68. QUẢ BÁO CÓ HAY KHÔNG?
Hỏi: Kính thưa Thầy, kẻ tham nhũng làm điều phi đạo lý trong xã hội ngày một béo tốt, nhiều tiền lắm của, kẻ ăn cắp ngày một giàu lên. Vậy họ đang tạo nghiệp ác, đến bao giờ họ phải trả nghiệp ác này, ít ra thì cũng phải trả trong đời hiện tại này để mọi người thấy được. Còn họ trả nghiệp ác này trong tương lai thì trừu tượng quá vậy? Xin Thầy dạy cho chúng con rõ.
Đáp: Phước đời trước họ khéo tạo, nên đời nay họ mới sanh vào chỗ làm dễ ra tiền. Thế mà, vì lòng tham không đáy nên họ đã làm tiền phi đạo lý như: tham nhũng, trộm cắp, hối lộ v.v... Tuy hiện tại chúng ta chưa thấy quả báo của họ là vì phước báo của họ còn dư thừa chưa hết, nhưng khi phước báo ấy đã cạn hết thì thiên tai hỏa hoạn đến, lúc đó họ chỉ còn sống trong màn trời chiếu đất, thậm chí cơm không đủ ăn, áo không có mặc. Các con đừng nghĩ rằng nhân quả trừu tượng, nhân quả là một định luật đạo đức công bằng và công lý mà trong thế gian này không có một định luật nào công bằng và công lý hơn nó được.
Nếu họ biết dừng ngay những điều làm ra tiền phi đạo lý của họ thì bây giờ họ cũng phải trả quả trong hiện tại, huống là họ chẳng biết dừng những việc làm ác đó thì họ sẽ phải trả quả ngay trong kiếp này để cho mọi người chứng kiến biết rõ luật nhân quả công minh khi phước họ đã cạn hết chứ không phải ở kiếp sau. Bằng chứng các con có đọc báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, nhiều kẻ làm giàu phi đạo lý sẽ bị tù tội, tử hình, tài sản và nhà cửa đều bị tịch thu như: Minh Phụng, Trần Đàm v.v...
Nhân quả không trừu tượng như các con đã hiểu, những phước báo của kẻ tạo ra những điều phi đạo lý chưa hết nên họ còn hưởng thêm một vài ngày, nếu phước báo kia vừa hết thì quả báo khổ đau sẽ đến với họ liền.
“Phước bất trùng lai họa vô đơn chí,” người xưa đã nói như vậy tức là họ đã có kinh nghiệm trong cuộc sống nên đã nhận ra được luật nhân quả rõ ràng và cụ thể “vay một trả mười.” Nhân quả không những phải trả ở tương lai trong kiếp khác mà còn phải trả ngay trong kiếp hiện tại. Chỉ khi nào người tạo quả ác đã hết phước thì họ phải trả ngay liền, còn quả ở vị lai thì nó đã trở thành nghiệp lực để tiếp tục tương ưng với nhân quả của người khác mà tái sanh vào môi trường sống xấu hơn nếu họ làm ác nhiều, hoặc tốt hơn nếu họ làm thiện nhiều.
Trước mắt chúng ta đã thấy bao nhiêu kẻ làm ác mà chẳng thấy quả khổ của họ nên mọi người đâm ra nghi ngờ luật nhân quả. Họ đâu biết rằng luật nhân quả rất công bằng và công lý, ai làm thiện thì hưởng phước, còn ai làm ác thì thọ chịu quả khổ, không có một ai tránh khỏi, chỉ có phước thừa của họ chưa hết nên họ làm ác vẫn còn thấy được an vui, nhưng sự an vui chưa thật sự là an vui. Nếu chúng ta nhìn kỹ cái vui của họ là tiếng khóc, cái hãnh diện của họ là những ưu tư da diết trong lòng chứ chưa phải là hạnh phúc đâu.
Trong thế gian này, duy nhất chỉ có một đạo luật nhân quả là công bằng và công lý, đó là một đạo luật do từ những hành động thiện ác của con người tạo ra để phân xử lấy họ, chứ không có ai hoặc một đấng sáng tạo nào đặt ra cả. Từ hành động thiện ác của loài người mà con người phải chịu quả khổ vui chính hành động của họ, chứ không phải quả khổ vui tự nhiên mà có hay có ai xét xử phạt tội ban phước cho chúng ta.
Phật dạy: “Các pháp trong thế gian là do duyên hợp mà thành, nhưng sự thành hoại đều do hành động nhân quả mà có.” Nhân quả có lúc hiện rất rõ, lại có lúc thấy như không có nhân quả, nhưng chúng ta phải biết nhân quả lúc nào cũng đang chi phối loài người theo mỗi hành động của con người. Và vì vậy, con người mới thấy có khổ, có vui, có giận hờn, thương ghét, có buồn phiền đau khổ, có oan ức, có hận thù v.v...
Có lúc thấy như không có nhân quả, do đó người ta đã lầm và mất lòng tin nhân quả, nhưng nhân quả lúc nào cũng có mặt trong tất cả mọi con người, nên không có người nào trốn tránh khỏi luật này được, dù kẻ đó có nhiều tiền, nhiều bạc, có quyền cao chức trọng cũng không thoát khỏi luật này phân xử, do đó nó rất công bằng và công lý, mặc dù chúng ta thấy có kẻ kia làm ác mà vẫn không thấy quả khổ đến với họ, đó là vì phước của kẻ kia chưa hết, như chúng tôi đã nói ở trên, nên quả khổ đau của họ chưa đến mà thôi.
69. TÂM THỨC CÒN HAY MẤT KHI NGƯỜI ĐÃ CHẾT?
Hỏi: Kính thưa Thầy, khi xác thân hoại diệt thì tâm thức thường hằng bất biến hay đã hoại diệt hoàn toàn theo thân xác của nó?
Đáp: Đức Phật đã dạy: “Nếu thức còn một chút xíu như đất trong móng tay Ta thì con người trong thế gian này không thể thoát khổ và Đạo Ta cũng không xuất hiện ra đời.”
Đây là lời dạy chân thật, nếu còn một chút xíu thức, tức là còn một vật thường hằng, mà đã còn một vật thường hằng thì con người không thể thoát khổ. Do quán xét thấu suốt lý các pháp duyên hợp nên Đức Phật xác định không có một vật gì thường hằng bất biến, dù là vật có hình sắc hay vô hình trong thế gian này. Và vì vậy, đạo Phật không chấp nhận thế giới siêu hình, thế giới siêu hình chỉ là một thế giới tưởng của con người còn sống, nhưng đến khi chết thì thế giới này cũng tan biến theo mây khói mà thôi.
Kinh sách phát triển xây dựng thế giới siêu hình có một vật vĩnh hằng (Chơn Tâm, Phật Tánh, Bản Lai Diện Mục v.v...) là giáo phái xây dựng thế giới ảo tưởng. Hiện giờ khoa học cũng đã xác định mọi vật đều do nhiều nguyên tố kết hợp lại, chứ không có một vật gì độc lập riêng rẽ, cho nên thế giới thường hằng không có thật, đó chỉ là sự lừa đảo, lường gạt đối với những người còn lạc hậu, chưa có kiến thức về khoa học, những người đang tu theo Phật giáo Phát Triển và Thiền Đông Độ mà thôi.
Ngày nào khoa học tiến triển sâu xa hơn và trình độ kiến thức của con người được nâng cao thì ngày đó tất cả các giáo phái trên hành tinh này đã, đang và sẽ xây dựng thế giới siêu hình thường hằng, bất biến sẽ bị loại trừ ra khỏi đời sống của loài người. Chỉ vì hiện giờ khoa học chưa đủ sức chứng minh thế giới vĩnh hằng có hay là không, vì do tưởng uẩn tạo ra nhiều trò ảo thuật (siêu hình) khiến cho khoa học không thể chứng minh được, đành bó tay. Nhưng đối với những người tu theo Phật giáo Nguyên Thủy không rơi vào thiền tưởng và những người đã nhập được từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền và thông suốt Tam Minh thì không thể lừa đảo họ được, vì chính bản thân họ đã thấy được thế giới siêu hình đó từ đâu sanh ra.
70. CÚNG DƯỜNG 1.000 VÀ 100.000 ĐỒNG?
Hỏi: Kính thưa Thầy, có một sĩ quan quân đội hỏi con, vào chùa lễ Phật, một người cúng dường 1000đ và một người cúng dường 100.000đ thì người nào có phước đức hơn?
Đáp: Trong giới luật Phật, cấm các tu sĩ không được cất giữ tiền bạc. Người cất giữ tiền bạc thì bị tội xả đọa (Ni tát kỳ ba dật đề). Phật tử vào chùa lạy Phật, cúng tiền bạc dù một đồng cho đến hằng tỷ đồng đã không có phước báo mà còn phi công đức như:
1- Khiến cho chư Tăng ham mê tiền bạc mà quên giữ gìn Thánh hạnh của mình, đó là phi công đức thứ nhất.
2- Có tiền khiến cho chư Tăng sa ngã chạy theo dục lạc thế gian, sống hưởng thụ, không giữ gìn giới luật, khiến cho người đời khinh chê Phật pháp và cũng vì vậy khiến cho Phật pháp suy đồi, đó là phi công đức thứ hai.
3- Có tiền, khiến chư Tăng chạy theo danh lợi, quên hạnh thiểu dục tri túc, phòng hộ sáu căn, đó là phi công đức thứ ba.
4- Có tiền, khiến cho chư Tăng xây dựng chùa to Phật lớn, làm cho dính mắc vật chất, tâm không xả ly dục và ác pháp, đó là điều phi công đức thứ tư.
5- Có tiền cúng dường của đàn na thí chủ đem về nuôi giòng họ anh em con cháu và xây mồ mả tổ tiên, cất nhà cao cửa rộng cho cha mẹ ở, đó là điều phi công đức thứ năm.
6- Cúng dường tiền bạc cho bọn đầu trộm đuôi cướp gian xảo lợi dụng chiếc áo cà sa đi xin (khất thực) tiền bạc bất chánh, đó là điều phi công đức thứ sáu.
Do sáu điều phi công đức trên đây, người phật tử cúng dường tiền bạc đã không được phước báo mà lại còn thêm sáu tội rất nặng, đó là tội diệt Phật pháp. Xưa, Đức Phật và chư Thánh Tăng đi khất thực tứ sự vừa đủ cho cuộc sống tu hành và thực phẩm, ngày ăn một bữa, không để dành và cũng không có xin tiền bạc. Ngày nay, gặp tu sĩ đi xin tiền bạc thì đó là những tu sĩ giả mạo chứ không phải là người tu chơn chánh.
Người phật tử nào cúng dường tiền bạc là người phật tử đã bị kinh sách phát triển và Thiền Tông lừa đảo lường gạt “phước báo” để lấy tiền làm giàu riêng cho cá nhân ngồi mát hưởng bát vàng. Do sự cúng dường tiền bạc của phật tử thiếu trách nhiệm và bổn phận đối với Phật giáo nên có một số người lợi dụng kẽ hở đó chui vào Phật giáo, kinh doanh buôn Phật bán Pháp lẫn trong chiếc áo cà sa làm việc tồi tệ, khiến cho người đời không kính trọng Phật giáo.
Tóm lại, cúng dường chư Phật và chư Thánh Tăng, dù một đồng hay một tỷ đồng thì cũng không được phước báo một chút gì cả mà lại còn thêm tội. Phải nói người cúng một đồng ít tội hơn người cúng một tỷ đồng, vì cúng dường nhiều khiến cho chư Tăng dễ sa ngã chạy theo vật chất, quên đường tu hành nên phải tội nhiều hơn. Khi cúng dường tiền bạc thì nên giao cho một người cư sĩ nguyện trọn đời mình lo cho đời sống chư Tăng thì được phước, vì đó là cúng dường đúng chánh pháp.
71. TẠI SAO THÂN THƯỜNG BỊ BỆNH
Hỏi: Kính thưa Thầy, thân thường bị bệnh là nghiệp gì? Phải làm sao thân không bệnh?
Đáp: Đã sinh làm người, làm loài động vật là đã mang thân nghiệp. Thân nghiệp tức là thân nhân quả. Thân nhân quả tùy theo nhân quả thiện ác mà thọ chịu quả khổ đau phiền não, giận hờn thương ghét v.v... nặng nhẹ hoặc thọ hưởng sự phước báo yên vui, an ổn, ít bệnh tật, ít tai nạn v.v... chứ không ai mang thân nhân quả nghiệp báo mà không đau khổ; mà không có an vui bao giờ. Thân thường bị bệnh là do nghiệp sát sanh tức là nguyên nhân giết hại và ăn thịt chúng sanh. Người có thân thường hay bị bệnh từ lúc mới sinh ra cho đến già sắp bỏ thân này là do kiếp trước giết hại và ăn thịt chúng sanh quá nhiều nên phải chịu trả quả báo thọ thân bệnh khổ đau liên miên như vậy. Muốn thoát ra thân bệnh tật khổ đau và những tai nạn thì phải thọ Tam Quy Ngũ Giới. Thọ Tam Quy Ngũ Giới là phải giữ gìn đúng những lời Phật dạy thì mới có kết quả thân không còn bệnh tật và tai nạn nữa. Vậy Thọ Tam Quy Ngũ giới là gì? Và thọ bằng cách nào?
Thọ Tam Quy tức là nương theo Phật, Pháp, Tăng. Nương theo Phật là phải sống như Phật; nương theo Pháp là phải sống đúng theo lời dạy của Phật; nương theo Tăng là phải thân cận thiện hữu tri thức, thường thưa hỏi và sống theo gương hạnh hòa hợp của những vị Tăng để hằng ngày sống trọn vẹn đạo đức nhân bản – nhân quả tự không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Đó là Quy Y Tam Bảo, con nên ghi nhớ.
Thọ ngũ giới là gì? Thọ ngũ giới là chấp nhận sống năm đức hạnh nhân bản - nhân quả tự không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Năm giới đức hạnh đó là:
1- Giới thứ nhất không giết hại và ăn thịt chúng sanh, đó là đức hiếu sinh tức là lòng thương yêu sự sống trên hành tinh này vậy.
2- Giới thứ hai không tham lam trộm cắp, cướp giựt, không lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, đó là đức buông xả, đức thiểu dục tri túc tức là xả ly lòng tham lam, ích kỷ, nhỏ mọn, từ bỏ lấy của không cho.
3- Giới thứ ba không tà dâm tức là đức chung thủy. Đức chung thủy là lòng thương yêu một vợ một chồng, không lang chạ với người khác. Đức chung thủy tạo nên một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, chồng thương vợ, vợ thương chồng với một lòng thương yêu chân thật, một tình nghĩa keo sơn gắn bó. Sống đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách. Đây là một đạo đức gia đình mà mọi người trên thế gian này cần phải học và sống cho đúng để không làm khổ những người thân thương đầu ấp tay gối của mình
4- Giới thứ tư không nói dối tức là đức thành thật. Đức thành thật là một đức hạnh tạo cho mình có đầy đủ lòng tin đối với mọi người. Vì thế chuyện thấy nói thấy, chuyện không thấy nói không thấy; chuyện có nghe nói có nghe, chuyện không nghe nói chuyện không nghe, chứ thấy nói không thấy, chứ nghe nói không nghe là nói dối. Người không có đức hạnh thành thật thường đem chuyện của người này nói cho người khác nghe hoặc đem chuyện người khác nói cho người này nghe hoặc nói thêu dệt, nói lật lọng đều là những người thiếu đức thành thật và đức tôn trọng mình, tôn trọng người.
5- Giới thứ năm không uống rượu, uống cà phê, không hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc phiện v.v... đó là đức minh mẫn. Đức minh mẫn là một đức hạnh sáng suốt. Đức minh mẫn sáng suốt là tự biết mình, làm chủ mình, không để mình nghiện ngập rượu, thuốc lá, thuốc lào, cà phê, thuốc phiện v.v... Vì những loại xa xỉ này đem tai hại và khổ đau cho bản thân và gia đình mình như cha mẹ, vợ con.
Trong năm đức này, người có thân bệnh cần phải giữ gìn cho trọn vẹn, đừng vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong năm giới này thì ước nguyện thân bệnh tật sẽ được chuyển hóa và tiêu trừ. Khi giữ gìn năm giới trọn vẹn thì phải tu tập các pháp Thân Hành Niệm, Định Niệm Hơi Thở bằng cách dùng cánh tay đưa ra đưa vào và tác ý câu: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô” tác ý xong liền đưa tay ra vô năm lần rồi tiếp tục tác ý như câu trên. Tu tập như vậy đúng 30’ xả nghỉ 30’ rồi lại tiếp tu tập lại nữa chừng nào hết bệnh mới thôi.
Nếu người có duyên với hơi thở thì nên tu tập theo hơi thở và tác ý câu: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.” Nương theo hơi thở mà tu tập như vậy một thời gian thì bệnh sẽ được đẩy lui. Trước khi tu tập hơi thở như vậy thì nên tác ý câu: “Thọ là vô thường, cái bệnh nhức đầu (bệnh gì thì nên nói rõ tên bệnh ấy) này phải chấm dứt, phải rời khỏi thân ta.” Đó là một phương pháp chuyển nghiệp nhân quả tuyệt vời, nếu con tin tưởng thì hãy tu tập theo đúng lời dạy trên đây thì kết quả sẽ được như ước nguyện.
Đạo Phật tu tập không những làm chủ bệnh tật mà còn làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người, đó là làm chủ sanh, già, bệnh, chết.