100. LOÀI THỰC VẬT CÓ CẢM NHẬN SỰ ĐAU KHỔ KHÔNG?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con là người mới bước vào tìm hiểu và tu theo Phật giáo, con có một thắc mắc nhỏ, xin mạo muội được đưa ra và kính mong Thầy giải đáp giùm! Với đôi mắt bình thường (nhục nhãn) của con, con chỉ thấy các con vật (động vật) kêu đau khổ, vì vậy con rất thương hại chúng; con muốn hỏi Thầy: Những loài thực vật như cây đậu phọng, cây mè, cây đậu nành, các loài rau và cây ăn quả. Khi chúng ta nhổ chúng để ăn thì chúng có biết đau đớn không ạ!
Thắc mắc của con là như thế đấy. Chúng con nhìn vạn vật với đôi mắt bình thường thì không thấy các loại cây đau đớn khi bị nhổ lên làm thực phẩm. Nhưng với trí Tuệ Tam Minh và thiên nhãn của Thầy thì Thầy có cảm nhận được nỗi đau của thực vật không? (Cây lương thực, cây ăn quả, rau …)
Thắc mắc trên của con có vẻ rất đơn giản và buồn cười, nhưng con thực sự kính mong Thầy giải thích giùm để con thông suốt! Con kính chúc Thầy sức khỏe an lạc! Kính thư!
Đáp: Câu hỏi của con là một câu hỏi mà nhiều người muốn thưa hỏi, nhưng e ngại không dám hỏi và không biết ai để hỏi. Con hãy lắng nghe, Thầy sẽ giảng nói cho con hiểu: Nếu Thầy dùng Tam Minh giảng nói cho con nghe loài thực vật có cảm giác đau đớn thì con không đủ lòng tin nơi Thầy. Tại sao vậy? Vì các con không có Tam Minh. Cho nên, Thầy dùng ý thức giải thích để các con dễ hiểu.
Hành tinh chúng ta đang nương tựa sống là hành tinh sống mà ai cũng biết. Vì thế mọi vật trên hành tinh này đều có sự sống như nhau. Từ loài thực vật rong rêu, cỏ cây đến loài động vật nhỏ nhất như: vi khuẩn, côn trùng; lớn nhất như loài chim đại bàng, kình ngư ... đều có sự sống.
Mọi vật đều có sự sống thì phải có sự cảm nhận. Loài động vật thì ai cũng biết chúng có sự cảm nhận rõ ràng như nhau. Còn loài thực vật chúng có cảm nhận không?
Câu hỏi của con trên đây là muốn biết loài thực vật có cảm nhận đau đớn hay không? Có con ạ! Tại sao chúng ta biết như vậy? Có nhiều trường hợp chúng ta quan sát sẽ thấy những loài thực vật có cảm nhận như: tất cả cây thảo mộc, nhất là cây trinh nữ (mắc cỡ). Để chứng minh điều này, khi chúng ta đụng vào cây trinh nữ thì cây liền co cành lá xuống. Còn tất cả các loài cây thảo mộc khác khi bị che khuất áng sáng thì chúng đều nghiêng mình theo hướng có ánh sáng, hoặc chúng ta đổ một đống phân, một thời gian sau chúng ta đều thấy những rễ cây hướng về đống phân.
Như vậy, tất cả loài thảo mộc đều có sự cảm nhận, có sự cảm nhận là có sự đau đớn, nhưng chúng ta không phát hiện ra được âm thanh của những loài thảo mộc kêu khóc, thở than như loài động vật. Nhưng chúng có những hiện tượng héo úa, tàn tạ nơi cành lá, chứng tỏ chúng cũng sầu khổ trước cảnh chia ly cùng mọi vật vào cõi vĩnh hằng. Con có nhìn thấy không con?
Khi nhận ra được những điều này, đứng trước sự sống và sự đau khổ của mọi loài và lòng thương yêu sự sống của muôn vật thì chúng ta phải làm sao hỡi con? Chúng ta biết sống, biết đau khổ, biết thương yêu sự sống, biết khóc thương sự đau khổ của mình, của người, của muôn loài vật sống khác nhau. Sao chúng ta lại nỡ nhẫn tâm nuôi sống thân mình bằng những sự đau khổ của muôn loài vật khác? Sao chúng ta lại nỡ nhẫn tâm nhai nuốt được những sự sống của muôn loài vật khác? Lòng yêu thương có cho phép chúng ta sống như vậy trên sự sống và sự đau khổ của muôn loài không hỡi con?
Phải chấm dứt sự tái sinh luân hồi con ạ! Phải thoát ra khỏi kiếp làm người, làm chúng sanh con ạ! Muốn được vậy thì chỉ có một con đường duy nhất, đó là con đường Bát Chánh Đạo của Phật giáo. Con đường ấy sẽ giúp chúng ta thoát kiếp làm người, làm chúng sanh và sống trọn vẹn trong lòng yêu thương của một con người thật là người muôn thuở. Phải không con?
Xét cho tận cùng sự sống trên hành tinh này là một sự khổ đau. Loài này ăn thịt loài kia để sống, loài kia ăn thịt loài này để sống thì thật là đau lòng. Phải không con?
Chính chúng ta là những người ăn thực phẩm thực vật để sống, khi biết cây cỏ thảo mộc có cảm nhận sự đau khổ thì chúng ta chỉ còn quyết tu tập cho ra khỏi nhà sinh tử, chấm dứt luân hồi, chứ không còn tha thiết sống trong sự phải nhai nuốt nhau để sống. Sống trong sự đau khổ của nhau.
Xét cho tận cùng, mọi sự sống trên thế gian này là một sự đau khổ tận cùng của sự đau khổ, chúng ta hãy vượt ra những sự đau khổ này các con ạ! Như Đức Phật đã dạy: “Đứng lại thì chìm xuống, tiến tới thì trôi dạt, chỉ có vượt qua.” Nhưng vượt qua bằng cách nào? Bằng chân lý thứ ba “Diệt Đế” tức là Tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Phải cố gắng lên các con ạ! Đời có gì vui đâu, toàn là sự khổ đau. Chúng ta đang sống thì có bao nhiêu loài thực vật, động vật đau khổ và chết. Phải không hỡi con? “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển,” lời dạy này không sai con ạ! Chúng ta làm sao đây hỡi con? Hãy bắt chước Phật. Người đã vượt qua, Thầy đã vượt qua, Bây giờ các con hãy vượt qua. Cố gắng lên các con ạ! Có Thầy, có Phật giúp đỡ chắc chắn các con cũng sẽ vượt qua đến bờ bên kia. Chúc các con thành công.
101. ĂN CHAY LÀM CÂY CỎ BIẾT ĐAU
Hỏi: Kính bạch Hoà Thượng! Con còn hai điều không biết rõ, xin Hoà Thượng chỉ dạy:
1- Có người bảo rằng: “Ăn chay để tránh sự sát sanh đau khổ, vậy cây cỏ đang sống mình bẻ ngang ăn, nó cũng biết đau đớn vậy? Con không biết phải trả lời sao cho đúng với đạo đức nhân quả.
2- Có một số người nói: “Trứng gà công nghiệp dùng cho ăn chay được, tại vì nó không có kết hợp trống mái?” Kính bạch Hoà Thượng! Những điều trên đây con chưa thấu hiểu. Ngưỡng mong Hoà Thượng dành chút thời gian quý báu để chỉ dạy cho con được rõ. Con xin kính chúc cho Hoà Thượng và cô Út được nhiều sức khoẻ và ánh sáng chánh Phật pháp luôn lan tràn khắp hành tinh này.
Đáp: Nếu con trả lời ngắn gọn thì nên hỏi lại: “Các bạn có bệnh thần kinh không? Chỉ có những người bệnh thần kinh mới có cảm tưởng cây cỏ biết đau khổ. Khi biết chúng đau khổ, sao bạn lại nhẫn tâm ăn chúng?”
1- Nói cỏ cây biết đau khổ là nói đúng, nhưng các bạn nhận ra sự đau khổ của nó bằng gì? Các bạn không chứng minh được cây cỏ đau khổ, chỉ nói trong tưởng thành các bạn nói sai. Khi muốn nói cây cỏ đau khổ thì phải nói có một sự chứng minh cụ thể các bạn ạ!
Khi ta bẻ ngọn, cắt cành, nhổ gốc, sao loài thực vật không kêu la, rên xiết, không giãy giụa phản ứng như loài động vật vậy? Ý của các bạn trên đây là bạn sống trong tưởng tri, “tưởng cây cỏ biết đau khổ.” Chứ các bạn không chứng nghiệm được sự khổ đau của nó. Các bạn sống trong tưởng như những nhà thơ, nhà văn. Vì nhân quả khổ đau của chính mình mà ta không nỡ nhẫn tâm sống trên tiếng kêu la rên xiết, giãy giụa khổ đau của loài động vật.
Thực vật tuy có đời sống, có sự đau khổ như loài động vật, nhưng không kêu la, không giãy giụa, không máu đổ v.v...Vì thế ta mới sống trong thực phẩm thực vật để không còn mắt thấy sự giãy giụa, máu đổ, thịt rơi; để không còn tai nghe tiếng kêu la, rên xiết của loài động vật trước khi tắt thở.
Các bạn có những lý luận này là chính các bạn đã tự dối lòng mình, tự mâu thuẫn với sự sống của mình. Vì chính các bạn đang sống trong các loại thực phẩm động vật và thực vật mà các bạn có như thật biết chúng đau khổ đâu. Các bạn đâu có lòng thương yêu chúng, các bạn đang nhai nuốt chúng, đang nỡ nhẫn tâm chà đạp lên sự sống của chúng, các bạn chỉ nói lời ấy là để bác bỏ đạo đức hiếu sinh của người khác.
“Mình sống không đạo đức hiếu sinh thì cũng muốn người khác sống không đạo đức như mình.” Ý các bạn hỏi câu này là chỉ cho những người ăn thực phẩm thực vật cũng giống như những người ăn thực phẩm động vật. Vì cả hai đều có sự đau khổ như nhau; ý các bạn hỏi câu này không phải các bạn thương yêu sự sống của muôn loài. Bởi vì các bạn đang sống bằng xương máu của động vật và thực vật.
Chúng tôi biết rất rõ tâm các bạn đều sợ đau khổ, sợ chết, đều ước mong có sự bình an, yên lành. Thế mà hằng ngày các bạn lại sống trong sự đau khổ của loài động vật, thực vật khác. Các bạn sống vui cười hạnh phúc trong sự khổ đau của động vật và thực vật. Các bạn có biết không?
Các bạn có biết sự đau khổ không? Các bạn chỉ nói được bằng miệng: “Cỏ cây cũng biết đau khổ,” chứ các bạn có biết chúng đau khổ như thế nào đâu?
Ví dụ: Nếu có ai đánh đập, đâm chém và làm thịt các bạn thì các bạn nghĩ sao? Chừng đó các bạn mới nếm được mùi vị đau khổ như thật; chừng đó các bạn mới có buồn khổ, căm tức và thù hận kẻ làm đau khổ mình... Nếu các bạn hỏi được câu này thì các bạn đừng ăn thực phẩm động vật và thực phẩm thực vật thì sự sống của các bạn sẽ ra sao, các bạn có biết không? Có lẽ các bạn là cỏ cây nên đã cảm thông với cỏ cây mà nêu ra những ý kiến này. Nếu các bạn thật sự là cỏ cây, đất đá thì chúng tôi không có ý kiến gì với các bạn cả, vì các bạn nói đúng. Còn chúng tôi nói cỏ cây có sự đau khổ là có sự chứng minh cho các bạn thấy cụ thể.
Còn các bạn là cỏ cây, đất đá... thật thì làm sao các bạn có ý kiến, có cảm giác của loài động vật. Những loài động vật có ý kiến là loài người các bạn ạ! Mà loài người thì sống phải có đạo đức, có tình cảm, có lương tri, lương năng, có sự yêu thương nhau. Các bạn là con người, sao gợi lên những ý tưởng không đúng sự thật “cây cỏ biết đau khổ,” cây cỏ biết đau khổ có bao giờ nói với các bạn chưa? Các bạn có thấy chúng đau khổ chưa? Chúng biểu hiện sự đau khổ ấy như thế nào?
Các bạn giàu tưởng tượng để bắt bí người khác không sống trong ảo tưởng như các bạn; để lôi kéo người khác vào sự khổ đau bằng chính những hành động ác của họ (nhân ác); để lôi kéo những người khác vào sự phá hoại sự sống trên hành tinh này, chứ nào bạn có thương yêu sự sống của muôn loài. Bằng chứng bạn nói cỏ cây đều biết có sự đau khổ, nhưng bạn vẫn sống trên sự đau khổ không những của loài động vật mà còn loài thực vật nữa.
Trên hành tinh này là hành tinh có môi trường sống, vì thế mọi vật luôn luôn phải biết bảo vệ sự sống của nhau, cỏ cây nuôi loài động vật, động vật phải biết bảo dưỡng cỏ cây thì môi trường sống càng ngày càng tốt đẹp hơn, do đó cỏ cây xanh tươi mát mẻ, loài động vật thương yêu nhau như anh em trong một nhà. Ngược lại, hiện giờ loài động vật đang tự hoại diệt sự sống của nhau trên hành tinh này.
Thực vật để lại hoa trái và lá nuôi loài động vật, loài động vật thì biết chăm sóc bón phân, tưới nước cho loài thực vật thì bông, trái, lá là món ăn của loài động vật và loài động vật ăn hoài không hết. Ngược lại con người và loài vật lớp ăn lớp diệt khiến cho cây cỏ cằn cỗi khô chết, thậm chí người ta còn đốt rừng phá hoại sự sống của ngàn cây nội cỏ và còn ăn thịt lẫn nhau. Ngàn cây nội cỏ là sự sống của loài động vật, thế mà người ta còn huỷ diệt, huống là loài động vật thì làm sao mà không ăn thịt lẫn nhau. Con lớn ăn thịt con bé, con mạnh ăn hiếp con yếu. Đó là một hình ảnh bất công phi đạo đức trên môi trường sống này, trên hành tinh này, là một nỗi buồn đau của những người biết thương yêu sự sống của muôn loài.
Với những người này con nên trả lời đúng nhân quả: Khi bạn biết nó đau đớn thì bạn đừng có ăn nó, còn chúng tôi chỉ biết loài động vật có sự đau đớn nên chúng tôi không ăn. Bạn biết cây cỏ đau đớn mà bạn ăn nó, tức là bạn quá ác tâm, quá tàn nhẫn, mà người quá ác tâm, quá tàn nhẫn như vậy thì có khác chi là loài ác quỷ. Còn chúng tôi biết cỏ cây có sự đau đớn, nên chúng tôi quyết chí tu hành để chỉ còn có một kiếp này nữa mà thôi. Vì có sự sống này là có sự khổ đau và chúng tôi không muốn thấy sự khổ đau nữa dù bất cứ loài động vật hay loài thực vật.
2- Trứng gà công nghiệp, người ăn chay có thể dùng được, vì không có sự đau khổ trong ấy. Nhưng ăn chay kiểu đó chỉ mới thực hiện được lòng thương yêu (lòng từ bi) chứ chưa thực hiện được sự thanh tịnh của thân, tâm.
Trong trứng gà, vịt có chất bất tịnh mùi tanh của nó. Một người muốn nhập được thiền định làm chủ sự sống chết mà thân tâm không thanh tịnh thì làm sao nhập định được? Vốn trong thực phẩm động vật có nhiều chất độc và nhiều chất bất tịnh, vì thế người muốn tu tập để thân tâm thanh tịnh và giải thoát hoàn toàn thì phải ăn uống rau quả là tốt nhất.
Trứng gà, vịt là một chất bất tịnh nên khi ăn nó, chúng ta cần phải có sự tư duy kỹ. Nếu sống để ăn thì nên ăn. Còn ăn để sống, để tu, để ly dục ly ác pháp, để thân tâm thanh tịnh, để thân tâm nhập được thiền định thì không nên ăn. Do sự tu tập giúp cho thân tâm thanh tịnh thì chúng ta còn phải tránh ăn năm loại rau kích dục và có mùi tanh hôi như: Hành, hẹ, tỏi, nén và rau dấp cá, huống hồ là ăn trứng gà, vịt.
Thăm và chúc con vui mạnh, tu tập xả tâm tốt.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Muốn biết một người tu sĩ có phải là một bậc Thánh để cho cư sĩ thân cận học hỏi giáo pháp thì phải căn cứ vào những tiêu chuẩn như thế nào để đánh giá? Để khỏi uổng phí thời gian tu tập của mình, nếu vị tu sĩ này xuất gia không phải vì lý tưởng giác ngộ giải thoát.
Đáp: Đánh giá một người tu sĩ Phật giáo là phải đánh giá ở chỗ Thánh hạnh của vị tu sĩ ấy, nghĩa là vị tu sĩ không vi phạm giới luật. Muốn đánh giá đúng một tu sĩ đạo Phật thì hãy đem một trăm hai mươi giới (120 giới) đức Thánh Tăng mà kê ra thì thấy rất rõ ràng. Phàm Tăng và Thánh Tăng không giống nhau. Cũng như chúng ta nhìn vào một đoàn dê và bò, bò thì ra bò mà dê thì ra dê, không thể lầm lẫn được.
Ngày xưa, thời Đức Phật còn tại thế, vua Ba Tư Nặc hỏi:
- Bạch Thế Tôn! Chúng con thấy một đoàn khất sĩ đi qua, muốn biết người chứng quả A-la-hán, thì chúng con phải làm sao?
Đức Phật trả lời:
- Muốn biết ai là người chứng quả A-la-hán thì nên ở gần người ấy nhận xét oai nghi tế hạnh giới luật.
Đức Phật ngày xưa đã dạy như vậy, thì bây giờ chúng ta cứ theo đó mà nhận xét giới luật đức hạnh của tu sĩ thì biết ngay vị tu sĩ nào là ngoại đạo Bà La Môn và vị tu sĩ nào là Thánh Tăng đệ tử của Phật giáo. Xin quý phật tử nên nhớ:
“Giới luật còn là Phật giáo còn, Giới luật mất là Phật giáo mất.”
Người tu sĩ Phật giáo sống đúng giới là Phật giáo còn, người tu sĩ Phật giáo phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới là Phật giáo mất. Thánh Tăng từ giới mà sinh ra. Giới luật sinh các bậc A-la-hán, chứ không phải những tu sĩ có thần thông hoặc ngồi thiền 5, 7 ngày, hoặc kiến tánh thành Phật hoặc trực vãng Tây phương cõi Cực Lạc hay Thiên Đàng.
103. BẢN NGÃ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Có một số người khi mới phát tâm tu, hoặc làm công quả ở chùa làm chức hướng dẫn cư sĩ và làm từ thiện xã hội mấy năm đầu thì thấy khuôn mặt rất dễ thương, nhưng khoảng thời gian sau thì nhìn khuôn mặt thấy quậy beo, đụng việc người khác làm trái ý mình thì nổi sân đùng đùng. Có phải những người này làm phước mà còn cầu phước, không có phương pháp tu tập để kiểm soát bản ngã của mình? Khi thấy mình có công đôi chút thì tỏ vẻ hơn người, nên khi ai làm trái ý họ thì họ bực tức. Con hiểu như vậy có đúng không?
Đáp: Phần đông người ta tu phước hữu lậu, nên làm có chút ít công đức thì bản ngã to ra, con hiểu như vậy rất đúng. Người có phước hữu lậu thì bản ngã theo phước đó mà to lớn ra, không những riêng cư sĩ mà cả tu sĩ nữa. Cho nên các vị tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni hiện giờ hầu hết đều không tu tập đúng pháp ly dục ly ác pháp của Phật giáo Nguyên Thủy. Cứ theo lộ trình Bồ Tát đạo của Đại Thừa tu phước hữu lậu thì bản ngã sẽ to lớn vĩ đại. To lớn theo tiền bạc, chùa to, Phật lớn, danh cao, chức trọng v.v... Vì thế các vị này dễ sân, dễ phiền não, đời sống của họ trong dục lạc của thế gian, ăn ngủ phi thời. Họ chẳng bao giờ nếm được mùi vị giải thoát chân thật của Phật giáo.
104. BỊ NGOẠI ĐẠO KHIÊU KHÍCH
Hỏi: Kính bạch Thầy! Con là Chơn Đức xin Thầy hoan hỷ chỉ dẫn cho con hiểu những điều dưới đây: Khi bị ngoại đạo khiêu khích bằng lời nói nhạo báng, nói xấu xa hoặc bằng vũ lực thì chúng con phải giải quyết xử trí như thế nào?
Đáp: Chúng ta nên noi theo gương hạnh của Đức Phật ngày xưa, khi đứng trước ác pháp thì phải “Im lặng như Thánh.” Trước những lời khiêu khích, cũng như những lời nhạo báng nói xấu, cho đến họ dùng vũ lực để đánh chúng ta thì chúng ta cứ nhẫn nhịn và chạy tránh là hay nhất.
Đức Phật thường răn nhắc chúng ta:
“Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó hại tôi, cướp tôi
Không ôm ấp niệm ấy
Hận thù sẽ tự nguôi.”
Lời dạy này trong kinh Pháp Cú, chúng ta nên áp dụng vào đời sống hằng ngày thì lời khen cũng như lời chê, lời khiêu khích, lời nhạo báng, nói xấu xa cho đến dùng vũ lực để đánh, chúng ta điều hóa giải được.
Một hôm có một vị Bà La Môn đến chửi mắng Phật, Phật vẫn im lặng, người ấy chửi mắng đã, rồi bỏ ra về. Thấy thế ông A Nan hỏi Phật. Sao Đức Thế Tôn không có lời nào?
Đức Phật bảo: - Như người mang bánh đến cho ta, nhưng ta không nhận thì người ấy làm sao? Họ đem bỏ hay mang về?
Ông A Nan nói: - Bạch Thế Tôn, họ mang về.
Phật đáp: - Cũng vậy, họ chửi ta mà ta không chửi lại và không hờn giận họ thì cũng giống như một người mang bánh cho ta mà ta không nhận thì họ phải mang về nhà.
Cách thức im lặng như Thánh là chúng ta không nhận những lời mắng chửi nhạo báng trên, còn chúng ta mở lời nói trái, phân phải là chúng ta đã nhận những lời mắng chửi nhạo báng đó. Cũng giống như người ta mang bánh cho mình vậy, không nhận thì họ mang về. Lối nhẫn nhục trên đây thật là tuyệt vời, nhưng nếu chúng ta không rèn luyện tu tập đầy đủ sức định tỉnh thì cũng khó im lặng như Thánh.
Xưa, ông Phú Lâu Na xin Phật đi vào một xứ xa để độ họ tu tập thiện pháp, nhưng người dân ở đó rất là hung dữ.
Phật hỏi ông: - Khi người ta chửi ông.
Ông đáp: - Người ta còn thương con.
Ví dụ: Khi người ta chửi con, nói con là ngoại đạo thì con nên thương họ, vì họ nói như vậy chính họ là ngoại đạo. Chỉ có ngoại đạo mới tâm hung dữ chửi mắng người như vậy.
Phật hỏi: - Khi người ta đánh ông.
Ông Phú Lâu Na đáp: - Người ta còn thương con.
Phật hỏi: - Khi người ta giết ông.
Ông đáp: - Người ta thương con.
Pháp sai chứ người đâu có sai, pháp có pháp ngoại đạo, chứ người đâu có người ngoại đạo, chỉ vì người theo pháp sai mà không biết, cho nên chửi mắng người khác là ngoại đạo làm sai. Vì biết đâu vui kia mất nọ, vui nọ mất kia, người bỏ pháp tà tu lại đúng chánh pháp thì sao gọi họ là ngoại đạo được. Cho nên khi người ta mắng chửi mình thì mình chỉ nên im lặng như Thánh và nên thương họ vì họ là người đáng thương.