Kính thưa Thầy! Muốn diệt ngã thì phải diệt bằng cách nào?
Đáp: Như chúng ta đã biết ngã có tầm quan trọng rất lớn như vậy thì diệt ngã không phải là một việc dễ làm. Vì thế trước Phật và sau Phật không có pháp nào diệt ngã được, chỉ có Phật pháp mới diệt được ngã mà thôi.
Ngoài giáo pháp của Phật ra thì không còn có giáo pháp nào diệt được ngã. Chúng tôi nói lời này là lời nói đúng, nói không sai, vì xét qua tất cả lịch sử văn minh của loài người, không có phương pháp nào giúp con người thoát khổ, diệt ngã. Phải không các bạn?
Tại sao chúng ta nói trước Phật không có pháp nào diệt được ngã? Khi đức Phật đi tu và tu tất cả các pháp của ngoại đạo trong thời đó, Ngài đã không tìm được pháp nào diệt được ngã. Vì thế Ngài phải tự tìm ra một lối tu tập và cuối cùng Ngài diệt được ngã. Đó là “Bát Chánh Đạo.”
Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất trên thế gian này diệt được ngã, vì nó là chương trình đào tạo đạo đức nhân bản – nhân quả làm người sống không làm khổ mình khổ người. Chính thế nó đã diệt được ngã ác pháp và tồn tại với ngã thiện pháp. Cho nên các bạn đừng lầm tưởng diệt ngã để trở thành cây đá ngu ngơ thì đó là diệt ngã sai lầm lớn.
Tại sao chúng ta nói sau Phật không có pháp tu tập nào diệt được ngã? Từ khi đức Phật nhập diệt đến nay, ta chưa từng nghe thấy biết có một vị tu sĩ Phật giáo nào sống đúng Phạm hạnh như Phật. Vì thế mà ta biết rằng: Sau đức Phật không có pháp diệt ngã, vì pháp Phật đã bị pha màu sắc của ngoại đạo.
Cho nên người ta nói vô ngã thì không biết bao nhiêu là kinh sách đã nói và để lại cho đời, như rừng, như núi. Nhưng tìm một cuốn kinh sách để tu tập diệt ngã thật sự thì rất là khó khăn vô vàn.
Muốn diệt được ngã như chúng tôi đã nói ở trên thì chỉ có “Bát Chánh Đạo,” nhưng đừng tu theo Bát Chánh Đạo lai căng của Đại thừa thì muôn đời ngàn kiếp cũng khó diệt được ngã.
Kính thưa Thầy! Khi đã diệt được ngã thì kết quả ra sao? Con nhận thấy người tu thường vướng phải chỗ này, bằng chứng là sau những cuộc thử thách của cô Út thì các vị đó phải ra đi do diệt trừ bản ngã chưa sạch có phải không thưa Thầy?
Đáp: Một người tu sĩ và cư sĩ khi diệt trừ được ngã thì tâm họ như đất. Dù ai có đổ các chất bẩn trên đất thì đất cũng không buồn phiền, và nếu ai có đổ vàng ngọc trên đất thì đất cũng chẳng mừng vui.
Người diệt được ngã là người sống trong trạng thái tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm định trên thân, tâm định trên thân là tâm bất động, tâm bất động là một trạng thái “Diệt Đế” tức là một chân lý trong bốn chân lý của đạo Phật.
Những người tu sĩ và cư sĩ bị cô Út thử thách bỏ ra đi là những người không diệt ngã vì họ là người tu sai pháp, không chịu xả tâm mà tu ức chế tâm, vì tu cách đó là nuôi ngã.
Kính thưa Thầy, khi tư duy quán xét thì phải sinh trí tuệ. Trí tuệ đó có phải thuộc về ý thức thanh tịnh không thưa Thầy? Nếu là ý thức thanh tịnh thì cần phải lưu giữ và phát triển, như vậy thì ý nào phải dừng lại? Có phải là những ý niệm lăng xăng phóng dật không thưa Thầy?
Đáp: Sự tư duy quán xét không phải là trí tuệ, vì trí tuệ phải phát sanh từ thiền định, nhưng bây giờ các con chưa có thiền định, sao lại gọi ý thức là trí tuệ được?
Sự tư duy quán xét thì ý thức đó được gọi là tri kiến mà thôi, cho nên Phật dạy: “Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó.”
Những tu sĩ và cư sĩ phạm giới phá giới là những tu sĩ và cư sĩ không có tri kiến Phật pháp mà họ có tri kiến phàm phu tục tử, nên những tu sĩ và cư sĩ này chạy theo dục vọng vật chất thế gian.
Phật dạy tiếp: “Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật.” Cho nên ý thức thanh tịnh là nhờ giới luật, ngoài giới luật ra thì không có pháp nào làm thanh tịnh ý thức.
Vậy ý thức thanh tịnh là ý thức của giới luật. Những tu sĩ và cư sĩ này chạy theo dục lạc vật chất thế gian, chùa to Phật lớn, tiền nhiều là những tu sĩ và cư sĩ ý thức không thanh tịnh.
Ý thức thanh tịnh cũng chưa được gọi là trí tuệ, ý thức thanh tịnh chỉ được gọi tri kiến giải thoát.
Kính xin Thầy giảng cho chúng con được rõ về ý thức có đến mấy loại? Và ý nào cần phải phát triển, ý nào cần phải dừng? Kính xin Thầy từ bi chỉ dạy.
Đáp: Có hai loại ý thức:
1- Ý thức thiện;
2- Ý thức ác.
Ý thức thiện cần phải phát triển. Ý thức ác cần phải ngăn diệt. Theo kinh Tứ Chánh Cần Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện.” Kinh Pháp Cú Phật dạy: “Các pháp ác chớ làm, nên làm các pháp thiện.”
Nhờ biết được ý thức có hai loại nên đức Phật mới dạy chúng ta tu tập luôn luôn phải ngăn và diệt ý thức ác, không được nuôi dưỡng và tăng trưởng nó, khi nó đến thì phải diệt tức khắc ngay liền, diệt sớm chừng nào tốt chừng nấy, vì càng diệt sớm thì tâm càng được giải thoát sớm, sớm phút nào tốt phút nấy. Bởi vì đạo Phật là đạo giải thoát mà để pháp ác trong tâm thì làm sao được gọi là tu theo đạo Phật. Đó chính là mục đích pháp hành của đạo Phật là vậy.
Pháp hành như vậy được đức Phật gọi là phương pháp tu tập thiền định (Định Tư Cụ). Vậy pháp tu tập thiền định của đạo Phật là pháp ngăn diệt ác pháp trong tâm. Khi nào không còn ác pháp trong tâm thì người ấy nhập định chứ không giống như loại thiền định ức chế tâm của tà giáo ngoại đạo.
Ý thức thiện vô lậu của đạo Phật thì không ngoài tâm thanh thản, an lạc và vô sự, vì thế đức Phật bảo phải tăng trưởng và kéo dài ra cái ý thức này. Đó là một phương pháp tu tập giải thoát tuyệt vời mà không có một pháp thiền nào sánh kịp.
Chính ý thức thanh thản, an lạc và vô sự là trạng thái sung mãn của Tứ Niệm Xứ; là trạng thái bất động của thân tâm không bị một ác pháp nào tác động vào được. Con đường tu hành theo Phật giáo chỉ cần chứng đạt được chân lý này cũng đủ mãn nguyện cho một đời tu tập của chúng ta không uổng.
Hãy cố gắng lên các bạn ạ! Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Phật pháp không khó vì tu tập mà khó vì lòng người chẳng muốn lìa tham.
Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa.
Vạn pháp vô thường buông xuống đi!
Đời người là như vậy, có buông bỏ hay không buông bỏ thì mọi vật vẫn đều buông bỏ chúng ta mà đi. Ngày mai khi xuôi tay vào lòng đất lạnh thì chúng ta mới thấy Phật pháp là chân thật, không lừa đảo ai hết. Phải không các bạn?
63. CÁC HÀNH CÓ ÁC VÀ THIỆN
1- Trong các hành có thiện và có ác. Khi mỗi người khởi một ý niệm ác hoặc một hành động ác là đã gieo một từ trường ác trong không gian. Trong không gian liên tục tiếp nhận những từ trường thiện và những từ trường ác. Do đó khi có một cơn mưa hay một cơn bão lụt cũng là do nhân quả thiện ác của những từ trường đó tạo thành.
2- Thân là vô thường nên phải có bệnh đau, do có bệnh đau nên thân mới hoại diệt. Thân bệnh đau và hoại diệt đều do nhân quả thiện ác của mình tạo tác. Bởi vậy chúng ta hằng ngày phải tu tập tỉnh giác chánh niệm.
Tu tập chánh niệm tỉnh giác để làm gì?
Để tỉnh giác trên từng hành động thân, miệng, ý của chúng ta, và như vậy ta đã làm chủ được đường đi của nhân quả.
Để tỉnh giác trên từng các pháp chung quanh ta, và như vậy ta mới hàng phục được chúng.
Để tỉnh giác trên từng tâm niệm của ta, và như vậy ta mới khắc phục được những nỗi ưu phiền trên tâm.
Để tỉnh giác trên từng thân hành của ta, và như vậy ta mới khắc phục được những sự đau đớn bệnh tật trên thân ta. Nhờ có tỉnh giác như vậy thì ta mới làm chủ được các hành. Làm chủ được các hành là làm chủ được nhân quả thiện ác. Làm chủ được nhân quả thiện ác là làm chủ được sanh, già, bệnh, chết. Làm chủ được sanh, già, bệnh, chết là chấm dứt sự khổ đau của kiếp sinh ra làm người. Đó là mục đích của đạo Phật chứ không phải kiến tánh thành Phật hay niệm Phật để cầu vãng sanh Cực Lạc Tây phương.
Xin các bạn lưu ý: đạo Phật ra đời là đem lại cho mỗi con người có đạo đức sống không làm khổ mình khổ người, nhờ đó xây dựng cho đời đẹp đẽ hơn. Phải không các bạn?