65. ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ
1. Hơi thở và câu pháp hướng
Câu hỏi: Kính thưa Thầy! Con tu tập như sau: “Hít vào tôi biết tôi hít vào, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Vừa nhắc thầm câu pháp hướng trên đồng thời cũng vừa hít vô đến khi hơi thở dứt thì câu pháp hướng cũng vừa đủ.
Câu pháp hướng đồng một lúc với hơi thở ra, vô tùy theo đặc tướng hơi thở của mỗi người dài hay ngắn mà chọn câu pháp hướng phù hợp với chiều dài hơi thở.
Nếu câu pháp hướng dài quá mà hơi thở của mình ngắn quá thì phải kéo dài hơi thở thêm một chút nữa. Như vậy nó mất đi tính tự nhiên của hơi thở bình thường, con hiểu như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Người mới tu tập thì pháp hướng tâm đi liền với hành động hít thở ra vô để dễ nhiếp tâm. Nhưng khi chuyên sâu vào hơi thở cho đúng theo phương pháp Định Niệm Hơi Thở thì pháp hướng tâm phải đi trước rồi hành động thở sẽ theo sau, cho nên trong bài kinh Thân Hành Niệm, đức Phật dạy về hơi thở “sẽ” hít vô “sẽ” thở ra. Chữ “sẽ” có nghĩa là tác ý trước khi hít thở.
Trong khi tu tập hơi thở thứ năm dứt, ta nín thở tác ý. Sau khi tác ý xong ta mới hít vô và thở ra. Đúng năm hơi thở lại tác ý một lần, cứ tu tập như thế cho đến hết giờ.
Về hơi thở các bạn nên lưu ý nó là thân hành nội, khi thở không đúng cách nó có thể gây rối loạn nội tạng của các bạn như: hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết v.v...
Muốn tu tập hơi thở phải được một vị thầy có kinh nghiệm tu chứng đạt chân lý dạy thì mới được phép tu tập, còn không thì các bạn nên tu tập tỉnh giác chánh niệm tức là đi kinh hành.
Chánh niệm tỉnh giác đi kinh hành có bốn giai đoạn tỉnh thức, xin hẹn lại các bạn khi nào tu tập chánh niệm tỉnh giác thì chúng tôi sẽ trực tiếp chỉ dạy cho.
Còn về pháp môn hơi thở có 19 đề mục, mỗi đề mục của hơi thở là một pháp môn tu hành để đối trị thân tâm khi bị các ác pháp tác động.
Định Niệm Hơi Thở là một pháp môn diệt ác pháp rất tuyệt vời. Vậy các bạn hãy tu tập cẩn thận kỹ lưỡng từng đề mục, khi nào tu tập đề mục này có kết quả rồi mới tu tập tới đề mục khác. Tu tập về Định Niệm Hơi Thở có lợi ích rất lớn trên đường ly dục ly ác pháp để đạt được cứu cánh.
2. Ức chế hơi thở
Câu hỏi: Kính thưa Thầy! Trong lúc tu Định Niệm Hơi Thở, dọc sóng mũi luôn có cảm giác và vùng trán căng như vậy là ức chế hơi thở phải không thưa Thầy? Làm sao khắc phục tình trạng này?
Đáp: Nếu có cảm giác tê tê nặng đầu, hay căng đầu là do tu tập sai pháp, do dùng hơi thở ức chế tâm chứ không phải tu Định Niệm Hơi Thở. Vì Định Niệm Hơi Thở là phương pháp dẫn tâm chứ không tập trung ức chế tâm như các loại thiền khác để hết vọng tưởng.
Con nên tu tập lại cho đúng cách, nhẹ nhàng dẫn tâm như ru con ngủ sẽ khắc phục được. Nếu vì đã tu tập pháp ức chế tâm quen nên mỗi khi nhiếp tâm vào hơi thở là có cảm giác căng đầu thì con nên xả bỏ không tu tập về hơi thở nữa mà tu thân hành ngoại như đi kinh hành tập tỉnh thức nơi bước đi.
Nếu chú ý bước đi mà bị căng đầu nữa thì con tu Tứ Niệm Xứ, tức là ngồi kiết già quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp, thấy có chướng ngại gì trên đó thì tác ý xả bỏ, tác ý chừng nào chướng ngại pháp đó rời khỏi bốn chỗ đó mới thôi.
Pháp tu tập này không có căng đầu, vì không có đối tượng để tập trung tâm. Tu tập như người vô sự, an nhàn, chỉ khi nào có chướng ngại pháp mới dùng tri kiến tác ý để giúp cho thân tâm thanh thản an lạc và vô sự.
3. Tác ý phá cảm thọ
Câu hỏi: Kính thưa Thầy! Khi thân có một cảm thọ đau xuất hiện, con hướng tâm đuổi nó đi, mỗi lần hướng tâm xong, con để cho tâm nó lặng đi khoảng năm hoặc mười hơi thở con lại tác ý tiếp, hay con phải hướng tâm liên tục?
Đáp: Khi thân có cảm giác thọ đau thì nên tác ý liên tục để tâm ôm chặt pháp hơi thở mà quên đi thọ khổ. Trong Định Niệm Hơi Thở, đức Phật dạy: Khi thân bị thọ khổ thì nên hướng tâm nhắc “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.”
Cứ nương theo hơi thở mà dẫn tâm như vậy thì sẽ không còn đau khổ nữa. Nhưng con phải thiện xảo dùng câu pháp hướng nhẹ nhàng, êm ái theo nhịp của hơi thở ra, vô như người mẹ ru con theo nhịp đung đưa của chiếc võng.
Đó là người mới tu, còn người tu lâu thì trạng thái thân an tịnh một cách rất tuyệt vời, khiến cho các cảm thọ không tác động được vào thân. Dù các cảm thọ có đau đến đâu nó cũng nhiếp phục được. Đó là một phương pháp làm chủ bệnh rất tuyệt hảo.
66. NHỮNG CÂU HỎI CỦA NGUYÊN THANH
1. Dừng cái ý
Câu hỏi: Kính bạch Thầy! Tập dừng cái ý có phải: đó là chánh niệm tỉnh giác không? Con tư duy rằng: Nếu chánh niệm tỉnh giác không đủ lực thì rất khó có được sự tỉnh giác, đó là cơ bản để bước vào chánh định, như thế có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Pháp môn Chánh Niệm Tỉnh Giác Định là pháp môn tu tập “dừng cái ý.” Đúng như con đã tư duy. Muốn dừng ý mà không tỉnh giác trên thân hành thì không bao giờ dừng ý được. Thân hành thì có: thân hành nội và thân hành ngoại. Nếu hành giả tu tập mà cứ trên thân hành tập trung tâm thì sẽ bị ức chế. Tâm bị ức chế thì sẽ rơi vào thiền tưởng và tu tập như vậy chẳng bao giờ có ly dục ly ác pháp, có nghĩa là chẳng bao giờ lìa hết tâm tham, sân, si.
Vì thế muốn tĩnh thức trên thân hành thì phải dùng ý thức điều khiển tâm (Như lý tác ý) cho tâm ly dục ly ác pháp lìa hết tham, sân, si. Tâm lìa hết tham, sân, si thì ý thức dừng, tu tập như vậy thì không bị ức chế tâm.
Vấn đề này cần phải lưu ý: Dừng ý thức không có nghĩa là dừng vọng tưởng. Dừng ý thức là phòng hộ sáu căn, do đó ý thức không phóng dật.
2. Định tỉnh
Câu hỏi: Con tư duy rằng: Nếu chánh niệm tỉnh giác không đủ lực thì rất khó có được sự tỉnh giác, đó là cơ bản để bước vào chánh định, như thế có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Tâm chánh niệm tỉnh giác là cơ bản để bước vào “định tỉnh” của tâm chứ không phải là “chánh định” vì “chánh định” là Bốn Thiền. Như đức Phật đã xác định: “Chánh Định là Bốn Thiền,” muốn vào Bốn Thiền thì phải có Bảy Năng Lực Giác Chi. Có Bảy Giác Chi mới nhập được Bốn Thiền. Hành giả tu tập không có Bảy Năng Lực Giác Chi thì đừng mơ nhập Bốn Thiền và Tam Minh.
Con nên lưu ý những điều sau đây:
1- Có Chánh niệm tỉnh giác thì tâm mới ly dục ly ác pháp.
2- Có tâm ly dục ly ác pháp thì mới có định tỉnh.
3- Có định tỉnh thì tâm mới không phóng niệm, phóng dật.
4- Tâm không phóng niệm, phóng dật thì mới có Bảy Năng Lực Giác Chi.
5- Có Bảy Năng Lực Giác Chi thì mới nhập được Bốn Thiền.
6- Có Bốn Thiền thì mới có Tam Minh.
7- Có Tam Minh thì mới có chấm dứt tái sanh luôn hồi.
3. Nên phân biệt ba lực
Câu hỏi: Con thắc mắc rằng: tại sao lực lại do ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tạo ra. Do ngũ ấm tạo thành, nó có liên quan gì đến Thất Giác Chi không? Và tại sao khi tâm thanh tịnh có chánh niệm thì nó mới xuất hiện, còn nếu tâm không thanh tịnh nó không xuất hiện?
Đáp: Nên phân biệt ba lực trong thân ngũ ấm. Ba lực đó là:
1- Ý thức lực (sắc ấm).
2- Tưởng thức lực (tưởng ấm).
3- Tâm thức lực (thức ấm).
Trong ba lực đối với đạo Phật chỉ được quyền sử dụng ý thức lực, tâm thức lực. Còn tưởng thức lực thì luôn luôn phải đề cao cảnh giác để ngăn và diệt trừ nó, không cho nó phát triển, nếu nó phát triển sẽ đưa hành giả vào tà định. Vì lực của tưởng ấm là lực của ma ngũ ấm. Lực của ma ngũ ấm thì lấy dục mà tăng trưởng, tức là lấy lòng ham muốn của con người làm gốc mà phát triển.
Vì thế khi lực này phát triển thì tâm tham, sân, si càng gia tăng, ngã càng to lớn nhưng rất thiện xảo, tinh vi lừa đảo trong lối lý luận bưng bít, khiến ngay chính hành giả cũng lầm lạc. Lực này rất nguy hiểm trên đường tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp. Vì nó không xả tâm dục và ác pháp mà lại nuôi lớn ngã và lòng tham dục danh lợi to lớn.
Lực của thức ấm là lực của Bảy Giác Chi (lực của tâm).
Lực của tưởng và lực của tâm không có liên quan nhau. Khi tu tập tâm chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì lực của tưởng thường xuất hiện phá lực của tâm làm cho chúng ta khó phân biệt. Cho nên các huyệt trên thân khai mở tức là các huyệt dao động, khi dao động thì lực tưởng xuất hiện.
Ngoại đạo thường tu tập khai mở những huyệt đạo này để có thần thông. Có thần thông để lường gạt người làm danh, làm lợi trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác. Những người tu tập có thần thông tưởng không bao giờ giải thoát
Có chánh niệm, tức là ý thức thanh tịnh chứ không phải tâm thanh tịnh.
Có đủ Bảy Năng Lực Giác Chi thì tâm mới thanh tịnh, nói cách khác tâm thanh tịnh thì mới có Bảy Năng Lực Giác Chi.
Ý thức thanh tịnh thì có chánh niệm, có chánh niệm thì coi chừng có tưởng lực xuất hiện, có tưởng lực xuất hiện là do tâm ly dục ly ác pháp chưa thật sạch.
Khi chưa có Bảy Năng Lực Giác Chi thì không làm gì con nhập được Sơ Thiền. Chưa nhập được Sơ Thiền không làm gì có thân, tâm được thanh tịnh; thân tâm chưa thanh tịnh thì làm sao nhập lưu được quả Tu Đà Hoàn. Cho nên hiện giờ đang tu tập thì chỉ có ý thức thanh tịnh chứ không có tâm thanh tịnh.
Cái đầu con quay là huyệt bách hội khai mở, tức là ý thức bị ức chế không vọng tưởng, chứ không phải ý thức thanh tịnh. Vì thế con nên ngăn và diệt tưởng lực đó để con tu tập Thân Hành Niệm cho tâm thật định tỉnh trên thân hành thì Xả Giác Chi sẽ xuất hiện.
Xả Giác Chi xuất hiện thì mới giúp con xả sạch tâm tham, sân, si, tức là trên pháp Thân Hành Niệm ly dục ly ác pháp để vào Bất Động Tâm Định. Bất Động Tâm Định là một trạng thái tâm không phóng niệm và không phóng dật, như đức Phật đã dạy: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật.”
Ngoại đạo tu tập dùng mọi pháp môn để ức chế ý thức, khiến cho ý thức không có vọng niệm. Không có vọng niệm ngỡ rằng cách thức tu tập như vậy làm cho ý thức thanh tịnh. Nói cách khác là làm cho tâm thanh tịnh, nhưng nào ngờ khi ý thức bị ức chế không hoạt động được. Nhờ ý thức không hoạt động được, do đó tưởng thức hoạt động nên mới khai mở các huyệt đạo.
Tu theo ngoại đạo như Thiền Đông Độ và kinh sách Đại Thừa thì không có tâm thanh tịnh, mà chỉ có tâm chạy theo dục lạc vật chất thế gian. Con cứ nên suy ngẫm lại xem các thầy Đại Thừa và các thiền sư Đông Độ thì lời Thầy nói không sai. Chỉ khi nào ý thức ly dục ly ác pháp thì ý thức mới thanh tịnh.
Cho nên tất cả các pháp môn thiền: Thiền Đông Độ, Đại Thừa, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Minh Sát Tuệ, v.v… đều là pháp môn ức chế tâm, do đó các vị thiền sư này tu sai pháp Phật nên đều nhập định tưởng. Nhập vào định tưởng nên không bao giờ có ý thức thanh tịnh, ý thức còn chưa thanh tịnh thì còn nói gì đến tâm thanh tịnh được. Do đó các vị tu lâu năm thì danh lợi càng nhiều, nên đời sống các vị giống như những nhà giàu tỷ phú.
Huyệt bách hội không có liên quan đến Bốn Thiền và Tam Minh. Huyệt bách hội có liên quan với ngũ thông của ngoại đạo vì nó thuộc về thiền tưởng. Con đang nhận lầm ý thức thanh tịnh và tâm thức thanh tịnh. Ý thức thanh tịnh chỉ là một sự khởi đầu cho bảy năng lực giải thoát của Phật giáo (Thất Giác Chi) xuất hiện để thực hiện tâm thanh tịnh.
Khi nào con nhập Thiền Thứ Tư thì tâm thức con mới trỗi dậy, còn bây giờ con đang dùng dụng cụ rốt ráo Thân Hành Niệm để tu tập ly dục ly ác pháp, đó là ý thức thanh tịnh.
Hiện giờ con tu tập là để cho ý thức chánh niệm, ý thức tỉnh giác, ý thức định tỉnh, ý thức thanh tịnh, chứ làm gì có tâm thanh tịnh ở chỗ này được.
Hiện giờ con đang dùng ý thức tu tập pháp Thân Hành Niệm để ý thức thanh tịnh, nhưng ý thức của con có xả ly rất nhiều vì thế mà nó có được một ít thanh tịnh. Nhờ vậy mà con đã nhận thấy những lực xuất hiện của Bảy Giác Chi nhưng chưa đủ trọn vẹn thì lúc này con nên coi chừng sẽ có lực tưởng và lực này nó thoát ra khỏi sự điều khiển của ý thức con. Nếu con không cảnh giác, nó sẽ dẫn con vào thế giới Ma.
Khi tu tập thấy có xuất hiện một trạng thái vượt ra ngoài pháp ý thức dẫn tâm của con thì nên cảnh giác, và tìm mọi cách ngăn và diệt nó thì sự tu tập của con mới có đi đúng hướng và đúng đường thì sự tiến bộ nhanh chóng mà Thầy bảo rằng sử dụng lực Ma chuyển thành Bảy Giác Chi là vậy. Nếu theo lực đẩy này thì con bị Ma xỏ mũi. Thầy thường gọi nó là Ngũ Ấm Ma có nghĩa Ma lưu xuất từ thân ngũ uẩn của con.
Lưu ý: Nên cảnh giác những loại Ma chướng này. Ta phải biết sử dụng lực Ma chứ đừng để lực Ma sử dụng ta. Vì ta có pháp “Như lý tác Ý” tức là ta có phương pháp sử dụng lực của ý thức để đối trị lực của tưởng thức và nương vào lực của tưởng thức để dùng nó chiến đấu với ngoại pháp. Biết sử dụng lực Ma để tạo thành lực Bảy Giác Chi. Vì trong Bảy Giác Chi có lực Xả Giác Chi. Xả Giác Chi sẽ giúp cho ý thức ly dục ly ác pháp hoàn toàn.
Nhờ ý thức ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì ý thức thanh tịnh, ý thức thanh tịnh thì Trạch Pháp Giác Chi mới xuất hiện. Nhờ Trạch Pháp Giác Chi thì mới tâm định tỉnh, nhu nhuyến dễ sử dụng hoàn toàn, do đó ta mới nhập được Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền, nhờ nhập được Tứ Thiền ta mới đánh thức tâm thức (thức uẩn). Nhờ tâm thức hoạt động ta mới hướng tâm để thực hiện Tam Minh, chứng quả A-la-hán vô lậu.
4. Phật pháp không có gì bí ẩn
Kính gửi Nguyên Thanh! Pháp của Phật không có gì là bí mật, bí truyền cả, mà là những phương pháp chỉ dạy cụ thể, rõ ràng, sờ sờ trước mắt. Nhưng vì bản chất con người cẩu thả, thiếu cẩn thận, thiếu kỹ lưỡng, lười biếng v.v… rồi tự mình kiến giải, tưởng giải chế ra pháp tu tập mới, theo kiểu tự hiểu biết trong danh từ chữ nghĩa, hoặc được thừa truyền những nghĩa lý sai mà không qua kinh nghiệm tu hành thực tu, thực chứng của những bậc đã đạt đạo.
Đạo Phật lấy “Thân Hành” mà tu tập, tu tập cho tâm được tỉnh thức, nhờ tâm tỉnh thức mà thấu suốt được lý nhân quả vô thường, do thấu suốt được lý nhân quả vô thường nên các pháp ác không tác động vào thân tâm được. Do các pháp ác không tác động vào thân tâm được nên tâm định tỉnh, tâm định tỉnh tức là tâm không phóng dật. Khi tâm không phóng dật là tâm giải thoát, tâm giải thoát là tâm đã có đủ Bảy Giác Chi. Bảy Giác Chi là bảy năng lực giúp chúng ta làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi.
Cho nên pháp Phật đâu có gì là bí mật mà gọi là: “Giáo ngoại biệt truyền bất lập văn tự.” Pháp của Phật là pháp dạy trực tiếp lìa tâm tham, sân, si, mạn, nghi, cho nên gọi là: “Ngăn ác diệt ác pháp” chứ có đâu đi tìm những pháp mơ hồ “Chân Không diệu hữu” hay cảnh giới ảo tưởng “Tây phương Cực Lạc.”
Thế mà chúng ta lại tu lòng vòng loanh quanh ức chế tâm, cuối cùng nhìn lại thì chẳng có ai giải thoát, chỉ toàn là lý thuyết suông. Chúng ta nên nhớ pháp của Phật là pháp xả tâm, ly dục ly ác pháp chứ không phải pháp tập trung tâm để nhập định. Chánh định của Phật muốn nhập được là phải có Bảy Giác Chi. Bảy Giác Chi có được là nhờ ý thức ly dục ly ác pháp, tức là ý thức thanh tịnh.
Có hiểu rõ được như vậy thì sự tu tập của chúng ta không có hoài công, vô ích.
Kính ghi.
Thầy của con.