Nuối tiếc!, hụt hẫng!. Nhưng không bất ngờ, không bi lụy. Đó là tình cảm chơn thật khi chúng tôi đón nhận tin Trưởng lão Viện chủ Tu viện Chơn Như xả bỏ thân nhân quả, tương ưng vào trạng thái giải thoát BẤT ĐỘNG - THANH THẢN - AN LẠC - VÔ SỰ…
Từ khi Ngài hướng tâm tịnh chỉ hơi thở cuối cùng (12 giờ đêm 01-01-2013), đến lúc chúng đệ tử hoàn tất lễ an táng (4 giờ chiều 02-01-2013), vỏn vẹn đúng 16 tiếng đồng hồ!...
Không có tang lễ, không cáo phó phân ưu, không cờ phướn rồng rắn, không trống kèn chuông mõ tụng niệm, không trà tì xá lợi nhục thân... Cũng chẳng có lễ nhập kim quan, bảo tháp… thậm chí đến một đóa hoa tươi, một nén hương tưởng niệm cũng không hề có… Kết thúc lễ an táng đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn, bằng hai bài phát biểu ngắn đọc mất vài phút, một của đại diện Tu Viện (sư Thích Bảo Nguyên), và một của đại diện tu sinh (Thích nữ Tâm Như). Cuối cùng là lời cảm ơn vắn gọn (sư Thích Mật Hạnh)…
Ngài không “thu thần thị tịch”, nhưng hướng tâm tịnh chỉ hơi thở, xả bỏ thân nhân quả một cách nhẹ nhàng. Không có hương hồn, giác linh, mà chỉ có từ trường giải thoát bất động, thanh thản, an lạc, vô sự trùm khắp…
Không gian thuần tịnh thanh khiết của Tu viện vẫn như nó vốn có, bình lặng như không có gì thay đổi, xáo trộn… Xa xa bên kia rào, giữa rừng bạch đàn xen lẫn những cái thất nhỏ, các tu sinh đang độc cư thiền tịnh, miên mật xả tâm ly dục ly ác pháp… Họ không hề biết thầy mình đã ra đi!... Mãi đến giờ khất thực trưa, họ mới được thông báo chuẩn bị viếng Thầy trước giờ an táng…
Các tu sinh của Tu viện kính viếng Thầy
Còn nhớ trước đây, Ngài đã từng nói: Người tu xong chỉ muốn trút bỏ thân nhân quả này càng sớm càng tốt. Đơn giản vì còn giữ thân ngày nào, ngày ấy còn phải ăn, phải bài tiết! sung sướng gì!... Lại có người hỏi: Bạch Thầy, làm chủ sanh tử thì sao lại còn chết?. Ngài đã trả lời đại ý là: làm chủ sinh tử không có nghĩa là lột da sống đời, không có nghĩa là không phải chết… Làm chủ sanh tử là làm chủ nhân quả. Nhân quả không sanh thì làm gì có tử!...
Nhưng nếu Ngài ra đi sớm, Phật pháp sẽ tàn lụi theo, buộc Ngài phải nấn ná thêm thời gian, với một mục đích duy nhất: “TẠO DUYÊN GIÁO HÓA CHÚNG SANH”. Ngài đã chấp nhận tiếp tục lăn lộn trong môi trường nhân quả, chấp nhận đối mặt với ác pháp, chấp nhận đứng trên đầu sóng ngọn gió, đương đầu với những dòng lũ hung hãn đang muốn vùi dập Ngài, quét phăng chiếc bè Chánh pháp Nguyên thủy Chơn Như. Chúng ta thấy rõ điều đó qua cái gọi là “Hiện tượng Thích Thông Lạc” trên nhiều trang mạng Phật giáo…Bên trong Tu viện cũng nổi lên những trận cuồng phong mà Ngài gọi là “sóng gió Chơn Như”… Thế nhưng Ngài vẫn kiên trì trụ vững trong môi trường ác pháp. Nhờ thế mà Pháp môn Như lý tác ý, Đạo đức Nhân bản Nhân quả v.v… đã được Ngài dựng lại một cách chính xác từ kinh tạng Nguyên thủy Nikaya. Và cũng từ đó, Ngài đã chỉ ra lộ trình từ giới đức làm Người đến giới đức làm Thánh, vạch ra một đạo lộ thẳng tắp đến THÁNH QUẢ VÔ LẬU …
Giờ đây nghĩ lại, “duyên giáo hóa” đã tạo rồi, hàng chục đầu sách, hằng trăm băng đĩa đã phát hành miến phí. Chánh pháp đã được dựng lại. Ngài có thể thanh thản, an lạc, vô sự ra đi!...
Không phải bằng những dự cảm thông thường của kẻ phàm phu, bậc tu chứng biết rõ mình sẽ phải làm gì cho lợi ích quần sinh trước lúc ra đi. Trung tuần tháng 11 năm 2011, dù tuổi già sức yếu, Ngài cũng đã thực hiện một chuyến du hóa miền Bắc, nhằm sách tấn Phật tử ở những nơi Ngài đi qua, Chuyến du hóa được Phật tử miền Bắc hoan hỷ đón nhận…
Năm 2012, năm cuối cùng Ngài tồn tại trong môi trường nhân quả. Ngài lại tổ chức một chuyến đi Hòn Sơn vào cuối tháng 5 năm 2012, chuyến đi này cũng không ngoài mục đích sách tấn tu sinh của Tu viện. Dưới chân núi, Ngài chỉ tay lên chỗ Ngài đã từng ngồi suốt một thời gian dài, sống bằng rau rừng, nước suối, miên mật hành trì pháp môn của sư phụ viện chủ Tu Viện Chơn Không… Ngài ngồi dưới chân núi, chúng đệ tử hào hứng leo lên đến tận chỗ ngồi của Ngài năm xưa, với nguyện ước học tập gương hạnh tinh tấn của Ngài…
Về lại Tu viện, Ngài lại tiếp tục chỉ đạo cho bộ phận phát hành kinh sách rà soát lại các đầu sách dự kiến tái bản. Đầu tháng 12 năm 2012, Ngài viết BỨC TÂM THƯ sau cùng sách tấn chúng đệ tử. Mở đầu bằng câu quen thuộc: “KÍNH GỬI CÁC CON”, kết thúc bằng câu “KÍNH THƯ – THẦY CỦA CÁC CON”… thể hiện văn phong khiêm hạ của một bậc Thánh…
Đúng 4 giờ chiều ngày 02-01-2013, măt trời cách ngọn bạch đàn chưa đầy một với tay… Các tu sinh được phân công đến nâng chiếc áo quan Ngài lên, từ từ di chuyển từ giữa phòng phát hành sách đến huyệt mộ vừa đào ngay phía trước rừng cây mới trồng, nơi mấy hôm trước, Ngài đã chỉ: “chôn thầy chỗ này!”… Chúng đệ tử đứng hai bên chắp tay trước ngực cung kính thầm tác ý: “TÂM BẤT ĐỘNG THANH THẢN AN LẠC VÔ SỰ TRƯỚC CÁC ÁC PHÁP VÀ CÁC CẢM THỌ” để tương ưng với từ trường giải thoát của Ngài.
Huyệt mộ đơn sơ
Nhìn huyệt mộ đơn sơ, tôi chợt nhớ lời Ngài trong băng đĩa nào đó mình đã nghe: Khi thầy chết, thầy chỉ xin các con một manh chiếu, bó thầy rồi chôn xuống đất. Ngay trên nấm mộ của thầy, các con trồng một cây xoài, khi nào nhớ thầy, cứ hái xoài mà ăn… Di ngôn của Ngài còn lưu lại trong băng đĩa, nhưng giờ đây chúng đệ tử vì thương Ngài, xin phép được “cãi lời” Ngài một lần: chiếc áo quan bằng gỗ thay cho manh chiếu …