076-MONG MỘT NGÀY VỀ - Từ Đồng.

LỜI BBT GNCN
            
             Đọc bài “Mong Một Ngày Về” chúng tôi bỗng liên tưởng đến cảnh tượng:

             Hồ thu trong veo! Nước muốn lặng mà sao Gió chẳng dừng!
             Vì sao có sóng, sóng bắt đầu từ đâu? Sóng bắt đầu từ Gió.
             Gió bắt đầu từ đâu? Gió bắt đầu từ Mặt trời.

Mặt trời mang lại ánh sáng và hạnh phúc cho muôn loài. Mặt trời mang lại mưa thuận gió hòa để người người được sống bình yên.

Nhưng vì sao có sóng. Bởi vì Gió ham ôm ấp Núi, Gió thích quấn quýt Mây, gió muốn Núi chắn, Mây che khuất hết Mặt trời nên mới thành Bão tố. Bởi Gió chỉ muốn Mặt trời là của riêng mình, là nguồn lợi lớn để Gió tha hồ rong ruổi cùng Mây vi vu trên Đất, Nước. Gió chẳng muốn nắng Mặt trời tỏa chiếu cho ai, chẳng muốn Đất cùng muôn loài được chung lợi ích hòa an.

Vì sao Gió ơi? Vì Gió quá được nuông chiều, như ngựa không cương nên Gió thỏa lòng ngang dọc. Gió ôm ấp Núi và quấn quýt cùng Mây, quyết che Mặt trời, phủ kín Mặt đất để khắp nẻo tối tăm

Xin đừng trách Mặt trời. Mặt trời bao dung, rất vô tư, luôn ban trải đều ánh nắng.

Cũng chẳng nên trách Gió. Chỉ mong Gió sớm biết “buông bỏ” Núi và Mây xuống! Lúc bấy giờ Trời yên, Hồ lặng. Nước lại trong veo, cá tôm hoan hỷ, chim chóc líu lo. Đó mới là nơi xứng đáng để những người con yêu quý của Mặt trời “Mong Một Ngày Về”.

               GNCN xin giới thiệu bài viết dướ đây: 


MONG MỘT NGÀY VỀ 

Từ Đồng

               Mong có một ngày tôi trở về
              Tu Viện Chơn Như vẫn như xưa
              Từng bước chân đi lòng thanh thoát
               Bầu trời an lạc cảnh Chơn Như.

Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đây mà đã hơn sáu tháng rồi, kể từ ngày Thầy nhập Niết Bàn.

Hồi tưởng lại những tháng năm khi bản thân chúng tôi sống và tu tập tại Tu Viện Chơn Như, lúc đó khu vực 2 chuyên tu chưa được phát triển. Rồi theo thời gian cứ mỗi hằng năm hoặc hai năm chúng tôi lại trở về Tu viện một lần trước kính thăm Thầy cùng đại chúng, sau xin tu tập ngắn ngày (vì thời gian không cho phép…).

Kính thưa các bạn đồng pháp!

Không biết trong số các bạn có đồng một tâm tư hay một ước nguyện mong đợi như chúng tôi không? Nhưng riêng bản thân chúng tôi kể từ khi được Thầy cho biết tâm nguyện của Thầy sẽ thành lập một Trung Tâm an dưởng từ thiện Chơn Lạc (trong thời điểm này Thầy chỉ nói riêng cho một số đệ tử biết lúc bắt đầu về khu đất thuộc Ấp Long Phù – Xã Phước Hải - Huyện Long Đất - Đồng Nai). Hai chữ Chơn Lạc chúng tôi được biết đến kể từ đó (Tháng 11/ 1989).

Kính thưa các bạn đồng pháp!

Một Trung Tâm An Dưởng Từ Thiện Chơn Lạc được ra đời, nếu đúng như tâm nguyện của Thầy, cho dù nó được hình thành ở bất cứ nơi đâu, hay một địa điểm nào trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta thì thật là hạnh phúc biết dường nào. Khi viết đến đây chúng tôi xin được mạn phép trích đoạn từ “BỨC TÂM THƯ III” của Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc - Viện Chủ Tu Viện Chơn Như - Việt Nam.

"BỨC TÂM THƯ III - TÂM NGUYỆN CỦA THẦY:

              Chơn Như ngày 19 tháng 09 năm 2005
              Kính gửi: Quý phật tử ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam cùng quý phật tử ở hải ngoại!

Kính thưa quý vị!

Từ lâu Thầy có một tâm nguyện muốn thành lập một khu an dưỡng từ thiện để giúp đỡ mọi người không phân biệt già trẻ, phật tử, hay không phật tử đều được về nghỉ ngơi, an dưỡng, dù chỉ một tuần lễ. Một tuần lễ tuy thời gian quá ngắn ngủi, nhưng ở đó quý vị được hướng dẫn học tập ĐẠO DỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ sống không làm khổ mình, không làm khổ người và khổ cả hai.

Nơi đó còn có một khu điều dưỡng hay nói cách khác cho dễ hiểu hơn, đó là một bệnh xá tư từ thiện do một số y bác sĩ Việt Nam và ngoại quốc giàu lòng thương người đảm nhận để giúp đỡ cho những Tu sĩ Phật giáo, họ đã bỏ hết cuộc đời vào chùa tu hành, chỉ còn ba y, một bát, sống đời độc thân, không nhà cửa, không gia đình.

Bệnh xá còn giúp đỡ cho quý phật tử trong các nhóm từ thiện cũng như những người nghèo đều có thể đến đó điều trị mà ở đó không nhận một chi phí nào cả…" (Xin quý vị tham khảo và đọc bài: “Bức Tâm Thư III & Phương án thành lập hội” trên các trang Web: www.chonlac.orgwww.nguyenthuychonnhu.net).

Kính thưa các bạn đồng pháp!

Kể từ khi bức tâm thư III và phương án thành lập hội được phổ biến, không riêng gì trong chúng đệ tử của Tu Viện Chơn Như mà ngay cả những bà con đồng bào trong nước cũng như ngoài nước (kể cả một số các Tôn giáo cùng một số giới chức trong chính quyền đều tán dương việc làm này). Một số đồng bào Việt Nam nơi hải ngoại tuy không cùng một Tôn giáo, nhưng khi các vị này nghe và đọc được họ đều rất vui mừng, mong sao được đóng góp một phần nhỏ nào khi Trung tâm An Dưỡng Từ Thiện Chơn Lạc ra đời…

Thế mà mãi đến ngày giờ Thầy nhập Niết Bàn vẫn chưa có được một Trung Tâm An Dưỡng nào ra đời, mặc dầu cách đây mấy năm về trước, chúng tôi được biết cũng có một số phật tử tại miền Bắc cũng phát tâm thực hiện một trung tâm an dưỡng từ thiện Chơn Lạc, nhưng duyên nhân quả không được thành tựu theo ý nguyện.

Kính thưa các bạn!

Những khoảng thời gian trước kia có lúc gần bên Thầy, chúng tôi mới cảm nhận được tình thương và lòng yêu thương của Thầy đối với chúng sanh. Thầy dạy: Muốn tìm một nơi để xây dựng một Trung tâm an dưỡng, thì nơi đó khí hậu và thời tiết phải ôn hòa, như nơi Phước Hải này là vùng đất có núi, rừng và biển, khí hậu như vậy thì mới thành lập khu điều dưỡng được, với Thầy thì khí hậu ở vùng cao nguyên thì rất lạnh, đối với sức khỏe của những người có bệnh, tuổi già, thì không phù hợp, Thầy mỉm cười và nói tiếp: Các con sống và tu tập ở xứ lạnh dể sanh lười biếng giải đãi lắm…

Nhưng một điều chính yếu (mà chúng tôi được biết) là tâm tư của Thầy, đó là về vấn đề đào tạo có đủ nhân lực để phụ trách các công tác tại trung tâm như: hướng dẫn tu tập đạo đức, điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe đời sống sinh hoạt tại trung tâm (kể cả các khu vực có trách nhiệm thuộc trung tâm).

Một người đệ tử của Thầy, cho dù là một tu sĩ hay một cư sĩ tại gia cũng vậy, phải tốt nghiệp qua một khóa học đào tạo NHÂN CÁCH ĐẠO ĐỨC trên tinh thần ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ, có được như vậy mới thể hiện đúng với một tấm lòng yêu thương rộng lớn vị tha bác ái (chớ không vị kỷ).

Từng lời nói, từng cử chỉ hành động cho đến sự chăm sóc trên một tinh thần ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Có như vậy thì mới thể hiện đúng nghĩa của một thiện nguyện viên phục vụ cho Trung tâm an dưỡng từ thiện.

Kính thưa các bạn đồng pháp!

Cũng trong Bức Tâm Thư III Thầy đã viết: “…Muốn thành lập được một khu an dưỡng như vậy thì phải do quý phật tử khắp mọi miền, mọi nơi. Nhất là những phật tử Việt Nam phải đoàn kết, chung lưng đấu cật thành lập nhiều hội từ thiện từ mọi nơi trong nước và hải ngoại để giúp nhau vượt khó trong mọi hoàn cảnh, để an ủi cho nhau khi bệnh tật và tai nạn khổ đau”.

Nhìn lại khi Thầy còn tại thế, những khóa học về Đạo Đức, về Bát Chánh Đạo, biết bao nhiêu Tăng, Ni và cư sĩ ở các nơi xin về tu học. Rồi những tập sách về giáo án rèn nhân cách dạy về Đạo Đức được ra đời, những buổi thuyết giảng của Thầy khi lên lớp học v.v…

Và cho đến giờ phút cuối Thầy nhập Niết Bàn, trong số chúng ta đã làm được gì để gọi là báo ơn Thầy. Và biết đến bao giờ tất cả mọi người trong số chúng ta thực hiện được trên một tinh thần NHÂN RỘNG NỀN ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ, và một Trung tâm An Dưỡng thực sự ra đời hình thành đúng nghĩa như những gì mà tâm nguyện của Thầy đã viết. Hay là tối ngày cứ mãi gây tạo thêm sóng gió.

Kính thưa các bạn đồng pháp!

Khi hay tin Thầy nhập Niết Bàn trong số chúng ta ai ai lại không nuối tiếc, bùi ngùi thương nhớ . Vậy mà chỉ trong vòng sáu tháng Sóng gió Chơn Như lại tiếp tục nổi lên. Trong cũng như ngoài, chưa kể có những con người “Thừa nước đục…”.

Khi viết đến đoạn này, bản thân chúng tôi tha thiết xin nói lên: Xin hãy vì con đường Chánh Pháp Nguyên Thủy Phật Giáo, xin hãy ghi nhớ những lời dạy về lòng yêu thương và đoàn kết, mà bao nhiêu tâm huyết của Thầy đã dầy công dựng lại Chánh Phật Pháp Nguyên Thủy Phật Giáo mà Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã khai sáng cách đây hơn 2550 năm.

Kính thưa các bạn!

Trong cuộc sống của chúng tôi khi chưa biết gì về con đường Chánh Pháp, cũng sân, si, hận thù, thương ghét v.v…  Xin chia sẻ một mẩu chuyện nhỏ về chúng tôi: Sau gần năm năm trời rời bỏ gia đình rày đây mai đó, trong khi tại quê nhà người vợ phải tảo tần ngày đêm để phụng dưỡng cha chồng và nuôi dưỡng con thơ chưa đầy 6 tháng tuổi. Ngày trở lại quê nhà sống cùng gia đình (trước đó đã hay tin cha mình bệnh mà chết). Tuy về cùng vợ, bên con nhưng những nỗi bất an, hận thù vẫn còn chất chứa trong lòng, mặc dầu trước khi về với gia đình chúng tôi đã cảm nhận được về bài học Nhân Quả mà Đức Phật đã dạy qua kinh sách giáo lý Phật giáo.Và nguyện trong tâm chuyến này trở về quê nhà phải ăn chay (bắt đầu ăn chay vào gần cuối tháng 01 năm 1981).

Một nhân duyên đến với chúng tôi là có một người bạn ghé thăm, nghe nói chúng tôi lúc này ăn chay quên chuyện thế sự, nên tặng cho một tập lịch loại 12 tờ, khi nhận được tập lịch này chúng tôi chợt nhìn vào phía cuối có một câu đề là Kinh Pháp Cú, đọc câu kinh này xong, tự nhiên trong tâm tôi thấy nhẹ nhàng an ổn ngay trong giây phút ấy.Và kể từ đó khi có chuyện gì xãy ra hay nội tâm bất an chúng tôi đều ghi nhớ lời dạy này:

“Không bao giờ sự thù hận dập tắt được sự hận thù, mà chỉ có Từ Bi mới dập tắt được thù hận. Đó là nguyên tắc đạo lý từ ngàn xưa”. (Kinh Pháp Cú).

Cho mãi đến ngày giờ hôm nay chúng tôi vẫn còn lưu giữ. Thú thật mà nói mặc dầu chúng tôi chưa từng đọc kinh Pháp Cú… Đến đây chúng tôi xin tạm dừng và không kể tiếp.

Kính thưa các bạn đồng pháp!

Tiếp theo trên bước đường tầm đạo, nhân duyên chúng tôi được nương tựa về Thầy, về tu viện Chơn Như, một lời dạy tâm đắc nhất mà chúng tôi lấy đó làm cẩm nang và phương châm trên bước đường tu học Phật pháp (rất tiếc là chúng tôi đã đánh mất bức thư bút tích do Thầy viết gởi năm 2001 khi chúng tôi còn đang sống tại Tiểu Bang Massachusetts).

Thầy viết: “Con hãy nhìn thế gian bằng đôi mắt nhân quả thiện ác, nếu thấy đúng sai tâm con sẽ bất an”. Thầy dạy tiếp: “Đừng làm Thầy thiên hạ cả vợ lẫn con”. Còn đối với gia đình Thầy nhờ chuyển lời khuyên: “Làm một đồng ăn một đồng, làm một xu ăn một xu. Đừng nhìn lên và hãy ngó xuống. Người phật tử phải biết sống tiết kiệm, nhưng không keo kiệt…”.

Kính thưa các bạn!

Xin các bạn cũng cảm thông cho cái lối viết dài dòng văn tự này, vì chúng tôi nghĩ sao viết vậy. Mong rằng bài viết thô thiển này cũng có bạn hiểu và cảm thông là đủ rồi.

Thời gian qua biết bao nhiêu là sóng gió, đến nỗi có một người bạn trong chúng ta phải dùng những từ “cuộc bút chiến”… Đến đây tôi chợt nhớ đến một bài viết của một tác giả (lâu quá không nhớ rõ tên tác giả) tựa đề là: BÚT MÁU. Câu chuyện kể về một nhân vật tên là Lương Sinh, người ở Mãn Châu… tuy câu chuyện này có vẽ hư cấu và huyễn hoặc, nhưng ngụ ý của câu chuyện nhằm đưa vào luật nhân quả trả vay (theo thuyết của Phật giáo phát triển):

Trích một đoạn của bài viết: “…Ông suy nghĩ rồi nói: - Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác mà trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua vì mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi. Làm cho thiếu nữ băn khoan sầu muộn, làm cho thanh niên khinh bạc hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ vật dục mà quên nhân ái, kêu cho người ta tiếc tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đạo nghĩa của tha nhân, hát trên bi cảnh của đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý…” (Trích Bút Máu của nhà văn Vũ Hạnh – GNCN chú thích).

Trong “Bài Học Ngàn Vàng” có viết: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó”.

Kính thưa các bạn đồng pháp!

Trong số các bạn chúng ta hoặc một số các bạn đã từng đọc và nghe những gì của đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc để lại và cùng cảm nhận đây là một con đường đi đúng nghĩa của Chánh pháp Nguyên Thủy Phật giáo. Thế mà trong chúng ta cứ mãi bắt lỗi nhau từng chữ, từng câu, từng lời nói để rồi đưa đến cái cảnh tranh luận, phản bác nhau.

Trong số các bạn cũng như chúng tôi ai ai cũng đều muốn cùng nhau đoàn kết xây dựng lại con đường CHÁNH PHÁP NHƯ LAI.

              “Với hận diệt hận thù
               Đời này không có được
               Không hận diệt hận thù
               Là định luật ngàn thu”.
                                           Bài kệ số 05 - Phẩm song yếu (Yamakavagga) - Kinh Pháp Cú.

Kính thưa các bạn đồng pháp!

Lời thật hay mất lòng. Xin đừng để những kẻ ngoại đạo “thừa nước đục thả câu,…” xin các bạn đồng pháp đừng để đánh mất niềm tin. Xin hãy yêu thương và tha thứ cho nhau.

             "Vui thay chúng ta sống
              Không hận giữa hận thù
              Giữa những người thù hận
              Ta sống không hận thù”.
                                           Bài kệ số: 197 Phẩm An Lạc (Sukhavagga) - Kinh Pháp Cú

Kính thưa các bạn đồng pháp!

Nếu tất cả trong số chúng ta thực hiện và áp dụng vào đời sống hiện tại trên tinh thần đạo đức ngay chính tự bản thân mình, gia đình mình và nhân rộng nền đạo đức nhân bản – nhân quả với một tấm lòng yêu thương ban rãi và đoàn kết đến mọi tầng lớp trong xã hội thì không có việc gì mà không làm nên.

Tâm tư của chúng tôi hằng ước nguyện: Chúng tôi không mong cầu tại Tu Viện Chơn Như sẽ có những người tu chứng Thánh quả A La Hán, mà chúng tôi chỉ ước nguyện mong sao có rất nhiều người từ hàng đệ tử xuất gia cho đến cư sĩ tại gia sống đúng giới luật, với một cuộc sống đạo đức biết thể hiện lòng yêu thương, như vậy là đủ chứng minh cho mọi người đang sống trên hành tinh này biết được con đường mà Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc đã triển khai và làm sống lại Chân lý giải thoát mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khai sáng cách đây hơn 25 thế kỷ là đúng, đó mới thật sự là chân giải thoát. Như vậy cho dù Thầy đã ra đi nhưng Trung Tâm An Dưỡng Từ Thiện Chơn Lạc sẽ có một ngày sớm được hình thành. Đó mới gọi là thể hiện bốn ân lớn nhất (Tứ trọng Ân).

Khi viết đến đây chúng chúng tôi chợt nhớ lại cách đây hai ngày, qua trong cuộc điện đàm với một phật tử tại Việt Nam , để thăm hỏi về vấn đề Lăng Mộ của Thầy và tượng Thầy nhập Niết Bàn đã xong chưa. Vị phật tử này cho biết là tượng đã về đến Tu Viện rồi. Bản thân chúng tôi cũng muốn biết nghệ nhân tạc tượng như thế nào, thì vị phật tử này cho biết là mẫu mã đã được nghệ nhân vẽ nhiều kiểu, nhưng đến giờ phút chót trong nội bộ (những vị phụ trách việc tạc tượng) đồng ý là tạc tượng Thầy gối đầu trên Y Bát, không đắp y vấn (như chúng ta thường thấy những cốt tượng đức Phật nhập Niết Bàn ) mà là mặc một chiếc áo tràng (mà chúng ta vẫn thấy Thầy thường mặc khi tiếp khách, khi lên lớp học hay ra giảng đường v.v…).

Kính thưa các bạn!

Không hiểu sao trong tâm tôi lúc ấy chợt cảm nhận ra một điều, mặc dù chưa được nhìn thấy qua hình ảnh. Chúng tôi mới hỏi vị phật tử này là quý vị phụ trách về vấn đề tạc tượng Thầy nhập Niết Bàn, cuối cùng đi đến quyết định thực hiện mẫu Thầy gối đầu trên y bát, chú có nghe các vị này giải thích gì không? Vị phật tử trả lời là không nghe nói! Chúng tôi nói thôi khỏi bàn luận vấn đề này nữa, chúng tôi nói với vị phật tử: Riêng sự suy tư của chúng tôi, đây cũng là một duyên trong suốt quá trình tạc tượng đã khiến cho các vị phụ trách có lên ý tưởng này. Hình ảnh Thầy gối đầu trên y bát đối với chúng tôi mà nói rất có ý nghĩa và thực tế nói lên cuộc sống tu hành của Thầy chỉ ba y, một bát, hình ảnh Thầy mặc chiếc áo tràng nói lên được truyền thống Văn Hoá Phật Giáo đúng nghĩa của người Việt Nam và cũng hình ảnh này là một biểu tượng nhắc nhở và truyền đạt đến cho các vị tu sĩ Phật giáo chính thống đó là: hành trang của một người Tu sĩ là chỉ ba y và một bát, và cho các thế hệ đời sau. Tất cả hình ảnh này đều rõ như thật (Liễu Tri: Thấy rõ như thật ). Một hình ảnh mà chúng ta, những người đệ tử của Thầy đều đã từng gần gủi lúc Thầy còn tại thế (ở đây chúng tôi chỉ nói lên sự cảm nhận riêng mình).

Thử nhìn lại trên thực tế, nếu trong số chúng ta đứng vào vị trí khách quan mà nhìn lại các hình ảnh cốt tượng đức Phật nhập Niết Bàn ở các tự viện tại Việt Nam cũng như các nơi trên thế giới, mỗi nơi, mỗi chỗ đều có khác nhau (lại còn tùy theo phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian của đất nước đó), có một sử gia nào, một nhà khoa học nào dám khẳng định đây là hình ảnh thực sự của đức Bổn Sư Thích Ca khi còn tại thế không? Mặc dù chúng ta vẫn biết trong thời kỳ đức Phật còn tại thế tại xứ Ấn Độ lúc đó, những nhà Họa sĩ, những nghệ nhân không phải là không có… Nhưng chưa có một hình ảnh, một chân dung nào đích thực là của Ngài (điều này chắc quý bạn đồng pháp trước kia đã từng có nghe Thầy nhắc đến vấn đề này).

Kính thưa các bạn đồng pháp!

Khi nói lên cảm nhận và suy nghĩ của mình, chúng tôi chắc chắn không ít thì nhiều cũng sẽ có những lời bàn ra nói vào về việc tôn tượng Thầy trên Lăng Mộ… Thôi đi các bạn! Hãy dừng lại đi các bạn. Chúng tôi nhìn lại bản thân mình vẫn còn rất nhiều sai sót, nên xin được đứng vào một vị trí khách quan khẩn thiết lên tiếng xin tất cả các bạn hãy dừng lại đi. Muốn hộ trì Chánh Phật Pháp, thì hãy chính tự bản thân mình tu tập đúng theo những gì mà Thầy dạy.

               “Việc đáng làm, không làm
               Không đáng làm, lại làm
               Người ngạo mạn, phóng dật
               Lậu hoặc ắt tăng trưởng”.
                                             Bài kệ số: 292 - Phẩm Tạp Lục (Pakinnavagga) - Kinh Pháp Cú

                Trong Kinh Pháp Cú – Phẩm Tham Ái (Tanhàvagga). Bài kệ số 337 đức Phật dạy:
                “Đây điều lành Ta dạy
                 Các người tụ họp đây
                 Hãy nhổ tận gốc ái
                 Như nhổ gốc cỏ bi
                Chớ để ma phá hoại
                 Như dòng nước cỏ lau”.

Kính thưa các bạn đồng pháp!

Lại một lần nữa, chúng ta hãy quyết tâm giữ vững niềm tin Chánh Pháp, hãy yêu thương và đoàn kết đem lại một nền ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ, SỐNG KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI VÀ KHỔ CHÚNG SANH đến với mọi người, mọi loài chúng sanh đang sống trên hành tinh này.

Và chúng tôi cũng xin thưa cùng các bạn, chúng ta đừng gây tạo thêm những nhân không lành.

               “Cười gì hân hoan gì
               Khi đời mãi bị thiêu
               Bị tối tăm bao trùm
               Sao không tìm ngọn đèn?”
                                               Bài kệ số: 146 - Phẩm Già (Jaràvagga) - Kinh Pháp Cú

Thân ái gởi đến tất cả quý bạn đồng pháp xa gần một lời chúc: “XẢ TÂM THẬT SẠCH” - “TÂM BẤT ĐỘNG THANH THẢN, AN LẠC VÔ SỰ”.

                                                                                                              Nay kính
                                                                             Thành phố Virginia Beach, ngày 16 tháng 06 năm 2013
                                                                                          Nhân ngày lễ Father’s Day của Hoa Kỳ
                                                                                                              Từ Đồng.