80. THẮNG TRÍ ĐOẠN TRỪ THÂN, THỌ ĐI VÀO CỨU CÁNH I- Bảy Giác chi “Bảy Giác Chi này được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho đầy đủ Ba Minh.” (Tăng Chi Bộ Kinh tập 4 trang 529).
Lời dạy trên đây quá cô đọng và ngắn gọn khiến cho hành giả chẳng biết cách thức tu tập như thế nào? Thật khó cho những nhà học giả khi đọc đến đoạn kinh này, họ chỉ còn biết giải thích theo danh từ của pháp bảy Giác Chi mà thôi, chứ không thể giải thích nổi năng lực bảy Giác Chi. Khi đọc đoạn kinh này phải có kinh nghiệm tu tập của người tu chứng thì mới kết tập được bảy Giác Chi. Còn nếu người kết tập bài kinh bảy Giác Chi này chưa có Tam Minh, vì chưa có Tam Minh nên kết tập bài kinh này không theo thứ tự năng lực của bảy Giác Chi xuất hiện mà chỉ dựa theo bảy pháp Giác Chi thì kết tập không đúng. Thứ tự của bảy Pháp Giác Chi trong kinh này ghi như sau: 1. Niệm Giác Chi Ngược lại, khi tu tập pháp Thân Hành Niệm trên Tứ Niệm Xứ thì bảy Năng Lực Giác Chi xuất hiện theo thứ tự như sau: 1. Niệm Giác Chi Nhờ có bảy Năng Lực Giác Chi này nên tâm được định tỉnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng. Vì thế chúng tôi nhập Tứ Thánh Định và thực hiện Tam Minh không có khó khăn, không có mệt nhọc. Nếu không có kinh nghiệm tu chứng Tam Minh thì câu kinh trên đây chỉ là một lý thuyết suông của các nhà học giả. Bảy Giác Chi chỉ là bảy Giác Chi chữ nghĩa mà thôi. Lời dạy cô đọng như thế này làm sao ai tu tập được? “Bảy Giác Chi này được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho đầy đủ Ba Minh.” Xin các bạn lưu ý, đây là lý thuyết suông, không phải pháp tu hành của các bạn. Tu chưa chứng mà kết tập và viết kinh sách như vậy là giết người bằng ngòi bút. Bảy Giác Chi này được tu tập là tu tập như thế nào? Kinh dạy ngắn gọn: làm cho sung mãn. Vậy làm cho sung mãn bằng cách nào? Cũng như kinh nói, làm cho đầy đủ Tam Minh. Vậy làm cho đầy đủ Tam Minh như thế nào? Không ngờ bảy Giác Chi này được tu tập làm cho sung mãn, làm cho đầy đủ Ba Minh thì phải tu tập Tứ Niệm Xứ trong giai đoạn cuối cùng, tức là thực hiện Thân Hành Niệm. Duy nhất chỉ có Pháp Thân Hành Niệm được tu tập, được thành như cỗ xe kiên cố, được làm thành như căn cứ địa thì bảy Năng Lực Giác Chi mới xuất hiện. Nhờ bảy Năng Lực Giác Chi viên mãn mới đủ sức giúp cho chúng ta nhập các định và thực hiện Tam Minh. Nếu không có bảy năng lực Giác Chi thì trên đời này không ai thực hiện được Tam Minh. II- Bốn Thần Túc “Này Ananda, những ai đã tu Bốn Thần Túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, thời nếu muốn, người ấy có thể sống một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.” (Kinh Trường Bộ tập I trg 586 kinh Đại Bát Niết Bàn) Nói đến Bốn Thần Túc tức là nói đến Tứ Như Ý Túc. Nói đến Tứ Như Ý Túc là nói đến năng lực siêu việt, phi phàm. Lấy Tứ Như Ý Túc Đức Phật đã xác định sự kéo dài mạng căn của mình từ một kiếp hay một phần kiếp còn lại. Thưa các bạn! Theo chúng tôi thiết nghĩ khả năng ấy phải lưu xuất từ tâm ly dục ly ác pháp; từ một tâm thanh tịnh hoàn toàn; từ một tâm bất động trước ác pháp và các cảm thọ. Ngay từ khi tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự là đã kéo dài tuổi thọ chứ không phải đợi tới lúc gần chết mới kéo dài mạng căn. Người biết sống thanh thản, an lạc và vô sự là người đã kéo dài tuổi thọ, chỉ khi nào họ muốn chết là họ đã sử dụng Tứ Thần Túc để tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thánh Định và xuất ra khỏi trạng thái Tứ Thánh Tịnh vào Niết Bàn thì họ mới bỏ thân tứ đại này. Sự sống chết của một người tu tập có Bốn Thần Túc thì đối với họ không còn khó khăn, khi muốn sống chết không có mệt nhọc, không có phí sức. Sự sống chết của một người tu tập có Bốn Thần Túc thì đối với họ như lấy đồ vật trong túi áo, như lật trở một bàn tay. Người ta cho rằng: Bốn Thần Túc là thần thông của Phật giáo, lời nói này không sai, nhưng không đúng với tinh thần Phật giáo. Vì Phật giáo không có dạy tu tập thần thông mà chỉ dạy cho mọi người tu tập ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi. Cho nên Phật giáo không dạy chúng ta tu tập để có thần thông như ngoại đạo (Mật Tông, Lão giáo, Tiên đạo, Thiền Tông, Yoga, Khí công, Nhân điện v.v…). Khi mới bắt đầu tu tập thì đạo Phật chỉ dạy chúng ta sống giới luật đức hạnh làm Người, làm Thánh tức là ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp, đó cũng chính là sống đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Cho nên mục đích của đạo Phật là muốn đem lại sự sống bình an và an vui trên hành tinh này. Vì thế, đạo Phật là đạo đức của mọi người, nó không riêng cho giai cấp nào, tôn giáo nào, có tôn giáo hay không có tôn giáo không quan trọng, nếu là con người đều phải sống có đạo đức. Vì sống có đạo đức là sống cho mình, cho người. Còn Bốn Thần Túc chỉ là vấn đề phụ, vì tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ tức là tâm thanh tịnh hoàn toàn không còn có tham, sân, si thì Bốn Thần Túc xuất hiện một cách tự nhiên. Nói như vậy không có nghĩa là Phật giáo không có pháp môn tu tập có thần thông. Kính thưa các bạn! Đạo Phật có một pháp môn tu tập có Tứ Thần Túc nhưng không cần niệm thần chú như Mật Tông, không cần khổ công tập luyện như Yoga, đó là pháp môn Thân Hành Niệm. Đạo Phật không tham sống, sợ chết, không mong cầu có thần thông phép thuật và cũng không mong cầu sống trường sinh bất tử. Vì đạo Phật có đôi mắt nhìn thấu suốt các pháp đều do duyên hợp, không có một pháp nào thường còn, bất di bất dịch, vĩnh viễn, chỉ là vô thường, thường mang lại sự khổ đau cho loài người. Vì thế, đoạn kinh trên đây nói đến năng lực kéo dài mạng căn, sống để làm lợi ích cho mọi người, nhưng khi đã làm xong đối với loài người thì tự tại ra đi chứ không luyến tiếc một vật gì trên thế gian này. Chúng ta hãy nghe Đức Phật dạy: “Này ác Ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào bốn giới đệ tử của Ta: tỳ-kheo Tăng, tỳ-kheo Ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ chưa trở thành những đệ tử chân chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích và giải thích rõ ràng Chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu.” Các bạn có nghe những lời dạy trên đây không? Đó là lời tuyên bố của Đức Phật: Khi nào các đệ tử của Ngài tu tập chứng đạo thì Ngài mới nhập Niết Bàn (diệt độ) còn nếu các đệ tử của Ngài tu tập chưa xong thì Ngài phải kéo dài tuổi thọ một phần kiếp còn lại hay một kiếp chứ Ngài không bỏ các đệ tử của mình bơ vơ. Đó là tâm nguyện của một bậc vĩ nhân lấy con người làm cuộc sống của mình, lấy sự sống của mình làm sự sống của mọi người thật là cao quý thay! Một vĩ nhân của loài người. Tóm lại, một người tu theo Phật giáo có đầy đủ đức hạnh và thần lực mà không có một tôn giáo nào hơn được. Đạo đức của đạo Phật “Không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai” thì trên đời này không có đạo đức nào hơn được. Phải không các bạn? Còn về thần thông “Tứ Thần Túc” thì không có một tôn giáo nào sánh kịp. Có đúng như vậy không các bạn? Các bạn nên biết thần thông của đạo Phật như vậy, nhưng đạo Phật xem thường, vị tỳ-kheo nào thị hiện thần thông không đúng cách sẽ bị Phật quở trách và bắt buộc phải ẩn bóng. Chỉ có một điều mà Đức Phật chú trọng nhất, đó là giới luật mà những đệ tử Phật phải nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, nếu vi phạm giới luật thì Ngài không chấp nhận. Đệ tử của ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên không giữ giới hạnh độc cư, làm ồn náo, Ngài ra lệnh đuổi 500 vị tỳ-kheo. Như vậy các bạn đủ biết lấy đức hạnh làm cuộc sống của tu sĩ. Ai vi phạm thì bị đuổi. Cho nên thần thông đối với đạo Phật không quan trọng mà đạo Phật quan trọng ở chỗ tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ, tức là quan trọng ở chỗ tâm các bạn ly dục ly ác pháp; ở chỗ tâm hết tham, sân, si. Muốn hết tham, sân, si thì pháp môn Tứ Niệm Xứ các bạn nên chuyên cần tu tập chỉ có bảy ngày, bảy tháng, bảy năm là các bạn viên mãn sự tu tập của mình. Hãy cố gắng lên các bạn ạ! Đức Phật đang chờ đợi các bạn đấy! III- Bốn pháp chứng đạt làm chủ sanh tử luân hồi “Này các tỳ-kheo! Chính vì không giác ngộ, không chứng đạt bốn pháp mà Ta và các ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Thế nào là bốn pháp? 1- Này các tỳ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Giới mà Ta và các ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. 2- Này các tỳ-kheo chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Định mà Ta… trong biển sanh tử. 3- Này các tỳ-kheo chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Tuệ mà Ta… trong biển sanh tử. 4- Này các tỳ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Giải thoát mà... trong biển sanh tử. Này các tỳ-kheo, Thánh Giới được giác ngộ, được chứng đạt… thời tham ái một đời sống tương lai được diệt trừ, những gì đưa đến một đời sống mới được dứt sạch, nay không còn một đời sống nào nữa.” (Kinh Trường Bộ tập I trang 616 kinh Đại Bát Niết Bàn). Trong đoạn kinh này chúng ta xét thấy có bốn pháp môn, do chúng ta không giác ngộ, không chứng đạt bốn pháp môn này nên lâu đời phải chịu trôi lăn trong biển sanh tử. Trong bốn pháp môn này chỉ cần chúng ta giác ngộ và chứng đạt một pháp cũng đủ cho chúng ta không còn trôi lăn trong biển sanh tử nữa. Ví dụ: Chúng ta chỉ giác ngộ và chứng đạt Thánh Giới luật, có nghĩa là hiểu biết và thông suốt giới luật là đức hạnh của người tu sĩ, là đạo đức nhân bản - nhân quả, thường đem lại lợi ích cho mình cho người. Do hiểu biết rõ như vậy nên chúng ta cố gắng giữ gìn nghiêm chỉnh giới luật không hề vi phạm một lỗi lầm nhỏ nhặt nào, tức là sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Tâm luôn luôn bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, đó là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Khi sống được như vậy thì đó là chứng đạt Thánh giới luật. Thánh Giới luật mà không được nghiêm trì thì Thánh Định, Thánh Tuệ, và Thánh Giải thoát không làm sao có được. Trong bốn pháp này chỉ có Thánh Giới luật là pháp môn cơ bản nhất và quan trọng nhất. Nếu Thánh giới luật nghiêm chỉnh thì Thánh Định, Thánh Tuệ, Thánh Giải thoát sẽ hiện tiền rõ ràng, thì sự tu tập không còn khó khăn, không còn mệt nhọc. Trong đoạn kinh này Đức Phật dạy rất rõ ràng phải giác ngộ, phải chứng đạt. Vậy nghĩa giác ngộ và chứng đạt như thế nào? Giác ngộ và chứng đạt gồm có hai phần. 1- Giác Ngộ: có nghĩa là thông hiểu và thấu suốt nghĩa lý của pháp môn đó rõ ràng như thật, không có chuyện còn hiểu mù mờ, mơ màng, ảo tưởng v.v… Như các bạn đã biết Phật dạy: “Những gì cần thông suốt phải thông suốt.” Thông suốt tức là giác ngộ. Giác ngộ là thấy biết pháp đó như thật. Thấy biết pháp đó như thật mới hướng tâm đến pháp đó mà trong kinh sách gọi là hướng lưu, nhưng khi tu tập có những kết quả nho nhỏ gọi là dự lưu. 2- Chứng Đạt: có nghĩa là nhập vào pháp đó, sống như pháp đó, nhưng trước khi chứng đạt chúng ta cần phải giác ngộ. Ở đây Đức Phật nêu ra bốn pháp giải thoát. Đó là Thánh Giới, Thánh Định, Thánh Tuệ, Thánh Giải Thoát. Bốn pháp nhưng tu tập pháp này thành tựu luôn ba pháp kia, thành tựu ba pháp kia là thành tựu một pháp này. Cho nên chứng đạt là nhập vào giáo pháp đó. Nhập vào giáo pháp đó gọi là nhập lưu, nhập lưu tức là nhập vào dòng Thánh. Nhập vào dòng Thánh tức là tâm phải ly dục ly ác pháp, còn tâm chưa ly dục ly ác pháp thì không làm sao nhập vào dòng Thánh được. Vậy bây giờ chúng tôi xin hỏi các bạn: “Trong các bạn, ai là người giác ngộ Thánh giới luật?” Thánh giới luật của người cư sĩ gồm có: Năm giới cấm cư sĩ, Tám giới Bát Quan Trai và Mười Thiện. Những giới luật này mà Đức Phật gọi là Thánh giới uẩn. Nếu các bạn là người giác ngộ Thánh Giới uẩn này thì các bạn phải thông suốt những đức hạnh của bậc Thánh trong những giới luật này rất rõ ràng và những sự lợi ích của những giới này đối với đời sống của các bạn như thế nào các bạn đều phải rõ như thật, không còn có một giới nào mà các bạn không biết, có biết như vậy mới gọi các bạn giác ngộ Thánh giới uẩn. Tỳ-kheo Tăng và tỳ-kheo Ni không những thông suốt những Thánh giới uẩn của người cư sĩ mà còn phải thông suốt mười giới Sa Di, 250 giới tỳ-kheo Tăng và 348 giới tỳ-kheo Ni. Nhưng giới luật như vậy chưa đủ nói lên đức hạnh của Tăng, Ni, các bạn còn phải thông suốt toàn bộ đức hạnh của giới kinh như kinh Sa Môn Quả, kinh Sa Môn Hạnh, kinh Phạm Võng. Những giới này các bạn có giác ngộ đức giới, hạnh giới và giới hành của nó chưa? Nếu chưa thì không thể gọi là giác ngộ Thánh giới uẩn. Cho nên toàn bộ giới kinh các bạn đều phải thông suốt đức hạnh và pháp hành của nó thì mới gọi là giác ngộ Thánh giới uẩn, còn nếu chưa thì các bạn không được gọi là giác ngộ Thánh giới uẩn được. Như trên đã nói giới uẩn là đức hạnh, là thiện pháp, vì thế giới uẩn là đức hạnh của con Người, của những bậc Thánh. Nếu không thông hiểu giới luật thì làm sao các bạn thông hiểu nền tảng đạo đức giải thoát của đạo Phật. Mà không giác ngộ Thánh giới uẩn thì làm sao chứng đạt được. Phải không các bạn? Hiện nay các bạn chỉ biết có những bộ giới luật Ba La Đề Mộc Xoa của các Tổ biên soạn và gán cho Phật chế. Trong những bộ giới luật này, chỉ có những giới cấm chứ trong đó không có dạy đức giới, hạnh giới và hành giới. Do không có dạy đức hạnh và hành giới thì làm sao các bạn giác ngộ được Thánh giới uẩn được . Giới uẩn là nền tảng căn bản đạo đức tâm vô lậu, để tu tập theo con đường giải thoát của đạo Phật. Thế mà những bộ giới luật của các Tổ thiếu khuyết như vậy làm sao nói lên đủ đức hạnh của một bậc Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ. Giới luật thiếu khuyết như vậy thì làm sao giúp cho bốn giới đệ tử Phật thông suốt. “Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất.” Đó là bản tuyên ngôn của Phật giáo đã xác định tinh thần đạo đức rất đúng, không còn ai dám thay đổi. Cho nên hiện giờ muốn chấn chỉnh lại Phật giáo là nên chấn chỉnh lại toàn bộ giới luật, nên triển khai toàn bộ giới luật đức hạnh, có nghĩa là phải dựng lại những Phạm hạnh mà ngày xưa chúng tỳ-kheo đã từng sống những Phạm hạnh như vậy dưới thời Đức Phật. Khi đã giác ngộ và chứng đạt Thánh giới thì nhất định không còn trôi lăn trong biển sanh tử nữa. Đó là Đức Phật đã dạy như vậy, các bạn hãy lắng nghe: “Này các tỳ-kheo, chính vì không giác ngộ và chứng đạt Thánh giới mà Ta và các ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển khổ sanh tử.” Đúng vậy, nếu chúng ta sống đúng giới luật không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì làm sao còn trôi lăn trong biển khổ sanh tử luân hồi được. Phải không các bạn? Vì ngay trong cuộc sống mà sống đúng giới luật thì làm sao có làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai, nếu không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì còn đâu là biển sanh tử nữa. Biển sanh tử đã bị diệt mất khi chúng ta sống đúng Thánh giới. Cho nên lời di chúc cuối cùng của Đức Phật là để xác định cho các bạn thấy rằng chỉ có giới luật là pháp môn quan trọng nhất của Phật giáo mà thôi. Tám lớp học (Bát Chánh Đạo) mà hết bảy lớp tu học về giới luật, chỉ có một lớp tu định và ngay khi nhập định là triển khai trí tuệ Tam Minh trong lớp đó. Như vậy xét thấy Thánh Định, Thánh Tuệ và Thánh Giải thoát chỉ có một lớp học mà thôi. Bởi vậy, trên Tứ Niệm Xứ các bạn giữ gìn giới luật nghiêm túc đừng để vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì ngay đó là các bạn đã được giải thoát tâm vô lậu, tuệ vô lậu. Kính thưa các bạn! Vì giới luật lợi ích cho đời sống tu tập theo Phật giáo như vậy, nên chúng tôi cố gắng ngày đêm biên soạn bộ Thánh Giới uẩn Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ để các bạn tu hành không còn sai lạc vào pháp môn của ngoại đạo. Bộ Giới uẩn này ra đời chậm trễ là do chúng tôi phải làm quá nhiều việc, nên xin các bạn vui lòng chờ đợi. Chúng tôi sẽ cho ra mắt các bạn bộ Giới uẩn này sớm chừng nào tốt chừng nấy. Tóm lại, Thánh Giới uẩn rất quan trọng trong việc tu hành theo Phật giáo để tìm cầu sự giải thoát ra khỏi mọi sự khổ đau của cuộc đời này duy chỉ có giới luật đức hạnh là trên hết. Nếu ai tu hành theo Phật giáo mà còn vi phạm giới luật thì xin các bạn hãy trở về đời sống thế tục, đừng mặc chiếc áo tu sĩ mà làm hại Phật giáo rất tội nghiệp, mong tất cả mọi người suy xét con người làm hư Phật giáo, chứ Phật giáo là nền đạo đức nhân bản của con người, nó không phải là một tôn giáo của một nhóm người nào mà của chung nhân loại. IV- Thắng trí đoạn trừ sắc thân tứ đại là vào cứu cánh “Nhưng này Aggivessana, thân này có sắc, do tứ đại thành, do cha mẹ sinh ra, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường biến hoại, phân toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, cần phải được quan sát, là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Khi vị ấy quán sát thân này là vô thường, là khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã; thời thân, thân dục, thân ái, thân phục tùng được đoạn trừ, đoạn diệt.” (Kinh Trung Bộ tập II tr 350 Kinh Trường Trảo) Theo chúng tôi nghĩ: Tu theo Phật giáo không phải khó, cũng không phải tu tập cái gì nhiều, nhưng cũng không dễ đấy các bạn ạ! Nếu các bạn không siêng năng chịu khó tu tập thì tu tập chẳng có kết quả gì. Kính thưa các bạn! Chỉ cần các bạn chịu khó một chút tư duy suy nghĩ cho thấu suốt lý chân thật của các pháp là chúng ta đã giải thoát ngay liền. Như trong kinh Trường Trảo dạy: Quán sát thân tứ đại để thấu suốt lý vô thường, vô ngã của nó; để thấu suốt lý khổ đau nhân quả của nó. Vậy dựa vào bài kinh này chúng ta có thể quán xét thân nhân quả: Thân này được sinh do vô minh của cha mẹ đắm chìm trong sắc dục nên mới giao hợp tạo duyên cho tứ đại: đất nước gió lửa kết hợp lại cùng với các từ trường của nghiệp nhân quả tạo thành thân ngũ uẩn. Trong thân ngũ uẩn có phần thân tứ đại. Thân tứ đại này khi sinh ra được mẹ nuôi dưỡng bằng sữa của mẹ, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, lớn dần thay đổi nên gọi là vô thường, biến hoại phân toái và cuối cùng đoạn tuyệt, hoại diệt. Vì thân tứ đại vô thường nên thường khổ đau, như bệnh tật, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Khi quán xét rõ thấu lý như thật của thân tứ đại, không có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Thì thân muốn gì ta không làm theo, thân gặp chướng ngại gì ta không sợ hãi, do đó dục và ác pháp đều bị đoạn diệt. Dục và ác pháp đã bị đoạn diệt là ta đã biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc làm đã làm xong, chỉ còn một đời này nữa mà thôi.” Kính thưa các bạn! Nếu các bạn chỉ cần quán sâu hiểu biết rõ thân tứ đại như vậy và thấu hiểu nhiều lý vô thường, khổ, vô ngã của nó như thật thì dục và ác pháp không còn tác động vào thân tâm các bạn được. Chỉ chừng đó tu tập thôi thì các bạn cũng đã giải thoát sinh tử luân hồi, cần gì phải tu tập nữa. Phải không các bạn? Bài kinh trên đây tuy ngắn gọn nhưng rất đầy đủ ý nghĩa tu hành giải thoát và chấm dứt luân hồi. Thấy sự lợi ích rất lớn và mang lại một nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho loài người, chúng tôi không ngại khó khăn, không sợ gian lao, không lo nguy hiểm nên chú giải những đoạn kinh này để làm sáng tỏ con đường tu hành của Phật giáo và dựng lại nền đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai. Nhờ đó con cháu của chúng ta sau này không còn có một tôn giáo nào lừa đảo lường gạt nó được, huống là kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông. Đến đây chúng tôi ước nguyện những kinh sách này được phổ biến rộng rãi khắp nơi để mọi người sống có đạo đức, biết đoàn kết, biết thương yêu nhau, biết tha thứ cho nhau để đem lại sự an vui và hạnh phúc cho nhau. V- Thắng trí đoạn trừ ba cảm thọ đi vào cứu cánh “Này Aggivessana, có ba thọ này: thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ. Này Aggivessana, trong khi cảm giác lạc thọ, chính khi ấy không cảm giác khổ thọ, không cảm giác bất lạc, bất khổ thọ, chỉ cảm giác lạc thọ mà thôi. Này Aggivessana, trong khi cảm giác khổ thọ thì không có hai cảm giác kia, này Aggivessana, trong khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, chính khi ấy không có hai cảm giác kia. Này Aggivessana, lạc thọ là vô thường, là hữu vi do duyên sanh, là đoạn diệt bị hủy hoại, bị suy tàn, bị tiêu diệt. Này Aggivessana khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ là vô thường, hữu vi do duyên sinh, bị đoạn diệt, bị hủy hoại bị suy tàn, bị tiêu diệt. Như vậy này Aggivessana, vị đa văn Thánh đệ tử yểm ly lạc thọ, yểm ly khổ thọ và yểm ly bất khổ bất lạc thọ. Do yểm ly vị ấy không có tham dục. Do không tham dục, vị ấy được giải thoát.” “Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát” vị ấy biết: “Sanh đã diệt Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm. Sau thời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.” Này Aggivessana, tỳ-kheo không nói thuận theo một ai, không tranh luận với một ai, chỉ nói theo từ ngữ đã được dùng ở đời không có chấp thủ.” (Kinh Trung Bộ, tập II tr 351 Kinh Trường Trảo). Đọc đoạn kinh này các bạn thấy rất rõ ràng đạo Phật dạy chúng ta tu tập ngay trên các đối tượng của nó tức là trên các cảm thọ. Như vậy các bạn đã biết rõ có ba cảm thọ: 1- Thọ lạc; 2- Thọ khổ; 3- Thọ bất lạc bất khổ. Ba cảm thọ này cần phải quán xét kỹ lưỡng để thấu rõ chúng là các pháp hữu vi do duyên sanh mà có, nên bản chất vô thường, bị đoạn diệt, bị tiêu diệt. Khi hiểu rõ lạc thọ như thật thì các bạn không còn sợ hãi và lo lắng khi chúng đến thăm các bạn. Nhưng muốn giữ tâm bất động với chúng không phải dễ đâu. Dù các bạn đã hiểu biết chúng như thật, nhưng khi chúng đến viếng thăm các bạn thì thọ lạc sẽ cám dỗ khiến các bạn khó dừng lại được tâm tham đắm. Nên Đức Phật dạy: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà.” Bởi vì dục lạc người đàn ông và người đàn bà tạo ra thọ lạc làm cho họ không bỏ được, không quên được, đó là thọ lạc. Còn thọ khổ thì sao? Kính thưa các bạn! Thọ lạc thì ai cũng thích, nhưng đến thọ khổ thì mọi người ai cũng sợ. Khi một cơn đau như dao cắt ruột thì ai cũng rên la, kêu khóc. Muốn bất động tâm được các cảm thọ khổ này thì các bạn phải nhiếp tâm và an trú cho được trạng thái thân tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Do nhiếp tâm và an trú như vậy các bạn mới bất động tâm được. Đây, các bạn hãy lắng nghe Đức Phật dạy tiếp: “Thật vậy, này Aggivessana, vị đa văn Thánh đệ tử yểm ly lạc thọ, yểm ly khổ thọ, yểm ly bất lạc bất thọ khổ, do yểm ly vị ấy không có tham dục. Do không tham dục vị ấy được giải thoát.” Kính thưa các bạn! Đoạn kinh này rất khó hiểu là hai danh từ yểm ly. Vậy yểm ly nghĩa là gì? Chữ yểm ở đây có nghĩa là ếm hay ém, làm cho không ngóc đầu dậy. Như yểm bùa, yểm chú, ếm tà, ếm ma v.v... Yểm ly các cảm thọ nghĩa là làm không cho các cảm thọ tác động vào thân tâm được. Vậy làm cho các thọ không còn tác động vào thân tâm được là phải làm sao? Muốn yểm ly các cảm thọ, các bạn nhiếp tâm và an trú tâm vào thân hành nội hay thân hành ngoại. Khi nói đến hai chữ yểm ly thì các bạn nhớ đến Định Niệm Hơi Thở: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.” Đó là phương pháp yểm ly các cảm thọ tuyệt vời. Khi các bạn yểm ly được các cảm thọ tức là các bạn làm chủ được các cảm thọ. Khi làm chủ được các cảm thọ thì tham dục bị diệt trừ, do tham dục được diệt trừ thì các bạn đã được giải thoát. Chúng tôi xin nhắc lại để các bạn rõ, người ngộ được mười hai nhân duyên là bậc Duyên Giác, người này tu tập ngay trên các cảm thọ. Theo kinh Mười Hai Nhân Duyên thì thọ sinh ra ái dục. Do muốn bẻ gẫy ái dục thì nên yểm ly ba thọ. Muốn yểm ly ba thọ thì Định Niệm Hơi Thở phải tu tập nhiếp phục và an trú tâm cho được nhuần nhuyễn trong hơi thở. Như vậy bài kinh này dạy các bạn chỉ cần tu có một pháp để diệt trừ tâm tham dục. Một pháp để diệt trừ tâm tham dục, đó là pháp môn yểm ly ba thọ. Khi yểm ly ba thọ được thì tham dục đoạn diệt. Tham dục đoạn diệt là tự thân đã giải thoát và giải thoát hoàn toàn nên Đức Phật dạy: “Do yểm ly các thọ, vị ấy không có tham dục, do không có tham dục vị ấy được giải thoát. Đối với tự thân đã được giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát,” vị ấy biết: “Sanh đã diệt, Phạm Hạnh đã thành, việc cần làm đã làm. Sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa.” Kính thưa các bạn! Người tu theo Phật giáo đến đây là tu xong, không còn tu tập gì nữa cả. Đọc đoạn kinh này các bạn thấy sự tu tập của Phật giáo rất đơn giản. Chỉ cần có sự quyết tâm muốn tìm đường ra khỏi cuộc đời đầy ô trược và ác pháp; đầy khổ đau và phiền toái thì nỗ lực tu tập cho đạt được chân lý, nhiếp tâm và an trú tâm cho được trong thân hành niệm nội hay ngoại. Đó là những pháp yểm ly các thọ. Vậy các bạn hãy cố gắng, con đường tu tập không có khó khăn, nó đang chờ đợi sự quyết định và nhiệt tâm của các bạn. Phật pháp là một sự thật, sự thật trong đời sống của các bạn. Nó giúp cho các bạn vượt qua bao nhiêu sự khổ đau của cuộc đời mình; nó giúp cho các bạn trở thành một con người toàn thiện, sống đầy đủ đạo đức làm người làm Thánh. Rất mong thay! Các bạn hãy tìm về nơi đạo đức nhân bản - nhân quả, nơi ấy là ngôi nhà an trú vĩnh viễn của các bạn. Vì yểm ly các thọ là một hành động đạo đức tự thân tâm của các bạn. Nó sẽ làm hết khổ cho các bạn và những người khác. Biến cuộc sống của mọi người trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Chúc các bạn thành công. |
|||