113. Chào hỏi bạn bè cùng chung nhau một thầy
Hỏi: Kính thưa Thầy, các tu sĩ đã học ở Chơn Như từ trước đến nay thì có phân cấp quan hệ huynh đệ trước sau không? Khi gặp gỡ xưng hô như thế nào cho đúng?
Đáp: Các huynh đệ tu học ở Chơn Như chỉ có hai giai cấp:
1- Về cư sĩ: Tu chứng được gọi là Trưởng Lão. Ví dụ Trưởng Lão Thiện Quang (dù tuổi còn trẻ cũng vẫn gọi là Trưởng Lão). Tu chưa chứng gọi là cư sĩ Thiện Quang
2- Về tu sĩ: Tu chứng được gọi là Trưởng Lão. Ví dụ: Trưởng Lão Tịnh Quang (dù vị tu sĩ còn trẻ nhưng vẫn gọi là Trưởng Lão). Tu chưa chứng gọi là thầy. Ví dụ: Thầy Tịnh Quang.
Ở tu viện Chơn Như không có phân giai cấp, người đến trước, đến sau, mà căn cứ ở chỗ giữ gìn giới luật nghiêm túc và tu chứng.
Về phần người tu chứng thì người nào lớn tuổi hơn, thì theo tuổi tác mà phân làm anh em trong một nhà, chứ không phải tu chứng trước là anh mà tu chứng sau là em.
Về phần người tu chưa chứng thì người nào tuổi lớn hơn là anh chứ không phải người đến trước là anh, người đến sau là em.
Ở tu viện Chơn Như lấy tuổi tác và công đức tu hành mà phân làm anh em. Nhất là người tu chứng thì mới có đủ khả năng chỉ dạy cho người tu chưa chứng. Dù họ tuổi nhỏ nhưng về kinh nghiệm thì họ là bậc đàn anh, bậc hướng dẫn tu tập: cho nên họ được gọi Trưởng Lão.
Đối với người tu chứng nên gọi một cách tôn kính và thân mật “Thưa Thánh giả Trưởng Lão Tịnh Quang.”
Đối với người tu chưa chứng nhưng giữ gìn giới luật nghiêm túc thì nên gọi một cách tôn kính và thân mật bằng “Thưa Hiền giả Tịnh Quang.”
Đối với người tu chưa chứng mà giới luật không nghiêm chỉnh thì gọi “thầy Tịnh Quang.”
Còn về phần tự xưng thì người tu chứng hay chưa chứng đều không được xưng hay gọi “tôi, trò, ta, tao, mày, nó, hắn, y” mà nên tự xưng pháp danh “Tịnh Quang xin hỏi điều này” hay “Tịnh Quang xin chào.”
Muốn nói một điều gì thì không được xưng “tôi” mà nên nói “chúng tôi.” Còn muốn nói cá nhân mình thì xưng pháp danh. Ví dụ: “Nguyên Thanh” xin thưa hỏi. “Nguyên Thanh” có những câu hỏi xin Thầy chỉ dạy cho “Nguyên Thanh” rõ.
114. Khi vào chùa nên lễ vị Phật nào?
Hỏi: Kính thưa Thầy, trong trường hợp đi khất thực hoặc lý do nào đó mà phải vào chùa thưa hỏi thì nghi lễ như thế nào? Nếu phải lễ Phật thì lễ những bàn nào?
Đáp: Trường hợp có dịp đi tham quan ghé thăm một chùa nào. Khi vào chùa thì xin gặp thầy trụ trì, khi gặp thầy trụ trì thì chấp tay chào. Nếu người lớn tuổi thì gọi: Kính chào Thượng Tọa! Nếu người nhỏ tuổi thì gọi: Kính chào Đại Đức. Khi chào hỏi xong thì xin vị trụ trì cho lễ Phật thì nên đến trước tượng Phật Thích Ca lễ lạy hoặc xá một xá rồi lui ra nhà khách nói chuyện, chứ không được lạy lễ các bàn thờ Phật khác.
Con nên nhớ: chỉ có lễ Đức Phật Thích Ca mà thôi, còn tất cả các tượng Phật khác đều là tượng của các vị thần Bà La Môn. Chúng ta là tu sĩ Phật giáo không nên lễ lạy những vị thần đó. Con hãy nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xác định: “Trên trời dưới trời, ta là người duy nhất.”
Trên cuộc đời này chỉ có con người là duy nhất, tự cứu mình ra khỏi mọi sự đau khổ này, chứ không có ai cứu chúng ta bằng chúng ta. Còn các vị thần ấy không cứu chúng ta được và cũng không giúp gì cho chúng ta được. Chúng ta phải tự lực nên không cầu tha lực, không cầu tha lực thì không lạy lễ những vị thần đó.
Chúng ta lạy lễ Đức Phật Thích Ca là vì chúng ta nhớ công ơn của Người đã để lại cho chúng ta một nền đạo đức nhân bản - nhân quả tuyệt vời và một giáo pháp tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà không có một tôn giáo nào có được. Công ơn ấy rất lớn, nên đến chùa lạy Đức Phật Thích Ca mà thôi, một Đức Phật duy nhất trên đời này
115. Xưng hô với phật tử
Hỏi: Kính bạch Thầy, đối với các cư sĩ phật tử quan hệ xưng hô như thế nào cho đúng?
Đáp: Đối với những người cư sĩ phật tử khi đến gặp chúng ta, nếu biết pháp danh thì gọi họ bằng pháp danh, còn nếu không biết pháp danh thì ta nên gọi họ bằng phật tử.
Biết pháp danh của họ là Minh Đạo thì gọi họ Minh Đạo. Ví dụ: “Minh Đạo” đến thầy có điều gì không? Còn không biết pháp danh thì gọi họ là phật tử. Ví dụ: “Phật tử” đến thầy có việc gì không? Đối với phật tử thì nên xưng với họ là thầy, dù chúng ta mới xuất gia cũng nên xưng với họ là thầy. Ví dụ: Phật tử giúp thầy một tay. Ví dụ: Thầy làm lễ quy y cho các cháu.
116. Nhận sự cúng dường phải ước nguyện như thế nào?
Hỏi: Kính thưa Thầy, gặp trường hợp các phật tử cúng dường nên nhận thứ gì và không nên nhận thứ gì? Đáp lễ ra sao?
Đáp: Khi phật tử cúng dường tiền bạc thì không nên nhận, chỉ có nhận những thực phẩm, nếu người phật tử kỳ kèo cho mình nhận tiền thì nhận tiền nhưng phải nói lý do nhận tiền làm việc gì để sau này tránh khỏi sự tai tiếng không tốt.
Khi nhận của cúng dường thì đáp lễ là phải chắp tay lên trước ngực và ước nguyện cho phật tử được tu hành như mình và được giải thoát như mình. Nếu không tự soạn ra lời ước nguyện thì nên theo lời ước nguyện mà Thầy đã biên soạn trong tập nghi thức tụng niệm tại tu viện Chơn Như.
Tốt nhất, tự tâm mình nghĩ ra như thế nào rồi ước nguyện thư thế nấy, đừng vay mượn lời người khác mà thành ra thiếu chân thật, giống như con chim học nói.
117. Xưng hô với bậc cao niên
Hỏi: Kính thưa Thầy, đối với những bậc cao niên dân dã thì tiếp đón xưng hô như thế nào cho đúng?
Đáp: Đối với các bậc cao niên thì nên gọi bằng “cụ” nếu họ không phải là phật tử, còn nếu họ là phật tử thì gọi là “cư sĩ.” Xưng hô mình là Thầy.
Ví dụ: Thưa cụ, cụ đến thăm Thầy có việc gì?
Ví dụ: Hôm nay có duyên sự gì mà cư sĩ đến thăm chùa sớm quá vậy.
Đó là những cách xưng hô Thầy chỉ tóm lược để các bạn xưng hô cho đúng cách. Nếu xưng hô không đúng cách người hiểu biết sẽ cười các bạn đấy, cho các bạn là những người kém văn hóa, đi tu mà không biết cách xưng giao tiếp với nhau thì rất là xấu hổ. Phải không các bạn?
Vấn đề xưng hô rất là quan trọng, xin các bạn nên lưu ý học tập về những oai nghi tế hạnh này. Tuy nó không có gì lớn lao, nhưng con người lịch sự mà không biết cách xưng hô thì không còn lịch sự. Phải không các bạn?
118. Cách xưng hô với những người thân trong gia đình
Hỏi: Kính thưa thầy, quan hệ của người tu sĩ trong gia đình họ hàng về cách xưng hô như thế nào đúng?
Đáp: Quan hệ trong gia đình họ hàng, cách xưng hô theo bình thường như thế nào thì xưng hô như thế nấy, không nên thay đổi, phải đúng theo phong tục nơi mình đang cư trú. Đối với tất cả cô, bác, chú, dì, cậu, mợ, anh, chị, em, đều gọi đúng giai thứ của họ, nhưng riêng mình phải xưng hô với mọi người thì nên xưng là thầy.
Ví dụ: Thầy muốn nói với cháu Tâm điều này hoặc Thầy kể lại câu chuyện nhẫn nhục của đức Thế Tôn cho mẹ nghe hoặc mẹ hãy mua bố thí cho Thầy một ít giấy để viết.
Trên đây là những ví dụ, xin quý bạn hãy đón đọc tập sách Văn Hóa Truyền Thống tập II về oai nghi tế hạnh của người cư sĩ và tu sĩ Phật giáo chỉ dạy rõ ràng mọi oai nghi tế hạnh của một con người sống có đạo đức nhân bản.
119. Không nên đến
Hỏi: Kính thưa Thầy, trong những trường hợp hội làng tế thần ở đình làng nếu được mời thì có nên ra không?
Đáp: Không nên đến, vì nơi đó không phải chỗ cho người tu sĩ Phật giáo đến, thường cúng thần kỳ an là họ giết chúng sanh để tế thần. Nên tìm cách từ chối tránh xa quỷ thần, nơi có tục lệ hủ lậu mê tín, lạc hậu, không đúng chỗ cho người tu sĩ Phật giáo đến dự. Người tu sĩ Phật giáo không tin một cách mù quáng, tin những gì bằng mắt thấy, tai nghe, ý thức phân biệt hiểu biết rõ ràng, không có ảo tưởng xen vào, nhất là thế giới siêu hình thần, thánh, quỷ, ma thì lại còn không tin. Không tham dự vào những nơi tế lễ giết hại chúng sanh một cách ác độc dã man
Cho nên người tu sĩ Phật giáo không mê tín, không tin quỷ thần, biết rất rõ ràng không có thế giới siêu hình, vì thế giới siêu hình thật sự không có, cho nên không dự lễ cúng thần, vì dự lễ cúng thần là đồng lõa chấp nhận mê tín, đồng lõa chấp nhận giết hại chúng sanh. Đó là một điều phi đạo đức, phi nhân bản. Người tu sĩ Phật giáo cần nên tránh và còn phải tránh xa những nơi sát hại sanh linh như vậy. Đó là những nơi mà con người chân chánh không nên đến.
120. Không vái bàn thờ thánh
Hỏi: Kính thưa Thầy, trường hợp bất đắc dĩ phải ra thì phải xử trí như thế nào? Có vào vái bàn thờ Thánh không?
Đáp: Là một tu sĩ Phật giáo phải có trí tuệ là phải tìm mọi cách từ chối, nếu bất đắc dĩ từ chối không được thì đến cho có mặt. Mọi người đến vái thần linh, còn con thì nên tìm cách thối thoát. Bằng thối thoát không được thì không được thắp hương vái thần mà chỉ có mặt đứng nghiêm chỉnh thẳng người, mắt nhìn xuống chân một cách nghiêm trang. Khi mọi người cúi và xá thần xong lui ra thì mình cũng lui ra.
Thần là là một sự tưởng tượng của con người, chứ đâu có thật, nó là một ảo tưởng. Vậy mà lạy lễ xì sụp không trí tuệ thật đáng thương.
Nếu một vị thần là một danh tướng đem lại sự bình an cho dân cho nước thì mọi người nhớ ơn, đến ngày Tết, ngày kỵ thì đến nơi thờ phượng Người để tưởng nhớ công lao vì dân vì nước, thắp nén hương tâm đứng trước bàn thờ chắp tay tưởng niệm công ơn của Người và nghe đọc lại những trang sử oai hùng của vị anh hùng đất nước, để con cháu đời đời mãi mãi không quên.
121. Tụng niệm ma chay
Hỏi: Kính thưa Thầy, theo như phong tục ngoài đời, người chết họ thường hay mời nhà sư đi theo đám ma để độ, vậy trường hợp này đối với chúng con phải xử lý ra sao?
Đáp: Nếu các con ở thất một mình tu tập thì không nên làm những việc mê tín này, việc làm này gây mất uy tín cho một người chân tu, nhất là hình thức này tạo ra những sự mê tín khiến cho Phật giáo thành một tôn giáo mê tín. Và từ đó Phật giáo suy đồi. Phải hiểu tự cứu mình chưa xong còn mong cứu ai nữa? Hình thức tụng niệm ma chay là hình thức của đạo Bà La Môn, chứ đạo Phật không chấp nhận. Đạo Phật cho đó là Tưởng tri chứ không phải Liễu tri. Đó cũng là một cách thức lừa đảo người khác.
Hiện giờ con lãnh làm trụ trì một ngôi chùa ở miền Bắc thì việc làm này con không thể tránh khỏi. Con thực hiện cho dân làng vui lòng nhưng con phải có cách thức giáo dục họ. Chỉ cho họ biết việc làm như vậy là nhảm nhí không có ích lợi thiết thực, còn gây cho Phật giáo mất uy tín, biến Phật giáo thành tôn giáo mê tín. Con có biết không?
122. Cách xưng hô với nhà chức trách
Hỏi: Kính thưa Thầy, khi gặp các nhà chức trách (chánh quyền) thì cách xưng hô tiếp xúc thế nào cho phù hợp?
Đáp: Đối với chánh quyền họ xem quý thầy như một người công dân bình thường. Vì thế khi tiếp xúc với nhà chức trách, chúng ta nên chào hỏi họ bằng cách như người đời, nghĩa là chào hỏi họ bằng cách bắt tay và ngồi ngang nhau nói chuyện. Gọi anh, gọi chị và xưng hô là tôi, là bác, là chú là anh v.v...
123. Giới luật Phật không nên bỏ
Hỏi: Kính thưa Thầy, về giới luật hiện nay có điều gì bổ xung hoặc có điều gì cũ cần bỏ đi không?
Đáp: Hiện giờ giới luật Phật chưa có những bậc tu chứng quả A-la-hán biên soạn lại thì không được bỏ và cũng không được thêm bớt. Lúc này nên xem giới luật Phật là Phạm hạnh của người tu sĩ đầy đủ không cần thêm mà cũng không bớt. Bởi mỗi giới đều mang theo một đức hạnh thực tế và cụ thể giúp cho đời sống tu sĩ có đầy đủ oai nghi tế hạnh xứng đáng là một vị Thánh Tăng.
124. Có nên hủy kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông không?
Hỏi: Kính thưa Thầy, các kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông có nên hủy hoàn toàn không?
Đáp: Kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông là kinh sách của ngoại đạo bắt đầu của Bà La Môn bên Ấn Độ và khi truyền sang qua Trung Hoa thì chịu ảnh hưởng của Lão giáo nên sản sanh ra một loại thiền định theo kiểu Trung Hoa nên gọi là Thiền Đông Độ.
Chúng ta không cần hủy hoàn toàn kinh sách đó mà để lại làm di tích lịch sử để biết rõ các Tổ sư tu hành theo Phật chưa đắc quả A-la-hán mà vội đi truyền đạo đã bị đồng hóa với các tôn giáo khác, hoặc để biết mưu đồ của các tôn giáo khác diệt Phật giáo. Những loại kinh sách này gieo vào tư tưởng của mọi người gây mê tín lạc hậu, làm hao tốn tiền của mọi người rất nhiều.
Nếu trong gia đình có kinh này thì nên đem đốt sạch để sau này gây ảnh hưởng mê tín mù quáng tai hại cho con cháu, cho người đời sau sống phi đạo đức, sống tiêu cực, yếm thế, bi quan, mất sức tự lực, mất chánh tri kiến, chỉ còn biết cầu tha lực
125. Tổ chức các buổi lễ lớn
Hỏi: Kính thưa Thầy, nghi lễ cúng Phật ở Chơn Như trong các buổi đại lễ như ngày Phật đản hoặc ngày Tết… phải tổ chức như thế nào khi có đông phật tử?
Đáp: Theo đạo Phật chỉ có tu tập ngăn ác diệt ác pháp trong tâm của mình chứ không có cúng bái tế lễ, nhưng vì Đại Thừa và Thiền Tông đã biến Phật giáo thành một tôn giáo tụng niệm nay đã thành thói quen, nên hiện giờ muốn bỏ nó cũng rất là khó. Vậy khi có phật tử đông đảo thì con nên làm lễ thắp ba cây hương trước bàn thờ Phật rồi theo nghi thức tụng niệm của Chơn Như mà Thầy đã biên soạn có đầy đủ ý nghĩa của Phật giáo, chứ hiện giờ con bỏ nghi thức tụng niệm thì rất khó.
Tụng niệm là hình thức tôn giáo gây mê tín cho mọi người rất dễ dàng. Đạo Phật là một đạo đức nhân bản – nhân quả nên đạo Phật không phải là tôn giáo. Cho nên vấn đề tụng niệm được Đức Phật dẹp bỏ. Các bạn hãy đọc lại bài kinh Sonadanda để biết Đức Phật bài bác, vứt bỏ sự tụng niệm của Bà La Môn như một vật không có giá trị ích lợi gì.
126. Nhân quả
Hỏi: Kính thưa Thầy, con người từ đâu sanh ra? Chết đi về đâu?
Đáp: Con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, chết trở về nhân quả. Trả lời như vậy, quý vị rất khó hiểu và cũng không hiểu được như thế nào là đúng?
Các tôn giáo khác thường có câu hỏi: “Con người từ đâu sanh ra, chết đi về đâu?” Có tôn giáo cho con người sanh từ đấng Tạo Hóa; lại có tôn giáo cho con người sanh ra từ khí Âm và khí Dương; lại có tôn giáo cho con người sanh ra từ Đại Ngã; lại có tôn giáo cho con người từ Bản Thể Vạn Hữu sanh ra; lại có tôn giáo cho con người sanh ra từ miệng Phạm Thiên, do đức Chúa Trời sinh ra v.v...
Tất cả những giả thuyết trên đúng hay sai chúng ta không có ý kiến, nhưng đứng trong tôn giáo Phật giáo thì Đức Phật đã xác định: “Con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, và chết trở về nhân quả.” Đó là lời xác quyết rất hùng hồn, chỉ vì Ngài đứng trên lập trường “duyên hợp” của các pháp. Trong thế gian này không có một vật thể nào độc lập riêng lẽ tự nó. Cho nên tất cả vạn vật sanh ra đều do các duyên hợp mà thành.
Các pháp sanh ra đều phải do có hành động, có hành động mới sanh ra được, nói một cách khác các duyên hợp lại, phải trực tiếp qua các hành động, nhưng mỗi hành động đều không có sự hiểu biết, sự hiểu biết có được là nhờ vào tri thức, nhưng tri thức hiểu biết chỉ biết trong giới hạn “hữu hạn”, ngoài vô hạn thì tri thức không hiểu rõ, vì thế sự hiểu biết của tri thức còn trong vô minh. Hành động thiện và ác nó đều không biết, cho nên từ đó tri thức tạo tác những hành động thân, miệng, ý khiến cho mình khổ và người khác khổ. Nhưng hễ có hành động, tức là có nhân quả.
Phật dạy: “Vô minh sanh hành, hành sanh nghiệp.” Vì vậy, con người từ hành động vô minh sanh ra, nói cách khác cho đúng câu trả lời trên: “Con người từ nhân quả sanh ra.”
127. Nhân quả là gì?
Hỏi: Kính thưa Thầy, nhân quả là cái gì? Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con được biết.
Đáp: Nhân quả là từ chữ Hán, nhân: có nghĩa là hạt; quả: có nghĩa là trái, gồm chung hai chữ nhân quả lại nghĩa đen của nó là hạt và trái. Hạt giống nào sẽ cho trái nấy, không thể cho trái khác được.
Ví dụ: Hạt cam khi gieo lên thành cây sẽ cho trái cam; hạt chanh sẽ cho trái chanh, không thể nào hạt cam mà cho trái chanh được, cũng như hạt chanh không thể nào cho trái cam được, v.v... Còn nghĩa bóng là hành động thiện hay ác, nếu hành động thiện thì được phước báo an vui, còn hành động ác thì phải thọ lấy sự đau khổ, tức là hành động nào sẽ gặt lấy hậu quả của hành động nấy.
Ví dụ: Như hành động trộm cắp thì phải gặt lấy hậu quả của hành động trộm cắp là bị bắt ở tù, hoặc bị người mất của bắt được đánh đập, có khi họ giết chết. Hậu quả của sự tham lam trộm cắp, không những ở trong kiếp hiện tại nghèo nàn, đói khổ mà còn kéo dài trong các kiếp vị lai nữa. Cho nên nhân quả tham lam đem lại cho đời người một sự nghèo đói bất hạnh vô cùng, là con người chúng ta phải tránh gieo nhân quả trộm cắp, cướp giựt của người khác, do không tham lam trộm cướp của người khác thì đời sống của chúng ta sẽ được no cơm ấm áo, nếu càng gieo nhân quả tham lam trộm cắp thì đời sống của chúng ta sẽ đói khổ vô cùng và trong muôn kiếp.
Kẻ làm ác giết hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh thì hậu quả sẽ bị tai ương, bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn, hoặc bị sự giết hại của kẻ khác, bằng cách này hoặc bằng cách khác v.v...
Hành động thiện thì hưởng được phước báo như: Cơm ăn áo mặc đầy đủ, cuộc sống gặp nhiều may mắn, trong nhà hòa thuận vui tươi, con cái hiếu hạnh biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ, còn hành động ác thì thọ khổ như: bệnh tật, tai nạn, trong nhà thường rầy rà, bất hòa chẳng an, con cái cãi lời cha mẹ, đi chơi bỏ học hành, trộm cắp tiền của cha mẹ, thường làm gia đình khổ, người khác khổ.
Luật nhân quả rất công bằng và công lý không ai lo lót, hối lộ tiền bạc mà hết khổ được, dù có quyền thế tiền bạc đến đâu luật nhân quả vẫn công bằng không tư vị. Vì thế, người gieo nhân ác không thể cầu khẩn chư Phật, chư Bồ Tát và Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng các bậc Thánh Vạn Năng cũng không cứu giúp cho mình được. Nên vấn đề cầu an, cầu siêu, cầu xin ban phước lành chẳng bao giờ có được, chỉ là một trò lừa bịp lường gạt người khác, chẳng có ích lợi gì mà còn hao tài tốn của vô lối chẳng ích lợi gì cho ai cả.
128. Nhân quả do đâu mà có?
Hỏi: Kính thưa Thầy, nhân quả do đâu mà xuất phát?
Đáp: Nhân quả do ba chỗ xuất phát trong bản thân của mỗi con người, đó là thân, miệng, ý. Ba nơi này là ba nơi nhân quả thường hoạt động khiến cho con người chịu khổ đau cũng như hưởng hạnh phúc, an vui. Hành động nơi thân, hành động miệng và hành động ý đều xuất phát nhân quả thiện hay ác. Nếu xuất phát nhân quả thiện thì người ấy được an vui, thanh thản và hạnh phúc. Cuộc sống cơm ăn áo mặc, tiền của dư giả không thiếu hụt, ít tai nạn, ít bệnh tật, thường được mọi người yêu mến và kính trọng, cuộc sống đầy dẫy hạnh phúc an vui, dù bất kỳ ở nơi đâu cũng vậy. Ngược lại, ba nơi ấy xuất phát nhân quả ác thì người ấy phải chịu nhiều tai ương hoạn nạn, bệnh tật khổ đau kéo đến bủa vây không người này đến người khác, trong nhà thường xảy rầy rà bất hòa, lúc nào cũng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, khiến cho tâm hồn mọi người đều đau khổ, bất an.
Thân, miệng, ý là ba nơi hoạt động của nhân quả tạo ác, tạo thiện làm mình khổ, người khác khổ và tất cả chúng sanh khổ cũng chính do ba chỗ này.
Vậy ai là người chủ động hoạt động tại nơi ba chỗ này?
Ba chỗ này không có người chủ động hoạt động, chỉ có “Vô minh và Minh” hoạt động mà thôi, nếu vô minh hoạt động nơi ba chỗ này tạo nhân quả ác, chuyển thành nghiệp lực thì con người và tất cả chúng sanh phải chịu khổ đau tận cùng và tiếp tục tái sanh luân hồi mãi mãi trong vòng nghiệp lực ấy, nghiệp lực ấy do từ hành động thân, miệng, ý đã tạo ra nhân quả hạnh phúc hay khổ đau cho chính mình. Thấu hiểu được lý duyên hợp của các pháp do vô minh mà định luật nhân quả sâu sắc này mới có luân hồi, nên Đức Phật đã dạy chúng ta thấu suốt “Mười Hai Nhân Duyên” do “Vô minh” hợp lại thành một thế giới khổ đau mà con người và chúng sanh phải chịu lấy cái đau khổ này mãi mãi từ đời này sang đời khác vô cùng, vô tận.
Muốn thoát khổ của kiếp làm người và thân chúng sanh, Đức Phật đã dạy cho chúng ta “Minh” để thấu suốt lý nhân quả và đập tan “Mười Hai Nhân Duyên”, phá sạch thế giới đau khổ, giải phóng con người thoát khổ, chấm dứt luân hồi, làm chủ sanh tử. Vì thế, người học Phật mà không có trí tuệ “Minh”, không phá vỡ Mười Hai Nhân Duyên thì chỉ là một học giả nghiên cứu giáo pháp của Phật để nói láo ăn tiền. Muốn phá vỡ Mười Hai Nhân Duyên, người tu sĩ đạo Phật phải rèn luyện cái thấy của mình đối với các pháp bằng “đôi mắt nhân quả” và sống đúng đời sống “Phạm hạnh” như Phật thì Mười Hai Nhân Duyên sẽ tan rã, thế giới khổ không còn, người tu sĩ giải thoát hoàn toàn.