010-ĐƯỜNG LỐI TU TẬP CỦA TU VIỆN CHƠN NHƯ - TL Thích Thông Lạc

Hôm nay nhân dịp Từ Minh làm lễ phát nguyện nhập thất, với một tâm đại hùng đại lực nguyện thành tựu đạo pháp mới mở cửa thất bước ra, bằng không thì dù cho tan xương nát thịt cũng không ra khỏi thất. Do nhân duyên này Thầy nói chuyện về đường lối tu tập ở đây.

Muốn tu tập với Thầy, quý thầy và quý phật tử phải chấp nhận 5 điều kiện:

 1- Phải tin nơi Thầy sẽ đưa dắt quý thầy đến nơi đến chốn giải thoát hoàn toàn đúng con đường của đạo Phật.

2- Quý thầy phải có một cơ thể khỏe mạnh. Nếu không có một cơ thể khỏe mạnh thì đừng bao giờ theo Thầy tu hành vì có theo Thầy tu hành cũng vô ích, không có kết quả tốt.

3- Quý thầy phải thành thật, không được dối trá, tu được nói tu được, tu không được nói tu không được, tự dối mình, dối Thầy mà chẳng ích lợi gì. Nếu thường bị hôn trầm hoặc phạm tất cả các lỗi nhỏ, không được che dấu, phải phát lồ sám hối trước đại chúng và Thầy để xin phép đối trị.

4- Phải siêng năng tinh tấn, giữ gìn giờ giấc nghiêm túc, không được che dấu sự lười biếng, sự bỏ giờ giấc của mình, mà lỡ có sự sai lầm bỏ giờ giấc hoặc lười biếng thì phải thành tâm phát lồ trước đại chúng những thói hư tật xấu này để sớm khắc phục và ngăn ngừa, may ra mới có tiến tu trên đường giải thoát.

5- Phải có trí tuệ. Ở đây không phải trí tuệ của kẻ xảo trá, không phải trí tuệ tổng hợp do vay mượn trong các kinh sách hoặc kiến giải của người khác, mà trí tuệ ở đây phải là thứ trí tuệ rất thành thật, chân thành, cái gì chưa hiểu, chưa tu tập được là phải thưa hỏi lại. Không hiểu tưởng là đã hiểu, đó là người không có trí tuệ. Tu không được mà không chịu thưa hỏi là người thiếu trí tuệ.

Với 5 điều kiện này, nếu quý vị không chấp nhận thì đừng theo Thầy tu hành, vì có theo Thầy tu hành cũng chẳng ích lợi gì cho quý vị, còn hoài công mất thì giờ vô ích. Quý vị đã không chấp nhận 5 điều này thì quý vị sẽ thường che dấu những lỗi lầm của mình, thì sự che dấu này sẽ khiến cho sự tu tập của quý vị chẳng có kết quả, nghĩa là về giới đức cũng như thiền định, tu hành sẽ không thành tựu được.

Này quý thầy và quý phật tử, ở đây không phải là chỗ ăn và chỗ ngủ cho quý vị đến đây, mà là chỗ thực hiện con đường giải thoát của đạo Phật, con đường đưa quý vị đến cứu cánh làm chủ thân tâm và chấm dứt tái sanh luân hồi.

Ở đây có một thiền Tăng bảo rằng: “Ở đây không có gì thú vị cả”.

Đúng vậy, ở đây không có thú vị gì, ở đây chỉ phải chấp nhận một sự sống rèn luyện thân tâm của mình để làm chủ nó.

Ở đây làm ngược lại tất cả những gì mà thế gian đang sống. Ở đây cuộc sống của quý vị còn chịu khổ gấp trăm ngàn lần ở thế gian.

Ở đây làm ngược lại những gì ham muốn ở thế gian, cho nên không có gì gọi là thú vị cả. Nếu quý vị muốn đi tìm sự thú vị thì ở đây không có chỗ cho quý vị tìm, ở đây toàn là những thứ cay đắng mà quý vị phải nhận lấy, ở đây toàn là những thứ khắc khổ mà quý vị phải chịu trong lúc quý vị tu tập.

Này quý thầy và quý phật tử, quý vị đừng nghĩ rằng ở đây là nơi hướng dẫn cho quý vị tu tập có thần thông phép tắc, biết chuyện quá khứ vị lai.

Ở đây cũng không phải nơi để quý vị tu tập có bùa linh, có thần chú giỏi để trị bệnh trừ tà ếm quỷ.

Ở đây cũng không phải chỗ hướng dẫn cho quý vị xuất hồn nhập xác đi chu du các cảnh tiên hoặc vào địa ngục hoặc cõi thiên đàng.

Ở đây cũng không phải chỗ dạy cho quý vị làm thơ, văn, thi phú hoặc soạn kinh viết sách hay dịch thuật các loại kinh sách.

Ở đây cũng không phải nơi đào tạo cho quý vị thành những nhà hùng biện, những nhà giảng giả, triết giả, luận giả, luật giả, v.v…

Ở đây cũng không dạy cho quý vị lưu xuất những ngôn từ độc đáo của Thiền Đông Độ , của Bát Nhã.

Ở đây cũng không phải nơi giải ngộ những công án Thiền Đông Độ và giảng nghĩa lý kinh Đại Thừa cho quý vị.

Ở đây cũng không phải là trường học để cho quý vị học tập, thi cử cấp bằng này, cấp bằng kia của Phật giáo.

Ở đây cũng không phải nơi giảng đường để cho quý vị đến đây nghe thuyết pháp các loại kinh điển.

Này quý thầy và quý phật tử, ở đây chỉ có dạy, tập luyện cho quý vị tập sống một đời sống phạm hạnh, ăn uống có tiết độ, ngủ nghỉ có giờ giấc, không được ăn uống phi thời, ngủ nghỉ sai giờ giấc.

Ở đây mọi người phải tập sống thường có ý tứ trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín phải đầy đủ đức hạnh.

Khi đi phải nhẹ nhàng, thong thả, không được thô tháo, không được vội vàng hấp tấp, không được chạy nhảy lăng xăng, không được vừa đi vừa chạy.

Khi đứng phải tránh chỗ đông người, tránh chỗ có đàn bà con gái, tránh chỗ đánh lộn, chưởi lộn, tránh chỗ có trộm cướp, tránh chỗ có đấu tranh làm chính trị, tránh chỗ biểu tình.

Khi nằm không phải đụng đâu nằm đó, tránh nằm chỗ đàn bà đang nằm, tránh nằm võng đưa tới đưa lui, tránh nằm chỗ đông người, nằm cho đúng chỗ, đúng cách. Nằm không được nằm ngửa, nằm sấp, phải nằm theo kiểu kiết tường. Nằm phải vén khéo, không được bày ngực, bụng và đùi vế một cách hở hang thô lỗ, phải dùng y áo che đậy kín đáo rồi mới nằm.

Khi ngồi cùng vậy, phải lựa chọn cho đúng chỗ rồi mới ngồi. ngồi không được ngồi lắc qua lắc lại, ngồi không được nhịp tay nhịp chân, ngồi không được kéo chân một cách phách lối, ngồi không được gác chân trên bàn, ngồi phải tề chỉnh ngay ngắn, y áo phải thẳng thốn. 

Nói không được khoe khoang điều này điều kia, không được khoe tu chứng cái này cái kia. Nói không được mang thiền đạo, kinh sách ra thuyết giảng cho người khác không đúng lúc, không đúng thời. Nói không được tranh luận cao thấp hơn thua, thấy ai tranh luận cao thấp hơn thua thì bỏ đi nơi khác.

Trên xe, bên lộ, hè phố, bên giếng nước, giữa đám đông, đám tang, đám cưới, đám giỗ không được nói cười thiếu tư cách đạo đức của người tu hành, và ít nói khi ở giữa các đám đông người, hoặc không nói thì tốt hơn hết. Khi nói không được cười, khi ăn không được nói, phải nghiêm chỉnh, không được nói chuyện tào lao, nói chuyện vô ích.

Không được nói về chiến tranh, về chính trị. Nghe ai nói về chiến tranh, về chính trị thì bỏ đi nơi khác.

Không được đem giáo hội ra nói thế này thế khác, không được bàn quốc sự nước này thua, nước kia thắng. Khi nói không được nói láo, phải nói những lời chân thật, nói những lời chắc chắn, đúng đắn đáng tin cậy, nói những lời hứa với ai phải giữ gìn đúng đắn, phải danh dự, không bao giờ sai lời hứa, không bao giờ trễ hẹn, lúc nào cũng giữ gìn đúng lời hứa, lời hẹn.

Không được nói lưỡi hai chiều, nghe điều gì ở chỗ này không đi nói chỗ kia để sanh chia rẽ ở những người này, hoặc nói xấu người kia, hoặc nói xấu người này. Không đem chuyện chỗ kia nói xấu chỗ này, gây những sự chia rẽ chẳng hòa hợp.

Không nói lời độc ác, nguyền rủa, thường nói những lời hòa nhã, đẹp tai, dễ thương, thanh tao, nhã nhặn, ôn tồn. Không bao giờ nói lời phách lối, nói lời khinh khi người, nói lời khinh chê người, nói lời phỉ báng người. thường dùng lời khen tặng người, lúc nào nói cũng đúng thời. Lời nói phải đầy đủ ý nghĩa chân chánh, không nói mỉa mai, không nói móc họng, không nói lời chua chát. Thường nói những lời khuyên lơn, an ủi, thường nói những lời hợp thời thuận lý, lời nói có mạch lạc, có hệ thống và có ích lợi cho mọi người.

Không bao giờ nói đùa, nói giỡn, nói giễu cợt, nói sấn xả, nói vu khống người, nói oan ức người, không bao giờ nói lời lừa đảo, xiểm nịnh và a dua.

Nín. Khi không nói chúng ta làm thinh phải đúng cách, không khéo người khác nghĩ rằng mình khinh chê họ. Người tu hành không nói là điều tốt nhất, không nói gì cả, chỉ cười vui vẻ, ai nói gì chỉ gật đầu hoặc bỏ đi chỗ khác. Người tu hành phải tập sự im lặng, phải giữ gìn sự im lặng, ít nói, chẳng nói lời nào là tốt hơn hết.

Nín là vàng, là ngọc. Nói là đất, là cát. Nói là tạo ra khẩu nghiệp khiến không được yên thân tu hành. Nói là động, làm bất an khó yên thân tu hành, gây đau khổ, phiền toái trong lòng mình và người khác. Vậy cuộc đời tu hành của chúng ta phải thấy sự ích lợi của nín lặng, nếu không thấy là tai hại sẽ đến cho quý vị. Ở đây chúng ta sống là chúng ta tu, sống và tu gắn liền với nhau.

Này quý thầy và quý phật tử, ở đây quý vị tu tức là quý vị tập sống, quý vị sống tức là quý vị tu, sự tu tập không lìa sự sống, sự sống không lìa sự tu tập.

Ở đây không có học tập, không có tích lũy kiến thức của người khác. Ở đây không có huân tập một số kiến giải, tưởng giải, kiến chấp, tưởng chấp của người khác dù là của Thầy, chỉ tự tâm của quý vị lưu xuất và sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Ở đây không giúp cho quý vị có một trí tuệ tổng hợp, vay mượn bằng cách nhai lại bã mía của người khác. Ở đây chỉ giúp đỡ cho quý vị một cách sống thực của đạo Phật, sống giải thoát khỏi triền phược dục lạc thế gian, chân thật như đức Phật còn tại thế lúc thời xưa, sáng đi khất thực, trưa ăn cơm, chiều tọa thiền, tối tọa thiền, khuya đi kinh hành. Đời sống ngày ngày trôi qua đều như vậy, nghĩa là cuộc sống gắn liền với cuộc tu, không bao giờ có sự sai khác. Ngày nào cũng như ngày nào, tu là sống như vậy.

Này quý vị, như Thầy đã dạy ở trên, quý vị thường sống phải có ý tứ, đừng nghe người ta dạy vô phân biệt, vô sai biệt rồi dẹp ý tứ của chúng ta trở thành con người ngu ngơ, phá giới luật của Phật, không sống đúng giới hạnh đạo đức của đạo Phật. Đó là điều làm cho đạo Phật suy đồi. Ở đây quý vị phải giữ mình đầy đủ oai nghi đức hạnh, phải có ý có tứ trong từng mọi hành động thân, khẩu và ý của quý vị để quý vị sống đúng con người phạm hạnh của đạo Phật.

Vì thế thân hành của quý vị không phạm những hành động ác, khẩu hành của quý vị không đem chuyện người này nói chuyện người kia, không đem chuyện người kia nói cho người này biết. Quý vị phải hoàn toàn giữ gìn khẩu nghiệp thanh tịnh, ít nói, lời nói của quý vị ở đây khi phát ngôn phải là lời nói có ích lợi, là vàng, là ngọc. Vì vậy khi nói phải đúng thời, đúng lúc, không được bạ đâu nói đó. Phải tập sống một đời sống đức hạnh của người tu thiền định mà Thầy đã dạy trong bài Định Niệm Hơi Thở.

Này quý thầy và quý Phật tử, ở đây quý vị muốn tu hành thiền định của đạo Phật thì trước tiên quý vị phải sống phòng hộ, bảo vệ các căn và tâm của quý vị. Muốn phòng hộ, bảo vệ các căn và tâm của quý vị thì ở đây có hai cách phải sống:

1- Cách thứ nhất, phải an trú trong giới luật của Phật đã dạy, nghĩa là quý vị phải sống và tu là một không hai như Thầy đã dạy ở trên, sống tức là tu, tu tức là sống.

2- Cách thứ hai, phải sống độc cư, sống cô đơn, nghĩa là sống không tiếp duyên với ngoại cảnh, không nói chuyện với một ai, hoàn toàn phải cắt đứt các duyên bên ngoài.

Ở đây Thầy đang tìm mọi cách và cố tạo cho quý vị môi trường sống: sống đúng phạm hạnh, sống đúng giới luật, đó là giai đoạn hộ trì và bảo vệ tâm thiền định của quý vị thứ nhất.    

Ở đây Thầy cũng đang tìm mọi cách để tạo cho quý thầy sống độc cư, sống cô đơn, sống ít nói chuyện và cắt đứt các duyên bên ngoài, đó là giai đoạn hộ trì và bảo vệ tâm thiền định của quý vị thứ hai.

Hai điều kiện sống này bắt buộc quý vị phải thực hiện cho bằng được.

Nếu quý vị thấy mình không sống được, không tu tập được theo hai điều kiện trên đây thì quý vị xin xuất viện, đừng ở đây mà mang nợ của đàn na thí chủ, đời đời kiếp kiếp quý vị không trả được, rồi đây phải làm thân trâu ngựa mà trả nợ này và còn đọa địa ngục. 

Nếu quý vị thấy mình sống được, tu tập được, chấp nhận hai điều kiện trên, nghĩa là quý vị giữ gìn giới hạnh và phòng hộ tâm mà không sợ gian lao khổ nhọc thì quý vị cố gắng sống đúng lời dạy của Thầy, đừng hành sai, đừng làm sai, những gì không hiểu phải thưa hỏi lại cho kỹ lưỡng.

Nếu quý vị quyết tâm tu hành theo đạo Phật thì đừng sợ những gian lao khổ nhọc trong cuộc sống hang ngày ở đây thì chắc chắn quý vị sẽ ly được dục lạc thế gian, chừng đó chưa tu thiền định mà quý vị đã có thiền định như Phật đã dạy: Giới sinh Định, điều này chắc chắn.

Ở đây Thầy đang cố gắng khéo tạo môi trường sống đúng giới luật để quý vị thực hiện một đời sống phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo. Nhờ sống đúng giới luật, quý vị sẽ ly được dục lạc thế gian, ly được dục lạc thế gian thì quý vị sẽ có hỷ lạc giải thoát tâm của quý vị. Đó là quý vị chưa ngồi thiền nhập định một ngày, một khắc, một giây mà quý vị đã nhập sơ thiền. Đó là một thứ thiền định đầu tiên trong đạo Phật, và chỉ có đạo Phật mới có mà thôi, nghĩa là không tu thiền định mà có thiền định.

Bây giờ quý vị cứ suy nghĩ kỹ lại lời dạy của Thầy mới thấy kỷ luật ở đây và cách khép quý vị vào khuôn khổ tu tập thiền định là đúng con đường của đạo Phật, không sai chút nào cả. Nếu quý vị đã từng chịu khó nghiên cứu kinh điển Nguyên thủy của đạo Phật thì quý vị sẽ thấy đường lối tu tập ở đây rất đúng đường lối tu tập của đức Phật ngày xưa, không bị lai căng các pháp môn khác.

Bởi vậy quý vị đừng bảo rằng Thầy khó, chỉ vì Thầy khó là vì muốn cho quý vị được giải thoát như Phật, được làm chủ được sanh tử, chấm dứt tái sanh luân hồi, đó là điều Thầy khó để làm lợi ích cho quý vị. Ở đây, trước kia có một Thiện Tâm bảo rằng: “Thầy cứ nói về ăn uống mãi”. Đúng vậy, trong ngũ dục lạc thế gian có Thực, Thụy, mà Thực, Thụy là Ăn và Ngủ.

Ăn và ngủ là một điều quan trọng của đời sống con người, cho nên con người thế gian thường tham ăn, thích ngủ. Vì ăn và ngủ là hai thứ dục lạc tối cần thiết của đời người. Dục lạc ăn ngủ là thứ dục lạc sống của đời người nên khiến cho người ta càng ham thích ăn và ngủ. Vì vậy tu sĩ Phật giáo hiện đời nay tu theo kiểu này, kiểu nọ, chỉ chuyên môn tụng niệm và học tập giáo lý, ngồi thiền lấy lệ cho có chừng nên khó mà diệt được dục lạc ăn và ngủ.

Vậy quý vị nghĩ sao khi đến tu viện này? Trước tiên phải khép mình trong khuôn khổ ly dục ăn và ngủ, điều này đã khiến cho nhiều người trước kia đã từng ở đây phải bỏ đi nơi khác để tìm cái ăn, cái ngủ thỏa thích. Kỷ luật ở đây không thể chấp nhận ăn và ngủ như các chùa khác, bắt buộc quý vị phải thực hành đúng kỷ luật ở đây thì mới bước chân vào tu viện.

Nếu quý vị thấy tu được thì theo tu, nếu thấy không được thì xin Thầy về, Thầy rất hoan hỷ. Đạo Phật không quyến rũ ai và cũng không dụ dỗ mua chuộc ai. Một người quyết tâm tu theo đạo Phật không vì lợi dưỡng hoặc vì buồn khổ gia đình mà vào đây tu tập. Không vì tù tội trốn tránh hoặc thất vọng trên đường danh nẻo lợi, hoặc tiền tài vật chất không thỏa mãn, hoặc vì tình duyên lỡ dở, hoặc thi cử không thành mà vào đây tu tập. Hoặc vì thất nghiệp nghèo khổ không đủ cơm ăn áo mặc mà vào đây tu tập. Hoặc vì sự cúng bái lễ lộc, ăn trên ngồi trước mà vào đây tu tập.  

Này quý thầy và quý Phật tử, ở đây chúng ta tu hành theo đạo Phật là vì muốn vượt thoát ra khỏi bể khổ trầm luân của sanh, lão, bệnh, tử của cuộc đời chứ không phải vì danh, vì lợi mà vào đây. Chỉ vì giải thoát những điều lớn lao và quan trọng cho đời sống của chúng ta, vì thế mà chúng ta mới quyết tâm chịu những gian lao, những thử thách khổ nhọc để chiến thắng lại cái ăn, cái ngủ, cái nói chuyện để chúng ta ly khỏi những dục lạc hèn hạ thế gian.

Tai sao Thầy bảo dục lạc thế gian là hèn hạ? Vì nó có lạc là có khổ, vì nó có lạc là có ác, cho nên Thầy gọi nó là hèn hạ, cần phải lìa nó đi, cái dục lạc này mà người ta muôn đời khó thoát khỏi vòng tay của nó. Vậy ở đây quý vị có liệu sức mình đủ khả năng lìa nó hay không? Nếu đủ sức thì theo Thầy mới nổi, nếu thấy không đủ sức thì đừng theo Thầy tu hành vô ích, mất thì giờ quý báu. Hãy trở về đi, bây giờ chưa có muộn màng, còn có thể chọn các pháp môn khác dễ dàng hơn và sự lợi dưỡng cũng đầy đủ hơn.

Còn ở đây quý vị muốn tu thiền thì thiền ở đây không có cho quý vị tu, quý vị hãy tu tập ăn, ngủ, nói chuyện cho đúng cách, cho đúng phạm hạnh, giới luật thì ở đây đang dạy cho quý vị, đang tập luyện cho quý vị sống đúng giới luật, phạm hạnh của đạo Phật. Nếu quý vị cầu mong tu thiền mà không cầu mong tu giới luật thì ở đây không có dạy. Nếu ở đây quý vị không thực hành được đời sống giới luật phạm hạnh thì quý vị đừng mong tu thiền định. Đức hạnh giới luật mà không tu hành được thì thiền định là mộng ảo, thì con đường giải thoát của quý vị là ảo tưởng, ảo mộng, ngàn đời, muôn đời quý vị chẳng thực hiện được gì cả.

Thầy bảo thực với quý vị, chừng nào quý vị sống đúng giới luật phạm hạnh của Phật thì Thầy mới dạy thiền định. Còn bằng không thực hiện được giới luật thì ngàn đời Thầy vẫn mang theo kinh nghiệm thiền định này xuống tận đáy mồ mà thôi, chẳng truyền cho ai hết.

Tại sao vậy? Tại vì thiền định của đạo Phật phải lấy giới luật, phải lấy đức hạnh làm nền tảng, nếu không đức hạnh, đó là thiền định của ngoại đạo, không phải của đạo Phật. Đó là sự xác quyết của Thầy, không một ai chối cãi được, chống báng được.

Thầy ở đây chẳng cầu danh, chẳng cầu lợi, chẳng cầu Phật tử đông đảo để cúng dường nhiều. Ở đây Thầy cũng chẳng cầu đệ tử có hàng trăm, hàng vạn người mà thực chất những người đệ tử này đức hạnh, thiền định chẳng có ra gì. Ở đây Thầy chẳng cầu mong cất chùa to, miếu rộng, tháp lớn. Ở đây Thầy chỉ cần người đệ tử dạy đâu thực hành đúng đó, không làm sai lời dạy của Thầy. Người như thế mới giữ gìn trọn giới luật của Phật, mới thực hiện được thiền định của Phật, mới thể hiện được trí tuệ giải thoát của Phật.

Ở đây Thầy không cần nhiều đệ tử mà chẳng nghe lời dạy của Thầy, lúc nào cũng ồn náo, tranh luận, tuyên truyền xuyên tạc pháp môn này, pháp môn khác, lúc nào cũng làm động trong chùa, dạy Đông tu Tây, dạy Nam tu Bắc thì thử hỏi những người học trò đó ở đây có lợi ích gì? Chẳng lợi ích cho bản thân họ, chẳng lợi ích cho Thầy và cũng chẳng lợi ích cho Phật pháp. Cho nên muốn ở đây tu hành thì quý vị phải tự giác cao độ, phải rèn mình trong gian khổ, phải thử lửa như vàng thử lửa, phải chiến đấu ngũ dục lạc thế gian mà ngàn đời, muôn đời quý vị đã bị nhiễm.

Ở đây quý vị phải gan dạ, phải trui mình trong lửa đỏ, nghĩa là quý vị phải sống trong hạnh nhẫn nhục tối đa. Nếu chấp nhận vào đạo Phật mà quý vị không thực hiện hạnh nhẫn nhục thì đừng nên theo đạo Phật, vì có theo cũng chẳng ích lợi gì cho quý vị. Thà quý vị sống ngoài đời, ăn ở có đạo đức thì còn hơn tu tập, ở chùa mà còn sân ầm ầm dữ tợn như vậy thì không phải là người đệ tử của Phật.

Người đệ tử của Phật phải thực hành hạnh từ bi, biết thương mình, thương người, biết chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách và không cầu mong thiền định. Thiền định của đạo Phật không thể để cho kẻ thiếu đức hạnh và giới luật mà thực hiện được, bởi con con đường tu chân chánh của đạo Phật thì phải lấy đức hạnh và giới luật làm đầu.

Tại sao ở đây Thầy gọi là con đường tu chân chánh của đạo Phật?

Vì đạo Phật ngày nay có nhiều con đường tu hành, những con đường này không đưa hành giả đến nơi đến chốn giải thoát hoàn toàn, mà đưa hành giả đến phá giới luật, làm mất phạm hạnh của người tu theo đạo Phật. Vì thế quý thầy và quý Phật tử cần phải áng suốt nhận định để không lạc lầm những pháp môn tệ hại này, làm mất uy tín đạo Phật.

Ở đây tu theo con đường chân chánh của đạo Phật, lấy giới luật làm đức, lấy nhẫn nhục làm hạnh. Này quý thầy và quý Phật tử, nếu máu trong thân của quý vị chưa khô, xương trong thân của quý vị chưa nát thì dục lạc thế gian của quý vị chưa lìa được.

Đời sống của đức Phật ngày xưa khi khổ hạnh, vì ăn quá ít nên sờ da bụng đụng xương sống, sờ xương sống đụng da bụng, đó là máu phải khô, xương phải nát. Thầy mười năm trong thất, ngày một bữa cơm rau lang luộc với nước muối, hoàn toàn chẳng có thứ gì khác hơn.

Người thời nay tu hành ăn uống đầy đủ các thứ món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị, lại còn thêm bánh trái sữa bơ đầy đủ, thế mà còn muốn ăn ba bốn bữa, lại còn ăn uống lặt vặt phi thời ban đêm, như vậy con đường giới đức của đạo Phật không còn. Quý vị nghĩ sao, than này quý vị còn lo bồi bổ cho đầy đủ dưỡng chất, thừa thãi sự sống thì thử hỏi dục lạc thế gian đối với quý vị, quý vị có hàng phục được nó chăng?

Nếu thân này đầy đủ sung mãn dưỡng chất thì sự đòi hỏi dục lạc rất mạnh mẽ, chúng ta khó chiến thắng nó. Bởi vậy thân quý vị, nếu máu chưa khô, xương chưa nát thì làm sao quý vị thắng được dục lạc thế gian.

Này quý vị, Phật giáo hiện giờ chỉ có lý thuyết suông mà thôi, chẳng bao giờ tìm cách tu thực tế ly được dục lạc. Thầy nói như vậy, ở đây quý vị còn sẽ thấy và còn chứng kiến thực tế những lời dạy trên đây của Thầy không sai chút nào cả. Bởi tu hành như đạo Phật hiện giờ chỉ là một hình thức, không thể nào nhập định được, còn thích ăn ngon mặc đẹp, còn thích trang điểm cho thân đẹp đẽ, bệ vệ Tăng tướng, bệ vệ trang hoàng trong hàng giáo phẩm như con vua cháu chúa thì thử hỏi phạm hạnh giới luật còn ở đâu?

Tóm lại, trong buổi nói chuyện hôm nay Thầy khuyên quý vị hãy tu hành những giới đức: ăn, ngủ, nói, nín, nhẫn nhục… Nếu quý vị thực hiện được những lời dạy này thì Thầy mới tiếp tục dạy quý vị thiền định, còn bằng không thì thôi.

Ngày xưa đức Phật đuổi 500 vị tỳ kheo làm ồn náo, không giữ gìn hạnh khẩu nghiệp thanh tịnh, thì hôm nay quý vị phải cố gắng giữ gìn thân, khẩu nghiệp thanh tịnh thì mới sống đúng con đường tu của đạo Phật. Phật không cấm tịnh khẩu, nhưng quý vị phải biết cách tác duyên tức hành tịnh khẩu thì sự tu hành của quý vị mới có kết quả, nếu không biết tác duyên thì sự tu hành của quý vị hoài công vô ích.

Trước kia Thầy từng dạy sống cô đơn, sống độc cư, ngày ăn một bữa, tịnh khẩu nhưng không nói là giới luật, chỉ nói là bí quyết của thiền định. Vậy hôm nay quý vị đã rõ, Thầy đã dạy con đường tu học của đạo Phật như thế nào rồi. Đúng hay sai thì hiện giờ quý vị đã thấy rõ ràng.

Xưa không đủ duyên nên Thầy tùy duyên hòa hợp để chấn hưng Phật pháp, để mong thắp lại ngọn đuốc của đạo Phật, nhưng chúng sanh thiếu phước, không có duyên với Phật pháp nên Thầy muốn ra đi. Thầy muốn ra đi từ lúc Thầy mới ra thất chứ không phải tới bây giờ. Nhưng vì thương xót vài người đệ tử còn bám theo Thầy, vì thế Thầy thẳng thắn chỉ rõ mà chẳng sợ mất lòng một ai.

Nếu quý vị muốn tu hành thì phải theo kỷ luật của Thầy, còn không muốn tu hành thì thôi, đừng phá giới luật ở đây mà tạo tội đọa địa ngục. Nếu muốn tu giải thoát thì phải vâng lời dạy của Thầy, phải giữ gìn khẩu nghiệp thanh tịnh. Suốt ngày, suốt tháng, nhiều năm không một lời nói. Suốt ngày, suốt tháng, suốt năm sống một mình không chơi với ai, không trò chuyện với ai. Suốt ngày, suốt tháng, suốt năm, ngày ăn một bữa, không ăn uống lặt vặt phi thời. Suốt ngày, suốt tháng, suốt năm, luôn giữ gìn giờ giấc nghiêm túc không bao giờ biếng trễ thì mới theo Thầy tu hành. Còn bằng không giữ được như vậy, quý vị hãy xin về để Thầy được yên ổn nhập diệt, đừng ở đây mà không giữ được giới luật thanh tịnh thì uổng ngày tháng của Thầy, mà cũng uổng ngày tháng của quý vị, chẳng ích gì.

Đến đây Thầy xin chấm dứt buổi nói chuyện hôm nay. Riêng phần Từ Minh, con đã phát nguyện tâm, phải cố gắng giữ gìn giới đức để tạo mọi điều kiện ly dục thế gian thì mới thành tựu được giới hạnh.

Đến đây các con cũng đã hiểu rõ đường lối tu tập của Thầy ở đây. Trước phải dùng giới luật để sống, sống ly dục. Sau dùng thiền định ức chế tâm mình, nhiếp phục tâm và ý tứ để đoạn ái dục thế gian. Đó là đường lối để thành tựu cứu cánh của đạo Phật

Một lần nữa Thầy xin nhắc lại: Muốn theo tu hành ở đây, trước tiên phải dùng giới luật để sống, sống một đời sống ly dục. Sau đó, chúng ta dùng thiền định để ức chế toàn tâm, nhiếp phục sự suy tầm và ý tứ để đoạn được ái dục thế gian. Quý thầy phải biết, đó là đường lối thực của đạo Phật để thành tựu cứu cánh, để giúp cho quý vị chấm dứt tái sanh luân hồi. Vậy quý vị phải cố gắng thực hiện hết bổn phận của mình, và để làm tròn trọng trách, trách nhiệm mà chúng ta là những người tu sĩ của đạo Phật.

Đến đây quý thầy và quý Phật tử cùng Thầy niệm hồi hướng:

“Nguyện đem công đức này, Hồi hướng cho tất cả…”