Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 16 (61-63).

61. TỪ TRƯỜNG

Hỏi: Kính bạch Thầy, do nhân gì, duyên gì mà các loài động vật, nhất là loài động vật sống hoang dã rất thích sống gần các nhà tu hành theo đạo Phật? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Các loài động vật hoang dã rất thích sống gần những người tu hành bởi vì:

               1- Thứ nhất họ không giết hại các loài vật, dù là con vật hung dữ và nguy hiểm.
               2- Thứ hai hằng ngày họ thường ăn và để dành những thực phẩm đều mang cho chúng ăn.

3- Thứ ba người tu hành thường không giết hại và ăn thịt chúng sanh nên xung quanh họ tỏa ra một từ trường hiền lành khiến cho các loài vật không sợ hãi, nhất là những loài vật có khứu giác tinh vi bén nhậy, khi bắt gặp từ trường đó, chúng an tâm và khi tiến gần vị tu sĩ thì cảm giác chúng lại còn an tâm hơn nữa, do đó nên các loài thú hoang dã đến gần những người tu sĩ chân chánh không còn sợ hãi, hầu như chúng cảm thấy gần gũi bên những người tu sĩ này như có một sự che chở cho bảo vệ chúng.

Nói đến từ trường tức là nói đến nghiệp lực nhân quả thiện ác do con người hành động theo ba chỗ Thân, Miệng, Ý của họ tạo ra một khoảng không gian rộng hẹp nhất định theo sự huân tập nhiều ít của họ. Từ tâm lực thiện của người ấy phóng từ trường ra trong khoảng không gian, khi loài thú vật hoang dã đến gần hoặc đi vào khoảng không gian đó, khứu giác và trực giác của chúng giao cảm được từ trường thiện nên chúng không cảm thấy sợ hãi, rất an tâm. Vì thế chúng thường quấn quít bên những người tu sĩ, có khi chúng bò lên hoặc đậu lên tay chân của những người tu hành ấy.

Chúng tôi xin nói thêm các loại từ trường để quý vị suy ngẫm. Lúc Hòa Thượng Huệ Hưng còn sống, ông nói với chúng tôi rằng: “Khi đến thăm Thượng Tọa Pháp Tri, nơi chỗ Thượng Tọa ở sao mà sát khí đằng đằng, cảm giác ớn lạnh người.”

Tại sao nơi chỗ Thượng Tọa ở lại sát khí đằng đằng? Đó là một từ trường bất thiện mà Hòa Thượng Huệ Hưng cảm nhận được khi bước chân vào đó. Lúc bấy giờ chúng tôi không biết Thượng Tọa Pháp Tri là ai, nên hỏi Hòa Thượng, Hòa Thượng bảo: “Đó là một nhà sư Phật giáo thuộc hệ phái Nam Tông.”

Nơi đâu có giết hại và ăn thịt chúng sanh là nơi đó có từ trường ác. Nơi đâu không giết hại và không ăn thịt chúng sanh nhưng nơi đó không có lòng từ bi thương xót chúng sanh thì nơi đó cũng không có từ trường thiện vì tâm người còn ác, không có lòng hiếu sinh nên phóng xuất từ trường ác, chính vì tâm con người ở đó còn tham, sân, si, mạn, nghi ngút ngàn. Nơi đâu có lòng từ bi thương xót muôn loài chúng sanh thì nơi đó có từ trường thiện. Nơi đâu có đạo đức không làm khổ mình khổ người thì nơi đó có từ trường thiện. Nơi đâu ly dục ly ác pháp là nơi đó có từ trường thiện.

Ngược lại, nơi đâu còn có tâm tham, sân, si, mạn, nghi là nơi đó có từ trường ác như chúng tôi đã nói ở trên. Nơi đâu tu sĩ Phật giáo đời sống phạm hạnh không có, thường phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới thì nơi đó có từ trường ác.

Trên đây là những từ trường thiện ác trong cuộc sống hằng ngày của con người phóng ra theo hành động đạo đức nhân bản - nhân quả và không đạo đức .

Từ đó chúng ta suy ra mới thấy được môi trường sống trong không gian trên hành tinh này tốt hay xấu, ô nhiễm hay trong sạch đều do hành động thiện hay ác của loài người và loài động vật cùng ngàn cây nội cỏ. Từ những hành động thiện ác của loài người phóng ra thường mang đến cho loài người hạnh phúc hay khổ đau.

Nếu con người trên hành tinh này sống có đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì từ trường trong không gian này toàn thiện và như vậy môi trường sống của con người sẽ không bị ô nhiễm.

Môi trường sống không ô nhiễm thì con người không có bệnh đau, thiên tai, hỏa hoạn, động đất, hồng thủy v.v... không bén mảng. Thiên tai, hỏa hoạn, động đất, hồng thủy và bệnh tật đều do con người sống trong ác pháp, với tâm tham, sân, si ngút ngàn.

Còn có những từ trường khác hơn những từ trường trên đây, đó là từ trường của các loại định, mỗi loại định đều có những từ trường khác nhau như:

1- Định Nhị Thiền khi khẩu hành tịnh chỉ thì ý thức ngưng hoạt động. Ý thức ngưng hoạt động có nghĩa là sáu thức ngưng hoạt động. Sáu thức như: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Người nhập định này mắt không còn thấy sắc tướng, tai không còn nghe âm thanh dù âm thanh to lớn như tiếng trời sét cũng không nghe v.v… Khi khẩu hành tịnh chỉ, sáu thức ngưng hoạt động tức là khẩu hành định, sáu thức định, thì từ trong các định này phóng ra một loại từ trường để bảo vệ khẩu hành và sáu thức của nó. Đây là từ trường của định Nhị Thiền, mắt thường không thể thấy được, chỉ có khứu giác tinh vi hoặc trực giác mới nhận ra được.

2- Định Tam Thiền do ly 18 loại hỷ dục tưởng, lìa 18 loại hỷ dục tưởng này thì có một từ trường phóng ra để bảo vệ giấc ngủ an lành không có mộng mị.

3- Định Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở, các hành trong thân ngưng hoạt động, để bảo vệ sự sống của thân tứ đại, từ trong thân hành tịnh chỉ này phóng ra một từ trường. Từ trường ấy làm cho các cơ quan nội ngoại của cơ thể không bị hư hoại trong một khoảng thời gian dài. Nhờ có từ trường đó mà cơ thể có thể phục hồi sự sống lại một cách dễ dàng.

Các từ trường trên đây chỉ là một luồng khí vô hình, nhưng nội lực mạnh yếu đều do hành động thiện ác nhiều ít của con người hoặc sức tịnh chỉ các hành trong thân tùy theo khẩu hành, thân hành và ý hành tạo ra định lực sâu cạn nhiều ít mà phân ra các loại định. Mỗi loại định đều có từ trường phóng ra để bảo vệ người đang nhập định.

4- Định Diệt Thọ Tưởng là một loại định diệt thọ ấm và tưởng ấm, muốn diệt thọ ấm và tưởng ấm thì phải tịnh chỉ ý hành. Ý hành tịnh chỉ thì ý căn phải ngưng hoạt động, ý căn  ngưng hoạt động thì cơ thể hoàn toàn giống như người chết. Vì muốn bảo vệ cơ thể không bị hoại diệt nên Định Diệt Thọ Tưởng phải phóng ra một từ trường rất kinh khủng. Lớp từ trường như một kính pha lê che phủ cơ thể người nhập định, ở xa thì trông thấy, nhưng đến gần thì không được, dù cho thời tiết mưa nắng cũng không xâm thực được, lửa không cháy, nước không làm ướt được, tất cả loài vật và người không bao giờ xâm chiếm đến gần được. Từ trường ấy tuy vô hình, trong suốt như pha lê, nhưng vững chắc hơn thành đồng vách sắt, không có một vật gì trên thế gian này làm hại được thân người nhập định này.

 

62. CÚNG DƯỜNG VÀ NHẬN CÚNG DƯỜNG NHƯ THẾ NÀO ĐÚNG?

Hỏi: Kính bạch Thầy, quý vị cư sĩ phật tử cúng dường cho chư Tăng như thế nào là đúng pháp và như thế nào là không đúng pháp? Chư Tăng khi nhận đồ cúng dường như thế nào đúng pháp và như thế nào là không đúng pháp? Phải làm gì khi thọ nhận sự cúng dường? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Người cư sĩ phật tử cúng dường đúng chánh pháp là phải chọn một vị Tăng giới đức nghiêm chỉnh, phải đầy đủ oai nghi tế hạnh, phải có một đời sống phạm hạnh, phải thiểu dục tri túc giống như Phật và chúng Thánh Tăng ngày xưa thì sự cúng dường ấy mới đúng là chánh pháp.

Chọn được một vị tu sĩ như vậy thì phải thành tâm dâng lên cúng dường với một tấm lòng cung kính ngưỡng mộ, mặc dù của ít lòng nhiều, không phải đòi hỏi ở những món ăn cao lương mỹ vị mới có lòng thành, mà chỉ là những món ăn đơn giản như cơm muối củ khoai và tương chao rau đậu luộc v.v…

Người cư sĩ phật tử cúng dường không đúng chánh pháp là cúng dường cho những vị Tăng phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, sống không đúng oai nghi tế hạnh. Cúng dường cho những vị Tăng này là nối giáo cho ngoại đạo diệt Phật giáo. Bởi Đức Phật dạy: “Giới luật Ta còn là Đạo Ta còn, giới luật Ta mất là Đạo Ta mất.” Câu nói này có nghĩa là tu sĩ còn giữ gìn giới hạnh nghiêm chỉnh thì đạo Phật còn, tu sĩ không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì đạo Phật mất. Lời dạy năm xưa của Đức Phật đến giờ này nó còn có một giá trị rất lớn, giúp cho chúng ta quan sát đạo Phật còn hay mất.

Theo lời dạy này, đạo Phật không còn nữa. Từ khi Đức Phật và chúng Thánh Tăng đã viên tịch hết thì không còn ai giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nữa nên đạo Phật đã mất từ đó.

Hiện giờ quý vị cư sĩ phật tử muốn cúng dường đúng chánh pháp thì phải chọn những vị Tăng xứng đáng, giới luật nghiêm trì không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì mới cúng dường. Còn ngược lại thì quý vị không nên cúng dường cho những vị Tăng phạm giới, phá giới, vì cúng dường như vậy là gián tiếp quý vị diệt Phật giáo “Phật giáo còn là giới luật còn, Phật giáo mất là giới luật mất.” Các vị Tăng phạm giới, phá giới là những vị Tăng đang diệt Phật giáo, đang giết chết Phật giáo. Quý vị cư sĩ hãy cảnh giác những vị Tăng này, họ là những Ma Vương đội lốt tu sĩ Phật giáo để diệt Phật giáo.

Còn quý vị Tăng tu hành chân chánh khi nhận sự cúng dường đúng chánh pháp thì không được nhận tiền bạc, vàng, châu báu, y áo vải hàng tốt đẹp mà phải bằng vải hàng thô xấu. Cách thức ăn mặc của một vị Tăng chân chánh thì không được ăn mặc sang đẹp, vì ăn mặc sang đẹp là chưa nhàm chán thế gian, chưa nhàm chán thế gian là lòng tham muốn còn đầy đủ. Tâm tham muốn còn đầy đủ là người thế gian chứ không phải là người tu, tâm chưa phải là người tu thì không nên nhận sự cúng dường, nhận sự cúng dường như vậy thì không đúng chánh pháp. Cho nên những tu sĩ ăn mặc sang đẹp, ở trong chùa to Phật lớn, xe cộ đủ loại, tiền bạc cất giữ mà nhận của cúng dường thì không đúng chánh pháp.

Một vị Tăng phải giữ gìn giới luật nghiêm túc, đời sống phải ba y một bát, thiểu dục tri túc, luôn luôn sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt mới xứng đáng nhận của cúng dường. Nhận sự cúng dường như vậy mới đúng chánh pháp.

Một vị Tăng chân chánh khi xứng đáng nhận đồ cúng dường là phải tu tập những pháp môn rất nghiêm chỉnh như sau:

1- Thứ nhất phải sống một đời sống phạm hạnh thì mới xứng đáng thọ nhận của cúng dường, bằng ngược lại thì mang nợ đàn na thí chủ.

2- Thứ hai là phải sống một đời sống giới luật nghiêm chỉnh, thấy các lỗi nhỏ nhặt phải sợ hãi mới xứng đáng thọ nhận của cúng dường, bằng ngược lại thì mang nợ đàn na thí chủ.

3- Thứ ba là phải nhập cho được Bất Động Tâm Định. Bất Động Tâm Định tương đương với Sơ Thiền. Người nhập được Bất Động Tâm là người ly dục ly ác pháp, người ấy mới xứng đáng nhận của cúng dường, nếu tâm chưa ly dục ly ác pháp thì chưa xứng đáng nhận của cúng dường.

4- Thứ tư là phải siêng năng chuyên cần tu tập Tứ Chánh Cần tức là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Nếu một vị Tăng mà không tu pháp môn này thì không xứng đáng nhận của cúng dường.

5- Thứ năm là phải siêng năng tu tập Tứ Niệm Xứ để đẩy lui các chướng ngại pháp tức là khắc phục tâm tham ưu của mình thì mới xứng đáng thọ nhận sự cúng dường.

6- Thứ sáu là phải siêng năng tu tập Tứ Bất Hoại Tịnh, tức là niệm Phật, niệm Pháp, Niệm Tăng và niệm Giới thì mới xứng đáng thọ nhận sự cúng dường.

7- Thứ bảy là phải siêng năng phòng hộ giữ gìn các căn không cho dính mắc các trần tức là tu tập ngũ căn thì mới xứng đáng thọ nhận sự cúng dường.

 

63. NỖI ĐAU VỀ THỂ XÁC

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có bà ngoại năm nay ngoài 70 tuổi đang bị bệnh ung thư, sự sống không còn bao lâu nữa. Tuy ở xa nhưng con có cảm tưởng hiện giờ ngoại đang chịu nỗi đau về thể xác (sự hoành hành của bệnh), nỗi đau về tinh thần (lo sợ cái chết). Con là trong những đứa cháu được ngọai yêu quý. Trong tình cảm này con rất muốn làm một việc gì đó thiết thực giúp cho ngoại. Thầy có thể chỉ dạy cho con được không?

Đáp: Trước tiên con nên về gặp bà ngoại con và an ủi bà để cho bà đừng dao động tâm khi cơn bệnh hoành hành và khuyên ngoại con: “Đây là nhân quả của bà ngoại do tiền kiếp ngoại có biết không?”

“Nhân là hạt, quả là trái. Khi vô tình hay hữu ý mình đã gieo hạt giống xấu (hành động ác) thì ngay trong hiện tại mình phải gặt lấy tai họa hay bệnh tật khổ đau. Ngoại bệnh đau cũng vậy, đời trước hay trong kiếp này vì thương chồng, thương con vô tình ngoại đã gieo một hạt giống xấu, bây giờ ngoại phải chịu bệnh một mình như vậy. Ngoại đừng buồn khổ nghe ngoại! Ngoại không buồn khổ là ngoại sẽ hết bệnh mau.”

Ví dụ 1: Ngay trong đời sống hiện tại mình lái xe không cẩn thận, lạng lách, vượt qua mặt, chạy ẩu sang lề khác, phạm vào luật lệ giao thông, đó là nhân. Nên tai nạn xảy ra làm cụt tay gãy chân, có khi mất mạng, đó là quả.

Ví dụ 2: Ngay trong đời sống hiện tại mình không giữ vệ sinh chung, quăng rác bẩn thừa thải khắp nơi; hoặc ăn uống không vệ sinh, đụng đâu ăn đó, không biết dơ sạch, đó là nhân. Khi bị bệnh đau phải tốn tiền đi bác sĩ, đến bệnh viện có khi bị chết, đó là quả.

Ví dụ 3: Ăn thịt chúng sanh, đụng con gì ăn con vật nấy, không biết trong thịt chúng sanh có nhiều chất độc tố, đó là nhân. Đến khi bị bệnh đau, gặp những bệnh nan y khó trị, phải chịu khổ sở đau nhức, lăn lộn trên giường bệnh, đó là quả.

Ví dụ 4: Ỷ quyền thế la lối chửi mắng người, xem mọi người dưới quyền như tôi tớ, người làm công không ra gì, đó là nhân. Khi bị bệnh đau hoặc tai nạn xảy ra cho mình hay những người thân trong gia đình, đó là quả. Cho nên nhân quả thường đi song song với nhau, hễ có nhân là có quả. Vừa mở miệng nói xấu người khác, đó là nhân, thì ngay đó bị người khác xem thường mình, cho mình là người xấu ác, đó là quả.

Nhưng muốn chuyển nhân quả ấy thì phải làm sao?

Nhân quả muốn chuyển được thì phải vui vẻ chấp nhận để trả nợ nhân quả. Khi đứng trước hoàn cảnh tai nạn, bệnh tật thì không nên buồn rầu, lo sợ, không nên than thân, trách phận, không nên đổ thừa cho ai cả mà hãy vui vẻ nhận chịu một cách tự nhiên đầy can đảm và dũng cảm.

Khi nhân quả đến muốn chuyển hóa nhân quả thì phải sống đúng tám giới luật của Phật tức là Thọ Bát Quan Trai. Tám giới luật của Phật là chín đức hạnh làm người. Chín đức hạnh làm người là chín pháp thiện. Nhờ sống đúng chánh pháp thiện mà chuyển tất cả quả khổ. Vậy con hãy lắng nghe Đức Phật dạy mà hướng dẫn cho ngoại con: “Này các tỳ-kheo muốn ước nguyện một điều gì, điều đó được viên mãn thì giới luật phải nghiêm chỉnh.”

              Tám giới luật Phật tức là chín đức hạnh. Chín đức hạnh gồm có:
             1- Đức hiếu sinh. (Lòng thương yêu sự sống của muôn loài).
             2- Đức buông xả. (Không gian tham trộm cắp cướp giựt, móc túi, lấy của không cho).
             3- Đức chung thủy. (Không tà dâm lấy vợ người, chồng người khác).
             4- Đức thành thật. (Không nói dối).
             5- Đức sáng suốt. (Không uống rượu).
             6- Đức tự nhiên. (Không trang điểm, đeo vòng vàng chuỗi ngọc và thoa dầu thơm).
             7- Đức trầm lặng độc cư. (Không ca hát, không nghe ca hát, không gõ mõ tụng kinh, niệm Phật, niệm chú).
             8- Đức thanh bần. (Không nằm giường cao rộng lớn).
             9- Đức ly dục. (Không ăn uống phi thời, không ăn uống lặt vặt, chỉ ăn ngày một bữa).

Sau khi sống đúng 9 giới luật (Bát Quan Trai) tức là những đức hạnh làm người thì con hướng dẫn ngoại con dùng hai cánh tay đưa ra, đưa vào và tác ý. Trước khi đưa tay ra thì bảo: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra.” Khi đưa tay ra xong thì tác ý tiếp: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô.” Khi đưa tay ra thì dùng tưởng nghĩ như bệnh theo tay mà đi ra. Cứ nhiếp tâm an trú vào cánh tay đẩy lui bệnh tật như vậy thì bệnh sẽ hết, nhưng khi đưa tay vô thì dùng tưởng thân không bệnh đi vô.

Đây không phải là phương pháp trị bệnh mà đây là phương pháp chuyển nghiệp. Do chuyển nghiệp nên phải sống đúng giới luật. Phương pháp chuyển bệnh này mà trong kinh Tứ Chánh Cần gọi là “Ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp.” Nếu ngoại con tin tưởng nơi Phật pháp là pháp mầu nhiệm cứu ngoại con thoát bệnh khổ thì ngoại con nên yên tâm ôm pháp chuyển bệnh thì không bao lâu ngoại con sẽ hết bệnh khổ.

Không biết con có nhận được một bức thư của Thầy gởi cho ngoại con không? Nếu được bức thư ấy mà ngoại con nương vào đó giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự cho đến khi bỏ thân tứ đại thì chấm dứt tái sanh luân hồi.