062-Ý KIẾN TỪ DIỄN ĐÀN - Phi Mạnh

Lời BBT/GNCN,

         Thưa quý vị độc giả! Đáp ứng lời yêu cầu của phật tử Hạnh Nguyệt, chúng tôi đăng lại ý kiến của phật tử Phimanh từ trang Diễn đàn lên trang chủ để mọi người được đọc thuận tiện hơn. Mời quý vị cùng đọc toàn văn ý kiến sau đây:

NHỮNG YẾU TỐ TRỢ DUYÊN CHO CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Theo tôi nghĩ hai chữ “Giải thoát” trong đạo Phật gắn liền với hai nơi: thân và tâm:

Về thân thì thân phải luôn khỏe mạnh, không bệnh tật, đau nhức, khó chịu, không ngứa ngáy, không bị gò bó, ức chế, giam hãm, không bị tù túng, mất tự do, không bị kiềm kẹp, kiểm soát, không bị kiểm tra, quản thúc… Do vậy, thân được gọi là an lạc.

Về tâm thì luôn thanh thản, không còn bị dục và ác pháp lôi kéo, chi phối, không lo lắng, buồn phiền sợ hãi bất kỳ điều gì, không bị ức chế…

Do vậy, ta chỉ cần nghiệm xét 2 điều kiện trên thì biết tâm có đang thanh thản, an lạc và vô sự hay không. Nhận ra được tâm bất động thanh thản an lạc vô sự thì coi như sự giải thoát nằm trong tay chúng ta.

Vậy để đạt được hai vấn đề chính ở trên thì ngoài việc người tu hành biết cách thức hoặc phương pháp tu tập xả tâm, còn có những yếu tố phụ nào ảnh hưởng đến thân và tâm của người tu sinh. Vấn đề này xin các bạn đóng góp thêm, ở đây tôi xin nói lên quan điểm riêng của mình, sau khi quan sát, trải nghiệm qua những tu viện, thiền viện tu tập giải thoát của Phật giáo.

Đến với đạo Phật, sự tự nguyện tự giác luôn là yếu tố quan trọng, không ai bắt buộc ai vào đạo Phật và trong đạo Phật với đức hạnh Từ Bi cũng không bắt buộc, ép buộc hoặc đuổi ai ra. Trừ trường hợp, có người đến với mục đích phá hoại, gây chia rẽ, ly gián, tạo sự mất đoàn kết thì sẽ mời chính quyền can thiệp.

Cánh cửa Từ Bi của Phật giáo luôn mở rộng cửa cho tất cả mọi người từ trẻ em cho đến người già lớn tuổi. Chỉ cần ai cảm nhận được sự từ bi trong đạo Phật, thì sẽ cảm thấy giải thoát ngay, cảm nhận ít thì giải thoát ít, cảm nhận nhiều thì sẽ giải thoát nhiều.

Do vậy, môi trường sống trong các tu viện, thiền viện hoặc các chùa của Phật giáo là một môi trường từ bi đầy lòng thương yêu và tha thứ.

Cụ thể hơn, đi sâu vào chúng ta sẽ thấy rõ từng chi tiết từ môi trường sống, sự sinh hoạt, học tập, tu tập, cách thức tổ chức, người quản lý, an ninh và cách làm việc trong các nơi đó đều toát ra một không khí yêu thương, tha thứ giàu lòng từ bi của đạo Phật.

Ví dụ:

1. Về môi trường thì luôn tạo một không gian thoáng mát, sạch sẽ, giống như những nơi an dưỡng, có những ngôi nhà nghỉ lục giác, bát giác, những ghế đá ngồi trong những khuôn viên cây cối đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, có không gian và cây cảnh luôn được chăm sóc tỉa gọt sạch sẽ, không ruồi muỗi, rắn rít giúp cho người tu sinh cảm thấy thoải mái cả thân và tâm.

2. Về sinh hoạt thì ai làm việc người đó, luôn ý thức giữ gìn im lặng, chỉ nói những gì cần nói, không tụ họp nói chuyện, không bàn chuyện đời, luôn thân ái cung kính và tôn trọng nhau,… Có đầy đủ các phòng thư viện, nơi đọc sách, nơi nghe băng giảng tu tập, cơ xưởng, nơi cất chứa những dụng cụ làm vườn hoặc sửa chữa, nhà bếp,…

3. Về học tập thì có những lớp học cho các tu sinh từ cơ bản đến nâng cao, các phòng đọc sách, nghe băng, máy vi tính, thư viện,…

4. Về tu tập thì phân rõ nhiều khu tu tập tùy theo lớp học, có khu tu tập căn bản cho người mới vào, có khu cho người lớp 1, lớp 2, lớp 3,… Để sống trong các khu lớp cao hơn thì có những tiêu chuẩn đạo đức đức hạnh riêng của nó. Ai không hội đủ những tiêu chuẩn đạo đức đức hạnh đó thì tự giác tự nguyện lùi lại các lớp dưới. Ví dụ: lớp 1 có những đức hạnh: ăn ngày 1 bữa, nhẫn nhục tùy thuận và bằng lòng, ăn ngủ không phi thời; lớp 2 có những tiêu chuẩn của lớp 1 cộng thêm đức hạnh không còn bị hôn trầm thùy miên, buồn ngủ. Tu sinh nào ở lớp 2 tự thấy vẫn còn bị buồn ngủ, còn tham ngủ phi thời thì nên tự giác trở về khu tu tập dành cho lớp 1.

Chính những tiêu chuẩn đức hạnh của từng lớp học, từng khu vực sinh sống sẽ là cách kiểm tra sàng lọc tu sinh lên lớp, xuống lớp hoặc sống tu tập ở đâu. Người tu sinh tự đánh giá mình, tự giác tự nguyện xuống lớp, rời khỏi tu viện, thiền viện, chùa hoặc xin phép ban quản lý cho lên lớp cao hơn, không chạy theo danh lợi, học nhiều học cao như các trường ngoài đời.

5. Về tổ chức thì càng đơn giản càng tốt, càng ít người càng tốt. (Quản mà không quản, không quản mà quản). Tổ chức làm sao để tránh tạo ra những danh lợi phe phái trong tu viện, thiền viện hoặc chùa. Tổ chức làm sao mà người quản lý chính là tu sinh, tu sinh chính là người quản lý. Tổ chức làm sao chỉ có những tiêu chuẩn đạo đức đức hạnh là những tiêu chuẩn điều kiện sàng lọc tu sinh và người quản lý. Có nhiều khu học tập và tu tập rõ ràng, mỗi khu có những tiêu chuẩn đạo đức đức hạnh riêng, lấy đức hạnh làm tiêu chuẩn và mức đo để sàng lọc tu sinh, ai hội đủ những tiêu chuẩn đạo đức đức hạnh đó thì được học và sống trong khu vực đó, ai không hội đủ điều kiện đạo đức đức hạnh thì được chuyển sang lớp khác hoặc khu vực thích hợp.

Với lòng yêu thương từ bi trong đạo Phật dĩ nhiên không bao giờ tu viện, thiền viện hoặc chùa đuổi hay ép buộc ai rời khỏi. Bởi vì ai cũng hiểu rõ khi một người đến tu viện, thiền viện, chùa để nương tựa thì họ đã xả bỏ hết của cải, nơi ở và người thân ngoài đời. Nếu vì lý do nào mà bị đuổi ra khỏi tu viện, thiền viện hoặc chùa thì người đó chỉ còn cách là tự tử. Điều đó thì chắc là trong đạo Phật không cho phép làm như vậy, vì làm như vậy thì trái với đức hạnh yêu thương và tha thứ của đạo Phật.

Trừ trường hợp người đó đến tu viện, thiền viện hoặc chùa với mưu tính phá rối, phá hoại, gây chia rẽ, tạo phe phái ly gián làm mất sự hòa hợp đoàn kết trong tu viện, thiền viện hoặc chùa thì ban quản lý hoặc thầy trụ trì mời ra, nếu vẫn không ra thì mời chính quyền địa phương can thiệp.

Chính tự mỗi người đến với tu viện, thiền viện hoặc chùa cảm thấy không thích hợp với những tiêu chuẩn đức hạnh thì họ sẽ tự giác tự nguyện ra đi, chứ không ai đuổi.

Do vậy, dù cho ai phạm lỗi gì, tu viện, thiền viện, hoặc chùa cũng nên tìm đủ mọi cách giáo huấn lại người đó, chuyển họ đến những khu vực thích hợp để sống và làm việc, vẫn yêu thương đối xử bình đẳng với họ như bao tu sinh khác, như ngày đầu bước vào tu viện, thiền viện hoặc chùa.

Ngoài ra trong vấn đề tổ chức để tránh danh lợi và giúp cho người tu hành diệt bản ngã xả tâm của mình. Đối với những ai chưa tu tập đến giải thoát, được chọn làm người quản lý thì việc quản lý đó chỉ có tính cách tạm thời trong một thời gian nhất định, có thể là chỉ 3 tháng, 6 tháng, hoặc tối đa là 1 năm. Dù có làm tốt đến đâu, đến thời gian mãn hạn phải tự giác tự nguyện xin thôi chức vị, trở về khu mình tu tập, tiếp tục tu tập đến sự giải thoát rốt ráo. Nếu người đó có ý muốn trở lại tham gia vào ban quản lý thì cũng phải 6 tháng hoặc 1 năm sau, nhiệm kỳ thứ hai này phải được sự đồng ý của các tu sinh qua việc thăm dò lá phiếu. Chính cách tổ chức này sẽ giúp cho trong tu viện, thiền viện hoặc các chùa không có sự chuyên quyền, sự độc tài, độc quyền, phe phái hoặc sự bảo thủ. Đồng thời giúp cho người tu sinh không bị dính mắc vào danh lợi, không bị ràng buộc trong công việc quản lý, không bị công việc quản lý ảnh hưởng đến lý tưởng giải thoát ban đầu của tu sinh khi đến với đạo Phật.

6. Về người quản lý, phải là người có đầy đủ đạo đức đức hạnh, đã có kinh nghiệm tu tập hoặc đã trải qua thời gian xả tâm tốt, sống biết yêu thương mọi người, hòa nhã, lễ độ, cung kính và tôn trọng tất cả mọi người, hiểu rõ đạo đức nghề nghiệp là PHỤC VỤ mọi người.

Vai trò của người quản lý kiểm tra là phục vụ cộng đồng, phục vụ các bạn đồng tu, là để đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người, chứ không phải làm cho các tu sinh bất an, lo lắng hoặc sợ hãi. Họ sẵn sàng giúp đỡ, biết lắng nghe, biết hỗ trợ, tận tâm phục vụ mọi người với bất kỳ yêu cầu nào. Gương mặt họ luôn vui vẻ, lời nói luôn ôn tồn, hòa nhã, nhã nhặn, nhẹ nhàng khiêm tốn, hành động thì luôn cung kính và tôn trọng tất cả tu sinh, xem mình cũng như mọi tu sinh, hòa đồng với nhau như nước với sữa, không vì cái danh quản lý mà có sự ngăn cách hay quyền lực nào.

Họ không vì cái danh quản lý cho phép mình sử dụng quyền lực để can thiệp vào đời sống sinh hoạt và tu tập của bất kỳ ai, không cấm đoán ai, không ép buộc ai, không ra lệnh cho ai làm gì, không kiểm tra ai, không quản thúc ai, … Trong giới hạn quản lý của mình, họ chỉ dùng lời nói ôn tồn nhẹ nhàng giải thích rõ cho các tu sinh sống và xả tâm rốt ráo,… Dù ai có làm sai điều gì thì cũng vẫn vui vẻ giải thích cho người đó biết lỗi sai của mình và hướng dẫn người đó đi đúng lại con đường giải thoát. Không vì bất kỳ lỗi sai phạm nào mà quở trách, trách móc, nói xấu sau lưng hoặc dùng quyền lực để phạt hay đuổi bất kỳ ai ra khỏi tu viện, thiền viện hoặc chùa, vì làm như vậy chứng tỏ người quản lý đó chưa biết cách tu tập xả tâm, chưa có lòng yêu thương và tha thứ, người quản lý đó không xứng đáng làm người quản lý, vì chính họ đã đánh mất ý nghĩa lòng từ bi của đạo Phật. Những người chưa biết xả tâm, chưa có lòng yêu thương thì không nên tiếp tục làm người quản lý, hoặc không nên nhận trách nhiệm quản lý. Vì khi chưa đủ đức hạnh mà làm người quản lý thì sẽ làm khổ mình, khổ người, làm mất uy tín của tu viện, thiền viện hoặc chùa của mình, và hơn thế nữa làm mất đi ý nghĩa từ bi của đạo Phật. Tóm lại người làm quản lý phải là người có đầy đủ đức hạnh và là người biết diệt ngã xả tâm tốt.

7. Về an ninh, thì tu viện, thiền viện hoặc chùa nên có những giao tiếp tốt với chính quyền địa phương, chân thật khai báo người đến người đi. Không nên cho người ngoài tự do ra vào tu viện, khuôn viên tu viện, thiền viện hoặc chùa có hàng rào bao quanh đủ cao. Nếu có tu sinh nào thấy ai leo vào khu đất của tu viện, thiền viện hoặc chùa thì nên báo ngay cho người quản lý,…

Dù sao đi nữa để đạt được sự giải thoát cho chính thân tâm mình thì quan trọng nhất cũng là tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Nhưng để đạt được sự bất động, thanh thản, an lạc và vô sự thì những yếu tố phụ như môi trường, sự sinh hoạt, học tập, tu tập, việc tổ chức, người quản lý, an ninh và cách làm việc trong tu viện cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình tu tập của các tu sinh, cho nên chớ xem thường chúng. Càng nhiều duyên tốt hỗ trợ thì sự giải thoát trong đạo Phật càng dễ dàng và thấy rõ hơn. Ngược lại, nếu xem thường chúng thì tâm lý của tu sinh sẽ bị ảnh hưỡng, dẫn đến làm khổ mình, khổ người mà không biết.

Như trên có đề cập về yếu tố tổ chức "tổ chức làm sao mà người quản lý chính là tu sinh, tu sinh chính là người quản lý"

Tôi xin làm rõ vấn đề này, lấy ví dụ trong tu viện hiện nay mỗi khu tu tập có người kiểm tra vào ban đêm và sáng sớm, xem có ai bị hôn trầm thùy miên để nhắc. Vấn để kiểm tra có thể làm như sau: ví dụ lần đầu tiên đi kiểm tra là 1 người quản lý, khi người quản lý phát hiện người A bị hôn trầm thùy miên, thì gõ cửa nhắc. Sau đó người quản lý thôi nhiệm vụ của mình, người A tiếp nhận nhiệm vụ kiểm tra, đứng dậy đi kiểm tra. Khi phát hiện người B bị hôn trầm thì gõ cửa nhắc nhở, người A trở về thất của mình tu tập tiếp, còn người B tiếp nhận vai trò của người kiểm tra, tiếp tục đi kiểm tra các thất khác. Đến cuối giờ tu tập, ai là người đi kiểm tra sẽ là người đầu tiên tiếp tục nhiệm vụ của mình đi kiểm tra ở thời tu tập kế tiếp. Cứ như vậy từ ngày này qua ngày khác đâu có cần người kiểm tra cố định.

Do cách tổ chức này sẽ thấy được các tu sinh tự quản thúc nhau, không có ai là người kiểm tra cố định, tránh tạo áp lực cho các tu sinh, giúp cho các tu sinh bị hôn trầm thùy miên vận động đi ra ngoài nhiều hơn, không còn lười biếng ngồi trong thất, sống trong ý thức, tỉnh táo,...

Sự tự quản này sẽ tự động hoàn toàn, không cần bố trí, bổ nhiệm ai làm người quản lý. Không có người quản lý cố định thì các tu sinh không bị áp lực, các tu sinh sẽ không còn bị cảm giác có người luôn để ý, kiểm tra, quản thúc từng hành vi của mình trong tu viện. Điều này làm cho tâm trạng của các tu sinh thoải mái hơn.

Không có người kiểm tra cố định thì ai ai cũng được bình đẳng tu tập như nhau. Bởi vì khi đã trở thành người kiểm tra cố định thì họ đã bị thiệt thòi không có thời gian tu tập như các tu sinh khác.

Phimanh xin nhấn mạnh là không bao giờ có ý muốn lập thêm một nơi mới ngoài tu viện Chơn Như. Chỉ mong rằng tu viện Chơn Như 1 và 2 nhập lại thành 1. Quản lý tốt, tạo đầy đủ điều kiện tốt cho mọi người về tu hành là mãn nguyện rồi. Đó là cái phước lớn của chúng sanh.

Càng lập ra nhiều nơi tu tập, chỉ chứng minh được nội bộ không đoàn kết. Điều này Phimanh không bao giờ muốn. Chúng ta hãy đoàn kết lại để cùng nhau xây dựng tu viện Chơn Như tốt hơn. Bỏ qua những lỗi lầm của nhau. Không nên đi tìm lỗi lầm của nhau. Tin tưởng nhau và cùng nhau bảo vệ chánh pháp của đức Phật do đức Trưởng lão Thích Thông Lạc gầy dựng bao năm qua.