68. TỨ CHÁNH CẦN, NHÂN TƯỚNG, ĐẶC TƯỚNG
1. Tứ Chánh Cần
Kính thưa Thầy, xin Thầy chỉ dạy: Tứ Chánh Cần, các pháp ác chưa sanh không cho sanh, các pháp ác đã sanh phải đoạn diệt, các pháp thiện chưa sanh làm cho sanh, các pháp thiện đã sanh làm cho tăng trưởng.
Nếu dựa vào bài kinh này qua ngôn ngữ nói trên mà không có người triển khai thành pháp hành để hiểu biết cách thức tu tập theo con đường của đạo Phật thì khó có ai tu tập được Tứ Chánh Cần.
Vậy con xin thưa hỏi Thầy, làm thế nào ngăn chặn và đoạn dứt các pháp ác và làm thế nào các pháp thiện chưa sanh lại sanh và tăng trưởng chúng?
Đáp: Nếu muốn tu tập Tứ Chánh Cần, chúng ta cần phải hiểu pháp thiện và pháp ác như thế nào cho đúng như trong kinh Phật đã dạy.
Pháp ác thì vô lượng mà pháp thiện thì cũng có vô lượng, do số luợng quá nhiều, chúng ta làm sao biết đâu mà tu hành cho đúng pháp thiện và pháp ác?
Muốn biết pháp thiện và pháp ác thì chúng ta phải theo lời Phật dạy trong kinh Mười Thiện. Kinh này dạy rất rõ có mười pháp thiện và mười pháp ác. Lấy mười pháp thiện và mười pháp ác này áp dụng vào Tứ Chánh Cần thì mới đúng đường lối tu tập mà đức Phật đã hướng dẫn.
Áp dụng vào Tứ Chánh Cần, trước tiên chúng ta phải hiểu có bao nhiêu pháp thiện và có bao nhiêu pháp ác? Pháp thiện như thế nào? Và pháp ác như thế nào?
Có mười pháp thiện là:
1- Không giết hại chúng sanh, không xúi bảo người giết hại, thấy người giết hại không vui theo, thường can ngăn người giết hại chúng sanh.
2- Không gian tham trộm cắp lấy của không cho, … dù cây kim sợi chỉ, vật nhỏ mọn nhất nếu người không cho thì không bao giờ lấy.
3- Không tà dâm, có nghĩa là chồng hay vợ không được gian dâm với người khác, vì gian dâm với người khác tạo ra cảnh bất an cho gia đình mình và gia đình người khác, khiến tan nát cả hai gia đình, đó là một ác pháp làm đau khổ mình và đau khổ người và khổ cho con cái của chúng ta.
4- Không nói dối, có nghĩa là chuyện có nói có, chuyện không nói không, chứ không lừa đảo, lường gạt người khác bằng miệng lưỡi.
5- Không nói lưỡi hai chiều nghĩa là không nói lật lọng, tức là không nói qua nói lại.
6- Không nói lời thêu dệt nghĩa là đến chỗ này nói xấu chỗ kia, đến chỗ kia nói xấu chỗ này.
7- Không nói lời hung ác nghĩa là không nói lời dữ tợn, không chửi rủa người khác, không nói lời chửi thề, không nói lời tục tĩu.
8- Không ham muốn, nghĩa là không tham muốn những gì mình chưa có, dù mình đã có vật đó cũng không tham muốn.
9- Không sân hận nghĩa là không tức giận, giận hờn ai hết.
10- Không si mê nghĩa là không tham ăn, tham ngủ, không làm khổ mình, khổ người, tránh xa các pháp ác, lìa tất cả lòng tham muốn của mình, luôn luôn sống không làm khổ người khác và không làm khổ tất cả chúng sanh.
Ngược lại (mười pháp thiện) là mười pháp ác.
Bây giờ chúng ta đã rõ mười pháp thiện và mười pháp ác. Nếu ngăn chặn và đoạn diệt mười pháp ác được thì ngay đó là sanh khởi và tăng trưởng mười pháp thiện. Muốn được vậy, chúng ta phải ở trên pháp nào để tu tập cho có kết quả?
Như đức Phật đã dạy: Trên pháp Tứ Niệm Xứ chúng ta quán thân trên thân tu về hành tướng ngoại, tức là tu trong các hành động của thân (Thân Hành Niệm ngoại). Tu về Thân Hành Niệm ngoại, tức là tu “Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.” Đó là một pháp môn ngăn các pháp ác tuyệt vời.
Nếu trên thân quán thân tu về hành tướng nội, thân hành niệm nội, tức là hơi thở. Nếu tu về hơi thở thì coi chừng chúng ta sẽ bị lầm lạc tu vào những pháp môn của các Tổ như: Sổ Tức Quán, Lục Diệu Pháp Môn v.v… Đó là những pháp môn hơi thở tu ức chế tâm, còn tu về hơi thở của đạo Phật thì không phải là những pháp môn này.
Trong kinh sách Nguyên Thủy gọi pháp môn hơi thở này là “Định Niệm Hơi Thở.” Định Niệm Hơi Thở cũng là một pháp môn ngăn ác diệt ác pháp tuyệt vời.
Hai loại thiền định này là pháp môn ngăn chặn mười pháp ác, nếu hành giả siêng năng, chuyên cần, tinh tấn tu tập thì các pháp ác không xen vào được trong tâm mình. Vì thế tâm không phóng dật, luôn hướng vào trong thân và định vào thân, tâm hồn hành giả lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự, cuộc sống trở thành trầm lặng, thánh thiện và độc cư.
Nếu các pháp ác đã sanh làm cho tâm hồn đau khổ, phiền toái, buồn lo, giận hờn v.v… thì phải mau lo đoạn diệt. Vậy đoạn diệt các pháp ác bằng pháp môn nào?
Nếu muốn đoạn diệt các pháp ác thì phải tu pháp môn “Tứ Niệm Xứ.” Tu pháp môn Tứ Niệm Xứ là phải ở trên thân quán thân tu về nhân tướng, tức là tu về “Định Vô Lậu” quán xét thân, thọ, tâm và các pháp bằng “luật nhân quả”; bằng “Tam pháp ấn” vô thường, khổ, vô ngã, v.v...; bằng quán Mười hai Nhân Duyên; bằng quán Tứ Diệu Đế; bằng quán Thân Ngũ Uẩn không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta và bằng quán thân, thọ, tâm, pháp bất tịnh, hôi thúi, uế trược, bẩn thỉu v.v...
Nhờ có tu tập như vậy các pháp ác mới đẩy lui được, mới đoạn dứt được, mới đem lại sự thanh bình cho tâm hồn, mới làm nên một cuộc cách mạng tư tưởng, mới chiến thắng được tâm mình. “Thắng trăm trận không bằng chiến thắng tâm mình.” Lời Phật dạy như vậy.
Khi ngăn chặn được các ác pháp thì tâm bây giờ lúc nào cũng ở trong thiện pháp, ở trong thiện pháp tức là sanh trưởng thiện pháp. Nói cách khác là ngăn chặn ác pháp tức là sanh trưởng thiện pháp. Như kinh Mười Thiện dạy: Mười ác pháp không có mặt tức là mười thiện pháp có mặt.
Như vậy ta chỉ cần ngăn chặn mười điều ác, tức là ta đã sanh khởi mười điều thiện, hay nói một cách khác nữa, ngăn chặn mười điều ác là một tên khác của sự sanh khởi mười điều thiện. Đoạn dứt ác pháp tức là tăng trưởng thiện pháp, nói một cách khác là tăng trưởng thiện pháp là tên khác của sự đoạn dứt ác pháp.
Tóm lại: Muốn ngăn chặn ác pháp thì phải tu Định Niệm Hơi Thở và Định Chánh Niệm Tỉnh Giác. Muốn đoạn dứt các ác pháp thì phải tu Định Vô Lậu. Có tu tập như vậy thì “Đường Về Xứ Phật” mới xứng đáng là đạo lộ cho những người đệ tử của đức Phật bước đi.
Dù có gian nan, có khó nhọc đến đâu, nhưng tương lai vẫn sáng chói huy hoàng. “Đường Về Xứ Phật” sẽ đưa đường dẫn lối cho quý vị đến nơi đến chốn giải thoát hoàn toàn.
2. Sáu căn quay vào trong
Kính thưa Thầy, có lợi ích gì cho người tu tập, khi mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý quay vào trong thân?
- Mắt nhìn vào thân, mắt sẽ thấy những gì trong thân?
- Tai nghe vào thân, tai sẽ nghe những gì trong thân?
- Mũi quay vào thân, mũi sẽ ngửi những gì trong thân?
- Miệng quay vào thân, miệng sẽ nếm những gì trong thân?
- Xúc quay vào thân, xúc sẽ cảm nhận những gì trong thân?
- Ý quay vào trong thân, ý sẽ biết những gì trong thân?
Đáp: Khi mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý quay vào trong tụ điểm (điểm định) nơi thân của người ấy thì người ấy đã làm chủ sự sống chết, tức là tâm định trên thân, thân định trên tâm. Người ấy đã nhập Định Tứ Thiền, đó là một loại Thánh Định nên hơi thở tịnh chỉ hoàn toàn, các hành nơi thân ngưng hoạt động.
Đây là giai đoạn định để thực hiện Tam Minh, một loại định mà trên thế gian này ít có người tu tập thực hiện được. Nó là một kết quả lợi ích rất lớn cho người tu sĩ đã thực hiện được nó.
Người thực hiện sáu căn quay vào trong là người đã làm chủ được sự sống chết và chấm dứt luân hồi, đó là một hạnh phúc lớn nhất cho đời người, không có hạnh phúc nào hơn được.
Ở đây, sáu căn quay vào trong, có hai giai đoạn:
1- Sáu căn quay vào trong thân, lúc tâm không phóng dật, tức là tâm ly dục ly ác pháp, nhập Bất Động Tâm Định hay nhập Sơ Thiền, tức là tâm định trên thân.
2- Sáu căn quay vào trong thân, lúc sáu căn ngưng hoạt động, hơi thở tịnh chỉ, nhập Tứ Thiền, tức là Thân định trên tâm, tâm định trên thân.
Nếu sáu căn quay vào trong thân ở giai đoạn một, thì mắt nhìn vào thân, mắt sẽ thấy: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm. Tai, mũi, miệng, thân và ý quay vào thân, thì nghe, ngửi, nếm, cảm nhận, biết: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm như trên.
Còn ở giai đoạn thứ hai, sáu căn quay vào thân thì sáu căn thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm nhận và biết lặng lẽ không tịch.
3. Nằm theo kiểu Kiết tường
Kính thưa Thầy, nằm theo kiểu kiết tường giống như đức Phật có lợi ích gì cho người tu tập? Làm thế nào và tu như thế nào để suốt thời gian ngủ không thay đổi tư thế này?
Đáp: Nằm kiết tường theo kiểu như đức Phật Niết Bàn có lợi ích rất lớn:
1- Ngủ không mê, thường tỉnh thức.
2- Ngủ không mộng.
3- Tỉnh thức dễ dàng trong giấc ngủ.
4- Ngủ ít, không mệt mỏi, không lười biếng.
5- Nằm ngủ kín đáo có oai nghi tế hạnh, giống như con sư tử nằm mà đức Phật thường tán thán ca ngợi cách nằm này.
Ngày xưa Phật không ngủ, chỉ nằm kiết tường nghỉ ngơi khoảng 30 phút, rồi dậy đi kinh hành.
Người nằm kiết tường ngủ nhiều không đúng cách. Vì kiểu nằm kiết tường là cách nằm tĩnh thức chứ không phải nằm ngủ như người thế gian. Nếu cố gắng tập luyện sẽ nằm suốt được từ 1 giờ đến 2 giờ rất dễ dàng. Ngồi kiết già 2, 3 giờ đồng hồ còn được huống là nằm kiết tường 2, 3 tiếng đồng hồ thì không có khó khăn gì.
Khi tập nằm kiết tường đừng lăn trở nằm theo kiểu khác, chỉ chịu khó tập nằm từ 30 phút lên 1 giờ rồi đến 2 giờ, 3 giờ thì sẽ đạt được như ý muốn.
Nằm kiết tường, tướng nằm rất kín đáo và khoan thai, không có cách nằm nào hơn được. Nằm ngửa, nằm sấp, nằm co đều là những tướng nằm rất xấu, giống như loài thú vật nằm.
Cho nên tư cách nằm ngủ của con người (bậc Thánh Hiền) phải đúng cách của nó, phần nhiều con người nằm ngủ không đúng cách thì chẳng khác nào như con thú nằm ngủ. Đạo Phật chỉ chọn được cách nằm của bậc Thánh Hiền. Nằm kiết tường mà đức Phật gọi là dáng nằm của con sư tử.
Giả thiết có một vị Thánh Hiền mà nằm co ngủ như một con chó thì chúng ta có tin họ là Thánh Hiền không? Cũng như một vị Thánh Tăng mà nằm sấp ngủ như một con bò, thì chúng ta có thể tin họ là Thánh Tăng không?
Bởi, cách thức nằm ngủ rất quan trọng, thấy cách nằm biết được giá trị của con người đó thuộc về hạng người nào. Vì thế chúng ta hãy tập cách nằm kiết tường như đức Phật đã chọn và thực hiện suốt cuộc đời của mình trong tư thế nằm ngủ như một con sư tử chúa.
4. Nhân tướng nội, ngoại của thọ
Kính thưa Thầy, thế nào là:
1- Nhân tướng nội của thọ?
2- Nhân tướng ngoại của thọ?
3- Nhân tướng hành của thọ?
Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ và cách thức áp dụng vào Tứ Niệm Xứ.
Đáp: Nhân tướng nội của thọ là cảm thọ hành bên trong, hay nói cách khác cho dễ hiểu là sự cảm nhận, cảm giác sự hoạt dụng hỷ lạc, khinh an và đau nhức bên trong của thân.
Nhân tướng ngoại của thọ là sự cảm thọ hành bên ngoài, hay nói một cách khác cho dễ hiểu là sự cảm nhận, cảm giác sự hoạt dụng hỷ lạc khinh an và đau nhức bên ngoài của thân.
Nhân tướng hành của thọ là sự tăng giảm hoạt dụng cảm nhận, cảm giác, khinh an, hỷ lạc, thanh thản, thoái mái, hoặc đau nhức, khó chịu và sự rung động trong nội ngoại của thân.
Muốn áp dụng sự tu tập nhân tướng nội, ngoại, hành của thọ vào Tứ Niệm Xứ bằng Định Vô Lậu như trong kinh Phật đã dạy:
“Tìm một nơi vắng vẻ, ngồi kiết già lưng thẳng, khởi niệm tư duy: Các hành cảm nhận và cảm giác hỷ lạc, khinh an và đau khổ là vô thường, cái gì vô thường là cái đó có khổ, nó không có thật và nó là vô ngã, nó không phải là ta, không phải của ta, không phải bản ngã của ta.
Vì thế tất cả cảm nhận và cảm giác của hành thọ nội ngoại không phải là một pháp có thật, ta đừng sợ hãi và lo lắng, đừng để tâm dao động trước các hành thọ, ta phải xem nó như một chiếc áo rách bỏ, một vật không có giá trị, một món đồ vô dụng.”
Muốn áp dụng pháp hướng tâm trên nhân tướng nội, ngoại, hành của thọ vào Tứ Niệm Xứ trong ba loại định: Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, Định Niệm Hơi Thở và Định Vô Lậu bằng câu pháp hướng tâm như:
“Các cảm thọ nội, ngoại, hành hỷ lạc, khinh an, đau khổ, nhức nhối, khó chịu hãy đi! Đi! Rời khỏi nơi đây,” hoặc: “Thọ là vô thường, khổ đau, vô ngã, không thật có, hãy đi đi! Rời khỏi nơi đây, không được ở đây, đi cho khỏi! Cút cho mất!” v.v…
5. Nhiếp phục và phá thọ
Kính thưa Thầy, vậy phải tu như thế nào để khắc phục và phá thọ?
Đáp: Muốn nhiếp phục và phá thọ (xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh) thì phải tịnh chỉ hơi thở, trước khi muốn tịnh chỉ hơi thở thì phải tu tập tâm ly dục ly ác pháp. Khi tâm đã ly dục ly ác pháp thì tâm đã thanh tịnh mới dùng pháp hướng xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, tức là tịnh chỉ thân hành, nhờ đó sẽ nhiếp phục và phá thọ dễ dàng.
Nói như vậy nghe thì rất dễ, nhưng phải biết đó là một công trình tu tập vĩ đại, nếu không biết pháp hành thì khó mà nhiếp phục các thọ.
Một người có tâm tha thiết cầu đạo giải thoát mà không đủ niềm tin ở một vị thầy có kinh nghiệm, thường có tính ngã mạn xem thường thầy, không chịu nghe lời dạy bảo, tu hành theo ý của mình thì chẳng đời nào vị thầy ấy sẽ đem hết kinh nghiệm dạy cho người học trò bướng bỉnh.
Một vị thầy có kinh nghiệm dạy đạo không bao giờ dạy bừa bãi, chọn người học trò có đức hạnh, có tình, có nghĩa mới dạy. Còn những học trò thiếu đạo đức, không tình, không nghĩa thì vị thầy ấy chỉ dạy những điều tầm thường và không bao giờ đem những bí quyết dạy cho những người đệ tử này. Nếu có dạy cho những người đệ tử vong ân bội nghĩa này, khi thành tựu họ sẽ hại lại vị thầy và còn mang đến cho xã hội loài người một tai nạn rất lớn.
Chính vì tâm tham vọng của họ còn dẫy đầy, nếu họ có thần thông siêu việt thì loài người sẽ điêu đứng. Cho nên vị thầy có kinh nghiệm không bao giờ dạy Tứ Thánh Định và Tam Minh cho những người đệ tử thiếu đạo đức, thiếu lòng tôn kính thầy.
Một vị thầy có đức hạnh, có những bí quyết siêu việt thì họ luôn luôn dạy đạo đức cho đám đệ tử trước tiên, nếu người học trò nào có đầy đủ đạo đức thì mới truyền dạy những bí quyết siêu việt, còn bằng không thì chẳng bao giờ hé môi.
Từ khi Tu viện Chơn Như tiếp nhận đệ tử hơn cả trăm người, nam có, nữ có, thế mà tìm một người có đức hạnh trọn vẹn lại không có. Dạy đạo đức thì họ không nghe, không thực hành, cứ mải mê thiền định, trăm người như một.
Đời đã thiếu đạo đức mà dạy đạo đức thì họ không học, chỉ đi tìm cái siêu việt của thiền định, nhưng đạo đức không có thì làm sao có được cái siêu việt của thiền định. Tâm con người còn tham vọng quá lớn, làm sao theo đạo Phật tu hành cho được.
Người ta đâu hiểu rằng đạo Phật ra đời là đem lại một nền đạo đức giải thoát cho con người chứ không phải đem lại cái siêu việt thiền định cho họ. Vì thế họ đi tìm cái siêu việt chẳng bao giờ có, khi họ là người không có đạo đức. Nhưng khi con người có đạo đức thì cái siêu việt thiền định của đạo Phật mới có, dù họ không muốn, nó vẫn có.
Vì thế giáo pháp của Phật lấy đức hạnh làm đầu “Giới luật.” Giới tức là đức hạnh của đạo Phật, thế mà tu sĩ đạo Phật thời nay xem giới luật quá rẻ nên đạo đức chẳng ra gì.
Con người thời nay tu hành chỉ đi tìm cái mơ mộng không thiết thực, còn cái tu hành có đạo đức, ích lợi và thiết thực cho đời sống của mình và đời sống của mọi người thì họ chẳng thèm tu.
Con người nhờ có tu hành đạo đức nhân quả thì mới có những hành động sống giải thoát không còn khổ đau nữa, chứ không phải đạt được những thiền định và những thần thông siêu việt, hoặc cầu cạnh Thần, Thánh, chư Phật, chư Bồ Tát để gia hộ cho họ hết khổ, đó là một điều mơ mộng không thiết thực, cụ thể. Cho nên hiện giờ người tu hành không giải thoát là vì tu không đúng chánh pháp “Giới, Định, Tuệ.”
6. Nhân tướng nội của tâm
Kính thưa Thầy, thế nào là nhân tướng nội của tâm? Nhân tướng goại của tâm? Hành của tâm?
Đáp: Nhân tướng nội của tâm là những niệm vi tế. Nhân tướng ngoại của tâm là những niệm thô phù. Hành tướng của tâm là sự đối phó với các pháp trong hiện tại, câu hữu với tưởng về quá khứ và vị lai. Nếu trả lời đơn giản như vậy thì các con rất khó hiểu.
Nhân tướng nội của tâm là những niệm vi tế như thế nào? Bây giờ, chúng ta giải thích từng chữ:
Nhân tướng nội của tâm là gì? Nhân tướng nội của tâm là những hình tướng của tâm khởi hiện bên trong thân.
Niệm vi tế là gì? Niệm vi tế là những niệm khởi lên trong đầu chúng ta, phản ảnh được tâm trạng của chúng ta trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, thể hiện trong hai thời gian: quá khứ và vị lai. Mỗi niệm khởi lên mang theo tính chất thiện hoặc ác.
Thiền Đông Độ gọi là niệm thiện, niệm ác, kinh sách Đại Thừa gọi là vọng tưởng, kinh sách Nguyên Thủy gọi là nhân tướng nội của tâm, còn có một danh từ nữa gọi là Tầm. Nói cho dễ hiểu đó là những vọng tưởng sanh khởi liên tục trong tâm của chúng ta.
Nhân tướng ngoại của tâm là gì? Là những tướng trạng khởi lên trong đầu chúng ta đang giải quyết một vấn đề gì trong hiện tại.
Kinh sách Đại Thừa gọi là vọng tưởng, Thiền Đông Độ gọi là niệm thiện niệm ác, kinh sách Nguyên Thủy gọi là nhân tướng ngoại của tâm hay còn gọi là tác ý hoặc gọi là Tứ.
Hành tướng của tâm là gì? Hành tướng của tâm có hai sự hoạt động trong thân chúng ta:
1- Là sự tự sanh khởi của tưởng thức, không do ý thức tác ý.
2- Là sự tác ý, do ý thức chủ động điều khiển quán xét, tư duy, không do tưởng thức xen vào.
Kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ khi tu thiền thì không chấp nhận hai trường hợp trên đây, vì thế họ đi vào sự ức chế tâm để thực hiện các loại định tưởng.
Ngược lại thiền định của kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy; “Ngăn và diệt niệm ác, sanh khởi và tăng trưởng niệm thiện và còn luyện tập pháp như lý tác ý” để trở thành một đạo lực siêu việt làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi. Đức Phật đã biết dùng pháp hướng tâm “Như lý tác ý” rất là tuyệt vời. Nhờ pháp đó mà Ngài mới làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp con người. Trên thế gian này Ngài là người duy nhất làm chủ bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết qua bốn câu kệ của Ngài đã xác minh cụ thể:
“Thiên thượng thiên hạ,
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian,
Sanh, lão, bệnh, tử.”
Tóm lại, đức Phật đã biết dùng vọng tưởng và tác ý để xả tâm ly dục ly ác pháp để thành tựu đạo giải thoát, để ra khỏi nhà sanh tử luân hồi, để đầy đủ Tam Minh trở thành người siêu việt và nhất là Đức Phật đã trở thành một nhà đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người, phi giai cấp.
7. Ngăn ác diệt ác
Kính thưa Thầy, phải tu như thế nào để phá cái tâm bất thiện và khắc phục được nó?
Đáp: Đừng để thất niệm thiện trong Định Niệm Hơi Thở và Chánh Niệm Tỉnh Giác là đã phá cái tâm bất thiện, còn nếu muốn khắc phục tâm bất thiện thì nên tu Định Vô Lậu.
Nói một cách dễ hiểu hơn, muốn phá cái tâm bất thiện thì phải tu tập Tứ Chánh Cần, ngăn ác pháp, diệt ác pháp, sanh khởi thiện pháp và tăng trưởng thiện pháp. Đó là con đường tu tập thiền định của đạo Phật chân chánh, mà không giống bất cứ một loại thiền định nào của ngoại đạo trên thế gian này.
Con đường tu tập thiền định của đạo Phật không phải ngồi thiền ức chế vọng tưởng, cũng không phải giữ tâm không niệm thiện niệm ác; cũng không phải niệm Phật mà thành định; cũng không phải tham công án, tham thoại đầu mà có định; cũng không phải bắt ấn niệm chú mà thành định. Định là do tâm bất động trước các pháp.
Muốn có định tâm bất động trước các pháp thì chỉ có tu “Tứ Chánh Cần” tức là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp. Muốn thực hiện Tứ Chánh Cần được trọn vẹn thì phải tu tập “Tứ Niệm Xứ.” Muốn thực hiện Tứ Niệm Xứ để khắc phục tâm tham ưu ở đời thì suốt ngày đêm phải thực hiện ba loại định:
1- Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.
2- Định Niệm Hơi Thở.
3- Định Vô Lậu.
Ba loại định này sẽ thực hiện cộng chung với đời sống giới luật nghiêm túc và hạnh độc cư thì quý vị sẽ đạt được tâm bất động trước các ác pháp, tức là quý vị nhập “Bất Động Tâm Định.” Bất động tâm định là một loại thiền định rất cần thiết và lợi ích cho cuộc sống con người trên hành tinh này.
Nó có một sức tỉnh thức tuyệt vời, nhìn thấu suốt lý nhân quả trong các pháp nên người nào đã thực hiện được đều có một đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người. Nhưng muốn có một đạo đức như vậy thì cần phải trau dồi rèn luyện thân tâm trong giới luật và Tứ Chánh Cần, không phải trong một giờ, một ngày mà có được, mà phải có thời gian rất dài.
Tóm lại, Bất Động Tâm Định là một pháp môn thiền định kết quả của sự ngăn ác và diệt ác pháp rất tuyệt vời mà không có một pháp môn nào hơn được. Đó chính là mục đích của đạo Phật, là mục tiêu mà người tu sĩ đạo Phật cần phải nhắm đến.
8. Nhân tướng của các pháp
Kính thưa Thầy, thế nào là nhân tướng nội, nhân tướng ngoại và hành tướng của các pháp? Phải tu như thế nào để khắc phục và phá các pháp bất thiện?
Đáp: Nhân tướng nội của các pháp là hình trạng và tính chất bên trong của các pháp. Trả lời như vậy khiến cho quý vị khó hiểu. Vậy nhân tướng là gì? Nội là gì? Ngoại là gì? Và các Pháp là gì?
Nhân tướng là hình tướng của nó. Ví dụ: Cây có hình tướng của cây, cỏ có hình tướng của cỏ. Hình tướng của cây không thể nào giống hình tướng cỏ; hình tướng của cái nhà không thể nào giống hình tướng của cái bàn được.
Nội là bên trong; ngoại là bên ngoài. Ví dụ: Bên trong của một thân cây là dác và lõi; bên ngoài của thân cây là vỏ.
Các pháp nghĩa là tất cả vạn hữu trên thế gian này có hình tướng hoặc không hình tướng. Nói cho dễ hiểu là vạn vật trong thế gian. Ví dụ: thân ta là một pháp, cái nhà là một pháp, bàn, ghế, tủ, giường, cây, cỏ, rừng, núi, sông, rạch v.v… mỗi thứ là một pháp.
Mỗi pháp đều có hình tướng và tính chất riêng của nó. Ví dụ: cây có hình trụ thẳng đứng, cao, tính chất của nó cứng. Cỏ có hình tướng thấp, ngả nghiêng, tính chất nó mềm yếu v.v…
Nhân tướng nội của bên trong thân là: tim, gan, phèo, phổi, mật, lá lách v.v... Nhân tướng ngoại của thân là: da, lông tóc, móng tay, móng chân v.v...
Hành tướng của các pháp là sự rung động của các pháp.
Muốn khắc phục và phá các pháp bất thiện thì phải tu tập tâm bất động trước các pháp như Thầy đã dạy ở trên. Tuy nhiên, Thầy đã dạy quý thầy rất nhiều về pháp môn ngăn ác và diệt ác rất đầy đủ, nếu quý thầy chỉ cần hiểu rõ sự ích lợi của nó thì các ác pháp không xâm chiếm vào tâm của quý vị được.
Ngay đó quý vị có một đời sống giải thoát hoàn toàn, đầy đủ hạnh phúc, an vui mà không tìm nơi đâu có được.
Nếu quý thầy biết rằng thiền định mà có được là do tâm bất động chứ không phải do có thiền định rồi tâm mới bất động sau. Tâm bất động là nhờ giới luật chứ không phải nhờ thiền định. Bởi nhìn sự tu hành của quý thầy mà biết được sự tu sai hay tu đúng, có kết quả hay không có kết quả, có giải thoát hay không có giải thoát.
Chỉ vì pháp môn tu hành của Phật dạy rất rõ, phải tu tập đạo đức trước tiên, nhờ có đạo đức, thiền định mới không lầm lạc vào tà thiền, tà định.
Người tu thiền định sống không đúng giới luật, không có đạo đức là người tu tà thiền, tà định, chẳng bao giờ có kết quả giải thoát, họ chỉ là những vị thầy lừa đảo tín đồ bằng miệng lưỡi.
9. Đặc tướng
Kính thưa Thầy, thế nào là đặc tướng của thân, thọ, tâm, pháp? Và pháp tu chứng như thế nào đối với thân, thọ, tâm, pháp?
Đáp: Đặc tướng là tướng riêng biệt của thân, thọ, tâm, pháp của mỗi người. Người tu theo đạo Phật phải tùy theo đặc tướng của mình thì sự tu tập mới có kết quả nhanh chóng, không theo đặc tướng của mình tu tập thì kết quả khó thành tựu.
Đặc tướng còn gọi là khả năng riêng biệt của mọi người, không phải trời phú cho mà do họ khéo huân tập trong nhiều kiếp. Ví dụ: Một người nghe Đức Phật thuyết pháp xong thì chứng quả Tu Đà Hoàn có đầy đủ pháp nhãn, nhưng lại có người cũng nghe thuyết pháp xong mà tật nào vẫn còn tật nấy không bỏ được.
Cuộc đời hành đạo của Thầy, Thầy đã đem chánh pháp của Phật ra nói khan cả cổ, chỉ có một pháp duy nhất là nhìn cuộc sống bằng đôi mắt nhân quả để tâm ly dục ly ác pháp là đem lại sự giải thoát cho mình cho người. Một cuộc sống hạnh phúc vô cùng vô tận, thế mà mọi người ai cũng nghe và cũng thấy biết rõ ràng như vậy, nhưng bỏ ác pháp và ly dục thì chẳng có ai bỏ được, cứ mãi ôm ấp trong lòng để mà khổ, mà đau, mà phiền não, mà tức giận v.v... Nhiều khi Thầy tự đặt câu hỏi: “Tại sao vậy? Tại sao vậy?”
Đấy cũng là đặc tướng của mỗi con người, chúng ta biết làm sao hơn! Khi tu hành Thầy chỉ nhận ra ý này của Phật mà buông xả xuống hết, chỉ trong vòng sáu tháng là thành tựu Tứ Thánh Định và Tam Minh một cách cụ thể và rõ ràng, thế mà chẳng ai tin. Nếu một người không thành tựu được như vậy thì đời sống giới luật không bao giờ nghiêm túc và không bao giờ bất động tâm trước các pháp.
Người ta đánh giá trị của một tu sĩ ở đức hạnh, chứ không phải đánh giá trị ở thần thông và thiền định. Đức hạnh sanh thiền định và thần thông, chứ thiền định và thần thông không sanh đức hạnh.
Nói cách khác cho đúng như lời đức Phật đã dạy: “Giới sanh Định, Định sanh Tuệ,” chứ đâu có Tuệ sanh Định, Định sanh Giới.
Đặc tướng tốt hay xấu đều do nhân quả huân tập nhiều đời nhiều kiếp mà thành, chứ không phải huân tập trong một sớm một chiều mà có được. Cho nên, người có tài ba lỗi lạc là do sự huân tập nhiều đời nhiều kiếp, cũng như người tu nhanh chậm.
Nếu chúng ta nói rằng mình tu chậm thì bỏ cuộc tu, tức là không huân tu nữa thì như vậy đặc tướng của chúng ta sẽ xấu và cuộc đời sẽ trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ đau mãi mãi.
Người ta tu nhanh là nhờ người ta tu nhiều kiếp rồi, còn mình tu chậm là do mình mới tu trong kiếp này mà thôi. Chính đó là đặc tướng của mỗi người. Vì thế càng tu chậm lại càng tu tập nhiều hơn; càng tu chậm lại càng tu tập kỹ hơn.
10. Thọ hành
Kính thưa Thầy, trong quá trình tu tập bị thọ hành quấy nhiễu thì dùng pháp gì để đoạn diệt nó? Có ai trong quá trình tu tập mà không bị thọ hành không?
Đáp: Gặp thọ hành phải giữ độc cư trọn vẹn, phải gan dạ đừng sợ hãi, phải đầy đủ nghị lực dũng cảm và dùng pháp hướng tâm để đẩy lui các cảm thọ đó. Trong quá trình tu tập mọi người ai cũng gặp thọ hành nhưng tùy nghiệp nặng nhẹ mà thôi.
Thọ hành do tu tập sai mà thành bệnh, vì thế khi bị thọ hành thì chúng ta phải quán xét lại sự tu tập của mình xem coi tu sai chỗ nào để rồi chỉnh lại.
Quý thầy nên lưu ý, khi đức Phật dạy tu hành thì Ngài đã nhắc nhở chúng ta: “Pháp của ta đến để mà thấy, không có thời gian.” Do lời dạy này khi tu tập bị thọ hành là chúng ta biết đã tu sai, phải mau mau sửa lại.
Khi tu tập cảm giác thấy toàn thân thoái mái dễ chịu, cảm giác toàn tâm an lạc, thanh thản, vô sự thì đó là tu đúng, còn ngược lại là tu sai.
Pháp Phật tu hành rất dễ nhận xét sai đúng, như pháp xả tâm, Tứ Chánh Cần ly dục ly ác pháp, khi tiếp duyên ra gặp đối tượng mà tâm sanh sân hận, tức giận, phiền não, dữ tợn thì đó là ức chế tâm không phải xả tâm.
Nếu có sự giảm bớt sân hận trong lòng là có ức chế và có xả tâm. Nếu hoàn toàn gặp đối tượng mà tâm vẫn thản nhiên, thanh thản, an lạc, không có một chút phiền não nào thì đó là xả tâm sạch.
Người xả tâm sạch ác pháp là người giải thoát; là người đi trong đạo lộ của Phật; là người có chánh định, tâm hồn đang ở trong thiền thứ nhất; là người sẽ có đầy đủ Tam Minh, Lục Thông; là người đã làm chủ sanh tử luân hồi, chấm dứt sự tái sanh, làm chủ hoàn toàn cuộc sống. Đó là làm một cuộc cách mạng đòi lại quyền làm chủ sự sống chết của kiếp con người.