069-NHỮNG ĐỨC HẠNH CỦA THẦY. (Phi Mạnh trích lục và giải trình).

1- TRÍCH 1

Khi Thầy bắt tay vào làm việc thì gặp biết bao nhiêu là gian nan; biết bao nhiêu là sóng gió phũ phàng. Các con có biết không? Thầy chỉ biết thương và tha thứ (Đức hiếu sinh và đức tha thứ), không biết giận hờn (Đức ly sân), oán trách, nói xấu một ai hết (Đức ái ngữ), vì tất cả các con đều vô minh, đều đáng thương cả (Đức Hiếu Sinh).

Thầy dạy các con đoàn kết (Đức đoàn kết), các con lại không nghe, mãi tranh chấp hơn thua, những điều này khiến cho Thầy quá mệt mỏi. Đối với Thầy chỉ có con đường vượt qua mọi thử thách, mọi gian lao, chứ không chùn bước (Đức vượt qua). Nhưng đứng trước mọi nghịch cảnh Thầy không tranh chấp, không hơn thua với ai cả (Đức không tranh chấp), dù bất cứ một người nào, dù là những trẻ con (Đức tôn trọng). Thầy chỉ có biết xả bỏ (Đức buông xả), biết thương yêu (Đức hiếu sinh), biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng (Đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng) và biết im lặng như Thánh (Đức im lặng như thánh), nên cuộc đời Thấy sống an nhàn, thanh thản và vô sự (Đức giải thoát).

                (Tâm thư gửi phật tử Hà Nội ngày 23/9/2006 –
                Những Bức Tâm Thư tập I – NXB Tôn Giáo Hà Nội – 2008, tr 214).

2- TRÍCH 2

Thầy là một tu sĩ không của cải, không tài sản, không chùa to Phật lớn, đời sống chỉ có ba y một bát. Thầy là một du tăng nay ở chỗ này mai ở chỗ khác. Tu viện Chơn Như thuộc về Giáo Hội, Giáo Hội cho của cải tài sản là của phật tử là của chung, của chung là của Giáo Hội, của Nhà nước, của Ban Tôn Giáo. Lấy của chung thì phải làm lợi ích cho mọi người, đó là niềm vui. Của cải tài sản vật chất là vô thường có vật gì bền chắc đâu, thân này còn giữ không được huống là tu viện, vì thế ai muốn thì Thầy vui lòng giao lại cho, không hề tiếc một điều gì cả. (Đức buông xả).

(Tâm thư ngày 24/4/2009 – Những Lời Tâm Huyết – NXB Tôn Giáo Hà Nội – 2009, tr 49).

3- TRÍCH 3

Thầy xin kể câu chuyện thứ nhất trong thời đức Phật, ngày xưa người ta lôi xác chết của một phụ nữ bị giết chôn sau thất Phật, rồi họ tố cáo đức Phật giết.

Câu chuyện thứ hai, người ta còn đưa một phụ nữ mang thai và bảo rằng đức Phật là một tác giả.

Hai câu chuyện xảy ra động trời như vậy, nếu đặt các con cùng sống trong thời gian ấy thì các con xem Phật ra sao? Có phải bằng con mắt nghi ngờ khinh chê không? Có phải bỏ đức Phật ra đi không? Có đúng như vậy không các con?

Ngược lại những chuyện động trời như vậy mà chúng tỳ-kheo trong thời đức Phật im lặng như Thánh (Đức im lặng như thánh), họ không hề dao động, vì lòng tin của họ quá sâu đậm với đức Phật và họ là những người tâm bất động (Đức giữ gìn tâm bất động). Họ thấy đó là chuyện tầm thường của thế gian, có đáng gì cho họ nghi ngờ Phật, vì họ ngộ pháp Phật và biết Phật là người đầy lòng yêu thương và buông xả tất cả thì làm gì có việc ấy (Đức lòng tin). Có đúng như vậy không các con? Nhưng các con tâm còn mê mờ, ngay cả khi nghe pháp xong liền chứng đạo là các con còn không tin, thì chuyện tày trời này làm sao các con không nghi ngờ.

Chúng ta hãy dẹp câu chuyện thần thông huyền thoại qua một bên để tìm thấy lòng người lúc bây giờ. Chúng tỳ-kheo trong thời đức Phật họ đã thâm nhập những lời dạy của Phật nên họ bất động khi thấy đức Phật bị hàm oan hãm hại. (Đức giữ gìn tâm bất động) Những giáo sĩ Bà La Môn muốn hại Phật, thì họ phải dựng lên những chứng cớ rõ ràng, nếu không dựng lên những chứng cớ rõ ràng thì làm sao hạ uy tín của Phật được. Các con đừng nghe trong kinh dựng lên những thần thông để giải oan cho Phật như tiểu thuyết Trung Hoa thì thật là buồn cười. Có sóng gió như vậy mới thấy tâm Phật bất động, mới thấy Phật là người xứng đáng cho chúng ta cung kính tôn thờ. Phải không các con?

Còn Tu Viện chỉ sóng gió chẳng ra gì mà các con dao động hội họp ngày nào cũng vậy, chứng tỏ lòng tin của các con đối với Thầy còn yếu lắm. Nếu câu chuyện của Phật ngày xưa mà đặt vào Thầy thì các con sẽ bỏ đi hết chớ gì. Có đúng như vậy không?

Câu chuyện sóng gió của Chơn Như có ra gì mà tâm các con còn dao động, như vậy các con tu tập không có xả tâm mà chỉ ức chế tâm, tu như vậy có ích lợi gì cho ai, tu như vậy là tu sai pháp, tu như vậy là tu uổng công các con ạ!.

Danh đối với Phật có nghĩa lý gì, còn Thầy, khi các con bỏ đi Thầy chỉ mỉm cười ung dung bước vào tù, vì tội giết người, vì tội hiếp dâm. Thầy không một lời minh oan các con ạ! (Đức giữ gìn tâm bất động)

"Những buổi chiều tà mưa phủ trắng. Thầy cười tha thứ kẻ vô minh". (Đức hiếu sinh tha thứ).     

               (Tâm thư gửi phật tử Hà Nội ngày 23/9/2006 –
               Những Bức Tâm Thư tập I – NXB Tôn Giáo Hà Nội – 2008, tr 225-227).

4- TRÍCH 4

Kính gởi: Cô Liên Châu và Tuệ Hạnh.

Khi Thầy rời khỏi tu viện là để thành lập các Ban, do các Ban điều hành tu viện, nhờ đó Thầy được rảnh rang biên soạn những bộ sách Đạo Đức Làm Người và bộ sách Giới Luật Đức Hạnh của Phật (Đức hiếu sinh đa hướng).

Khi Thầy rời khỏi tu viện thì chỉ còn hai tháng nữa mới giải hạ, thế mà quý sư thầy lại bỏ thất đi chơi. Thì làm sao Thầy không khuyên họ sống đúng giới luật, đừng làm như vậy phật tử cười chê. (Đức khuyên bảo)

Các con yên tâm, đó là những việc dạy bảo của Thầy, không có việc gì quý Thầy làm qua mắt Thầy được, nhưng khi Thầy còn ở trong tu viện khuyên bảo dạy dỗ các sư, thầy có nghe cũng tốt, không nghe thì thôi, chứ Thầy biết làm sao hơn (Đức từ, bi, hỷ, xả).

Nhưng các con là cư sĩ phật tử gánh vác những cơm ăn áo mặc đời sống của họ, thế mà để họ đã sống không đúng giới luật thì Thầy phải có trách nhiệm nhắc nhở. (Đức trách nhiệm)

Thầy xin lỗi các con. "GIÁO BẤT NGHIÊM SƯ CHI NỌA". Người Thầy dạy dỗ học trò mà không nghiêm túc giới luật thì phải chịu lỗi. (Đức nhìn lỗi mình)

Vậy các con thương Thầy mà bỏ qua. Tuy rằng Thầy ở xa nhưng lúc nào Thầy cũng chăm lo sự tu hành của quý thầy, quý sư nên họ làm gì Thầy đều biết, chứ không có ai báo cho Thầy biết đâu, các con ạ!

Thấy sự phá giới của thầy này được, thì sẽ có thầy khác phá giới nên Thầy viết thư khuyên bảo để ngăn ngừa các thầy khác sẽ không theo vết xe cũ (Đức khuyên bảo).

Thầy mong sao quý sư thầy trở thành những người giới luật nghiêm túc để Phật giáo được trường tồn mãi mãi. Đó là điều ước mong nhất của người Thầy. (Đức hiếu sinh)

Thầy rất biết ơn các con phật tử Thành Phố Hồ Chí Minh đã lo cho đời sống 20 tăng ni sinh học khoá đào tạo bảy tháng lớp tu chứng đạt chân lí tâm bất động, tưởng đâu tăng ni sinh đã rớt hết nhưng không ngờ cũng còn được 2 người tuy chưa hoàn toàn nhưng kết quả tu hành rất cụ thể. (Đức tri ân)

Cuối thư Thầy thăm và chúc các con vui mạnh gặp nhiều may mắn để tiến về đường tu giải thoát (Đức hiếu sinh sách tấn khẩu hành).

                                                                                  Thân thương chào các con.

           (Tâm thư gửi Liên Châu ngày 26/10/2006 –
           Những Bức Tâm Thư tập II – NXB Tôn Giáo Hà Nội – 2008, tr 150-151).