Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 08 (32-36).

32. CÂY BỒ ĐỀ

Hỏi: Kính thưa Thầy, tại sao Đức Phật chọn ngồi thiền dưới cội cây? Và tại sao lại chọn cây bồ đề?

Đáp: Đời sống của Đức Phật là một du tăng khất sĩ, sống không nhà cửa, không gia đình thì phải lấy gốc cây làm giường nằm, làm chỗ ngồi thiền, còn cội cây thì làm nhà ở, đậy nắng che mưa. Hiện giờ mọi người ai cũng gọi cây đó là cây bồ đề, nhưng trước khi Đức Phật chưa thành đạo thì cây đó được gọi là cây đa. Cây đa ở Ấn Độ lá có đuôi dài hơn cây đa của chúng ta. Từ khi Đức Phật ngồi dưới cây đa đó tu hành thành chánh giác, vì thế nó mới có tên là cây bồ đề. Ví như Đức Phật ngồi dưới cội một cây xoài tu hành chứng quả, người ta sẽ gọi cây xoài là cây bồ đề có được không?

Đức Phật không phải chọn cây bồ đề mà chọn cây có lá mát mẻ, không phải để ngồi thiền mà để tu tập thiền định, bởi vì thiền định không phải ngồi mà ở chỗ tâm “ly dục ly ác pháp.”

Thiền định thời nay người ta đã lầm nên chấp ngồi, vì chấp ngồi nên tạo ra gối để ngồi cho êm, do đó người thời nay tu thiền ngồi nhiều, ngồi nhiều thành cóc chứ không thể giải thoát. Các nhà học giả xưa và nay không hiểu cho Đức Phật chọn cây bồ đề để ngồi thiền tu hành đó là sai. Tu thiền định là do tu tập tâm ly dục ly ác pháp chứ không phải do ngồi dưới cội cây bồ đề mà giải thoát, cho nên sống dưới cội cây nào tu tập cũng thành đạo chứ không riêng gì cây bồ đề, vì thế chỗ tu là ở tâm chứ không phải ở cây, cây nào ngồi tu cũng được không riêng bất cứ một cây nào.

Tóm lại cây bồ đề chỉ là một cây đa như cây đa nước ta (Việt Nam). Từ khi Đức Phật chứng đạo nó mới có tên là cây bồ đề như trên Thầy đã nói. Chúng ta đừng hiểu lầm chỉ có ngồi dưới cây bồ đề mới tu chứng đạo, hiểu như vậy là sai. Khi tu chứng đạo cây nào ngồi cũng tu chứng được cả. 

33. SÁNG SỚM NGỒI THIỀN TRƯỚC HAY ĐI KINH HÀNH TRƯỚC

Hỏi: Kính bạch Thầy, buổi sáng sớm khi con vừa thức dậy, giữ chánh niệm trong mọi sự sinh hoạt, sau đó con nên đi kinh hành trước hay ngồi thiền trước?

Đáp: Khi nào con thấy tâm tỉnh táo không có buồn ngủ, không có hôn trầm, thùy miên, không có lười biếng thì ngồi thiền trước tiên tốt nhất, còn khi nào thấy buồn ngủ, hôn trầm, thùy miên, lười biếng thì đi hành thiền trước tiên tốt nhất. Đức Phật dạy đừng cố chấp vào thời khóa, phải khéo léo linh động tu tập theo đặc tướng của thân tâm mình từng pháp môn, chứ không phải nhất định giờ nào tu pháp môn nấy. Mục đích tu tập ở đây vốn tu tập bất cứ các loại thiền định nào và thiền hành nào cũng đều nhắm vào chỗ tâm ly dục ly ác pháp chứ không phải chỗ ngồi, chỗ đi, chỗ thiền hành hoặc chỗ mọi hành động của thân.

Tóm lại tu hành theo đạo Phật là chỗ tu tập như thế nào để tâm không phóng dật, nhưng tâm không phóng dật không phải là chỗ ức chế tâm, các con nên nhớ kỹ chỗ này, chỗ tâm không phóng dật là cốt tủy thiền định của đạo Phật. Ngồi trước hay ngồi sau không quan trọng, nhưng dù sao người mới tu cũng nên giữ giờ giấc nghiêm chỉnh là tốt nhất. 

34. ĐI NHIỄU QUANH BA VÒNG

Hỏi: Kính thưa Thầy, theo kinh sách kể lại, đệ tử của đức Phật thường đi nhiễu quanh ba vòng trước khi vào chỗ ngồi, có phải là đi thiền hành ba vòng không? Lợi ích của việc đó là gì?

Đáp: Đi nhiễu quanh ba vòng là để tỏ lòng cung kính chứ không phải đi hành thiền, đó là một phong tục đạo đức tốt đẹp của người Ấn Độ. Muốn tỏ lòng cung kính và tôn trọng ai thì họ phải đi nhiễu quanh ba vòng.

Ở đất nước Việt Nam không có phong tục văn hóa như vậy, ở đây chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, khi gặp nhau đều chấp tay lên trước ngực chào hỏi, chứ không có đi nhiễu quanh ba vòng. 

35. ĂN NGÀY MỘT BỮA

Hỏi: Kính thưa Thầy, vì có bệnh tiểu đường gần 20 năm, bác sĩ khuyên con ăn ngày sáu bữa để lượng đường trong máu không cao, nhưng 20 năm qua vẫn không tiến bộ. Nghe lời Thầy dạy, con ăn ngày một bữa và tiết kiệm năng lực tối đa bằng cách: nói chỉ khi cần, tập chánh niệm trong việc làm hằng ngày, tập không phê phán, không diễn tả bằng sự cảm hứng mà cố giữ tâm thanh thản. Trong mấy tháng vừa qua có kết quả như sau:

1, Lượng đường trong máu được quân bình.

2, Lưỡi của con trước kia bị đen (20 năm) nay những vết đen không còn.

3, Bệnh phù thũng cũng không còn.

Mặc dù con tin tưởng tuyệt đối vào việc con có thể ăn ngày một bữa, qua kết quả tốt như kể trên, nhưng người thân con vô cùng lo âu và khuyên con ăn trở lại như cũ. Vậy con phải làm gì cho họ có được an tâm?

Đáp: Ăn ngày một bữa là một đức hạnh của bậc Thánh Tăng, là pháp môn vô lậu ly tham đoạn ác pháp của đạo Phật, là một sự sống giải thoát cụ thể rõ ràng trên lộ trình hướng về đất Phật. Ăn ngày một bữa vừa đủ để nuôi sống cho những ai là những người vô sự chuyên về tu tập thiền định xả tâm diệt ác pháp. Đạo Phật là đạo giải thoát nên ngày ăn một bữa là giải thoát, giải thoát có nghĩa là không bận rộn phiền toái về ăn uống, nhưng đối với người làm việc ít, lao động nhẹ. Còn những người làm việc nhiều, lao động nặng mà muốn ăn ngày một bữa thì phải chọn một bữa ăn chính, còn hai bữa ăn kia chỉ uống sữa hoặc nước trái cây mà thôi, giống như các nhà sư Nam Tông.

Đối với đạo Phật là tìm sự giải thoát ngay trong đời sống nên ăn uống có nghĩa là phải đơn giản nhất và tiện lợi nhất như thế nào để được sống với tâm hồn thanh thản, an lạc. Bởi vì chủ trương của đạo Phật là ăn để sống chứ không sống để ăn.

Ăn ngày một bữa cũng là một phương pháp nghỉ ngơi và giảm bớt sự lao động trong cơ thể để cơ thể dồn năng lực đề kháng vào bệnh tật khi cơ thể có bệnh. Con nhờ ăn ngày một bữa, đó là giảm bớt sự lao động trong cơ thể của con và còn biết tiết kiệm năng lực không để tiêu hao bằng cách:

- Không nói chuyện những điều không cần thiết, cắt giảm việc tắm gội giặt giũ, tránh đi mua sắm đồ đạc, tránh đám đông, tránh đàm luận, tránh tranh cãi.

- Tránh không suy nghĩ những điều không cần thiết dù trong một giây phút hiện tại.

- Tránh đổi tâm đang bình thản ra tâm giận hờn, phiền não v.v...

- Cố gắng lúc nào có thời gian rảnh cũng giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự

- Cố gắng giữ gìn tâm đừng để tâm buồn lo, sợ hãi.

- Thường tập sống trầm lặng độc cư ngày ít nhất cũng phải 30 phút để sống cho mình.

- Thường đi kinh hành không nên chú ý nơi đâu cả mà chỉ để tâm hồn tự nhiên như người vô sự.

Đức Phật và chúng Thánh Tăng ngày xưa ăn ngày một bữa, Phật đã sống đến tám mươi tuổi, ông Anan đã sống đến 120 tuổi.

Con còn lao động nhiều nhưng không phải vì lý do đó mà vì đạo đức không làm khổ mình khổ người, vì thế Thầy khuyên con nên ăn ngày một bữa như các sư Nam Tông.

Chính đạo đức làm người là trên hết, mình an vui mà mọi người cũng đều được an vui thì đó là hạnh phúc, là giải thoát con ạ!

36. ĂN SAU GIỜ NGỌ

Hỏi: Kính thưa Thầy, về ăn đôi khi con không có điều kiện ăn trước 12 giờ trưa. Con có thể ăn trễ một chút được không?

Đáp: Được! Ngày ăn một bữa dù con ăn giờ nào cũng được chứ không phải đợi đến 12 giờ trưa, vì tại Mỹ 12 giờ trưa thì ở Việt Nam và các nước khác không phải là 12 giờ trưa, đôi khi là 12 giờ khuya nữa là khác. Khắp trên thế giới múi giờ không giống nhau được là vì trái đất phải theo quỹ đạo đi vòng quanh mặt trời, cho nên không căn cứ vào giờ giấc mà phải căn cứ vào sự tiện lợi cho mình và cho người khác trong giờ ăn uống.

Do đó Đức Phật chọn vào giờ trưa là vì buổi trưa nhà nào cũng có nấu cơm để ăn, trong khi đi xin ăn về có trễ lắm thì cũng 12 giờ trưa, còn ngoài giờ trưa tức là buổi sáng và buổi chiều thì đi xin ăn là một điều bất tiện cho người khác, nên Đức Phật cấm tu sĩ không ăn chiều và sáng là lý do này.

Như Thầy đã dạy: ăn ngày một bữa là Thánh hạnh, phàm phu khó mà sống được, vì tâm tham dục của họ còn nhiều, nhất là về ăn uống. Nếu ai ngày ăn một bữa, dù bữa ăn đó trong giờ nào cũng được, miễn là đừng ăn phi thời, ăn lặt vặt nhiều bữa thì người đó sống trong Thánh hạnh. Như vậy vào giờ nào con ăn cũng tốt, nhưng phải ăn một bữa vào ban ngày vì ban đêm mà ăn uống thì vất vả nhiều hơn phải không con?

Con có duyên với Thánh hạnh của Phật nên ăn ngày một bữa mà hết bệnh, đó là lấy Thánh hạnh của Phật chuyển hóa nhân quả của con và nếu trên bước đường hướng về đất Phật chắc chắn con sẽ đạt được ý nguyện. Nhưng phải tu tập đúng chánh pháp của Phật.