Kính gửi: Bác Đức Thông.
Kính thưa bác! Khi đọc xong bài: “Tìm Hiểu - Cơ Chế - Tâm Sinh Lý - Học Thiền - Đến Trí Tuệ” thì Diệu Quang xin thành thật góp ý với Bác, nhưng không biết Bác có vui lòng nghe sự thành thật góp ý này không?
Khi đọc xong bài “Tìm Hiểu - Cơ Chế – Tâm Sinh Lý...” Diệu Quang có một cảm tưởng Bác là một bác sĩ Đông y đang nghiên cứu những vị thuốc thiền mà xưa nay đã có nhiều vị bác sĩ Tây y, Đông y đã phối hợp thành một toa thuốc đặc trị có nhiều vị thuốc, bây giờ Bác lại thêm một vị thuốc y học mooc – phin nữa.
Vào câu đầu Bác giới thiệu nghe rất hay: “Thực ra, thiền là một diễn biến tâm linh, sống động, liên tục; hồn nhiên, không có kỹ thuật, không chia thành những giai đoạn tách bạch rõ rệt và vô cầu”. Nếu một người đã từng hiểu biết và nhập các loại thiền định thì câu giới thiệu thiền của Bác họ sẽ biết ngay Bác là một học giả thiền. Bởi vì, thiền định là một sự bất động của thân tâm con người, cho nên sự bất động của thân tâm có từng phần. Mỗi phần trong thân tâm bất động là một loại thiền định, chứ không theo như bài luận thiền của Bác. Sự bất động trong thiền hữu sắc gồm có:
1. Bất động ý thức uẩn nhập Sơ Thiền.
2. Bất động sắc uẩn nhập Nhị Thiền.
3. Bất động tưởng uẩn Tam Thiền.
4. Bất động thọ uẩn và hành uẩn nhập Tứ Thiền.
Muốn cho sự bất động này để nhập các định thì hành giả phải có Tứ Thần Túc, nếu không có Tứ Thần Túc thì không bao giờ có ai bất động được thân ngũ uẩn. Không bất động được thân ngũ uẩn thì không bao giờ nhập được Bốn Thánh Định. Trên đây là thiền định của Phật giáo (Tứ Thánh Định), nếu muốn nhập các định này thì phải có đủ năng lực Định Thần Túc như trên đã nói. Phần này Diệu Quang xin giải thích sau nếu có dịp.
Đọc bài luận thiền của Bác: “Thiền là một diễn biến tâm linh, sống động, liên tục; hồn nhiên, không có kỹ thuật, không chia thành những giai đoạn tách bạch, rõ rệt và vô cầu”. Như những lời luận thiền trên thì đây là thiền tưởng của Đại Thừa, Đông Độ, Yoga v.v... Tâm linh, sống động tức là 18 loại hỷ tưởng xuất hiện mà từ lâu các Tổ sư Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam đã chịu ảnh hưởng kinh sách Vệ Đà của Bà La Môn giáo mà dạy về thiền này.
Thiền của Phật không có điều thân, điều tức, điều tâm, mà chỉ có ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng thiện pháp, như Ni sư Dhammadinna nói: “Này Hiền giả Visakha, Bốn Tinh Cần là định tư cụ”. Ngồi kiết già đối với đạo Phật là một tư thế ngồi bình thường của một người tu sĩ Phật giáo, chứ không phải ngồi kiết già là điều thân. Đối với Phật giáo, ngồi kiết già không phải là vấn đề quan trọng, ngồi được cũng tốt, ngồi không được thì ngồi trong tư thế khác cũng được, chứ không có bắt buộc ngồi kiết già. Trong Bát Chánh Đạo không có nói ngồi kiết già. Cho nên ai ngồi được kiết già cũng tốt, ngồi không được, ngồi tư thế khác cũng không sao. Trong Bát Chánh Đạo chỉ có phân biệt chánh và tà. Chánh và tà là điều quan trọng nhất con đường tu tập của Phật giáo. Chánh là thiện pháp, là không còn tham, sân, si. Còn tà là ác pháp, là còn tham, sân, si. Chỗ này là chỗ tu tập giải thoát ngay liền, chứ không phải chỗ điều thân, điều tức, điều tâm. Vì điều thân, điều tức, điều tâm không có giải thoát ngay liền. Đức Phật dạy: “Đạo Ta đến để mà thấy không có thời gian...”
Pháp môn Định Niệm Hơi Thở, đức Phật không có dạy điều tức (hơi thở) mà chỉ dạy tác ý theo hơi thở để an trú tâm trong hơi thở. An trú tâm trong hơi thở là để khắc phục những tham ưu trên thân hay nói cách khác cho dễ hiểu hơn là để đẩy lui những bệnh khổ trong thân (cảm thọ) “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” hoặc là để đẩy lui tâm tham, sân, si. “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”. Cho nên đạo Phật không có dạy điều hơi thở, xin các bạn hãy lưu ý để các bạn sẽ không tu sai lạc vào thiền ức chế tâm bằng hơi thở như xưa nay các Tổ Sư đã dạy.
Pháp Thân Hành Niệm không phải là pháp môn điều thân mà là pháp môn dùng thân niệm tác ý tu tập tỉnh thức và tạo thành ý thức lực, để luôn luôn sống và bảo vệ Chánh niệm nên thường đẩy lui các Tà niệm tham, sân, si. Cho nên pháp môn Thân Hành Niệm là pháp môn tu tập để có Tứ Thần Túc và đầy đủ mười Như Lai lực. Pháp môn Tứ Niệm Xứ không phải là pháp môn điều tâm mà là một pháp môn để hộ trì chân lí. Cho nên Tứ Niệm Xứ là pháp môn tu tập để khắc phục mọi ưu phiền trên thân, thọ, tâm, pháp như trong kinh dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu; trên tâm quán tâm… trên thọ quán thọ… trên pháp quán pháp... Để khắc phục tham ưu ở đời”… Như vậy pháp môn Tứ Niệm Xứ không phải là pháp môn điều tâm như trên đã nói. Xin các bạn lưu ý để tránh khỏi sự tu sai lạc. Cho nên thiền của Phật giáo không có điều thân, điều tức (hơi thở), điều tâm.
Trong kinh Nguyên Thủy dạy cắn chặt răng, uốn lưỡi cong để chạm lên hàm ếch là khi có những ác pháp tấn công vào thân tâm quá mạnh khiến cho đau đớn khôn cùng thì phải dùng tư thế này để giữ gìn tâm bất động, để đẩy lui các ác pháp đó ra khỏi thân tâm. Chứ không phải đó là điều thân như Đại Thừa và Thiền Đông Độ dạy.
Đạo Phật không có dùng hơi thở tập trung tâm để loại bỏ mọi tạp niệm mà dùng hơi thở để loại trừ tham, sân, si, và bệnh khổ “Quán ly tham tối biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra” hoặc khi thân bị đau bệnh thì dùng hơi thở : “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” hoặc phá tâm si tức là khi bị hôn trầm, thùy miên và vô ký thì: “Quán tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, quán tâm định tỉnh tối biết tôi thở ra”. Như trên đã dạy. Hơi thở không phải là chìa khóa vàng giúp cho hành giả luôn tỉnh giác, mà hơi thở chỉ là lỗ châu mai để cho hành giả núp vào đó để đẩy lui các ác pháp “quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”.
Như trên đã nói thiền của Phật giáo không có điều tâm, không có gom tâm, không có hóa niệm, không có thân vong - tâm hư, không có tuyệt mạng, tuyệt thể. Thiền của Phật giáo khi hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ thì với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản thì dẫn tâm nhập thiền định không có khó khăn, không có phí sức, không có mệt nhọc. Tại sao đức Phật lại nói như vậy? Khi tu tập Tứ Niệm Xứ làm cho sung mãn thân, thọ, tâm, và pháp. Khi thân, thọ, tâm, và pháp sung mãn thì Tứ Thần Túc xuất hiện như những dụng cụ để nhập các loại thiền định. Người tu thiền mà chưa xuất hiện những dụng cụ Thần Túc này thì không bao giờ nhập được chánh định, nếu có nhập được cũng chỉ nhập tà định tức là định tưởng.
Cứ dựa theo bài của Bác viết trong tài liệu này thì tu thiền là phải điều thân, điều tức, điều tâm, nhưng điều thân, điều tức, điều tâm thì không đúng cách thức tu thiền định của Phật giáo. Điều thân, điều tức, điều tâm đó là cách thức tu tập để nhập vào tà thiền của ngoại đạo. Cho nên điều thân, điều tức, điều tâm là phương pháp ức chế thân tâm để đạt chất lượng không niệm khởi.
Kính thưa các bạn! Thiền Phật giáo chỉ có xả tâm ly dục ly ác pháp để cho tâm không còn tham, sân, si. Tâm không còn tham, sân, si, là mục đích của đạo Phật đã đạt. Mục đích của đạo Phật đã đạt là chỗ tâm bất động tâm trước các ác pháp và các cảm thọ. Cho nên người tu sĩ Phật giáo sống rất bình thường như mọi người, nhưng không ai làm cho họ tham, sân, si được, và không bệnh tật nào làm cho họ dao động tâm được. Đời sống của họ lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Tu tập họ không cần phải điều thân, điều tức, điều tâm, họ không cần có cái trí tuệ “nhất nguyên” tuyệt đối, mang tính xuất thế, vô sai biệt, vô ngã.”
Phật giáo chỉ dạy cho mọi người biết cách tu tập thiền định là thường ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp, để cuối cùng tham, sân, si không còn nữa. Có tu tập được như vậy thì người tu sĩ Phật giáo đã chứng đạt chân lí giải thoát hoàn toàn, họ không còn mơ ước gì hơn nữa. Cho nên nhập thiền, nhập định họ chẳng cần những điều này.
Khi một người tâm đã không còn tham, sân, si, thì tâm họ rất định tĩnh, nhu nhuyến và dễ sử dụng. Khi tâm họ định tĩnh, nhu nhuyến và dễ sử dụng thì họ nhập thiền định không có khó khăn, không có mệt nhọc, như lấy đồ trong túi. Cho nên nhập thiền định của đạo Phật không quan trọng.
Khi tâm chưa hết tham, sân, si mà điều thân, điều tức, điều tâm để nhập thiền định thì Phật giáo không có dạy điều này. Phật giáo dạy khi chúng ta muốn tu hành thì đầu tiên chúng ta chọn một vị thầy tu chứng đạt chân lí, giới luật phải sống nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Khi chọn được một vị thầy như vậy thì nên thân cận thưa hỏi. Nhờ thân cận thưa hỏi, vị Thầy đó chỉ dạy cho các bạn hiểu biết chân lí tức là giác ngộ chân lí; khi giác ngộ chân lí xong, vị thầy ấy chỉ cho các bạn cách thức hộ trì chân lí. Khi chân lí được hộ trì đúng cách thì chúng ta chứng đạt được chân lí; khi chứng đạt được chân lí thì tâm các bạn đã đoạn diệt tham, sân, si. Tham, sân, si đã đoạn diệt thì tâm các bạn định tĩnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng. Lúc bấy giờ các bạn mới có đủ Tứ Thần Túc. Nhờ có Tứ Thần Túc các bạn mới nói đến chuyện nhập thiền, nhập định. Như vậy sự nhập thiền định của Phật không có liên quan đến vấn đề điều thân, điều tức, điều tâm. Phải không các bạn? Cho nên thân tâm của họ không bị ức chế, vỏ não xám không bị ức chế. Không bị ức chế thì không bị hưng phấn. Không bị hưng phấn thì sự sống của họ bình thường như mọi người khác, nhưng rất phi thường vì thân tâm họ bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.
Như Bác viết trong bài này: “Điều tức do ức chế được hô hấp là đã ức chế được thần kinh thực vật. Dây thần kinh phế vị hồn nhiên được ức chế đã làm cho sự hoạt động của tạng phủ phổi dạ dày ruột... giảm dần sự hoạt động. Việc tiêu thụ oxy khi ấy xuống rất thấp đã kéo theo sự giảm dần toàn bộ sự hoạt động toàn thể của tạng phủ, tim, não và hệ vận động đi sâu vào trạng thái đồng đẳng”. Thiền định của đạo Phật không có tu tập những điều này. Chỉ khi cần muốn nhập định nào thì ra lệnh tác ý câu trạch pháp của thiền định đó, tức khắc thân tâm làm theo lệnh và nhập định.
Ví dụ: muốn nhập Nhị Thiền thì ra lệnh: “Thân tâm phải diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền” lúc bấy giờ sáu căn ngưng hoạt động, liền đó thân tâm nhập vào Nhị Thiền, chứ không có nghĩa là điều thân, điều tức, điều tâm để diệt tầm tứ rồi mới nhập Nhị Thiền. Nhập thiền định mà nhập theo kiểu ức chế là sai, là không đúng theo thiền định Phật giáo. Và như vậy không bao giờ nhập Nhị Thiền được.
Trong Định Niệm Hơi Thở của Phật giáo không có dạy dùng hơi thở để nhập các định. Mà Định Niệm Hơi Thở chỉ dùng hơi thở để ly tham, sân, si và các ác pháp như trên đã nói: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tối biết tôi thở ra”. Hơi thở của đạo Phật không giống hơi thở của Bác đang luận:
“Chúng ta trở lại hơi thở trong trường hợp sợ hãi, tức giận nhịp tim tăng nhanh, nhịp thở gấp, người ta không thể sáng suốt, minh mẫn. Người ta chỉ có thể tỉnh táo, sáng suốt khi thân, tâm được thăng bằng, thở điều hoà, từ nhận thức này, từ hàng ngàn năm nay, ở Ấn Độ cũng như ở Trung Quốc, môn Yoga, Khí công, dưỡng sinh luyện đan, tu tập trường sinh bất lão chủ yếu đều tập trung vào hơi thở. Các phương pháp thở tùy theo truyền thống của từng nước, từng môn phái… chủ yếu vẫn là “THỞ” tập như thế nào để làm cho hơi thở chậm lại, “QUY TỨC” (thở như rùa, ba ba, đồi mồi có thể không thở trong 72 giờ). Sau đó là kết hợp luyện hình, luyện ý theo ba yếu tố chủ chốt, TINH, KHÍ, THẦN, luyện TINH hóa KHÍ, KHÍ hóa THẦN, luyện THẦN hóa HƯ, luyện HƯ hợp ĐẠO. Luyện THẦN đến chỗ hoàn HƯ có nghĩa là dẫn tâm đến chỗ “CHÂN KHÔNG” hay còn gọi là TỊNH TÂM VÔ THỨC. Người mà luyện được tới chỗ “THẦN HOÀN HƯ” thì có nhiều khả năng sống lâu và có trí tuệ. Việc luyện linh đan đã hoàn tất tức luyện HƯ hợp ĐẠO.”
Đoạn luận trên đây của Bác dùng hơi thở để dung hóa các pháp môn Phật, Lão, Yoga, Bà La Môn v.v… Từ chỗ thiền Phật giáo để trở thành thiền luyện Tinh, Khí, Thần của Tiên đạo. Đó là một hòa đồng pháp môn mà người sau kiến giải dung hóa thành lập ra. Bây giờ Bác cũng nhẫm lại lối mòn đó. (Hòa đồng Tôn giáo theo kiểu Thông Thiên học)
Theo Diệu Quang hiểu biết thì thiền của Phật giáo không giống một thứ thiền nào của các tôn giáo khác, và cũng không có ai có thể dung hoà được thiền của Phật giáo với các thứ thiền khác được. Vì thiền định của Phật giáo là một pháp môn thiền độc nhất không có một thứ thiền nào giống được. Cho nên thiền định của Phật giáo không phải là một pháp môn tu tập như các pháp môn thiền của các tôn giáo khác. Thiền của Phật giáo là một chương trình giáo dục đào tạo con người sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Một chương trình có bài vở hẳn hoi, có phần lý thuyết học tập, có phần thực hành tu tập để sống trở thành một thói quen đạo đức làm Người, làm Thánh rõ ràng cụ thể.
Bởi vậy mục đích của đạo Phật không luyện THẦN đến chỗ HOÀN HƯ, không dẫn tâm đến chỗ “CHÂN KHÔNG” như Tiên Đạo và Đại Thừa. Tiên Đạo và Đại Thừa khéo tưởng tượng pháp, tu tập trong tưởng, sống trong tưởng. Còn riêng đạo Phật sống như thật, không mơ mộng những điều cao siêu ảo tưởng, chỉ có một mục đích là bất động tâm trước các ác pháp và các cảm thọ. Cho nên muốn sống được như vậy thì phải biết sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai, đó là giải thoát, là thiền định của Phật giáo, đấy các bạn ạ!
Bốn thiền và Tam minh không phải là mục đích của đạo Phật, nó chỉ là một năng lực của đạo đức nhân bản - nhân quả làm người, khi người ấy sống trọn vẹn với đạo đức thì những năng lực này sẽ xuất hiện. Vì thế, Bốn thiền và Tam minh đối với Phật giáo nó không có quan trọng. Khi tâm lìa tham, sân, si, tâm định tĩnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng thì đức Phật dạy: “Nhập Bốn thiền và Tam minh không có khó khăn, không có mệt nhọc”.
Kính thưa Bác! Diệu Quang đọc bài luận về thiền của Bác viết, Diệu Quang rất lo lắng: “Nếu mọi người cứ hiểu thiền của Phật như bài luận của Bác thì tự nó đã dìm thiền Phật giáo mất. Như vậy về sau còn ai biết thiền của Phật giáo nữa”. Thiền của Phật giáo là đạo đức của mọi người, lợi ích cho mọi người, đúng căn cơ của con người, chứ không phải như thiền của Bác viết. Thiền của Bác là thiền của những bậc đạo sĩ luyện Tinh, Khí, Thần để trở về với Chân Không Bản Thể. Những loại thiền này chỉ dành riêng cho những bậc cao siêu, còn những người bình thường phàm phu làm sao tu tập nổi, nếu có tu cũng trở thành điên khùng như một số người hiện giờ mà Diệu Quang đã chứng kiến. Cho nên thiền này chỉ nói suông nghe chơi, chứ không phổ cập cho loài người được, vì chẳng lợi ích thiết thực cho đời sống của con người, và con người căn cơ thấp kém không phù hợp với những loại thiền này.
Kính thưa Bác! Từ khi có những loại thiền này có mấy người đã chứng được nó? Có người nào luyện Tinh, Khí, Thần mà sống được 1000 tuổi chưa?
Kinh sách viết về thiền này quá nhiều, biết bao nhiêu giấy mực của thế gian mà có lợi ích gì cho ai, con người khổ cũng vẫn khổ như thường. Có đúng không thưa Bác?
Đối với đạo Phật, thiền là đạo đức làm người, làm Thánh, chứ không phải luyện Tinh, Khí, Thần, thiền không phải là khoa học, y học, vật lý học như trong bài viết Bác đã luận. Theo như bài viết của Bác đã luận: “Đến đây chúng ta có thể nhận xét sơ bộ, nếu nhận xét trên đây là có thể chấp nhận:
- Moóc phin nội sinh là do cơ thể tiết ra nên không gây nghiện.
- Moóc phin chỉ tiết ra trong trường hợp châm tê ngoại khoa và châm để làm giảm đau trong điều trị nội khoa, sản khoa.
- Có thể moóc phin nội sinh chỉ tiết ra trong khi nhập thiền sâu xa (hiện chưa có nghiên cứu nào). Nhập thiền càng sâu này độ moóc phin nội sinh càng tỏa lan.
- Niềm an lạc do moóc phin sinh đem lại cho hành giả thực hành thiền quán thuần thành là không thể nào hình dung nổi đối với tâm trí thế tục; và không một sự khoái lạc thế tục nào sánh nổi. Đó là chắc chắn; trí tuệ và thần thông đến là điều tự nhiên do “nhập định sâu xa nhu nhuyến dễ sử dụng, lâu dài… tuyệt nhiên không phải do lòng cầu mong thế tục”.
Kính thưa các bạn! Theo Diệu Quang nghĩ: “Thiền là thiền, thiền không thể là khoa học, y học, vật lý học. Cái lầm lạc của những người trí thức là hay tổng hợp, lấy khoa học, y học, vật lý học, để minh chứng cho thiền định và lấy thiền định lồng trong y học, vật lý học, khoa học để bảo rằng thiền định là một sự thật không hư tưởng”.
Kính thưa các bạn! Thiền định là thiền định; khoa học, y hoc, vật lý học là khoa học, y học, vật lý học, chứ không phải là thiền định; thiền định cũng không phải là khoa học, y học, vật lý học xin các bạn lưu ý cho.
Nói đến thiền định là nói đến Tôn giáo; tôn giáo là một chân lí của loài người, ngoài chân lí của con người đi tìm tôn giáo thì tôn giáo ấy là tôn giáo ảo tưởng. Còn chân lí của loài người là tôn giáo thì tôn giáo ấy mới thật sự là tôn giáo của con người; tôn giáo không phải là chân lí của loài người là tôn giáo tưởng tri, do con người tưởng ra Thánh khải hay Cơ bút giáng. Cho nên tôn giáo là đạo đức của loài người. Đạo đức của loài người là tôn giáo và như vậy tôn giáo ấy mới thật sự là lợi ích của loài người.
Ở đây Bác và mọi người trí thức khác đều chưa phải là những người đã chứng đạt chân lí; chưa phải là những người nếm mùi vị thiền định, nên khi viết ra sợ mọi người không tin thiền định mình viết, mình đang hiểu biết và đang tu học, nên dựa theo lý giải của khoa học, y học và vật lý học để lồng ghép vào thiền định khiến cho mọi người chưa biết thiền định đều tin theo bài viết của mình là thiền như thật.
Đức Phật đã hiểu biết những điều này nên Ngài đã răn nhắc chúng ta: “Đừng có tin! Đừng có tin! Và đừng có tin!!! … Chỉ có đạo đức mới đem lại sự lợi ích cho mình, cho người thì nên tin”.
Đã lâu Diệu Quang nhận được bản dịch Việt ngữ tập sách “THE TAO OF PHYSICS” của tác giả FRITJOF CAPRA do Nhà Khoa học Vật lý Nguyễn Tường Bách biên dịch: “ĐẠO CỦA VẬT LÝ” đã tóm lược vật lý khoa học lồng vào đạo học như sau: “Đặc trưng của nền vật lý hiện đại của thế kỷ 20 là sự tìm kiếm nguồn gốc khởi thủy của vật chất, cố tìm ra những “HẠT CƠ BẢN”, cuối cùng tạo nên nguyên tử. Thế nhưng khi đến cánh cửa cuối cùng mở ra để thấy bộ mặt thật của vật chất, nhà vật lý phát hiện vật chất hình như không phải do những hạt cứng chắc tạo thành nữa mà nó chỉ là dạng xuất hiện của một thực tại khác, vì thế mà vật chất mang những tính chất hầu như đối nghịch nhau, nó vừa liên tục, vừa phi liên tục, vừa hữu hiện vừa phi hữu hiện; dạng xuất hiện của nó tùy theo cách quan sát của con người. Những tính chất lạ lùng đó đưa ngành vật lí vào thẳng cửa ngõ của triết học: nền vật lý hiện đại vừa thống nhất và lý giải nhiều khái niệm cơ bản của triết học, vừa đề ra những câu hỏi lớn của loài người mà các nhà Đạo học từ xưa đã tổng kết, và kỳ lạ thay, những phát hiện hiện nay của nền vật lý hiện đại không khác bao nhiêu với những kết luận của các Thánh nhân ngày xưa”.
Đọc qua đoạn luận này các bạn thấy rất rõ ngành khoa học vật lý hiện đại đã lồng vào đạo học để dẫn chứng đạo học (thiền) là vật lý khoa học.
Thưa các bạn! Diệu Quang thiết nghĩ: “Nếu những nhà vật lý khoa học này đã nhập được thiền định đúng chánh pháp của đức Phật thì các vị ấy không bao giờ viết và dịch cuốn sách này “ĐẠO CỦA VẬT LÝ”. Rõ ràng các nhà khoa học lấy vật lý để minh chứng cho đạo học, nhưng đạo học vẫn là đạo học; vật lý khoa học vẫn là vật lý khoa học, nếu Diệu Quang nghĩ không lầm, các nhà khoa học vật lý không thể hiểu mục đích của đạo học. Vì lợi ích cho con người nên Đạo học mới ra đời, nhưng Đạo học lại đưa ra một thứ thiền hư tưởng, nó không đáp ứng nhu cầu đạo đức sống của con người, nên nó không được phổ cập đến mọi con người, vì thế, nó chỉ dành cho những bậc tiêu cực yếm thế.
Kính thưa các bạn! Mục đích của đạo học, nhất là thiền của Phật giáo là đem lại sự an vui, thanh thản, bất động thân tâm ra khỏi mọi sự khổ đau của con người. Đạo học giúp cho con người có một cuộc sống hài hoà với mọi người, không làm khổ mình, không làm khổ người, chứ đâu phải nêu ra và so sánh để đi vào kết luận đạo học của vật lý. Nếu đạo học của vật lý là vật lý thì còn có nghĩa gì là đạo học nữa, là thiền nữa. Nếu như vậy thiền định là một vật lý đâu còn phải là một tinh thần sống động, đầy đủ sự an lạc, thanh thản, yên vui của tâm từ , bi, hỷ, xả.
Kính thưa các bạn! Khi chưa nhập thiền định các bạn đừng nên viết nói về thiền định, dù có viết nói về thiền định thì các bạn sẽ viết không đúng, chỉ khi nào các bạn có Định Thần Túc thì các bạn viết và nói về thiền định thì không còn sai nữa các bạn ạ!
Sau khi tu tập Tứ Niệm Xứ viên mãn, thầy Thông Lạc có đủ Tứ Thần Túc. Khi có đủ Tứ Thần Túc mới nhập các định và thực hiện Tam minh, còn chưa có thì không bao giờ nhập định được như đã nói ở trên. Khi nhập các định xong, bấy giờ Thầy mới xem xét lại kinh sách Đại Thừa, Thiền Tông và tất cả những kinh sách của những nhà Đạo học họ viết và luận về thiền, Thầy biết rất rõ tất cả các vị ấy chưa bao giờ nếm được mùi vị của thiền định, họ chưa bao giờ biết thiền định ra sao? Họ chưa bao giờ biết nhập định như thế nào? Họ chỉ nói theo kiểu suy luận như giáo sư Capra và giáo sư Nguyễn Tường Bách.
Tóm lại, thiền không phải là khoa học, khoa học không phải là thiền, thiền thuộc về tinh thần đạo đức nên nó mang đầy tính thiện chứ không phải là những loại thiền mang tính chất vật lí của đạo học Đông phương xin quý vị đừng gán cho nó là thiền của Phật giáo, nếu quý vị cho nó là thiền của Phật giáo là quý vị quá nông nổi.
Thăm và chúc Bác vui, mạnh và xả tâm tốt. Nếu Diệu Quang nói có điều chi sơ sót xin Bác vui lòng tha thứ cho, vì Diệu Quang biết mà không nói ra thì rất tội nghiệp cho con cháu những thế hệ mai sau sẽ lầm lạc.
Kính thư
Diệu Quang