Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 32 (105-112)

105. THANH MINH

            Hỏi: Kính thưa Thầy, có những điều vu khống sai sự thật, có cần phải thanh minh làm sáng tỏ không?

            Đáp: Có lúc cần thanh minh nhưng cũng có lúc không cần thanh minh. Nếu chung quanh chúng ta toàn là những người ác thì chúng ta không nên thanh minh vì có thanh minh thì cũng không bao giờ có người chịu nghe, càng thanh minh thì càng thêm thù oán, “thanh minh oán hận càng sanh.” Lúc bấy giờ chúng ta cần phải im lặng như Thánh.

Tại đất nước Phù Tang, có một nhà sư đến xin ở trong một ngôi chùa làng để tu hành. Sau năm tháng ở đây, có một cô gái mang thai đến khai rằng: ông là tác giả đứa bé trong bụng cô. Nhà sư không buồn, không giận và cũng không minh oan mà chỉ trả lời bằng câu:

            - Thế à!

            Đến khi sanh con ra, cô gái này bế cháu bé giao cho ông. Ông nhận lãnh cháu bé cũng không buồn, không giận và cũng không minh oan và ông cũng dùng câu trả lời ngắn gọn:

            - Thế à!

            Trước sự im lặng nhẫn nại như Thánh, cuối cùng cô này đến xin đứa con trở lại, vì xấu hổ, ăn năn, sám hối lỗi lầm của mình. Khi cô gái kia biết lỗi ăn năn sám hối, nhà sư vẫn vui vẻ trao trả lại đứa con cho cô và cũng chỉ trả lời ngắn gọn:

            - Thế à!

            Chúng ta cũng đều học Phật, nên ai không biết lời dạy này: “Oan ức không cần mình oan, minh oan oán hận dễ sanh.”

            Trên đây là những gương hạnh im lặng như Thánh mà Đức Phật đã từng dạy cho đệ tử của Người. Vậy chúng ta cũng nên noi gương những bậc Thánh Tăng này mà im lặng như Thánh thì tốt nhất.

106. KHI TU THEO PHẬT GIÁO,
CÓ CẦN THAM KHẢO THÊM SÁCH KHOA HỌC?

            Hỏi: Kính thưa Thầy, khi tu hành theo Phật giáo có cần phải tham khảo những sách khoa học kỹ thuật, nghe tin tức thời sự, thời tiết qua hình thức phát thanh và truyền hình của Nhà nước không?        

Đáp: Người tu hành để cầu sự giải thoát thì đâu còn có thì giờ rảnh để nghiên cứu sách khoa học kỹ thuật, nghe tin tức thời sự, thời tiết qua hình thức báo chí, phát thanh và truyền hình của nhà nước.

            Sanh tử là việc lớn, còn nghiên cứu sách khoa học kỹ thuật, nghe tin tức thời sự chỉ là một việc nhỏ. Sự tìm hiểu đó cũng chỉ để hiểu biết trong vòng thế tục, cũng để hiểu biết trong hạn hẹp của đầu óc con người chứ không thể nào vượt không gian và thời gian để hiểu biết thấu suốt sự vận hành của vũ trụ.

            Sự hiểu của khoa học kỹ thuật tin tức thời tiết chẳng có gì ích lợi cho sự tu tập của một người muốn ra khỏi vòng tục lụy luân hồi sanh tử. Sự tu tập theo Phật giáo là một sự khám phá tìm hiểu để biết thâm sâu vào tâm linh của con người. Sự tìm hiểu biết ấy thì khoa học kỹ thuật chẳng có thể giúp họ hiểu biết được những gì thêm mà còn chướng ngại cho sự tu tập.

            Người tu sĩ Phật giáo mà còn tìm hiểu theo dõi tin tức trong nước cũng như thế giới thì họ làm sao tu đến nơi đến chốn được. Đó là một phương tiện giúp cho tâm phóng dật dễ dàng. Tu theo Phật giáo chúng ta không còn có thì giờ rảnh để nghiên cứu sách đời, theo dõi tin tức điện đài ti vi v.v... suốt 24 giờ trên 24 giờ lúc nào cũng đang tu tập để quét cho sạch cái tâm nhiễm ô của mình. Theo dõi tin tức, nghiên cứu sách khoa học để hiểu biết nói ra, khiến cho mọi người phục mình chơi, chứ tu hành có ra gì, chỉ phí công mang tiếng là tu theo Phật giáo

107. TRỒNG RAU SẠCH

            Hỏi: Kính thưa Thầy, trong điều kiện tu tập ở nơi không có điều kiện đi khất thực, có được phép trồng rau sạch để tránh khỏi bị ô nhiễm có được không?

            Đáp: Câu hỏi được đặt ra là mất Chánh Nghiệp của đạo Phật. Người tu sĩ Phật giáo chỉ còn duy nhất có một Chánh Nghiệp. Đó là nghề đi ăn xin. Vì có ăn xin mới tu tập diệt ngã, xả tâm, ly dục ly ác pháp được, còn làm tất cả các nghề khác để sống là đi ngược lại với đạo Phật. Đi ngược lại với Phật giáo thì sự tu hành để cầu giải thoát chẳng bao giờ có giải thoát và còn làm mất thì giờ vô ích, uổng phí một đời tu hành chẳng ra gì.

            Trồng lúa, rau cải để ăn như các nông dân thì nên làm nông dân, chứ đi tu có tu đến đâu? Có giải thoát được chỗ nào? Người tu sĩ đạo Phật phải là người du Tăng khất sĩ. Xưa Đức Phật nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, không có ở một chỗ nhất định. Ở đây thất mùa đói khát thì Đức Phật đi đến xứ khác, nơi đó được mùa, dễ xin ăn, chứ đâu như tu sĩ hiện giờ ở chết một chỗ.

Cái sai của trụ thế Tăng là vì cuộc sống tạo ra bao thứ nghề sống.

            Hiện giờ khắp nơi trên đất nước chúng ta, có chùa thì làm ruộng rẫy, nuôi lợn, gà, vịt, dê, bò để sinh sống như nông dân; có chùa chuyên cúng bái, tế lễ làm những chuyện mê tín để kiếm sống; có chùa lại buôn bán nhang đèn, kinh sách, tương chao v.v... để sinh sống; có chùa chuyên đi thuyết giảng để sinh sống; có chùa làm những nghề thủ công đan, thêu, may mặc hoặc làm tương chao đem bán để sinh sống v.v...

Tất cả những việc làm này trong các chùa đều không đúng Chánh Nghiệp của Phật giáo, mọi nghề nghiệp làm để sinh sống Đức Phật đã cấm không cho, chỉ còn duy nhất là ôm bát đi xin ăn từng nhà. Nếu chỗ này không có điều kiện đi xin ăn được thì hãy đến chỗ khác, chỗ nào tiện lợi cho việc tu hành dù cực khổ đói khát ta cũng chấp nhận ở đó tu tập.

            Tu sĩ mà làm mọi nghề để sống thì không đúng là tu sĩ Phật giáo. Cho đến cái nghề đi xin, mà xin tiền thì cũng không đúng, chỉ có được quyền đi xin thực phẩm vào lúc buổi trưa từ 10 giờ đến 12 giờ.

108. TU SĨ GẶT LÚA GIÚP DÂN

            Hỏi: Kính thưa Thầy, trường hợp của Thầy Chân Trí lao động gặt lúa giúp dân có đúng không?

            Đáp: Thầy Chân Trí gặt lúa giúp dân chỉ vì Thầy là người sống rảnh rỗi, không có pháp hành tu tập nên ra làm công quả giúp cho dân. Làm như vậy cũng tốt nhưng cuộc đời tu của thầy rất uổng phí. Một người chấp nhận tu hành theo đạo Phật là phải tu rốt ráo làm chủ cho được sanh tử mới thôi, còn có thì giờ rảnh rỗi đâu mà gặt lúa giúp dân. Tu như thầy Chân Trí mang tiếng đi tu, chứ thực chất tu chẳng đến đâu cả.

            Người tu sĩ Phật giáo tu đến nỗi quên ăn, quên ngủ, tu đến nỗi tóc tai, râu ria móng tay, móng chân quên cắt tỉa. Tu chỉ biết tu, không còn biết tất cả những gì bên ngoài xảy ra thì sự tu hành mới có kết quả, nếu không tu được như vậy thì nên ra đời, sống đời cư sĩ thì làm mọi nghề đều được cả, chỉ trừ sáu nghề Phật đã cấm, còn riêng tu sĩ thì không nên làm nghề nghiệp nào khác, chỉ có nghề duy nhất đi xin ăn và tu tập ngày đêm không rảnh rỗi.

            Gặt lúa giúp dân là tốt, nhưng với người tu sĩ làm như vậy là sai. Người tu sĩ làm như vậy là phi Phạm hạnh, là phạm giới luật, là không xứng đáng làm đệ tử của Phật. Một đời đi tu là tìm cầu sự giải thoát, cớ sao lại đi gặt lúa làm nông dân thì còn nghĩa lý gì giải thoát. Làm như vậy không xứng đáng là tu sĩ Phật giáo.

109. CỨU TRỢ

            Hỏi: Kính thưa Thầy, khi gặp thiên tai bão lụt có nên tham gia cứu trợ không?      

            Đáp: Người tu sĩ là một người chấp nhận nghèo để xin ăn hằng ngày thì lấy đâu mà cứu độ thiên tai bão lụt cho đồng bào. Khi tham gia vào công tác từ thiện này thì phải có tiền của, không có tiền của mà tham gia thì kêu gọi phật tử, nhưng phật tử là những người công dân trong một nước nên được Nhà nước kêu gọi đóng góp để cứu trợ, thế mà ta lại kêu gọi họ đóng góp cứu trợ một lần nữa thì thật là đáng thương cho họ, họ phải đóng góp nhiều đoàn thể, như vậy chẳng khác nào chúng ta đã rút mồ hôi nước mắt của họ để làm từ thiện.

            Nếu chúng ta là người tu sĩ Phật giáo mà không khởi chút lòng thương họ, chỉ biết chuộng danh từ làm từ thiện thì chắc là chúng ta sẽ làm khổ người khác. Việc làm từ thiện này là của người cư sĩ, họ là những người làm ra của, còn chúng ta là tu sĩ còn có vật chất gì cho ai.

Vả lại những người đang bị cảnh thiên tai không phải là ngẫu nhiên mà do nhân quả của họ. Do làm ác mà phải gặt lấy những hậu quả này. Đứng trước cảnh ấy chúng ta không nỡ nhẫn tâm nhìn họ trong cảnh màn trời chiếu đất. Vì thế chúng ta kêu gọi người một ít giúp họ vượt khó.

            Ở đây, tùy theo mức độ và tinh thần cứu trợ của phật tử “Lá lành đùm lá rách” thì cứu trợ rất tốt, không có vi phạm gì cả.

110. ĐƯỢC PHÉP BÁN SẢN PHẨM THỪA KHÔNG?

            Hỏi: Kính thưa Thầy, những trường hợp nào được mua bán vật phẩm cụ thể như có sản phẩm thừa có được phép bán không?

            Đáp: Một người tu sĩ làm sao có sản phẩm thừa hay sản xuất ra sản phẩm mà bán? Theo lời dạy của Đức Phật: Chỉ trong một bữa ăn còn thừa ra ngoài thì nên bố thí, không được để dành thực phẩm ăn uống cách đêm, vì để dành thực phẩm ăn uống cách đêm sẽ bị phạm giới tức là phạm tội Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.

            Người tu sĩ theo Phật giáo không được phép làm bất cứ một nghề nghiệp nào khác, ngoài nghề đi khất thực ra. Nghề đi khất thực về ăn ngày đó còn không được để lại thực phẩm qua đêm, vì để lại thực phẩm qua đêm thì không xứng đáng là đệ tử của Phật. Ăn ngày đó chỉ biết ngày đó, không được phép để dành ngày khác, dẫu cho hạt muối còn không giữ lại được huống là những vật gì.

            Câu hỏi của con là để hỏi cho những người mượn Phật giáo làm cuộc sống, lấy Phật giáo kinh doanh cho cuộc sống, giống như các thầy Đại Thừa, chứ người đệ tử của Phật là những người đã giải thoát khỏi tiền bạc, danh lợi và những vật chất thì có sản phẩm nào mà buôn bán. Đời sống chỉ còn ba y một bát, không có thừa một vật gì thì lấy đâu mà buôn bán.

            Một người đã chấp nhận theo Phật giáo tu hành thì không được quyền cất giữ tiền bạc. Tiền bạc mà không được quyền cất giữ thì có vật gì thừa đâu mà bán? Ăn xin còn không có đủ ăn có đâu thừa mà bán.

            Chấp nhận sự giải thoát trong đạo Phật là chấp nhận một cuộc sống thiểu dục tri túc tận cùng. Cho nên làm tu sĩ Đại Thừa thì dễ, chứ làm tu sĩ của Phật thì rất khó, rất nghèo, nhưng không khổ con ạ! Tâm hồn luôn được thanh thản, an lạc và vô sự không bị mọi vật chất tiền bạc, danh lợi ràng buộc. Người nào có sống như vậy mới tìm thấy sự giải thoát chân thật của đạo Phật.

            Còn làm ra vật phẩm để buôn bán, để có tiền chi tiêu, để sống như một người sống thường tình cũng như bao nhiêu người khác trong thế gian này thì chúng ta khó mà tìm thấy sự giải thoát của Phật giáo.

111. TRỒNG RAU LÚA SẠCH TRÁNH THUỐC SÂU RẦY

            Hỏi: Kính thưa Thầy, trồng rau lúa để tránh khỏi bị ô nhiễm thuốc sâu rầy có được không?

            Đáp: Đã sợ chết thì đừng nên đi tu, vì đi tu là chấp nhận sự xin ăn, mà đã đi xin ăn thì người ta cho cái gì về ăn cái nấy để sống mà tu chứ không cho phép phải lựa chọn rau lúa không bị ô nhiễm bởi thuốc sâu rầy.

            Ăn để sống, sống để tu hành chứ không phải lo những điều không thể lo được. Vì cả một đất nước nông dân sản xuất rau, cải, lúa, đậu v.v... đều phải phòng ngừa sau rầy bằng cách phun thuốc và chăm bón phân hóa học thì còn tránh đâu cho khỏi. Đất đai của chúng ta đã bạc màu, nếu không dùng phân hóa học thì rau, đậu, lúa, khoai làm sao lên được.

            Mọi người sống như thế nào thì ta nên sống như thế ấy. Mục đích tu hành là để thoát ra khỏi kiếp làm người mang đầy dẫy những sự khổ đau. Mục đích tu hành là để chấm dứt luân hồi sanh tử, để không còn tái sanh lại trong thế giới này nữa. Vì vậy mà chúng ta phải tu hành là để cho tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, chứ không phải sợ hãi lo lắng như con hiện giờ là không đúng chánh pháp của Phật.

112. LỄ NGHI ĐỐI VỚI NGOẠI ĐẠO

            Hỏi: Kính thưa Thầy, theo như lời dạy của Thầy, đạo Phật ngày nay đã bị tà sư ngoại đạo làm biến dạng: cụ thể là kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ… Vậy chúng con khi gặp gỡ và tiếp xúc thì phần lễ nghi phải như thế nào cho đúng oai nghi tế hạnh đối với các tu sĩ ngoại đạo này?

Đáp: Khi các con gặp các nhà sư Đại Thừa hay các thiền sư Đông Độ thì các con nên chắp tay lên trước ngực, cúi đầu chào họ chứ không được niệm: “Mô Phật” như họ. Về lễ độ lịch sự của người tu sĩ Phật giáo chân chánh luôn luôn phải có thái độ kính trọng người khác dù người đó là một hạng người nào trong xã hội, chúng ta cũng đều phải cung kính, tôn trọng như nhau không phân biệt giàu sang, quyền thế. Tu sĩ hay không tu sĩ, người ân cũng như người oán thù đều phải giữ lễ độ, lúc gặp nhau phải chào hỏi chân tình chứ không phải chào hỏi lấy lệ.

            Người thế tục khi chào hỏi theo kiểu phương Tây đều đưa tay bắt và nói: chào anh, chào chị, chào cô, chào chú, chào bác, chào thầy, chào em, chào các cháu v.v...

            Người Đông phương theo tục lệ lễ nghĩa Nho giáo thì khoanh tay trước ngực cúi đầu và nói: con kính chào bác ạ! Con kính chào thầy ạ! Con kính chào mẹ! Con kính chào bố! ... Còn người lớn chào người nhỏ thì không có khoanh tay mà chỉ cúi đầu và nói, bố chào con! Mẹ chào con! Ông chào cháu! Anh chào em! ...

            Về Phật giáo thì có vẻ bình đẳng hơn nhiều khi chào hỏi. Người lớn tuổi cũng như người nhỏ tuổi chỉ chắp tay để trước ngực chào. Theo Đại Thừa, khi chào như vậy thì nói: “A Di Đà Phật” hay “Mô Phật.”

            Đối với chúng ta là người Việt Nam nên dung thông tinh thần lễ độ của Phật giáo cho phù hợp với dân tộc tính, bằng cách chắp tay lên trước ngực có lễ độ hiện tượng cung kính của Phật giáo tượng trưng hai bàn tay chắp lại là bông sen búp, tức là tỏ lòng trong sạch cung kính, tôn trọng chào người đối diện. Khi chắp tay lên xong chúng ta cúi đầu chào và nói: Con kính chào bác! Con kính chào bố! Con kính chào mẹ! Em kính chào chị! Em kính chào anh! v.v... đó là người nhỏ chào người lớn. Ngược lại người lớn chào người nhỏ thì cũng chắp tay lên ngực cúi đầu chào và nói: Bác chào cháu! Bố chào con! Mẹ chào con! v.v... nếu là bạn bè thì nói; chào bạn! v.v... Đó là phần chào hỏi của người cư sĩ.

            Còn phần chào hỏi của người tu sĩ thì như thế nào? Một người đã xuất gia trở thành một tu sĩ khi về thăm nhà, cách lễ độ xưng hô chào hỏi những người thân trong gia đình phải rõ ràng để tránh khỏi người ta chê cười.

            Khi xuất gia trở về thăm người thân trong gia đình phải chào hỏi như thế nào cho đúng cách?

            Người xuất gia về thăm cha mẹ, khi gặp cha hay mẹ liền chắp tay lên trước ngực cúi đầu chào nói: Minh Quang xin chào bố! Hạnh Tâm xin chào mẹ! Tức là xưng pháp danh. Minh Quang hay Hạnh Tâm là pháp danh hay là pháp hiệu.

            Người tu sĩ khi gặp nhau cách xưng hô nên dùng pháp danh hay pháp hiệu, chứ không được dùng tiếng xưng hô con, trò, cháu, thầy, sư, bác, chú, anh, chị, cô, dì, v.v... Vì đó là những tiếng xưng hô của những người chưa xuất gia, còn người xuất gia thì chỉ duy nhất dùng pháp danh và pháp hiệu để xưng hô như trên. Lấy pháp danh xưng hô nghe ngọt ngào và thân thiện đúng tư cách của một tu sĩ Phật giáo.

            Bây giờ chúng ta đi sâu vào cách lễ nghi chào hỏi cho đúng cách. Đối với những người thân trong gia đình, khi gặp nhau chào hỏi bằng cách nào cho đúng?

            1. Nếu xưng “con” thì giống như người thế tục.
            2. Nếu xưng “thầy, sư” thì có vẻ như người trên.
            3. Nếu xưng “bác, chú” thì có vẻ như thế tục.
            4. Nếu xưng “trò” thì có vẻ là học trò Nho giáo, không đúng cách của người xuất gia Phật giáo.

            Đối với người lớn tuổi trong gia đình như cha mẹ, cô, bác, dì, cậu, anh, chị thì nên xưng pháp danh. Ví dụ: Khi về thăm nhà gặp cha hay mẹ thì nên chắp tay trước ngực cúi đầu chào và nói: Minh Quang xin chào bố. Hạnh Tâm xin chào mẹ. Minh Quang xin chào bác, cô, dì, v.v...

            Đối với các em, các cháu còn nhỏ tuổi, còn trẻ thì nên xưng thầy, sư. Thầy chào các cháu hay sư chào các cháu.

            Đối với phật tử thì xưng thầy, sư.

            Đối với những người xa lạ không phải là phật tử, người lớn tuổi cũng như người nhỏ tuổi đều xưng là: bần Tăng. Ví dụ: Khi gặp một người phật tử, dù tuổi già hay tuổi nhỏ, ta cũng đều chắp tay trước ngực, người lớn tuổi thì cúi đầu chào và nói: “Chào phật tử!” Người nhỏ tuổi thì chỉ chắp tay mà không cúi đầu và nói “Chào phật tử!” Khi gặp một người không phải là phật tử ta cũng chắp tay trước ngực, nếu là người lớn tuổi thì cúi đầu chào và nói: chào bác, chào chú, chào cô. Người nhỏ tuổi thì chắp tay nhưng không cúi đầu và nói: chào anh, chào chị ...

            Đối với người khác tôn giáo thì ta cũng chắp tay chào, người lớn tuổi thì cúi đầu chào, còn người nhỏ tuổi thì không cúi đầu nhưng vẫn phải chắp tay trước ngực và nói: “Chào đạo hữu.”