1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi gốc cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh một của đêm đã khéo léo tác ý thuận chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu, do sự sanh khởi của cái này thì cái kia được sanh khởi, tức là: Do duyên vô minh, các hành (sanh khởi); do duyên các hành, thức (sanh khởi); do duyên thức, danh sắc (sanh khởi); do duyên danh sắc, sáu xứ (sanh khởi); do duyên sáu xứ, xúc (sanh khởi); do duyên xúc, thọ (sanh khởi); do duyên thọ, ái (sanh khởi); do duyên ái, thủ (sanh khởi); do duyên thủ, hữu (sanh khởi); do duyên hữu, sanh (sanh khởi); do duyên sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này.”[1]
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó vị ấy nhận biết rằng (mọi) việc là có nguyên nhân.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh giữa của đêm đã khéo léo tác ý nghịch chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu, do sự diệt tận của cái này thì cái kia được diệt tận, tức là: Do sự diệt tận của vô minh (đưa đến) sự diệt tận của các hành, do sự diệt tận của các hành (đưa đến) sự diệt tận của thức, do sự diệt tận của thức (đưa đến) sự diệt tận của danh sắc, do sự diệt tận của danh sắc (đưa đến) sự diệt tận của sáu xứ, do sự diệt tận của sáu xứ (đưa đến) sự diệt tận của xúc, do sự diệt tận của xúc (đưa đến) sự diệt tận của thọ, do sự diệt tận của thọ (đưa đến) sự diệt tận của ái, do sự diệt tận của ái (đưa đến) sự diệt tận của thủ, do sự diệt tận của thủ (đưa đến) sự diệt tận của hữu, do sự diệt tận của hữu (đưa đến) sự diệt tận của sanh, do sự diệt tận của sanh (đưa đến) lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt tận. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó nhận biết rằng (mọi) việc là có nguyên nhân.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh cuối của đêm đã khéo léo tác ý thuận chiều và nghịch chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu, do sự sanh khởi của cái này thì cái kia được sanh khởi, khi cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu, do sự diệt tận của cái này thì cái kia được diệt tận, tức là: Do duyên vô minh, các hành (sanh khởi); do duyên các hành, thức (sanh khởi); do duyên thức, danh sắc (sanh khởi); do duyên danh sắc, sáu xứ (sanh khởi); do duyên sáu xứ, xúc (sanh khởi); do duyên xúc, thọ (sanh khởi); do duyên thọ, ái (sanh khởi); do duyên ái, thủ (sanh khởi); do duyên thủ, hữu (sanh khởi); do duyên hữu, sanh (sanh khởi); do duyên sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này.
Nhưng chính do sự diệt tận của vô minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các hành, do sự diệt tận của các hành (đưa đến) sự diệt tận của thức, do sự diệt tận của thức (đưa đến) sự diệt tận của danh sắc, do sự diệt tận của danh sắc (đưa đến) sự diệt tận của sáu xứ, do sự diệt tận của sáu xứ (đưa đến) sự diệt tận của xúc, do sự diệt tận của xúc (đưa đến) sự diệt tận của thọ, do sự diệt tận của thọ (đưa đến) sự diệt tận của ái, do sự diệt tận của ái (đưa đến) sự diệt tận của thủ, do sự diệt tận của thủ (đưa đến) sự diệt tận của hữu, do sự diệt tận của hữu (đưa đến) sự diệt tận của sanh, do sự diệt tận của sanh (đưa đến) lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt tận. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền, trong khi đánh tan binh đội của Ma Vương, (vị ấy) hiển hiện tựa như ánh mặt trời đang làm rực sáng không gian.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây si của những người chăn dê và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy. Khi ấy, có vị Bà-la-môn nọ thuộc nhóm chuyên luyện về âm “hum, hum” đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, vị Bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Thưa Ngài Gotama, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là Bà-la-môn? Và các pháp nào tạo nên bản thể Bà-la-môn?”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Vị Bà-la-môn nào có ác pháp đã được ngăn trừ, là vị không làm tiếng ‘hum hum,’ đã thoát khỏi điều ô nhiễm, có bản thân đã được chế ngự, là vị thông thạo các bộ Vệ Đà, sống theo đời Phạm hạnh, vị ấy có thể thuyết giảng một cách đúng đắn lời nói của Phạm Thiên, vị ấy không có sai sót về bất cứ điều gì ở trên thế gian.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta, đại đức Mahāmoggallāna, đại đức Mahākassapa, đại đức Mahākaccāyana, đại đức Mahākoṭṭhita, đại đức Mahākappina, đại đức Mahācunda, đại đức Anuruddha, đại đức Revata, đại đức Ānanda, đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy các vị đại đức ấy từ đằng xa đang đi đến, sau khi thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, các vị Bà-la-môn này đi đến. Này các tỳ khưu, các vị Bà-la-môn này đi đến.”
Khi được nói như vậy, một vị tỳ khưu xuất thân Bà-la-môn đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là Bà-la-môn? Và các pháp nào tạo nên bản thể Bà-la-môn?”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sau khi lánh xa các ác pháp, các vị nào sống thường xuyên có niệm, có các sự ràng buộc đã được cạn kiệt, đã được giác ngộ, các vị ấy quả thật là các Bà-la-môn ở thế gian.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākassapa trú ở hang động Pipphali, là người bệnh, bị khổ sở, có bệnh trầm trọng. Rồi sau một thời gian, đại đức Mahākassapa đã thoát khỏi cơn bệnh ấy.
2. Lúc ấy, điều này đã khởi đến đại đức Mahākassapa khỉ đã thoát khỏi cơn bệnh ấy: “Có lẽ ta nên đi vào thành Rājagaha để khất thực.”
Vào lúc bấy giờ, các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị đang có sự sốt sắng về việc thọ nhận đồ ăn khất thực của đại đức Mahākassapa.
Lúc ấy, đại đức Mahākassapa đã từ chối các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị ấy, sau đó vào buổi sáng đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực, nơi đường lộ của những người nghèo khổ, nơi đường lộ của những người khốn khó, nơi đường lộ của những người thợ dệt.
Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Mahākassapa đang đi khất thực trong thành Rājagaha, nơi đường lộ của những người nghèo khổ, nơi đường lộ của những người khốn khó, nơi đường lộ của những người thợ dệt.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Vị không nuôi dưỡng kẻ khác, đã được biết tiếng, đã được rèn luyện, đã đứng vững ở cốt lõi, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, có sân hận đã được tẩy trừ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Pāvā, ở bảo tháp Ajakalāpaka, nơi cung điện của Dạ-xoa Ajakalāpaka. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ngồi ở ngoài trời, trong đêm tối đen mù mịt. Và trời đổ mưa từng hạt. Khi ấy, với ý định làm sanh khởi sự sợ hãi, tê cứng, lông dựng đứng đến đức Thế Tôn, Dạ-xoa Ajakalāpaka đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã gây nên tiếng gào thét hỗn loạn “á-kú-lô pá-kú-lô” ba lần ở nơi không xa đức Thế Tôn (nói rằng): “Này Sa-môn, con yêu tinh này là dành cho ông.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Khi đã đi đến bờ kia đối với các pháp của chính mình, trở thành vị Bà-la-môn, thì vượt qua con yêu tinh ấy và tiếng gào thét (của nó).”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sangāmaji đã ngự đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nghe được rằng: “Nghe nói ngài Sangāmaji đã ngự đến Sāvatthi.” Cô ấy đã ẵm lấy đứa bé trai và đã đi đến Jetavana.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Sangāmaji ngồi nghỉ trưa ở gốc cây nọ. Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đi đến gặp đại đức Sangāmaji, sau khi đến đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Khi được nói như vậy, đại đức Sangāmaji đã im lặng.
Đến lần thứ nhì, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Đến lần thứ nhì, đại đức Sangāmaji đã im lặng. Đến lần thứ ba, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Đến lần thứ ba, đại đức Sangāmaji đã im lặng.
Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đặt xuống đứa con trai ấy ở phía trước đại đức Sangāmaji rồi bỏ đi (nói rằng): “Này ông Sa-môn, đây là con trai của ông. Hãy nuôi dưỡng nó.”
2. Khi ấy, đại đức Sangāmaji đã không ngó đến cũng chẳng chuyện trò với đứa bé trai ấy. Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đi đến một nơi không xa, trong khi ngó lại, đã nhìn thấy đại đức Sangāmaji không ngó đến cũng chẳng chuyện trò với đứa bé trai ấy. Sau khi nhìn thấy, cô ấy đã khởi ý rằng: “Ông Sa-môn này không cần đến đứa con trai,” từ nơi ấy đã quay trở lại, ẵm lấy đứa bé trai rồi ra đi. Đức Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người đã nhìn thấy việc làm trái khuấy của người vợ cũ của đại đức Sangāmaji.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Chẳng thỏa thích khi nàng đi đến, không sầu muộn lúc nàng bỏ đi;
Sangāmaji đã thoát khỏi sự dính mắc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại làng Gayā, ở đỉnh núi Gayā. Vào lúc bấy giờ, trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào lúc tuyết rơi, ở tại dòng sông có nhiều vị đạo sĩ bện tóc trồi lên, hụp xuống, rồi lại thực hiện hành động trồi lên hụp xuống, rưới nước, cúng tế thần lửa (nghĩ rằng): “Nhờ vào việc này mà có sự trong sạch.”
Và đức Thế tôn đã nhìn thấy trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào lúc tuyết rơi, ở tại dòng sông có nhiều vị đạo sĩ bện tóc trồi lên, hụp xuống, rồi lại thực hiện hành động trồi lên hụp xuống, rưới nước, cúng tế thần lửa (nghĩ rằng): “Nhờ vào việc này mà có sự trong sạch.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không do nước mà trở nên trong sạch. Nhiều người tắm ở nơi này. Ở người nào có sự chân thật và có Giáo Pháp, người ấy là trong sạch, và người ấy là Bà-la-môn.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, Bāhiya Dārucīriya[2] cư ngụ tại Suppāraka, ở bờ biển, được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Những ai là các bậc A-la-hán ở thế gian, hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo, ta là một vị trong số các vị ấy.”
Khi ấy, có vị Thiên nhân, trước đây là thân nhân cùng huyết thống của Bāhiya Dārucīriya, có lòng thương tưởng, có sự mong mỏi điều lợi ích, sau khi bằng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của Bāhiya Dārucīriya, đã đi đến gặp Bāhiya Dārucīriya, sau khi đến đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, ngươi hiển nhiên không phải là vị A-la-hán, hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo. Thậm chí ở ngươi không có đường lối thực hành ấy, nhờ nó ngươi có thể trở thành vị A-la-hán, hoặc đạt đến A-la-hán đạo.” “Vậy ở thế gian luôn cả chư Thiên có vị nào là bậc A-la-hán hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo?” “Này Bāhiya, ở những xứ sở ở phía bắc có thành phố tên là Sāvatthi. Ở nơi ấy, hiện nay có đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy cư ngụ. Này Bāhiya, chính đức Thế Tôn ấy không những là bậc A-la-hán mà còn thuyết giảng Pháp đưa đến phẩm vị A-la-hán nữa.”
Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya bị làm cho chấn động bởi vị Thiên nhân ấy ngay lập tức đã rời khỏi Suppāraka, và đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika; toàn bộ cuộc hành trình chỉ trú lại một đêm. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu đang đi kinh hành ở ngoài trời. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya đã đi đến gặp các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này: “Thưa các ngài, hiện nay đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy ngụ ở đâu? Chúng tôi có ước muốn diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.” “Này Bāhiya, đức Thế Tôn đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”
2. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya với vẻ vội vã đã rời khỏi Jetavana rồi đi vào thành Sāvatthi và đã nhìn thấy đức Thế Tôn, với vẻ đáng mến, khơi dậy niềm tin, có giác quan an tịnh, tâm ý an tịnh, đã đạt đến sự rèn luyện và tịnh lặng tối thượng, loài long tượng đã được huấn luyện, đã được hộ trì, có giác quan đã được kiểm soát, đang đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã cúi xuống đê đầu ở bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói điều này: “Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”
Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, giờ không phải là lúc, chúng tôi đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”
Đến lần thứ nhì, Bāhiya Dārucīriya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa Ngài, điều này quả là khó biết được đối với các sự nguy hiểm cho mạng sống của đức Thế Tôn, hay là các sự hiểm nguy cho mạng sống của tôi. Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”
Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, giờ không phải là lúc, chúng tôi đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”
Đến lần thứ ba, Bāhiya Dārucīriya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa Ngài, điều này quả là khó biết được đối với các sự nguy hiểm cho mạng sống của đức Thế Tôn, hay là các sự hiểm nguy cho mạng sống của tôi. Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”
“Này Bāhiya, như thế thì ngươi nên học tập như vầy: ‘Trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức.’ Này Bāhiya, ngươi nên học tập theo đúng như vậy.
Này Bāhiya, khi nào đối với ngươi, trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức, này Bāhiya, khi ấy ngươi không là với điều ấy. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là với điều ấy, này Bāhiya khi ấy ngươi không là trong đó. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là trong đó, này Bāhiya khi ấy ngươi đương nhiên không là ở đây, không là ở kia, không là ở khoảng giữa của cả hai. Chính điều này là sự chấm dứt của khổ.”
3. Khi ấy, với lời giảng Pháp tóm tắt này của đức Thế Tôn ngay khi ấy tâm của Bāhiya Dārucīriya không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
Khi ấy, sau khi giáo huấn cho Bāhiya Dārucīriya với lời giáo huấn tóm tắt này, đức Thế Tôn đã ra đi.
Sau đó, trong khi đức Thế Tôn ra đi không bao lâu, một con bò cái với con bê non đã húc ngã và đã đoạt lấy mạng sống của Bāhiya Dārucīriya.
Sau đó, đức Thế Tôn sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về cùng với nhiều vị tỳ khưu, sau khi đi ra khỏi thành đã nhìn thấy Bāhiya Dārucīriya đã từ trần, sau khi nhìn thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, hãy mang thi thể của Bāhiya Dārucīriya đặt lên cáng khiêng đi và hỏa thiêu. Và hãy xây dựng bảo tháp cho vị này. Này các tỳ khưu, vị đồng Phạm hạnh của các ngươi đã từ trần.”
“Bạch Ngài, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đặt thi thể của Bāhiya Dārucīriya lên cáng rồi khiêng đi và hỏa thiêu, và sau khi xây dựng bảo tháp cho vị này đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.
Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thi thể của Bāhiya Dārucīriya đã được thiêu đốt, và bảo tháp đã được xây dựng cho vị này. Cảnh giới tái sanh của vị ấy là gì? Đời sau của vị ấy là gì?”
“Này các tỳ khưu, Bāhiya Dārucīriya là vị sáng suốt đã thực hành Pháp tuần tự đốī với Giáo Pháp, và đã không quấy rầy Ta với sự việc liên quan đến Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, Bāhiya Dārucīriya đã viên tịch Niết Bàn.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Nơi nào nước và đất, lửa, gió không bám chắc,
nơi ấy các vì sao không lấp lánh, mặt trời không chói sáng,
nơi ấy mặt trăng không chiếu sáng, nơi ấy sự tối tăm không tìm thấy.
Và vào lúc bậc hiền trí, vị Bà-la-môn tự mình hiểu biết bằng trí tuệ,
khi ấy được giải thoát khỏi sắc, khỏi vô sắc, khỏi hạnh phúc và khổ đau.”
Lời cảm hứng này đã được Thế Tôn nói lên, tôi đã nghe thế ấy.
Phẩm Giác Ngộ là thứ nhất.
Ba chuyện về giác ngộ, cây si, các vị trưởng lão ấy, với vị Kassapa, ở Pāvā, vị Saṅgāmaji, các đạo sĩ bện tóc, với vị Bāhiya, chúng là mười bài Kinh.
--ooOoo--
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi gốc cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa xuất hiện, có mưa tầm tã trong bảy ngày, có gió lạnh và đầy mây. Khi ấy, rồng chúa Mucalinda đã rời khỏi chỗ ngụ của mình dùng thân quấn quanh cơ thể của đức Thế Tôn bảy vòng và phồng lớn mang rồi duy trì ở phía trên đầu của đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Chớ để đức Thế Tôn bị lạnh, chớ để đức Thế Tôn bị nóng, chớ để đức Thế Tôn bị xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát.” Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy.
Khi ấy, rồng chúa Mucalinda sau khi biết rằng bầu trời đã trở nên trong sáng và mây đã tan nên đã nới lỏng thân khỏi cơ thể của đức Thế Tôn, rồi thay đổi hình dạng của chính bản thân và biến thành hình dạng của người thanh niên đứng ở phía trước đức Thế Tôn, tay chắp lại, bày tỏ thái độ cung kính đến đức Thế Tôn.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sự sống cách ly là an lạc đối với vị hoan hỷ, đối với vị có Pháp đã được nghe, đối với vị đang xem xét. Sự không oán hận, sự chế ngự đối với các chúng sanh có mạng sống là niềm hạnh phúc ở trên đời.
Việc xa lìa luyến ái, sự vượt qua các dục là niềm an lạc ở trên đời. Điều gì là sự thoát ra khỏi tự mãn về bản ngã, điều ấy chính là sự an lạc tối thượng.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
2. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở hội trường; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa các vị ấy:
“Này các đại đức, ai trong số hai vị vua này là người có tài sản lớn hơn, hoặc có của cải lớn hơn, hoặc có kho tàng lớn hơn, hoặc có lãnh thổ lớn hơn, hoặc có phương tiện di chuyển lớn hơn, hoặc có quân đội lớn hơn, hoặc có thần lực lớn hơn, hoặc có oai lực lớn hơn, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha hay đức vua Pasenadi xứ Kosala?” Và câu chuyện trao đổi này của các vị tỳ khưu ấy đã bị gián đoạn.
3. Khi ấy vào buổi chiều, đức Thế Tôn, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến hội trường, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, ở đây bây giờ các ngươi đã cùng ngồi xuống tụ hội vì câu chuyện gì vậy? Và câu chuyện trao đổi gì của các ngươi đã bị gián đoạn?”
“Bạch Ngài, ở đây chúng con sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở hội trường; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa chúng con: ‘Này các đại đức, ai trong số hai vị vua này là người có tài sản lớn hơn, hoặc có của cải lớn hơn, hoặc có kho tàng lớn hơn, hoặc có lãnh thổ lớn hơn, hoặc có phương tiện di chuyển lớn hơn, hoặc có quân đội lớn hơn, hoặc có thần lực lớn hơn, hoặc có oai lực lớn hơn, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha hay đức vua Pasenadi xứ Kosala?’ Bạch Ngài, câu chuyện trao đổi này của chúng con đã bị gián đoạn. Khi ấy đức Thế Tôn đi đến.”
“Này các tỳ khưu, điều này quả không thích đáng cho các ngươi, những người con trai gia đình danh giá đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, là việc các ngươi có thể nói về đề tài có hình thức như thế. Này các tỳ khưu, đối với các ngươi, khi tụ hội lại, có hai việc nên làm là trao đổi về Giáo Pháp hoặc (giữ) trạng thái im lặng thánh thiện.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Khoái lạc ngũ dục nào ở thế gian, và sự an lạc nào thuộc cõi Trời, các điều này có mười sáu phần không giá trị bằng (một phần) an lạc của sự diệt tận tham ái.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, nhiều đứa trẻ trai đánh đập con rắn bằng cây gậy ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều đứa trẻ trai đang đánh đập con rắn bằng cây gậy ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Kẻ nào trong lúc tầm cầu hạnh phúc cho bản thân mà hãm hại các chúng sanh có lòng mong mỏi hạnh phúc bằng gậy gộc, kẻ ấy không đạt được hạnh phúc sau khi chết.
Kẻ nào trong lúc tầm cầu hạnh phúc cho bản thân mà không hãm hại các chúng sanh có lòng mong mỏi hạnh phúc bằng gậy gộc, kẻ ấy đạt được hạnh phúc sau khi chết.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
2. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hội chúng tỳ khưu cũng được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh.
Trái lại, các du sĩ ngoại đạo không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy không chịu đựng được sự tôn vinh đối với đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu; sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu ở làng và ở rừng, họ sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng các lời nói không lịch sự, thô lỗ.
3. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, hiện nay đức Thế Tôn được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hội chúng tỳ khưu cũng được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Trái lại, các du sĩ ngoại đạo không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy không chịu đựng được sự tôn vinh đối với đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu; sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu ở làng và ở rừng, họ sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng các lời nói không lịch sự, thô lỗ.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Ở làng, ở rừng, kẻ bị tiếp xúc với lạc và khổ không nên đổ thừa cho bản thân hoặc cho người khác. Các xúc chạm đến tùy theo sự bám víu; đối với người không còn bám víu thì các xúc có thể chạm đến bằng cách nào?”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, có nam cư sĩ nọ người làng Icchānaṅgala đã đi đến thành Sāvatthi vì công việc cần làm nào đó. Khi ấy, nam cư sĩ ấy sau khi giải quyết xong công việc cần làm ấy ở Sāvatthi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với nam cư sĩ ấy điều này: “Này nam cư sĩ, đã lâu lắm ngươi mới tạo được cơ hội này, tức là việc đi đến đây.”
“Bạch Ngài, từ lâu nay con có ước muốn đi đến để diện kiến đức Thế Tôn, tuy nhiên con bị bận rộn với những công việc cần làm này nọ. Bởi vậy, con đã không thể đi đến để diện kiến đức Thế Tôn được.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả thật là hạnh phúc cho vị ấy, bậc không sở hữu gì, có Pháp đã được thành tựu, có sự nghe nhiều. Hãy nhìn xem người có sở hữu gì đó đang bị sầu khổ; con người có tình trạng bị trói buộc vào người (khác).”[3]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, một cô gái Bà-la-môn trẻ tuổi, vợ của một du sĩ ngoại đạo, là người sản phụ gần đến lúc sanh.
Khi ấy, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.” Khi được nói như vậy, người nam du sĩ ấy đã nói với người nữ du sĩ ấy điều này: “Nàng ơi, dầu ăn ở đâu cho tôi đem về?”
Đến lần thứ nhì, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.” Đến lần thứ nhì, người nam du sĩ ấy đã nói với người nữ du sĩ ấy điều này: “Nàng ơi, dầu ăn ở đâu cho tôi đem về?”
Đến lần thứ ba, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.”
2. Vào lúc bấy giờ, tại nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala, vị Sa-môn hay Bà-la-môn được phép uống bơ lỏng hoặc dầu ăn theo như nhu cầu, không được mang đi.
Khi ấy, người nam du sĩ ấy đã khởi ý rằng: “Tại nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala, vị Sa-môn hay Bà-la-môn được phép uống bơ lỏng hoặc dầu ăn theo như nhu cầu, không được mang đi. Có lẽ ta nên đi đến nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala và uống dầu ăn theo như nhu cầu, sau đó trở về nhà rồi ói ra, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của nàng ấy.”
Sau đó, người nam du sĩ ấy đã đi đến nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala và uống dầu ăn theo như nhu cầu, sau đó trở về nhà nhưng không thể làm cho ói ra lẫn không xổ ra được. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, người ấy quằn quại, lăn lộn.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy người nam du sĩ ấy bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, đang quằn quại, đang lăn lộn.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Những người nào không sở hữu gì quả thật là hạnh phúc, chính các bậc hiểu biết sâu sắc là những người không sở hữu gì cả. Hãy nhìn xem người có sở hữu gì đó đang bị sầu khổ; con người có tâm tư bị trói buộc vào người (khác).”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, người con trai nhỏ độc nhất đáng yêu, đáng mến của người nam cư sĩ nọ lìa đời. Khi ấy, nhiều người nam cư sĩ với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, vào lúc giữa ngày đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi họ đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với các nam cư sĩ ấy điều này: “Này các nam cư sĩ, việc gì mà các người với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, đã đi đến nơi đây vào lúc giữa ngày vậy?”
Khi được nói như vậy, nam cư sĩ ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, người con trai nhỏ độc nhất đáng yêu, đáng mến của chúng con đã lìa đời. Vì thế, chúng con với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, đã đi đến nơi đây vào lúc giữa ngày.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bị buộc trói vào sự khoái lạc ở các sắc đáng yêu, tập thể chư Thiên và số đông nhân loại bị sầu khổ, bị suy sụp, sa vào quyền lực của Thần Chết.
Còn những người nào ngày và đêm không xao lãng, từ bỏ sắc đáng yêu, thật vậy những người ấy đào bới gốc rễ của sự sầu khổ, mồi nhử của tử thần, khó vượt qua được.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kuṇḍiyā, ở khu rừng Kuṇḍadhāna.
Vào lúc bấy giờ, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng:
“Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.”
2. Khi ấy, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã bảo người chồng rằng: “Tướng công ơi, chàng hãy lại đây. Chàng hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn với lời nói của thiếp, hãy hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài) rằng: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).’ Và chàng hãy nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng: Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.’”
3. “Tốt lắm.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy[4] nghe theo Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, người con trai bộ tộc Koliya ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài). Và nàng nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng: Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.’”
“Mong rằng Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh. Mong rằng đứa con trai được sanh ra không có bệnh.” Và chỉ với lời nói của đức Thế Tôn, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh đã sanh ra đứa con trai không có bệnh.
“Bạch Ngài, xin vâng.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy sau khi thỏa thích, tùy hỷ với lời nói của đức Thế Tôn, đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đi về lại nhà của mình.
4. Người con trai bộ tộc Koliya đã nhìn thấy Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Sau khi nhìn thấy, vị ấy đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya này, chỉ với lời nói của đức Thế Tôn, thì có được sự an lạc, không có bệnh, và sanh ra đứa con trai không có bệnh.” Vị ấy đã trở nên hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc.
5. Sau đó, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã bảo người chồng rằng: “Tướng công ơi, chàng hãy lại đây. Chàng hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn với lời nói của thiếp rằng: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn.’ Và chàng hãy nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Bạch Ngài, mong rằng đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời về bảy bữa thọ trai của Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya.’”
6. “Tốt lắm.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy nghe theo Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, người con trai bộ tộc Koliya ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn. Và nàng nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Bạch Ngài, mong rằng đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời về bảy bữa thọ trai của Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya.’”
7. Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được một nam cư sĩ thỉnh mời với bữa thọ trai ngày mai. Và nam cư sĩ ấy là người hộ độ của đại đức Mahāmoggallāna. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Mahāmoggallāna rằng: Này Moggallāna, hãy lại đây. Ngươi nên đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến hãy nói với nam cư sĩ ấy như vầy: ‘Này đạo hữu, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, đạo hữu sẽ làm sau.’ Vị ấy là người hộ độ của ngươi.”
8. “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Mahāmoggallāna nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến đã nói với nam cư sĩ ấy điều này: “Này đạo hữu, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, đạo hữu sẽ làm sau.” “Thưa ngài, nếu ngài đại đức Mahāmoggallāna là người bảo đảm cho tôi về ba pháp: về của cải, về mạng sống, và về niềm tin, thì hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, tôi sẽ làm sau.” “Này đạo hữu, ta là người bảo đảm cho đạo hữu về hai pháp: về của cải và về mạng sống. Trái lại, chính ngươi là người bảo đảm về niềm tin.” “Thưa ngài, nếu ngài đại đức Mahāmoggallāna là người bảo đảm cho tôi về hai pháp: về của cải và về mạng sống, thì hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, tôi sẽ làm sau.”
Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna sau khi thuyết phục nam cư sĩ ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, nam cư sĩ ấy đã được con thuyết phục. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, người ấy sẽ làm sau.”
9. Sau đó, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm trong bảy ngày. Và nàng đã bảo đứa bé trai đảnh lễ đức Phật và toàn thể hội chúng tỳ khưu.
10. Khi ấy, đại đức Sāriputta đã nói với đứa bé trai ấy điều này: “Này cậu bé, sức khoẻ của ngươi có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Không có khổ sở gì phải không?” “Thưa ngài Sāriputta, do đâu mà có sức khỏe khá? Do đâu mà mọi việc được tốt đẹp? Con đã sống ở trong cái chậu máu bảy năm.”
11. Khi ấy, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya (nghĩ rằng): “Con trai ta chuyện trò với vị Tướng quân Chánh Pháp,” đã trở nên hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc.
12. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi nhìn thấy Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc đã nói với Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya điều này: “Này Suppavāsā, con có còn ước muốn một người con trai khác như thế này nữa không?” “Bạch đức Thế Tôn, con cũng còn ước muốn bảy người con trai khác như thế này nữa.”
13. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không khoái lạc dưới hình thức khoái lạc, không đáng yêu dưới hình thức đáng yêu, khổ đau dưới hình thức hạnh phúc chế ngự kẻ bị xao lãng.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra.[5] Vào lúc bấy giờ, bà Visākhā, Mẹ của Migāra, có công việc nào đó dính líu đến đức vua Pasenadi xứ Kosala. Đức vua Pasenadi xứ Kosala không giải quyết công việc ấy theo như dự tính.
Khi ấy, bà Visākhā, Mẹ của Migāra, vào lúc giữa ngày đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi bà ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với bà Visākhā, Mẹ của Migāra, điều này: “Này Visākhā, bà từ đâu mà đi đến vào lúc giữa ngày?”
“Bạch Ngài, ở đây con có công việc nào đó dính líu đến đức vua Pasenadi xứ Kosala. Đức vua Pasenadi xứ Kosala không giải quyết công việc ấy theo như dự tính.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Mọi việc thuộc quyền kiểm soát của kẻ khác là khổ, mọi việc có chủ quyền là hạnh phúc. Trong việc chung chúng sầu khổ, bởi vì sự ràng buộc là khó vượt qua.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Anupiyā, nơi Ambavana (rừng xoài). Vào lúc bấy giờ, đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!”[6] Nhiều vị tỳ khưu đã nghe được đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!” Sau khi nghe được, các vị ấy đã khởi ý rằng: “Chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, là việc trong khi hồi tưởng lại sự khoái lạc vương giả trước đây, vị ấy mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng đã nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
2. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ Bạch Ngài, chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, là việc trong khi hồi tưởng lại sự khoái lạc vương giả trước đây, vị ấy mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
3, Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: “Này tỳ khưu, hãy lại đây. Ngươi hãy bảo tỳ khưu Bhaddiya với lời nói của Ta rằng: ‘Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư gọi đại đức.’”
“Bạch Ngài, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā, sau khi đến đã nói với đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā điều này: “Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư gọi đại đức.”
“Này đại đức, xin vâng.” Đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā điều này: “Này Bhaddiya, nghe nói ngươi mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ có đúng không vậy?” “Bạch Ngài, đúng vậy.” “Này Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā, trong khi cảm nhận được lợi ích gì khiến ngươi mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ vậy?”
“Bạch Ngài, trước đây khi con còn là người thế tục đang cai quản vương quốc, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong xứ sở, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài xứ sở, bạch Ngài, trong khi được bảo vệ và được an toàn như vậy, con đây sống vẫn cảm thấy sợ hãi, khiếp đảm, lo âu, hồi hộp. Bạch Ngài, thế mà giờ đây con mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, một mình, vẫn không sợ hãi, không khiếp đảm, không lo âu, không hồi hộp, vô tư lự, điềm tĩnh, tùy thuận sự bố thí của người khác, sống với tâm như loài thú rừng. Bạch Ngài, trong khi cảm nhận được lợi ích này nên con mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nào mà các sự bực tức không hiện diện ở trong tâm, đã vượt qua khỏi hữu và phi hữu như thế, vị ấy đã không còn sự sợ hãi, có sự an lạc, không sầu muộn, chư Thiên không đạt được việc nhìn thấy vị ấy.”
Phẩm Mucalinda là thứ nhì.
Mucalinda, đức vua, với gậy gộc, tôn vinh, và với người nam cư sĩ, sản phụ, và con trai độc nhất, nàng Suppavāsā và Bà Visākhā, vị Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā.
--ooOoo--
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang chịu đựng cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, sanh ra do quả thành tựu của nghiệp cũ, có niệm, có sự nhận biết rõ, không sầu khổ.
2. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang chịu đựng cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, sanh ra do quả thành tựu của nghiệp cũ, có niệm, có sự nhận biết rõ, không sầu khổ.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị tỳ khưu có sự từ bỏ tất cả các nghiệp, đang giũ bỏ bụi bặm (ô nhiễm) đã được tạo ra trước đây, không sở hữu, đã đứng vững, tự tại, thì nhu cầu chuyện vãn với người là không có.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Nanda, em họ của đức Thế Tôn, con trai của người dì,[7] nói với nhiều vị tỳ khưu như vầy: “Này các đại đức, tôi không thỏa thích thực hành Phạm hạnh; tôi không thể duy trì Phạm hạnh; tôi sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường.”
2. Sau đó, có vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, nói với nhiều vị tỳ khưu như vầy: ‘Này các đại đức, tôi không thỏa thích thực hành Phạm hạnh; tôi không thể duy trì Phạm hạnh; tôi sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường.’”
3. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: “Này tỳ khưu, hãy lại đây. Ngươi hãy bảo tỳ khưu Nanda với lời nói của Ta rằng: ‘Này đại đức Nanda, bậc Đạo Sư gọi đại đức.’” “Bạch Ngài, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Nanda, sau khi đến đã nói với đại đức Nanda điều này: “Này đại đức Nanda, bậc Đạo Sư gọi đại đức.”
4. “Này đại đức, xin vâng.” Đại đức Nanda nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Nanda điều này: “Này Nanda, nghe nói ngươi đã nói với nhiều vị tỳ khưu như vầy: ‘Này các đại đức, tôi không thỏa thích thực hành Phạm hạnh; tôi không thể duy trì Phạm hạnh; tôi sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường,’ có đúng không vậy?” “Bạch Ngài, đúng vậy.” “Này Nanda, tại sao ngươi lại không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, lại không thể duy trì Phạm hạnh, sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường?” “Bạch Ngài, khi con rời khỏi căn nhà, người con gái dòng Sakya mỹ nhân của xứ sở, với những lọn tóc được chải một nửa, đã ngước nhìn con và nói điều này: ‘Công tử ơi, chàng mau mau trở lại.’ Bạch Ngài, con đây trong lúc tưởng nhớ đến điều ấy, con không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, con không thể duy trì Phạm hạnh, con sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường.”
5. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nắm lấy đại đức Nanda ở cánh tay, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, Ngài đã biến mất ở Jetavana và đã hiện ra giữa chư Thiên ở cõi Ba Mươi Ba.
6. Vào lúc bấy giờ, các tiên nữ với số lượng năm trăm có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu đã đi đến hầu cận Thiên Chủ Sakka. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Nanda rằng: “Này Nanda, ngươi có nhìn thấy năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này không?” “Bạch Ngài, thưa có.”
7. “Này Nanda, ngươi nghĩ gì về điều ấy? Người nào đẹp hơn, đáng nhìn hơn, và đáng mến hơn, người con gái dòng Sakya mỹ nhân của xứ sở hay là năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này?”
“Bạch Ngài, cũng giống như con khỉ cái bị cháy, bị xẻo lỗ tai và lỗ mũi, bạch Ngài tương tự y như thế người con gái dòng Sakya, mỹ nhân của xứ sở, khi so sánh với năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này thì chẳng được tính, chẳng được một phần, chẳng được phần chia của một phần, chẳng đáng so sánh. Năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này đẹp hơn, đáng nhìn hơn, và đáng mến hơn.”
“Này Nanda, ngươi hãy thỏa thích. Này Nanda, ngươi hãy thỏa thích. Ta là người bảo đảm cho ngươi về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu.”
“Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn là người bảo đảm cho con về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu, bạch Ngài, con sẽ thỏa thích thực hành Phạm hạnh ở nơi đức Thế Tôn.”
8. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nắm lấy đại đức Nanda ở cánh tay, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, Ngài đã biến mất giữa chư Thiên ở cõi Ba Mươi Ba và đã hiện ra ở Jetavana.
9. Các vị tỳ khưu đã nghe rằng: “Nghe nói đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, thực hành Phạm hạnh vì lý do các tiên nữ. Nghe nói đức Thế Tôn là người bảo đảm cho vị này về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu.” Sau đó, các vị tỳ khưu bạn hữu của đại đức Nanda đối xử với đại đức Nanda bằng tiếng xưng hô là kẻ làm thuê và bằng tiếng xưng hô là kẻ thu mua (nói rằng): “Nghe nói đại đức Nanda là kẻ làm thuê, nghe nói đại đức Nanda là kẻ thu mua, vì lý do các tiên nữ mà thực hành Phạm hạnh. Nghe nói đức Thế Tôn là người bảo đảm cho vị này về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu.”
10. Sau đó, đại đức Nanda, trong khi bị khổ sở, trong khi bị hổ thẹn, trong khi chán ghét, một mình đã tách riêng, rồi trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết nên chẳng bao lâu sau, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào mục đích tối thượng ấy của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Vị ấy đã biết rõ rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn gì khác (phải làm) đối với bản thể (A-la-hán) này nữa.” Và thêm một vị nữa là đại đức Nanda đã trở thành vị A-la-hán.
11. Sau đó, lúc đêm đã khuya, một vị Thiên nhân nọ với màu sắc vượt trội đã làm cho toàn bộ Jetavana rực sáng rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đứng ở một bên, vị Thiên nhân ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.” Và trí của đức Thế Tôn cũng đã khởi lên rằng: “Nanda do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.”
12. Sau đó, đại đức Nanda vào cuối đêm ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Nanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, về việc đức Thế Tôn là người bảo đảm cho con về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu, bạch Ngài, con xin tháo gỡ cho đức Thế Tôn về lời hứa hẹn ấy.” “Này Nanda, sau khi dùng tâm biết được tâm của ngươi, Ta cũng đã biết rằng: ‘Nanda do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.’
13. Vị Thiên nhân cũng đã thông báo cho Ta về sự việc này: ‘Bạch Ngài, đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.’ Này Nanda, đúng vào lúc tâm của ngươi không còn chấp thủ và được giải thoát khỏi các lậu hoặc thì Ta được tháo gỡ khỏi lời hứa hẹn ấy.”
14. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nào, bãi lầy đã được vượt qua khỏi, gai nhọn của các dục đã được nghiền nát, là người đã đạt đến sự diệt tận si mê, vị tỳ khưu ấy không xao động ở hạnh phúc hay khổ đau.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu số lượng năm trăm vị đứng đầu là Yasoja đã đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Và các tỳ khưu vãng lai ấy, trong khi trao đổi lời xã giao thân thiện với các tỳ khưu thường trú, trong khi sắp xếp các chỗ trú ngụ, trong khi đem cất các bình bát và y, đã có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ này là gì vậy? Ta nghĩ là những người đánh cá tranh giành cá.”
“Bạch Ngài, các tỳ khưu số lượng năm trăm vị này đứng đầu là Yasoja đã đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Và các tỳ khưu vãng lai này đây, trong khi trao đổi lời xã giao thân thiện với các tỳ khưu thường trú, trong khi sắp xếp các chỗ trú ngụ, trong khi đem cất các bình bát và y, đã có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ.”
“Này Ānanda, như vậy ngươi hãy bảo các tỳ khưu ấy với lời nói của Ta rằng: ‘Bậc Đạo Sư gọi các đại đức.’” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp các tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: “Bậc Đạo Sư gọi các đại đức.”
“Này đại đức, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi các vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: “Này các tỳ khưu, vì sao các ngươi lại có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ? Ta nghĩ là những người đánh cá tranh giành cá.”
2. Khi được nói như vậy, đại đức Yasoja đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, các tỳ khưu số lượng năm trăm vị này đã đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Các tỳ khưu vãng lai này đây, trong khi trao đổi lời xã giao thân thiện với các tỳ khưu thường trú, trong khi sắp xếp các chỗ trú ngụ, trong khi đem cất các bình bát và y, đã có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ.”
“Này các tỳ khưu, các ngươi hãy đi đi. Ta đuổi các ngươi đi, các ngươi không được cư trú gần Ta.”
“Bạch Ngài, xin vâng.” Các tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi thu xếp chỗ nằm ngồi, cầm bình bát và y, ra đi du hành đến xứ Vajjī. Trong khi tuần tự du hành ở xứ Vajjī, các vị đã đi đến sông Vaggumudā, sau khi đến đã làm các chòi lá ở bờ sông Vaggumudā và đã vào mùa (an cư) mưa.
3. Sau đó, khi đến mùa (an cư) mưa, đại đức Yasoja đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các đại đức, chúng ta đã bị đức Thế Tôn đuổi đi vì mong mỏi sự tốt đẹp, vì tầm cầu sự lợi ích, vì lòng thương tưởng, liên quan đến sự thương xót. Này các đại đức, giờ đây chúng ta hãy sắp xếp sự sinh sống như thế nào để trong khi chúng ta sinh sống như vậy thì đức Thế Tôn có thể hài lòng.”
“Thưa đại đức, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy đã nghe theo đại đức Yasoja. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy trong khi sống tách biệt, không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết, ngay trong thời hạn của mùa (an cư) mưa ấy toàn bộ tất cả đã chứng ngộ ba Minh.
4. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi ngụ tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đã ra đi du hành đến thành Vesālī. Trong khi tuần tự du hành, Ngài đã ngự đến thành Vesālī. Tại đó, nơi thành Vesālī, đức Thế Tôn ngụ tại Mahāvana, ở giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được tâm của các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā, sau khi tác ý đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, phương hướng này đối với Ta như là phát ra ánh sáng. Này Ānanda, phương hướng này đối với Ta như là phát ra hào quang. Là phương hướng mà các tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā cư ngụ. Đi đến (nơi ấy), hướng tâm đến (nơi ấy) là hứng khởi đối với Ta. Này Ānanda, ngươi nên phái sứ giả đi đến các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā (nói rằng): ‘Bậc Đạo Sư gọi các đại đức. Bậc Đạo Sư có ý muốn gặp các đại đức.’”
“Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp vị tỳ khưu nọ, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: “Này đại đức, hãy lại đây. Đại đức nên đi đến gặp các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā, sau khi đến hãy nói với các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā như vầy: ‘Bậc Đạo Sư gọi các đại đức. Bậc Đạo Sư có ý muốn gặp các đại đức.’”
“Thưa đại đức, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy đáp lời đại đức Ānanda, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, vị ấy đã biến mất ở Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra, và đã hiện ra phía trước các vị tỳ khưu ấy ở bờ sông Vaggumudā. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã nói với các vị tỳ khưu ấy ở bờ sông Vaggumudā điều này: “Bậc Đạo Sư gọi các đại đức. Bậc Đạo Sư có ý muốn gặp các đại đức.”
“Thưa đại đức, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo vị tỳ khưu ấy đã thu xếp chỗ nằm ngồi, cầm bình bát và y, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, các vị ấy đã biến mất ở bờ sông Vaggumudā, và đã hiện ra ở Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra, trước mặt đức Thế Tôn.
5. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi với trạng thái định kiên cố. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý rằng: “Hiện giờ, đức Thế Tôn đang an trú với loại an trú nào?” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý rằng: “Hiện giờ, đức Thế Tôn đang an trú với loại an trú kiên cố.” Toàn bộ tất cả đã ngồi với trạng thái định kiên cố.
6. Sau đó, lúc đêm đã khuya canh một đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya canh một đã tàn. Các vị tỳ khưu vãng lai ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy trao đổi lời xã giao thân thiện với các vị tỳ khưu vãng lai.”
7. Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã im lặng. Đến lần thứ nhì, lúc đêm đã khuya canh giữa đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya canh một đã tàn. Các vị tỳ khưu vãng lai ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy trao đổi lời xã giao thân thiện với các vị tỳ khưu vãng lai.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã im lặng.
Đến lần thứ ba, lúc đêm đã khuya canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay lên hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy trao đổi lời xã giao thân thiện với các vị tỳ khưu vãng lai.”
Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi xuất khỏi định ấy đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, nếu ngươi có thể biết thì không thể khiến ngươi bày tỏ nhiều đến chừng ấy. Này Ānanda, Ta và năm trăm vị tỳ khưu này toàn bộ tất cả đã ngồi với trạng thái định kiên cố.”
8. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nào, gai nhọn của các dục, sự sỉ vả, sự hành hạ, sự giam cầm đã được chiến thắng, người ấy tồn tại, bền vững tựa như ngọn núi, vị tỳ khưu ấy không xao động ở hạnh phúc hay khổ đau.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Cũng giống như ngọn núi đá, không lay động, được thiết lập vững chắc, tương tự như thế vị tỳ khưu do sự diệt tận si mê không xao động tựa như ngọn núi.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahāmoggallāna ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập ở nội phần. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Mahāmoggallāna ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập ở nội phần.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Với niệm hướng đến thân đã được thiết lập, vị tỳ khưu đã thu thúc ở sáu xúc xứ, thường xuyên được định tĩnh, có thể biết được sự diệt tắt (ô nhiễm) của bản thân.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindivaccha đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Pilindivaccha đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện.”
2. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: “Này tỳ khưu, hãy lại đây. Ngươi hãy bảo tỳ khưu Pilindivaccha với lời nói của Ta rằng: ‘Này đại đức Pilindivaccha, bậc Đạo Sư gọi đại đức.’” “Bạch Ngài, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Pilindivaccha, sau khi đến đã nói với đại đức Pilindivaccha điều này: “Này đại đức, bậc Đạo Sư gọi đại đức.” “Này đại đức, xin vâng.” Đại đức Pilindivaccha nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Pilindivaccha điều này: “Này Pilindivaccha, nghe nói ngươi đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện, có đúng không vậy?” “Bạch Ngài, đúng vậy.”
3. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi tác ý đến đời sống trước đây của đại đức Pilindivaccha rồi đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các vị tỳ khưu, các ngươi chớ có phàn nàn tỳ khưu Vaccha. Này các tỳ khưu, không phải Vaccha có nội tâm sân hận mà đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện. Này các tỳ khưu, tỳ khưu Vaccha có năm trăm kiếp sống không gián đoạn đã được tái sanh ở gia tộc Bà-la-môn. Đối với vị ấy, tiếng xưng hô kẻ hạ tiện ấy đã bị tập nhiễm lâu dài. Vì thế, Vaccha này đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Ở người nào không có xảo quyệt trú ngụ, không có ngã mạn, người nào có tham đã lìa, không sở hữu, không mong mỏi, có sự giận dữ đã được xua đi, có bản thân đã được tịch tịnh, người ấy là Bà-la-môn, người ấy là Sa-môn, người ấy là tỳ khưu.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākassapa ngụ ở hang động Pipphali, đã thể nhập vào một loại định nọ rồi ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, đại đức Mahākassapa đã ra khỏi định ấy. Rồi khi ra khỏi định ấy, đại đức Mahākassapa đã khởi ý rằng: “Có lẽ ta nên đi vào thành Rājagaha để khất thực?” Vào lúc bấy giờ, các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị đang có sự sốt sắng về việc thọ nhận đồ ăn khất thực của đại đức Mahākassapa. Khi ấy, sau khi từ chối các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị, đại đức Mahākassapa vào buổi sáng đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực.
3. Vào lúc bấy giờ, Thiên Chủ Sakka có ý muốn dâng đồ ăn khất thực đến đại đức Mahākassapa, nên đã biến thành hình dạng người thợ dệt đang dệt chỉ, và Sujā con gái của Chúa Atula đang cuốn đầy thoi chỉ.
4. Khi ấy, đại đức Mahākassapa trong khi đi khất thực tuần tự theo từng nhà ở thành Rājagaha đã đi đến gần chỗ ngụ của Thiên Chủ Sakka. Thiên Chủ Sakka đã nhìn thấy đại đức Mahākassapa từ đằng xa đang đi lại. Sau khi nhìn thấy đã đi ra khỏi nhà, tiếp rước, nhận lấy bình bát tận tay rồi đi vào nhà xới cơm từ nồi để đầy bình bát và dâng đến đại đức Mahākassapa. Phần cơm ấy đã trở thành đồ ăn khất thực có nhiều nước xúp, có nhiều món ăn, có nhiều món ăn có nước xúp và hương vị.
5. Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã khởi ý điều này: “Người này là ai mà lại có năng lực thần thông này?” Rồi đại đức Mahākassapa đã khởi ý điều này: “Đây là Thiên Chủ Sakka,” sau khi biết được thế ấy, đã nói với Thiên Chủ Sakka điều này: “Này Kosiya, có phải việc này đã do ông làm? Ông chớ có làm như thế này nữa.”
6. “Thưa ngài Kassapa, chúng tôi cũng cần phước báu; chúng tôi cũng nên làm phước báu.” Sau đó, Thiên Chủ Sakka đã đảnh lễ đại đức Mahākassapa, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi bay lên không trung, và ở bầu trời giữa hư không đã ba lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa! Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa!”
7. Đức Thế Tôn với Thiên nhĩ giới thanh tịnh vượt trội loài người đã nghe được Thiên Chủ Sakka đang bay lên không trung, và ở bầu trời giữa hư không đang thốt lên ba lần lời cảm hứng rằng: “Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa! Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa!”
8. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị tỳ khưu hành pháp khất thực, tự chu cấp bản thân, không nuôi dưỡng kẻ khác, chư Thiên mong cầu vị như thế ấy, vị an tịnh, luôn có niệm.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn ở cây Kareri; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa các vị ấy:
“Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực trong khi đi khất thực thỉnh thoảng được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, thỉnh thoảng được nghe bằng tai các âm thanh làm thích ý, thỉnh thoảng được ngửi bằng mũi các hương làm thích ý, thỉnh thoảng được nếm bằng lưỡi các vị nếm làm thích ý, thỉnh thoảng được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý. Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực đi khất thực được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang. Này các đại đức, giờ chúng ta cũng hãy trở thành các vị hành pháp khất thực. Chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nghe bằng tai các âm thanh làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được ngửi bằng mũi các hương làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nếm bằng lưỡi các vị nếm làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý, chúng ta cũng sẽ đi khất thực, được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang.”
2. Khi ấy vào buổi chiều, đức Thế Tôn, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến mái che tròn ở cây Kareri, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, ở đây bây giờ các ngươi đã cùng ngồi xuống tụ hội vì câu chuyện gì vậy? Và câu chuyện trao đổi gì của các ngươi đã bị gián đoạn?”
3. “Bạch Ngài, ở đây chúng con sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn tại cây Kareri; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa chúng con: ‘Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực trong khi đi khất thực thỉnh thoảng được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, thỉnh thoảng được nghe bằng tai các âm thanh làm thích ý, thỉnh thoảng được ngửi bằng mũi các hương làm thích ý, thỉnh thoảng được nếm bằng lưỡi các vị nếm làm thích ý, thỉnh thoảng được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý. Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực đi khất thực được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang. Này các đại đức, giờ chúng ta cũng hãy trở thành các vị hành pháp khất thực. Chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, —như trên— chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý, chúng ta cũng sẽ đi khất thực, được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang.’ Bạch Ngài, câu chuyện trao đổi này của chúng con đã bị gián đoạn. Khi ấy đức Thế Tôn đi đến.”
4. “Này các tỳ khưu, điều này quả không thích đáng cho các ngươi, những người con trai gia đình danh giá đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, là việc các ngươi có thể nói về đề tài có hình thức như thế. Này các tỳ khưu, đối với các ngươi, khi tụ hội lại, có hai việc nên làm là trao đổi về Giáo Pháp hoặc (giữ) trạng thái im lặng thánh thiện.”
5. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị tỳ khưu hành pháp khất thực, tự chu cấp bản thân, không nuôi dưỡng kẻ khác, chư Thiên mong cầu vị như thế ấy, nếu vị ấy không bị lệ thuộc vào lời trầm trồ và tiếng tăm.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa các vị ấy: “Này các đại đức, vị nào biết nghề? Vị nào đã học nghề gì? Nghề nào là hạng nhất trong số các nghề?”
2. Tại nơi ấy, một số vị đã nói thế này: “Nghề huấn luyện voi là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề huấn luyện ngựa là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề đóng xe là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề bắn cung là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề gươm đao là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề ra dấu hiệu là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề kế toán là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề ước lượng là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề khắc chữ là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề thơ ca là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề lý luận là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề quản trị là nghề hạng nhất.” Và câu chuyện trao đổi này của các vị tỳ khưu ấy đã bị gián đoạn.
3. Khi ấy vào buổi chiều, đức Thế Tôn, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến mái che tròn ở cây, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, ở đây bây giờ các ngươi đã cùng ngồi xuống tụ hội vì câu chuyện gì vậy? Và câu chuyện trao đổi gì của các ngươi đã bị gián đoạn?”
4. “Bạch Ngài, ở đây chúng con sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa chúng con: ‘Này các đại đức, vị nào biết nghề? Vị nào đã học nghề gì? Nghề nào là hạng nhất trong số các nghề?’ Tại nơi ấy, một số vị đã nói thế này: ‘Nghề huấn luyện voi là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề huấn luyện ngựa là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề đóng xe là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề bắn cung là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề gươm đao là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề ra dấu hiệu là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề kế toán là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề ước lượng là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề khắc chữ là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề thơ ca là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề lý luận là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề quản trị là nghề hạng nhất.’ Bạch Ngài, câu chuyện trao đổi này của chúng con đã bị gián đoạn. Khi ấy đức Thế Tôn đi đến.”
5. “Này các tỳ khưu, điều này quả không thích đáng cho các ngươi, những người con trai gia đình danh giá đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, là việc các ngươi có thể nói về đề tài có hình thức như thế. Này các tỳ khưu, đối với các ngươi, khi tụ hội lại, có hai việc nên làm là trao đổi về Giáo Pháp hoặc (giữ) trạng thái im lặng thánh thiện.”
6. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Có cuộc sống không nghề nghiệp, nhẹ nhàng, có ước muốn mục đích, có giác quan đã được chế ngự, đã được giải thoát về mọi mặt, phiêu bạt không nhà, không sở hữu, không mong mỏi, sau khi từ bỏ ngã mạn, sống một mình, vị ấy là tỳ khưu.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi gốc cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn đã xem xét thế gian bằng Phật nhãn. Trong khi xem xét thế gian bằng Phật nhãn, đức Thế Tôn đã nhìn thấy các chúng sanh đang bị đốt nóng bởi nhiều sự đốt nóng (khổ đau), và đang bị đốt cháy bởi nhiều sự đốt cháy sanh ra bởi luyến ái, sanh ra bởi sân hận, và sanh ra bởi si mê.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bị đốt nóng,[8] bị quấy nhiễu bởi (sáu) xúc, thế gian này nói rằng bệnh là bản ngã, dầu suy nghĩ theo cách này cách kia, nó hình thành theo một cách khác so với cái ấy.
Có sự hình thành theo một cách khác, bị dính mắc vào hữu, bị quấy nhiễu bởi hữu, lại thỏa thích hữu ấy. Thỏa thích cái nào, cái ấy là sự sợ hãi. Bị sợ hãi đối với cái nào, cái ấy là khổ. Quả vậy, Phạm hạnh này được sống nhằm lìa bỏ hữu.
Bất cứ các vị Sa-môn hoặc các Bà-la-môn nào đã nói rằng sự giải thoát khỏi hữu nhờ vào hữu, Ta nói rằng tất cả các vị đó không được giải thoát khỏi hữu.
Bất cứ các vị Sa-môn hoặc các Bà-la-môn nào đã nói rằng sự tách ly khỏi hữu nhờ vào phi hữu, Ta nói rằng tất cả các vị đó không được tách ly khỏi hữu.
Tùy thuận vào sự bám víu, khổ này được hình thành.
Do sự cạn kiệt của mọi chấp thủ, không có sự hình thành của khổ.
Hãy nhìn xem thế gian này, số đông
bị quấy nhiễu bởi vô minh, được hiện hữu, thích thú sự hiện hữu,
không được giải thoát hoàn toàn khỏi hữu.
Bất cứ các hữu nào,
ở mọi nơi, với mọi tính chất,
tất cả các hữu ấy là vô thường,
khổ đau, có tính chất đổi thay.
Tương tự, đối với vị đang nhìn thấy điều này đúng theo bản thể bằng tuệ chơn chánh, hữu ái của vị ấy được dứt bỏ, vị ấy không thỏa thích phi hữu, do sự cạn kiệt của các tham ái một cách trọn vẹn, có sự lìa ái luyến và sự diệt tận không còn dư sót, Niết Bàn.
Đối với vị tỳ khưu đã được tịch tịnh ấy, do không còn chấp thủ, sự hiện hữu lại nữa là không có, Ma Vương đã bị chế ngự, cuộc chiến đã được chiến thắng, bậc tự tại đã vượt qua khỏi tất cả các hữu.”
Phẩm Nanda là thứ ba.
Nghiệp, vị Nanda, và vị Yasoja, vị Sāriputta, và vị Kolita, vị Pilindi, vị Kassapa, vị khất thực, nghề nghiệp, với thế gian, chúng là mười (bài Kinh).
--ooOoo--
[1] Bốn bài Kinh từ 1.1 đến 1.4 (132 - 137) được thấy ở Tạng Luật, Đại Phẩm (TTPV 04, 01-07).
[2] Bāhiya Dārucīriya nghĩa là vị được sanh ra ở vương quốc Bāhiya và chuyên mặc y phục làm bằng vỏ (cīra) của cây cối (dāru).
[3] Chú Giải giới thiệu câu kệ Pháp Cú 62 để làm rõ vấn đề (UdA. 117): ‘Tôi có các con trai, tôi có tài sản,’ (nghĩ thế) kẻ ngu bị sầu khổ. Chính bản thân của mình còn không có, từ đâu mà có các con trai, từ đâu mà có tài sản?
[4] Koliyaputto không phải tên gọi của người chồng. Chánh Tạng chỉ đề cập người chồng là koliyaputto (con trai bộ tộc Koliya) và người vợ là koliyadhītā (con gái bộ tộc Koliya) với tên gọi là Suppavāsā. Chú Giải cho biết thêm hai người này là con của đức vua trị vì bộ tộc này, koliyarājaputtaṃ và koliyarājaputtī (UdA. 125).
[5] Tòa nhà này được xây dựng bởi Mẹ của Migāra, tức là nữ cư sĩ Visākhā. Thật ra, Migāra là cha chồng của nữ cư sĩ này. Do được chăm sóc kỹ lưỡng bởi người con dâu giống như mẹ nên ông Migāra đã gọi Visākhā, người con dâu của mình, là “Mẹ của Migāra” Tòa nhà này có 1000 căn phòng, được xây thành 2 tầng, 5oo phòng ở trên, 500 phòng ở dưới (UdA. 158).
[6] Câu chuyện này cũng được thấy ở Tạng Luật, Tiểu Phẩm 2 (TTPV 07, 254-257).
[7] Nanda là em cùng cha khác mẹ của đức Phật, cha là đức vua Suddhodana và mẹ là dì mẫu Mahāpajāpatigotamī (UdA. 168).
[8] đã sanh lên sự đốt nóng (ND).
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Cālikā, ở núi Cālika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Meghiya là thị giả của đức Thế Tôn. Khi ấy, đại đức Meghiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, con muốn đi vào làng Jantu để khất thực.” “Này Meghiya, ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.”
2. Sau đó, vào buổi sáng đại đức Meghiya đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào làng Jantu để khất thực. Sau khi đi khất thực ở làng Jantu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đại đức Meghiya đã đi đến bờ sông Kimikālā. Sau khi đi đến và trong khi đi kinh hành, trong khi đi lang thang để thư giãn ống chân ở bờ sông Kimikālā, đại đức Meghiya đã nhìn thấy khu rừng xoài đáng mến, đáng yêu, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Khu rừng xoài này quả thật đáng mến, đáng yêu! Nơi này quả thật thích hợp cho việc nỗ lực của người con trai gia đình cao quý, là người mong muốn sự nỗ lực. Nếu đức Thế Tôn cho phép ta, thì ta có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.”
3. Sau đó, đại đức Meghiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây vào buổi sáng, con đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào làng Jantu để khất thực. Sau khi đi khất thực ở làng Jantu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, con đã đi đến bờ sông Kimikālā. Sau khi đi đến và trong khi đi kinh hành, trong khi đi lang thang để thư giãn ống chân ở bờ sông Kimikālā, con đã nhìn thấy khu rừng xoài đáng mến, đáng yêu, sau khi nhìn thấy con đã khởi ý điều này: ‘Khu rừng xoài này quả thật đáng mến, đáng yêu! Nơi này quả thật thích hợp cho việc nỗ lực của người con trai gia đình cao quý, là người mong muốn sự nỗ lực. Nếu đức Thế Tôn cho phép ta, thì ta có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.’ Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn cho phép con, thì con có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.”
4. Khi được nghe nói vậy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Meghiya điều này: “Này Meghiya, chúng ta là đơn độc. Ngươi hãy chờ cho đến lúc có vị tỳ khưu nào khác đi đến.” Đến lần thứ nhì, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đối với đức Thế Tôn thì không có bất cứ việc cần phải làm thêm nữa, hoặc không có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, trái lại đối với con thì có việc cần phải làm thêm nữa, hoặc có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn cho phép con, thì con có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Meghiya điều này: “Này Meghiya, chúng ta là đơn độc. Ngươi hãy chờ cho đến lúc có vị tỳ khưu nào khác đi đến.” Đến lần thứ ba, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đối với đức Thế Tôn thì không có bất cứ việc gì thêm nữa cần phải làm, hoặc không có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, trái lại đối với con thì có việc thêm nữa cần phải làm, hoặc có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn cho phép con, thì con có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.”
5. “Này Meghiya, trong khi ngươi nói về ‘sự nỗ lực’ thì chúng ta có thể nói gì? Này Meghiya, ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.” Khi ấy, đại đức Meghiya đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đã đi đến khu rừng xoài ấy, sau khi đến đã đi sâu vào khu rừng xoài rồi đã ngồi xuống nghỉ trưa ở gốc cây nọ. Sau đó, trong khi đại đức Meghiya đang trú ở khu rừng xoài ấy, ba ác bất thiện tầm, tức là: ‘dục tầm, sân tầm, hại tầm,’ thường xuyên khởi lên cho vị ấy. Khi ấy, đại đức Meghiya đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ lạ! Thật là bất thường! Quả thật ta đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, vậy mà ta lại bị ám ảnh bởi ba ác bất thiện tầm này, tức là: ‘bởi dục tầm, bởi sân tầm, bởi hại tầm.’”
6. Sau đó vào buổi chiều, đại đức Meghiya, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây trong khi con đang trú ở khu rừng xoài ấy, ba ác bất thiện tầm, tức là: ‘dục tầm, sân tầm, hại tầm,’ thường xuyên xảy đến với con. Khi ấy, con đây đã khởi ý điều này: ‘Thật là kỳ lạ! Thật là bất thường! Quả thật ta đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, vậy mà ta lại bị ám ảnh bởi ba ác bất thiện tầm này, tức là: bởi dục tầm, bởi sân tầm, bởi hại tầm.’”
7. “Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, có năm pháp đưa đến sự chín muồi. Năm pháp nào? Này Meghiya, ở đây vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ nhất đưa đến sự chín muồi.
Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, vị tỳ khưu là người có giới, sống thu thúc với sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, được thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành trong các điều học. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ nhì đưa đến sự chín muồi.
Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, lời nói nào liên quan đến việc giảm thiểu, thuận lợi cho việc khơi mở tâm, đưa đến sự hoàn toàn nhàm chán, đến việc xa lìa luyến ái, đến sự tịch diệt, đến sự tịch tịnh, đến thắng trí, đến sự giác ngộ, đến Niết-bàn, tức là lời nói về ít ham muốn, lời nói về sự tự biết đủ, lời nói về sự tách ly, lời nói về sự không kết giao, lời nói về việc khởi sự tinh tấn, lời nói về giới, lời nói về định, lời nói về tuệ, lời nói về giải thoát, lời nói về trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát; với lời nói có hình thức như thế thì vị tỳ khưu có sự đạt được theo như ước muốn, có sự đạt được không mệt nhọc, có sự đạt được không khó khăn. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ ba đưa đến sự chín muồi.
Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, vị tỳ khưu sống có sự ra sức tinh tấn nhằm dứt bỏ các bất thiện pháp, nhằm thành tựu các thiện pháp, có sự kiên định, có sự ra sức vững chãi, không buông bỏ nhiệm vụ đối với các thiện pháp. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ tư đưa đến sự chín muồi.
Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, vị tỳ khưu có tuệ hướng đến sự sanh diệt, đầy đủ tuệ cho việc thấu triệt thánh thiện hướng đến sự diệt tận khổ đau một cách đúng đắn. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ năm đưa đến sự chín muồi.
Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, năm pháp này đưa đến sự chín muồi.
8. Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là việc sẽ là người có giới, sẽ sống thu thúc với sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, được thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, sẽ thọ trì và thực hành trong các điều học.
Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là lời nói nào liên quan đến việc giảm thiểu, thuận lợi cho việc khơi mở tâm, đưa đến sự hoàn toàn nhàm chán, đến việc xa lìa luyến ái, đến sự tịch diệt, đến sự tịch tịnh, đến thắng trí, đến sự giác ngộ, đến Niết-bàn, tức là lời nói về ít ham muốn, lời nói về sự tự biết đủ, lời nói về sự tách ly, lời nói về sự không kết giao, lời nói về việc khởi sự tinh tấn, lời nói về giới, lời nói về định, lời nói về tuệ, lời nói về giải thoát, lời nói về trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát; với lời nói có hình thức như thế thì vị tỳ khưu sẽ có sự đạt được theo như ước muốn, có sự đạt được không mệt nhọc, có sự đạt được không khó khăn.
Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là sẽ có sự ra sức tinh tấn nhằm dứt bỏ các bất thiện pháp, nhằm thành tựu các thiện pháp, có sự kiên định, có sự ra sức vững chãi, không buông bỏ nhiệm vụ đối với các thiện pháp.
Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là việc sẽ có tuệ hướng đến sự sanh diệt, được đầy đủ tuệ hướng đến sự diệt tận khổ đau một cách đúng đắn đối với việc thấu triệt của bậc Thánh.
Và này Meghiya, hơn nữa vị tỳ khưu ấy sau khi thiết lập ở năm pháp này, nên tu tập bốn pháp thêm nữa, nên tu tập về bất tịnh nhằm dứt bỏ luyến ái, nên tu tập từ ái nhằm dứt bỏ sân hận, nên tu tập niệm hơi thở vào hơi thở ra nhằm cắt đứt tầm, nên tu tập tưởng vô thường nhằm thủ tiêu ngã mạn ‘tôi là.’ Này Meghiya, đối với vị có tưởng vô thưởng thì tưởng vô ngã được vững trú, vị có tưởng vô ngã thì đạt được việc thủ tiêu ngã mạn ‘tôi là,’ (đạt được) Niết Bàn ngay trong đời hiện tại.”
9. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Các suy tư nhỏ nhoi, các suy tư vi tế được đeo đuổi là các sự trỗi dậy của tâm. Người không biết được các suy tư này của tâm, chạy từ nơi này đến nơi khác, có tâm rối loạn.
Và sau khi biết được các suy tư này của tâm, người có nhiệt tâm, có niệm, thu thúc các suy tư đã được đeo đuổi, các sự trỗi dậy của tâm; bậc giác ngộ đã dứt bỏ chúng không còn dư sót.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kusinārā, ở Upavattana, khu rừng cây sālā của xứ Malla. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu trú ngụ trong các chòi nhỏ trong rừng ở nơi không xa đức Thế Tôn, náo động, khoác lác, lao chao, lắm mồm, có lời nói linh tinh, thất niệm, không có sự tỉnh giác, không được định tĩnh, có tâm bị tán loạn, có các giác quan buông thả.
2. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều vị tỳ khưu ấy đang trú ngụ trong các chòi nhỏ trong rừng ở nơi không xa, náo động, khoác lác, lao chao, lắm mồm, có lời nói linh tinh, thất niệm, không có sự tỉnh giác, không được định tĩnh, có tâm bị tán loạn, có các giác quan buông thả.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Do thân không được phòng hộ, và do đã đi theo tà kiến, do bị ngự trị bởi dã dượi và buồn ngủ, người sa vào quyền lực của Ma Vương.
Vì thế, nên là người có tâm đã được phòng hộ, có chánh tư duy là hành xứ, là người ngự trị dã dượi và buồn ngủ, vị tỳ khưu từ bỏ mọi cảnh giới tái sanh xấu xa.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn đi du hành ở xứ sở của những người Kosala cùng với đại chúng tỳ khưu. Khi ấy, đức Thế Tôn đã rời con đường lộ rồi đi đến gần gốc cây nọ, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn. Sau đó, có người chăn bò nọ đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi người chăn bò đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người chăn bò ấy bằng bài Pháp thoại.
2. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, người chăn bò ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người chăn bò ấy hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, khi trải qua đêm ấy, người chăn bò ấy đã cho chuẩn bị dồi dào cơm sữa ráo nước và bơ lỏng mới tại tư gia, rồi cho thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: “Bạch Ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”
3. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y cùng với hội chúng tỳ khưu đi đến tư gia của người chăn bò ấy, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau đó, người chăn bò ấy đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với cơm sữa ráo nước và bơ lỏng mới. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong, bàn tay đã rời khỏi bình bát, người chăn bò ấy đã cầm lấy một chiếc ghế thấp nào đó và đã ngồi xuống ở một bên. Khi người chăn bò đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người chăn bò ấy bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau đó, trong khi đức Thế Tôn ra đi không bao lâu, một người đàn ông nọ đã đoạt lấy mạng sống của người chăn bò ấy tại khu vực giáp ranh.
4. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, người chăn bò hôm nay đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với cơm sữa ráo nước và bơ lỏng mới, bạch Ngài, nghe nói người chăn bò ấy đã bị một người đàn ông nọ đoạt lấy mạng sống tại khu vực giáp ranh.”
5. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Việc nào mà kẻ địch có thể làm đối với kẻ địch, hoặc kẻ thù (có thể làm) đối với kẻ thù, thì tâm thiên về sự sai tráī có thể làm điều ác xấu đến người ấy còn hơn việc ấy (hai việc trên) nữa.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta và đại đức Mahāmoggallāna ngụ tại Kapotakandarā.[1] Lúc bấy giờ, vào đêm trăng sáng đại đức Sāriputta ngồi ở ngoài trời với tóc vừa mới được cạo và đã thể nhập vào một trạng thái định nào đó. Vào lúc bấy giờ, có hai Dạ Xoa là bạn đồng hành di chuyển từ hướng Bắc về hướng Nam vì công việc cần làm nào đó. Các Dạ Xoa ấy đã nhìn thấy đại đức Sāriputta vào đêm trăng sáng ngồi ở ngoài trời với tóc vừa mới được cạo. Sau khi nhìn thấy, một Dạ Xoa đã nói với Dạ Xoa thứ hai điều này: “Này bạn, bỗng nhiên tôi muốn giáng một cú đánh vào đầu của vị Sa-môn này.” Khi được nói như vậy, Dạ Xoa kia đã nói với Dạ Xoa ấy điều này: “Này bạn, đủ rồi! Chớ công kích vị Sa-môn. Này bạn, vị Sa-môn này cao cả, có đại thần lực, có đại oai lực.” Đến lần thứ nhì, Dạ Xoa ấy đã nói với Dạ Xoa kia điều này: “Này bạn, bỗng nhiên tôi muốn giáng một cú đánh vào đầu của vị Sa-môn này.” Đến lần thứ nhì, Dạ Xoa kia đã nói với Dạ Xoa ấy điều này: “Này bạn, đủ rồi! Chớ công kích vị Sa-môn. Này bạn, vị Sa-môn này cao cả, có đại thần lực, có đại oai lực.” Đến lần thứ ba, Dạ Xoa ấy đã nói với Dạ Xoa kia điều này: “Này bạn, bỗng nhiên tôi muốn giáng một cú đánh vào đầu của vị Sa-môn này.” Đến lần thứ ba, Dạ Xoa kia đã nói với Dạ Xoa ấy điều này: “Này bạn, đủ rồi! Chớ công kích vị Sa-môn. Này bạn, vị Sa-môn này cao cả, có đại thần lực, có đại oai lực.”
2. Khi ấy, Dạ Xoa ấy không đếm xỉa đến Dạ Xoa kia và đã giáng một cú đánh vào đầu của đại đức Sāriputta. Cú đánh đã mạnh đến mức thậm chí bằng cú đánh ấy có thể nhấn chìm (vào lòng đất) con long tượng cao bảy ratana[2] hoặc bảy ratana rưỡi, hay phá vỡ chóp đỉnh của ngọn núi lớn. Thế mà khi ấy, Dạ Xoa ấy (đã thét lên): “Tôi bị đốt cháy, tôi bị đốt cháy,” rồi ngay tại chỗ ấy đã rơi xuống đại địa ngục.
3. Đại đức Mahāmoggallāna với Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người đã nhìn thấy cú đánh đang giáng vào đầu của đại đức Sāriputta bởi Dạ Xoa ấy, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp đại đức Sāriputta, sau khi đến đã nói với đại đức Sāriputta điều này: “Này đại đức, sức khoẻ của đại đức có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Không có khổ sở gì phải không?” “Này đại đức Mahāmoggallāna, sức khoẻ của tôi khá. Này đại đức Mahāmoggallāna, mọi việc của tôi được tốt đẹp.[3] Tuy nhiên, có sự khó chịu chút ít ở đầu của tôi.”
4. “Này đại đức Sāriputta, thật là kỳ diệu! Này đại đức Sāriputta, thật là phi thường! Đại đức Sāriputta có đại thần lực, có đại oai lực đến như thế! Này đại đức Sāriputta, ở đây một Dạ Xoa nào đó đã giáng cú đánh vào đầu của đại đức. Cú đánh đã mạnh đến mức thậm chí bằng cú đánh ấy có thể nhấn chìm (vào lòng đất) con long tượng cao bảy ratana hoặc bảy ratana rưỡi, hay phá vỡ chóp đỉnh của ngọn núi lớn. Trái lại, đại đức Sāriputta đã nói như vầy: “Này đại đức Mahāmoggallāna, sức khoẻ của tôi khá. Này đại đức Mahāmoggallāna, mọi việc của tôi được tốt đẹp. Tuy nhiên, có sự khó chịu chút ít ở đầu của tôi.” “Này đại đức Mahāmoggallāna, thật là kỳ diệu! Này đại đức Mahāmoggallāna, thật là phi thường! Đại đức Mahāmoggallāna có đại thần lực, có đại oai lực đến như thế! Bởi vì vị ấy thật sự nhìn thấy ngay cả loài Dạ Xoa, trái lại chúng tôi hiện giờ cũng không nhìn thấy được loài quỷ đói ở đống rác.” Đức Thế Tôn với Thiên nhĩ giới thanh tịnh vượt trội loài người đã nghe được cuộc trò chuyện trao đổi có hình thức như thế này của cả hai bậc đại long tượng ấy.
5. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Tâm của người nào giống như tảng đá, đứng yên, không rung động, không luyến ái ở các vật đáng bị luyến ái, không bị bực tức đối với việc đáng bị bực tức? Tâm của người nào được tu tập như vậy, do đâu khổ đau sẽ đến với người ấy?”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, ở tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn sống bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Bị quấy rầy, đức Thế Tôn sống không an lạc, không thoải mái.
2. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Hiện nay, Ta sống bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Bị quấy rầy, Ta sống không an lạc, không thoải mái. Có lẽ Ta nên sống một mình, tách ra khỏi đám đông?”
3. Sau đó vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Kosambī để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Kosambī, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đức Thế Tôn đã tự mình thu dọn chỗ trú ngụ rồi cầm lấy bình bát và y, không nói cho các thị giả biết, không thông báo cho hội chúng tỳ khưu, một mình, không người thứ hai, ra đi du hành đến Pārileyyaka. Trong khi tuần tự du hành, Ngài đã ngự đến Pārileyyaka. Tại đó, đức Thế Tôn ngụ tại Pārileyyaka, ở khu rừng cây được bảo vệ, nơi gốc cây sālā xinh đẹp.
4. Cũng có con long tượng nọ sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Nó còn phải phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng nhai các nhánh cây đã được nó bẻ gãy lượt này lượt khác. Và nó uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi nó vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Bị quấy rầy, nó sống không an lạc, không thoải mái. Khi ấy, con long tượng ấy đã khởi ý điều này: “Hiện nay, ta sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Ta còn phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy lượt này lượt khác. Và ta uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Bị quấy rầy, ta sống không an lạc, không thoải mái. Có lẽ ta nên sống một mình, tách ra khỏi đám đông?”
5. Sau đó, con long tượng ấy đã tách khỏi bầy đi đến Pārileyyaka, chỗ khu rừng cây được bảo vệ, nơi gốc cây sālā xinh đẹp, gần bên đức Thế Tôn. Tại đó, ở khu vực nào đức Thế Tôn trú ngụ, con long tượng ấy dọn dẹp khu vực ấy bớt đi cây cỏ, rồi dùng vòi cung cấp nước uống và nước rửa đến đức Thế Tôn.
6. Sau đó, đức Thế Tôn trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trước đây, Ta đã sống bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Bị quấy rầy, Ta đã sống không an lạc, không thoải mái. Hiện nay, Ta sống không bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Không bị quấy rầy, Ta sống an lạc, thoải mái.”
7. Luôn cả con long tượng ấy cũng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trước đây, ta đã sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Ta đã phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng đã nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy lượt này lượt khác. Và ta đã uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái đã chạy lại cọ xát vào thân. Bị quấy rầy, ta đã sống không an lạc, không thoải mái. Hiện nay, ta sống không bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Ta nhai các thứ cỏ còn chưa bị đứt ngọn. Chúng không nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy lượt này lượt khác. Và ta đã uống các thứ nước không bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì không có những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Không bị quấy rầy, ta sống an lạc, thoải mái.”
8. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi nhận biết sự tách ly của bản thân đã dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của con long tượng ấy, rồi vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Tâm của con Long tượng, là con voi có ngà dài, cùng với chúa loài người có tâm được tương đồng về việc một mình vui thích ở khu rừng.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Piṇḍolabhāradvāja ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ngụ ở rừng, chuyên đi khất thực, chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, chỉ sử dụng ba y, ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm.
2. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Piṇḍolabhāradvāja ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ngụ ở rừng, chuyên đi khất thực, chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, chỉ sử dụng ba y, ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sự không phỉ báng, sự không giết hại, sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, sự biết đủ về vật thực, chỗ nằm ngồi thanh vắng, và sự gắn bó vào tăng thượng tâm, điều này là lời giáo huấn của chư Phật.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ngụ ở rừng, chuyên đi khất thực, chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, chỉ sử dụng ba y, ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị hiền trí có tăng thượng tâm, không bị xao lãng, đang rèn luyện trong các đạo lộ trí tuệ, an tịnh, luôn có niệm, các sự sầu muộn không hiện hữu ở vị như thế ấy.”[4]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hội chúng tỳ khưu cũng được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Trái lại, các du sĩ ngoại đạo không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh.
2. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy không chịu đựng nỗi sự tôn vinh đối với đức Thế Tôn và đối với hội chúng tỳ khưu nên đã đi đến gặp nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī, sau khi đến đã nói với nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī điều này: “Này chị gái, chị có khả năng làm việc lợi ích cho thân quyến không?” “Thưa các ngài, tôi làm việc gì? Điều gì mà tôi không có thể làm? Thậm chí mạng sống tôi còn buông bỏ cho việc lợi ích của thân quyến.”
3. “Này chị gái, chính vì việc ấy chị hãy thường xuyên đi đến Jetavana.” “Thưa các ngài, xin vâng.” Nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī nghe theo các du sĩ ngoại đạo ấy đã thường xuyên đi đến Jetavana. Đến khi các du sĩ ngoại đạo ấy đã biết rằng: “Việc nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī thường xuyên đi đến Jetavana đã được nhiều người nhìn thấy rõ ràng,” khi ấy đã cho người đoạt lấy mạng sống của nàng rồi chôn xuống ngay tại chỗ ấy, ở cái hố của đường mương, sau đó đã đi đến gặp đức vua Pasenadi xứ Kosala, sau khi đến đã nói với đức vua Pasenadi xứ Kosala điều này: “Tâu đại vương, chúng tôi không nhìn thấy nữ du sĩ Sundarī.” “Vậy các ngươi nghi ngờ là ở đâu?” “Tâu đại vương, ở Jetavana.” “Chính vì việc ấy các ngươi hãy kiểm tra Jetavana.”
4. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy sau khi kiểm tra Jetavana đã lấy lên từ cái hố của đường mương (thi thể của nàng) theo như cách đã được chôn xuống. Sau khi đặt ở chiếc giường nhỏ, họ đã đưa vào thành Sāvatthi rồi đi từ đường lộ này đến đường lộ khác, từ giao lộ này đến giao lộ khác, và đã khích động dân chúng rằng:
“Thưa các ngài, các ngài hãy nhìn xem việc làm của các Sa-môn Thích tử. Các Sa-môn Thích tử này vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, nói láo, không có Phạm hạnh. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự bình lặng, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Vì cớ gì mà người nam sau khi làm cái việc cần làm của người nam rồi lại đoạt lấy mạng sống của người nữ?”
5. Vào lúc bấy giờ, ở thành Sāvatthi dân chúng sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu liền sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ rằng: “Các Sa-môn Thích tử này vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, nói láo, không có Phạm hạnh. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự bình lặng, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Vì cớ gì mà người nam sau khi làm cái việc cần làm của người nam rồi lại đoạt lấy mạng sống của người nữ?”
6. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, hiện nay ở thành Sāvatthi dân chúng sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu liền sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ rằng: ‘Các Sa-môn Thích tử này vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, nói láo, không có Phạm hạnh. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự bình lặng, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Vì cớ gì mà người nam sau khi làm cái việc cần làm của người nam rồi lại đoạt lấy mạng sống của người nữ?’”
7. “Này các tỳ khưu, tiếng đồn đại ấy sẽ không tồn tại lâu, sẽ tồn tại chỉ được bảy ngày, khi trải qua bảy ngày thì sẽ biến mất. Này các tỳ khưu, chính vì việc ấy những người nào sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu mà sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ, thì các ngươi hãy quở trách họ bằng câu kệ này:
Người có lời nói không thật đi địa ngục, và luôn cả người nào sau khi làm đã nói là: ‘Tôi không làm;’ cả hai người ấy, có hành động thấp kém, sau khi chết (đọa) vào cảnh giới khác là giống như nhau.”[5]
8. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã học thuộc lòng câu kệ ấy ở nơi đức Thế Tôn. Rồi những người nào sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu mà sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ, thì các vị tỳ khưu quở trách những người ấy bằng câu kệ này:
“Người có lời nói không thật đi địa ngục, và luôn cả người nào sau khi làm đã nói là: ‘Tôi không làm;’ cả hai người ấy, có hành động thấp kém, sau khi chết (đọa) vào cảnh giới khác là giống như nhau.”
9. Điều này đã khởi lên ở dân chúng: “Các Sa-môn Thích tử này không phải là người làm; việc đã được làm không phải do những vị này; các Sa-môn Thích tử này khẳng định.” Tiếng đồn đại ấy đã không tồn tại lâu, đã tồn tại chỉ bảy ngày, khi trải qua bảy ngày thì đã biến mất. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Và Bạch Ngài, điều này thật sự đã được khéo nói bởi đức Thế Tôn rằng: ‘Này các tỳ khưu, tiếng đồn đại ấy sẽ không tồn tại lâu, sẽ tồn tại chỉ được bảy ngày, khi trải qua bảy ngày thì sẽ biến mất.’ Bạch Ngài, tiếng đồn đại ấy đã được biến mất.”
10. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Những người không chế ngự châm chích (người khác) bằng lời nói,
tựa như châm chích con voi tham gia chiến trận bằng những mũi tên,
sau khi nghe lời nói thô lỗ đã được thốt lên,
vị tỳ khưu nên chịu đựng, tâm không ác xấu.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Khi ấy, đại đức Upasena, con trai của Vaṅganta, trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Thật lợi ích cho ta! Thật đã khéo đạt được cho ta! Bậc Đạo Sư của ta là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác. Ta đã rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng. Các vị đồng Phạm hạnh của ta là những vị có giới, có thiện pháp. Ta là người có sự thực hành đầy đủ về các giới. Ta được định tĩnh, có tâm chuyên nhất. Ta là bậc A-la-hán, có lậu hoặc đã được cạn kiệt. Ta có đại thần lực, có đại oai lực. Đời sống của ta là tốt đẹp, cái chết của ta là tốt đẹp.”
2. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đại đức Upasena, con trai của Vaṅganta, rồi vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Vị nào không bị bực bội về đời sống, vào giai đoạn cuối của cái chết không sầu muộn, quả thật vị ấy đã nhìn thấy Niết Bàn, là bậc sáng trí, ở giữa sầu muộn không sầu muộn.
Đối với vị tỳ khưu có hữu ái đã được trừ tuyệt, có tâm an tịnh, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, không có sự hiện hữu lại nữa đối với vị ấy.”[6]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự tịnh lặng của bản thân. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự tịnh lặng của bản thân.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị tỳ khưu có tâm yên tịnh và an tịnh, đã chặt đứt hữu ái, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, vị ấy đã được thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.”
Phẩm Meghiya là thứ tư.
Vị Meghiya, bị náo động, người chăn bò, thượng huyền, với long tượng là thứ năm, vị Piṇḍola, vị Sāriputta, và nàng Sundarī là thứ tám, vị Upasena con trai của Vaṅganta, và vị Sāriputta; chúng là mười.
--ooOoo--
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức vua Pasenadi xứ Kosala cùng với hoàng hậu Mallikā đã đi lên tầng trên của tòa lâu đài cao quý. Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với hoàng hậu Mallikā điều này:
“Này Mallikā, đối với nàng có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?”
“Tâu đại vương, đối với thiếp không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân. Tâu đại vương, ngược lại đối với ngài có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?”
“Này Mallikā, đối với trẫm cũng vậy, không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân.”
2. Sau đó, đức vua Pasenadi xứ Kosala từ tòa lâu đài đã đi xuống rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, ở đây trẫm cùng với hoàng hậu Mallikā đã đi lên tầng trên của tòa lâu đài cao quý rồi trẫm đã nói với hoàng hậu Mallikā điều này: ‘Này Mallikā, đối với nàng có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?’ Khi được nói như vậy, hoàng hậu Mallikā đã nói với trẫm điều này: ‘Tâu đại vương, đối với thiếp không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân. Tâu đại vương, ngược lại đối với ngài có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?’ Khi được nói như vậy, trẫm đã nói với hoàng hậu Mallikā điều này: ‘Này Mallikā, đối với trẫm cũng vậy, không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân.’”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sau khi đi vòng quanh tất cả các phương bằng tâm, vẫn không đạt được người đáng yêu hơn bản thân ở bất cứ đâu. Tương tự như vậy, bản thân của những người khác là đáng yêu đối với chính họ; vì thế người yêu mến bản thân không nên hãm hại người khác.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy vào buổi chiều, đại đức Ānanda, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Bạch Ngài, mẹ của đức Thế Tôn có tuổi thọ ít ỏi đến chừng ấy. Khi đức Thế Tôn được sanh ra bảy ngày, mẹ của đức Thế Tôn đã từ trần, và đã được sanh về tập thế cõi Đẩu Suất.”
“Này Ānanda, điều ấy là như vậy. Này Ānanda, những người mẹ của các đức Bồ Tát quả là có tuổi thọ ít ỏi, khi các đức Bồ Tát được sanh ra bảy ngày, những người mẹ của các đức Bồ Tát từ trần, và được sanh về tập thể cõi Đẩu Suất.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Tất cả mọi loài đã được sanh hoặc sẽ được sanh ra,
tất cả sẽ ra đi sau khi buông bỏ thân xác.
Sau khi biết được mọi sự mất mát ấy, bậc thiện xảo
có nhiệt tâm nên thực hành Phạm hạnh.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, ở Rājagaha gã cùi tên Suppabuddha đã là người nghèo khó nhất, khốn khổ nhất, bần cùng nhất.
2. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, được vây quanh bởi hội chúng đông đảo, đang ngồi thuyết Pháp. Gã cùi Suppabuddha đã nhìn thấy từ đằng xa đám đông người tụ hội lại, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là ở đây có vật thực cứng hay vật thực mềm gì đó sẽ được phân phát! Có lẽ ta nên đi đến gần đám đông người ấy, có lẽ ở đây ta có thể nhận được vật thực cứng hay vật thực mềm gì đó.”
3. Sau đó, gã cùi Suppabuddha đã đi đến gần đám đông người ấy. Gã cùi Suppabuddha đã nhìn thấy đức Thế Tôn, được vây quanh bởi hội chúng đông đảo, đang ngồi thuyết Pháp. Sau khi nhìn thấy, gã ấy đã khởi ý điều này: “Ở đây, không có vật thực cứng hay vật thực mềm gì đó được phân phát! Vị Sa-môn Gotama này thuyết Pháp cho hội chúng. Có lẽ ta cũng nên nghe Pháp.” Rồi đã ngồi xuống ngay tại chỗ ấy (nghĩ rằng): “Ta cũng sẽ nghe Pháp.” Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được tâm toàn thể hội chúng, đã tác ý rằng: “Ở đây người nào có khả năng hiểu được Giáo Pháp?”
4. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy gã cùi Suppabuddha đang ngồi ở hội chúng ấy, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Ở đây người này có khả năng hiểu được Giáo Pháp.” Và Ngài đã thuyết Pháp theo thứ lớp liên quan đến gã cùi Suppabuddha. Tức là Ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới, bài thuyết về cõi Trời, sự tai hại sự thấp kém sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của gã cùi Suppabuddha đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, Ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được Chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải đã được làm sạch, không còn vết nhơ, có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tự như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến gã cùi Suppabuddha: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
5. Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, gã cùi Suppabuddha đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế Pháp đã được đức Thế Tôn giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch Ngài, con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn ấy, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
6. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, gã cùi Suppabuddha đã thích thú, đã tùy hỷ lời dạy của đức Thế Tôn, đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, khi gã cùi Suppabuddha ra đi không bao lâu, một con bò cái với con bê non đã húc ngã và đã đoạt lấy mạng sống của gã cùi Suppabuddha.
7. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, người cùi tên Suppabuddha đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, người ấy đã qua đời. Đối với người ấy, cảnh giới tái sanh là gì, kiếp kế tiếp là gì?”
8. “Này các tỳ khưu, gã cùi Suppabuddha là người sáng suốt, đã thực hành Pháp tuần tự đốī với Giáo Pháp, và đã không quấy rầy Ta với sự việc liên quan đến Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, gã cùi Suppabuddha do sự diệt tận ba sự ràng buộc là vị Nhập Lưu, có pháp không bị thối đọa, có sự tiến đến giác ngộ đã được chắc chắn.”
9. Khi được nói như vậy, một vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, nhân gì, duyên gì khiến gã cùi Suppabuddha đã là người nghèo khó nhất, khốn khổ nhất, bần cùng nhất?”
10. “Này các tỳ khưu, vào thời quá khứ gã cùi Suppabuddha đã là con trai nhà triệu phú ở ngay tại thành Rājagaha này. Người ấy, trong khi được đưa đến khu vườn giải trí, đã nhìn thấy vị Phật Độc Giác đang đi vào thành để khất thực, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: ‘Gã cùi này là ai mà đi lang thang với y phục của người cùi vậy?’ rồi đã khạc nhổ, hướng vai trái (về phía vị Phật Độc Giác), và ra đi. Người ấy, do quả thành tựu của nghiệp ấy, đã bị nung nấu ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, với phần còn lại của chính nghiệp quả ấy, đã là người cùi ở ngay tại thành Rājagaha này, là người nghèo khó nhất, khốn khổ nhất, bần cùng nhất. Sau khi đi đến với Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai, người ấy đã thọ trì niềm tin, đã thọ trì giới, đã thọ trì điều đã được nghe, đã thọ trì sự xả thí, đã thọ trì trí tuệ. Sau khi thọ trì niềm tin, sau khi thọ trì giới, sau khi thọ trì điều đã được nghe, sau khi thọ trì sự xả thí, sau khi thọ trì trí tuệ, người ấy do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi Trời, có sự cộng trú với chư Thiên cõi Ba Mươi Ba. Tại nơi ấy, người ấy chói sáng vượt trội chư Thiên khác không những về sắc đẹp mà còn về danh tiếng nữa.”
11. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Tựa như người có mắt, trong khi đang có sự ra sức, nên tránh xa những nơi trắc trở, bậc sáng suốt, ở thế gian cuộc sống, nên tránh xa những điều ác.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều thiếu niên hành hạ các con cá nhỏ, ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều thiếu niên đang hành hạ các con cá nhỏ, ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana. Sau khi nhìn thấy, đức Thế Tôn đã đi đến gần các thiếu niên ấy, sau khi đến đã nói với các thiếu niên ấy điều này: “Này các cậu bé trai, các con có sợ hãi sự khổ đau không? Đối với các con có phải sự khổ đau là không được ưa thích?” “Bạch Ngài, đúng vậy. Chúng con sợ hãi sự khổ đau. Đối với chúng con sự khổ đau là không được ưa thích.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Nếu các con sợ hãi sự khổ đau, nếu đối với các con sự khổ đau là không được ưa thích, các con chớ làm việc ác dầu là công khai hay kín đáo.
Và nếu các con sẽ làm việc ác, hoặc đang làm, thì không có sự thoát ra khỏi khổ đau cho các con, cho dầu các con lánh xa và trốn chạy.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra.[7] Vào lúc bấy giờ, nhằm ngày Uposatha, đức Thế Tôn đang ngồi, được vây quanh bởi hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, lúc đêm đã khuya canh một đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya, canh một đã tàn, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã im lặng. Đến lần thứ nhì, lúc đêm đã khuya canh giữa đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay lên hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya, canh giữa đã tàn, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã im lặng. Đến lần thứ ba, lúc đêm đã khuya canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay lên hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya, canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” “Này Ānanda, hội chúng không thanh tịnh.”
2. Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna đã khởi ý điều này: “Liên quan đến nhân vật nào khiến đức Thế Tôn đã nói như vầy: ‘Này Ānanda, hội chúng không thanh tịnh’?” Sau đó, đại đức Mahāmoggallāna đã tác ý dùng tâm biết được tâm của toàn thể hội chúng tỳ khưu. Đại đức Mahāmoggallāna đã nhìn thấy nhân vật ấy, kẻ có ác giới, có ác pháp, sở hành bất tịnh và đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, không phải là Sa-môn, tự xưng là Sa-môn, không có Phạm hạnh, tự xưng là có Phạm hạnh, nội tâm thối nát, nhiễm dục vọng, có bản chất dơ bẩn, đang ngồi giữa hội chúng tỳ khưu; sau khi nhìn thấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến gần nhân vật ấy, sau khi đến gần đã nói với nhân vật ấy điều này: “Này ông bạn, hãy đứng dậy. Ngươi đã bị đức Thế Tôn nhìn thấy rồi. Việc cộng trú với các tỳ khưu là không có cho ngươi.” Khi ấy, nhân vật ấy đã im lặng. Đến lần thứ nhì, đại đức Mahāmoggallāna đã nói với nhân vật ấy điều này: “Này ông bạn, hãy đứng dậy. Ngươi đã bị đức Thế Tôn nhìn thấy rồi. Việc cộng trú với các tỳ khưu là không có cho ngươi.” Đến lần thứ nhì, nhân vật ấy đã im lặng. Đến lần thứ ba, đại đức Mahāmoggallāna đã nói với nhân vật ấy điều này: “Này ông bạn, hãy đứng dậy. Ngươi đã bị đức Thế Tôn nhìn thấy rồi. Việc cộng trú với các tỳ khưu là không có cho ngươi.” Đến lần thứ ba, nhân vật ấy đã im lặng.
3. Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna đã nắm lấy nhân vật ấy ở cánh tay đẩy ra bên ngoài cánh cửa của cổng ra vào, gài chốt cửa lại, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, nhân vật ấy đã bị con đẩy ra ngoài rồi; hội chúng được thanh tịnh. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” “Này Moggallāna, thật kỳ lạ thay! Này Moggallāna thật khác thường thay! Gã rồ dại ấy lại chờ đợi cho đến lúc bị nắm lấy cánh tay.”
4. Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, giờ đây kể từ nay về sau Ta sẽ không tiến hành lễ Uposatha, sẽ không tuyên đọc giới bổn. Này các tỳ khưu, giờ đây kể từ nay về sau chính các ngươi sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ tụng đọc giới bổn Pātimokkha. Này các tỳ khưu, việc này không hợp lý không có cơ sở là việc đức Như Lai có thể tiến hành lễ Uposatha, có thể tuyên đọc giới bổn Pātimokkha ở hội chúng không thanh tịnh.
5. Này các tỳ khưu, đây là tám pháp kỳ diệu phi thường về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét những pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả. Tám pháp ấy là gì?
(1.) Này các tỳ khưu, biển cả sâu xuống dần dần, có độ dốc xuống dần dần, có sự lõm xuống dần dần, không có vực sâu một cách đột ngột. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả sâu xuống dần dần, có độ dốc xuống dần dần, có sự lõm xuống dần dần, không có vực sâu một cách đột ngột. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhất về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(2.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả có pháp ổn định, không tràn qua khỏi bờ. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả có pháp ổn định, không tràn qua khỏi bờ. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhì về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(3.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả không sống chung với xác chết, nghĩa là khi ở trong biển cả có xác chết, nó tức thời đưa xác chết ấy vào bờ rồi hất lên đất liền. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả không sống chung với xác chết, nghĩa là khi ở trong biển cả có xác chết, nó tức thời đưa xác chết ấy vào bờ rồi hất lên đất liền. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ ba về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(4.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, các con sông lớn như là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī khi đã ra đến biển cả thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Biển cả.’ Này các tỳ khưu, sự việc các con sông lớn như là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī khi đã ra đến biển cả thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Biển cả.’ Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tư về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(5.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, có các dòng nước ở thế gian đổ vào biển cả và các trận mưa từ không trung rơi xuống, nhưng không vì điều ấy mà biển cả được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, sự việc có các dòng nước ở thế gian đổ vào biển cả và các trận mưa từ không trung rơi xuống nhưng không vì điều ấy mà biển cả được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ năm về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(6.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả có một vị là vị của muối. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả chỉ có một vị là vị của muối. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ sáu về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(7.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả có nhiều vật quý, có vô số vật quý. Ở đó, các vật quý ấy như là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, bạc, vàng, ngọc ru-by, ngọc mắt mèo. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đó, các vật quý ấy như là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, bạc, vàng, ngọc ru-by, ngọc mắt mèo. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ bảy về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(8.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả là nơi cư trú của các chúng sanh to lớn. Ở đó, các chúng sanh ấy là cá ông, cá voi, cá ông voi, các A-tu-la, các loài rồng, các Càn-thát-bà. Trong biển cả còn có những loài hữu hình lớn đến trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến hai trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến ba trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến bốn trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến năm trăm do tuần. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả là nơi cư trú của các chúng sanh to lớn; ở đó, các chúng sanh ấy là cá ông, cá voi, cá ông voi, các A-tu-la, các loài rồng, các Càn-thát-bà. Trong biển cả còn có những loài hữu hình lớn đến trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến hai trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến ba trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến bốn trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến năm trăm do tuần. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tám về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
Này các tỳ khưu, đây là tám pháp kỳ diệu phi thường về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
6. Này các tỳ khưu, tương tự y như thế trong Pháp và Luật này có tám pháp kỳ diệu phi thường, sau khi thường xuyên xem xét những pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này. Tám pháp ấy là gì?
(1.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả sâu xuống dần dần, có độ dốc xuống dần dần, có sự lõm xuống dần dần, không có vực sâu một cách đột ngột, này các tỳ khưu, tương tự như thế trong Pháp và Luật này có sự học tập theo thứ lớp, có sự thực hành theo thứ lớp, có sự tiến bộ theo thứ lớp, không có sự chứng ngộ đột ngột nào khác. Này các tỳ khưu, sự việc trong Pháp và Luật này có sự học tập theo thứ lớp, có sự thực hành theo thứ lớp, có sự tiến bộ theo thứ lớp, không có sự chứng ngộ đột ngột nào khác. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhất trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(2.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả có pháp ổn định, không tràn qua khỏi bờ, này các tỳ khưu, tương tự như thế điều học nào đã được Ta quy định cho các đệ tử của Ta, các đệ tử của Ta không vượt qua điều học ấy dù là nguyên nhân mạng sống. Này các tỳ khưu, sự việc điều học nào đã được Ta quy định cho các đệ tử, các đệ tử của Ta không vượt qua điều học ấy dù là nguyên nhân mạng sống. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhì trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(3.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả không sống chung với xác chết nghĩa là khi ở trong biển cả có xác chết, nó tức thời đưa xác chết ấy vào bờ rồi hất lên đất liền, này các tỳ khưu, tương tự như thế nhân vật nào là kẻ có ác giới, có ác pháp, sở hành bất tịnh và đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, phi Sa-môn, giả mạo Sa-môn, phi Phạm hạnh, giả mạo Phạm hạnh, nội tâm thối nát, nhiễm dục vọng, có bản chất dơ bẩn, Tăng chúng không sống chung với kẻ ấy, mà tức thời tụ hội lại loại trừ kẻ ấy ra.
Cho dù kẻ ấy ngồi giữa Tăng chúng tỳ khưu nhưng kẻ ấy vẫn bị tách ly khỏi Tăng chúng và Tăng chúng vẫn được tách ly với kẻ ấy. Này các tỳ khưu, sự việc nhân vật nào là kẻ có ác giới, có ác pháp, sở hành bất tịnh và đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, phi Sa-môn, giả mạo Sa-môn, phi Phạm hạnh, giả mạo Phạm hạnh, nội tâm thối nát, nhiễm dục vọng, có bản chất dơ bẩn, Tăng chúng không sống chung với nhân vật ấy, mà tức thời tụ hội lại loại trừ kẻ ấy ra; cho dù kẻ ấy ngồi giữa Tăng chúng tỳ khưu nhưng kẻ ấy vẫn bị tách ly khỏi Tăng chúng và Tăng chúng vẫn được tách ly với kẻ ấy. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ ba trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(4.) Này các tỳ khưu, cũng giống như các con sông lớn như là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī khi đã ra đến biển cả thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Biển cả,’ này các tỳ khưu, tương tự như thế bốn loại giai cấp này là vua chúa, Bà-la-môn, thương buôn, và nô bộc, khi họ đã rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật được công bố bởi đức Như Lai thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Các Sa-môn Thích tử.’ Này các tỳ khưu, sự việc bốn loại giai cấp này là vua chúa, Bà-la-môn, thương buôn, và nô bộc, khi họ đã rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật được công bố bởi đức Như Lai thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Các Sa-môn Thích tử.’ Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tư trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(5.) Này các tỳ khưu, cũng giống như các dòng nước ở thế gian đổ vào biển cả và các trận mưa từ không trung rơi xuống, nhưng không vì điều ấy mà biển cả được xem là vơi hay đầy, này các tỳ khưu, tương tự như thế cho dù nhiều vị tỳ khưu Vô Dư Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót, nhưng không vì điều ấy mà cảnh giới Niết Bàn được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, sự việc cho dù nhiều vị tỳ khưu Vô Dư Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót, nhưng không vì điều ấy mà cảnh giới Niết Bàn được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ năm trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(6.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả có một vị là vị của muối, này các tỳ khưu, tương tự như thế Pháp và Luật này có một vị là vị của giải thoát. Này các tỳ khưu, sự việc Pháp và Luật này có một vị là vị của giải thoát. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ sáu trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(7.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đó, các vật quý ấy như là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, bạc, vàng, ngọc ru-by, ngọc mắt mèo, này các tỳ khưu, tương tự y như thế Pháp và Luật này có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đây, các vật quý ấy như là bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy pháp đưa đến giác ngộ, Thánh đạo tám ngành. Này các tỳ khưu, sự việc Pháp và Luật này có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đây, các vật quý ấy như là bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy pháp đưa đến giác ngộ, Thánh đạo tám ngành. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ bảy trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(8.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả là nơi cư trú của các chúng sanh to lớn; ở đó, các chúng sanh ấy là cá ông, cá voi, cá ông voi, các A-tu-la, các loài rồng, các Càn-thát-bà. Trong biển cả còn có những loài hữu hình lớn đến trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến hai trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến ba trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến bốn trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến năm trăm do tuần. Này các tỳ khưu, tương tự như thế Pháp và Luật này là nơi cư trú của các chúng sanh vĩ đại; ở đây, các chúng sanh ấy là vị Nhập Lưu, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhập Lưu, vị Nhất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhất Lai, vị Bất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Bất Lai, vị A-la-hán, vị đang thực hành để chứng ngộ quả A-la-hán. Này các tỳ khưu, sự việc Pháp và Luật này là nơi cư trú của các chúng sanh vĩ đại; ở đây, các chúng sanh ấy là vị Nhập Lưu, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhập Lưu, vị Nhất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhất Lai, vị Bất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Bất Lai, vị A-la-hán, vị đang thực hành để chứng ngộ quả A-la-hán. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tám trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
Này các tỳ khưu đây là tám pháp kỳ diệu phi thường trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét những pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.”
7. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Mưa rơi nhiều ở vật đã được che đậy, mưa không rơi nhiều ở vật đã được mở ra. Vì thế, hãy mở ra vật đã được che đậy, như vậy mưa không rơi nhiều ở vật ấy.”[8]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākaccāyana ngụ trong xứ Avanti, ở thành Kuraraghara, tại núi Pavatta.[9] Vào lúc bấy giờ, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa là người hộ độ cho đại đức Mahākaccāyana. Khi ấy, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà?”
2. Khi ấy, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
3. Khi được nói như vậy, đại đức Mahākaccāyana đã nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa điều này: “Này Soṇa, việc ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh cho đến trọn đời là việc khó làm. Này Soṇa, vậy ngay ở chỗ này, trong khi là người tại gia, ngươi hãy thực tập lời dạy của chư Phật tức là ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh trong khoảng thời gian quy định.” Khi ấy, ước muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã được dịu đi.
4. Đến lần thứ nhì, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.” Đến lần thứ nhì, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
5. Đến lần thứ nhì, đại đức Mahākaccāyana đã nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa điều này: “Này Soṇa, việc ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh cho đến trọn đời là việc khó làm. Này Soṇa, vậy thì ngay ở chỗ này, trong khi là người tại gia, ngươi hãy thực tập lời dạy của chư Phật tức là ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh trong khoảng thời gian quy định.” Đến lần thứ nhì, ước muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã được dịu đi.
6. Đến lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.”
Đến lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
7. Khi ấy, đại đức Mahākaccāyana đã cho nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa xuất gia. Vào lúc bấy giờ, ở khu vực phía nam của xứ Avanti có ít tỳ khưu. Khi ấy, đại đức Mahākaccāyana trải qua ba năm với nỗi cực nhọc khó khăn đã triệu tập được hội chúng tỳ khưu gồm mười vị từ nơi này nơi khác rồi đã cho đại đức Soṇa tu lên bậc trên.
8. Sau đó, khi đã sống qua mùa (an cư) mưa, đại đức Soṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta chưa được nhìn thấy tận mặt đức Thế Tôn ấy, tuy nhiên ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy.’ Nếu thầy tế độ cho phép ta, thì ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.”
Sau đó vào lúc chiều tối, đại đức Soṇa đã xuất khỏi thiền tịnh rồi đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Soṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: - Ta chưa được nhìn thấy tận mặt đức Thế Tôn ấy, tuy nhiên ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy.’ Nếu thầy tế độ cho phép ta, thì ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.” “Này Soṇa, tốt lắm, tốt lắm. Này Soṇa, ngươi hãy đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.”
9. “Này Soṇa, ngươi sẽ thấy đức Thế Tôn ấy dễ mến, đáng tin, có giác quan thanh tịnh, có tâm ý thanh tịnh, đã đạt đến sự tĩnh lặng và thu thúc tột đỉnh, là đấng voi chúa đã được huấn luyện, đã được hộ trì, có giác quan đã được kiểm soát. Sau khi nhìn thấy, ngươi hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, hãy hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài) với lời của ta rằng: ‘Bạch Ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāyana xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).’” “Thưa ngài, xin vâng.” Đại đức Soṇa đã thích thú và tùy hỷ với lời nói của đại đức Mahākaccāyana, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi thu xếp chỗ trú ngụ, cầm bình bát và y, ra đi về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, vị ấy đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika, gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Soṇa đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāyana xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).” “Này tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Ngươi đi đến đường xa có được ít mệt nhọc không? Và ngươi không có mệt nhọc với việc khất thực phải không?” “Bạch Thế Tôn, sức khoẻ có khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và Bạch Ngài, con đi đường xa ít có mệt nhọc và con không có mệt nhọc với việc khất thực.”
10. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này.” Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Liên quan đến vị nào mà đức Thế Tôn ra lệnh cho ta rằng: ‘Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này’? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với vị tỳ khưu ấy? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với đại đức Soṇa?” rồi đã sắp đặt chỗ trú ngụ cho đại đức Soṇa trong trú xá đức Thế Tôn đang ngự. Sau đó, đức Thế Tôn, sau khi đã ngồi và trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời, đã rửa chân rồi đi vào trú xá. Đại đức Soṇa, sau khi cũng đã ngồi và trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời, đã rửa chân rồi đi vào trú xá. Sau đó, khi đã thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, đức Thế Tôn đã yêu cầu đại đức Soṇa rằng: “Này tỳ khưu, mong rằng có đề tài Pháp gây hứng thú cho ngươi để thuyết giảng.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Nghe theo đức Thế Tôn, đại đức Soṇa đã thuyết lại đầy đủ toàn bộ mười sáu phần của phẩm Nhóm Tám một cách mạch lạc. Sau đó, vào lúc kết thúc cuộc thuyết giảng mạch lạc của đại đức Soṇa, đức Thế Tôn đã khen ngợi rằng: “Này tỳ khưu, tốt lắm, tốt lắm! Này tỳ khưu, mười sáu phần của phẩm Nhóm Tám đã được ngươi khéo học tập, khéo suy nghĩ, khéo ghi nhớ. Ngươi có giọng nói êm dịu, rõ ràng, không có khó nghe, làm rõ được ý nghĩa. Này tỳ khưu, ngươi (xuất gia) được bao nhiêu năm?” “Bạch đức Thế Tôn, con được một năm.” “Này tỳ khưu, tại sao ngươi thực hiện (việc tu lên bậc trên) chậm trễ như vậy?” “Bạch Ngài, từ lâu con đã thấy được sự tai hại trong các dục, nhưng vì cuộc sống tại gia có nhiều cản trở, có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm.”
11. Sau đó, khi đã hiểu ra sự việc ấy, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở thế gian, sau khi hiểu được Pháp không đưa đến tái sanh, bậc Thánh không thích thú điều ác, vị trong sạch không thích thú điều ác.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.Vào lúc bấy giờ, đại đức Kaṅkhārevata ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự thanh tịnh do vượt qua hoài nghi của bản thân. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Kaṅkhārevata ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự thanh tịnh do vượt qua hoài nghi của bản thân.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bất cứ những hoài nghi nào, ở đời này hoặc đời sau, sẽ được cảm nhận bởi chính mình hoặc sẽ được cảm nhận bởi người khác, các vị chứng thiền, có nhiệt tâm, đang thực hành Phạm hạnh, dứt bỏ tất cả các hoài nghi ấy.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, nhằm ngày Uposatha, vào buổi sáng đại đức Ānanda đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực.[10] Devadatta đã nhìn thấy đại đức Ānanda đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này: “Này đại đức Ānanda, giờ đây kể từ hôm nay tôi sẽ hành lễ Uposatha và sẽ thực hiện các hành sự của hội chúng không cần đến đức Thế Tôn, không cần đến hội chúng tỳ khưu.” Sau đó, khi đã đi khất thực ở trong thành Rājagaha, đại đức Ānanda sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, nơi đây vào buổi sáng, con đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực. Bạch Ngài, Devadatta đã nhìn thấy con đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp con, sau khi đến đã nói với con điều này: ‘Này đại đức Ānanda, giờ đây kể từ hôm nay tôi sẽ thực hiện lễ Uposatha và các hành sự của hội chúng không cần đến đức Thế Tôn, không cần đến hội chúng tỳ khưu.’ Bạch Ngài, hôm nay Devadatta sẽ chia rẽ hội chúng, sẽ thực hiện lễ Uposatha và các hành sự của hội chúng.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Điều tốt là dễ làm bởi người tốt, điều tốt là khó làm bởi kẻ xấu. Điều ác là dễ làm bởi kẻ xấu, điều ác là khó làm bởi các vị Thánh.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn đi du hành ở xứ sở của những người Kosala cùng với đại chúng tỳ khưu. Vào lúc bấy giờ, nhiều thanh niên Bà-la-môn đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn có vẻ đang nhạo báng. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều thanh niên Bà-la-môn đang đi ngang qua ở nơi không xa có vẻ đang nhạo báng.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Những kẻ bị lẫn lộn, làm ra vẻ người sáng suốt, có lời phát biểu thuộc lãnh vực của lời nói (mà không hiểu nghĩa), có miệng há rộng theo như chúng muốn; điều gì dẫn dắt chúng thì chúng không biết.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Cullapanthaka ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Cullapanthaka ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Với thân vững chãi, với tâm vững chãi,
dầu đang đứng, hoặc đã ngồi xuống, hay đang nằm,
vị tỳ khưu duy trì vững chắc niệm như vậy
có thể đạt được sự chứng đắc theo tuần tự.
Sau khi đạt được sự chứng đắc theo tuần tự,
có thể đi đến nơi ngoài tầm nhìn của Thần Chết.”
Phẩm Soṇa là thứ năm.
Đức vua, tuổi thọ ít ỏi, gã cùi, các thiếu niên, và lễ Uposatha, vị Soṇa, và vị Revata, vị Nanda, với việc nhạo báng, và với vị Panthaka.
--ooOoo--
[1] Kapotakandarā (hang Bồ câu): là tên của một hang động (kandarā) có nhiều chim bồ câu (kapota). Về sau, tại đây một trú xá đã được xây dựng và có tên gọi như vậy (UdA. 244).
[2] 1 ratana = 0.25 mét, đơn vị đo chiều dài.
[3] Đoạn thăm hỏi sức khỏe đã không được dịch sát từ (ND).
[4] Kệ ngôn này được thấy ở Pācittiyapāḷi - Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 2 (TTPV 02, 129); Theragāthāpāḷi - Trưởng Lão Kệ, Ekakanipāta, Ekudāniyattheragāthā (TTPV 31, 31).
[5] Dhammapadapāḷi - Pháp Cú, Nirayavaggo - Phẩm Địa Ngục, câu kệ 306.
[6] Kệ ngôn này được thấy ở Suttanipātapāḷi - Kinh Tập, kệ ngôn 749 (TTPV 29, 233).
[7] Câu chuyện tương tự được thấy ở Cullavaggapāḷi - Tiểu Phẩm (TTPV 07, từ trang 427).
[8] Người phạm tội mà che giấu (vật đã được che đậy) thì sẽ tiếp tục phạm tội (mưa rơi nhiều), còn người đã phạm tội mà sám hối (vật đã được mở ra) thì sẽ không tiếp tục phạm tội nữa (UdA. 306; ThagA. ii, 188; VinA. vi, 1287). Câu kệ này cũng được thấy ở Cullavaggapāḷi - Tiểu Phẩm (TTPV 07), 435; Theragāthāpāḷi - Trưởng Lão Kệ, câu kệ 447 (TTPV 31, 131).
[9] Câu chuyện tương tự được thấy ở Mahāvaggapāḷi - Đại Phẩm (TTPV 04, từ trang 507).
[10] Câu chuyện tương tự được thấy ở Cullavaggapāḷi - Tiểu Phẩm (TTPV 07, 305).
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Vesālī, Mahāvana (Đại Lâm), nơi giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, vào buổi sáng đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Vesālī để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Vesālī, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, hãy lấy tấm lót ngồi. Chúng ta sẽ đi đến bảo điện Cāpāla để nghỉ trưa.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thê Tôn đã cầm lấy tấm lót ngồi rồi nối tiếp theo sau đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã đi đến bảo điện Cāpāla, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được xếp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, Vesālī thật đáng yêu! Bảo điện Udena thật đáng yêu! Bảo điện Gotamaka thật đáng yêu! Bảo điện Sattamba thật đáng yêu! Bảo điện Bahuputta thật đáng yêu! Bảo điện Sārandada thật đáng yêu! Bảo điện Cāpāla thật đáng yêu! Này Ānanda, đối với người nào, bốn nền tảng của thần thông đã được tu tập, được thực hành thường xuyên, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp, thì người ấy trong khi mong muốn có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp. Này Ānanda, đối với Như Lai, bốn nền tảng của thần thông đã được tu tập, được thực hành thường xuyên, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp, này Ānanda, trong khi mong muốn Như Lai có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.” Tuy nhiên, đại đức Ānanda trong khi được ra dấu hiệu rõ ràng, trong khi được làm biểu hiện rõ rệt bởi đức Thế Tôn như thế, đã không thể thấu hiểu, đã không cầu khẩn đức Thế Tôn rằng: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy tồn tại trọn kiếp, xin đấng Thiện Thệ hãy tồn tại trọn kiếp vì sự lợi ích cho nhiều người, vì sự an lạc cho nhiều người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian, vì sự tấn hoá, vì sự lợi ích, vì sự an lạc của chư Thiên và nhân loại,” như là có tâm đã bị Ma Vương xâm nhập.
Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, Vesālī thật đáng yêu! —như trên— Như Lai có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.” Tuy nhiên, đại đức Ānanda —như trên— như là có tâm đã bị Ma Vương xâm nhập. Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, Vesālī thật đáng yêu! —như trên— Như Lai có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.” Tuy nhiên, đại đức Ānanda —như trên— như là có tâm đã bị Ma Vương xâm nhập.
2. Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, ngươi hãy đi, ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đã ngồi xuống ở gốc cây nọ ở nơi không xa.
3. Sau đó, khi đại đức Ānanda ra đi không bao lâu, Ma Vương ác độc đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, Ma Vương ác độc đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, xin đấng Thiện Thệ hãy viên tịch Niết Bàn. Bạch Ngài, giờ đây là thời điểm viên tịch Niết Bàn của đức Thế Tôn. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các tỳ khưu của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, được huấn luyện, có tự tin, có sự an toàn đối với các trói buộc, nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, đã thực hành đúng pháp và thuận pháp, đã thực hành đúng đắn, có sự hành xử theo pháp, sau khi học pháp từ thầy của mình sẽ thuật lại, sẽ thuyết giảng, sẽ quy định, sẽ thiết lập, sẽ khai mở, sẽ phân tích, sẽ làm rõ ràng, khi học thuyết của những kẻ khác đã được khởi lên thì sẽ khuất phục một cách khéo léo đúng theo Pháp và sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’
Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, được huấn luyện, có tự tin, có sự an toàn đối với các trói buộc, nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, đã thực hành đúng pháp và thuận pháp, đã thực hành đúng đắn, có sự hành xử theo pháp, sau khi học pháp từ thầy của mình rồi thuật lại, thuyết giảng, quy định, thiết lập, khai mở, phân tích, làm rõ ràng, khi học thuyết của những kẻ khác đã được khởi lên thì khuất phục một cách khéo léo đúng theo Pháp và thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, xin đấng Thiện Thệ hãy viên tịch Niết Bàn. Bạch Ngài, giờ đây là thời điểm viên tịch Niết Bàn của đức Thế Tôn.
4. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các tỳ khưu ni của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, —như trên— có sự hành xử theo pháp, —như trên— sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu ni Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, —như trên— thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, —như trên—.
Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các nam cư sĩ của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, —như trên— có sự hành xử theo pháp, —như trên— sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu ni Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, —như trên— thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, —như trên—.
5. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các nữ cư sĩ của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, —như trên— có sự hành xử theo pháp, —như trên— sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu ni Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, —như trên— thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, —như trên—.
6. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào Phạm hạnh này của Ta vẫn còn chưa được thành tựu, phát triển, phổ biến, phổ thông, trở nên phổ cập, và vẫn còn chưa được khéo giảng giải bởi loài người.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay Phạm hạnh của đức Thế Tôn không những được thành tựu, phát triển, phổ biến, phổ thông, trở nên phổ cập, mà còn được khéo giảng giải bởi loài người. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, xin đấng Thiện Thệ hãy viên tịch Niết Bàn. Bạch Ngài, giờ đây là thời điểm viên tịch Niết Bàn của đức Thế Tôn.”
Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với Ma Vương ác độc điều này: “Này kẻ ác độc, ngươi hãy bình tĩnh. Không lâu nữa sẽ là sự viên tịch Niết Bàn của Như Lai. Từ nay cho đến hết ba tháng, Như Lai sẽ viên tịch Niết Bàn.” Khi ấy, ở tại bảo điện Cāpāla, đức Thế Tôn có niệm, có sự nhận biết rõ, đã buông bỏ thọ hành. Và khi đức Thế Tôn buông bỏ thọ hành, đã có sự lay động của đại địa cầu, làm kinh sợ, khiến dựng đứng lông; và các tiếng sấm trời đã bùng nổ.
7. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Trong khi cân nhắc Niết Bàn và nguồn sanh khởi (của hữu), bậc hiền trí đã buông bỏ sự tạo tác dẫn đến hữu. Thích thú ở nội tâm, được định tĩnh, người đã phá tan nguồn sanh khởi của tự ngã, tựa như phá tan tấm áo giáp.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra. Vào lúc bấy giờ, nhằm lúc chiều tối đức Thế Tôn đã xuất khỏi thiền tịnh rồi đã ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa chánh.
Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Vào lúc bấy giờ, có bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ, có móng tay chân, có lông ở nách và ở thân thể được để mọc dài, mang theo túi vật dụng đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn.
2. Đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nhìn thấy bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy, có móng tay chân, có lông ở nách và ở thân thể được để mọc dài, mang theo túi vật dụng đang đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn. Sau khi nhìn thấy, đức vua đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, quỳ đầu gối bên phải ở trên đất, chắp tay hướng về bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy, thông báo danh tánh ba lần: “Thưa các ngài, trẫm là vua Pasenadi xứ Kosala.”
3. Sau đó, trong khi bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy ra đi không bao lâu, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, những người này là những vị nào đó trong số các vị A-la-hán hoặc các vị đang thực hành đạo lộ A-la-hán ở thế gian.”
“Thưa đại vương, điều này quả là khó biết được đối với đại vương là người tại gia, có sự thọ hưởng ngũ dục, đang sống chung đụng với con cái, đang thưởng thức trầm hương của xứ Kāsī, đang đeo tràng hoa, dầu thơm, và son phấn, đang chấp nhận vàng bạc: ‘Những người này là các vị A-la-hán hay những người này đang thực hành đạo lộ A-la-hán.’ Thưa đại vương, do cộng trú, giới có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài không phải ngắn hạn, bởi người chú ý không phải bởi người không chú ý, bởi người có trí tuệ không phải bởi người có tuệ tồi. Thưa đại vương, do giao tiếp, sự liêm khiết có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi. Thưa đại vương, khi có những nỗi bất hạnh, sự vững chãi có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi. Thưa đại vương, do đàm luận, trí tuệ có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi.”
4. “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Và Bạch Ngài, điều này thật sự đã được khéo nói bởi đức Thế Tôn rằng: ‘Thưa đại vương, điều này quả là khó biết được —như trên— đang thực hành đạo lộ A-la-hán.’ Thưa đại vương, do cộng trú —như trên— không phải do người có tuệ tồi.’ Bạch Ngài, những người này là những nam nhân, những kẻ cải trang, những người trinh sát của trẫm, họ trở về sau khi đã đi thanh tra xứ sở. Sự việc được họ điều tra trước, sau đó trẫm sẽ duyệt lại. Bạch Ngài, giờ đây sau khi rũ bỏ bụi bặm và cáu ghét, họ được tắm, được thoa dầu kỹ lưỡng, có tóc râu được sửa soạn, mặc vải trắng, được thọ hưởng, được cung ứng năm loại dục lạc, họ sẽ tiêu khiển.”
5. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không nên nỗ lực ở mọi nơi, không nên là người (phục vụ) của kẻ khác, không nên sống nương nhờ kẻ khác, không nên làm thương mại với Giáo Pháp.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi quán xét lại vô số ác bất thiện pháp của bản thân đã được dứt bỏ và vô số thiện pháp của bản thân đã đạt đến sự đầy đủ do việc tu tập.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Trước đây đã có rồi không có, trước đây không có rồi đã có,
đã không có và sẽ không có, trong hiện tại cũng không tìm thấy.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư ngụ ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau.
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (1)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (2)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là có giới hạn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (3)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là không có giới hạn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (4)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Mạng sống là vật ấy thân thể là vật ấy; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (5)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Mạng sống là vật khác thân thể là vật khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (6)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (7)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (8)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (9)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (10)
Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): “Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
2. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư trú ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau. Có một số —như trên— Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
3. “Này các tỳ khưu, các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), không biết điều lợi ích, không biết điều không lợi ích, không biết pháp, không biết phi pháp. Trong khi không biết điều lợi ích, trong khi không biết điều không lợi ích, trong khi không biết pháp, trong khi không biết phi pháp, họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’
4. Này các tỳ khưu, vào thời quá khứ ngay tại thành Sāvatthi này đã có vị vua nọ. Này các tỳ khưu, khi ấy vị vua ấy đã bảo một người đàn ông nọ rằng: ‘Này nam nhân, hãy đến. Ở thành Sāvatthi có bao nhiêu người mù bẩm sinh thì ngươi hãy tập trung tất cả bọn họ lại một chỗ.’ ‘Tâu bệ hạ, xin vâng.’ Này các tỳ khưu, người đàn ông ấy nghe theo vị vua ấy, rồi ở thành Sāvatthi có bao nhiêu người mù bẩm sinh thì đã bắt hết tất cả bọn họ, sau đó đã đi đến gặp vị vua ấy, sau khi đến đã nói với vị vua ấy điều này: ‘Tâu bệ hạ, ở thành Sāvatthi có bao nhiêu người mù bẩm sinh thì bọn họ đã được tập trung lại.’ ‘Này khanh, như thế thì người hãy phô bày con voi cho những người mù bẩm sinh.’ ‘Tâu bệ hạ, xin vâng.’ Này các tỳ khưu, người đàn ông ấy nghe theo vị vua ấy đã phô bày con voi cho những người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’
Rồi đã phô bày đầu của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày cái tai của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày ngà của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày cái vòi của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày thân của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày chân của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày bắp vế của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’
Rồi đã phô bày đuôi của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày chùm lông đuôi của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’
Này các tỳ khưu, rồi người đàn ông ấy sau khi phô bày con voi cho những người mù bẩm sinh đã đi đến gặp vị vua ấy, sau khi đến đã nói với vị vua ấy điều này: ‘Tâu bệ hạ, con voi đã được những người mù ấy nhìn thấy. Xin bệ hạ hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.’
5. Này các tỳ khưu, sau đó vị vua ấy đã đi đến gặp những người mù bẩm sinh ấy, sau khi đến đã nói với những người mù bẩm sinh ấy điều này: ‘Này các người mù, có phải các ngươi đã thấy con voi?’ ‘Tâu bệ hạ, đúng vậy. Chúng tôi đã thấy con voi.’ ‘Này các người mù, các ngươi hãy nói con voi là như thế nào.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy đầu của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái chum.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy cái tai của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái nia.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy ngà của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là lưỡi cày.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy cái vòi của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cán cày.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy thân của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là nhà kho.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy chân của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cột trụ.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy bắp vế của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái cối giã.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy đuôi của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái chày.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy chùm lông đuôi của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái chổi.’ Bọn họ (đã cãi vã): ‘Con voi là như thế này, con voi là không như thế kia. Con voi là không như thế kia, con voi là như thế này,’ đã gây hấn lẫn nhau bằng những nắm đấm. Này các tỳ khưu, trái lại vị vua ấy đã thích chí vì việc ấy.
Này các tỳ khưu, tương tự y như thế các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), —như trên— Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
6. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, một số Sa-môn và Bà-la-môn bám víu vào những điều này, rồi gây gổ, cãi cọ về điều ấy, (giống như) những người nhìn thấy một góc cạnh.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư ngụ ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau.
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (1)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (2)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (3)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn;’ chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (4)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (5)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (6)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (7)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (8)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (9)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (10)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (11)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (12)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (13)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (14)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (15)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (16)
Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): “Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
2. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, ở đây nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư trú ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau. Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.’—như trên— Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
3. “Này các tỳ khưu, các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), không biết điều lợi ích, không biết điều không lợi ích, không biết pháp, không biết phi pháp. Trong khi không biết điều lợi ích, trong khi không biết điều không lợi ích, trong khi không biết pháp, trong khi không biết phi pháp, họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, một số Sa-môn và Bà-la-môn bám víu vào những điều này, chìm xuống ngay ở giữa dòng, sau khi còn chưa đạt đến vị thế nâng đỡ ấy.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư ngụ ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau.
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (1)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (2)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (3)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (4)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (5)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (6)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (7)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (8)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (9)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (10)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (11)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (12)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (13)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (14)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (15)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (16)
Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): “Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
2. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, ở đây nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư trú ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau. Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.’—như trên— Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’”
3. “Này các tỳ khưu, các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), không biết điều lợi ích, không biết điều không lợi ích, không biết pháp, không biết phi pháp. Trong khi không biết điều lợi ích, trong khi không biết điều không lợi ích, trong khi không biết pháp, trong khi không biết phi pháp, họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Loại người này bị gắn bó (với ý nghĩ) ‘Tôi là người tạo ra,’ bị gắn liền (với ý nghĩ) ‘Kẻ khác là người tạo ra,’ nhiều người đã không biết rõ điều ấy, đã không thấy điều ấy là ‘mũi tên.’
Và đối với vị trước đây nhìn thấy điều ấy là mũi tên, (ý nghĩ) ‘Tôi tạo ra’ là không có đối với vị ấy, (ý nghĩ) ‘Kẻ khác tạo ra’ là không có đối với vị ấy.
Bị nhiễm bởi ngã mạn, bị trói buộc bởi ngã mạn, bị trói chặt bởi ngã mạn, có lời nói công kích về các quan điểm, loại người này không vượt qua luân hồi.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Subhūti ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, thể nhập định vô tầm. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Subhūti ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang thể nhập định vô tầm.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị nào, các tầm đã được tiêu tan,
khéo được xếp đặt ở nội tâm, không còn dư sót,
sau khi vượt lên sự dính mắc ấy, có sự nhận biết về vô sắc,
(vị ấy) vượt qua bốn sự gắn bó,[1] chắc chắn không trở lại.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, ở thành Rājagaha có hai nhóm người bị ái luyến, có tâm quyến luyến đối với một kỹ nữ nọ. Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, rồi công kích lẫn nhau bằng những bàn tay, công kích lẫn nhau bằng những cục đất, công kích lẫn nhau bằng những gậy gộc, công kích lẫn nhau bằng những gươm dao. Tại nơi ấy, những người ấy đi đến sự chết, và sự khổ đau kề cận cái chết.
2. Khi ấy, nhiều vị tỳ khưu vào buổi sáng đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Rājagaha, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, các vị đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây trong thành Rājagaha, có hai nhóm người bị ái luyến, có tâm quyến luyến đối với một kỹ nữ nọ. Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, rồi công kích lẫn nhau bằng những bàn tay, công kích lẫn nhau bằng những cục đất, công kích lẫn nhau bằng những gậy gộc, công kích lẫn nhau bằng những gươm dao. Tại nơi ấy, những người ấy đi đến sự chết, và sự khổ đau kề cận cái chết.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Cái nào đã được đạt đến và cái nào sẽ được đạt đến, cả hai cái này đều bị lấm bụi (ô nhiễm) đối với người bị bệnh đang còn học tập (người có tà kiến).
Những người nào có việc học tập là cốt lõi, có sự phục vụ là cốt lõi đối với giới, phận sự, sự nuôi mạng, và Phạm hạnh; đây là một cực đoan (hành xác).
Và những người nào có học thuyết như vầy: ‘Không có lỗi lầm ở các dục;’ đây là cực đoan thứ hai (hưởng dục). Cả hai cực đoan này là sự tăng trưởng của các bãi tha ma (tham ái và vô minh). Các bãi tha ma làm tăng trưởng tà kiến. Những người này không biết rõ cả hai cực đoan ấy, một số thụ động (hưởng dục), một số chạy quá mức (hành xác). Và những người nào sau khi biết rõ chúng, đã không ở nơi ấy (đã dứt bỏ hai cực đoan), và nhờ thế đã không suy nghĩ về chúng (đã không bị tác động của tham ái, tà kiến, và ngã mạn). Đối với các vị ấy, không có luân hồi để mô tả.”[2]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ngồi ở ngoài trời trong bóng tối dày đặc của ban đêm, khi những cây đèn dầu đang cháy sáng. Vào lúc bấy giờ, nhiều côn trùng có cánh sa vào tai nạn, lâm cảnh bất hạnh do việc lao vào và bay vòng quanh ở những cây đèn dầu đang cháy sáng. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều côn trùng có cánh ấy đang sa vào tai nạn, đang lâm cảnh bất hạnh do việc lao vào và bay vòng quanh ở những cây đèn dầu đang cháy sáng.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Chúng chạy đến gần rồi vượt qua, không đi đến cốt lõi, chúng làm tăng thêm sự trói buộc mới hơn nữa, một số người lao theo điều đã được thấy, điều đã được nghe nói lại như thế, rồi sa đọa, tựa như các côn trùng có cánh rơi vào ngọn đèn.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, cho đến khi nào các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không hiện khởi ở thế gian, cho đến khi ấy các du sĩ ngoại đạo là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Bạch Ngài, và từ khi các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hiện khởi ở thế gian, khi ấy các du sĩ ngoại đạo là không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Bạch Ngài, hiện nay chính đức Thế Tôn là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh, và luôn cả hội chúng tỳ khưu.”
2. “Này Ānanda, việc ấy là như vậy. Này Ānanda, cho đến khi nào các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không hiện khởi ở thế gian, cho đến khi ấy các du sĩ ngoại đạo là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Này Ānanda, và từ khi các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hiện khởi ở thế gian, khi ấy các du sĩ ngoại đạo là không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hiện nay, chính Như Lai là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh, và luôn cả hội chúng tỳ khưu.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Khi nào mặt trời chưa mọc lên, khi ấy con đôm đốm ấy còn chiếu sáng. Khi mặt trời đã mọc lên, nó có ánh sáng bị diệt đi và cũng không phát sáng.
Tương tự như thế, các nhà lý luận vẫn còn tỏa sáng khi nào các bậc Chánh Đẳng Giác còn chưa hiện khởi ở thế gian. Các nhà lý luận không thanh tịnh và các đệ tử cũng không (thanh tịnh); những người có quan điểm xấu xa không giải thoát khỏi khổ đau.”
Phẩm Mù Bẩm Sanh là thứ sáu.
Tuổi thọ, đạo sĩ tóc bện, quán xét lại, ba chuyện ngoại đạo, vị Subhūti, người kỹ nữ, đến gần rồi vượt qua là thứ chín, và các vị sanh lên; chúng là mười.
--ooOoo--
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta đang chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ[3] bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức. Khi ấy, trong lúc đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ đang được đại đức Sāriputta chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức, tâm của vị ấy đã không còn chấp thủ và đã giải thoát khỏi các lậu hoặc. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ đang được đại đức Sāriputta chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức, tâm của vị ấy đã không còn chấp thủ và đang được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bên trên, bên dưới, tất cả các nơi, người đã được giải thoát
không có sự suy xét rằng: ‘Tôi là cái này.’
Người được giải thoát như vậy đã vượt lên dòng chảy
trước đây chưa vượt qua, do việc không còn hiện hữu lại nữa.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta, nghĩ rằng đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ là vị Hữu Học, nên chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho vị ấy bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức thêm hơn nữa. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta, nghĩ rằng đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ là vị Hữu Học, đang chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho vị ấy bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức thêm hơn nữa.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Vị đã cắt đứt vòng luân hồi, đã đạt đến chốn không còn mong mỏi. Dòng nước được khô cạn không còn trôi chảy. Vòng luân hồi đã bị cắt đứt không còn xoay vòng; chính điều này là sự chấm dứt của khổ.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, trong thành Sāvatthi dân chúng phần nhiều bị dính mắc quá mức vào các dục; họ sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, các vị đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây trong thành Sāvatthi dân chúng phần nhiều bị dính mắc quá mức vào các dục; họ sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bị dính mắc vào các dục, bị dính mắc do sự dính líu vào các dục, trong khi không nhìn thấy tội lỗi ở sự ràng buộc, những người bị dính mắc do sự dính líu vào các sự ràng buộc, chắc chắn không thể vượt qua dòng chảy bao la rộng lớn.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, trong thành Sāvatthi dân chúng phần nhiều bị dính mắc vào các dục; họ sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị làm thành mù quáng, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục. Khi ấy, vào buổi sáng đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy trong thành Sāvatthi dân chúng ấy phần nhiều bị dính mắc vào các dục; họ đang sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị làm thành mù quáng, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bị mù quáng bởi dục vọng, bị bao trùm bởi tấm lưới, bị che đậy bởi tấm choàng tham ái, bị trói buộc bởi kẻ thân quyến lơ đễnh (Ma Vương), tựa như những con cá ở nơi cửa miệng của tấm lưới,[4] chúng đi đến già và chết, tựa như con bê bú sữa mẹ.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Lakuṇṭaka-bhaddiya, theo sau nhiều vị tỳ khưu, đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Lakuṇṭakabhaddiya từ ở đằng xa, đang đi theo sau nhiều vị tỳ khưu, xấu tướng, khó nhìn, có vẻ bị xem thường bởi phần đông các vị tỳ khưu. Sau khi nhìn thấy, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, các ngươi có nhìn thấy vị tỳ khưu này từ ở đằng xa, đang đi theo sau nhiều vị tỳ khưu, xấu tướng, khó nhìn, có vẻ bị xem thường bởi phần đông các vị tỳ khưu?”
2. “Bạch Ngài, đúng vậy.” “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này có đại thần lực, có đại oai lực. Và sự chứng đạt nào còn chưa được vị tỳ khưu ấy chứng đạt trước đây thì sự chứng đạt ấy không phải là dễ dàng đạt được. Vị ấy, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, chứng ngộ, đạt đến, và an trú vào cứu cánh tối thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không chút lỗi lầm, có mái che màu trắng, chiếc xe có một căm lăn bánh. Hãy nhìn vị đang từ từ đi đến, vị không phiền muộn, có dòng chảy đã bị chặt đứt, không còn sự trói buộc.”[5]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Aññāta-koṇḍañña ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự giải thoát do diệt tận tham ái. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Aññātakoṇḍañña ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự giải thoát do diệt tận tham ái.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nào không có các rễ cây, nền đất, không có các lá cây, từ đâu mà có dây leo? Ai có khả năng để chê trách bậc sáng trí ấy, là vị đã được thoát khỏi sự trói buộc; chư Thiên cũng ca ngợi vị ấy, vị ấy còn được ca ngợi bởi đấng Phạm Thiên nữa.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi quán xét lại sự dứt bỏ các phần chướng ngại và tưởng của bản thân.
2. Khi ấy, sau khi biết được sự dứt bỏ các phần chướng ngại và tưởng của bản thân, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị nào, các chướng ngại và sự tồn tại (ở luân hồi) là không có, vị đã vượt lên trên sợi xích (tham ái) và thanh chắn (tà kiến), thế gian luôn cả chư Thiên không coi thường vị hiền trí ấy, vị đang sống không còn tham ái.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākaccāna ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập luôn hiện diện ở nội phần. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Mahākaccāna ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập luôn hiện diện ở nội phần.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị nào, niệm hướng đến thân có thể được thiết lập thường xuyên vào mọi lúc (rằng): ‘Nó không có và nó không là của tôi,[6] nó sẽ không có và nó sẽ không là của tôi,’ với sự an trú theo tuần tự tại nơi ấy, vào đúng thời điểm vị ấy có thể vượt qua sự vướng mắc (tham ái).”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn, trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã ngự đến ngôi làng Bà-la-môn của những người Mallā có tên là Thūna. Các Bà-la-môn và các gia chủ ở Thūna đã nghe rằng: “Chắn chắn là Ngài Sa-môn Gotama, con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã ngự đến Thūna.” Họ đã cho lấp đầy cái giếng lên đến miệng với cỏ và vỏ trấu (nghĩ rằng): “Chớ để các Sa-môn đầu trọc ấy uống nước.”
2. Khi ấy, đức Thế Tôn đã rời con đường lộ rồi đi đến gần gốc cây nọ, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn. Sau khi đã ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy đem lại cho Ta nước uống từ cái giếng kia.” Khi được nói như vậy, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, giờ đây cái giếng ấy đã bị lấp đầy lên đến miệng với cỏ và vỏ trấu bởi các Bà-la-môn và các gia chủ ở Thūna (nghĩ rằng): ‘Chớ để các Sa-môn đầu trọc ấy uống nước.’” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy —như trên— uống nước.” Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy đem lại cho Ta nước uống từ cái giếng này.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy cái bình bát đi đến gần cái giếng ấy.
3. Sau đó, trong khi đại đức Ānanda đang đi đến gần, cái giếng ấy đã tống ra khỏi miệng tất cả cỏ và vỏ trấu ấy, và đã được ổn định, được tràn đầy lên đến miệng với nước trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, tưởng chừng như đang trào ra. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì trong khi ta đang đi đến gần, cái giếng này đây đã tống ra khỏi miệng tất cả cỏ và vỏ trấu ấy, và đã được ổn định, được tràn đầy lên đến miệng với nước trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, tưởng chừng như đang trào ra.” Sau khi lấy nước uống bằng cái bình bát, đại đức Ānanda đã đi gặp đến đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bạch Ngài, bởi vì trong khi con đang đi đến gần, cái giếng này đây đã tống ra khỏi miệng tất cả cỏ và vỏ trấu ấy, và đã được ổn định, được tràn đầy lên đến miệng với nước trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, tưởng chừng như đang trào ra. Xin đức Thế Tôn hãy uống nước, xin đấng Thiện Thệ hãy uống nước.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Có thể làm gì với cái giếng nếu nước uống luôn luôn có sẵn? Sau khi đã chặt đứt tham ái tận gốc rễ, tại sao lại đi lang thang tìm kiếm?”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, ở tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, khi đức vua Udena đi đến vườn hoa thì nội cung của đức vua bị cháy, và năm trăm nữ nhân đứng đầu là Sāmāvatī đã bị chết. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu vào buổi sáng đã quấn y (nội), cầm lấy bình bát và y, rồi đã đi vào thành Kosambī để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Kosambī, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây khi đức vua Udena đi đến vườn hoa thì nội cung của đức vua bị cháy, và năm trăm nữ nhân đứng đầu là Sāmāvatī đã bị chết. Bạch Ngài, cảnh giới tái sanh của các nữ cư sĩ ấy là gì? Đời sau của các nữ cư sĩ ấy là gì?”
2. “Này các tỳ khưu, ở đây có những nữ cư sĩ là các bậc Nhập Lưu, là các bậc Nhất Lai, là các bậc Bất Lai. Này các tỳ khưu, tất cả các nàng ấy chết không phải là không có kết quả.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Thế gian với sự trói buộc của si mê được thấy như là có khả năng, kẻ ngu với sự trói buộc của mầm tái sanh bị bao quanh bởi bóng tối, nó (tự ngã) được xem tựa như có sự trường tồn; đối với người nhìn thấy thì không có bất cứ gì.”
Phẩm Nhỏ là thứ bảy.
Hai chuyện Bhaddiya, và hai chuyện bị dính mắc, vị Lakuṇṭaka, sự diệt tận ái, sự diệt tận chướng ngại, và vị Kaccāna, giếng nước, và vua Udena.
--ooOoo--
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các vị tỳ khưu bằng bài Pháp thoại liên quan đến Niết Bàn. Và các vị tỳ khưu ấy đã xác định mục đích, đã chú tâm, và tập trung tất cả tâm tư lắng tai nghe Pháp.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Này các tỳ khưu, có xứ ấy,[7] là nơi không có yếu tố đất, không có nước, không có lửa, không có gió, không có Không vô biên xứ, không có Thức vô biên xứ, không có Vô sở hữu xứ, không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có đời này, không có đời sau, không có cả hai mặt trăng và mặt trời. Này các tỳ khưu, thậm chí ở nơi ấy Ta nói rằng không có đi đến, không có ra đi, không có trụ lại, không có tử, không có sanh, nơi này không có thành lập, không có vận hành, không có đối tượng (của sáu căn). Chính nơi này là sự chấm dứt của khổ.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các vị tỳ khưu bằng bài Pháp thoại liên quan đến Niết Bàn. Và các vị tỳ khưu ấy đã xác định mục đích, đã chú tâm, và tập trung tất cả tâm tư lắng tai nghe Pháp.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Khó thấy cái được gọi là không bị thiên lệch, bởi vì sự thật không phải là điều dễ thấy. Tham ái được thấu triệt đối với người biết, không có cái gì đối với người thấy.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các vị tỳ khưu bằng bài Pháp thoại liên quan đến Niết Bàn. Và các vị tỳ khưu ấy đã xác định mục đích, đã chú tâm, và tập trung tất cả tâm tư lắng tai nghe Pháp.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Này các tỳ khưu, có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác. Này các tỳ khưu, nếu không có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác ấy thì ở đây việc ra khỏi cái sanh—hiện hữu—làm ra—tạo tác không được biết đến. Này các tỳ khưu, bởi vì có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác, cho nên việc ra khỏi cái sanh—hiện hữu—làm ra—tạo tác được biết đến.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các vị tỳ khưu bằng bài Pháp thoại liên quan đến Niết Bàn. Và các vị tỳ khưu ấy đã xác định mục đích, đã chú tâm, và tập trung tất cả tâm tư lắng tai nghe Pháp.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nương tựa thì có dao động, đối với người không nương tựa thì không có dao động, khi không có dao dộng thì có an tịnh, khi có an tịnh thì không có thiên lệch, khi không có thiên lệch thì không có đến và đi, khi không có đến và đi thì không có tử và sanh, khi không có tử và sanh thì không có đời này, không có đời sau, không ở khoảng giữa của cả hai. Chính điều này là sự chấm dứt của khổ.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn, trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã ngự đến thành Pāvā. Tại đó, nơi thành Pāvā, đức Thế Tôn ngụ ở vườn xoài của Cunda, con trai người thợ rèn.
2. Cunda, con trai người thợ rèn, đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã đi đến thành Pāvā. Ở thành Pāvā, Ngài ngụ ở vườn xoài của ta.” Sau đó, Cunda, con trai người thợ rèn, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi Cunda, con trai người thợ rèn, đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người ấy bằng bài Pháp thoại.
3. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Cunda, con trai người thợ rèn, đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, Cunda, con trai người thợ rèn, hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
4. Sau đó, khi trải qua đêm ấy, Cunda, con trai người thợ rèn, đã cho chuẩn bị vật thực cứng mềm hảo hạng và dồi dào món thịt heo hầm tại tư gia, rồi cho thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: “Bạch Ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy, vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y cùng với hội chúng tỳ khưu đi đến tư gia của Cunda, con trai người thợ rèn, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi đã ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo Cunda, con trai người thợ rèn, rằng: “Này Cunda, món thịt heo hầm nào đã được ngươi chuẩn bị thì hãy dọn cho Ta món ấy. Còn các vật thực cứng mềm nào khác đã được chuẩn bị thì hãy dọn cho hội chúng tỳ khưu món ấy.”
5. “Bạch Ngài, xin vâng.” Cunda, con trai người thợ rèn, nghe theo đức Thế Tôn và món thịt heo hầm nào đã được chuẩn bị thì đã dọn cho đức Thế Tôn món ấy. Còn vật thực cứng mềm nào khác đã được chuẩn bị thì đã dọn cho hội chúng tỳ khưu món ấy.
6. Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo với Cunda, con trai người thợ rèn, rằng: “Này Cunda, phần thịt heo hầm của ngươi còn thừa lại, hãy chôn nó xuống ở hố. Này Cunda, Ta không nhìn thấy người nào ở thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, mà món ăn ấy khi đã được người ấy ăn vào có thể đi đến sự tiêu hóa tốt đẹp, ngoại trừ đức Như Lai.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Cunda, con trai người thợ rèn, nghe theo đức Thế Tôn đã chôn phần thịt heo hầm còn thừa lại xuống ở hố, rồi đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi Cunda, con trai người thợ rèn, đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người ấy bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
7. Sau đó, khi đức Thế Tôn đã ăn xong bữa ăn của Cunda, con trai người thợ rèn, có cơn bệnh dữ dội đã phát khởi đến Ngài, với triệu chứng tiêu chảy ra máu và các cảm thọ khốc liệt kề cận cái chết. Tại đó, đức Thế Tôn đã chịu đựng, có niệm, có sự nhận biết rõ, không sầu khổ.
8. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, chúng ta hãy đến, chúng ta sẽ đi đến Kusinārā.” “Bạch Ngài, xin vâng,” đại đức Ānanda đã đáp lời đức Thế Tôn.
“Tôi đã nghe rằng: Sau khi thọ thực bữa ăn của người thợ rèn Cunda,
bậc Sáng Trí đã tiếp cận cơn bệnh khốc liệt, kề cận cái chết.
Và khi đã ăn vào món thịt heo hầm,
cơn bệnh khốc liệt đã phát khởi đến bậc Đạo Sư.
Trong khi được xổ, đức Thế Tôn đã nói rằng:
‘Chúng ta hãy đi đến thành Kusinārā.’”
9. Khi ấy, đức Thế Tôn đã rời con đường lộ rồi đi đến gần gốc cây nọ, sau khi đến đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Này Ānanda, Ta đang mệt, Ta sẽ ngồi xuống.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy mang nước lại. Này Ānanda, Ta bị khát, Ta sẽ uống nước.” Khi được nói như vậy, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, giờ đây các cỗ xe hàng số lượng năm trăm vừa đi qua. Nước ấy, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, trôi chảy. Bạch Ngài, con sông Kukutthā ở nơi không xa, có nước trong, có nước lành, có nước mát, có nước sạch, có bến nước xinh xắn. Ở nơi này, đức Thế Tôn sẽ uống nước và sẽ làm mát mẻ cơ thể.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy mang nước lại. Này Ānanda, Ta bị khát, Ta sẽ uống nước.” Đến lần thứ nhì, —như trên— sẽ làm mát mẻ cơ thể.” Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy mang nước lại. Này Ānanda, Ta bị khát, Ta sẽ uống nước.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy cái bình bát đi đến gần con sông ấy.
10. Khi ấy, con sông ấy, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, đang trôi chảy, trong khi đại đức Ānanda đang đi đến gần, thì trở nên trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, trôi chảy. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì con sông này đây, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, đang trôi chảy, trong khi ta đang đi đến gần, thì trở nên trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, trôi chảy.” Sau khi lấy nước uống bằng cái bình bát, đại đức Ānanda đã đi gặp đến đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bạch Ngài, bởi vì con sông này đây, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, đang trôi chảy, trong khi con đang đi đến gần, thì trở nên trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, trôi chảy. Xin đức Thế Tôn hãy uống nước, xin đấng Thiện Thệ hãy uống nước.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã uống nước.
11. Sau đó, đức Thế Tôn cùng với đại chúng tỳ khưu đã đi đến sông Kukutthā, sau khi đến đã đi xuống sông Kukutthā, tắm, và đi trở lên rồi đi đến vườn xoài, sau khi đến đã bảo đại đức Cundaka rằng: “Này Cundaka, vậy ngươi hãy xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Này Ānanda, Ta đang mệt, Ta sẽ nằm xuống.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Cundaka nghe theo đức Thế Tôn đã xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Sau đó, đức Thế Tôn đã nằm thế nằm của loài sư tử bằng hông bên phải, đặt bàn chân này lên bàn chân kia, có niệm, có sự nhận biết rõ, sau khi đã tác ý đến tư tưởng về việc đứng dậy, còn đại đức Cundaka đã ngồi xuống ngay tại chỗ ấy, phía trước đức Thế Tôn.
“Đức Phật sau khi đi đến con sông Kukutthā,
có nước trong sạch, có nước lành, có nước tinh khiết,
bậc Đạo Sư, với dáng vẻ vô cùng mệt nhọc, đã lội xuống,
đức Như Lai, không người sánh bằng, ở thế gian này.
Bậc Đạo Sư, sau khi tắm và uống nước, đã đi lên,
được tôn vinh, ở giữa một nhóm tỳ khưu,
bậc Đạo Sư, đức Thế Tôn, người chuyển vận Giáo Pháp ở nơi này,
vị ẩn sĩ vĩ đại đã đi đến vườn xoài.
Ngài đã bảo vị tỳ khưu tên Cundaka rằng:
‘Hãy trải ra (y hai lớp) được gấp tư lại làm chỗ nằm cho Ta,
được nhắc nhở bởi bậc có bản thân đã được tu tập, vị Cunda ấy
ngay lập tức đã trải ra (y hai lớp) được gấp tư lại.
Bậc Đạo Sư, với dáng vẻ vô cùng mệt nhọc, đã nằm xuống,
vị Cunda cũng đã ngồi tại nơi ấy, ở phía trước mặt.”
12. Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, hơn nữa nếu người nào khơi dậy sự ân hận cho Cunda, con trai người thợ rèn, rằng: ‘Này đạo hữu Cunda, thật là điều không lợi ích đã có cho ngươi đây! Này đạo hữu Cunda, thật là điều đạt được xấu xa đã có cho ngươi đây! Bởi vì đức Thế Tôn sau khi thọ thực món thí thực cuối cùng của ngươi đây đã viên tịch Niết Bàn.’ Này Ānanda, nỗi ân hận như thế của Cunda, con trai người thợ rèn, cần được xua tan rằng: ‘‘Này đạo hữu Cunda, thật là điều lợi ích đã có cho ngươi đây! Này đạo hữu Cunda, thật là điều đạt được tốt đẹp đã có cho ngươi đây! Bởi vì đức Thế Tôn sau khi thọ thực món thí thực cuối cùng của ngươi đây đã viên tịch Niết Bàn. Này đạo hữu Cunda, điều này đã được tôi trực tiếp nghe, trực tiếp thọ nhận từ đức Thế Tôn rằng: ‘Hai phần thí thực này có quả báu như nhau, có quả thành tựu như nhau, có quả báu lớn hơn và phước báu lớn hơn rất nhiều so với các món thí thực khác. Hai phần thí thực nào? Phần thí thực mà sau khi thọ dụng đức Như Lai giác ngộ phẩm vị Chánh Đẳng Giác tối thượng, và phần thí thực sau khi thọ dụng đức Như Lai viên tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Hai phần thí thực này có quả báu như nhau, có quả thành tựu như nhau, có quả báu lớn hơn và phước báu lớn hơn rất nhiều so với các món thí thực khác. Nghiệp đưa đến tuổi thọ đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến sắc đẹp đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến hạnh phúc đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến danh tiếng đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến cõi Trời đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến uy quyền đã được vị đáng kính Cunda tích lũy.’ Này Ānanda, nỗi ân hận như thế của Cunda, con trai người thợ rèn, cần được xua tan.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Phước thiện tăng trưởng cho người bố thí, sự thù oán không được tích lũy đối với người đang tự chế ngự, và người hiền thiện từ bỏ điều ác, do sự diệt tận luyến ái, sân hận, và si mê, vị ấy được tịch diệt.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn, trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Magadha cùng với đại chúng tỳ khưu, đã ngự đến ngôi làng Pāṭali. Các cư sĩ người làng Pāṭali đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Magadha cùng với đại chúng tỳ khưu, đã đi đến ngôi làng Pāṭali.” Sau đó, các cư sĩ người làng Pāṭali đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các cư sĩ người làng Pāṭali đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời về ngôi nhà nghỉ trọ.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng.[8]
2. Khi ấy, các cư sĩ người làng Pāṭali hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đi đến ngôi nhà nghỉ trọ, sau khi đến đã trải thảm toàn bộ nhà nghỉ trọ với thảm trải, cho sắp đặt các chỗ ngồi, cho bố trí lu nước, cho treo lên cây đèn dầu, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, các cư sĩ người làng Pāṭali đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, nhà nghỉ trọ đã trải thảm toàn bộ với thảm trải, các chỗ ngồi đã được cho sắp đặt, lu nước đã được cho bố trí, cây đèn dầu đã được treo lên. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.”
3. Sau đó, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y cùng với đại chúng tỳ khưu đi đến nhà nghỉ trọ, sau khi đến đã rửa sạch hai bàn chân rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ cột nhà ở chính giữa, mặt nhìn về hướng đông. Hội chúng tỳ khưu cũng đã rửa sạch các bàn chân, rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ bức tường ở phía tây, mặt nhìn về hướng đông, và có đức Thế Tôn trong tầm nhìn. Các cư sĩ người làng Pāṭali cũng đã rửa sạch các bàn chân, rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ bức tường ở phía đông, mặt nhìn về hướng tây, và có đức Thế Tôn trong tầm nhìn.
4. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các cư sĩ người làng Pāṭali rằng: “Này các cư sĩ, đây là năm điều tai hại của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới. Năm điều nào?
Này các cư sĩ, ở đây kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới gánh chịu sự mất mát lớn về tài sản do nguyên nhân xao lãng. Đây là điều tai hại thứ nhất của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là tiếng đồn xấu xa của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới lan rộng. Đây là điều tai hại thứ nhì của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới đi vào tập thể nào khác dầu là tập thể những người Sát-đế-lỵ, dầu là tập thể những người Bà-la-môn, dầu là tập thể các gia chủ, dầu là tập thể các Sa-môn, kẻ ấy đi vào thiếu sự tự chủ và trở nên bối rối. Đây là điều tai hại thứ ba của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới bị mê muội khi từ trần. Đây là điều tai hại thứ tư của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới khi thân này bị tan rã, sau khi chết đi sẽ tái sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Đây là điều tai hại thứ năm của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, đây là năm điều tai hại của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
5. Này các cư sĩ, đây là năm điều lợi ích của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Năm điều nào?
Này các cư sĩ, người giữ giới có sự thành tựu về giới thành tựu khối lượng tài sản lớn do nguyên nhân không xao lãng. Đây là điều lợi ích thứ nhất của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là tiếng đồn tốt đẹp của người giữ giới có sự thành tựu về giới lan rộng. Đây là điều lợi ích thứ nhì của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới đi vào tập thể nào khác dầu là tập thể những người Sát-đế-lỵ, dầu là tập thể những người Bà-la-môn, dầu là tập thể các gia chủ, dầu là tập thể các Sa-môn, người ấy đi vào có sự tự chủ và không có bối rối. Đây là điều lợi ích thứ ba của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới không bị mê muội khi từ trần. Đây là điều lợi ích thứ tư của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới khi thân này bị tan rã, sau khi chết đi sẽ tái sanh vào chốn an vui, cõi Trời, cõi người. Đây là điều lợi ích thứ năm của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
Này các cư sĩ, đây là năm điều lợi ích của người giữ giới có sự thành tựu về giới.”
6. Sau đó, khi đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các cư sĩ người làng Pāṭali bằng bài Pháp thoại đến tận đêm khuya, đức Thế Tôn đã giải tán (bảo rằng): “Này các cư sĩ, đêm đã khuya. Các ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào” Khi ấy, các cư sĩ người làng Pāṭali đã thích thú, đã tùy hỷ lời dạy của đức Thế Tôn, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và ra đi.
Sau đó, khi các cư sĩ người làng Pāṭali ra đi không lâu, đức Thế Tôn đã đi vào ngôi nhà trống vắng.
7. Vào lúc bấy giờ, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, cho xây thành ở làng Pāṭali để ngăn cản các người Vajji. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị Trời đến hàng ngàn vị chiếm giữ các khu vực ở làng Pāṭali. Các vị Trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực lớn ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực trung bình ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực kém ở nơi đó cho xây các dinh thự. Và đức Thế Tôn bằng Thiên nhãn thanh tịnh vượt xa loài người đã nhìn thấy các vị Trời ấy đến hàng ngàn vị đang chiếm giữ các khu vực ở làng Pāṭali. Các vị Trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực lớn ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực trung bình ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực kém ở nơi đó cho xây các dinh thự.”
8. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm ấy đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, ai là người cho xây thành ở làng Pāṭali vậy?”
“Bạch Ngài, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, cho xây thành ở làng Pāṭali để ngăn cản các người Vajji.”
“Này Ānanda, cũng giống như là đã thỉnh ý với chư Thiên ở cõi Trời Ba Mươi Ba, này Ānanda, tương tự y như thế Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã cho xây thành ở làng Pāṭali để ngăn cản các người Vajji.
9. Này Ānanda, ở đây sau khi thức dậy trong đêm vào lúc hừng sáng, bằng Thiên nhãn thanh tịnh vượt trên loài người Ta đã nhìn thấy nhiều vị Trời đang chiếm giữ các khu vực ở trong làng Pāṭali. Các vị Trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực lớn ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực trung bình ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực kém ở nơi đó cho xây các dinh thự.
10. Này Ānanda, cho đến tận lãnh thổ của những người Ariyan và đến tận con đường của những nhà thương buôn, nơi này sẽ trở thành thành phố hàng đầu Pāṭaliputta, nơi trao đổi các loại hàng hóa. Này Ānanda, thành Pāṭaliputta sẽ xảy ra ba tai họa hoặc do lửa, hoặc do nước, hoặc do sự chia rẽ mối liên kết.”
11. Sau đó, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Xin Ngài Gotama hãy nhận lời chúng tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng.
12. Khi ấy, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, sau khi hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn, đã đi đến chỗ trú ngụ của mình, sau khi đến đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm tại chỗ trú ngụ của mình, rồi đã cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn rằng: “Bạch Ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y cùng với hội chúng tỳ khưu đi đến chỗ trú ngụ của Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Khi ấy, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm.
13. Sau đó, khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần đã cầm lấy chiếc ghế thấp khác, rồi đã ngồi xuống ở một bên. Khi Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã ngồi xuống ở một bên, Đức Thế Tôn đã nói lời tùy hỷ đến họ bằng những lời kệ này:
“Ở tại khu vực nào, chỗ trú ngụ được sắp đặt cho các bậc có bản chất sáng suốt, tại nơi ấy nên dâng thức ăn đến các vị có giới, đã tự chế ngự, có Phạm hạnh.
Nên tỏ sự kính trọng đến chư Thiên đã ngụ ở nơi ấy. Chư Thiên ấy, được cúng dường, sẽ cúng dường người ấy, được tôn kính, sẽ tôn kính người ấy.
Do đó, chư Thiên thương mến người ấy, như người mẹ thương xót đứa con trai ruột thịt. Được chư Thiên thương mến, người ấy sẽ luôn luôn gặp được các điều tốt lành.”
14. Sau đó, khi đã nói lời tùy hỷ đến Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, bằng những lời kệ này, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Vào lúc bấy giờ, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã đi theo phía sau đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Hôm nay, Sa-môn Gotama đi ra bằng cửa thành nào thì cửa thành ấy sẽ có tên là Cửa thành Gotama, và băng qua sông Gaṅgā bằng bến tàu nào thì bến tàu ấy sẽ có tên là Bến tàu Gotama.”
15. Sau đó, đức Thế Tôn đã đi ra bằng cửa thành nào thì cửa thành ấy đã có tên là Cửa thành Gotama. Rồi đức Thế Tôn đã đi đến sông Gaṅgā. Vào lúc bấy giờ, sông Gaṅgā là tràn đầy, mấp mé bờ khiến chim quạ có thể uống nước. Dân chúng, một số đi kiếm thuyền, một số đi kiếm xuồng, một số buộc thành chiếc bè với ước muốn đi từ bờ này sang bờ kia. Khi ấy, cũng giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự như thế đức Thế Tôn đã biến mất tại bờ bên này của sông Gaṅgā và hiện ra đứng ở bờ bên kia cùng với hội chúng tỳ khưu. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy những người ấy, một số đang đi kiếm thuyền, một số đang đi kiếm xuồng, một số đang buộc thành chiếc bè với ước muốn đi từ bờ này sang bờ kia.
16. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Những người băng qua biển hồ sông suối, sau khi xây dựng cây cầu, sau khi vượt qua các hồ nhỏ. (Trong khi) người còn đang buộc chiếc bè nhỏ thì các bậc thông minh đã vượt qua (bờ kia).”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn đang đi đường xa ở xứ sở của những người Kosala cùng với đại đức Nāgasamāla là Sa-môn hầu cận. Dọc theo đường đi, đại đức Nāgasamāla đã nhìn thấy đường rẽ hai nhánh, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài Thế Tôn,[9] đây là đường đi. Chúng ta hãy đi lối này.” Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Nāgasamāla điều này: “Này Nāgasamāla, đây là đường đi. Chúng ta hãy đi lối này.” Đến lần thứ nhì, —như trên— Đến lần thứ ba, đại đức Nāgasamāla đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài Thế Tôn, đây là đường đi. Chúng ta hãy đi lối này.” Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Nāgasamāla điều này: “Này Nāgasamāla, đây là đường đi. Chúng ta hãy đi lối này.” Khi ấy, đại đức Nāgasamāla đã để bình bát và y của đức Thế Tôn ở trên mặt đất ngay tại nơi ấy (nói rằng): “Bạch Ngài, đây là bình bát và y của đức Thế Tôn.”
2. Khi ấy, trong lúc đại đức Nāgasamāla đang đi theo con đường ấy, dọc theo đường đi bọn cướp đã bước ra và đã gây hại bằng những cú đánh và những cú đá, đã đập bể bình bát, và đã xé nát y hai lớp. Sau đó, đại đức Nāgasamāla với bình bát bị đập bể, với y hai lớp bị xé nát, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Nāgasamāla đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây trong lúc con đang đi bằng con đường ấy, dọc theo đường đi bọn cướp đã bước ra và đã gây hại bằng những cú đánh và những cú đá, đã đập bể bình bát, và đã xé nát y hai lớp.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Trong khi đi cùng, trong khi sống chung, người hiểu biết sâu sắc bị lẫn lộn với người không biết. Sau khi biết được thì dứt bỏ kẻ ác, tựa như con diệc, loài uống sữa loại bỏ nước.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra. Vào lúc bấy giờ, đứa cháu đáng yêu, thích ý của bà Visākhā, Mẹ của Migāra, bị từ trần. Khi ấy, bà Visākhā, Mẹ của Migāra, với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, vào lúc giữa trưa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi bà Visākhā, Mẹ của Migāra, đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với bà ấy điều này: “Này Visākhā, bà từ đâu đi đến với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, và đã đến đây vào lúc giữa trưa vậy?”
“Bạch Ngài, đứa cháu đáng yêu, thích ý của con bị từ trần. Vì thế, con với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, đã đến đây vào lúc giữa trưa.”
“Này Visākhā, vậy bà có muốn có các con và các cháu nhiều như dân chúng ở thành Sāvatthi không?”
“Bạch đức Thế Tôn, con muốn có các con và các cháu nhiều như dân chúng ở thành Sāvatthī vậy.”
2. “Này Visākhā, vậy có bao nhiêu người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày?”
“Bạch Ngài, mười người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, chín người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, tám người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, bảy người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, sáu người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, năm người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, bốn người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, ba người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, hai người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, một người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, thành Sāvatthi là không thiếu những người đang từ trần.”
“Này Visākhā, bà nghĩ gì về điều ấy, có phải là đôi khi bà cũng có lúc không có y phục ướt đẫm, không có đầu tóc ướt đẫm?”
3. “Bạch Ngài, điều ấy không phải vậy. Bạch Ngài, quá đủ với con về việc có các con và các cháu nhiều chừng ấy.”
“Này Visākhā, những ai có một trăm người đáng yêu, những kẻ ấy có một trăm cái khổ. Những ai có chín mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có chín mươi cái khổ. Những ai có tám mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có tám mươi cái khổ. Những ai có bảy mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có bảy mươi cái khổ. Những ai có sáu mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có sáu mươi cái khổ. Những ai có năm mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có năm mươi cái khổ. Những ai có bốn mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có bốn mươi cái khổ. Những ai có ba mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có ba mươi cái khổ. Những ai có hai mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có hai mươi cái khổ. Những ai có mười người đáng yêu, những kẻ ấy có mười cái khổ. Những ai có chín người đáng yêu, những kẻ ấy có chín cái khổ. Những ai có tám người đáng yêu, những kẻ ấy có tám cái khổ. Những ai có bảy người đáng yêu, những kẻ ấy có bảy cái khổ. Những ai có sáu người đáng yêu, những kẻ ấy có sáu cái khổ. Những ai có năm người đáng yêu, những kẻ ấy có năm cái khổ. Những ai có bốn người đáng yêu, những kẻ ấy có bốn cái khổ. Những ai có ba người đáng yêu, những kẻ ấy có ba cái khổ. Những ai có hai người đáng yêu, những kẻ ấy có hai cái khổ. Những ai có một người đáng yêu, những kẻ ấy có một cái khổ. Những ai không có người đáng yêu, những kẻ ấy không có khổ. Ta nói rằng những kẻ ấy không có sầu muộn, không còn ô nhiễm, không có thất vọng.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Mọi sầu muộn hoặc than vãn, và những khổ đau ở thế gian với nhiều hình thức, những điều này phát khởi có liên quan đến đối tượng đáng yêu; khi đối tượng đáng yêu không có thì những điều này không có. Chính vì thế, đối với những người nào không có đối tượng đáng yêu ở bất cứ nơi đâu trên thế gian, những người ấy có sự an lạc, không còn sầu muộn. Vì thế, kẻ ước mong không sầu muộn, không còn ô nhiễm, không nên tạo ra đối tượng đáng yêu ở bất cứ nơi đâu trên thế gian.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Dabba Mallaputta đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Dabba Mallaputta đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch đấng Thiện Thệ, giờ đây là thời điểm viên tịch Niết Bàn của con.” “Này Dabba, ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.”
2. Khi ấy, đại đức Dabba Mallaputta đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đã bay lên không trung, đã ngồi xuống với thế kiết già ở giữa hư không trên bầu trời, đã thể nhập hỏa giới, đã xuất ra, và đã viên tịch Niết Bàn. Khi ấy, lúc đại đức Dabba Mallaputta đã bay lên không trung, đã ngồi xuống với thế kiết già ở giữa hư không trên bầu trời, đã thể nhập hỏa giới, đã xuất ra, và đã viên tịch Niết Bàn, lúc cơ thể của vị ấy đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết. Cũng giống như bơ lỏng hay dầu ăn lúc đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết, tương tự y như thế lúc đại đức Dabba Mallaputta đã bay lên không trung, đã ngồi xuống với thế kiết già ở giữa hư không trên bầu trời, đã thể nhập hỏa giới, đã xuất ra, và đã viên tịch Niết Bàn, lúc cơ thể của vị ấy đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Thân xác đã rã tan, tưởng đã tịch diệt, tất cả các thọ đã trở thành mát lạnh, các hành đã yên lặng, thức đã đi đến sự tiêu diệt.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Tại nơi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu.” “Bạch Ngài,” các vị tỳ khưu ấy đã đáp lời đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nói điều này: “Này các tỳ khưu, lúc đại đức Dabba Mallaputta đã bay lên không trung, đã ngồi xuống với thế kiết già ở giữa hư không trên bầu trời, đã thể nhập hỏa giới, đã xuất ra, và đã viên tịch Niết Bàn, lúc cơ thể của vị ấy đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết. Cũng giống như bơ lỏng hay dầu ăn lúc đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết, tương tự y như thế lúc đại đức Dabba Mallaputta đã bay lên không trung, đã ngồi xuống với thế kiết già ở giữa hư không trên bầu trời, đã thể nhập hỏa giới, đã xuất ra, và đã viên tịch Niết Bàn, lúc cơ thể của vị ấy đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Giống như điểm đến của ngọn lửa (của vật) đang cháy sáng, bị đập vỗ bởi cái búa sắt, được từ từ lắng dịu, là không được biết đến, tương tự như thế cảnh giới tái sanh của các vị đã được giải thoát chân chánh, đã vượt qua dòng chảy của sự trói buộc vào các dục, đã đạt đến sự an lạc bất động, là không có để công bố.”
Phẩm Dân Làng Pāṭali là thứ tám.
Bốn Kinh về Niết Bàn đã được nói đến, vị Cunda, các dân làng Pāṭali, đường rẽ hai nhánh, và bà Visākhā, với hai chuyện về vị Dabba; chúng là mười.
*****
Đây là phẩm thứ nhất: Sự giác ngộ cao quý, đây là phẩm thứ hai: Mucalinda, còn phẩm cao quý về vị Nanda là thứ ba, và phẩm cao quý về vị Meghiya là thứ tư, ở đây phẩm cao quý thứ năm là vị Soṇa, phẩm cao quý thứ sáu là Mù Bẩm Sinh, và phẩm cao quý thứ bảy là Tiểu Phẩm, phẩm thứ tám cao quý về làng Pāṭali. Đầy đủ tám mươi bài Kinh cao quý đã khéo được phân chia thành tám phẩm ở đây. Họ đã nói điều này: “Chắc chắn tập Phật Tự Thuyết ấy đã được trình bày bởi bậc Hữu Nhãn, đấng Vô Nhiễm.”
--ooOoo--
[1] Bốn sự gắn bó: là tứ kết, gồm có: dục kết, hữu kết, tà kiến kết, và vô minh kết (kāmayogo bhavayogo diṭṭhiyogo avijjāyogo).
[2] Các lời giải thích trong ngoặc đơn được căn cứ vào Chú Giải (UdA. 350-353).
[3] Lakuṇṭakabhaddiyaṃ: vị này có tên là Bhaddiya và có thân hình thấp (lakuṇṭaka) nên được gọi như trên (UdA. 360).
[4] Hai dòng kệ đầu giống như câu kệ 297 của Theragāthāpāḷi - Trưởng Lão Kệ (TTPV 31, 99).
[5] ‘Chiếc xe’ được so sánh với vị tỳ khưu Lakuṇṭaka-bhaddiya, ‘không chút lỗi lầm’ nghĩa là hoàn toàn trong sạch, ‘có mái che màu trắng’ nghĩa là quả vị A-la-hán, ‘có một căm’ tức là niệm, ‘dòng chảy’ nghĩa là tham ái (UdA. 370).
[6] ‘Nó’ ở đây nên hiểu là ‘attā,’ tự ngã, bản ngã (UdA. 376).
[7] Xứ (āyatana) ở đây nên hiểu là pháp xứ (dhammāyatana).
[8] Bài Kinh này cũng được thấy ở Tạng Luật, Đại Phẩm (Xem TTPV 05, từ trang 55).
[9] Hô cách sử dụng ở đây có phần khách sáo là ‘bhante bhagavā’ thay vì chỉ là ‘bhante’ (ND).