I. PHẨM GIÁC NGỘ - THỨ NHẤT

1. 1. SỰ GIÁC NGỘ - KINH THỨ NHẤT

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi gốc cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

 

2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh một của đêm đã khéo léo tác ý thuận chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu, do sự sanh khởi của cái này thì cái kia được sanh khởi, tức là: Do duyên vô minh, các hành (sanh khởi); do duyên các hành, thức (sanh khởi); do duyên thức, danh sắc (sanh khởi); do duyên danh sắc, sáu xứ (sanh khởi); do duyên sáu xứ, xúc (sanh khởi); do duyên xúc, thọ (sanh khởi); do duyên thọ, ái (sanh khởi); do duyên ái, thủ (sanh khởi); do duyên thủ, hữu (sanh khởi); do duyên hữu, sanh (sanh khởi); do duyên sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này.”[1]

 

3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó vị ấy nhận biết rằng (mọi) việc là có nguyên nhân.”

 

1. 2. SỰ GIÁC NGỘ - KINH THỨ NHÌ

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

 

2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh giữa của đêm đã khéo léo tác ý nghịch chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu, do sự diệt tận của cái này thì cái kia được diệt tận, tức là: Do sự diệt tận của vô minh (đưa đến) sự diệt tận của các hành, do sự diệt tận của các hành (đưa đến) sự diệt tận của thức, do sự diệt tận của thức (đưa đến) sự diệt tận của danh sắc, do sự diệt tận của danh sắc (đưa đến) sự diệt tận của sáu xứ, do sự diệt tận của sáu xứ (đưa đến) sự diệt tận của xúc, do sự diệt tận của xúc (đưa đến) sự diệt tận của thọ, do sự diệt tận của thọ (đưa đến) sự diệt tận của ái, do sự diệt tận của ái (đưa đến) sự diệt tận của thủ, do sự diệt tận của thủ (đưa đến) sự diệt tận của hữu, do sự diệt tận của hữu (đưa đến) sự diệt tận của sanh, do sự diệt tận của sanh (đưa đến) lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt tận. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”

 

3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó nhận biết rằng (mọi) việc là có nguyên nhân.”

 

 

1. 3. SỰ GIÁC NGỘ - KINH THỨ BA

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

 

2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh cuối của đêm đã khéo léo tác ý thuận chiều và nghịch chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu, do sự sanh khởi của cái này thì cái kia được sanh khởi, khi cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu, do sự diệt tận của cái này thì cái kia được diệt tận, tức là: Do duyên vô minh, các hành (sanh khởi); do duyên các hành, thức (sanh khởi); do duyên thức, danh sắc (sanh khởi); do duyên danh sắc, sáu xứ (sanh khởi); do duyên sáu xứ, xúc (sanh khởi); do duyên xúc, thọ (sanh khởi); do duyên thọ, ái (sanh khởi); do duyên ái, thủ (sanh khởi); do duyên thủ, hữu (sanh khởi); do duyên hữu, sanh (sanh khởi); do duyên sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này.

 

Nhưng chính do sự diệt tận của vô minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các hành, do sự diệt tận của các hành (đưa đến) sự diệt tận của thức, do sự diệt tận của thức (đưa đến) sự diệt tận của danh sắc, do sự diệt tận của danh sắc (đưa đến) sự diệt tận của sáu xứ, do sự diệt tận của sáu xứ (đưa đến) sự diệt tận của xúc, do sự diệt tận của xúc (đưa đến) sự diệt tận của thọ, do sự diệt tận của thọ (đưa đến) sự diệt tận của ái, do sự diệt tận của ái (đưa đến) sự diệt tận của thủ, do sự diệt tận của thủ (đưa đến) sự diệt tận của hữu, do sự diệt tận của hữu (đưa đến) sự diệt tận của sanh, do sự diệt tận của sanh (đưa đến) lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt tận. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”

 

3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền, trong khi đánh tan binh đội của Ma Vương, (vị ấy) hiển hiện tựa như ánh mặt trời đang làm rực sáng không gian.”

 

 

1. 4. KINH CÂY SI

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây si của những người chăn dê và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

 

2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy. Khi ấy, có vị Bà-la-môn nọ thuộc nhóm chuyên luyện về âm “hum, hum” đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, vị Bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

 

“Thưa Ngài Gotama, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là Bà-la-môn? Và các pháp nào tạo nên bản thể Bà-la-môn?”

 

3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Vị Bà-la-môn nào có ác pháp đã được ngăn trừ, là vị không làm tiếng ‘hum hum,’ đã thoát khỏi điều ô nhiễm, có bản thân đã được chế ngự, là vị thông thạo các bộ Vệ Đà, sống theo đời Phạm hạnh, vị ấy có thể thuyết giảng một cách đúng đắn lời nói của Phạm Thiên, vị ấy không có sai sót về bất cứ điều gì ở trên thế gian.”

 

 

1. 5. KINH CÁC VỊ TRƯỞNG LÃO

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta, đại đức Mahāmoggallāna, đại đức Mahākassapa, đại đức Mahākaccāyana, đại đức Mahākoṭṭhita, đại đức Mahākappina, đại đức Mahācunda, đại đức Anuruddha, đại đức Revata, đại đức Ānanda, đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy các vị đại đức ấy từ đằng xa đang đi đến, sau khi thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, các vị Bà-la-môn này đi đến. Này các tỳ khưu, các vị Bà-la-môn này đi đến.”

 

Khi được nói như vậy, một vị tỳ khưu xuất thân Bà-la-môn đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là Bà-la-môn? Và các pháp nào tạo nên bản thể Bà-la-môn?”

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Sau khi lánh xa các ác pháp, các vị nào sống thường xuyên có niệm, có các sự ràng buộc đã được cạn kiệt, đã được giác ngộ, các vị ấy quả thật là các Bà-la-môn ở thế gian.”

 

 

1. 6. KINH KASSAPA

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākassapa trú ở hang động Pipphali, là người bệnh, bị khổ sở, có bệnh trầm trọng. Rồi sau một thời gian, đại đức Mahākassapa đã thoát khỏi cơn bệnh ấy.

 

2. Lúc ấy, điều này đã khởi đến đại đức Mahākassapa khỉ đã thoát khỏi cơn bệnh ấy: “Có lẽ ta nên đi vào thành Rājagaha để khất thực.”

 

Vào lúc bấy giờ, các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị đang có sự sốt sắng về việc thọ nhận đồ ăn khất thực của đại đức Mahākassapa.

 

Lúc ấy, đại đức Mahākassapa đã từ chối các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị ấy, sau đó vào buổi sáng đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực, nơi đường lộ của những người nghèo khổ, nơi đường lộ của những người khốn khó, nơi đường lộ của những người thợ dệt.

 

Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Mahākassapa đang đi khất thực trong thành Rājagaha, nơi đường lộ của những người nghèo khổ, nơi đường lộ của những người khốn khó, nơi đường lộ của những người thợ dệt.

 

3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Vị không nuôi dưỡng kẻ khác, đã được biết tiếng, đã được rèn luyện, đã đứng vững ở cốt lõi, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, có sân hận đã được tẩy trừ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.”

 

 

1. 7. KINH PĀVĀ

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Pāvā, ở bảo tháp Ajakalāpaka, nơi cung điện của Dạ-xoa Ajakalāpaka. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ngồi ở ngoài trời, trong đêm tối đen mù mịt. Và trời đổ mưa từng hạt. Khi ấy, với ý định làm sanh khởi sự sợ hãi, tê cứng, lông dựng đứng đến đức Thế Tôn, Dạ-xoa Ajakalāpaka đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã gây nên tiếng gào thét hỗn loạn “á-kú-lô pá-kú-lô” ba lần ở nơi không xa đức Thế Tôn (nói rằng): “Này Sa-môn, con yêu tinh này là dành cho ông.”

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Khi đã đi đến bờ kia đối với các pháp của chính mình, trở thành vị Bà-la-môn, thì vượt qua con yêu tinh ấy và tiếng gào thét (của nó).”

 

 

1. 8. KINH SAṄGĀMAJI

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sangāmaji đã ngự đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nghe được rằng: “Nghe nói ngài Sangāmaji đã ngự đến Sāvatthi.” Cô ấy đã ẵm lấy đứa bé trai và đã đi đến Jetavana.

 

Vào lúc bấy giờ, đại đức Sangāmaji ngồi nghỉ trưa ở gốc cây nọ. Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đi đến gặp đại đức Sangāmaji, sau khi đến đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Khi được nói như vậy, đại đức Sangāmaji đã im lặng.

 

Đến lần thứ nhì, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Đến lần thứ nhì, đại đức Sangāmaji đã im lặng. Đến lần thứ ba, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Đến lần thứ ba, đại đức Sangāmaji đã im lặng.

 

Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đặt xuống đứa con trai ấy ở phía trước đại đức Sangāmaji rồi bỏ đi (nói rằng): “Này ông Sa-môn, đây là con trai của ông. Hãy nuôi dưỡng nó.”

 

2. Khi ấy, đại đức Sangāmaji đã không ngó đến cũng chẳng chuyện trò với đứa bé trai ấy. Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đi đến một nơi không xa, trong khi ngó lại, đã nhìn thấy đại đức Sangāmaji không ngó đến cũng chẳng chuyện trò với đứa bé trai ấy. Sau khi nhìn thấy, cô ấy đã khởi ý rằng: “Ông Sa-môn này không cần đến đứa con trai,” từ nơi ấy đã quay trở lại, ẵm lấy đứa bé trai rồi ra đi. Đức Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người đã nhìn thấy việc làm trái khuấy của người vợ cũ của đại đức Sangāmaji.

 

3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Chẳng thỏa thích khi nàng đi đến, không sầu muộn lúc nàng bỏ đi;

Sangāmaji đã thoát khỏi sự dính mắc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.”

 

 

1. 9. KINH ĐẠO SĨ BỆN TÓC

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại làng Gayā, ở đỉnh núi Gayā. Vào lúc bấy giờ, trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào lúc tuyết rơi, ở tại dòng sông có nhiều vị đạo sĩ bện tóc trồi lên, hụp xuống, rồi lại thực hiện hành động trồi lên hụp xuống, rưới nước, cúng tế thần lửa (nghĩ rằng): “Nhờ vào việc này mà có sự trong sạch.”

 

Và đức Thế tôn đã nhìn thấy trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào lúc tuyết rơi, ở tại dòng sông có nhiều vị đạo sĩ bện tóc trồi lên, hụp xuống, rồi lại thực hiện hành động trồi lên hụp xuống, rưới nước, cúng tế thần lửa (nghĩ rằng): “Nhờ vào việc này mà có sự trong sạch.”

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Không do nước mà trở nên trong sạch. Nhiều người tắm ở nơi này. Ở người nào có sự chân thật và có Giáo Pháp, người ấy là trong sạch, và người ấy là Bà-la-môn.”

 

 

1. 10. KINH BĀHIYA

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

 

Vào lúc bấy giờ, Bāhiya Dārucīriya[2] cư ngụ tại Suppāraka, ở bờ biển, được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Những ai là các bậc A-la-hán ở thế gian, hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo, ta là một vị trong số các vị ấy.”

 

Khi ấy, có vị Thiên nhân, trước đây là thân nhân cùng huyết thống của Bāhiya Dārucīriya, có lòng thương tưởng, có sự mong mỏi điều lợi ích, sau khi bằng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của Bāhiya Dārucīriya, đã đi đến gặp Bāhiya Dārucīriya, sau khi đến đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, ngươi hiển nhiên không phải là vị A-la-hán, hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo. Thậm chí ở ngươi không có đường lối thực hành ấy, nhờ nó ngươi có thể trở thành vị A-la-hán, hoặc đạt đến A-la-hán đạo.” “Vậy ở thế gian luôn cả chư Thiên có vị nào là bậc A-la-hán hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo?” “Này Bāhiya, ở những xứ sở ở phía bắc có thành phố tên là Sāvatthi. Ở nơi ấy, hiện nay có đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy cư ngụ. Này Bāhiya, chính đức Thế Tôn ấy không những là bậc A-la-hán mà còn thuyết giảng Pháp đưa đến phẩm vị A-la-hán nữa.”

 

Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya bị làm cho chấn động bởi vị Thiên nhân ấy ngay lập tức đã rời khỏi Suppāraka, và đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika; toàn bộ cuộc hành trình chỉ trú lại một đêm. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu đang đi kinh hành ở ngoài trời. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya đã đi đến gặp các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này: “Thưa các ngài, hiện nay đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy ngụ ở đâu? Chúng tôi có ước muốn diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.” “Này Bāhiya, đức Thế Tôn đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”

 

2. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya với vẻ vội vã đã rời khỏi Jetavana rồi đi vào thành Sāvatthi và đã nhìn thấy đức Thế Tôn, với vẻ đáng mến, khơi dậy niềm tin, có giác quan an tịnh, tâm ý an tịnh, đã đạt đến sự rèn luyện và tịnh lặng tối thượng, loài long tượng đã được huấn luyện, đã được hộ trì, có giác quan đã được kiểm soát, đang đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã cúi xuống đê đầu ở bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói điều này: “Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”

 

 Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, giờ không phải là lúc, chúng tôi đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”

 

Đến lần thứ nhì, Bāhiya Dārucīriya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa Ngài, điều này quả là khó biết được đối với các sự nguy hiểm cho mạng sống của đức Thế Tôn, hay là các sự hiểm nguy cho mạng sống của tôi. Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”

 

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, giờ không phải là lúc, chúng tôi đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”

 

Đến lần thứ ba, Bāhiya Dārucīriya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa Ngài, điều này quả là khó biết được đối với các sự nguy hiểm cho mạng sống của đức Thế Tôn, hay là các sự hiểm nguy cho mạng sống của tôi. Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”

 

“Này Bāhiya, như thế thì ngươi nên học tập như vầy: ‘Trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức.’ Này Bāhiya, ngươi nên học tập theo đúng như vậy.

 

Này Bāhiya, khi nào đối với ngươi, trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức, này Bāhiya, khi ấy ngươi không là với điều ấy. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là với điều ấy, này Bāhiya khi ấy ngươi không là trong đó. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là trong đó, này Bāhiya khi ấy ngươi đương nhiên không là ở đây, không là ở kia, không là ở khoảng giữa của cả hai. Chính điều này là sự chấm dứt của khổ.”

 

3. Khi ấy, với lời giảng Pháp tóm tắt này của đức Thế Tôn ngay khi ấy tâm của Bāhiya Dārucīriya không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

 

Khi ấy, sau khi giáo huấn cho Bāhiya Dārucīriya với lời giáo huấn tóm tắt này, đức Thế Tôn đã ra đi.

 

Sau đó, trong khi đức Thế Tôn ra đi không bao lâu, một con bò cái với con bê non đã húc ngã và đã đoạt lấy mạng sống của Bāhiya Dārucīriya.

 

Sau đó, đức Thế Tôn sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về cùng với nhiều vị tỳ khưu, sau khi đi ra khỏi thành đã nhìn thấy Bāhiya Dārucīriya đã từ trần, sau khi nhìn thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, hãy mang thi thể của Bāhiya Dārucīriya đặt lên cáng khiêng đi và hỏa thiêu. Và hãy xây dựng bảo tháp cho vị này. Này các tỳ khưu, vị đồng Phạm hạnh của các ngươi đã từ trần.”

 

“Bạch Ngài, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đặt thi thể của Bāhiya Dārucīriya lên cáng rồi khiêng đi và hỏa thiêu, và sau khi xây dựng bảo tháp cho vị này đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.

 

Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thi thể của Bāhiya Dārucīriya đã được thiêu đốt, và bảo tháp đã được xây dựng cho vị này. Cảnh giới tái sanh của vị ấy là gì? Đời sau của vị ấy là gì?”

 

“Này các tỳ khưu, Bāhiya Dārucīriya là vị sáng suốt đã thực hành Pháp tuần tự đốī với Giáo Pháp, và đã không quấy rầy Ta với sự việc liên quan đến Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, Bāhiya Dārucīriya đã viên tịch Niết Bàn.”

 

4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Nơi nào nước và đất, lửa, gió không bám chắc,

nơi ấy các vì sao không lấp lánh, mặt trời không chói sáng,

nơi ấy mặt trăng không chiếu sáng, nơi ấy sự tối tăm không tìm thấy.

 

Và vào lúc bậc hiền trí, vị Bà-la-môn tự mình hiểu biết bằng trí tuệ,

khi ấy được giải thoát khỏi sắc, khỏi vô sắc, khỏi hạnh phúc và khổ đau.”

 

Lời cảm hứng này đã được Thế Tôn nói lên, tôi đã nghe thế ấy.

 

Phẩm Giác Ngộ là thứ nhất.

 

 

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY LÀ

 

Ba chuyện về giác ngộ, cây si, các vị trưởng lão ấy, với vị Kassapa, ở Pāvā, vị Saṅgāmaji, các đạo sĩ bện tóc, với vị Bāhiya, chúng là mười bài Kinh.

 

--ooOoo--