Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 34 (129).

129. Thư Hỏi Đạo Của Minh Hoàng

            Kính gửi các vị đạo hữu ở tu viện.

            Trước tiên tôi vô cùng cảm ơn các vị đạo hữu đã làm trang web này phổ biến chánh pháp của Đức Phật. Không biết qua trang web này tôi có thể hỏi Thầy một số điều nghi vấn không ạ! Nếu có thể rất mong các đạo hữu gửi câu hỏi của tôi đến cho Thầy, vô cùng cảm ơn các bạn.

            Thưa Thầy! Gần đây đại dịch cúm gà đang trở thành một mối đe dọa khủng khiếp cho toàn nhân loại, dự tính nó sẽ giết chết hằng triệu người. Vậy đây có phải là do nhân ác của loài người vẫn ăn thịt động vật không ạ, ngày nay nó quay lại tiêu diệt loài người chăng? Với đôi mắt nhân quả của Thầy, xin Thầy chỉ rõ làm thế nào có thể ngăn chặn đại dịch này, cứu giúp hằng triệu người trên thế giới. Con tin rằng nếu loài người nhận thức được về quy luật nhân quả ấy một cách khoa học, họ sẽ giảm rất nhiều các hành động ác của mình, trong đó có việc giết hại động vật. Vậy Thầy có thể, bằng trí Tam Minh của mình, giúp đỡ các nhà khoa học để họ chứng minh phần nào quy luật nhân quả không ạ! Hoặc là hiển thị thần thông giáo hóa, chỉ rõ cho loài người những tai hại, những hành động ác của mình. Vì thật ra chỉ có ít người tin vào luật nhân quả, đơn giản vì chưa có sự chứng minh xác đáng nào, họ không tìm thấy mối liên hệ giữa việc sát sinh và bị giết hại. Hơn nữa những người biết đến bộ sách Đường Về Xứ Phật là rất ít, nhưng nếu định luật nhân quả được đăng trên một tạp chi khoa học thì sẽ rất nhiều người biết đến, phải chăng là sẽ có ích hơn không ạ!

            Rất mong Thầy, bằng trí tuệ và pháp luật của một vị A-la-hán, giúp mọi người hiểu rõ hơn ạ!

            Kính mong các đạo hữu gửi câu hỏi này đến cho Thầy giùm tôi, vô cùng cảm ơn các bạn.

            Kính gửi: Minh Hoàng   

          Thầy đã nhận được thư con, nhưng mãi đến hôm nay con và mọi người mới nhận được thư trả lời của Thầy. Thầy xin lỗi các con đã để cho các con chờ đợi, thật là một điều ngoài ý muốn của Thầy. Vì gần đây Thầy rất bận nhiều việc..., nhất là việc mở lớp đào tạo những người tu để làm chủ: sanh, già, bệnh, chết, nên phải hướng dẫn hành giả triển khai tri kiến giải thoát bằng Định Vô Lậu và còn phải kiểm tra cách thức tu tập nhiếp tâm và an trú tâm trong thân hành nội, ngoại tức là tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định. Cho nên khi nhận được thư thưa hỏi và lời thiết tha kêu gọi Thầy cứu giúp mọi người của con, mà Thầy không trả lời được thật là phụ lòng, không những phụ lòng con mà còn phụ lòng nhiều người nữa. Nhưng quá bận việc Thầy không biết làm sao hơn, mong con cảm thông.

            Kính thưa các bạn! Hiện tượng đại dịch cúm gia cầm là một hiện tượng trong nhiều hiện tượng của nhân quả đang xảy ra trên hành tinh này mà loài người là nói riêng, còn tất cả chúng sanh là nói chung. Vạn vật trên hành tinh này đã và đang trả những quả ác mà chính họ đã gieo nhân không thiện, cho nên họ đã được trừng trị theo quy luật công lý, công bằng của đạo luật này.

            Kính thưa các bạn! Nhân quả là một đạo luật duyên hợp thành hoại của vạn vật trong vũ trụ. Vì thế vạn vật có mặt trên hành tinh này là do các duyên hợp lại mà thành và khi vắng mặt cũng đều do các duyên tan rã mà hoại. Do duyên thành hoại nên nó rất rõ ràng, cụ thể chân thật, vì thế gọi nó là khoa học. Luật nhân quả không có một người nào đứng ra xử phạt, chỉ theo hành động thiện ác nhiều ít của mọi người mà lãnh quả khổ vui nhiều ít. Và cũng vì thế nó rất công bằng và công lý. Cho nên nhân quả không có gì là mơ hồ, trừu tượng khó hiểu cả, nhưng vì con người không có đôi mắt chánh kiến về nhân quả nên không giải thích tường tận thâm sâu, bao la trùng điệp duyên sanh, duyên khởi, duyên diệt để giúp cho các bạn dễ hiểu đạo luật này mà thôi.

            Tại sao luật nhân quả công bằng và khoa học? Nhân quả công bằng là vì gieo nhân nào thì phải gặt lấy quả nấy, không thể gieo nhân này mà gặt lấy quả khác được. Phải không các bạn? Nó xác minh và chứng thực mọi sự việc xảy ra chung quanh vạn vật trong vũ trụ một cách cụ thể, rõ ràng nên rất khoa học.

            i. Nhân quả thảo mộc

            Muốn hiểu biết nhân quả như thật thì trước tiên chúng ta phải hiểu biết nhân quả thảo mộc. Vậy muốn hiểu biết nhân quả thảo mộc thì các bạn hãy hiểu nghĩa chữ nhân quả.

            Vậy nhân quả nghĩa là gì? Theo chữ Hán nhân có nghĩa là hạt; quả có nghĩa là trái, ghép chung hai từ này lại thành “nhân quả” có nghĩa là “hạt và trái”

            Ví dụ: Hạt ớt khi được gieo trồng lớn lên thành cây ớt, từ cây ớt ra bông kết trái cho quả ớt, nhưng quả ớt cay; hạt chanh khi được gieo trồng lên thành cây chanh, từ cây chanh ra bông kết trái cho quả chanh, nhưng quả chanh chua; hạt xoài, khi được gieo trồng, nẩy mầm lớn lên thành cây xoài. Từ cây xoài ra bông kết trái cho quả xoài, nhưng quả xoài ngọt.

            Trên đây là nhân quả của loài thảo mộc theo duyên hợp trùng trùng tạo thành nhân quả, nhân nào thì quả nấy rất là thiết thực cụ thể, cho nên chỉ có những người không chịu hiểu mới cho rằng không có nhân quả.

            Từ hạt cây đu đủ cho quả đu đủ, nhưng quả đu đủ ngọt. Cũng từ một hạt cây đu đủ cho nhiều quả đu đủ, nhưng một quả đu đủ có nhiều hạt, như vậy các bạn thấy nhân quả chưa? Một nhân không phải chỉ cho có một quả mà phải cho nhiều quả, nhưng một quả không thể có một nhân mà phải có nhiều nhân. Có đúng như vậy không các bạn?

            Trên đây là nói về đặc tính nhân quả cay, đắng, ngọt, bùi của loài thảo mộc và còn xác định duyên sinh khởi trùng trùng của của nhân quả. Cho nên một nhân có nhiều quả, một quả có nhiều nhân. Lấy nhân quả thảo mộc để chứng minh cho nhân quả của con người. Lấy nhân quả thảo mộc làm một bằng chứng cụ thể để các bạn không còn có một lý do gì mà bảo rằng không có nhân quả.

            Kính thưa các bạn! Con người cũng chỉ là một loài sinh vật sống trên hành tinh này như bao nhiêu loài khác, nên đều chịu chung số phận của quy luật nhân quả. Và trên hành tinh này cũng không có một loài vật nào thoát ra khỏi quy luật này.

            Trên hành tinh này mọi vật gồm có từ cây cỏ thảo mộc cho đến những loài động vật đều có một sự sống bình đẳng như nhau. Có một sự sống bình đẳng như nhau thì phải theo quy luật nhân quả điều hành. Nhưng loài động vật trong đó có loài người vì vô minh không hiểu biết chạy theo lòng ham muốn tạo nhiều điều ác độc nên tự làm mất đi sự sống bình đẳng, vì thế mới có kẻ sang người hèn; mới có kẻ giàu người nghèo v.v... Và do đó mới có duyên sinh hợp của nhân quả vạn trạng thiên hình, và cũng vì vậy mà duyên tan hoại cũng thiên hình vạn trạng. Vì thế vạn vật sinh diệt liên tục trùng trùng điệp điệp theo nhân ác, còn ngược lại theo nhân thiện vô lậu thì sinh diệt chấm dứt. Như Đức Phật đã dạy: “Sinh diệt diệt rồi tịch diệt là vui.”

            ii. Nhân quả con người

            Nhân quả của con người không khác gì nhân quả của loài thảo mộc, cũng cụ thể, rõ ràng, xác thực. Nó trừu tượng, nhưng không mơ hồ, ảo tưởng, không thiếu chứng thực, không thiếu khoa học.

            “Nhân” của con người là hành động thân, khẩu, ý. Hành động thân, khẩu, ý là nguyên nhân để sinh ra mọi điều thiện, ác.

            “Quả” của con người là kết quả, là thọ chịu, là nhận lấy những cảm nhận vui buồn, khổ đau, phiền não, bệnh tật, tai nạn, tật nguyền v.v...

            Như trên đã nói: Nhân quả của con người không khác gì nhân quả của loài thảo mộc. Vì con người là một sinh vật sống như các loài sinh vật khác trên hành tinh này nên đều bị chi phối theo luật nhân quả như nhau.

            Một nhân có nhiều quả, một quả có nhiều nhân. Cho nên một hành động ác thì phải chịu nhiều quả khổ, những quả khổ ấy diễn biến theo các thời gian quá khứ,  hiện tại và vị lai.

            Ví dụ: Các bạn mắng chửi một người nào đó thì trong quá khứ các bạn đã tức giận hay thù oán người đó. Vì có tức giận hay thù oán các bạn mới chửi mắng người khác được. Tức giận là quả quá khứ, nhưng đang chửi người là nhân hiện tại. Khi người bị các bạn chửi mắng lấy cây đánh các bạn; các bạn bị đánh đó là quả vị lai. Vì vậy nhân quả luôn có mặt trong ba thời: quá khứ, vị lai và hiện tại, nó tiếp diễn trùng trùng duyên khởi, trùng trùng duyên sanh và trùng trùng duyên diệt. Đó là một nhân có nhiều quả và một quả có nhiều nhân. Vì thế lý nhân quả duyên khởi, duyên sanh, duyên diệt rất cụ thể, rõ ràng mà không ai dám phủ nhận rằng không có nhân quả. Chỉ trừ những người sống ảo tưởng thần thánh hoá một đấng siêu hình tối cao có vạn năng sinh ra vạn vật thì mới không chấp nhận nhân quả. Bởi vì chấp nhận nhân quả thì làm sao có đấng tối cao ấy được. Phải không các bạn?

            Nhân quả còn là một đạo luật rất công bằng, công lý trong môi trường sống trên hành tinh này như trên đã nói. Trên thế gian này không có một toà án nào xử phạt công bằng, công lý hơn được. Vì đạo luật nhân quả xử phạt theo thiện ác của mọi người, mọi loài sống trên hành tinh này.

            Một hành động ác là một nhân, nhưng một nhân không thể có một quả. Các bạn nên xem xét lại nhân quả thảo mộc thì sẽ rõ. Một hạt đu đủ lên thành cây, khi cây cho trái không thể cho một trái mà cho nhiều trái. Phải không các bạn?

            Một người ăn cắp khi bị bắt người ta không đánh một bạt tai mà đánh nhiều bạt tai và còn bị nhiều đấm, đá khác nữa. Đó là một nhân mà có nhiều quả.

            Một quả mà có nhiều nhân như trái đu đủ. Các bạn có lưu ý quả đu đủ chưa? Trong quả đu đủ có nhiều hạt đấy các bạn ạ!

            Xét nhân quả thảo mộc và con người thì không khác nhau. Vì nhân quả là một định luật chung cho vạn vật trên hành tinh này nên một nhân ăn cắp mà phải nhận lãnh nhiều quả bị đánh đập không sao kể hết và mỗi hành động bị đánh đập liền phóng xuất ra những từ trường ác ấy. Do những từ trường ác này tương ưng những ai có tâm trộm cắp như vậy thì hợp duyên làm con của những người này. Mỗi hành động bị đánh đập là một nhân, một nhân sẽ thành một con người gian tham trộm cắp. Xét theo luật nhân quả thì một người làm ác khi chết không phải sinh ra một người ác mà sinh ra nhiều người ác.

            Một hành động giết hại và ăn thịt chúng sanh tức là một nhân ác. Một nhân ác thì phải trả nhiều quả khổ. Vì thế, quả giết hại và ăn thịt chúng sanh thì phải nhận lấy quả khổ đau bệnh tật, nhiều thứ bệnh tật, chứ không phải một thứ bệnh tật và còn tai nạn nữa, không phải một tai nạn mà nhiều tai nạn không thể tính hết được. Trong những quả khổ đau ấy lại có những nhân từ trường nghiệp ác để tiếp tục tái sinh ra những loài vật đã bị giết hại và ăn thịt. Cho nên một người ăn thịt gà là nhân, nhưng nhân ăn thịt gà này không phải sinh làm một con gà mà sinh ra nhiều con gà; cũng như ăn cá tôm thì phải sinh làm cá tôm nhưng không phải một con cá tôm mà nhiều con cá tôm. Giết hại và ăn thịt chúng sanh bao nhiêu thì phải sinh ra bấy nhiêu và còn nhiều hơn nữa. Vì thế trại nuôi gia súc và ao hồ nuôi cá tôm phát triển càng nhiều để đáp ứng nhu cầu ăn uống dục lạc của con người thì nghiệp ác của họ càng cao. Nghiệp ác của họ càng cao thì sự sinh khởi diệt nghiệp quả ác báo này lại càng cao hơn. Nhưng nghiệp quả ác báo này không thể dừng lại đây, vì nhân quả ác ngút trời của loài động vật, nhất là loài người. Vì thế, từ trường ác thải ra ngút trời làm nhân quả thời tiết vũ trụ chuyển động thành thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, sóng thần, động đất, bão tố, chiến tranh, khủng bố, các loại bệnh nhất là dịch cúm gia cầm, chim muông, heo, dê, bò, ngựa v.v... Cho nên dịch cúm gia cầm chỉ là một hiện tượng nhân quả duyên tan hoại của nhiều hiện tượng nhân quả duyên tan hoại đang xảy ra trên hành tinh này.

            Nếu con người không biết chấm dứt những hành động cực ác giết hại và ăn thịt chúng sanh không có một chút lòng yêu thương thì thế gian này còn nhiều khổ đau nữa...

            Với tấm lòng yêu thương sự sống của con người, trước cảnh đại dịch cúm gia cầm, Minh Hoàng có ý muốn nhờ trí tuệ Tam minh của Thầy để soi sáng giúp các nhà khoa học chứng minh nhân quả bằng khoa học để mọi người không còn làm điều ác nữa; để mọi người thoát khỏi cảnh chết thương đau; để mọi người sống được bình an, hạnh phúc.

            Với lòng yêu thương sự sống của con người, trước cái chết dịch cúm gia cầm, Minh Hoàng không biết làm sao hơn, đành phải kêu gọi Thầy thị hiện thần thông giáo hóa, chỉ rõ cho loài người những tai hại của những hành động ác của mình. Minh Hoàng một con người với lòng hiếu sinh ấy thật đáng cho mọi người kính mến và yêu thương.

            Thầy cảm thông được lòng yêu thương mọi người của Minh Hoàng. Thầy không dùng trí tuệ Tam Minh và thần thông giáo hoá, vì đó là ngoài vấn đề chủ trương đạo đức của Phật giáo, nên Thầy dùng tri kiến của một người đã vượt qua nhân quả. Thầy viết thư này gửi đến mọi người để những ai có đủ duyên được đọc, nhờ đó mới có đủ lòng tin nhân quả thì mới sống đúng đạo đức không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh.

            Trước thảm cảnh cái chết la liệt của con người đã xảy ra trên hành tinh này theo quy luật của nhân quả thiện ác. Thầy tha thiết kêu gọi mọi người hãy hướng về Đức Phật, một ân nhân của loài người, Ngài đã để lại cho loài người một chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản – nhân quả, để giúp cho con người vượt lên nhân quả sống toàn thiện.

            Đức Phật ra đời, sau khi tu hành chứng đạt chân lý, Ngài thấy quy luật nhân quả đang điều hành vũ trụ một cách trật tự, công bằng. Đó là một sự thật nhưng con người quá vô minh không thấy, không hiểu biết, nên lầm lạc đi trong vòng quy luật khổ đau này. Muốn con người thoát khổ, ra khỏi quy luật này, nên lời nói pháp đầu tiên của Đức Phật, đã xác định chân lý Tứ Diệu Đế. Chân lý Tứ Diệu Đế là một sự thật chỉ thẳng kiếp làm người là khổ, là nguyên nhân sinh khổ, là trạng thái hết khổ, là chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh. Đó là một bài pháp giúp cho mọi người hiểu biết về nhân quả. Có hiểu biết về nhân quả thì mới biết hành động nào thiện, hành động nào ác. Biết hành động nào thiện, hành động nào ác thì mới chuyển hóa được nhân quả. Chuyển hóa được nhân quả là vượt ra khỏi quy luật nhân quả tức là làm chủ nhân quả nghiệp báo. Tất cả những hành động này là một sự thật không có gì mơ hồ, ảo tưởng.

            Kính thưa các bạn! Con người vì vô minh không thấy, không biết nguyên nhân sinh ra muôn vàn sự khổ đau chính là lòng ham muốn của các bạn. Do lòng ham muốn mà con người mới có những hành động thiện ác. Có những hành động thiện ác thì phải nhận lấy những quả khổ vui của những hành động đó. Đấy là vô minh không hiểu, không biết mà các bạn đi theo quy luật của nhân quả. Các bạn có biết không?

            Biết rõ như vậy nên Đức Phật dạy chúng ta: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” hoặc “Ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp.” Nhưng muốn không làm điều ác, luôn luôn làm điều thiện hoặc luôn luôn ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp thì phải tham dự tu học tám lớp “Đạo Đế” tức là “Bát Chánh Đạo” theo đúng chương trình giáo dục đào tạo ba cấp “Giới, Định, Tuệ” của Phật giáo. Khi tốt nghiệp xong ba cấp tu học ấy, các bạn sẽ trở thành một con người có đạo đức đầy đủ sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh. Và như vậy thế gian này trở thành Thiên đàng, Cực lạc, thì dịch cúm gia cầm và thiên tai, lũ lụt, sóng thần, động đất, hỏa hoạn, thủy tai làm sao còn nữa. Phải không các bạn?

            Trong thư con hỏi: “Với đôi mắt nhân quả của Thầy, xin Thầy chỉ rõ làm thế nào có thể ngăn chặn đại dịch này, cứu giúp hằng triệu người trên thế giới. Con tin rằng nếu loài người nhận thức về quy luật nhân quả ấy một cách khoa học, họ sẽ giảm rất nhiều các hành động ác của mình.”

            Muốn cứu giúp mọi người thoát khỏi làn sóng đại dịch cúm gia cầm và những thiên tai, lũ lụt, động đất, sóng thần, bão tố v.v... thì chỉ có mọi người phải thông hiểu nhân quả. Chính thông hiểu nhân quả, nên mọi người phải tự cứu mình bằng cách ngưng bàn tay ác độc giết hại chúng sanh, ngưng sự sống ác độc nhẫn tâm đối với sự sống của các loài vật khác và ngưng ăn thịt chúng sanh tức là phải sống theo sự hướng dẫn của đạo đức Nhân bản – Nhân quả.

            Thứ nhất là họ phải sống “Chánh tri kiến.” Vậy sống Chánh tri kiến như thế nào? Sống Chánh tri kiến là phải thấy đúng mọi hoàn cảnh, mọi sự việc, mọi đối tượng thường xảy ra đều thấy đúng là nhân quả thiện ác.

            Thứ hai là phải sống “Chánh tư duy.” Vậy sống Chánh tư duy như thế nào? Sống Chánh tư duy tức là sống suy tư mọi hoàn cảnh, mọi sự việc, mọi đối tượng đều phải tư duy, suy nghĩ nó là nhân quả thiện ác.

            Thứ ba là họ phải sống “Chánh ngữ.” Vậy sống Chánh ngữ như thế nào? Sống Chánh ngữ tức là sống dùng lời nói thiện không được nói lời nói ác, nói lời nói không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ cả hai.

            Thứ tư là họ phải sống “Chánh nghiệp”. Vậy sống Chánh nghiệp như thế nào? Sống Chánh nghiệp tức là sống không làm sáu nghề nghiệp ác, thường dùng những hành động không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ cả hai.

            Thứ năm là họ phải sống “Chánh mạng.” Vậy sống Chánh mạng như thế nào? Sống Chánh mạng tức là sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ cả hai. Sống không nuôi dưỡng thân mạng bằng máu thịt chúng sanh, bằng sự đau khổ của loài vật khác, của người khác.

            Thứ sáu là họ phải sống “Chánh tinh tấn.” Vậy sống Chánh tinh tấn như thế nào? Sống Chánh tinh tấn tức là sống siêng năng tinh cần hằng ngày từng phút từng giây không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ cả hai tức là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.

            Thứ bảy là họ phải sống “Chánh niệm.” Vậy sống Chánh niệm như thế nào? Sống Chánh niệm tức là sống giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tất cả những chướng ngại pháp tác động vào thân tâm họ đều được đẩy lui bằng pháp Như lý tác ý trên Tứ Niệm Xứ

            Thứ tám là họ phải sống “Chánh định.” Vậy sống Chánh định như thế nào? Sống Chánh định tức là sống bất động tâm trước các pháp ác và các cảm thọ.

            Kính thưa các bạn! Với đôi mắt của người chứng đạt chân lý thì nhìn thấy nhân quả là thật, nó giống như xem chỉ trong lòng bàn tay của mình vậy. Còn các bạn với đôi mắt bị hạn chế không gian và thời gian nên không thể thấy rõ như vậy. Vì thế Thầy phải dùng nhân quả thảo mộc để chỉ cho các bạn nhận thấy cụ thể rõ ràng nhân quả là một sự thật chứ không phải tưởng tượng. Tin hay không tin đó là quyền của các bạn, nhưng Thầy biết rằng các bạn đang bị luật nhân quả điều khiển, nói cách khác các bạn là những người nô lệ của nhân quả. Nếu các bạn không chịu cởi bỏ ách nô lệ thì muôn đời ngàn kiếp phải làm thân nô lệ cho nhân quả mãi mãi. Cuối cùng Thầy có lời thăm con được mạnh khỏe an khương.

                                                                                                      Kính thư. Thầy của con.