135. Chỉ Cần Có Tâm Tàm Quý Là Tu Chứng Đạo
Hỏi: Kínk thưa Thầy, thiền sinh đang tu mà phạm nhiều lỗi lầm, phá hạnh độc cư, ăn ngủ phi thời v.v... Nếu biết hối cải với tâm tàm quý. Biết xấu hổ về lỗi lầm của mình, biết sửa đổi tâm tánh thì trên đường tu tập có gì trở ngại và có thể đạt được cứu cánh hay không?
Đáp: Người tu hành có lỗi, biết xấu hổ và sợ hãi (tàm quý) lỗi lầm đó thì cố gắng sửa đổi tâm tánh và từ bỏ các ác pháp, hằng ngày luôn giữ gìn không cho tái phạm những lỗi lầm cũ thì người này sẽ tu hành không có trở ngại gì và kết quả sẽ chứng đắc như những người khác.
Danh từ xấu hổ nghe thì rất dễ, nhưng mấy ai biết xấu hổ khi đã làm những điều sai quấy. Thường người ta làm sai quấy lỗi lầm, nhưng ít có người dám nhận sự sai quấy, lỗi lầm của mình, cứ mãi cố gắng che đậy và tự bào chữa cho mình là không sai quấy lỗi lầm. Luôn luôn lúc nào cũng dối quanh, dối quất đổ lỗi cho kẻ khác. Vì không đủ can đảm nhận lỗi những sự sai quấy của mình, cho nên hai chữ xấu hổ chỉ để nói cho vui chơi, chứ không áp dụng vào đời sống của ai được cả, nếu kẻ nào biết áp dụng xấu hổ vào sự lỗi lầm, sai quấy của mình, không sớm thì muộn người ấy sẽ trở thành những bậc Thánh Hiền.
Chỉ có hai chữ “xấu hổ” mà trên đời này ai là người đã thực hiện được xấu hổ để sửa sai những lỗi lầm của mình, cũng như hai chữ “độc cư”, mấy ai đã làm được. Nếu trên đời này ai là người biết xấu hổ mà đừng che dấu, biết sửa sai những lỗi lầm của mình thì người đó là người đạo đức trọn vẹn, là người tốt nhất trong xã hội, là người ly dục ly ác pháp, là người dễ thành tựu Sơ Thiền của Phật. Cho nên Đức Phật đã dạy: “Ta có một pháp đưa con người đến cứu kính giải thoát, đó là pháp Tàm Quý.” Trong Phật pháp, khi một người tu hành có làm những điều lỗi lầm mà biết xấu hổ sửa sai là tương lai người ấy sẽ chứng đạo, sẽ trở thành những bậc Thánh nhân.
Bậc Thánh nhân là những người biết xấu hổ, biết sửa sai; biết xấu hổ, biết sửa sai tức là biết độc cư; độc cư tức là sống trầm lặng. Sống trầm lặng, tức là cuộc sống Thánh thiện; cuộc sống Thánh thiện là cuộc sống của những bậc Thánh nhân, cho nên người phàm phu tầm thường không thể nào sống độc cư nổi. Sống không nổi hạnh độc cư thì đừng hòng đi tìm con đường giải thoát của đạo Phật mà có được. Con đường ấy không thể để dành cho những kẻ còn tâm ham vui, ưa thích dục lạc thế gian; con đường ấy không thể để dành cho những kẻ tâm còn ràng rịt bởi những sợi dây tình cảm luyến ái; con đường ấy không thể để dành cho những kẻ thiếu đạo đức, thiếu đức hạnh.
136. Mọi Người Đều Là Tu Sĩ Đi Ăn Xin Thì Thế Gian Này Sẽ Ra Sao?
Hỏi: Kính thưa Thầy, giả sử cả đất nước này đều là những người xuất gia tu hành theo đạo Phật ba y một bát đi xin ăn, thì ai là người trồng cây và sản xuất ra lương thực và thực phẩm. Vậy phải xin ăn ở đâu? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Câu hỏi của con chỉ là một giả thuyết, chứ không bao giờ có hiện thực. Giả sử nếu có thật đi nữa, thì điều này không khó con ạ! Từ các cấp lãnh đạo trong nước cho đến toàn dân đều tu hành theo đạo Phật hết thì con nên nhớ: “Đạo Phật là đạo trí tuệ.” Khi trường hợp ấy xảy ra thì các nhà lãnh đạo trong nước sẽ chia tu sĩ thành hai dòng tu:
1- Dòng tiếp hiện; 2- Dòng chuyên tu
Dòng tiếp hiện tổ chức giữ gìn trật tự, an ninh bờ cõi và sản xuất lương thực, thực phẩm, giúp đỡ cho dòng chuyên tu có thực phẩm sống hằng ngày, ngày một bữa để thực hiện chiều sâu của Phật pháp. Nếu những tu sĩ dòng chuyên tu, tu hành đã xong, thì rời khỏi dòng chuyên tu, để thay thế cho những tu sĩ dòng tiếp hiện, giữ chức vụ, vai trò thực hiện để tiếp tục giữ gìn an ninh đất nước và sản xuất, lương thực, thực phẩm, v.v...
Vậy, lúc bấy giờ tu sĩ chuyên tu có chỗ, nơi đi khất thực và có tổ chức hẳn hòi, chứ có gì đâu mà sợ không có thực phẩm để sống tu hành. Đó là một điều kiện được đặt ra giả thuyết cho mọi người trên hành tinh này đều là tu sĩ Phật giáo hết thì việc tổ chức hai dòng tu như vậy là hợp lý.
Dù con người có tu hay không tu, khi mà có người theo tôn giáo tu hành, thì sự tổ chức của tôn giáo phải có chia làm hai dòng tu, thì tôn giáo đó mới bảo đảm cho những người theo tu hành, còn nếu không có tổ chức như vậy thì tôn giáo ấy phát triển không vững vàng, có lúc thịnh, có lúc suy như tôn giáo Phật giáo hiện giờ. Sự tổ chức của Phật giáo hiện giờ thiếu chặt chẽ, phát triển theo anh hùng cá nhân, không phải phát triển theo tập thể. Một tôn giáo tổ chức phát triển theo tập thể có chiều sâu và có chiều rộng thì thế đứng vững vàng, còn phát triển theo anh hùng cá nhân, khi cá nhân ấy mất đi, hoặc làm một điều gì mất uy tín thì tôn giáo ấy sẽ bị suy vong và sụp đổ.
Cho nên, đứng về mặt tôn giáo, muốn tôn giáo đó hưng thịnh mãi mãi thì phải xây dựng nền kinh tế của tôn giáo đó vững vàng và mỗi tín đồ phải được trang bị học tập và trau dồi đức hạnh. Một nền đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người, có được như vậy thì tôn giáo ấy mới sống mãi trường tồn với loài người.
Trên thế gian này nếu có một tôn giáo biết tổ chức được như vậy, thì loài người trên hành tinh này sẽ sống trong cảnh Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn thực tế, chứ không phải còn là một giấc mơ mà con người hằng mơ ước từ bao thế kỷ nay.
Đối với con người trên thế gian này nếu tất cả đều biết tu hành theo Phật giáo sống thiện, sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì phước báu vô lậu vô lượng nên cây cỏ thảo mộc tự ra hoa trái đầy đủ sung mãn nên có lo gì đến sự đi khất thực. Phải không con?
137. Lục Căn Hư Hoại
Hỏi: Kính thưa Thầy, những người bị hư hoại lục căn, nhưng trí tuệ không bị hư hoại có ảnh hưởng gì trong việc tu tập theo đạo Phật không?
Đáp: Xưa, thời Đức Phật còn tại thế, người đau bệnh cùi, cụt tay, cụt chân, Đức Phật vẫn nhận họ làm đệ tử tu hành xuất gia và những vị này đã tu hành chứng quả A-la-hán. Thời nay các Tổ biên soạn giới luật, người cụt tay, cụt chân, chột mắt, nói chung là lục căn bị hư hoại thì không được thọ đại giới như những người khác, chỉ có cho thọ giới Sa Di mà thôi.
Đạo Phật là đạo trí tuệ, nếu ai có trí tuệ biết giữ gìn giới luật đức hạnh sống đúng đời sống Phạm hạnh như Phật, biết sửa những sự sai quấy lỗi lầm, biết xấu hổ khi phạm phải giới luật, biết ngăn ngừa các việc làm ác, biết ly dục ly ác pháp, biết xả tâm diệt ngã, thì dù cụt tay, cụt chân, chột mắt, đui mù, mẻ sứt, khuyết tật thì cũng vẫn tu chứng đạo không ảnh hưởng gì trong sự tu tập theo đạo Phật cả.
Đời sau, người ta cho những kẻ thiếu căn là những người phước mỏng không được thọ Đại Giới của Phật giáo, tức là không được có mặt trong hàng giáo phầm như: Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng v.v...
Trong thời Đức Phật, người ta tu hành chỉ cần chứng đạo xong thì người ấy được gọi là Trưởng Lão, còn người tu chưa chứng dù có tuổi đạo bao nhiêu cũng không được gọi là Trưởng Lão. Đạo Phật không có giai cấp trong hàng giáo phẩm, chỉ có một giai cấp tu chứng Ba Minh mà thôi. Từ con người phàm phu, bình thường đến tu chứng gọi là Trưởng Lão.
Đạo Phật ra đời nhằm phá giai cấp của loài người trên hành tinh này, để đem lại sự bình đẳng cho mọi người như nhau không phân biệt nam, nữ. Thế mà bây giờ đạo Phật lại có giai cấp trong hàng giáo phẩm để lãnh đạo Giáo Hội, chứ không phải tu hành chứng đắc mà chỉ có học thức và tu lâu năm thì lên chức Thượng Tọa, Hòa Thượng, nhưng lại có bà Thượng Tọa và bà Hòa Thượng, thật là đau lòng cho Phật giáo ngày nay. Có nhà thơ đã châm biếm tu sĩ Phật giáo “Tu lâu cũng thành sư cụ”. Không thành đạo quả mà lại thành sư cụ thì thật là xấu hổ vô cùng.
Đức Phật đã nhìn thấy thân người do bốn đại hợp thành, nó dòn bở không bền chắc và bất tịnh, uế trược, hôi thối, chỉ tạm bợ sống 100 tuổi là cao. Đức Phật ví thân này như chiếc bè mượn nó để sang sông, dù thân người có chột mắt, cụt tay, cụt chân v.v... vẫn mượn làm bè sang sông cũng tốt vậy, chỉ sợ người ấy không có trí tuệ thì không tu được, còn có trí tuệ là còn tu được.
138. Ý Thức
Hỏi: Kính mong Thầy từ bi chỉ dạy cho con được rõ, nhà khoa học cho rằng thân con người nhờ bộ não điều khiển hoạt động. Một em bé lấy đồ chơi ra chơi rồi xếp trở lại, khoa học cho đó là bộ não điều khiển chứ em bé không biết gì?
Đáp: Não bộ của con người là ý căn, ý căn hoạt động sinh ý thức. Khoa học bảo rằng, bộ não điều khiển chứ em bé không biết là sai. Bộ não (ý căn) hoạt động sinh ra ý thức, tức là em bé biết việc làm của em bé.
Ý thức, tức là sự hiểu biết của con người. Nhưng ý thức chỉ là cái biết của thân chứ không phải cái biết của tưởng, của tâm. Cái biết của tưởng là khi chúng ta nằm ngủ chiêm bao. Cái biết của tâm là khi chúng ta nhập định Tứ Thiền và thực hiện Ba Minh. Ba cái “biết” này đều do bộ não hoạt động, khi thân hoạt động bình thường như mọi người thì một số tế bào não bộ làm việc, còn các tế bào não bộ khác đều ngưng nghỉ. Khi chúng ta ngủ các tế bào não ý thức ngưng nghỉ, nhường lại cho các tế bào não tưởng hoạt động tạo thành giấc mộng. Trong giấc mộng chúng ta cũng nghe, thấy, biết, đó gọi là “tưởng thức.”
Khi chúng ta nhập định Tứ Thiền thì số tế bào não bộ tâm thức làm việc, thì lúc bây giờ các tế bào não ý thức và tưởng thức đều ngưng nghỉ, do đó chúng ta nhập định tịnh chỉ hơi thở mà không chết và thực hiện Ba Minh.
Ý căn, tức là não bộ, não bộ rất quan trọng cho cuộc sống con người, vì nó là bộ máy chỉ huy và điều khiển toàn thân tâm theo dục vọng. Ngược lại người biết tu hành, biết sử dụng nó không theo dục vọng lại càng được lợi ích và quan trọng hơn nhiều, tức là làm chủ được sự sống chết và chấm dứt sự tái sanh luân hồi; giải phóng được sự khổ đau, chấm dứt mọi phiền toái và lợi ích nhất là có một cuộc sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người.
Tóm lại, người tu sĩ theo đạo Phật mà biết sử dụng bộ óc của mình, chủ động điều khiển hành động thân, miệng, ý, lúc nào cũng thể hiện trong thiện pháp thì tâm sẽ được thanh tịnh hoàn toàn ly dục ly ác pháp. Nhờ đó mà nhập các loại định để đi đến chỗ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Ngược lại, không biết sử dụng bộ óc, để bộ óc tự động điều khiển theo tâm dục thì muôn vàn ác pháp và khổ đau đưa đến cho mình và cho mọi người.
139. Tu Sai Hay Đúng?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Cứ theo lời Thầy dạy con tu như vậy, thời gian sau Thầy bảo rằng con tu sai, thì con cũng hơi buồn.
Đáp: Đúng lời Thầy dạy thì các con chỉ tu đúng được phân nửa, còn một phân nửa thì tu chưa đúng.
Thầy bảo các con ăn ngủ và độc cư cho nghiêm chỉnh thì các con lại không sống đúng. Ăn ngủ thì còn tạm được, độc cư thì không trọn, cứ phóng tâm hết chuyện này đến chuyện khác. Từ khi về tu viện đến giờ các con không sống độc cư, tự để tâm phóng dật hội họp nhau nói chuyện mà bảo rằng tu đúng thì đúng chỗ nào? Người mà không phòng hộ sáu căn, không chấp nhận sống độc cư thì dù có tu ngàn kiếp cũng chẳng đi đến đâu được, chỉ hoài công vô ích mà thôi.
Dạy xả tâm ly dục ly ác pháp, thì các con lại ngồi thiền nhiều để ức chế tâm. Như vậy có tu theo đúng lời Thầy dạy không? Thiện hữu tri thức nhắc nhở cho mình tu tập, thì lại hờn giận, oán trách, nói xấu. khiến cho Thầy không muốn dạy ai cả.
Vậy có thể buồn Thầy hay buồn chính bản thân con, không hành đúng theo lời dạy của Thầy? Đáng trách nơi con hay là Thầy? Các con tu tập không thấy trách nhiệm bổn và phận của mình, khi về đây tu tập chính là mục đích phải đạt được là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ; là làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.
140. Ý Thức Phân Biệt Và Tỉnh Giác
Hỏi: Kính thưa Thầy! Ý căn tức là não bộ cộng với thức điều khiển mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý sanh ra phân biệt mới có dục, do dục mới có tham, sân, si, phiền não.
Tỉnh giác là đang sống với thức hay là trí. Tỉnh giác trong mọi hành động, việc làm, có phải đó là ý thức hay tri thức. Con chưa rõ cái nào là thức, cái nào là trí, kính mong Thầy chỉ dạy cho con hiểu?
Đáp: “Ý căn” tức là não bộ. Não bộ hoạt động tức là “ý thức.” Ý thức là một trong sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Thân tứ đại hoạt động nhờ sáu thức này nên gọi là “sắc thức.”
“Sáu căn” tiếp xúc “sáu trần” sanh ra “sáu thức”, sáu thức dính mắc sáu trần sanh ra dục, từ dục sanh ra các ác pháp (tham, sân, si), do nguyên nhân này tạo (tập họp) ra muôn thứ khổ.
Tỉnh giác, tức là ý thức không bị tưởng xen vào, chứ không phải tỉnh giác sống với thức mà tỉnh giác là tỉnh táo trong các niệm, biết rõ ràng các niệm không bị ảnh hưởng những sự hiểu biết sai lầm ảo tưởng hư tưởng của người khác; không bị những hiểu biết do ngũ dục lạc sai bảo, cám dỗ và lôi cuốn vào ác pháp.
Tỉnh giác trong mọi hành động và việc làm là ý thức đang sống trong hiện tại với các đối tượng và việc làm.
Tỉnh giác là ý thức không bị mê mờ trước các pháp và bị lung lạc trước các cảm thọ do dục. Tỉnh giác là trí thức tỉnh táo sáng suốt. Trí thức tỉnh táo sáng suốt chính là chánh niệm.
Chánh niệm tức là sự hiểu biết rõ niệm thiện niệm ác đó, biết rõ niệm thiện niệm ác đó là do trí thức.
Tỉnh có nghĩa là sáng suốt bình thản, không u mê; giác có nghĩa là đang quan sát, nó chỉ biết trong hành động đang làm và đang quán xét để phân loại hành động thiện hay ác. Cho nên trí thức là sự hiểu biết đã thấu suốt niệm thiện ác, nên thường ở trong chánh niệm.
Tóm lại, trí không phải là thức, thức không phải là trí. Thức là sự hiểu biết, nhưng chưa có sự phân biệt, còn trí là sự hiểu biết có phân biệt thiện ác rõ ràng. Trí tức là chánh niệm, còn thức chỉ là tỉnh thức, tỉnh táo chứ chưa có trí tuệ Ba Minh. Nếu trí hiểu về Tứ thiền sinh là trí tuệ thuộc về Ba Minh, còn trí hiểu về giới luật là tri thức trí tuệ tri kiến giải thoát.
Trí tuệ tri kiến giải thoát tức là tri kiến tỉnh thức thuộc về tri thức mà Đức Phật đã xác định trí tuệ tri kiến như sau: “Trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu là tri kiến ở đó; trí tuệ làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh trí tuệ. Ở đâu có trí tuệ thì ở đó có giới luật.” Như vậy trí tuệ của giới luật là tri kiến giải thoát. Phải không các con?
Ở đây nếu các con hiểu rõ tri thức là Trí tuệ tri kiến giải thoát do từ giới luật sinh ra thì không còn hiểu lầm trí tuệ Ba Minh do định sinh ra như Đức Phật đã dạy: Định sinh Tuệ.