm có nghĩa là niệm thiện, niệm thiện là niệm không khổ, là niệm không có tham ưu, không có phiền não. Hành động của thân, miệng, ý luôn luôn mang theo tính chất thiện hay ác, chứ không có hành động suông được, vì thế, tỉnh thức ở chỗ thiện, ác, chứ không phải tỉnh thức ở hành động suông; tỉnh thức ở hành động suông thì còn có nghĩa lý gì cho con đường tu tập giải thoát của đạo Phật. Cho nên lúc nói, lúc viết, lúc tư duy quan sát mọi việc làm thì ta phải tỉnh giác để lời nói thiện, viết điều thiện, tư duy quán xét việc làm thiện thì đó là ta đã chánh niệm tỉnh giác, chứ không phải chánh niệm tỉnh giác ở chỗ đang nói, đang viết, đang làm mọi việc. Có siêng năng tu tập chánh niệm tỉnh giác trong khi nói, trong khi viết và trong mọi việc làm thì ta ngăn ác diệt ác trong khi nói, trong khi viết và trong làm khi mọi việc đều dễ dàng, do đó tâm hồn ta được giải thoát hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây.

Chánh Niệm Tỉnh Giác Ðịnh (ĐườngVề.1) (ĐườngVề.5) Chánh Niệm Tỉnh Giác Ðịnh là pháp môn tu tập “dừng cái ý”. Tâm lìa hết tham, sân, si thì ý thức dừng. Cách tu tập định này, trên thân quán thân tu về hành tướng ngoại (Tứ Niệm Xứ) nghĩa là thân đi biết thân đi, thân đứng biết thân đứng, thân ngồi biết thân ngồi, thân mặc y mang bát biết thân mặc y, mang bát, thân làm việc gì đều biết thân làm việc nấy. Tâm luôn chú ý theo dõi hành động của thân đang hoạt động, không để mất niệm đang làm. Mất niệm đang làm là thất niệm, thất niệm là mất tỉnh giác, mất tỉnh giác tức là mê, mê còn gọi là quên. Cho nên, tu tập mà để thất niệm là tu sai, tu như vậy không có kết quả, tu suốt đời cũng chẳng có ích lợi gì. Thất niệm có hai trạng thái khác xen vào: 1- Quên mất niệm hành động của thân, xen vào những vọng tưởng, nghĩ ngợi chuyện thế gian (bị vọng niệm). 2- Quên mất niệm hành động của thân (vô ký) hành động theo thói quen, không nhớ, hay quên. Quên mất niệm là quên pháp như lý tác ý, quên pháp như lý tác ý là ý thức chìm thì tưởng thức hoạt động, tưởng thức họat động thì sẽ rơi vào Thiền tưởng.

Người mới tu Ðịnh Chánh Niệm Tỉnh Giác phải dùng pháp tác ý hướng dẫn tâm tỉnh thức, nếu không dùng pháp tác ý thì tâm dễ bị vọng tưởng và vô ký. Cái khó là ở chỗ tu tập nếu không có người có kinh nghiệm hướng dẫn thì khó mà tu tập tỉnh thức an trú thời gian dài được. Định Chánh Niệm Tỉnh Giác và Ðịnh Vô Lậu sẽ hỗ trợ cho nhau, khi chúng ta biết kết hợp chúng, chúng sẽ giúp chúng ta diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, nhờ thế tâm bất động trước các đối tượng. Nếu người siêng năng tu tập như vậy, tâm được thanh tịnh hoàn toàn, tâm sẽ không còn phiền não, khổ đau, giận hờn, thương ghét nữa. Nhiệt tâm, tinh cần, tinh tấn, không biếng trễ, không bỏ qua một giây phút nào, thì kết quả sẽ nhanh chóng, giải thoát chỉ cần một đêm tu tập sẽ trở thành bậc Thánh Hiền. Người cư sĩ tại gia cũng như người tu sĩ xuất gia đều dễ dàng tu tập hai pháp môn Thiền định này mà không sợ lạc Thiền, tẩu hỏa nhập ma hoặc rối loạn thần kinh, hoặc ông lên bà xuống như nhập đồng, nhập xác.

Chánh niệm trên thân, thọ, tâm và pháp (ĐườngVề.4) là niệm “thanh thản, an lạc và vô sự"

Chánh niệm trước mặt (PhậtDạy.1) (CầnBiết.3) Chánh niệm trước mặt không phải là niệm hơi thở vô, hơi thở ra mà là niệm từ bỏ, thoát ly, gọt rửa hết năm triền cái (dẹp sạch và đoạn dứt năm triền cái bằng pháp tác ý) như tâm dục tham, tâm sân hận, tu tập quét sạch hôn trầm thùy miên, tâm trạo cử hối quá, tâm nghi ngờ. Đây là phương pháp tu tập để dẹp sạch và đoạn dứt năm triền cái: 1.- Từ bỏ tâm dục tham ở đời, sống thoát ly dục tham, gọt rửa tâm hết dục tham, là ba pháp được đặt trước mặt để quán xét, từ bỏ, thoát ly và gọt rửa tâm dục tham, không phải niệm hơi thở vô, hơi thở ra. 2.- Từ bỏ tâm sân hận, sống với tâm không sân hận, gọt rửa tâm hết sân hận, khởi lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng sanh loài hữu tình. 3.- Từ bỏ hôn trầm thùy miên trước mặt mà tác ý tu tập thì sẽ không còn thùy miên và hôn trầm nữa. 4.- Từ bỏ trạo cử, hối quá, nội tâm trầm lặng, gọt rửa tâm hết trạo cử, hối quá. 5.- Từ bỏ nghi ngờ, sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân, lưỡng lự, gọt rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp. Hãy nên theo thứ lớp tuần tự các pháp trên đây mà tu tập cho kỹ lưỡng.

Chánh pháp (PhậtDạy.4) (CầnBiết.5) (dùng Chánh pháp làm ngọn đèn) ở đây là Tứ Niệm Xứ: “vị Tỳ kheo đối với thân quán thân, tinh tấn tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ…; đối với tâm…; đối với các pháp, quán pháp tinh tấn tỉnh giác, chánh niệm nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời.” Chánh pháp của đức Phật là Bát Chánh Ðạo, ngoài Bát Chánh Ðạo ra thì không có pháp môn nào được gọi là giáo pháp của đức Phật. Bởi vì Bát Chánh Ðạo là một chân lý trong bốn chân lý của Phật giáo, mà đức Phật khi còn sống Ngài đã xác định rõ ràng để không còn lầm lạc với tà pháp mà các nhà Đại Thừa khéo lồng vào giáo pháp của đức Phật.

Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp (ĐườngVề.10.) Câu nói này đúng với người tu chứng, còn người tu chưa chứng mà dùng câu nói này là người phi pháp. Chánh pháp là đối tượng của phi pháp, nếu phi pháp không còn thì chánh pháp dùng vào đâu? Dù muốn để chánh pháp cũng phải bỏ. Nếu phi pháp có thì chánh pháp là đối thủ của nó, còn phi pháp không thì chánh pháp là sự sống của con người, chứ cần gì phải bỏ, phải lấy.

Chánh pháp là ngọn đèn, Chánh pháp làm chỗ nương tựa vững chắc cho mình (CầnBiết.5) là tu tập Tứ Niệm Xứ, phải thường xuyên quan sát thân, thọ, tâm và các pháp, phải luôn luôn lúc nào cũng tỉnh giác chánh niệm khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm đều luôn hộ trì và bảo vệ thân, tâm không cho một chướng ngại pháp nào tác động vào thân tâm.

Chánh Tín (Đường Về.7) (ChùaAm) Chánh tín chỉ cho mọi người biết thực hành đời sống có đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và chúng sinh, luôn luôn giữ gìn tâm Bất động, thanh thản, an lạc và vô sự bằng pháp môn Như ly tác ý để tâm luôn luôn ly dục ly bất thiện pháp, nhờ đó mới thấy được tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Chính thấy được tâm thanh thản, an lạc và vô sự như vậy mới là giải thoát của Phật giáo. Chánh tín là khi làm việc gì, thì phải hiểu rõ, biết rõ việc mình đang làm, không bị ảnh hưởng phong tục, tập quán, không bị tôn giáo lừa đảo, đầy đủ ý nghĩa đạo đức làm người thì việc ấy là “Chánh Tín”. Thí dụ hằng năm nhớ lại ngày mất cha, mất mẹ, mất những người thân; hoặc những ngày tư, ngày Tết cả gia đình cười đùa, vui chơi, thì họ lại nhớ đến công ơn của những người quá cố, nên đến nơi an nghỉ cuối cùng của những người thân thương này, tức là thăm mồ mả. Khi thấy mồ mả của những người thân, con cháu tưởng chừng những người khuất mặt đang ở đâu đây, nên mới mời những người đó về vui chơi Tết với con cháu. Ðó là lòng tưởng nhớ của những người còn sống, chứ người chết rồi, còn những gì mà về ăn Tết vui chơi với con cháu.

Chánh Tinh Tấn (PhậtDạy.2) (ĐườngVề.2) là sự siêng năng đúng với chánh pháp, là “Tứ Chánh Cần: Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Có những sự siêng năng mà không đúng chánh pháp như những tu sĩ và cư sĩ siêng năng “niệm Phật, trì chú, tụng kinh, bái sám, ngồi thiền, v.v...”, đó không phải là Chánh Tinh Tấn, mà chính là Tà Tinh Tấn. Chánh Tinh Tấn là phương pháp đầu tiên để tu tập thiền định, nghĩa là hằng ngày đi, đứng, nằm, ngồi, nói nín đều ngăn ác diệt ác pháp và luôn luôn sống trong thiện pháp, để giúp cho thân tâm ly dục ly ác pháp, thân tâm ly dục ly ác pháp, thì thân tâm mới thanh tịnh, thân tâm có thanh tịnh thì mới bắt đầu có định, chính từ tâm thanh tịnh này chúng ta mới chính thức đi vào thiền định. Nếu thân tâm chưa thanh tịnh mà vội vàng tu thiền định tức là tu sai, tu không đúng như trong Bát Chánh Ðạo đã dạy. Người nào luôn luôn sống Chánh tinh tấn như vậy là người mở cửa Thiên Ðàng, là người ở bờ bên kia, bờ giải thoát, bờ không còn khổ đau, chứng quả A la Hán không có khó khăn, không có mệt nhọc.

NGHĨA CỦA CÁC CÂU, CÁC TỪ - Kì 5

              Vần C (tiếp theo)

Chánh trí (PhậtDạy.2) là tri kiến có giới luật như đức Phật đã dạy: “Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”. Nếu một người sống có tri kiến và giới luật như vậy, là ở bờ bên kia, bờ giải thoát. Như vậy, chứng quả A La Hán đâu phải khó khăn như mọi người nghĩ.

Chánh tri kiến (PhậtDạy.1) là sự hiểu biết mọi vật như thật, do hiểu biết mọi vật như thật nên mọi khổ ách đều được hóa giải.

Chánh tri kiến trong việc Qui Y (3Qui5Giới) là ẩn nơi lời thệ nguyện “Con nguyện suốt đời tiến theo chiều Giác ngộ giải thoát, mà đức Phật đã trải qua, con hứa tránh mọi điều tội lỗi, làm tất cả điều lành, để trọn nhân cách con người”. Và “Con nguyện suốt đời Quy-Y Phật thì không Quy-Y Thiên thần Quỉ vật, Quy-Y Pháp thì không Quy-Y ngoại đạo tà giáo, Quy-Y Tăng thì không Quy-Y tổn hữu ác đảng”. Nghĩa là ta đã xác nhận và quyết định lấy đạo đức nhân bản nơi Phật, Pháp, Tăng làm cái lẽ sống đạo của mình, làm lý tưởng lập trường của đời mình. Giữ đúng như vậy thì sự Quy-Y còn, mà không giữ thì mất! Dù không thọ Tam quy nhưng giữ giới (theo lời thệ nguyện Chánh-tri-kiến) đầy đủ nổi, thì cũng vẫn còn Tam quy. Nhưng nếu thọ Tam quy mà không giữ giới (tức không theo lời thệ nguyện, phá hủy Chánh-tri-kiến), nghĩa là “Phá Kiến” thì chỉ là người tà kiến ngoại đạo mà thôi!

Chánh trực (PhậtDạy.1) (ĐườngVề.2) (TứBấtHoại) (CữSĩTu) là tâm ngay thẳng, tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự, là Tâm không phóng dật. “với tâm chánh trực liền được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người ấy có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, người ấy có cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”.

Chánh Tư Duy (PhậtDạy.2) (Phậtdạy.3) (ĐườngVề.2) (CầnBiết.4) Chánh tư duy là sự suy nghĩ một điều gì mà điều đó không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai; một sự suy nghĩ làm cho chúng ta không buồn phiền, không làm cho ta tức giận, không làm cho ta lo lắng sợ hãi, không làm cho ta bất toại nguyện, v.v… Chánh tư duy là sự suy tư để lìa xa, từ bỏ, hay yểm ly tham, sân, si, mạn, nghi. Người có Chánh tư duy là người có lòng yêu thương người khác, biết tha thứ mọi sự lỗi lầm của người khác, biết giúp đỡ những người bất hạnh trong xã hội. Chánh Tư Duy là suy tư, suy ngẫm về mười điều thiện và mười điều ác, luôn luôn loại trừ mười điều ác, lìa xa gốc tham dục và ác pháp. Sự suy nghĩ như vậy, mang đến một tâm hồn an vui và hạnh phúc biến cảnh thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Ðàng, là bờ giải thoát, lúc nào tâm hồn cũng thanh thản, an lạc và vô sự, không còn một ác pháp nào tác động được thân tâm thì chúng ta đã chứng quả A La Hán.

Cà sa (TruyềnThống.1) là một loại áo mặc của những vị tu sĩ Phật giáo bằng những vải thô xấu (vải vụn, vải bó thây ma).

Cành lá (TrợĐạo) được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng (được sự cung kính cúng dường) (Trung Bộ, kinh số 29. Ðại Kinh Thí Dụ Lõi Cây).

Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa (ĐườngVề.1) là dứt bỏ cuộc sống thế tục để cắt các duyên bên ngoài, không trang điểm làm đẹp, phải làm cho mình xấu xí, ăn mặc thì không được chải chuốt, mặc phải bằng những vải thô xấu, hình ảnh bên ngoài phải phá và dẹp bỏ cái đẹp đẽ của trần gian khiến cho mọi người không còn để ý đến mình thì mới dễ dàng tu hành. Người đi tu mà còn trang điểm làm đẹp, làm dáng là không thể nào theo đạo Phật tu hành đến nơi đến chốn được.

Cải thiện (Phậtdạy.3) (CầnBiết.4) là khắc phục những lỗi lầm, sửa sai những lỗi lầm; thay đổi, làm cho tốt không còn để thói hư tật xấu. Sửa sai những lỗi lầm, thay đổi những thói hư tật xấu của mình.

Cảm Giác Toàn Thân (MuốnChứngĐạo) hít vô thì cảm nhận từ trên đầu xuống tới chân; thở ra thì cảm nhận từ chân lên đầu. Khi hít thở thì thân có độ rung do hơi thở, quí vị quan sát, lắng nghe độ rung đó.

Cảm nhận Tâm Hành (MuốnChứngĐạo) là làm chủ tâm, điều khiển tâm làm cho tâm luôn luôn sống trong thiện pháp và không bao giờ để tâm tư duy suy nghĩ những điều ác. Ý thức xả tâm tức là Cảm Nhận Tâm Hành vì thế phải tu tập cho thật kĩ, cho cảm nhận được sự động và sự tịnh của tâm.

Cảm nhận thân an tịnh (MuốnChứngĐạo) là đề mục làm cho xuất hiện tướng trạng thân an tịnh để đẩy lui bệnh khổ. Tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” vừa nương vào hơi thở. Tâm phải có thời gian để nương vào được trong hơi thở thì tướng an tịnh mới hiện ra. Cứ tiếp tục tập luyện riết trong những thời khóa khác thì chỉ sau 5 hơi thở là tướng an tịnh đã hiện ra rồi, thời gian được thu ngắn lại là nhờ khi ngồi chơi mà xả tâm vì thế vừa vào tập luyện chỉ mới nhắc là nó hiện ra ngay. Đó là có kết quả. “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Cảm nhận thân an khi hít thở thân không bị động đậy, không bị rung động; khi hít thở thì thấy tâm không niệm, không niệm là yên tịnh. Cứ hai trạng thái đó mà cảm nhận thôi.

Cảm thọ (PhậtDạy.2) (Phậtdạy.3) (12Duyên) chỉ cho sự đau khổ của thân. Cảm thọ gồm có ba phần: 1- Cảm Thọ Lạc thì tâm ưa thích nên gọi là Ái Lạc 2- Cảm Thọ khổ thì tâm không ưa thích nên gọi là Ái Khổ. 3- Cảm Thọ Bất Lạc, Bất Khổ thì không chấp nhận, vì đó là một trạng thái của một người bình thường nên trạng thái này không được kéo dài thời gian. Muốn cho các cảm thọ không sinh ra thì phải ngăn ngừa không cho sáu trần xúc chạm với sáu căn. Nếu khi sáu trần xúc chạm với sáu căn sinh ra các cảm thọ thì cố gắng giữ tâm không hề dao động trước ba cảm thọ. Tác ý "Tất cả các cảm thọ (đau nhức, ngứa ngáy, mệt mỏi, tức lói, v.v... ) đều vô thường, vô ngã, không phải là ta, không phải của ta". Để thắng vượt cảm thọ thì ta tư duy: Tính chất của cảm thọ là vô thường vô ngã thì ta sợ gì; nó có làm gì được ta đâu mà sợ, mặc kệ nó, vì ta với nó là hai kẻ xa lạ; và cần tác ý: “Tâm thanh thản, an lạc và vô sự, đừng sợ cảm thọ, nó không phải là ta, của ta, nó là người xa lạ hãy đi, đi! Không được ở trong thân ta” hoặc ta tác ý như sau: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” hoặc “Thọ phải đi, đi! Thân phải an tịnh. Tôi biết tôi đang đi kinh hành”, luôn bám cho thật chặt vào hơi thở hoặc thân hành ngoại thì cảm thọ sẽ đi mất. Cảm thọ đi mất tức là dục đi mất. Dù tham, sân, si, ngã, vô ngã hay nhân quả... đều lấy thọ làm chỗ quy tụ.

Cảm thọ dục (PhậtDạy.2) Dục ở chỗ đau gọi là dục đau.

Cảnh giác (TâmThư.1) là pháp thế gian, không phải là một pháp môn tu tập. Cảnh giác là tâm lo sợ nghi ngờ, là sự đề phòng, là nỗi lo lắng, luôn luôn nghi ngờ người này người kia, là để phòng những đối tượng hại mình, chứ không lưu ý từng hành động thân, miệng, ý. Cảnh giác làm khổ mình nên lúc nào cũng dè dặt lo ngại. Người cảnh giác chỉ là một đức cẩn thận đề phòng bảo vệ cá nhân mình mà thôi, cho nên cảnh giác chỉ là nghi ngờ dò xét chứ không phải tỉnh giác. Ở đạo đức nhân bản - nhân quả thì dùng từ tỉnh giác, còn ở góc độ thông tin thế gian thì dùng từ cảnh giác. Nếu dùng tỉnh giác cho cuộc sống hằng ngày thì không cần dùng cảnh giác. Dùng “cảnh giác” thì phải dùng thêm “tỉnh giác” mới đem lại sự bình an cho mình thật sự, còn chỉ dùng riêng “cảnh giác” là đem đến cho mình một sự bất an lo lắng.

Cảnh giới Ðịa Ngục (YêuThương.2) là cảnh những con người xấu ác tự làm khổ mình khổ người và tất cả các loài động vật khác ở trên hành tinh này, vì sống không biết thương yêu và tha thứ. Bởi Thiên Ðàng và Ðịa Ngục không phải ở trên trời hay ở dưới lòng đất mà ở ngay trong cuộc sống hằng ngày của con người. Bởi vậy Thiên Ðàng và Ðịa Ngục đều do con người mà có.

Cảnh giới Thiên Đàng (YêuThương.2) là cảnh con người sống trên hành tinh này mà sống biết thương yêu và tha thứ không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả vạn vật. Bởi Thiên Ðàng và Ðịa Ngục không phải ở trên trời hay ở dưới lòng đất mà ở ngay trong cuộc sống hằng ngày của con người. Bởi vậy Thiên Ðàng và Ðịa Ngục đều do con người mà có. Cho nên những mẩu chuyện trên đây là nói lên ý nghĩa Thiên Ðàng và Ðịa Ngục.

Cảnh giới Thiên đàng và Cực lạc (ĐườngRiêng) là những cảnh giới tưởng do tưởng uẩn tạo ra, nên nó là cảnh giới không có thật, vì thế những người theo các tôn giáo này tu tập chỉ hoài công vô ích, thường sống trong ảo mộng, đau khổ lại hoàn đau khổ và cứ mãi tiếp tục tái sinh luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác không bao giờ chấm dứt. Hình ảnh mà chúng ta thường gặp đức Mẹ hiện ra hay chư Phật giáng trần đều là hình bóng tưởng do từ lòng tin không lay chuyển của chúng ta nên tưởng uẩn lưu xuất giúp chúng ta thỏa mãn lòng tin.

Chảy vào (PhậtDạy.4) (CầnBiết.5) ý nghĩ tự khởi lên, đau khổ tự khởi lên, các bất thiện pháp tự khởi lên; đó là những ác pháp làm cho thân tâm bất an, như thân đau nhức, mỏi mệt, nóng rát, tâm lo lắng, sợ hãi, buồn rầu và thương nhớ, v.v… Chảy vào là tự khởi lên, những pháp này gọi là vọng tưởng. Còn khi hướng tâm tác ý thì không phải vọng tưởng. "Không có chảy vào" là khi tâm rất tỉnh giác trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, không có một sự ưu phiền nào hay một ác pháp nào tác động thân tâm. (Trong khi Ta đang ngồi, tham, ưu và các bất thiện pháp không có chảy vào).

Căn Bản (PhậtDạy.2) (ĐườngVề.2) (3Qui5Giới) là nguồn gốc, gốc rễ, cội nguồn. Ở đây là giáo lý căn bản của toàn bộ Phật pháp. Và căn bản cũng là giáo lý đào tạo cái căn bản cho sự hướng thượng, nhắm vào mục đích thứ nhất của Phật pháp là đào tạo nhân cách tương đối đổi mới con người và những gì của nó, nghĩa là nói đến cả ba phương diện: 1) Hóa cải bản thân. 2) Hóa cải gia đình. 3) Hóa cải xã hội.

Căn bản bất thiện (ĐườngVề.2) Đức Phật dạy về căn bản bất thiện (ba cội nguồn gốc ác) "Tham, sân, si".

Căn Bản của toàn bộ Phật pháp (3Qui5Giới) “thọ Tam qui và trì Ngũ Giới” là nền tảng căn bản của một người Phật tử. Mục đích chánh của giáo lý phần căn bản là Hoàn thành nhân cách tương đối. Sự hoàn thành đó gồm có toàn diện đời sống của con người – Tức là: 1) Hóa cải bản thân. 2) Hóa cải gia đình. 3) Hóa cải xã hội.

Căn bản của trí (12Duyên) Mỗi người tu theo Phật giáo đều phải hiểu biết sự giải thoát của Phật giáo hoàn toàn do sự hiểu biết, nhưng hiểu biết thì phải bằng trí tuệ. Có sáu Trí như sau: 1- Trí biết rằng già chết do duyên sanh. 2- Trí biết rằng không có sanh thì không có già chết. 3- Trí biết rằng trong quá khứ già chết cũng do duyên sanh. 4- Trí biết rằng không có sanh thì không có già chết. 5- Trí biết rằng trong tương lai già chết cũng do duyên sanh. 6- Trí biết rằng không có sanh thì không có già chết. Khi thông suốt sáu trí này thì người ấy có đầy đủ trí về tận pháp, trí về hoại pháp, trí vế ly tham, trí về diệt pháp, nhờ đó tâm họ hoàn toàn giải thoát tức là bất động trước các pháp.

Căn cơ (CầnBiết.2) của chúng ta thể hiện qua nhân tướng (hình dáng cơ thể) và hành tướng (Nội là hơi thở, ngoại là các hành động của thân). Vì thế, khi tu tập chúng ta nên tu tập theo nhân tướng và hành tướng tự nhiên của mình. Nhân tướng là hình dáng cơ thể, có người có nhân tướng cao, nhưng cũng có người có nhân tướng thấp, người đẹp, người xấu, người trắng, người đen, người mập, người ốm, người mặt dài, mặt ngắn, mặt vuông, mặc chữ điền, mặt bầu, mặt tròn... Tất cả mọi hình tướng khác nhau đều gọi là nhân tướng. Người tu theo đao Phật không nên vì nhân tướng mà tu tập hay ước mơ có một nhân tướng tốt đẹp như 32 tướng tốt tám mươi vẻ đẹp. Ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp như đức Phật có còn đâu, khi đức Phật nhập Niết bàn thì chỉ còn lại một nắm xương vụn bất tịnh thiêu chưa cháy hết. Mục đích của đạo Phật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ chứ không phải là tướng tốt. Dưới đôi mắt của Phật thì nhân tướng của con người chỉ là tứ đại duyên hợp, bất tịnh, uế trược, không có đáng cho chúng ta quan tâm. Nhưng trong khi tu tập chúng ta phải biết sử dụng nó như một con ngựa để đi đường xa vạn dặm. Vì thế, chúng ta phải biết cách khi thì dụ dỗ khi thì ra lệnh, chứ không bắt ép nó tu tập nhiều thì cũng không tốt, mà tu tập ít thì cũng không có lợi, không được khổ hạnh ép xác, mà cũng không được lợi dưỡng phá giới luật. Phải tùy theo đặc tướng của mình mà thực hiện cho đúng pháp, thì có kết quả lợi ích rất lớn. Hành tướng ngoại tự nhiên của mình đi chậm, thì khi tu tập phải theo hành tướng đi chậm mà tu, không được đi nhanh, cũng không đi quá chậm. Khi hành tướng tự nhiên của mình đi nhanh thì khi tu tập không được đi chậm, hoặc quá chậm hoặc quá nhanh, phải đi với tướng tự nhiên của mình. Hành tướng nội hơi thở tự nhiên của mình chậm thì khi tu tập nên theo hơi thở chậm. Nếu hành tướng nội hơi thở tự nhiên của mình nhanh thì nên tu tập theo hơi thở nhanh, không nên hơi thở chậm mà khi tu tập thì lại thở nhanh, cũng như hởi thở nhanh mà khi tu tập thì lại thở chậm, tu như vậy không tự nhiên. Không tự nhiên thì có sự ức chế, mà có sự ức chế thì có chướng ngại pháp, có chướng ngại pháp thì không có giải thoát ngay liền, không có sự giải thoát ngay liền là tu sai pháp Phật, tu sai pháp Phật tức là tu theo pháp môn của ngoại đạo.

Cắn chặt răng và dán chặt lưỡi lên nóc họng (ĐườngVề.8) nghĩa là cố gắng nén tâm, hết sức kham nhẫn chịu đựng để vượt qua cơn thử thách của ác pháp. Nếu cứ để tâm chạy theo tham, sân, si thì rất dễ dàng, bằng đi ngược lại, nó là một việc làm hết sức gian khổ, cần phải có đầy đủ nghị lực, gan dạ và chịu đựng những cơn thử thách kinh hồn đó thì chúng ta mới vượt qua cơn sóng gió bão bùng của nội tâm mình.

Cắt giải oan kết (ĐườngVề.10) là làm cho đoạn dứt những điều oan ức của những người đã chết không đi đầu thai được, như những người tự tử, những người lính chết trận, những người chết bị tai nạn giao thông, chết bị cướp đâm, giặc giết, v.v… . Theo sự tích Vua Ðường Lý Thế Dân đánh Ðông dẹp Bắc, chinh Nam, phạt Tây, sau khi bình định được quê hương xứ sở thì những người chết oan vì chiến tranh vô số kể, vì thế vua Ðường Lý Thế Dân cho người qua Thiên Trúc thỉnh kinh về lập đàn kỳ siêu giải oan kết những người chết oan.

Chặng đường quanh co, gian nan đầy thử thách (TâmThư.2) phải trải qua nhiều sự rèn luyện tu tập thân và tâm để đạt được cứu cánh giải thoát, học tập thì phải cho ra học tập, còn tu tập thì phải cho ra tu tập. Khi khả năng của mình chỉ ở lớp thấp mà muốn tu học ở lớp cao tập thì kết quả sẽ là số “không”.

Chẳng muội nhân quả (Tạoduyên) Ý nói đứng trước các pháp ác, tâm không hề dao động (chẳng mê muội), chẳng sợ hãi trước cơn đau bệnh, trước cái chết; trước cái tai nạn khổ sở, nghĩa là đừng sợ hãi các ác pháp, vì thấy nó là huyễn giả, không thật, là không. Mọi sự vật, mọi hoàn cảnh xảy ra đều là huyễn giả không thật có. Đau là phải chịu đau, chết là phải chịu chết, chứ không thể nào làm chủ được nó, chỉ chẳng mê muội trước nó là đủ, vì mê muội trước nó là sợ hãi, là buồn khổ, rên la, kêu khóc, v.v...

Chẳng niệm thiện niệm ác (ĐườngVề.10) Câu nói của Lục Tổ Huệ Năng, là nói với người tu chứng, còn những người tu chưa chứng mà dùng câu này để tu thì tu ức chế tâm, tu sai đường. Người tu chưa chứng thì nên ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, còn ném cả thiện và ác thì e rằng họ sẽ trở thành cây đá mất và họ đã quên rằng họ là người đang tu mà bỏ luôn chánh pháp thì họ lấy cái gì để tu, nếu bỏ luôn chánh pháp thì cũng giống như người muốn sang sông mà bỏ luôn chiếc bè thì làm sao họ qua bờ bên kia được. Câu: “Chẳng niệm thiện niệm ác” của Lục Tổ Huệ Năng là câu công án, mục đích của nó là nhằm khai ngộ Phật Tánh, có nghĩa là câu này giúp cho hành giả nhận ra Ý THỨC không niệm chứ không phải để tu, người sau không hiểu lấy câu này làm chỗ tu, nên tu sai, tu vào chỗ ức chế tâm, rơi vào thiền tưởng chứ nghĩa của nó không giống câu: “Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp”. Chánh pháp là đối tượng của phi pháp, nếu phi pháp không còn thì chánh pháp dùng vào đâu? Dù muốn để chánh pháp cũng phải bỏ. Nếu phi pháp có thì chánh pháp là đối thủ của nó, còn phi pháp không thì chánh pháp là sự sống của con người, chứ cần gì phải bỏ phải lấy. Hai câu này là hai câu hý luận chứ không thực tế cho sự tu hành.

Cân nhắc (PhậtDạy.4) là xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng từng tâm niệm của mình, cân nhắc kỹ lưỡng từng hành động thân, miệng và ý của mình. Trong sự siêng năng tu tập thì cân nhắc được hành trì nhiều, có nghĩa là càng siêng năng tu tập thì sự tu tập kỹ lưỡng phải kỹ lưỡng nhiều hơn. Nếu muốn cân nhắc kỹ lưỡng từng hành động thân, miệng và ý của mình mà không có cố gắng thì làm sao cân nhắc kỹ lưỡng được.

Cây kiểng được trồng trong chậu (ĐườngVề.3) cũng giống như chúng ta thân như bị tù tội, bị giam cầm trong ngục tù, giải phóng cho nó trở về thiên nhiên với đất trời, nó sẽ có một sự sống hồn nhiên trong muôn loài vạn vật khác, nó sẽ có hạnh phúc vô cùng trong môi trường sống thân thương.

Chân lí (PhậtDạy.4) (ĐườngRiêng) (Tạoduyên) là một sự thật của con người; là tâm không tham, sân, si. Ngoài tâm không tham, sân, si đi tìm chân lí thì không có! Chân lí đã là một sự thật thì người chưa tu cũng phải nhận ra, nếu người chưa tu không nhận ra được thì đó không phải là chân lí. Loài người chỉ có một chân lí chia làm 4 nhánh gọi là Tứ Diệu Ðế, chứ không bao giờ có hai ba chân lí. (Bốn chân lý):

1- KHỔ ÐẾ là nhánh chân lí thứ nhất, tức là tâm tham, sân, si. Là con người, ai cũng có tâm tham, sân, si. Do tâm tham, sân, si mà con người đau khổ. Người giác ngộ được tâm tham, sân, si là khổ đau, đó là người giác ngộ được chân lí thứ nhất.

2- TẬP ÐẾ là nhánh chân lí thứ hai tức là nguyên nhân sinh ra tâm tham, sân, si, đó là ÁI DỤC, ái dục tức là lòng ham muốn. Làm con người ai mà không có lòng ham muốn. Do tâm tham muốn mà sinh ra tâm tham, sân, si nên phải chịu nhiều khổ đau. Người giác ngộ được lòng ham muốn là khổ đau, là người giác ngộ chân lí thứ hai.

3- DIỆT ÐẾ là nhánh chân lí thứ ba. Chân lí thứ ba là một trạng thái tâm không còn tham, sân, si, tức là trạng thái bất động tâm trước các ác pháp và các cảm thọ. Chính là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Người giác ngộ được trạng thái tâm này là người giác ngộ chân lí thứ ba.

4- ÐẠO ÐẾ là nhánh chân lí thứ tư. Chân lí thứ tư là chương trình giáo dục đào tạo những bậc tâm vô lậu (A La Hán), có tám lớp học và ba cấp. Muốn hết tham ái (tham, sân, si,) thì phải có một chương trình đào tạo giáo dục đó là “ÐẠO ÐẾ”. Ðạo đế còn gọi là Bát Chánh Ðạo.

Bát Chánh Ðạo tức là 8 lớp học được chia ra trong 3 cấp GIỚI, ÐỊNH, TUỆ: Người giác ngộ được chương trình giáo dục đào tạo những bậc tâm vô lậu (A La Hán), có tám lớp học và ba cấp là người giác ngộ được nhánh chân lí thứ tư. Theo Phật giáo Nguyên Thủy thì Chân lí ở tại nơi tâm con người, không phải ở đâu xa. Một vị Thầy tâm còn tham, sân, si thuyết giảng theo nghĩa lý suông, không có một chút kinh nghiêm trong tu tập dạy đạo cho người khác tu tập, thì không tu tập được.

Chân lí của Phật (PhậtDạy.4) là chân lí chuyển nghiệp, chứ không phải trả nghiệp, dồn nghiệp. Nếu trả nghiệp, dồn nghiệp thì còn đâu là chân lí. Theo Phật giáo Nguyên Thủy thì chân lí không phải ở đâu xa mà ở tại nơi tâm con người. Nếu một người còn tâm tham, sân, si mà không biết mình còn tâm tham, sân, si là người ấy chưa ngộ chân lí.

Chân lý Diệt Ðế (TrợĐạo) trạng thái giải thoát trong thân tâm của mỗi người.

Chân lý giải thoát của đạo Phật (ThiềnCănBản) là chỉ thẳng vào mọi duyên, mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc đều hiểu biết, để rõ nó là Vô Thường, Khổ, và Không có thực thể bản ngã trong đó. Tất cả đều do các duyên hợp lại mà thành, và duyên tan là mất hết, không còn có cái gì tồn tại.

Chân nhân (Tạoduyên) Bậc tu chứng đạo.

Chân pháp (ĐườngVề.5) là “Giới, Ðịnh, Tuệ”.

Cấp Tam Minh (MuốnChứngĐạo) gồm có Tứ Thánh Định (1- Sơ Thiền. 2- Nhị Thiền. 3- Tam Thiền. 4- Tứ Thiền) và Tam Minh (Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh).

Cấp Giới Luật (PhậtDạy.1) (MuốnChứngĐạo) gồm có bốn lớp học Giới Luật: 1- Chánh Kiến 2- Chánh Tư Duy. 3- Chánh Ngữ. 4- Chánh Nghiệp. Khi học hết trọn vẹn cấp Giới Luật thì được “cấp bằng” Nhập Lưu (Tu Ðà Hoàn), còn chưa học hết cấp thì tùy ở sự hiểu biết, tu tập và giữ gìn giới luật được nhiều hay ít, ít thì Hướng Lưu; nhiều thì Dự Lưu.

Cấp thiền định (CầnBiết.4) (MuốnChứngĐạo) gồm có 4 thiền phải tu học 7 tháng. - Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, và Tứ thiền. Cấp Thiền Định gồm có hai lớp: 1- Chánh Tinh Tấn (Tứ Chánh Cần). 2- Chánh Niệm (Tứ Niệm Xứ).

Cấp trí tuệ (CầnBiết.4) gồm có Tam Minh (Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh).

Cấm tà dâm (CữSĩTu) là “GIỚI ÐỨC CHUNG THỦY”. Người không tà dâm là thân và tâm của họ chung thủy, trung thành, tình nghĩa, chân thật. Một bậc Thánh cư sĩ thì không thể nào còn tà dâm. Còn tâm tà dâm thì làm sao gọi là Thánh cư sĩ được. Giới Ðức Chung Thủy là đức hạnh trước sau một lòng, có tình cảm gắn bó vợ chồng không thay đổi.

Chấm dứt tái sanh luân hồi (PhậtDạy.4) (ĐườngVề.3) tức là chấm dứt sự đau khổ của muôn vạn kiếp làm chúng sanh. Khi chấm dứt tái sanh luân hồi mang năng lượng tỉnh giác trí tuệ, luôn luôn lúc nào cũng ở trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, chỗ tâm không còn ái dục. Trong không gian có một từ trường thanh thản, an lạc và vô sự, vì thế người tu hành giữ gìn tâm không phóng dật là ở trạng thái từ trường đó, nên tâm không phóng dật. Trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự bên ngoài không có thì tâm chúng ta cũng không giữ gìn được thanh thản, an lạc và vô sự. Chấm dứt được sanh tử luân hồi là từ bỏ được tâm tham chứng quả vô lậu A La Hán.

Cầu cơ (ĐườngVề.9) là một hình thức cầu linh hồn người chết giáng cơ bút cho biết những điều mình ước muốn trong tương lai. Cầu cơ là một phương pháp tập hợp tín lực vào một đối tượng ảo tưởng để nội lực tín lực của những người có mặt trong lễ cầu cơ thực hiện những ước muốn. Nhất là những người trực tiếp cầu nguyện. Nếu những người đặt trọn lòng tin vào cơ bút thì tưởng uẩn sẽ hoạt động mạnh và rõ ràng. Còn không đủ tín lực thì tưởng uẩn không hoạt động, cơ bút không về hay nói cách khác là cầu cơ không được. Cầu cơ chẳng qua là một việc làm đánh thức năng lực của tưởng uẩn hoạt động. Năng lực tưởng uẩn hoạt động đúng thì người cầu cơ phải thân tâm thanh tịnh, nếu thân tâm không thanh tịnh thì cầu cơ không linh tức là không đúng, vì thế những học sinh cầu cơ thi rớt là vậy.

Cho nên, trước khi cầu cơ thì thân phải tắm rửa sạch sẽ, còn tâm thì phải giữ gìn trai giới nghiêm chỉnh, nhờ có sự thanh tịnh như vậy nên tưởng uẩn giao cảm nhận ra từ trường đúng như thật. Còn thân tâm không thanh tịnh thì tưởng uẩn không nhận ra đúng, nên tín lực tạo thành ảo tưởng, vì thế mọi việc cơ báo đều sai. Cầu cơ cũng giống như lên đồng, nhập cốt qua một hình thức khác nhưng cũng chỉ có một tưởng uẩn hoạt động mường tưởng như linh hồn người chết về nhập vào, thay vì nhập vào người thì gọi là lên đồng, lên cốt, nhập vào cơ thì gọi là cơ bút. Cho nên, cơ bút chỉ là tưởng uẩn của con người hoạt động, chứ không có linh hồn người chết hay Tiên, Phật, Thần Thánh, quỉ, ma nhập vào. Những điều kỳ lạ xảy ra chung quanh thế giới của con người cũng chỉ nơi thân tâm con người lưu xuất, ngoài thế giới con người đang sống thì không bao giờ có thế giới vô hình nào khác. Bởi mỗi con người đều có năm uẩn mà phần sắc uẩn chỉ có một, còn phần không hình sắc tới bốn uẩn: 1- Tưởng uẩn (vô hình), 2- Thức uẩn (vô hình), 3- Thọ uẩn (vô hình), 4- Hành uẩn (vô hình).

Cho nên, kẻ nào tin có Thiên Ðàng, Cực Lạc, có linh hồn người chết, có Phật tánh, có thần thức, có ma, quỷ là mê tín, là thiếu óc khoa học, là thiếu đạo đức nhân bản – nhân quả, là những người còn lạc hậu. Cầu cơ là một loại mê tín tri thức do những nhà tri thức mê tín, trong đó có học sinh, sinh viên và một số người có trình độ học thức cao, nhưng vẫn không thoát ra khỏi sự mê tín này, ngay cả những nhà khoa học vẫn sống trong mê tín, vì những trạng thái mê tín này khoa học chưa giải thích được. Cầu cơ là một sự đánh thức tưởng uẩn hoạt động để nó giao cảm với những từ trường mọi sự việc đã, sẽ xảy ra bằng tín lực của con người. Còn đúng hay sai là do thân tâm của những người cầu cơ có thanh tịnh hay không thanh tịnh như trên đã nói.

Cận tử nghiệp (CầnBiết.1) là nghiệp lực trước khi chết do huân tập nhân quả trải dài thời gian của một kiếp con người. Ý thức ngưng hoạt động, hơi thở dừng, tim không đập, nhưng hệ thần kinh tưởng còn hoạt động, tức là tưởng thức hoạt động tạo ra giấc chiêm bao. Giấc chiêm bao đó mọi người gọi là “cận tử nghiệp”. Chính nghiệp lực nầy đưa người ấy tiếp tục tái sanh kiếp mới của con người.

Cẩn ngôn (4Tâm) suy tư rồi mới nói và giảm tốc độ nói (có thì giờ suy nghĩ trước khi nói). Phải thường xuyên như lý tác ý câu này "Ta không nói thì thôi, mà nói ra thì phải làm vui lòng người".

Cẩn thận (TâmThư.1) mang theo hai tính chất chánh và tà, nên nói: Cẩn thận trong chánh niệm hoặc Cẩn thận trong tà niệm. Đức Cẩn thận không có phương pháp tu tập, chỉ hằng ngày tập sống cẩn thận mà thành thói quen, nên nó không có phương pháp gạn lọc tâm tư trong sạch toàn thiện. Vì vậy, trong các pháp ác nó vẫn có sự cẩn thận, cẩn thận để tăng trưởng ác pháp.

Cẩn thận, dè dặt, kỹ lưỡng, kín đáo (ĐườngVề.3) Phần thứ nhất là định lực, bảo tồn năng lượng, năng lực tự chủ. Phần thứ hai là hạnh lực, giữ gìn hành động thân, hành động lời nói và hành động suy nghĩ, làm cho oai nghi, tế hạnh nhẹ nhàng, êm dịu, ôn tồn, nhã nhặn, những hành động đó không thể vô tình, vô ý được. Vì vậy không làm khổ mình, không làm khổ người khác nữa. Phần thứ ba là tĩnh giác. Khi có cẩn thận, kín đáo, dè dặt, kỹ lưỡng thì phải có sức tĩnh giác rất cao, nếu không tĩnh giác thì cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo chỉ là danh từ suông. Vấn đề tu tập hàng đầu của đạo Phật là tu tập tĩnh giác, có tĩnh giác mới phát hiện được ác pháp và lòng tham đắm của mình. Phần thứ tư là chánh niệm, khi có cẩn thận, dè dặt, kỹ lưỡng, kín đáo thì tâm luôn luôn ở trong chánh niệm, không có tà niệm xen vào, tức là không có niệm ác. Tuy những danh từ đơn giản nhưng hiểu ra để tu tập, trau dồi thân tâm là một công trình tu tập, mà còn phải biết các pháp hành đúng như pháp của Phật thì mới có kết quả tốt đẹp.

Có cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo thì sự tu hành dễ tĩnh giác, các chướng ngại pháp ít xâm chiếm thân tâm. Người cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo mỗi tâm niệm thiện hay ác khởi lên nhận thấy được một cách dễ dàng. Người tu tập tĩnh giác, tức là tu tập Thân Hành Niệm, tức là tập luyện tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo, chứ không phải sự tập trung tâm vào bước đi hoặc mọi hành động của thân, để cho tâm không khởi niệm vọng tưởng. Tu tập rèn luyện tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo thì ngay trong sự kỹ lưỡng, dè dặt, cẩn thận, kín đáo đó trên mỗi hành động thiện hay ác của họ liền có sự giải thoát, khiến cho thân tâm được an lạc, thanh thản và vô sự. Vì sự cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo (tĩnh giác) trong thiện pháp (chánh niệm) nên thường ngăn chặn và diệt trừ các ác pháp (tà niệm).

Chế ngự (PhậtDạy.2) (TruyềnThống.2) (CầnBiết.3) nghĩa là làm cho nó giảm bớt, không còn tăng trưởng, không còn phát triển, không còn dính mắc với sáu trần, làm cho nó không còn dính mắc sáu trần nữa, không làm theo ý muốn. Chế ngự là ngăn chặn làm cho đối phương phục tùng, làm cho kẻ khác phải đầu hàng, làm cho giảm bớt, khiến đối phương phải làm theo ý lệnh của mình.

Chế ngự các căn (TrợĐạo) Trong thân con người có sáu căn. Ở đây chỉ tìm hiểu năm căn: 1- Nhãn căn (hai con mắt); 2- Nhĩ căn (hai lỗ tai); 3- Tỷ căn (hai lỗ mũi); 4- Thiệt căn (lưỡi); 5- Thân căn (cơ thể). Chế ngự các căn là làm cho căn không chạy theo các trần bên ngoài, không bị các trần bên ngoài lôi cuốn các căn. Căn và trần không lôi cuốn, không chạy theo thì tâm Bất động hiện tiền. Muốn tu chứng đạo hãy siêng năng Chế Ngự Các Căn. Muốn chế ngự các căn có kết quả hãy tu tập các pháp môn “Chánh Niệm Tỉnh Giác”. Chánh Niệm Tỉnh Giác là một pháp môn tu tập trên Thân Hành ngoại và Thân Hành Nội tức là nương vào Thân Hành tu tập.

Chết (12Duyên) là cơ thể bị hủy diệt, tử vong, các uẩn tàn lụn, hoại diệt v.v... đó là một sự khổ mà con người không ai tránh khỏi.

Chết khổ (ĐạoĐức.2) Chết khổ là sự dừng hơi thở, nhưng trước khi dừng hơi thở thì con người phải thọ lấy những sự khổ đau tận cùng của thân và tâm. Tâm thì lo âu cho những người thân: anh, chị, em, con, cháu... lo lắng những việc làm chưa xong còn bỏ dở... nuối tiếc lúc phân ly hay rất sợ hãi trước cái chết... Còn về cơ thể bị bệnh đau nhức bất an, trăn qua, trở lại, vật vã người, mệt nhọc khó thở, v.v... cho đến khi kiệt sức mới chịu dừng hơi thở, tức là chết... Chết khổ là một sự thật hiển nhiên, nên là chân lý của con người. Do mọi người đều chấp nhận “Bệnh khổ” nên nó là chân lý.

Chi phối (PhậtDạy.1) (CầnBiết.3) là tác dụng điều khiển.

Chiếc bè sang sông (PhậtDạy.4) (CầnBiết.5) Không còn dùng nữa, cho nên đức Phật cho nó là chiếc bè sang sông. Những giáo pháp của Phật được gọi là chiếc bè sang sông là các pháp môn Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu, Định Sáng Suốt, Tứ Thần Túc. Những giáo pháp của Phật không phải chiếc bè sang sông là Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Niệm Xứ, Định Vô Lậu Sáng Suốt, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác và giới luật.

Chiêm bao (LinhHồn) là cái thức Tưởng trong thân con người hoạt động, do tưởng uẩn của chúng ta tạo ra hình ảnh của người khác. Sống với ý thức không có chiêm bao được.

Chiên Ðà La (TruyềnThống.2.2) là giai cấp cùng đinh, làm nô lệ, tôi tớ, tay sai cho người khác.

Chí nhân khổ cái khổ của người, vui cái vui của muôn loài. Cái vui này là cái vui vô lượng (TâmThư.1) Người tu sĩ Phật giáo thấy cái ác, cái khổ của người liền tìm cách khuyên ngăn đừng làm ác và giúp cho người thóat khổ, để đem lại cho người nguồn vui hạnh phúc, chứ không làm cho người khổ hoặc bơi móc chuyện xấu của nguời hoặc nói xấu hoặc nói thêu dệt, thêm bớt hoặc nói li gián, v.v... Cho nên người tu sĩ Phật giáo lấy cái vui của người và lấy cái thiện để chuyển hóa cái khổ của người để làm nguồn vui chung cho mình, cho người. Người tu sĩ Phật giáo không có cái vui riêng cho mình. Vì vui buồn đối với người tu sĩ Phật giáo chỉ là pháp vô thường nên chẳng vui cũng chẳng buồn, lúc nào thân tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự mà thôi.

Chín đức hạnh (Giới Bát Quan Trai) (ĐườngVề.9) gồm có: 1- Ðức hiếu sinh (Lòng thương yêu sự sống của muôn loài). 2- Ðức buông xả (Không gian tham trộm cắp cướp giựt, móc túi, lấy của không cho). 3- Ðức chung thủy (Không tà dâm lấy vợ người, chồng người khác). 4- Ðức thành thật (Không nói dối). 5- Ðức sáng suốt (Không uống rượu). 6- Ðức tự nhiên (Không trang điểm, đeo vòng vàng chuỗi ngọc và thoa dầu thơm). 7- Ðức trầm lặng độc cư (Không ca hát, không nghe ca hát, không gõ mõ tụng kinh, niệm Phật, niệm chú). 8- Ðức thanh bần (Không nằm giường cao rộng lớn). 9- Ðức ly dục (Không ăn uống phi thời, Không ăn uống lặt vặt, chỉ ăn ngày một bữa). Tám giới luật Phật tức là chín đức hạnh.

Chịu đựng khổ thọ (12Duyên) Khi cảm giác khổ thọ tận cùng của sức chịu đựng thì trở nên mát lạnh. Các cảm thọ là Vô Thường thì tâm không còn ưa thích và cũng không còn sợ hãi, vì thế khổ thọ đối với chúng ta không còn ý nghĩa tác dụng nên chúng ta vẫn thản nhiên, tâm bất động. Khổ thọ vẫn là pháp Vô Thường nên nó không làm gì được chúng ta. Đối với pháp Vô Thường chúng ta đừng sợ, đừng dao động tâm thì Khổ Thọ sẽ tan biến. Hãy cố gắng gan dạ chịu đựng sự đau khổ tận cùng sinh mạng mình thì Khổ Thọ sẽ tan biến. Do đó khổ thọ không còn tác động vào tâm được, tâm không còn dao động và trở nên mát lạnh, và cơ thể chỉ còn là một cái thây ma vô tri mà thôi.

Chịu thọ khổ trong cảnh địa ngục tại trần gian (GiớiĐức.1) để cho mọi người trông thấy cảnh bịnh tật, khổ đau tận cùng khi tu hành chưa đến nơi, đến chốn, bị tưởng giải mà viết dịch sai ý kinh sách khiến tín đồ Phật giáo hiểu sai kinh điển Phật giáo là tự mình phỉ báng Phật Pháp; Tăng, ni ăn uống phi thời, ngồi lều, ngồi quán; đi đứng, nói nín, oai nghi tế hạnh chẳng có; tăng, ni nam nữ chung chạ gần gũi... Tất cả những lỗi này tăng, ni phải nhiều đời nhiều kiếp đọa địa ngục và còn tái sanh làm thân súc sanh. Do thế, tất cả giới luật của Phật rất quan trọng đối với tăng, ni khi đã cắt ái ly gia, xuất gia học đạo, thì phải hết sức giữ gìn giới luật.

Chỉ nhận sự cúng dường vừa đủ (PhậtDạy.4) Ðây là lời khuyên của đức Phật đối với những đệ tử xuất gia. Khi đi khất thực thì nhận sự cúng dường vừa đủ, không nên tham nhiều, không nên đòi hỏi món này, món kia, ai cho gì ăn nấy, dở ngon không cần, chỉ ăn để sống, sống để tu hành ly dục ly ác pháp, ly tất cả dục lạc trên cõi đời này, sống trong hạnh thiểu dục tri túc để luôn luôn sống đúng phạm hạnh; không phải ăn để mập, để béo, để hưởng thụ. Phải lấy câu này làm các câu tác ý tự kỷ ám thị hằng ngày để nhắc nhở tâm ít muốn biết đủ (thiểu dục tri túc). Giới luật mới nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào; mới ly dục ly ác pháp; tâm mới thanh thản, an lạc và vô sự; nhờ đó mới chứng đạt chân lí.

Chỉ trích (Phậtdạy.3) là sự nói xấu người khác. Có ba cách: 1- Ðặt điều ra nói xấu người. 2- Bới móc chuyện xấu của người khác, để tỏ ra mình là người tốt. 3- Phê bình chỉ trích những việc làm của kẻ khác, để tỏ ra mình là người thông thái.

Chọn lựa pháp thiện (ĐườngVề.9) có hai cách: a.- Chọn lựa pháp thiện loại trừ pháp ác tức là tu tập Ðịnh Vô Lậu, mà trong kinh dạy: “Với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy trong khi ấy Trạch Pháp Giác Chi bắt đầu khởi lên”. Khi Trạch Pháp Giác Chi bắt đầu khởi lên tức là chúng ta biết rất rõ pháp nào thiện và pháp nào ác rất cụ thể, và chúng ta không còn lầm lạc nên diệt trừ các ác pháp và lòng ham muốn của mình rất dễ dàng, tức là đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm. Người muốn tu Trạch Pháp Giác Chi thì giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm tỉnh giác, ở tâm tỉnh giác đó mà Trạch Pháp Giác chi thì rất hiệu quả, có nghĩa là ngăn ác và diệt ác pháp rất dễ dàng và dùng pháp hướng tâm điều khiển không mấy khó khăn. Cho nên kinh dạy: “Trong khi ấy Trạch Pháp Giác Chi được tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn”, có nghĩa là chúng ta thường tu tập chọn lựa pháp nào thiện và loại trừ pháp nào ác và thường hướng tâm đuổi ác pháp đi thì tâm của chúng ta thanh thản, an lạc, và vô sự, nhờ tâm thanh thản an lạc và vô sự chúng ta cảm thấy sự giải thoát an lạc rất rõ ràng và cụ thể, do đó tự động chúng thích tu tập Trạch Pháp Giác Chi vì tu tập Trạch Pháp Giác Chi có lợi ích thật sự cho cuộc sống của chúng ta.

b.- Chọn lựa câu pháp thiện dùng làm pháp hướng tâm cho đúng đối tượng pháp môn của mình đang tu. Ví dụ: đang tu định Sơ Thiền mà dùng câu pháp hướng tâm “diệt âm thanh hay tịnh chỉ tầm tứ” là không đúng, mà phải dùng câu pháp hướng tâm “Tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền”. Sự lựa chọn như vậy gọi là Trạch Pháp Giác Chi. Trạch Pháp Giác Chi là sự chọn lựa một câu pháp để tâm mình huân tập sự giải thoát như ý muốn của mình trong ý nghĩa của câu ấy.

Chơn pháp (CầnBiết.1) là “Giới, Ðịnh, Tuệ”. (Như Chân pháp).

Chơn tâm (ĐườngVề.2) là sự tưởng giải của kinh sách phát triển Ấn Ðộ, ảnh hưởng Lão giáo đẻ ra thiền Ðông Ðộ. Mục đích của người tu thiền Ðông Ðộ là kiến tánh rồi khởi tu (thấy tánh rồi mới tu) tu như vậy gọi là “bảo nhậm”, giữ “ông chủ” đó là chỗ ngộ được chơn tâm rồi mới sống với nó, chứ không phải nhập chơn tâm vì đã nhập vào thì đâu còn gì phải nuôi dưỡng. Mục đích của thiền Ðông độ không phải làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi, mà chỉ nhắm vào bản thể bất biến thường hằng bốn tánh Niết bàn “thường, lạc, ngã, tịnh”. Pháp môn Thiền Ðông Ðộ không phải là Phật Pháp nên không làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Chớ có tin (ĐườngVề.1) (Có 10 điều): 1- Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, 2- Chớ có tin vì nghe theo truyền thống, 3- Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn, 4- Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, 5- Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, 6- Chớ có tin vì đúng theo một lập trường, 7- Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện, 8- Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình, 9- Chớ có tin vì nơi phát xuất có uy quyền, 10- Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Ðạo Sư của mình.

Có hân hoan nên hỷ sanh (CữSĩTu) có niềm vui thì thân được nhẹ nhàng an lạc. Khi có niềm vui thì toàn bộ thân tâm có một cảm giác thọ hỷ một cách kỳ lạ. Chỉ có người tu tập đến những trạng thái đó mới cảm nhận được, người ngoài cuộc không thể biết được.

Có hỷ, nên thân được khinh an (CữSĩTu) cơ thể ta an lạc và nhẹ nhàng như không còn trọng lượng, bước đi rất thoải mái, thân không còn đau nhức hay mệt mỏi gì cả, một trạng thái của thân an lạc vô cùng.

Có sống đạo mới vui đời (TâmThư.1) Đạo là đạo từ bi nên có nghĩa là mọi người biết thương yêu nhau thì đời mới vui. Ðạo Phật lấy giới luật đức hạnh làm cuộc sống của mình, cho nên người nào sống đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì cuộc đời họ mới có sự an vui chân thật.

Con đường Bát Chánh Ðạo (PhậtDạy.1) chia ra làm ba cấp tu tập: - Cấp I Giới Luật. Khi học hết cấp này trọn vẹn thì được “cấp bằng” Nhập Lưu (Tu Ðà Hoàn), còn chưa học hết cấp thì tùy ở sự hiểu biết, tu tập và giữ gìn giới luật được nhiều hay ít, ít thì Hướng Lưu; nhiều thì Dự Lưu. - Cấp II Tứ Thánh Ðịnh. Tu học hết cấp này trọn vẹn thì mới được “cấp bằng” Bất Lai, còn chưa trọn vẹn thì chỉ có chứng chỉ” Thất Lai (Tư Ðà Hàm) cao hơn một chút nữa thì có “chứng chỉ” Nhất Lai (A Na Hàm). - Cấp III Trí Tuệ Tam Minh. Tu học hết cấp này thì tâm vô lậu hoàn toàn được“cấp bằngNiết Bàn (A La Hán). Ba cấp tu này chia ra tám lớp học, thì tâm người ấy vô lậu hoàn toàn, chứng quả A La Hán. “Cấp bằng” cao nhất trong Ðạo Phật là Niết Bàn.

Con đường Phạm hạnh (PhậtDạy.4) sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong giới pháp, thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Mạng sống trong sạch giới hạnh đầy đủ, thủ hộ các căn, chánh niệm, tỉnh giác và biết tri túc.

Con đường trung đạo (12Duyên) là con đường vượt ra khỏi hai cực đoan, gồm có 12 nhân duyên: Từ duyên Vô Minh khởi nên duyên Hành khởi. Từ duyên Hành khởi nên duyên Thức khởi. Từ duyên Thức khởi nên duyên Danh Sắc khởi. Từ duyên Danh Sắc khởi nên duyên Lục Nhập khởi. Từ duyên Lục Nhập khởi nên duyên Xúc khởi. Từ duyên Xúc khởi nên duyên Thọ khởi. Từ duyên Thọ khởi nên duyên ÁI khởi. Từ duyên ÁI khởi nên duyên Hữu khởi. Từ duyên Hữu khởi nên duyên Thủ khởi. Từ duyên Thủ khởi nên duyên Sinh khởi. Từ duyên Sinh khởi nên duyên Ưu Bi, Sầu Khổ, Bệnh Tử khởi. Từ duyên Ưu Bi, Sầu Khổ, Bệnh Tử khởi nên duyên Vô Minh khởi. (là toàn bộ khổ uẩn theo 12 duyên tập khởi).

Con đường tu học của Phật giáo (TâmThư.1) có ba chặng: Chặng đầu gọi là Giới, chặng giữa gọi là Ðịnh, Chặng cuối cùng gọi là Tuệ.

Con đường tu tập giải thoát (Tạoduyên) theo những lời dạy của Phật Sakya Gotama trong các kinh nguyên thủy chữ Pali.

Con đường tu tập theo Phật (Phậtdạy.3) phải trải qua ba giai đoạn: 1- Giai đoạn thứ nhất: “Ðể chứng đạt những gì chưa chứng đạt (Ly dục ly ác pháp)”. 2- Giai đoạn thứ hai: “Ðể chứng đắc những gì chưa chứng đắc (Nhập Bốn Thiền)”. 3- Giai đoạn thứ ba: “Ðể chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ (Thông suốt Tam Minh)”.

Con ngựa chưa thuần thục (CầnBiết.3) có nghĩa thân tâm còn tham, sân, si, mạn, nghi, còn chưa ly dục ly ác pháp. Khi tâm còn tham, sân, si, mạn, nghi, chưa ly dục ly ác pháp thì đừng có tu thiền định, vì có tu thiền định cũng chỉ mất công phí sức chẳng bao giờ nhập được định, bởi vì nền tảng tu thiền định của Đạo Phật là Giới luật. Có nền tảng giới luật thì tu thiền định mới bảo đảm. Tâm phải thanh tịnh ly dục ly ác pháp thì mới nên tu tập thiền định.

Con ngựa thuần thục (PhậtDạy.1) (CầnBiết.3) là chỉ cho tâm đã ly dục ly ác pháp, tâm đã lìa tham, sân, si, mạn, nghi. Khi tâm đã ly dục ly ác pháp thì lúc bây giờ chúng ta mới tu tập Thiền định. Cho nên Đức Phật dạy: “Hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục”. Thân tâm đã thuần thục trong giới luật thì tâm định tỉnh nhu nhuyến dễ sử dụng. Lúc bấy giờ chúng ta mới bắt đầu tu tập Thiền Định. Nền tảng thiền định của Ðạo Phật là giới luật mà giới luật thì phải nghiêm chỉnh; giới luật có nghiêm chỉnh thì tâm mới ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Lúc bấy giờ, chúng ta mới bắt đầu tu tập Thiền Ðịnh. Tu như vậy mới đúng như lời Phật dạy.

Con người của nhân quả (PhậtDạy.4) là con người của tham, sân, si. Con người tham, sân, si là con người đau khổ.

Con người phi thường (MuốnChứngĐạo) Có ba phi thường: - Phi thường thứ nhất: làm chủ sinh, già, bệnh, chết. - Phi thường thứ hai: có ba trí tuệ siêu việt. - Phi thường thứ ba: tâm luôn bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.

Cõi A Tu La (ĐườngVề.5) (Đường Về.7) (CầnBiết.2) là trạng thái tâm sân. Trong trạng thái tâm này khi còn đang sống, cũng như lúc sắp lâm chung đã xác định hướng đi rõ ràng của người này khi tiếp tục tái sanh. Ðó là một điều xác định sáu nẻo luân hồi rất khoa học, thực tế và cụ thể của đạo Phật. Chúng ta nên căn cứ vào việc làm thiện hay ác của con người mà xác định được nẻo luân hồi của họ ở kiếp sau, chứ không phải hơi ấm trên thân người. Cõi Atula (Theo kinh sách Nguyên Thủy) là những người hay sân hận, giận dữ, chuyên môn đi đánh lộn, không biết nhường nhịn và nhẫn nhục ai cả, chỉ biết la hét đánh đập với nhau. Cõi Atula (theo kinh sách Nguyên Thủy) là chỉ cho những người bản chất nóng nảy sân hận, giận dữ chuyên đánh đấu đá với nhau. Kinh Nguyên Thủy thường nhắc đến vua Atula đem quân đánh Trời Ðế Thích, đó là chỉ cho những hạng người chuyên môn đi đánh cướp nước người, giết hại sanh linh. Cõi Atula (theo Phật giáo phát triển) nếu ở cõi Người sanh tâm làm ác, thường giận dữ, thích đánh đá, đến khi lìa bỏ thân người linh hồn ấy tiếp tục (nghiệp lực ác) tái sanh vào cõi Atula. Một Ngạ quỷ biết bố thí, biết san sẻ nhưng không từ bỏ những tâm sân, dữ tợn thì đến khi chết sanh vào cõi giới Atula.

Cõi Ðịa Ngục (ĐườngVề.5) (Đường Về.7) (CầnBiết.2) (Theo kinh sách Nguyên Thủy) là trạng thái thân tâm đau khổ, ê ẩm nhức nhối, phiền não, bất an, bất toại nguyện, v.v... Trong trạng thái tâm này khi còn đang sống, cũng như lúc sắp lâm chung đã xác định hướng đi rõ ràng của người này khi tiếp tục tái sanh. Cõi Ðịa ngục là những người đang bệnh đau, đang khổ sở rên la trên giường bệnh, chúng ta hãy đến nơi các bệnh viện nơi đó là Ðịa ngục của những người bệnh tật trầm kha kinh niên, quanh năm suốt tháng đau nhức chỗ này chỗ kia, khổ sở vô cùng hoặc nằm trên giường bệnh suốt nhiều năm tháng, chết không chết, sống không sống, đại tiểu tiện một chỗ, chịu hôi chịu thối của chính bản thân mình, v.v... Thật là đầu đội chậu máu, đít ngồi bàn chông. Cõi Ðịa ngục (theo Phật giáo phát triển) Ngạ quỷ đang sống trong cảnh giới Ngạ quỷ mà tính tình hung dữ, thường làm nhiều điều tội ác, sát hại chúng sanh để ăn thịt, ích kỷ bỏn sẻn không từ bỏ thì Ngạ quỷ đến khi chết sanh vào cảnh giới Ðịa ngục, tức là thân tâm và cuộc sống của họ thường phải chịu nhiều khổ đau như: tù tội, giam cầm, gông cùm, tra tấn, đánh đập, v.v….

Cõi Ngạ quỷ (ĐườngVề.5) (Đường Về.7) (CầnBiết.2) (Theo kinh sách Nguyên Thủy) Ngạ quỷ là những người nghèo đói, khổ sở không có cơm ăn, áo mặc. Cõi Ngạ quỷ (theo kinh sách Nguyên Thủy) là chỉ cho những người sống trong cảnh đói khổ thiếu trước hụt sau mọi mặt, muốn ăn không có mà ăn, muốn ăn mà ăn không được. Cho nên, kinh thường diễn tả một Ngạ quỷ bụng to như trống chầu mà cổ nhỏ như cây kim vì thế đói khát mà ăn uống chẳng được nên gọi là Ngạ quỷ. Trong trạng thái tâm này khi còn đang sống, cũng như lúc sắp lâm chung đã xác định hướng đi rõ ràng của người này khi tiếp tục tái sanh. Ðó là một điều xác định sáu nẻo luân hồi rất khoa học, thực tế và cụ thể của đạo Phật. Chúng ta nên căn cứ vào việc làm thiện hay ác của con người mà xác định được nẻo luân hồi của họ ở kiếp sau. Cõi Ngạ quỷ (theo Phật giáo phát triển) Nếu một Atula tâm thường giận dữ, ích kỷ, bỏn xẻn, hà tiện không dám tiêu xài, không dám bố thí cho những người bất hạnh. Sau khi Atula này chết bỏ thân tái sanh làm thân Ngạ quỷ. Ðời sống Ngạ quỷ thường đói khổ, muốn ăn không có mà ăn hoặc muốn ăn mà không ăn được; muốn uống không có mà uống hoặc có mà không uống được.

Cõi Người (ĐườngVề.5) (Đường Về.7) (CầnBiết.2) (Theo kinh sách Nguyên Thủy) Cõi Người là cõi những người đang sống đúng năm điều lành không hề phạm phải, còn những người sống không đúng năm điều lành này là cõi khác chứ không phải cõi người. Cõi Người là trạng thái tâm Năm giới còn ý thức dục, trong trạng thái tâm này khi còn đang sống, cũng như lúc sắp lâm chung đã xác định hướng đi rõ ràng của người này khi tiếp tục tái sanh. Ðó là một điều xác định sáu nẻo luân hồi rất khoa học, thực tế và cụ thể của đạo Phật. Chúng ta nên căn cứ vào việc làm thiện hay ác của con người mà xác định được nẻo luân hồi của họ ở kiếp sau. Ở cõi Người, con người có thiện, có ác, có dục, có ái, có thương, có ghét, v.v... đó là những con người sống một đời sống bình thường nên có vui, có buồn, có bệnh tật, tai nạn, có phiền não khổ đau, có bất toại nguyện, có rầu lo sợ hãi, nhưng lại biết buông xả nhẹ nhàng nên vẫn thấy có hạnh phúc. Tuy cơm ăn áo mặc đầy đủ, không thiếu trước hụt sau, nhưng vì là đời sống con người nên không thể tránh khỏi luật nhân quả chi phối. Cõi Người (theo Phật giáo phát triển) Các chư Thiên hưởng phước báo, nhưng lại sanh lòng dục, tạo ác pháp, chờ hưởng hết phước báo cõi Trời thì các vị Trời ấy sẽ chết và phải đọa làm thân Người nghĩa là Chư Thiên chết sanh làm người do dục và ác pháp. Các Atula mà biết làm thiện ít giận hờn, không đánh đá ai hết đến khi chết sẽ được sanh làm Người. Ngạ quỷ mà biết bố thí và biết san sẻ, không giận dữ, biết ngăn ngừa các ác pháp, biết không làm khổ mình, khổ người thì từ một Ngạ quỷ sau chết được sanh vào cõi Người.

Cõi Súc Sanh (ĐườngVề.5) (Đường Về.7) (CầnBiết.2) (Theo kinh sách Nguyên Thủy) là trạng thái thân tâm ích kỷ, nhỏ mọn, hẹp hòi, bẩn thỉu, ăn uống đồ bất tịnh, hôi thối, rượu chè say sưa quậy phá, v.v... Trong trạng thái tâm này khi còn đang sống, cũng như lúc sắp lâm chung đã xác định hướng đi rõ ràng của người này khi tiếp tục tái sanh. Ðó là một điều xác định sáu nẻo luân hồi rất khoa học, thực tế và cụ thể của đạo Phật. Chúng ta nên căn cứ vào việc làm thiện hay ác của con người mà xác định được nẻo luân hồi của họ ở kiếp sau. Cõi súc sanh có hai phần: - Phần thứ nhất là chỉ cho những con người mang hình dáng con người mà tâm địa súc sanh. - Phần thứ hai là chỉ cho các loài vật chúng sanh hiện có mặt trên hành tinh này. Súc sanh gồm có những con người tuy mang hình người mà bản chất sống như loài thú vật, họ chẳng hề sống có một chút đạo đức làm người nào cả, cho nên, dưới đôi mắt của đức Phật, những người này là súc sanh (động vật), và các loài thú vật. Cõi súc sanh (theo Phật giáo phát triển) là những loài động vật đang sống quanh ta trong thế giới hiện hữu này, chứ không có cõi nào khác nữa cả.

Cõi Trời (CầnBiết.2) là trạng thái tâm Thập thiện, còn tưởng thức dục. Trong trạng thái tâm này khi còn đang sống, cũng như lúc sắp lâm chung đã xác định hướng đi rõ ràng của người này khi tiếp tục tái sanh. Ðó là một điều xác định sáu nẻo luân hồi rất khoa học, thực tế và cụ thể của đạo Phật. Chúng ta nên căn cứ vào việc làm thiện hay ác của con người mà xác định được nẻo luân hồi của họ ở kiếp sau, chứ không phải hơi ấm trên thân người.

Cõi Trời (ĐườngVề.3) (ĐườngVề.5) (Đường Về.7) (Theo kinh sách Nguyên Thủy) là chỉ cho những người đang sống đúng trong mười điều lành, tâm hồn của họ thường thanh thản, an lạc và vô sự, không làm khổ mình, khổ người, không làm điều ác, toàn làm điều thiện. Ðó là những bậc chân tu, thạc đức đang sống trầm lặng, sống với trí tuệ nhân quả, sống với tâm hồn tha thứ và thương yêu mọi loài chúng sanh. Cõi Trời tức là nói đến hành động thiện của con người, chứ không phải nói đến thế giới siêu hình. Ðức Phật nói: “Ta đến cõi Phạm Thiên như duỗi cánh tay”. Lời nói này phải hiểu cõi Phạm Thiên là một trạng thái, một từ trường thiện vô dục. Kinh sách Phật đã xác định rõ ràng: “Bốn trạng thái Tứ Thánh Ðịnh là bốn trạng thái cõi Trời”: 1- Sơ Thiền Thiên, 2- Nhị Thiền Thiên, 3- Tam Thiền Thiên, 4- Tứ Thiền Thiên. Cõi Trời (ĐườngVề.5) (theo Phật giáo phát triển) ở cõi Trời, chư Thiên hưởng phước báo do nhờ ở cõi thế gian, con người làm thiện, ít ham muốn, đến khi chết sẽ được sanh vào. Hoặc những Atula làm thiện, ít dục, không giận dữ, không đánh đập, không làm khổ mình, khổ người thì đến khi chết sẽ được sanh vào cõi Trời. Ngạ quỷ mà sống toàn thiện, không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì đến khi chết họ cũng được sanh vào cõi Trời.

Cõi Trời Ðâu Xuất (ĐườngVề.9) trong không gian chúng ta có 33 từ trường thiện (33 cõi Trời) muốn tương ưng với từ trường nào đó thì đức Phật nhập vào trạng thái từ trường đó ở tâm mình thì bắt gặp ngay liền từ trường thiện đó. Từ trường thiện đó không phải linh hồn của người chết. Xin đừng hiểu sai lệch, vì không có ngôn ngữ nên chúng tôi không thể giải thích mà chỉ tạm dùng danh từ “TỪ TRƯỜNG” chứ chưa được đúng lắm. Trong khoảng không gian trên hành tinh của chúng ta là một môi trường sống, có nhiều từ trường thiện và ác. Những từ trường ác theo nghiệp ác hợp thành thế giới khổ đau (sắc giới, dục giới và vô sắc giới), còn từ trường thiện theo nghiệp thiện nên không hợp thành thế giới được vì là một từ trường đơn điệu. Muốn thành một cõi giới thì phải có một sự hợp thành, không có một sự hợp thành thì không có cõi giới. Thế giới chúng ta đang sống mà đức Phật đã xác định là thế giới duyên hợp, do 12 nhân duyên hợp lại mà tạo thành thế giới này. Vì thế, một từ trường đơn điệu không thể tạo thành một thế giới được.