Hòa thượng Thích Thiện Hoa là một vị thầy có danh tiếng trong làng Phật giáo Đại Thừa phát triển Việt Nam. Để tìm hiểu các vị được coi là chư tôn đức, thiết nghĩ chúng ta cần tìm hiểu xem đời sống giải thoát trong đạo Phật của các vị ra sao? Các vị giảng dạy đã thông suốt hay chưa? Theo lời các ngài giảng, người phật tử hành trì bằng cách nào? Nếu quả thực là bậc tôn đức, chắc chắn những gì các ngài giảng dạy tất phải “Tri Hành Hợp Nhất”. Nếu “Tri Hành” chưa nhất thì những lời giảng dạy của các ngài có được chúng ta hoàn toàn tin tưởng hay không?
Dù sao, “Thiểu Dục Tri Túc” là đức hạnh ly tham tuyệt vời làm cho con người hết khổ và đi đến giải thoát, nên mọi người học để biết là không thừa. Mời quý vị cùng đọc bài giảng sau đây của HT Thích Thiện Hoa:
A. Mở Ðề
Người đời phần nhiều thường đua chen, dong ruổi theo vật chất, không biết bao nhiêu cho vừa. Người thiếu thốn tham muốn đã đành, nhưng người dư giả, tiền bạc lấy thước mà đo, thế mà vẫn còn tham muốn. Ðã tham muốn, thì không bao giờ thấy mình đầy đủ cả. Ngạn ngữ có câu: "Bể kia dễ lấp, túi tham khó đầy". Thật đúng như thế, "lòng tham đã không đáy", thì làm sao đầy được?
Ðể đối trị lòng tham, Phật khuyên chúng ta phải "Thiểu Dục và Tri Túc". Trong Khế kinh có nói: "Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc, bất chi túc chi nhơn, tuy xứ thiên đường diệt bất xưng ý". Nghĩa là: "Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc, trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý".
Vậy muốn được sung sướng an vui, chúng ta cần phải Thiểu Dục và Tri Túc.
B. Chánh Ðề
I. Ðịnh Nghĩa
Thiểu Dục là muốn ít; Tri túc là biết đủ. Muốn ít là đối với cái chưa có, mà vì nhu cầu, mong cho có. Như muốn có cái nhà ở vừa sạch, vừa che kín nắng mưa; cần đi cho mau, muốn có một phương tiện giao thông gì cho tiện lợi, chỉ cốt đỡ mỏi chân, đỡ tốn thì giờ là được, chứ không muốn một chiếc xe hơi lộng lẫy, mấy trăm nghìn, quá sức tài chánh của mình. Biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng đều an phận tùy duyên. Ðối với việc ăn, mặc và ở, tự thấy mình có đủ dùng rồi, không tham cầu nhiều hơn nữa, mà phải khổ sở về tinh thần.
II. Người Ðời Thường Tham Muốn Những Gì?
Người đời thường bị năm thứ tham muốn sau đây sai khiến:
a) Tham muốn tiền của
b) Tham muốn sắc đẹp
c) Tham muốn danh vọng
d) Tham muốn ăn ngon
đ) Tham muốn ngủ kỹ.
Người tham muốn tiền của, thì tiền kho bạc đống, nhà ngang dãy dọc, đất ruộng cò bay thẳng cánh, cũng chưa cho là vừa, mà vẫn còn mong muốn được làm giàu thêm nữa.
Người tham muốn sắc đẹp, thì suốt đời dong ruổi đi tìm hoa; thấy ai có nhan sắc là mê mết, tìm cách nầy cách khác để gần gũi cho kỳ được. Một khi đã thỏa mãn, thì lại ruồng bỏ người đẹp nầy để chạy theo người đẹp khác; luôn luôn bị vật dục sai khiến, mất hết cả nhân cách.
Người tham muốn danh vọng, thì suốt đời dong ruổi theo chức cả, quyền cao, tiếng danh, hay tốt. Họ còn lòn cúi hết chỗ này đến chỗ khác, để mong được cái địa vị cao sang. Họ lao tâm, khổ chí, tìm mọi cách để nắm giữ cho được cái hư danh.
Người tham muốn ăn ngon, thì suốt đời lân la bên cạnh những cao lương mỹ vị, quanh quẩn bên những tiệc bàn, tìm khoái khẩu trong những rượu ngon, vị lạ. Thế giới của họ thu hẹp lại trong những món ăn và những người bạn rượu.
Người tham muốn ngủ nghỉ, thì quá nửa đời mình lẩn quẩn trên chiếc giường; ăn xong lại nghĩ chuyện đi nằm, nằm là ngủ, ngủ xong lại muốn ngủ nữa, mất cả tự chủ của mình.
Tóm lại, khi đã tham muốn những thứ ấy, thì cuộc đời của những kẻ ham muốn kia, chỉ còn thu hẹp lại trong sự ham muốn của mình, và làm tôi mọi cho vật dục mỗi ngày mỗi thêm chặt chẽ. Xét cho cùng thì những sự tham muốn trên, ngoài sự tham muốn danh vọng là do kiêu căng ngã mạn, còn các thứ tham vọng khác, đều do ngũ dục là động lực chính cả. Ngũ dục là: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, và xúc dục.
Sắc dục là gì? Là nhãn căn đối với sắc trần, sanh tâm tham muốn. Trong thì "chánh báo" là thân phần của nam nhơn hay nữ nhơn: mày tằm mắt phượng, môi đỏ má hồng... Ngoài thì "y báo" là vật dụng của thế gian: ngọc, ngà, châu, báu, vật quý đồ xưa, sắc màu lộng lẫy... Những món ấy, đại đa số người vừa trông thấy liền sanh tâm tham ái.
Thanh dục là gì? Là tai nghe tiếng hay, tâm sanh say đắm; như tiếng ca, giọng hát, khúc lý câu tình, âm điệu du dương, khêu gợi tâm dục của người, sanh tâm đắm nhiễm.
Hương dục là gì? Là lỗ mũi khi đối với hương trần sanh tâm tham muốn; như dầu thơm ngào ngạt, phấn sáp nồng nàn v.v... Những món hương trần ấy, khiến cho người ngửi đến thì sanh tâm ưa thích đắm nhiễm, mơ tưởng vẫn vơ.
Vị dục là gì? Là khi lưỡi đối với mùi vị, sanh tâm tham đắm, như các mùi vị thơm tho, ngọt bùi, chua chát, mặn lạt, mỡ thịt, cá tôm, chả gỏi nem bì, những đồ cao lương mỹ vị...
Vẫn biết nhân loại đối với sự ăn uống phải cần dùng nhiều món để nuôi sống mà làm việc. Thế nên cả nhân loại ăn chẳng công nhận nó là điều cần thiết nhất, nếu ăn uống kém thiếu, thì thân thể phải ốm gầy. Nhưng ta nên xem sự ăn uống như là uống thuốc, để chữa bịnh đói khát mà thôi. Nếu quá tham món cao lương mỹ vị, chỉ biết lo sống để mà ăn, thì con người có cho là cao thượng? Phật nói: "Chúng sanh sở dĩ đi không cách đất, không khỏi cỏ cây, ra vào không rời khỏi không khí, là bởi ăn những món 'do đất sanh ra', nên thân thể rất nặng nề".
Xúc dục là gì? Là thân thể khi giao thiệp với xúc trần, sanh tâm tham muốn. Bố vải thô sơ, mặc vào mình biết nhám; lụa là, gấm nhiểu xuông, vào mình biết trơn láng, gỗ chạm vào mình biết cứng, bông đụng vào mình biết mềm v.v... Những vật gì mềm mại thì sanh tâm ưa thích, những vật gì cứng nhám thì sanh lòng ghét bỏ.
III. Tai Hại Của Lòng Tham Quá Ðộ
Những sự tham muốn quá độ, làm cho lòng người xao xuyến, mất hết cả tự chủ, và chỉ còn là nô lệ cho những thèm muốn của mình mà thôi. Một khi đã bị lòng tham dục điều khiển, thì con người gây không biết bao nhiêu tội lỗi, dám làm những chuyện hung ác mà chẳng gớm tay. Lại chính vì lòng tham muốn không ngăn mé, mà mình không tự nhận biết, nên đến khi muốn mà không được, thì đổ lỗi cho người, nhân đó sinh ra cạnh tranh, xung đột, làm cho nhân loại chịu lắm điều tàn hại. Lòng tham muốn quá độ, làm cho con người tối mắt trước những sự phải, trái, thúc đẩy người đời vào đường tội lỗi. Chẳng hạn một kẻ không có năng lực, đạo đức mà muốn được giàu có lớn và quyền thế to, thì có thể dùng những mưu mô gian xảo, đen tối, dã man để đạt ý muốn của mình. Hoặc giả, cũng vì muốn được như ý bà vợ yêu quí, mà có lắm ông chồng bị bắt buộc làm những việc trái với lương tâm cho đến tan thân mất mạng.
Tóm lại, ngũ dục làm hại cho loài người không thể kể xiết: Vì ngũ dục mà sanh ra lo buồn giận dữ, vì ngũ dục mà sanh ra dối trá, gian tham vì ngũ dục mà sanh ra cạnh tranh xâu xé, nhân loại đưa nhau vào rừng tên mưa đạn.
Trong hiện tại lòng tham muốn quá độ, sự chạy đuổi theo ngũ dục đã làm tổn hại chẳng những cho mình và cho người, mà trong tương lai, chúng lại còn đưa con người vào chốn tam đồ ác đạo, nhất là vào vòng ngạ quỷ, để phải chịu thiếu thốn cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Ðó là kết quả thảm khốc của người quá tham, không biết "Thiểu dục" và "Tri túc".
IV. Phương Pháp Ðối Trị Lòng Tham Muốn Quá Ðộ: Thiểu Dục Và Tri Túc
Túi tham đã không đáy, thì càng tham lại thấy càng thiếu, càng khổ. Phật dạy: "Càng tham muốn, càng khổ sở". Chúng ta đừng lầm tưởng rằng: một khi lòng tham muốn được thỏa mãn, là hết tham muốn. Hễ còn củi thì lửa còn cháy. Tham muốn được toại nguyện thì tham muốn lại càng to lên. Tục ngữ thường nói: "Ðược voi đòi tiên" là thế. Người mà lửa tham vọng mong cầu nung nấu trong lòng, bao giờ cũng thấy mình còn thiếu thốn. Không thấy thiếu món nầy, lại thấy thiếu món khác, rồi thèm khát mãi, không lúc nào được toại chí. Mà không toại chí là còn đau khổ.
Ðể đối trị lòng tham vô độ, đạo Phật cũng như đạo Nho đều dạy chúng ta phải "Tri túc" tức biết đủ. Có bao nhiêu ta hưởng bấy nhiêu, tự cho mình không còn thiếu gì nữa, đừng nhìn lên những kẻ giàu có sang trọng hơn mình, thế là "biết đủ". Trong kinh Di Giáo, Phật dạy: "Này các Tỳ kheo! Nếu các ông muốn thoát khỏi sự khổ não, nên suy nghiệm hai chữ 'Tri túc'". Hể biết đủ thì ở cảnh nào cũng yên vui. Người không biết đủ, tuy giàu mà nghèo; người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Người không biết đủ thường bị năm thứ ham muốn kéo dắt, làm người biết đủ thương hại.
Một người trong tay thâu tóm tất cả của cải trong thế gian, với người nghèo mà không tham muốn, hai người đều giàu như nhau. Chúng ta hãy chiêm nghiệm những lời dạy đầy ý nghĩa ấy. Làm chủ đời ta, chính là lòng ta. Giàu nghèo sang hèn chỉ là vấn đề phụ thuộc. Nếu ta kiềm chế được dục vọng, tham muốn là ta giàu sang; nếu ta không kiềm chế được dục vọng tham muốn là ta nghèo hèn.
V. Lợi Ích Của Hạnh Thiểu Dục Và Tri Túc
Lòng tham muốn làm cho ta khổ bao nhiêu, thì Thiểu dục và Tri túc lại làm cho ta sung sướng bấy nhiêu. Ðó là lẽ đương nhiên. Nhờ "ít tham dục", nên con ma dục vọng không làm sao xui khiến được mình; nhờ "biết đủ", nên con quỷ tham lam chẳng có quyền hành sai sử mình nữa. Một khi con người không còn làm nô lệ cho vật chất đê hèn nữa, thì lòng người bắt đầu tự do giải thoát. Con người lúc ấy mới xứng danh là con người, mới có đủ nhân cách và không hổ thẹn với địa vị làm anh cả muôn loài. Chỉ khi ấy con người mới có thể tự cho là mình có hạnh phúc được; và dù cho thường ngày vẫn ăn cơm hẩm canh rau, quanh năm cứ quần bố, áo vải, cũng vẫn thấy trong lòng thơ thới, an vui, sung sướng. Từ xưa đến nay, không có một vị giáo chủ nào, hiền triết nào xứng đáng với danh nghĩa ấy mà lại không khinh thường vật chất, mà lại chạy theo danh vọng tiền của, ăn sung, mặc sướng cả.
Hơn nữa, nhờ Thiểu dục và Tri túc mà gia đình, xã hội được an vui, hòa bình, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ngon, vật lạ của ai nữa. Có lợi ích của Thiểu dục và Tri túc thật không sao kể xiết được.
Giải Ðáp Những Thắc Mắc Về Thiểu Dục Và Tri Túc
Có người hỏi:
- Con người muốn tiến bộ, cần phải nỗ lực phấn đấu, cạnh tranh trong tất cả mọi trường hợp. Ðạo Phật lại dạy phải Thiểu dục và Tri túc. Như thế là chủ trương làm cho nhân loại thối hóa chăng?
Ðáp:
- Không! Ðạo Phật dạy "Thiểu dục" và "Tri túc" cốt yếu ngăn ngừa con đường trụy lạc, chận đứng lòng tham lam độc ác không bờ bến của chúng sanh, đang sống trong cõi đời vật dục, chứ không phải chủ trương ngăn chận sự tiến triển của con người trên đường lợi người, lợi vật, ích nước, ích dân. Nhận thấy tai hại lớn lao của bịnh tham lam, nên đức Phật đưa ra phương thuốc rất công hiệu là "muốn ít" và "biết đủ" để điều trị căn bệnh ấy cho tận gốc. Phương thuốc nầy sẽ làm yếu dần tâm tham lam, nên các mối dục vọng, tội ác dần dần tiêu diệt, chỉ còn lại tấm lòng từ bi rộng rãi bao la mà thôi. Một khi con người hết chạy theo dục vọng, hết đuổi bắt những hạnh phúc vật chất tạm bợ, giả trá cũng không đào bớt thêm đau khổ của người khác, để tìm hạnh phúc cho mình nữa, thì lúc ấy, hạnh phúc chân thật liền đến với họ.
Như thế, nghĩa là hạnh "Thiểu dục" và "Tri túc" bắt đầu hãm bớt tốc lực của lòng dục vọng tham lam, kế đó chận đứng nó lại, sau hết buộc nó xoay chiều, đổi hướng, tinh tiến mãi trên con đường lành. Vậy thì hạnh "muốn ít" và "biết đủ" chẳng những không đưa con người vào con đường thối hóa, mà lại giúp cho sự tiến hóa của nhân loại.
Vả lại, ngày nay nhân loại đang chứng kiến một sự mất quân bình nguy hiểm giữa sự tiến hóa mau lẹ của vật chất và sự chậm tiến của tinh thần. Sự mất tinh thần ấy có thể đưa nhân loại đến hố diệt vong. Vậy cần phải quân bình sự tiến hóa vật chất và tinh thần. Muốn thế, chẳng có phương pháp nào khác hơn là tuân theo hạnh "Thiểu dục" và "Tri túc". Con người nếu biết coi thường vật chất một ít, thì mới tiến hóa thêm về tinh thần.
Sỡ dĩ ngày nay trên thế giới, đứng về phương diện vật chất, khoa học, con người có tiến triển rất nhiều, rất nhanh; còn về phương diện tinh thần, đạo đức, con người tiến rất chậm, vì ít có ai quan tâm lưu ý đến nó, mà chỉ chạy theo tham muốn dục vọng. Hể vật chất quá tiến, thì tinh thần phải lùi, vật chất càng cao thì lòng tham càng nặng, càng sâu, càng lớn, không biết lúc nào là cùng. Tai họa chiến tranh ngày nay, gieo rắc khắp nơi trên thế giới, cũng do lòng tham không đáy của con người "bất tri túc" vậy.
Vậy Thiểu dục và Tri túc là hai phương thuốc thần diệu cho căn bệnh trầm trọng của thế giới ngày nay, không ai có thể chối cãi được.
C. Kết Luận:
Kẻ ngoài đời và người trong đạo, muốn được hạnh phúc chân thật, thì nên tu hạnh "Thiểu dục" và "Tri túc". Vì thật sự, những người không quá đòi hỏi về vật chất, thì chẳng hề so sánh với bề trên; do đó, không thấy mình thiếu thốn về vật chất, nên ít khổ. Hơn nữa, họ chỉ so sánh với kẻ dưới, thấy mình khá giả, đầy đủ hơn, nên dễ mãn nguyện.
Muốn tránh khỏi tai nạn trong gia đình và xã hội, mỗi người trên thế gian nầy, đều phải giữ phận thủ thường, đừng vượt quá khả năng của mình. Trên thế giới năm châu hiện nay, muốn có hòa bình để mà hưởng lạc thú hòa bình vĩnh viễn, thì cũng không ngoài cái hạnh "Thiểu dục" và "Tri túc" mà được.
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
(Trích “Phật Học Phổ Thông”)
Dục là nguyên nhân sinh ra muôn vạn khổ đau cho con người. Theo chúng tôi được biết, dục của con người có rất nhiều, nhưng quan trọng có 11 dục căn bản mà đức Phật đã dạy:
Năm dục lạc thế gian: Dục Danh, Dục Lợi, Dục Sắc, Dục Ăn và Dục Ngủ.
Sáu dục tăng trưởng. Xuất phát từ sáu trần Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp, tiếp xúc sáu căn Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý, khiến cho sáu dục này phát triển, làm người ta đắm chìm trong dục lạc thụ hưởng, làm cho người ta si mê điên đảo trong ba nơi hành động Thân, Khẩu, Ý, tạo ra biết bao là nghiệp ác.
Theo bài giảng của HT Thiện Hoa trên đây mới chỉ thấy nêu có 10 dục căn bản. Phải chăng Ý dục liên quan đến Pháp là điều không quan trọng? Cho nên bao nhiêu thế hệ (Phật giáo phát triển và Thiền Đông Độ) tu hành đều vi phạm luật, phá giới luật từ trong Ý Dục mà không hay. Thành ra tu hành mãi rồi cuối cùng cũng trở về với địa ngục mà thôi.
Sống “Thiểu Dục Tri Túc” là phẩm hạnh cao thượng của Phật, đức A-la-hán Thích Thông Lạc lược giảng như sau:
SỐNG CAO THƯỢNG MỚI CHỨNG ĐẠT CÁI CAO THƯỢNG.
Phạm hạnh của đức Phật như thế nào?
“- Ăn không phi thời.
- Ngủ không phi thời.
- Sống độc cư, phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, và ý của mình.
- Đi đứng nhẹ nhàng, lời nói ôn tồn nhã nhặn, tức là những oai nghi chánh hạnh.
Người giữ gìn bốn hạnh này là người sống cao thượng. Người sống cao thượng mới chứng đạt pháp cao thượng. Pháp cao thượng của Phật giáo không có gì cao thượng cả, mà rất cao thượng chỉ vì con người sống trong thế gian không làm được.
1- Điều thứ nhất: Con người thế gian ham ăn, ăn ngày ba bữa còn ăn đêm. Ngược lại, người sống trong pháp cao thượng của Phật giáo thì không tham ăn, ăn ngày một bữa.
2- Điều thứ hai: Con người thế gian ham ngủ, lúc nào ngủ cũng được. Ngược lại, người sống trong pháp cao thượng của Phật giáo thì không tham ngủ, thường tu tập tỉnh thức, sống trong tâm bất động.
3- Điều thứ ba: Con người thế gian ham tiền bạc nhiều, ham nhà cửa cao sang đẹp đẽ, ham xe cộ này xe cộ khác. Ngược lại, người sống trong pháp cao thượng của Phật giáo thì không ham tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, thường buông xả hết, chỉ còn sống ba y, một bát hằng ngày đi xin cơm một bữa để sống tu tập.
4- Điều thứ tư: Con người thế gian ham uy quyền, lúc nào cũng muốn ra oai, la lối, nạt nộ chửi mắng người khác. Vả lại còn muốn ăn trên ngồi trước không ai hơn mình. Ngược lại, người sống trong pháp cao thượng của Phật giáo thì không tham uy quyền, mà chỉ muốn làm một người thấp nhất trong xã hội (người ăn mày).
5- Điều thứ năm: Con người thế gian hay giận hờn, phiền não, lo sợ: lo đói, lo sợ trộm cướp, chiến tranh, lo sợ con cái nghèo khổ, v.v... Ngược lại, người sống trong pháp cao thượng của Phật giáo thì không giận hờn, ai chửi mắng thì tha thứ thương yêu, không ghét ai, nhất là không lo sợ một thứ gì cả.
6- Điều thứ sáu: Con người thế gian tâm ưa thích dâm dục, nên lớn lên đều lấy vợ gả chồng, nhưng người ta đâu biết rằng đó là con đường khổ của thế gian, nối tiếp từ đời này đến đời khác mãi mãi khổ đau, thế mà sinh ra làm người ai cũng ưa thích, v.v... Ngược lại, người sống theo pháp cao thượng của Phật giáo thì tránh xa dâm dục, thấy dâm dục như thấy rắn độc, một khi đã bị nọc độc rắn dâm dục cắn thì suốt đời phải chịu khổ đau.
Cho nên dâm dục là con đường sinh tử luân hồi, con đường bất tịnh, uế trược, tràn đầy đau khổ, không đi vào con đường này thì thôi, mà hễ đi vào con đường này thì khổ đau ngút ngàn. Hỡi quý vị có trí tuệ hãy tránh xa. Ở xa tưởng nó là hạt kim cương, nhưng khi đến gần thì nó là giọt nước mắt đấy quý vị ạ!
Sáu điều trên đây nếu người nào muốn sống một đời sống cao thượng thì hãy tránh xa sáu điều này, đó là sáu điều hạ liệt. Có tránh xa sáu điều hạ liệt trên thì đời sống mới cao thượng theo đúng đường lối của Phật giáo. Nhờ có sống cao thượng như vậy mới chứng được pháp cao thượng.
Người ta đừng hiểu sai là tu theo đạo Phật phải buông bỏ hết, không còn có một vật gì còn dính trong thân tâm, phải trống không, không ngơ. Đó là hiểu sai, người đi tu theo Phật giáo sống thiểu dục tri túc, chỉ còn ba y một bát mà thôi, đó là những vật dụng cần thiết cho một người tu hành giải thoát. Nhờ sống như vậy nên làm chủ được cái ăn, cái ngủ và cái sống một mình. Cho nên, tất cả ngũ dục lạc thế gian đều buông bỏ xuống sạch, không còn một chút xíu nào dính trong tâm. Chúng ta lắng nghe đức Phật dạy: “Sự xuất gia này của chúng ta sẽ không phải trống không. Có kết quả, có thành tích. Và những vật dụng chúng ta thọ dụng như y phục, đồ ăn khất thực, thuốc trị bệnh, dầu cho những thứ này là khiêm tốn, đối với chúng ta sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn”. (57 Tương Ưng tập 2)
Lời dạy trên đây rất rõ ràng, vì y phục vừa đủ để thay đổi mặc hằng ngày, không thừa dư một y áo nào cả, và đồ ăn khất thực vừa đủ ăn ngày một bữa để sống rất là khiêm tốn, nhưng xét lại người sống được như vậy thì quả là giải thoát, lợi ích rất lớn mà người thế gian không thể sánh được.”
(Trích “Mười Hai Cửa Vào Đạo”- TL Thích Thông Lạc)
Người tu hành thì phải có kết quả. Kết quả đó là gì? Đó là làm chủ bốn sự khổ của đời người sinh, lão, bệnh, tử. Đó là an lành giải thoát. Người giảng đạo đức tất đạo đức phải vẹn tròn, viên mãn. Được thế là “Tri Hành Hợp Nhất”. Được thế là bậc giác ngộ giải thoát. Giải thoát rồi tất không còn lang thang trong sáu nẻo luân hồi.
Vâng! Quý vị thử xem. Các vị thầy tổ rất đạo đức của chúng ta có còn phải đọa trong tam đồ khổ nữa hay không? Hãy nhìn xem ngay trong cuộc sống của các ngài lúc còn sống và khi chết ra sao.
HT THÍCH THIỆN HOA VIÊN TỊCH
Hòa thượng khởi bệnh từ tối đêm 17 tháng 11 năm Nhâm Tý, sau ngày lễ vía Đức Phật A Di Đà, Ngài được đưa vào bệnh viện Đồn Đất điều trị. Bác sĩ cho biết bệnh của Hòa thượng cần phải được giải phẫu. Hòa thượng thường nói với các đệ tử đến thăm viếng: "Nếu kỳ đau này tôi phải chết, tôi rất hài lòng, vì đối với sự hoằng hóa tôi đã làm tròn nhiệm vụ. Đối với Đạo Pháp tôi đã gánh vác được một giai đoạn khó khăn".
Sau khi giải phẫu, bệnh của Hòa thượng càng ngày càng nhẹ, ai cũng tin rằng không bao lâu Hòa thượng sẽ bình phục trở về chùa. Một phóng viên báo Điện tín đến vấn an, hỏi về cảm nghĩ của Hòa thượng trong thời gian ở bệnh viện. Hòa thượng đáp: Tôi không mong ước gì hơn sớm có ngưng bắn, để cho dân tộc Việt Nam được hưởng một mùa Xuân thanh bình.
Một hôm, Hòa thượng Thiện Hòa vào thăm Hòa thượng. Tuy cảm thấy bệnh tình đã nhẹ rồi, mà Hòa thượng vẫn dặn dò mọi việc, cho đến kinh sách hiện còn, đều giao cả cho Hòa thượng Thiện Hòa. Thấy điều lạ, Hòa thượng nói: "Nằm ít hôm nữa bệnh lành rồi về, nói chi chuyện ấy".
Bất thần, ngày 17 tháng 12 âm lịch, Hòa thượng trở bệnh. Đến đêm 19 tháng 12 âm lịch, Hòa thượng thấy mệt, biết mình không qua khỏi nên gọi các môn đệ đến bảo: "Các con niệm Phật cho Thầy vãng sanh, Thầy mệt quá rồi". Từ giờ phút ấy tiếng niệm Phật đều đều vang lên trong gian phòng hồi sinh. Từ đó Hòa thượng lặng lẽ dần dần đến 06 giờ 5 phút, sau một hơi thở dài rồi im lìm theo Phật!
Hòa thượng đã an lành viên tịch vào sáng ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý nhằm ngày 23 tháng giêng năm 1973, thọ 55 tuổi và được 26 tuổi hạ.
Hòa thượng xong việc ra đi, nhưng để lại cho hàng Giáo phẩm trong Giáo hội bao nhiêu niềm mến tiếc. Tăng Ni cảm thấy bơ vơ hết chỗ tựa nương, hàng Phật tử mất đi một bậc Thầy hiền kính ái. Ngôi nhà Đạo pháp đã thiếu đi một cây thạch trụ chịu đựng!
Tiểu sử HT Thích Thiện Hoa
(Môn đồ pháp quyến đồng bái soạn).
“Hòa thượng đã an lành viên tịch” - (đó là lời của môn đồ pháp quyến viết về người thầy, người thân của mình) – Đúng! An lành viên tịch sau khi đã phải sống trong “địa ngục mổ xẻ” trước đó không bao lâu. Chắc chắn là đau đớn thân tâm nhiều lắm.
Thế cũng còn may hơn nhiều các vị tôn túc khác, suốt đời giảng dạy giáo lý đạo đức giải thoát cho người nhưng quên mình nên không giải thoát, để đến nỗi lúc cuối đời phải sống trong “địa ngục vô thức”, ăn không biết mình ăn, bài tiết không biết mình bài tiết, đằm mình trong nhơ uế bẩn thỉu bao tháng ngày mà không thoát đi được. Thật là khổ sở vô cùng.
Ai hay! Đạo Phật là gì? Giải thoát là gì? Sao cứ nói hoài bao nhiêu thế kỷ mà chẳng chịu quay đầu “phản quang tự kỷ”?