008-LÒNG YÊU THƯƠNG – Phước Chân

Lòng yêu thương, nó có sẵn trong tâm hồn của con người từ khi sinh ra khỏi lòng mẹ, nó là một đức tính tốt đẹp của muôn loài.

Lòng yêu thương, là nhân cách sống của con người. Được thể hiện bằng những hành động rất chân thật của mọi người đối xử, cư xử với nhau trong cuộc sống hàng ngày, biết tôn trọng sự sống của mình, của người, và của muôn loài vật.

 

Lòng yêu thương rất quan trọng đối với cuộc sống của con người, nó là vật quý giá vô cùng, dù là đá kim cương, vàng bạc châu báu, hay lắm của  nhiều tiền, không thể đem so sánh đánh đổi được, mà phải bằng cả trái tim, bằng cả tâm hồn chân thật.

Lòng yêu thương luôn tỏa sáng, nó có sức mạnh phi thường, nó xuất phát từ sâu thẳm của trái tim biết yêu thương, biến mình dám trở thành con người dũng cảm, làm lên những kỳ tích tinh thần yêu thương cao thượng, vĩ đại cho đời.

Vi lòng yêu thương người mà anh Nguyễn Bá Ngọc đã quên mình dám băng qua lửa đạn, dũng cảm hy sinh, lấy thân mình che chở cứu em bé nhỏ thoát chết dưới làn bom đạn.

Vì lòng yêu thương bạn, chị Phan Thị Tứ đã xả thân cõng bạn bị tật nguyền mười năm trời đến trường đi học.

Vì lòng yêu thương các em nhỏ không biết chữ, cô giáo Tày đã trèo đèo, lội suối, băng rừng, đến vùng sâu xa dạy các em học chữ.

Vì lòng yêu thương con cái. Cha mẹ đã thắt lưng, buộc bụng, thức khuya, dạy sớm, chăm sóc, nâng niu, nuôi nấng, dạy dỗ các con khôn lớn trưởng thành.

Vì lòng yêu thương quê hương, Tổ quốc, trước hai hàng lê họng súng của quân giặc cướp nước, chị Sáu kiên cường, hiên ngang, bất khuất, ngẩng cao đầu, mỉm cười hồn nhiên, trong sáng, chị đã hy sinh anh dũng, coi cái chết nhẹ tợ lông hồng.

Vì lòng yêu thương Tổ quốc, quê hương, bao anh hùng liệt sĩ vô danh của đất nước, đã dũng cảm hy sinh anh dũng để bảo vệ quê hương, sứ sở, non sông đất nước.

Thân thể, máu xương của họ đã tô thắm cho non sông đất nước, lịch sử còn ghi chép rõ, truyền lại nối tiếp nhau trên những trang sách.

Vâng, vô vàn biết ơn tất cả những người con của đất nước Việt nam, họ đã ban tặng, để lại những tấm lòng yêu thương cao cả tuyệt vời cho con cháu, hôm nay và những thế hệ mai sau

Ngày nay chúng ta sống trong nền độc lập tự do, đất nước không có chiến tranh là nhờ biết bao công lao các anh hùng liệt sĩ.

Vì thế, hôm nay chúng ta phải biết thực hiện và nuôi dưỡng lòng yêu thương bằng cách học tập đạo đức nhân bản - nhân quả của Đạo Phật.

Đạo đức nhân bản - nhân quả của Đạo Phật có pháp hành dạy con người biết thực hiện và nuôi dưỡng lòng yêu thương theo đúng nghĩa nhân bản của yêu thương. Đó là lòng yêu thương con người với con người, lòng yêu thương con người với các loài vật, lòng yêu thương con người với thiên nhiên, v.v... Lòng yêu thương ấy rất bình đẳng, tự nhiên trong sáng của con người, đó là lòng yêu thương sự sống của muôn loài.

Lòng yêu thương được thực hiện qua nhân cách sống của mỗi con người, biết cư xử, biết đối xử với nhau, nó được thể hiện rất nét bằng những hành động việc làm chân thật, bằng những lời nói ôn tồn nhã nhặn, với những ý nghĩ chân thành, biết tôn trọng trước những sự sống của mọi loài.

Ai cũng biết sự sống là rất quý. Mọi người ai cũng biết sống với lòng yêu thương, tôn trọng sự sống, biết kính trên nhường dưới, biết đùm bọc giúp đỡ nhau, biết chia sẻ, biết ban tặng những lời nói ôn tồn nhã nhặn để làm xoa dịu, vơi đi những nỗi khổ đau, mất mát của những con người bất hạnh, những con người đang cần lòng yêu thương, thì cuộc đời này nó có ý nghĩa tươi đẹp biết bao.

- Dắt tay một cụ già qua đường, là chúng ta đang thực hiện hành động lòng yêu thương.

- Mang thức ăn cho một con vật đang đói, là chúng ta đang thực hiện hành động lòng yêu thương.

- Mỗi bước đi tránh không dẫm đạp lên ngọn cây, ngọn cỏ, là chúng ta đang thực hiện hành động lòng yêu thương.

Lòng yêu thương, nó rất rộng sâu và bao la vô lượng. Mọi người nói rất nhiều về lòng yêu thương, nhưng để thực hiện lòng yêu thương thì thật là khó vô cùng.

Trong cuộc sống hiện tại ngày nay, nhìn vào nhân cách sống cư xử của mọi người mới thấy mọi người đối xử với nhau thiếu hành động tôn trọng lòng yêu thương.

Người được học, được rèn luyện, được trau dồi trong nền đạo đức nhân bản nhân quả của Đạo Phật, họ có tri kiến về nhân quả, họ biết sử dụng tri kiến nhân quả để tư duy, quán xét, nên họ thản nhiên trước những hành động thiếu tôn trọng lòng yêu thương ấy đối với họ.

Những lời chửi rủa, mạ nhục, những lời riếc móc, những lời khen, chê… không làm họ phiền lòng, mà ngược lại họ còn khởi lòng yêu thương những con người đang lăng nhục họ.

Thế mới biết lòng yêu thương nó có giá trị, công năng chuyển hóa thân tâm con người từ hạ liệt trở nên con người có tâm hồn cao thượng, chỉ biết sống với một tấm lòng yêu thương, bao dung, và tha thứ.

Trong đời  sống hằng ngày có rất nhiều việc mâu thuẫn, cạnh tranh, và xung đột. Lòng yêu thương của mọi loài nó không còn giá trị bình đẳng, hồn nhiên, trong sáng nữa, nó thay đổi theo bản ngã ích kỷ, bon chen,,hẹp hòi tính toán, nhỏ mọn thô tục, cá nhân của mọi loài.

Phía trước nhà chúng tôi, gia đình có người mẹ già, tuổi đời đã tám mươi chín tuổi, ở cùng với người con trai tuổi cũng đã sáu mươi bẩy tuổi, hai mẹ con thường xuyên cãi nhau, người mẹ luôn mồm chửi rủa con, người con bực tức kêu gào du đẩy, xỉa xói người mẹ, khiến mọi người trong gia đình sống lúc nào cũng ở trong tâm trạng bất an.

Phía bên phải nhà chúng tôi, gia đình rất khá giả, người vợ thì hay đi nói xấu chồng con, sống chắc nép, chi li, tính toán, người chồng thì thường xuyên uống rượu chửi vợ, đuổi đánh vợ, làm mất trật tự an ninh đường phố.

Phía bên trái nhà chúng tôi, vợ chồng sống với nhau thì lạnh nhạt, thờ ơ, chồng có vợ bé, mỗi người một nơi, sống vô trách nhiệm, ai có thân người ấy lo.

Phía sau nhà chúng tôi, có người vợ phải chăm sóc chồng, con bị tàn tật, người chồng tàn tật không biết thương vợ mà lại còn suốt ngày chửi vợ, người vợ không chịu nổi nên chửi lại, riếc móc người chồng, mày tao, con lọ, thằng kia, to tiếng làm ầm ĩ hàng phố.

Ôi! Thật xót xa cõi lòng. Họ sống trong điên đảo vô minh, họ đã tự làm khổ nhau, họ không biết thương bản thân mình, và đánh mất đi cái giá trị quí nhất của chính mình, đó là lòng yêu thương tôn trọng sự sống.

Bản thân gia đình chúng tôi lúc trước cũng rất nhiều mâu thuẫn, xung đột, cũng chỉ vì cái bản ngã ích kỷ, hẹp hòi, nhỏ mọn, bảo thủ của cá nhân mình, mà mình đã tự làm khổ mình, làm khổ mọi người trong gia đình mình mà không biết.

Sau thời gian tu học, rèn luyện, và trau dồi trong nền đạo đức nhân bản - nhân quả, bản thân gia đình chúng tôi đã ý thức nhận ra lòng yêu thương, tôn trọng, bình đẳng sự sống, nó có giá trị sâu sắc đem lại sự bình yên, hạnh phúc trong tâm hồn con người.

Cuộc sống sẽ đổi thay bởi lòng yêu thương chân thật đấy các bạn ạ.

Đau xót phải chứng kiến hàng ngày nhìn mọi người giết hại và ăn thịt chúng sinh, chúng tôi chỉ có biết thầm ước nguyện mọi người được gặp, được thông suốt nền đạo đức nhân bản - nhân quả của Đạo Phật.

Ở phía trên cách nhà chúng tôi khoảng hai mươi mét, có gia đình anh VT, họ làm nghề giết mổ gia cầm, mỗi ngày họ phải giết mổ tới khoảng năm mươi con gia súc các loại, máu chảy lênh láng, tiếng kêu, tiếng giãy giụa, ai oán, tức tưởi của các con vật, họ không hề có một chút nào động lòng thương xót, họ còn vui đùa, thích thú xem thường sự sống của các loài vật, họ chỉ biết có thật nhiều tiền.

Con người thật là độc ác, còn đâu là lòng yêu thương, tôn trọng, bình đẳng sự sống nữa, nhân nào thì quả lấy.

Họ nào đâu có biết.

Luật nhân quả sẽ xử phạt họ, họ sẽ bị trả quả phải làm kiếp gà, vịt, ngan, ngỗng, giết một mạng trả một trăm mạng, rồi lại bị con người giết hại cắt cổ, nhổ lông.

Họ thật là đáng thương, bởi họ phước kém chưa gặp được nền đạo đức nhân bản - nhân quả.  Chúng ta ước nguyện cho họ gặp được nền đạo đức nhân bản - nhân quả, họ được học, được trau dồi, tin chắc rằng họ sẽ bỏ nghề giết mổ gia cầm, họ sẽ có ý thức nhận ra, và họ sẽ yêu thương tất cả muôn loài chúng sinh.

Đạo Phật có một nền đạo đức nhân bản - nhân quả tuyệt vời, dạy loài người vì lòng yêu thương sự sống, tôn trọng, và bình đẳng.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, Người nhìn thấy thấu suốt cái nguyên nhân sinh ra và cái diệt vong của loài người.

Vì lòng yêu thương sự sống của muôn loài, Đức Phật tha thiết kêu gọi loài người, hãy yêu thương sự sống của muôn loài, và khuyên loài người không nên giết hại và ăn thịt chúng sinh.

Bởi thế, chúng ta phải biết nuôi dưỡng lòng yêu thương bằng cách: Hàng ngày chúng ta phải trau dồi, rèn luyện, sửa chữa từ các hành động thân, khẩu, ý của mình, tập sống với lòng yêu thương, chỉ biết nhìn lỗi mình, không biết nhìn lỗi người, gạt bỏ đi những tâm niệm ích kỷ, hẹp hòi, nhỏ mọn mỗi khi nó khởi lên trong tâm hồn chúng ta, cho nên chúng ta phải luôn khởi tâm, chỉ biết sống với tâm hồn yêu thương và tha thứ.

Lòng yêu thương chỉ có ba chữ thôi. Nhưng nó có ý nghĩa rất rộng sâu và bao la vô lượng, lòng yêu thương là một đức tính tốt đẹp của muôn loài, nó có sẵn trong tâm hồn con người chúng ta, lòng yêu thương ấy phải được nuôi dưỡng trong nền đạo đức nhân bản - nhân quả thì mới đúng ý nghĩa của lòng yêu thương, nó còn có ý nghĩa hơn rất nhiều khi chúng ta biết ban tặng lòng yêu thương của mình cho người khác không phân biệt thân sơ, để làm cho cuộc sống của mọi người ấm áp, hạnh phúc, gần gũi nhau hơn.

Lòng yêu thương là thông điệp, là cầu nối liền nền hòa bình thế giới, nó đi đến đâu thì mọi ác pháp đều bị rơi rụng tả tơi, nó là nguồn gốc đem lại sự an vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội loài người trên hành tinh này.

Thật vô vàn cảm động, và xúc động trước một tấm lòng yêu thương vô bờ bến của một vị Thầy, lời sách tấn, lời yêu thương thật lòng tha thiết kêu gọi các con, đã làm rung chuyển tâm hồn PC, mỗi khi nghĩ về Thầy, PC không sao cầm nổi nước mắt, cứ tự nhiên tuôn trào ra, một cảm xúc sâu thẳm từ trong trái tim, cảm nhận được lòng yêu thương rộng lớn của Người.

Một ông cụ già tám mươi năm tuổi, ngày cụ ăn chỉ có một bữa, đêm cụ nghỉ ngơi chỉ có một giờ đồng hồ, thời gian còn lại cụ hướng dẫn, chỉ dạy, dìu dắt các con tu tập, và cụ miệt mài viết sách để dựng lại nền đạo đức nhân bản nhân quả của Đạo Phật cho loài người.

Cụ sống rất bình thường như bao con người, nhưng lại rất phi thường.

Người có một tấm lòng yêu thương rộng lớn, vô lượng, vô biên, Người chỉ có một mực là đem lòng yêu thương ban tặng và tha thứ cho các con.

“Những buổi chiều tà mưa phủ trắng.

Thầy ngồi tha thứ kẻ vong ân”.

Rồi những buổi hoàng hôn khi tắt nắng, Thầy nhìn ra cổng chùa như đang hướng về một chân trời xa thẳm, nơi ấy có những đứa con mình đang sống, chúng sống ra sao khi nền đạo đức nhân bản - nhân quả mà các con chưa nắm vững thì thật thiệt thòi, tội cho các con sẽ phải trôi lăn trong dòng đời đầy ác pháp khổ đau muôn đời muôn kiếp.

Giáng lên hỡi các con. Những dòng chữ thầm kín chứa đựng đầy lòng yêu thương vô bờ bến ấy, Thầy đã âm thầm khéo léo, bón mớm, gieo trồng vào tâm hồn chúng con, chúng con lớn khôn lên, trưởng thành lên là nhờ vào từ những mầm sữa yêu thương chân thật ấy.