56. THIỀN YOGA CŨNG TỊNH CHỈ ĐƯỢC HƠI THỞ
Hỏi: Kính bạch Thầy, các tu sĩ ngoại đạo Yoga sao họ chưa ly dục ly ác pháp mà tịnh chỉ được hơi thở, vì Thầy dạy tịnh chỉ được hơi thở khi tâm xả sạch dục và ác pháp?
Đáp: Các tu sĩ Yoga tịnh chỉ được hơi thở là do tu tập tưởng định, tưởng định sẽ thở bằng lỗ chân lông, bằng rốn, bằng tai, bằng mắt v.v… do sự luyện tập bằng tưởng thì đâu cần ly dục ly ác pháp.
Mục đích của đạo Phật là ly dục ly ác pháp để làm chủ cuộc sống bất động tâm trước các pháp và các cảm thọ, để tâm hồn được giải thoát thanh thản, an lạc. Còn mục đích của thiền Yoga là luyện thần thông tịnh chỉ hơi thở, chôn trong đất, dìm trong nước, đi trên lửa đỏ, mặc chiếc áo mỏng đi dưới trời lạnh OOC để khiến cho người ta thán phục và kính nể, nhờ đó mới lập nhiều thiền đường Yoga khắp trên thế giới để bành trướng giáo phái Yoga.
Nhưng các con xét kỹ nó đem lại sự lợi ích gì thiết thực cho con người hay là để trị bệnh. Bệnh là do gốc nghiệp ác mà muốn hết bệnh thì chỉ có ly dục ly ác pháp thì bệnh sẽ hết, chứ đâu phải do luyện tập Yoga mà hết bệnh. Hết bệnh của Yoga là hết bệnh tưởng chứ bệnh của nghiệp ác không làm sao hết được.
Tất cả những phương pháp ngừa bệnh và trị bệnh trên thế gian này đều là những phương pháp trị ngoài ngọn, chứ không phải trị ở gốc, mà trị bệnh ở ngọn là sự lừa đảo, lường gạt người “tiền mất tật mang.” Chúng ta cứ quan sát xem có đúng không? Biết bao nhiêu phương pháp ngừa bệnh và trị bệnh mà con người có hết bệnh chưa? Chúng ta nên phân biệt cho rõ ràng, thiền Yoga tịnh chỉ được hơi thở là do “tưởng lực” khéo tu tập tưởng, thiền của Phật tịnh chỉ được hơi thở là do “tâm lực” khéo ly dục ly ác pháp.
57. THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT
Hỏi: Kính bạch Thầy! Thầy bảo không có Bồ Tát mà chỉ do kinh sách phát triển đặt ra, sao bài tu hạnh “bằng lòng” Thầy dẫn chứng Thường Bất Khinh Bồ Tát? Thật hay là huyền thoại?
Đáp: Bồ Tát chỉ là một danh từ chỉ cho những người tu hành chưa xong. Bồ tát độ chúng sanh, cứu khổ chúng sanh là một sản phẩm của kinh sách phát triển. Vì tu chưa chứng mà độ người làm sao độ được, cũng giống như một người mù dẫn một đoàn người mù đi thì sự nguy hiểm trước mắt rõ ràng. Cho nên Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Thế Chí, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Văn Thù v.v… là không có thật, đó là huyền thoại.
Còn Thường Bất Khinh Bồ Tát là một con người tu chưa chứng, ông còn đang tu hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng nên gặp ai ông cũng tôn trọng và cung kính. Ông không dám khinh rẻ ai hết, do đó người ta mới đặt cho ông cái tên là Thường Bất Khinh Bồ Tát. Người ta đâu ngờ rằng ông đang thực hiện tâm ly dục ly ác pháp để đạt được cứu kính của đạo Phật, vì thế Thầy mới dẫn chứng vị bồ tát này làm gương cho chúng ta bắt chước tu hạnh “bằng lòng.”
Danh từ bồ tát cũng giống như danh từ hành giả có nghĩa là người đang tu. Ngược lại, kinh sách phát triển ca ngợi một vị Bồ Tát không đúng sự thật mà còn đưa vị Bồ Tát đến những việc làm phi đạo đức không công bằng và công lý của xã hội loài người như Bồ Tát Quan Thế Âm.
Trong kinh sách Nguyên Thủy Đức Phật có nói đến Bồ Tát, nhưng Bồ Tát chỉ là một người tu chưa chứng: “Này các tỳ-kheo, khi Ta còn là Bồ Tát chưa chứng ngộ Chánh Đẳng Chánh Giác …” Đức Phật nói đến Bồ Tát không có nghĩa là nói đến Bồ Tát Quan Thế Âm, Địa Tạng v.v… mà nói đến người đang tu chưa chứng đạo, đó là nghĩa của kinh sách Nguyên Thủy. Còn nghĩa của kinh sách phát triển thì Bồ Tát là những người tu đã chứng đạo, vì thương tưởng chúng sanh mà chưa chịu thành Phật, luôn luôn làm Bồ Tát để độ chúng sanh, chừng nào chúng sanh thành Phật hết thì các vị này mới thành Phật. Thật là pháp khí đệ nhất trên thế gian này, chỉ có kinh sách phát triển mới sản sanh ra những loại tưởng tri, ảo giác, lừa đảo này đối với những người còn vô minh như thế.
Bồ tát là một danh từ để chỉ cho những người tu hành chưa xong, háo danh muốn làm thầy thiên hạ. Đó là một người mù muốn dẫn dắt một số người mù cùng đi thì sự khổ đau không thể nào tránh khỏi.
Kính ghi.
Thầy của con!
58. THỜI KHÓA TU TẬP CHO NGƯỜI CƯ SĨ
Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy hướng dẫn và chỉ rõ thời khóa tu tập cho cư sĩ tại gia, nhất là những cư sĩ bận việc buôn bán, chỉ rảnh vào buổi tối, ngưỡng mong Thầy hết lòng chỉ dẫn cho, con xin thành kính tri ân?
Đáp: Vào mỗi tối phật tử được rảnh rang nên chọn ngay buổi tối tu tập, phải tu tập liên tục. Khi đã chọn buổi tối, đừng bỏ qua một buổi tối nào cả thì sẽ có kết quả giải thoát ngay liền, đó là làm chủ được sự sống của mình do tâm biết buông xả các ác pháp. Nhất là tu tập được như vậy thì phật tử sẽ sống trong mọi oai nghi đạo đức nhân bản – nhân quả cao thượng không làm khổ mình khổ người. Nếu không tu thì thôi mà đã tu thì phải cố gắng tu tập hết sức mình để trước báo ân đức của Phật, sau báo ân cha mẹ, ân Thầy và Tổ Tiên Ông Bà, v.v…
Trước khi tọa thiền tu Định Niệm Hơi Thở, con nên đến trước bàn thờ Phật, ngồi xếp bằng ngay ngắn, chắp tay trước ngực, mắt nhìn tượng Phật, con thầm ước nguyện trong lòng:
“Hôm nay con nguyện ước, mong rằng thân, miệng, ý của con không làm điều ác, xin Đức Phật chứng minh.”
Sau khi ước nguyện xong, con quan sát, xem xét từ sáng đến tối xem coi thân, miệng, ý của con có làm khổ mình khổ người không? Tức là có làm điều gì không phải, khiến cho mình hay người khác buồn, giận, phiền não v.v… Nếu từ sáng đến tối không có một việc gì làm khổ mình, khổ người thì con biết rất rõ trong thân tâm của mình hơn ai hết. Khi thấy biết rõ như vậy con thầm nói trong lòng:
“Đây là một ngày tốt lành, đẹp đẽ, thanh thản, an lạc và vô sự nhất của đời con, con xin Đức Phật chứng minh cho.”
Bằng ngược lại có những việc làm khổ mình, khổ người con thầm nói trong lòng:
“Đây là một ngày xấu nhất trong đời con. Con xin sám hối với chư Phật và nguyện ước khắc phục tâm con ngăn ác diệt ác pháp sẽ không làm khổ mình khổ người nữa, ngưỡng mong Đức Phật từ bi chứng giám cho con.”
Khi ước nguyện như vậy xong, con tiếp tục ngồi kiết già hay bán già lưng thẳng, hai bàn tay đặt vào lòng hai bàn chân tu tập Định Niệm Hơi Thở như Thầy đã dạy trong sách Đường Về Xứ Phật ở trên.
Bắt đầu tu tập con nên cố gắng ngồi từ 5 phút rồi từ từ tăng dần lên 30 phút. Khi tu tập được 30 phút con đừng tăng lên nữa. Lúc bấy giờ con tu đề mục khác. Ví dụ: Con tu tập Định Niệm Hơi Thở với đề mục thứ nhất xong, con bắt đầu tu tập đề mục thứ hai, nếu đề mục thứ hai tu tập xong, con nên tu tập đề mục kế và tu tập như vậy cho đến khi các đề mục trong Định Niệm Hơi Thở tu tập xong hết mới chuyển qua pháp khác.
Thầy gửi cho con tập sách Cẩm Nang II để con tham khảo thêm về pháp môn tu tập. Thăm và chúc con dồi dào sức khỏe, tu tập xả tâm tốt.
Kính thư.
Thầy của con.
59. BỐN LOẠI THỨC ĂN
Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con những điều sau đây:
Trong nẻo thứ năm của Đạo Đế là Chánh Mạng. Thầy mới giảng tóm tắt về bốn loại thức ăn: 1, Đoàn thực loại thô hay loại tế; 2- Xúc thực. 3- Tư niệm thực; 4- Thức thực. Chúng con xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cụ thể và những chi tiết bốn loại thức ăn này để chúng con theo đó mà hành trì.
Đáp: Theo Phật giáo, để thực hiện Chánh Mạng thì có bốn cách nuôi thân mạng:
1- Đoàn thực còn gọi là đoạn thực, đoạn thực có nghĩa là cách ăn phân ra từng đoạn, từng miếng, từng phần thường dùng tay, đũa, nĩa, dao, muỗng v.v… Cách thức ăn uống này thường dùng mũi, lưỡi làm thể để ăn các món ăn.
2- Xúc thực còn gọi là lạc thực, lạc thực có nghĩa là cách ăn bằng sự cảm xúc vui buồn.
Ví dụ: trong khi vui mừng, thấy mình no, hoặc khi buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, tức giận, cũng cảm thấy mình no; trong khi xem hát, nghe nhạc hoặc xem bóng đá cả ngày chẳng thấy đói. Như vậy lấy chỗ tâm mình cảm xúc mà làm thể ăn.
3- Tư thực còn gọi là niệm thực, Tư có nghĩa là tư duy, suy nghĩ; Thực có nghĩa là ăn. Tư thực có nghĩa là cách thức ăn bằng ý nghĩ suy tư, đó là cách thức ăn bằng ý thức tư duy.
Ví dụ: Một người đang đói, họ nghĩ đến bữa cơm, canh, thực phẩm thơm ngon, sự tư duy nghĩ về ăn uống như vậy là tư thực. Lâu ngày không ăn phở khởi tâm muốn ăn phở nên suy tư về tô phở, đó là tư thực. Trong thời Tam Quốc khi Tào Tháo xua quân đi đánh giặc, ngang qua một sa mạc quân lính khát nước, Tào Tháo bảo: “Phía trước có một rừng me và trái me rất nhiều, chúng ta hãy tiến quân đến đó ăn me sẽ đỡ khát nước.” Quân sĩ nghe đến me nên nước miếng tiết ra nhiều khiến cho quân lính không còn thấy khát nước nữa nên quân lính Tào Tháo vượt khỏi sa mạc. Đó là nhờ tư thực.
4- Thức thực là cách thức ăn bằng ý thức, khi ý thức khởi ham thích cái này cái nọ cái kia, đó là thức thực.
Ví dụ 1: Ý thức khởi thèm muốn ăn bánh trung thu, thèm muốn ăn tức là thức thực.
Ví dụ 2: Ý thức khởi ham muốn một chiếc xe hơi, ham muốn chiếc xe hơi tức là thức thực. Khi chúng ta khởi tâm ham muốn một điều gì, một vật gì, một món ăn gì, ngay đó là chúng ta đang thức thực.
Đối với đạo Phật được xem bốn sự ăn uống này là ác pháp, là bất tịnh, là khổ đau, là trói buộc. Người tu hành theo Phật giáo cần phải quán xét nhàm chán trên bốn sự ăn uống này. Người đời không biết tu tập nên chạy theo bốn sự ăn uống này nên suốt đời thọ lấy biết bao nhiêu điều khổ đau từ đời này sang đời khác. Người tu sĩ đạo Phật cần phải cảnh giác, cần phải tu tập, cần phải quán xét và cần phải sanh tâm nhàm chán trong bốn sự ăn uống này.
Tóm lại, bốn sự ăn uống này là bất tịnh uế trược, là ô nhiễm, là hôi thối bẩn thỉu. Người tu hành theo Phật giáo cần phải từ bỏ, cần phải xa lìa. Ai cũng biết: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn.” Quý vị nên nhớ kỹ, đừng để những loại ăn uống này làm ô nhiễm thân tâm chúng ta. Phải không quý vị?
60. CÓ BA HẠNG NGƯỜI TU TẬP GIỚI – ĐỊNH – TUỆ
Hỏi: Kính bạch Thầy, có ba hạng người tu hành giới, định, tuệ:
1- Hạng người thứ nhất ưa thích bóng tối, sống trong bóng tối, tu tập trong bóng tối.
2- Hạng người thứ hai ưa thích ánh sáng, sống trong ánh sáng, tu tập trong ánh sáng.
3- Hạng người thứ ba tùy thuận bóng tối tự nhiên, tùy thuận theo ánh sáng tự nhiên. Sống trong bóng tối tự nhiên, sống trong ánh sáng tự nhiên. Tu tập theo bóng tối tự nhiên, tu tập theo ánh sáng tự nhiên.
Trong ba hạng người này, loại người nào tu đúng, sống đúng theo giáo lý của Đức Phật và có thể tiến tới chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được hiểu rõ và theo đó hành trì.
Đáp: Trong ba hạng người này:
1- Hạng người thứ nhất ưa thích bóng tối, sống trong bóng tối, tu tập trong bóng tối. Đó là những hạng người làm việc mờ ám, gian lận, lừa đảo, lường gạt người khác, không xứng đáng là người tu sĩ Phật giáo. Người ưa thích bóng tối, sống trong bóng tối, tu tập trong bóng tối là những người trộm cắp cướp giựt, là những loài thú vật đi ăn đêm, là những người gian xảo lừa đảo v.v… Người tu sĩ đạo Phật không chấp nhận những điều này, ăn thật, nói thật, làm thật.
Vả lại tu hành là giải thoát cho mình chứ đâu phải giải thoát cho ai, tu hành đâu có cầu danh, cầu lợi, cầu khen ngợi, ca tụng v.v… mà chỉ vì sự sống chết bệnh khổ và tái sanh luân hồi.
Tại sao chúng ta đã bỏ cuộc đời đi tu mà lại tu giả, tu dối, tu không thật? Tại sao chúng ta đã bỏ cuộc đời đi tu mà còn ham vui thích nói chuyện, nói chuyện có ích lợi gì? Vừa làm cho mình tu không được mà cũng vừa làm hại người khác chẳng an tu hành. Tại sao chúng ta đã bỏ cuộc đời đi tu, không tu đúng lời dạy của Thầy, nỡ tâm phá hạnh độc cư của mình bằng mọi cách để rồi cuộc đời tu hành của mình chẳng ra gì? Đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, lại hằng ngày thọ dụng của đàn na thí chủ mà chẳng biết xấu hổ.
Những người tu hành trong bóng tối là những người lười biếng, lợi dụng bóng tối để thỏa thích lòng tham ngủ, còn tham ăn tham ngủ là người còn mang bản năng thú vật, sống chỉ biết tranh đấu cho cái ăn, cái ngủ thì không còn nghĩa lý gì cho cuộc sống, nhất là cuộc sống của người tu sĩ Phật giáo.
Đừng luận rằng Đức Phật ngày xưa đâu có dầu đèn thắp, nên bây giờ mình tập sống trong bóng tối. Luận như vậy là sai, xưa Đức Phật đến chỗ nào sống không đèn đuốc thì vẫn sống tu không đèn đuốc như bình thường, nhưng đến nơi có đèn đuốc thì Đức Phật cũng sống tu trong ánh sáng đèn đuốc, chứ không có đèn đuốc đòi cho có đèn đuốc hoặc có đèn đuốc lại tắt tối thui để tránh sự dòm ngó của người khác trong khi mình lén ngủ.
Trong tu viện sự tu tập có thời khóa rõ ràng, giờ tu, giờ nghỉ, người sử dụng bóng tối tu tập là có gian ý lười biếng để đánh lừa người khác.
2- Hạng người thứ hai ưa thích ánh sáng, sống trong áng sáng, tu tập trong áng sáng. Đó là những người dùng ánh sáng làm bình phong che mắt mọi người, dùng ánh sáng để chứng tỏ mình là người tốt, người siêng năng tu tập, người làm thiện chứ thật ra cũng là cách thức lừa đảo lường gạt người khác. Đối với người tu sĩ đạo Phật còn một chút xíu tâm lừa đảo, gian lận thì tâm niệm đó còn mang đầy ác pháp, làm sao tu hành cầu giải thoát được. Phật dạy: “Các pháp ác chớ làm, nên làm các pháp thiện.” Tâm còn gian xảo dùng ánh sáng để che đậy sự xấu, sự lười biếng, để lường gạt kẻ khác.
Ví dụ: Một nhà giàu có muốn làm giàu hơn trong sự bất chánh họ dùng mánh khóe từ thiện để qua mắt Nhà nước và mọi người. Một ông thầy thuốc Nam bốc thuốc từ thiện, nhưng lại muốn làm tiền bằng cách khôn khéo lợi dụng lòng tin Phật của bệnh nhân nên đặt một tượng Bồ Tát Quan Thế Âm và một thùng phước sương trong phòng mạch. Nhờ đó ông thầy lang tuy không nhận tiền thuốc mà vẫn làm giàu còn được tiếng làm phước thiện.
Thường trong các chùa của Đại Thừa trước điện Phật đặt một cái tủ nhỏ gọi là thùng phước sương, thùng phước sương là một hình thức lừa đảo tín đồ mê tín, đó cũng là một nguồn lợi đáng kể trong nhà chùa. Đó là lấy ánh sáng che mắt thiên hạ để lừa đảo dễ dàng. Người tu hành gian xảo dùng ánh sáng che mắt mọi người, cứ cho đèn cháy sáng rồi mặc tình mà ngủ. Họ đâu biết rằng tu hành là tu cho họ chứ đâu phải tu cho người khác, thế mà họ cũng lừa đảo người khác. Người tu theo đạo Phật tu như vậy để làm gì? Có ích lợi gì? Nên trở về sống đời sống cư sĩ với đạo đức nhân bản - nhân quả làm người còn tốt hơn.
Những năm tháng trong tu viện chúng tôi đã chứng kiến mọi sự lừa đảo của tu sĩ giả dối, người dùng bóng tối ngủ thẳng chân, kẻ dùng ánh sáng ngáy khò khò. Những điều này đã khiến cho chúng tôi rất thương tâm cho những người còn tham đắm, si mê trong ăn ngủ mà muốn tu theo đạo Phật thì làm sao được.
3- Hạng người thứ ba tùy thuận bóng tối tự nhiên, tùy thuận ánh sáng tự nhiên, sống trong bóng tối tự nhiên, sống trong ánh sáng tự nhiên, tu tập theo bóng tối tự nhiên, tu tập theo ánh sáng tự nhiên. Đây là những hạng người biết sống đúng nghĩa bóng tối và ánh sáng, biết tùy thuận đúng nghĩa bóng tối và ánh sáng, biết tu tập đúng nghĩa bóng tối và ánh sáng.
Tùy thuận bóng tối tự nhiên như thế nào?
Khi bóng đêm đến, trời tối chúng ta nên sống trong tự nhiên với bóng đêm mà không đòi hỏi phải có đèn đuốc ánh sáng. Nếu chúng ta đòi hỏi hoặc chuẩn bị đèn đuốc hoặc đèn sáp, đèn cầy, đó là sự không tùy thuận trong bóng đêm khiến cho tâm bất an phải lo lắng, nên tâm hồn không được thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm hồn không được thanh thản, an lạc và vô sự đó là chướng ngại pháp trong tâm, chướng ngại pháp trong tâm tức là ác pháp, nếu tâm gặp ác pháp phải mau mau quán xét đẩy lui hoặc diệt cho thật sạch và luôn lúc nào cũng giữ gìn tâm bất động trước các chướng ngại pháp, đó mới chính biết tùy thuận bóng tối tự nhiên. Thời nay người tu hành chẳng biết tùy thuận bóng tối tự nhiên nên chẳng làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.
Tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên như thế nào?
Trong khi chúng ta sống trong ánh sáng ban ngày mà ước muốn có ánh sáng trăng ban đêm, cũng như chúng ta đang sống trong ánh sáng đèn dầu mà đòi hỏi phải có ánh sáng đèn điện v.v... Những sự ước muốn này là sống không tùy thuận, không bằng lòng, không tu tập ánh sáng tự nhiên.
Ví dụ: chúng ta đang ngồi dưới ánh sáng đèn điện bỗng nhiên bị cúp điện, tất cả mọi vật đều trở thành bóng đen, do đó tâm ta rất khó chịu, phải đi tìm đèn đuốc thắp lên, đó là sự sống không tùy thuận, không bằng lòng, không tu tập ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng có như thế nào thì chúng ta sống tùy thuận, sống tu tập theo ánh sáng đó đã có, ánh sáng không có thì chúng ta sống tùy thuận và tu tập theo ánh sáng không có.
Người biết tùy thuận sống và tu tập như vậy là người biết ngăn ác diệt ác pháp, còn ngược lại sống không biết tùy thuận và tu tập như vậy thì dù có nói ngăn ác diệt ác pháp một triệu lần thì cũng chỉ là lời nói suông mà thôi chẳng có ích lợi gì cho mình cho người và tu hành như vậy chỉ hoài công vô ích, uổng một cuộc đời bỏ công tu tập.
Tùy thuận và tu tập theo bóng tối tự nhiên như thế nào?
Sống tùy thuận và tu tập theo bóng tối tự nhiên là sống theo bóng tối như thế nào thì chúng ta sống theo bóng tối như thế nấy, không than trách, không phiền toái là hôm nay trời tối quá hoặc trời sáng quá. Tối hay sáng không có nghĩa làm bận tâm cho người tu sĩ. Người tu sĩ sống theo bóng tối tự nhiên là luôn luôn giữ gìn tâm, cảnh giác tâm trong mọi thời gian để phòng hộ bảo vệ tâm lúc nào tâm cũng thanh thản an lạc và vô sự thì đó là sống theo bóng tối tự nhiên.
Sống tùy thuận và tu tập theo bóng tối tự nhiên là người biết ngăn ác diệt ác pháp không cho tâm bị chướng ngại pháp vì thế bóng tối như thế nào họ sống như thế nấy, sống một cách an vui nhẹ nhàng thanh thản an lạc của một tâm hồn vô sự.
Tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên như thế nào?
Sống tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên tức là không lưu ý đến thời gian và không gian, có nghĩa là không để ý đến trời sáng, chiều, tối, khuya luôn luôn ôm pháp tu tập không để kẽ hở khoảng trống nào cả, lúc nào cũng phòng hộ sáu căn, luôn giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Sống tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên là sống dưới mọi ánh sáng như: tối không ánh sáng, sáng mờ mờ, sáng tỏ, sáng trắng, sáng nhạt v.v... đều tự nhiên sống dưới ánh sáng đó, không bất toại nguyện, không than thở, không buồn phiền, không trách cứ, không lo ngại, tâm luôn thanh thản, an lạc và vô sự trước mọi thứ ánh sáng.
Sống tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên tức là sống không làm khổ mình khổ người, sống không dối trá, lừa đảo, lường gạt người khác, trước mặt cũng như sau lưng không bao giờ nói xấu, nói lén ai cả.
Sống tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên tức là sống không giết hại sanh linh, sống không làm khổ chúng sanh, sống không ăn thịt chúng sanh, sống với tâm từ bi thương yêu muôn loài vạn vật, thậm chí đến ngàn cây nội cỏ tâm hồn vẫn luôn biết thương yêu như con của mình.