153. Dẫn Tâm Vào Đạo
Hỏi: Thưa Thầy, hiện nay việc Thầy bố thí cho chúng con (các cư sĩ mới) được nghe băng giáo án tu tập 60 cuốn Thầy soạn, đa số đều mong muốn được nghe để tổng quát nội dung của giáo án Thầy giảng như thế nào. Nhưng ngược lại thì có một số đạo hữu nói là lúc này chưa nên nghe hết bộ, mà chỉ nên nghe mấy băng nói về Tam quy Ngũ giới, Mười thiện, nghe nhiều không biết đường nào tu. Thưa Thầy, trước hai quan điểm trên nên làm như thế nào để thống nhất làm một, con mong Thầy từ bi chỉ giáo cho chúng con.
Đáp: Trên hai quan điểm này đều có cái hay và cái dở của nó, hay dở là do người sử dụng quan điểm đó:
1- Quan điểm thứ nhất: nghe hết 60 cuốn băng để nghiên cứu kỹ đường lối tu tập của mình có đúng giáo lý của Đức Phật hay không? Về đường lối tu tập, tu pháp nào trước, pháp nào sau rồi đặt trọn niềm tin vào pháp mà tu tập không hề thay đổi đó là cái ưu của nó. Còn nghe hết 60 cuốn băng rồi lấy cái đó làm sự hiểu biết của mình để đi ra thuyết giảng lung tung, lúc nào cũng nói thiền nói định, nói giới nói luật, mà chẳng có một phút nào tu tập cả, đó là cái sai, cái khuyết điểm.
2- Quan điểm thứ hai: nghe Tam quy Ngũ giới, Mười thiện là trang bị cho mình một sự tu tập chưa đủ, nên cuối cùng là tu mù. Tu mà không rõ đường đi, không biết pháp hành như người mù rờ voi. Tu như vậy có hại chứ không có lợi, nhiều khi sanh ra bệnh tật khổ đau, làm khổ mình khổ người.
Còn tu mù như ông Bàn Đặc thì phải được ở bên người Thiện Hữu tri thức thì mới có lợi ích rất lớn, không bị kiến giải, không nhai lại bã mía của người khác. Muốn tu tập được như vậy thì phải sống một bên với Thiện Hữu tri thức, Người dạy cách thực hành, không có dạy lý thuyết nên hành giả tu mau tiến bộ, kết quả rõ ràng và cụ thể. Đó là cách thức dẫn tâm vào đạo. Ý này quan điểm thứ hai là ưu điểm. Ưu điểm này là người phải có đủ niềm tin với người Thiện Hữu tri thức, nếu thiếu niềm tin thì không thể thực hiện được.
Ngày xưa, ông Châu Lợi Bàn Đặc chỉ tin vào Đức Phật nên Đức Phật dạy như thế nào thì ông tu tập như thế nấy. Tu tập không làm sai lời dạy của Đức Phật, và Đức Phật cũng không dạy ông nhiều pháp, mà chỉ có dạy ông một pháp duy nhất, đó là “quét tâm” tức là tu tập Tứ Niệm Xứ có nghĩa trên thân, thọ, tâm và các pháp thường quán xét đẩy lui các chướng ngại pháp. Nhờ pháp quét tâm này, cuối cùng ông chứng quả A-la-hán. Đó là quan điểm tu mù, học tới đâu tu tới đó, nhưng phải hiểu pháp này, phải gần bên Thiện Hữu tri thức. Không có Thiện Hữu tri thức ở gần bên thì không được tu như vậy.
Phần đông thời nay, trước khi tu, đều là học giả nghiên cứu tất cả kinh sach phát triển và kinh sách thiền (sách thiền của các nhà học giả xưa và nay đều dẫm lại lối mòn của nhau) xưa kiến giải như vậy, nay cũng theo lối đó mà viết ra chẳng có kinh nghiệm gì cả, các Tổ nói sao thì nói lại cũng như vậy. Được xem đó là loại bánh in thuộc về bánh vẽ.
Tu mù có Thiện Hữu tri thức dễ kết quả và nhanh chóng hơn, không bị kiến giải của mình của người khác lừa đảo. Ngược lại không có Thiện Hữu tri thức mà tu mù là một điều nguy hiểm. Nếu không có Thiện Hữu tri thức hướng dẫn, là một khuyết điểm lớn về đường tu tập theo Phật giáo.
Hai quan điểm này nên bổ sung cho nhau. Nếu ở xa Thiện Hữu tri thức thì nên nghiên cứu nghe, đọc các pháp môn tu hành cho kỹ rồi mới thực tập tu hành. Còn có Thiện Hữu tri thức thì không cần nghe gì cả. Ông ta dạy sao thì nên tu như vậy.
Nghe học hiểu biết để tu tập cho giải thoát ra khỏi kiếp đời đầy ô trược và khổ đau, chứ không phải nghe hoặc hiểu biết để làm thầy thiên hạ dạy đạo, mà trong khi đức hạnh, giới luật, những oai nghi tế hạnh và thiền định của mình chẳng ra gì.
Đừng bắt chước hạnh nguyện Bồ Tát vừa tu vừa dạy người tu đó là kiểu dẫn nhau đi xuống địa ngục, cả Bồ Tát lẫn chúng sanh.
Dù học hỏi nghiên cứu hiểu biết rộng rãi bao nhiêu cũng không bằng “dẫn tâm vào đạo.” Dù ngu tối chẳng học thức, không nghiên cứu để hiểu biết rộng rãi, nhưng chỉ siêng năng chuyên cần “dẫn tâm vào đạo” thì tâm vẫn làm chủ sanh, già, bệnh, chết, hoàn toàn giải thoát, trở thành một bậc A-la-hán chẳng thua kém ai.
154. Cúng Dường Trai Tăng
Hỏi: Kính thưa Thầy! Cúng dường trai Tăng ý nghĩa như thế nào? Có được phước báo lớn không thưa Thầy?
Đáp: Cúng dường trai Tăng, tức là cúng dường thực phẩm và những vật dụng cần thiết cho đời sống của những tu sĩ cắt ái ly gia. Có nghĩa là giúp đỡ cho người tu sĩ sống đời sống phạm hạnh để tu tập đến nơi đến chốn. Cúng dường trai Tăng như vậy rất tốt, có nhiều phước báo. Vì đã giúp cho những bậc đạo đức chân tu thể hiện gương hạnh giải thoát, thể hiện đức hạnh làm người, khiến cho mọi người có chỗ học và sống đức hạnh giải thoát. Còn bây giờ trai Tăng cúng dường thì không đúng lời Phật dạy:
1- Trai Tăng cúng dường cầu siêu cho người chết để được vãng sanh Cực Lạc.
2- Trai Tăng cúng dường để được phước báo, làm ăn khá giả, giàu có.
3- Trai Tăng cúng dường bỏ tiền vào phong bì để biến tu sĩ phạm giới.
4- Trai Tăng cúng dường để nghe thuyết pháp lừa đảo.
Trong khi Đức Phật dạy: “Muốn ước nguyện cầu một điều gì thì cần phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì ước nguyện ấy sẽ thành tựu.”
Ước nguyện cầu mong Phật dạy là phải tự lực hành thiện pháp (theo luật nhân quả), còn cúng dường cầu nguyện để nhờ công đức tu hành của chư Tăng (nhờ tha lực) thì đạo Phật không chấp nhận.
Cho nên, Đức Phật dạy cúng dường cho bậc chân tu thì có lợi ích lớn, là nhờ gương hạnh tu hành của Người, mà ta thực hiện được đời sống thiện, nên ước muốn ta đạt thành, không phải từ tha lực của bậc chân tu mà phải do tự lực làm thiện của chính chúng ta mà thành sở nguyện.
Đạo Phật rất khó, nếu chúng ta hiểu sai, biến đạo Phật thành ngoại đạo phi đạo đức, sống nhờ vào tha lực. Nếu ta hiểu đúng, luôn tự cứu mình, cứu người thì đó là đạo Phật chân chánh. Vì thế, trai Tăng cúng dường theo kinh sách phát triển thường cầu tha lực nên biến Phật giáo thành ngoại đạo, tà giáo.
Người phật tử chân chánh luôn phải dùng sức tự lực, nêu cao đức hạnh tự lực làm sáng tỏ Phật pháp. Nếu chúng ta đi ngược lại, luôn cầu tha lực là ta thuộc về tín đồ ngoại đạo Bà La Môn.
Người phật tử nên cảnh giác và nhớ lời dạy này để duy trì mạng mạch của Phật pháp, và cứu mình, cứu người thoát khỏi mọi thủ đoạn âm mưu lừa đảo của tà giáo mê tín lạc hậu.
Hỏi: Kính thưa Thầy, nếu con người không ăn thịt chúng sanh thì trên trái đất này gà, vịt, bò, chó, ngựa, cá tôm, và tất cả loài động vật khác, sẽ sinh sôi nẩy nở chật đất, nhất là gà, vịt, heo, dê, bò, ngựa thì nhà cửa đất đai ở đâu chứa cho hết?
Đáp: Theo định luật nhân quả, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Khi người ta càng ăn thịt chúng sanh, thì chúng sanh lại càng sanh ra nhiều hơn nữa. Nếu người ta không ăn thịt chúng sanh thì chúng sanh lại không sanh ra.
Tại sao vậy? Vì chúng sanh có sanh ra tức là có diệt mất. Cho nên có sự tàn nhẫn sát hại và ăn thịt chúng sanh thì chúng sanh phải chịu mọi sự khổ đau sinh ra. Đó là nhân ác, là những hành động ác của mọi người. Chính những hành động ác đó tạo ra nghiệp quả khổ, và nghiệp quả khổ này chiêu cảm, tương ưng liền sanh ra tất cả loài chúng sanh để trả quả giết hại do mọi nguời tạo tác, bằng cách để cho chúng sanh khác, giết chúng ta ăn thịt trở lại.
Nếu chúng ta không giết hại và không ăn thịt chúng sanh, thì chúng sanh không sanh ra, đó là nhân quả thiện. Do nhân quả thiện nên không có chúng sanh sinh ra để ăn thịt lẫn nhau trở lại. Nếu con người không ăn thịt chúng sanh, thì trên quả đất sẽ không có chúng sanh hung dữ, độc hại, chỉ có chúng sanh hiền lành và số lượng sanh ra rất ít.
Tại sao vậy? Khi con người không giết hại và ăn thịt chúng sanh thì tâm của họ ít dục hơn; tâm dục ít hơn thì sự sanh sản ít hơn. Do đó, nếu con người không ăn thịt chúng sanh thì trái đất này không bao giờ có tràn ngập chúng sanh. Bằng chứng, con người hiện giờ vì ăn thịt chúng sanh, nên tâm ác nhiều và tâm dục thì dẫy đầy, nên con người cũng sanh nhiều để thọ lấy quả khổ cùng nhau.
Con người ít dục thì sự sanh sản cũng ít, sanh sản ít thì việc làm ác cũng ít, và chúng sanh sinh ra cũng ít. Với đôi mắt phàm phu của con người, chúng ta không nhìn thấu hết qua lốt nghiệp của mỗi chúng sanh.
Ví dụ, một người đang cắt cổ một con gà, tiếng con gà kêu là do người ấy nhẫn tâm vặn tréo hai cánh con gà, đạp dưới chân rồi tiếp tục cắt cổ, con gà giẫy giụa với toàn sức lực của nó, nhưng không làm sao thoát khỏi bàn tay hung ác của con người. Người giết con gà ấy, đâu có biết rằng, có thể mình đang cắt cổ mẹ mình. Khi còn sống bà thường giết gà cách này để làm thực phẩm ngon cho các con ăn, bây giờ trả quả thì chính các con của bà đã cắt cổ bà để làm thịt bà cho con chúng nó ăn, tức là cháu bà.
Luật nhân quả vay một mạng con gà chết, phải trả 10 mạng con gà ở kiếp hiện tại và còn tiếp tục mang kiếp con gà ở kiếp sau nữa và còn nhiều kiếp sau hơn nữa, tức là phải chịu cắt cổ nhổ lông và nhúng nước sôi 10 lần, 100 lần, 1000 lần. Ở trên đời này, chúng ta làm một điều ác thì phải trả quả 10 lần, 100 lần, 1000 lần, cho nên chúng sanh càng ăn thịt thì loài vật cũng sanh ra nhiều để trả quả. Phần nhiều những người ăn thịt chúng sanh là họ đang ăn thịt ông bà, cha mẹ, những người thân quyến thuộc của họ đang tái sanh làm kiếp súc sanh trả quả ăn thịt chúng sanh ngày xưa.
Đức Phật dạy: “Được làm thân người là đã vay một món nợ rất nặng. Một món nợ phải trả bằng mười, bằng trăm.”
Ví dụ, ta ăn một con cá mà phải tái sanh làm một trăm con cá, một trăm lần chết trên chảo dầu sôi nước bỏng, và bị cắt cổ nhổ lông vô số vô lượng lần, chừng nào trả hết quả của kiếp làm người, đã giết và ăn thịt chúng sanh thì mới được sinh làm người. Như vậy, thử hỏi trong một đời người, chúng ta đã giết và ăn thịt bao nhiêu chúng sanh? Số lượng cũng khó mà lường được, phải nói là quá nhiều, nhiều không thể đếm được. Như vậy, muốn làm người rất là khó, phải trả hết nợ máu xương này rồi mới được đi tái sanh làm người trở lại.
Hỏi: Kính thưa Thầy, người ta bảo, sát nhân thì nhân oán, sát vật thì hóa kiếp nó khỏi làm chúng sanh. Vậy có đúng không? Xin Thầy dạy cho chúng con biết.
Đáp: Sát nhân thì nhân oán, câu này chỉ đúng có một phần ba. Giết người có ba quả:
1- Thân nhân của người chết sẽ thù oán.
2- Giết người, bị tù tội có khi bị tử hình.
3- Đời sau sẽ bị người khác giết hại, hoặc ngay trong kiếp này cũng phải bị trả quả bị người khác giết.
“Sát vật là để hóa kiếp loài vật.” Câu nói này không đúng, đó chỉ là cách lý luận để che đậy tội ác của mình. Là con người cũng như các loài động vật khác, khi sanh ra đều do nghiệp lực nhân quả, đều có một sự sống như nhau, đều có cảm giác đau khổ, vui sướng như nhau, và không có loài vật nào mà không sợ chết. Thế sao lại bảo giết chúng chết để hóa kiếp cho chúng? Chúng hóa kiếp sẽ làm loài vật gì?
Theo như sự tưởng hiểu của quý vị, giết chúng sanh chết để chúng được hóa kiếp đi tái sanh luân hồi, để được sanh ra làm người, có phải vậy không? Vậy có người giết chúng ta, để chúng ta được hóa kiếp đi tái sanh làm chư Thiên, có phải sung sướng hơn không? Vậy tại sao “giết nhân, lại nhân oán” như vậy câu này có đúng không?
Khi chết, chúng ta cũng mong hóa kiếp để được làm chư Thiên. Muốn hóa kiếp sanh vào cõi thiện thì phải làm điều lành, cớ sao lại giết hại sanh mạng chúng sinh? Sát sanh hại mạng là kết thêm thù oán mà thôi.
Trên đây là những lý luận giết hại chúng sanh để ăn thịt, bằng cách dùng những danh từ lừa đảo chính họ và người khác, để thấy mình không có làm ác giết hại chúng sanh. Tại sao cướp mạng sống của chúng sanh lại gọi là hóa kiếp, mà cướp mạng sống con người thì thành thù oán? Đó là sự vô minh của loài người có trí khôn biện luận làm những điều ác đức. Con người sanh ra hơn các loài cầm thú khác là nhờ ở trí tuệ. Trí tuệ đó, nếu sử dụng trong ác pháp, thì nó trở thành một vũ khí giết tất cả chúng sanh và có thể hủy diệt cả loài người. Trí tuệ này dùng lý luận để che đậy tội ác, nếu không được học tập và rèn luyện đạo đức thì nó là một vũ khí độc hại và quả đất này sẽ bị nó hủy diệt.
Trong thế kỷ 21 này, nếu không xây dựng cho con người một nền đạo đức nhân bản kịp thời để chặn đứng trí tuệ hung ác của loài người thì hành tinh này sẽ bị hủy diệt, như các nhà tiên tri đã báo động “tận thế .” Những trận thủy tai, động đất, không phải con người làm ra sao?
Tóm lại, câu “sát nhân thì nhân oán, sát vật thì để hóa kiếp chúng sanh của nó” là lối lý luận để che đậy tội ác của con người, để tự do tàn sát chúng sanh mà chẳng sợ tội lỗi gì cả.
157. Tu Hành Tránh Pháp Ức Chế Tâm
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong đời sống của người cư sĩ con nhận thấy mình phải tập bớt ăn bớt ngủ. Về ăn, con nên giảm bữa ăn sáng trước hay bỏ bữa ăn tối trước, như thế nào tốt hơn? Khi đã quen hai bữa mà không yếu sức khỏe, thì có thể giảm xuống một bữa ngay tại đời sống cư sĩ không? Con đang chuẩn bị để tăng dần “hành trang” thuận lợi cho giai đoạn sống ở tu viện. Kính xin Thầy chỉ dạy.
Đáp: Muốn sống một đời sống phạm hạnh thì hãy sống đúng lời dạy của Đức Phật, nhưng muốn sống đúng lời dạy của Đức Phật thì phải hết sức tránh sự ức chế thân tâm. Giáo pháp của Đức Phật là giáo pháp xả tâm, nếu không khéo tu sai lệch sẽ bị ức chế tâm. Phần đông, tu sĩ hiện giờ tu sai lệch rơi vào pháp ức chế tâm mà không biết. Sự giảm thiểu bớt ăn, bớt ngủ, tức là phải thay thế bằng một việc làm khác!
Ví dụ: hàng ngày lúc 9 giờ ta đi ngủ, bây giờ ta chỉ cần thức thêm 5 phút, 10 phút. Trong khi thức thêm thì ta nên tập tỉnh thức và xả tâm, trong khi đi kinh hành, vừa đi vừa nhắc xả tâm “Quán ly tham tôi biết tôi đi kinh hành.” Mới đầu chỉ tập thức thêm 5 phút, rồi tăng dần lên 15 phút, cho tới 30 phút. Đó là cách thức tập bớt ngủ.
Ăn cũng vậy, mỗi sáng, mọi người đều có điểm tâm. Ta có thể bớt bữa sáng, ăn buổi trưa và chiều. Bữa ăn trưa hoặc chiều cả gia đình có thể ăn cùng một lúc. Muốn cho gia đình đầm ấm yên vui và hạnh phúc thì buổi ăn là buổi tập họp gia đình, cố gắng sắp xếp để mọi người đều hiện diện trong bữa cơm, ta không nên vì sự tu tập mà làm mất sự sum họp gia đình. Vậy, trong ba bữa ăn, con nên khéo léo để tạo hoàn cảnh sum họp gia đình yên vui và hạnh phúc. Chỉ một hành động nhỏ như vậy mà không cân nhắc kỹ khiến bữa ăn trong gia đình buồn tẻ. Đạo Phật là đạo trí tuệ, không làm khổ mình khổ người, tạo cảnh tu tập cho mình mà luôn luôn làm cho mọi người vui, tức là tu thiền định xả tâm.