063-TƯ DUY VỀ DIỆT NGÃ XẢ TÂM. Phi Mạnh.

Chỉ là những suy tư tưởng chừng nhỏ nhưng không nhỏ chút nào. Tác giả Sống Yêu Thương vừa gửi đến chúng tôi những lời chia sẻ tâm huyết rút ra từ thực trạng của tu viện từ nhiều thời gian qua. Xin giới thiệu đến quý độc giả cùng chia sẻ.
          Chúng tôi mong muốn Lòng Yêu Thương trong tu viện được thể hiện như những lời dạy của Thầy vẫn mãi còn đây: "Tăng Ni và Cư sĩ hãy sống đoàn kết, thương yêu, hòa hợp như nước với sữa" để giữ gìn Thánh giới uẩn, Thánh hộ trì các căn, Thánh chánh niệm tỉnh giác... để tự thanh tịnh mình, thanh tịnh tu viện.
         Có như thế thì tu viện mới là niềm tin của phật tử từ khắp nơi trong nước cũng như ở hải ngoại luôn hướng tâm về.
         Có như thế thì còn "ngoại đạo phi nhân" nào có thể thực hiện được mưu toan thôn tính chánh pháp để đem tà pháp đến nơi này.
         Xin cám ơn tác giả Sống Yêu Thương đã từ bi san sẻ.
                                                                                                               BBT/GNCN (30/3/2013).

          Thưa quý vị độc giả,
        Sau khi trao đổi riêng với tác giả bài viết "Tư duy về Diệt Ngã Xả Tâm", chúng tôi nhận được ý kiến rất thật, rất chân tình của tác giả. Theo yêu cầu của tác giả, BBT/GNCN xin giới thiệu nguyên văn lời trao đổi này để quý vị hiểu rõ sự khát khao mong muốn của những người con của Phật, của Trưởng Lão Thông Lạc thiết tha với chánh Phật pháp như thế nào.
          Giữ gìn, bảo vệ và phát triển rộng rãi những gì Trưởng lão gây dựng lại là trách nhiệm nặng nề của tất cả chúng ta. Mời quý vị cùng đọc.                                                        
                                                                                                             BBT/GNCN (31/3/2013).

Kính gửi Ban biên tập.

Cám ơn sự chia sẻ thành thật của quý anh chị. Thật tình mà nói, tôi không ngại cô Trang, Mật Hạnh biết bài viết này, và nói thật cô Trang cũng đã biết ai viết bài viết này rồi. Mặc dù những cái tên "Sống Yêu Thương" hay "Phi Mạnh" chỉ là nặc danh, nhưng tôi cũng đã thẳng thắn nói với cô Trang bài viết này là của tôi.

Mục đích của tôi viết ra không phải để nói xấu châm chọc ai, chỉ muốn nói sự thật, nói lên cảm nhận của mình. Nói để góp ý kiến. Nếu ban quản lý tu viện Chơn Như xem xét qua, thấy có thiết thực lợi ích thì áp dụng, còn không thì cũng không sao. Tôi tự biết mình còn chưa đủ tri kiến, tu hành chưa rốt ráo thì không thể không mắc sai lầm.

Tôi nghĩ, cô Trang hoặc Mật Hạnh cũng biết rõ điều này, không chấp vặt vào những điều nghe thấy, vì họ đã có thời gian bên Thầy sống xả tâm tốt cho nên Thầy mới tin tưởng giao cho quản lý tu viện Chơn Như.

Tóm lại, tôi không bao giờ có ý chê bai ai, phê phán ai, không nghi kỵ ai, không nghĩ rằng ai là ngoại đạo đang có âm mưu thôn tính tu viện Chơn Như. Tôi chỉ muốn góp những ý kiến nhỏ nhoi, nhằm giúp xây dựng tu viện tốt hơn, để tu viện Chơn Như luôn xứng đáng là nơi nuôi dưỡng chánh pháp của Phật, xứng đáng là nơi mà đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc đã bỏ nhiều tâm huyết ra xây dựng, xứng đáng là nơi để tất cả Phật tử gửi thác cuộc đời của mình vào chánh pháp của Phật duy nhất trên mảnh đất Việt Nam này.

Như anh chị đã ngụ ý về người quản lý là cô Trang, tôi xin phép nói thẳng, người quản lý trong tu viện rất nhiều, không chỉ gồm có cô Trang, Mật Hạnh mà còn có những người quản lý từng khu vực nam, nữ, quản lý nhà bếp, người kiểm tra...

Đối với tôi, ai làm quản lý cũng không quan trọng, quan trọng là việc tổ chức cách quản lý sao cho con người không còn bị dính mắc vào danh lợi, người đó phải hiểu rõ đạo đức quản lý, quản lý trên tinh thần diệt ngã xả tâm để đem niềm vui và hạnh phúc cho mình và mọi người. Quản lý như vậy thì không còn sống trong ác pháp, không tự xây bản ngã cao. Quản lý như vậy là bình đẳng, không thiên vị, không độc tài, độc quyền, không có người quản lý mà giống như có người quản lý. Vì ai cũng làm được, chỉ cần hiểu thôi.

Đó là chủ trương của bài viết, đưa ra cách giải quyết vấn đề, đưa ra cách xử lý, chứ không châm chích ai, không nói xấu ai, không phê phán bất kỳ ai.

Xin ban biên tập hãy trích bài viết trên vào phần cuối của bài viết "Tư duy về Diệt Ngã Xả Tâm" để mọi người hiểu hơn về ý của tôi.

                                                                                                          Cám ơn.

                                                                                                         Phi Mạnh

TƯ DUY VỀ DIỆT NGÃ XẢ TÂM.

“NGƯỜI QUẢN LÝ PHẢI LÀ NGƯÒI ĐÃ DIỆT NGÃ XẢ TÂM.”

1- Tại sao phải là người đã diệt ngã xả tâm? - Bởi vì khi chưa diệt ngã xả tâm thì sẽ còn làm khổ mình, khổ người.

2- Thế nào là người đã diệt ngã xả tâm? Người diệt ngã xả tâm sẽ gồm có những đạo đức sau:

- Sống biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng với mọi lời nói, yêu cầu, góp ý và việc làm của mọi người.

- Biết lắng nghe mọi người, lấy phương châm PHỤC VỤ mọi người làm vai trò chính của công việc của mình. Họ tự hiểu nhiệm vụ của người quản lý là đại diện cho tu viện lắng nghe những lời đóng góp của tất cả mọi người để PHỤC VỤ giúp mọi người vui và yên tâm tu tập tốt. Họ tự hiểu ý kiến của mọi người luôn là ý tốt, là ý kiến xây dựng tu viện tốt hơn. Cho nên họ luôn vui vẻ tùy thuận, lấy công việc phục vụ mọi người làm đối tượng tu tập diệt ngã xả tâm, luôn đáp ứng mọi yêu cầu của mọi người để mọi người vui vẻ và yên tâm tu tập. Chỉ cần mọi người vui thì họ vui, sống trên cái vui của người khác.

- Dĩ nhiên không phải việc nào cũng tùy thuận theo, những việc có lợi ích cho tu viện và mọi người thì tùy thuận, còn những việc không có lợi ích cho tu viện và mọi người, chạy theo dục và ác pháp thì không nên tùy thuận làm theo. Do vậy người quản lý phải là người có tri kiến giải thoát.

- Họ sẽ không làm mất lòng ai, luôn vui vẻ với mọi người, sống hòa đồng với mọi người, họ không bắt buộc ai làm bất cứ điều gì theo ý của mình. Chỉ mong tạo ra một môi trường tốt và thuận lợi cho mọi người tu tập xả tâm tốt.

- Họ luôn thấy mọi người đều là người tốt, người thiện, người đúng, những gì mọi người góp ý hoặc làm đều muốn tốt cho tu viện và mọi người,…

- Họ hiểu rằng tu viện không phải là nhà tù, nơi giam lỏng, không phải nơi để kiểm soát, kiểm tra, ra lệnh, cấm đoán, cho phép, phạt, đuổi. Tu viện là nơi sống đời sống bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Ai ai cũng có quyền tự do, làm bất cứ việc gì trong khuôn khổ cho phép của mình, miễn sao không vi phạm quy định nội quy của tu viện.

- Họ có lòng yêu thương và vị tha vô bờ bến, biết thông cảm với mọi người, biết hiểu được những cảm nhận của mọi người. Không áp dụng hình thức đuổi người ra khỏi tu viện khi còn có sự lựa chọn khác, trừ khi người đó vi phạm nội quy giới luật tu viện nhiều lần và không chịu sửa.

- Tóm lại, những người có ít nhất những đức tính đạo đức như trên mới xứng đáng làm người quản lý.

3- Thế nào là người chưa diệt ngã xả tâm?

- Người chưa diệt ngã xả tâm là người hiểu việc quản lý là quản lý người, kiểm soát người, kiểm tra người, tự cho phép mình cấm đoán, ra lệnh hoặc cho phép người làm cái này cái kia, luôn nghi ngờ, không tin tưởng người, luôn thấy mọi người là người xấu, người gian trá, không thành thật,… Họ tự cho phép mình quyền hành, đó là họ đang xây dựng bản ngã cho chính mình.

- Họ tự huân tập những ác pháp vào người và vô tình đã xây dựng bản ngã ngày càng cao, không còn coi ai ra gì, hống hách, ăn nói luôn lớn tiếng, không còn nhỏ nhẹ, lịch sự khiêm cung nữa.

- Họ luôn muốn mọi người phục tùng mình, nghe lời mình, lắng nghe mình, làm theo ý mình. Ngược lại, họ không biết lắng nghe người khác, không biết tùy thuận vào người khác. Do gieo những tư tưởng tiêu cực như vậy mà họ tự làm cho tánh tình và gương mặt của họ trở nên luôn khắt khe, khó tính, không thiện cảm, không gần gũi với bất kỳ ai, thiếu thân thiện, người ngoài nhìn vào là cảm nhận ngay, cảm nhận được sự thiếu thiện cảm, khó gần.

- Họ sống thiếu lòng yêu thương và vị tha, xem thường những cảm nhận của mọi người. Luôn dùng hình thức đuổi ra khỏi tu viện làm phương châm của công việc quản lý của họ, dù là một việc nhỏ, không vi phạm đến nội quy giới luật.

- Tóm lại, người chưa có đạo đức đức hạnh, chưa biết diệt ngã xả tâm, nên tự biết bản thân mình kém tài, không nên nhận nhiệm vụ và vai trò của người quản lý. Vì khi đó chỉ làm khổ mình và khổ người mà thôi, tự huân tập thêm bản ngã và ác pháp, xa lìa đời sống xả tâm. Những người như vậy nên tự biết rút lui về tu tập, sống đời sống độc cư, tự nhìn lại bản thân để tiếp tục quán xét xả tâm cho sạch hơn.