Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 43 (177-183)

177. Có Bảy Pháp Làm Cho Chánh Pháp
Được Tăng Trưởng Và Không Bị Tổn Hoại

Có bảy đức hạnh mà mỗi người ai cũng sống được, vì bảy đức hạnh này giúp cho con người sống được bình an, yên vui mà không ác pháp nào làm khổ đau. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy bảy pháp:

             “1. Thích giản dị, không thích sống rờm rà, cầu kỳ.
              2. Ưa thích yên lặng, không thích nói nhiều.
              3- Ít ngủ nghỉ, không ham ngủ.
              4- Không kết bè, kết bạn, không nói điều vô ích.
              5- Không tự khoe khoang trong khi mình thiếu đức.
              6- Không kết bạn với những người xấu ác.
              7- Thích ở một mình nơi rừng núi thanh vắng.” (Trường A Hàm tập I trang 92)

Đức Phật dạy bảy đức hạnh này rất tuyệt vời, nếu một người thực hiện bảy đức hạnh này thì ngay trong đời hiện tại đã tìm thấy sự giải thoát liền, không cần phải tu tập pháp nào khác nữa.

Nếu sống với đức hạnh thứ nhất “Thích giản dị, không thích sống rờm rà, cầu kỳ.” Đó là một lối sống đơn giản, không hao tốn tiền bạc, không rờm rà, ít muốn biết đủ. Đức hạnh rất phù hợp với người tu sĩ Phật giáo.

Nếu sống với đức hạnh thứ hai “Ưa thích yên lặng, không thích nói nhiều.” Đó là một lối sống trầm lặng, sống độc cư, sống một mình. Đức hạnh này rất phù hợp với con đường tu tập giải thoát của Phật giáo.

Nếu sống với đức hạnh thứ ba “Ít ngủ nghỉ, không ham ngủ.” Đó là lối sống của người thông minh, sáng suốt, minh mẫn, tỉnh giác. Những người có lối sống như vậy là lối sống của người tu sĩ Phật giáo.

Nếu sống với đức hạnh thứ tư “Không kết bè, kết bạn, không nói những điều vô ích.” Đó là lối sống độc cư phòng hộ sáu căn, lối sống của những bậc chân tu, của những người thoát tục, của những người xuất thế gian.

Nếu sống với đức hạnh thứ năm “Không tự khoe khoang, trong khi mình thiếu đức.” Đó là lối sống khiêm tốn của những bậc Hiền Thánh, người thế gian không thể làm được. Người thế gian hễ làm được những gì thì khoe khoang không hết lời.

Nếu sống với đức hạnh thứ sáu “Không kết bạn với những người xấu ác.” Người xưa thường nói: “Chọn bạn mà chơi.” Đúng vậy; gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Chơi với những người bạn xấu ác thì sẽ ảnh hưởng xấu và tai tiếng xấu. Đây là một đức hạnh rất cần thiết cho sự giao tiếp với mọi người trong cuộc sống chung đụng trong gia đình và xã hội.

Nếu sống với đức hạnh thứ bảy “Thích ở một mình nơi rừng núi thanh vắng.” Đây là đức hạnh của những bậc tu hành chân chánh sống nơi rừng núi thanh vắng. Bởi tu hành nơi rừng núi thanh vắng thì mới xả tâm ly dục ly ác pháp trọn vẹn.

Tóm lại người muốn tu hành giải thoát thì phải sống trọn vẹn bảy đức hạnh này. Muốn sống đúng bảy đức hạnh này thì phải tu tập hết sức chớ không phải là lời nói suông, vì nói thì rất dễ nhưng sống được với bảy đức hạnh này là một công trình tu tập. Người ta thường nói đức hạnh nhưng người ta không thể sống với đức hạnh này ngay liền được. Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Bởi bảy đức hạnh này đã xác định được sự ly dục ác pháp của một tu sĩ giải thoát, vì thế quý vị nên lưu ý.

178. Oai Nghi Tế Hạnh

Một tu sĩ Phật giáo phải biết giữ gìn oai nghi tế hạnh, nếu không giữ gìn oai nghi tế hạnh thì không phải là đệ tử của Phật. Oai nghi té hạnh của Phật giáo rất là quan trọng. Vậy oai nghi tế hạnh như thế nào?

Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy:

“Thế nào là các tỳ-kheo giữ gìn oai nghi tế hạnh đầy đủ? Ấy là các tỳ-kheo khi Đi thì biết mình Đi, khi Đứng thì biết minh Đứng, cho đến như Liếc Ngó hai bên hoặc Co, Duỗi, Cúi, Ngước, Đắp y, Mang bát và những việc Ăn uống, thuốc men đều phù hợp với oai nghi. Phải khéo từ bỏ năm ấm cái, cho đến đi, đứng, nằm, ngồi, thức, ngủ, nói năng hay im lặng đều phải nhiếp tâm không cho tán loạn. Ấy là oai nghi mà các thầy tỳ-kheo phải giữ gìn đầy đủ.” (Trường A Hàm tập I trang 111)

Oai nghi tế hạnh của Đức Phật dạy không ngoài pháp tỉnh thức trong các hành động thân, khẩu, ý. Người tu sĩ Phật giáo là tu tập tỉnh thức trên thân hành nên đạo Phật mới có bài pháp Thân Hành Niệm. Một bài pháp mà ai chuyên cần tu tập thì sẽ chứng đạo.

Trong kinh sách Phật giáo thường ca ngợi pháp môn Thân Hành Niệm, một pháp môn mà chúng tôi biên soạn thành một cuốn sách gối đầu nằm cho các tu sĩ lấy tên là: “Muốn Chứng Đạo Phải Tu Pháp Môn Nào?” Như vậy quý vị biết rằng pháp môn Thân Hành Niệm quan trọng đến bậc nào trong việc tu tập để được làm chủ sinh, già, bệnh, chết.

179. Định Không Tưởng

Người tu theo Phật giáo khi thân già yếu dễ bị đau nhức chỗ này hay chỗ khác, hoặc bệnh này bệnh khác. Ngay cả Đức Phật còn nói: “Ta nay già rồi tuổi đã tám mươi, ví như chiếc xe cũ, nhờ phương tiện sửa chữa, mà đi đến nơi, đến chốn. Nay thân Ta cũng vậy, nhờ sức phương tiện mà kéo dài mạng sống đến ngày nay.”

Nhờ sức phương tiện mà kéo dài mạng sống đến ngày nay. Vậy sức phương tiện là gì? Sức phương tiện là Định Không Tưởng. Nếu ai nhập được Định Không Tưởng thì thân được an ổn không đau nhức và tuổi thọ được kéo dài thêm như Đức Phật đã dạy: “Ta nhờ sự cố gắng mà đè nén được cơn đau. Hơn nữa Ta nhập Định Không Tưởng thì không còn nghĩ đến một điều gì, nên thân Ta an ổn không có đau nhức.” (Trường A Hàm tập I trang 120)

Định Không Tưởng là một loại thiền định của ngoại đạo, đó là Không Vô Biên Xứ Tưởng. Ngoại đạo có bốn loại định tưởng:

             1- Không Vô Biên Xứ Tưởng
             2- Thức Vô Biên Xứ Tưởng
             3- Vô Sở Hữu Xứ Tưởng
             4- Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Tưởng

Chỉ cần nhập được Không Vô Biên Xứ Tưởng là làm chủ được thân bệnh nhưng khi xả ra thì thân bệnh đau nhức trở lại bình thường. Ngược lại chúng ta nhập vào Chánh Niệm Tỉnh Giác Định trên Tứ Niệm Xứ thì thân có bệnh sẽ hết bệnh và thân không bệnh sẽ không bệnh.

Chánh Niệm Tỉnh Giác Định là một phương pháp gọt rửa tâm làm cho tâm quét sách ngũ triền cái và thất kiết sử. Do ngũ triền cái và thất kiết sử bị quét sạch nên tâm Bất Động không một ác pháp nào xen vào được. Nhờ thế tâm mới chứng đạo hoàn toàn, không còn trở lui trạng thái tâm thế gian nữa.

Định Không Tưởng chỉ là một pháp môn trốn tránh bệnh chớ không phải là một pháp môn đuổi bệnh như Bất Động Tâm Định, quý vị nên lưu ý.

180. Người Đệ Tử Chân Chánh

Chúng ta sinh ra cách Đức Phật 2553 năm (kể tới năm 2009 dương lịch) mà chúng ta tu hành làm chủ được sinh, già, bệnh, chết tức là chúng ta là đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật theo như lời Ngài đã dạy:

“Sau khi Ta diệt độ, người nào có thể hành đúng như thế, tức là đệ tử chân chánh của Ta, là người học đạo xuất sắc.” (Trường A Hàm tập I trang 121)

Đúng vậy, con đường tu tập của đạo Phật tưởng chừng như bị mất vì một lớp giáo lý của ngoại đạo đã phủ dầy lên che mất những lời dạy chân chánh của Đức Phật.

May thay trong thời đại chúng ta còn có người tu chứng, thật là hạnh phúc thay cho loài người còn đủ duyên với chánh pháp của Phật.

 Vậy chúng ta sinh ra trong thời này gặp được chánh pháp của Phật là một phước báu vô lượng. Do đó chúng ta hãy nỗ lực tu tập đừng biếng trễ bỏ qua một dịp may ít có.

Gặp được chánh pháp là khó, thế mà đã gặp được thì nên buông bỏ hết các pháp thế gian để thực hiện con đường giải thoát, ngõ hầu cứu mình ra biển khổ và cũng là làm gương sáng cho mọi người soi, để cùng nhau tiến bước trên đường về xứ Phật, để xứng đáng là người đệ tử xuất sắc nhất của Phật.

181. Mọi Vật Đều Vô Thường

Bước chân vào đạo Phật chúng ta được học Các Pháp Đều Vô Thường. Khi thấu hiểu Các Pháp Đều Vô Thường, đó là chúng ta đã có một Pháp Trí. Pháp Trí này giúp chúng ta thấu hiểu trên thế gian không có một vật gì thường hằng, nhờ đó chúng ta không còn chấp ngã, không còn dính mắc, không còn tham đắm dù bất cứ một vật gì nên chúng ta giải thoát hoàn toàn.

Chúng ta hãy nghe Đức Phật dạy: “Các ông hãy dừng cơn bi lụy, chớ ôm lòng buồn tủi, vì từ trời, đất cho đến người và vật không một ai sanh ra mà không chết, nếu các ông muốn cho pháp hữu vi không biến dịch, thì không thể có được.” (Trường A Hàm tập I trang 132)

Đúng vậy, quý vị hãy nhớ lời dạy này của Đức Phật. Ngài dạy tất cả mọi người khổ là do không biết các pháp Vô Thường nên ưu bi sầu khổ buồn tủi. Nhưng từ khi Đức Phật dạy các pháp đều Vô Thường nhưng sao mọi người nghe đều hiểu biết như vậy mà mọi người vẫn khổ. Đó là hiểu biết là hiểu biết, nhưng xả bỏ các pháp thế gian thì họ rất tiếc. Tại sao vậy? Vì họ không gan dạ, chí kiên cường không có nên không mạnh mẽ dứt khoát. Vì thế biết các pháp Vô Thường nhưng vẫn còn thấy thường hằng, còn dính mắc chấp ngã.

Muốn ra khỏi sự đau khổ thì ai cũng muốn, nhưng lìa bỏ các pháp thế gian thì không ai lìa được. Đức Phật biết chúng sanh khó dạy, nghe hiểu biết rồi để đó chớ không bao giờ làm theo lời dạy. Từ ngày Đức Phật ra đời đến nay là 2553 năm (tính vào năm 2009 dương lịch), mọi người đến với đạo Phật ai cũng biết Các Pháp Vô Thường, nhưng lại không buông bỏ. Có một bài kệ dạy buông bỏ rất hay:

             “Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
              Chớ giữ làm chi, có ích gì.
              Thở ra chẳng lại còn chi nữa,
              Vạn sự vô thường buông xuống đi!”

Theo như lời Phật dạy, dù chúng ta có muốn các pháp hữu vi không Vô Thường thì cũng không thể được vì nó là các pháp Vô Thường nên nó phải Vô Tthường, không ai làm nó thay đổi được. Cho nên có những tôn giáo luyện thuốc trường sinh bất tử, mong muốn sống lâu, đấy là ảo tưởng của một số tôn giáo giàu tưởng tượng, sống trong tưởng. Tiên đạo của Trung Hoa có vị nào trường sinh bất tử chưa? Hay chỉ lừa đảo mọi người, người tu theo Tiên Đạo thành hồn và xác. Thân ngũ uẩn này là pháp Vô Thường, cái gì trong thân ngũ uẩn này là cái hồn, cái gì là cái xác. Khi chết đi thân ngũ uẩn tiêu hoại không còn một vật gì cả, vì nó là các pháp Vô Thường.

Do một số tôn giáo không thấu hiểu cho trong thân con người có linh hồn. Các nhà khoa học cũng đã tốn biết bao nhiêu công sức để khám phá linh hồn có hay không. Nhưng cuối cùng cũng chỉ hoài công vô ích mà thôi. Người nào thấy thật các pháp Vô Thường là người chứng đạo bằng Pháp Trí và Tùy Trí. Bởi chỗ tâm Bất Động Thanh Thản An Lạc Vô Sự là chỗ sống của người chứng đạo. Chứng đạo của Phật giáo thật là đơn giản, người chưa tu tập cũng vẫn biết được tâm Bất Động.

Các tôn giáo tin có linh hồn là các tôn giáo giàu tưởng tượng, sống trong Tưởng, trong Vô Minh không biết các pháp Vô Thường, đó là tự ôm vào lòng những sự khổ đau mà không biết.

182. Chẳng Nên Tin Vào Tà Giáo

Chúng tôi dựa vào kinh sách Nguyên Thủy do Hòa Thượng Minh Châu dịch ra Việt ngữ mà xem lại kinh sách phát triển và kinh sách Thiền Tông thì những loại kinh này không phải là Phật thuyết mà do kiến giải của các Tổ viết ra, biết rõ được như vậy nên chúng tôi nói thẳng để giúp cho mọi người đừng lầm lạc.

Đó là một loại kinh sách giả hiệu Phật giáo. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy:

“Những điều tôi đích thân nghe từ Phật nói như thế thì các ông chớ nên không tin, chớ nên hủy báng. Nếu họ nói như thế thì các ông phải y cứ vào các kinh Nguyên Thủy để suy nghiệm điểm hư thật, hãy y cứ theo luật, theo pháp gốc Nguyên Thủy mà nghiên cứu tường tận ngọn nguồn lời nói ấy, nếu nhận thấy không đúng với kinh, với luật, với pháp thì hãy nói với họ: Đức Phật không có dạy những điều gì mà ông đã lãnh thọ. Ông đã lãnh thọ sai lầm đấy! Tại vì sao? Vì tôi đã y cứ vào kinh, luật, pháp mà so nghiệm thì nhận thấy lời ông trình bày không phù hợp với chánh pháp. Vậy này Hiền sĩ không nên thọ trì, không nên giảng dạy cho người khác và hãy từ bỏ.” (Trường A Hàm tập I trang 139)

Lời dạy trên đây không đủ minh chứng cho kinh sách phát triển và kinh sách Thiền Tông là không phải của Phật giáo. Vậy quý vị hãy từ bỏ nó dù quý vị có tu tập ngàn đời cũng chẳng có lợi ích gì cả.

183. Tứ Quả Sa Môn

Lần đầu tiên Đức Phật thuyết giảng và dạy cho năm anh em Kiều Trần Như pháp Tứ Diệu Đế, bài pháp ấy đã làm cho giáo pháp của ngoại đạo rơi rụng như lá vàng mùa Thu, làm cho tất cả giáo pháp của ngoại đạo không còn ai tin tưởng nữa. Bởi Phật pháp là chân lý của loài người dạy đâu có đó.

Chân lý thứ nhất: “Đức Phật nói con người trên thế gian này không ai là không Khổ, vì thế Khổ là một chân lý không ai dám phủ nhận.”

Chân lý thứ hai: “Đức Phật nói con người trên thế gian này không ai là không Dục, vì thế Dục là một chân lý không ai dám phủ nhận.”

Chân lý thứ ba: “Đức Phật nói con người trên thế gian này không ai là không có Tâm Bất Động, Thanh Thản, vì thế Tâm Bất Động, Thanh Thàn là một chân lý mà không ai dám phủ nhận.”

Chân lý thứ tư: “Đức Phật nói con người trên thế gian này muốn thoát mọi khổ đau thì phải theo chương trình giáo dục đào tạo của tám lớp tu học thì mới chấm dứt khổ đau.”

Nếu theo chương trình tu học này thì có bốn cấp chứng đạo rõ ràng. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy: “Nếu trong giáo pháp nào không có pháp Bát Chánh Đạo thì không có quả Sa Môn thứ thất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Nầy Tu Bạt, vì trong giáo pháp có Bát Chánh Đạo nên có bốn quả Sa Môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Nầy Tu Bạt nay trong giáo pháp Ta có Bát Chánh Đạo, có Sa Môn quả thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Trái lại trong giáo pháp của ngoại đạo không có quả vị Sa Môn.” (Trường A Hàm tập I trang 197).

Đúng vậy, chỉ có giáo pháp Bát Chánh Đạo của đạo Phật mới có bốn quả Sa Môn, ngoài giáo pháp của Đức Phật không bao giờ có quả Sa Môn. Nhờ có Bát Chánh Đạo mà chúng ta so sánh với giáo pháp của của kinh sách phát triển và Thiền Tông Trung Hoa thì chúng ta biết ngay chính những giáo pháp này không phải của Phật giáo.