51. TU TẬP ỨC CHẾ TÂM CÓ HẠI GÌ?
Hỏi: Kính thưa Thầy, người tu thiền định ức chế tâm dừng và diệt vọng tưởng có hại gì? Có lợi gì? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Đạo Phật tu hành không có thiền định ức chế tâm, thiền định ức chế tâm là những pháp môn thiền định của ngoại đạo, của Đại Thừa và Thiền Đông Độ.
Xưa đức Phật đi tu, đạo Phật chưa có, Ngài tu theo giáo pháp của ngoại đạo, toàn bộ giáo pháp đều dạy ức chế thân tâm. Đó là những pháp môn khổ hạnh, do những pháp môn khổ hạnh ức chế thân tâm này mà cơ thể Ngài hoàn toàn suy yếu đến nỗi phải nằm liệt không thể đứng dậy nổi. Nhờ người chăn dê đổ sữa, lần lần Ngài mới tỉnh lại, quán xét tất cả các pháp môn ức chế thân tâm không thể giải thoát sự khổ đau của kiếp người.
Đầu tiên Ngài tu với một vị Đạo sư tên là Alara Kalama dạy Ngài ức chế tâm nhập Vô Sở Hữu Xứ Định. Sau khi nhập xong định Vô Sở Hữu Xứ, Ngài tự suy nghĩ: Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết Bàn mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô Sở Hữu Xứ. Chứng đạt Vô Sở Hữu Xứ để làm gì? Không có ích lợi gì cả cho cuộc sống con người. Do đó Ngài không tôn trọng pháp này và từ bỏ, Ngài đi tìm pháp môn khác.
Đọc bài Kinh Thánh Cầu trong kinh Trung Bộ tập 1 trang 370, đức Phật tìm đến vị Đạo sư đầu tiên của mình là Ngài Alara - Kalama dạy Ngài tu chứng đạt nhập Vô Sở Hữu Xứ Định như trên đã nói. Kinh dạy:
“Như vậy, này các tỳ-kheo, Alara Kalama là Đạo sư của Ta, lại đặt Ta là đệ tử của người ngang hàng với mình và tôn sùng Ta tối thượng. Này các tỳ-kheo, rồi Ta tự suy nghĩ “pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết Bàn mà chỉ đưa đến chứng đạt Vô Sở Hữu Xứ. Như vậy này các tỳ-kheo, Ta không tôn kính pháp này và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.”
Đoạn kinh này chúng ta thấy Alara Kalama không có dạy đức Phật nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Không Vô Biên Xứ đến Thức Vô Biên Xứ mà chỉ dạy nhập định Vô Sở Hữu Xứ. Như vậy chúng ta đã biết có bốn thiền hữu sắc và bốn thiền vô sắc. Đỉnh cao nhất của thiền Hữu sắc là “Tứ Thiền” và đỉnh cao nhất của thiền Vô sắc là “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định.” Thế mà có nhà học giả bảo rằng đức Phật đã được Alara Kalama dạy nhập Bốn Thiền mà không thấy giải thoát nên Ngài bỏ tìm pháp khác.
Đây là một sự bịa đặt của các nhà học giả để làm sai lệch ý kinh sách của đạo Phật, sai lệch lời dạy của đức Phật để làm gì? Các nhà Đại Thừa muốn xiển dương giáo pháp Đại Thừa nên cố tình dìm mất chánh pháp của Phật, khiến cho người sau không hiểu thiền định của Phật là gì?
Hoặc nhà học giả không phải là hành giả nên hiểu qua kiến giải của mình trong kinh sách Đại Thừa, nghĩ tưởng rằng phải nhập định Hữu sắc trước rồi sau mới nhập định Vô sắc. Hiểu như vậy là cái hiểu của người chưa biết thiền định.
Nếu không có bài kinh Đại Kinh Saccaka thì làm sao chứng minh điều lầm lạc này mà nhà học giả cố tình thuyết giảng sai lệch Phật pháp để người sau không còn biết thiền định của Phật và mất lối tu hành giải thoát.
Phúc duyên của con người trên hành tinh này còn duyên với Phật Pháp nên Kinh Trung Bộ tập 1 bài kinh Saccaka còn giữ lại nguyên văn cho đến ngày nay. Bài kinh này cả quyết và đã xác định đức Phật thành tựu viên mãn đạo giải thoát không phải ở chỗ “Kiến tánh thành Phật, không phải ở chỗ đại ngộ, triệt ngộ” mà ở chỗ tu tập đúng pháp, tức là phải nhập Sơ Thiền, Nhị Nhiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, nhờ đó tâm Phật định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh dẫn tâm đến Tam Minh.
Con đường tu theo đạo Phật chỉ có tu như vậy mới đạt được kết quả làm chủ đời sống con người, thế mà các nhà Đại Thừa xây dựng nhiều pháp môn (84 ngàn pháp môn) mà chẳng có pháp môn nào đưa dắt con người đến chỗ giải thoát kiếp lầm than, đau khổ của loài người.
Đạo Phật chỉ có một pháp môn duy nhất, nếu ai đọc suốt tạng kinh Nguyên Thủy sẽ không thấy có pháp môn nào khác hơn là pháp môn “Giới, Định, Tuệ.” Cả tạng kinh chúng ta thấy đức Phật cố ý lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bài kinh mà không rời khỏi ba pháp môn vô lậu “Giới Định Tuệ.”
Đây, ta hãy nghe đức Phật thuật lại quá trình tu tập với pháp môn nào để đi đến cứu cánh giải thoát. Thế mà các nhà học giả Đại Thừa dám cả gan bác bỏ pháp môn “Tứ Thánh Định” của Phật là thiền định phàm phu, Nhị Thừa, Thanh Văn, ngoại đạo, cấm không cho người sau học và tu tập.
“Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: Ta biết trong khi Phụ thân Ta thuộc giòng Sakka (Thích Ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây Diêm Phù Đề (gambu), Ta ly dục ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: “Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?”
Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: “Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ.”
Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: Ta không sợ chăng lạc thọ này, một lạc thọ ly dục ly bất thiện pháp?” Rồi này Aggivessana, Ta suy nghĩ: Nay thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy, với thân thể ốm yếu kinh khủng như thế này. Ta hãy ăn thô thực, ăn cơm chua (tức là ăn lại bình thường ngày một bữa có thực phẩm).
Này Aggivessana, Ta ăn thô thực cơm chua, lúc bây giờ năm tỳ-kheo đang theo hầu hạ Ta suy nghĩ và chờ đợi Ta khổ hạnh chứng đạo, nhưng thấy Ta ăn thô thực, các vị ấy chán ghét Ta bỏ đi và nói: “Sa môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất từ bỏ tinh tấn khổ hạnh, trở lui đời sống sung túc.”
Và Aggivessana, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.
Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ, Ta chứng và trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền Thứ Ba.
Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả lạc, xả khổ diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư không khổ không lạc xả niệm thanh tịnh.
Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.”
Sau khi chứng được bốn thiền xong, tâm đức Phật thuần tịnh, trong sáng, nhu nhuyến dễ sử dụng. Rồi Ngài dẫn tâm đến Tam Minh.
“Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh như vậy. Ta dẫn tâm hướng đến Túc Mạng Minh. Ta nhớ đến các đời quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp.
Này Aggivessana, đó là Minh Thứ Nhất, Ta đã chứng trong đêm canh một. Vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần như vậy. Này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.”
Đó là canh một, lúc bấy giờ đức Phật chứng Túc Mạng Minh. Sau khi chứng xong Túc Mạng Minh, Ngài tiếp tục hướng dẫn tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ngài chứng Thiên Nhãn Minh.
“Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh như vậy. Ta dẫn tâm hướng đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ v.v…
Này Aggivessana đó là Minh Thứ Hai Ta đã chứng được trong đêm canh giữa, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy. Này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.”
Đó là canh giữa đức Phật đã chứng được Thiên Nhãn Minh. Với tâm nhu nhuyến dễ sử dụng, đức Phật tiếp tục dẫn tâm hướng tâm đến Lậu Tận Minh.
“Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh như vậy. Ta dẫn tâm hướng tâm đến Lậu Tận Trí. Ta biết như thật “Đây là khổ.” Biết như thật “Đây là nguyên nhân khổ.” Biết như thật “Đây là sự diệt khổ.” Biết như thật “Đây là con đường đưa đến diệt khổ!” Biết như thật đây là những lậu hoặc. Biết như thật đây là nguyên nhân của lậu hoặc. Biết như thật đây là sự diệt trừ các lậu hoặc. Biết như thật đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc.
Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy. Ta khởi lên sự hiểu biết “Ta đã giải thoát.” Ta đã biết: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không còn đời sống nào khác nữa.”
Này Aggivessana, đó là Minh Thứ Ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Như vậy này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.”
Trên đây là bài kinh Đại Kinh Saccaka, trong bài kinh này đức Phật đã thuật lại quá trình tu tập của mình từ các pháp môn ức chế thân tâm của ngoại đạo để nhập các loại định tưởng, và nhập được định tưởng cao nhất là Phi Tưởng Phi Tưởng Xứ Định. Nhưng cuối cùng Ngài phải bỏ tất cả các pháp ức chế thân tâm này. Ngài sống trở lại đời sống bình thường của một tu sĩ ăn ngày một bữa sống không phóng dật, “Do Ta sống không phóng dật mà thành Chánh giác.” Sau khi bỏ các pháp môn ức chế thân tâm của ngoại đạo, Ngài hồi ức lại, nhớ lúc còn bé đi theo vua cha trong ngày lễ hạ điền. Vua cha xuống ruộng cày buổi cày đầu tiên để làm gương cho nhân dân.
Lúc bấy giờ đức Phật còn bé ngồi dưới bóng cây Diêm Phù Đề (Yambu), cây hồng táo nghỉ mát, Ngài ly dục ly ác pháp trong tâm, chứng và trú Thiền Thứ Nhất. Một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ. Ngài tự nghĩ: “Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ. Đây là con đường giải thoát.”
Sau khi ăn uống trở lại bình thường, sức khoẻ hồi phục, Ngài không còn khổ hạnh như trước. Ngài nỗ lực theo pháp môn lúc còn bé Ngài đã vô tình ngồi chơi mà thực hiện được. Theo đạo lộ này Ngài đã thuật lại cho chúng ta nghe trong 49 ngày tu tập. Tức là Ngài bắt đầu tu tập nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và Tam Minh. Sau khi tu tập xong Ngài làm chủ sanh, tử và chấm dứt luân hồi với pháp môn này rất rõ ràng. Vậy mà các nhà Đại Thừa dám phỉ báng pháp môn này là Thiền phàm phu, là Thiền Tiểu Thừa, là Thiền Ngoại Đạo v.v...
Pháp môn này do đức Phật vô tình tìm ra trong lúc còn bé chứ không có một Đạo sư ngoại đạo nào dạy, thế mà nhà học giả Đại Thừa cho rằng Alera Kalama dạy đức Phật tu. Đó là một điều phỉ báng giáo pháp của Phật vô căn cứ, nếu không có bài kinh này chứng minh thì người sau không còn biết tin vào đâu.
Trong bài kinh Đại Kinh Saccaka, đức Phật thuật lại từ pháp ức chế thân tâm của ngoại đạo và chỉ đến pháp môn Tứ Thiền mà Ngài vô tình đã tìm ra được trong lúc còn bé mới có giải thoát. Nhờ Bốn Thánh Định này Ngài nhập xong, hướng tâm đến Tam Minh. Ngài phát giác ra lý Tứ Đế: “Đây là khổ.” “Đây là nguyên nhân khổ.” “Đây là sự diệt khổ.” “Đây là con đường đưa đến diệt khổ.” Ngoài đức Phật ra không còn có một tôn giáo nào trên thế gian này thấy được bốn chân lý trên. Thấy được bốn chân lý này, đức Phật bắt đầu khởi xướng đạo Phật ra đời.
Dựa vào bài kinh “Đại Kinh Saccaka” ta thấy đường lối tu tập của đạo Phật rất rõ ràng, cụ thể. Phân biệt đâu là pháp ức chế thân tâm, đâu là pháp xả tâm, thư giãn, diệt ngã, ly dục ly bất thiện pháp, và còn cho ta thấy được đường lối tu tập của đạo Phật do một nhân duyên của chúng sanh kỳ lạ.
Một đứa bé (lúc đức Phật còn bé) đã ngồi dưới gốc cây yambu (Diêm Phù Đề) nhập Sơ Thiền, một pháp môn thiền xả tâm, diệt ngã, ly dục ly ác pháp tuyệt vời: “Ta ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền Thứ Nhất.” Theo như đoạn kinh này chúng ta tự hỏi. Tại sao một đứa bé 9, 10 tuổi mà biết được thiền xả tâm? Ai dạy? Cách thức tu tập như thế nào?
Vậy thiền xả tâm như thế nào mà một đứa bé 9, 10 tuổi đã nhập được một cách dễ dàng? Như chúng ta đã biết, muốn nhập được thiền xả tâm (Sơ Thiền) thì chỉ cần nương vào hơi thở khéo tác ý như trong kinh Nguyên Thủy dạy: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra” rồi lại hít vô thở ra khoảng 5, 10 hơi thở rồi lại khéo tác ý nhắc tâm “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra.” Đó là mấu chốt tu tập thiền định của đạo Phật dùng Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý xả tâm ly dục ly ác pháp để thành tựu tâm thanh tịnh, tức là tâm bất động định.
Khi tu tập các pháp môn của ngoại đạo, đức Phật dốc hết toàn lực tu tập, nghĩa là ức chế thân tâm tối đa để mong đạt được cứu cánh giải thoát, nào ngờ toàn bộ công trình tu tập đến giờ phút cuối cùng chỉ còn là số “không.” Cũng giống như chúng ta hiện giờ, từ pháp môn Tịnh Độ, Mật Tông đến Thiền Tông, chúng ta cũng đem hết sức lực ra tu tập gần như suốt cả cuộc đời, nhưng nhìn lại cũng chỉ là số “không.”
Qua kinh nghiệm bản thân của chúng tôi tu tập các pháp môn của Đại Thừa và Thiền Đông Độ cũng vậy, chúng tôi mất tất cả hy vọng đối với Phật giáo. Chúng tôi cho rằng: các Tôn giáo nói được chứ chẳng làm được. Nhưng đã lỡ theo Phật giáo hơn nửa đời người, bây giờ trở về đời sống thế tục thì đã muộn màng. Còn tu tập thì chẳng ra gì “Đời chẳng ra Đời, Đạo chẳng ra Đạo” tiến thối lưỡng nan. Trong lúc lòng chúng tôi đang buồn bã, ưu sầu vì đường tu tập chẳng đến đâu.
Nhớ đến lời Hòa Thượng Minh Châu và đảo mắt nhìn tủ kinh sách: Nào là Hé Mở Cửa Giải Thoát, Nghiệp Dẫn Đi Trong Luân Hồi, Đường Vào Hiện Sinh, Phật Học Phổ Thông, Trái Tim Thiền Định, Đường Xưa Mây Trắng, Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, v.v… Não nề chúng tôi lấy tập 1 Trung Bộ Kinh, lật vài trang ra đọc cho khuây khoả. Nhưng may mắn thay, gặp ngay bài kinh “Đại Kinh Saccaka.” Ngồi suy ngẫm, một đứa bé 9, 10 tuổi làm sao ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền dễ dàng?
Tự đặt câu hỏi, chúng tôi lần lượt phanh dần và đọc lại các bài kinh khác như: Tứ Niệm Xứ, Xuất Tức Nhập Tức, Tứ Chánh Cần, v.v... thì ra là phương pháp của Phật tu như vậy chứ không như các pháp môn tu tập của Đại Thừa và Thiền Đông Độ. Nên cuối cùng chúng tôi tập thử thấy có kết quả xả tâm có tầm tứ, có hỷ lạc và nhất tâm một cách cụ thể, rõ ràng. Do đó chúng tôi quay 180 độ, bỏ sạch các pháp môn Thiền Tông và Đại Thừa. Chuyên ròng tu tập “Tam Vô Lậu Học.”
Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề tu tập ức chế tâm, dừng vọng tưởng có hại gì mà thiền sinh Minh Tông đã hỏi?
Tu ức chế tâm, dừng vọng tưởng có nhiều pháp:
1- Tịnh Độ Tông niệm Phật nhất tâm (Ức chế bằng câu niệm Phật lục tự Di Đà: Nam Mô A Di Đà Phật).
2- Mật Tông ức chế tâm để có thần thông tưởng (niệm chú ức chế vọng tưởng).
Tu những pháp này không có làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi nên không ích lợi thiết thực cho đời người. Chỉ được cách thuyết giảng lừa đảo người khác dễ dàng nhờ có dục tưởng (khinh an), nhờ có pháp tưởng (triệt ngộ), nhờ có thần thông tưởng (linh ứng), và nhờ sắc tưởng (ánh sáng hào quang, thấy Phật, Tổ và các cõi Cực Lạc Tây phương).
Thời đức Phật tu hành, ngoại đạo hướng dẫn ức chế tâm tối đa như những đoạn kinh dưới đây:
“Này Aggivessana, rồi ta suy nghĩ: “Ta hãy nghiến răng dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp tâm đánh bại tâm! Thì mồ hôi thoát ra từ nơi nách của Ta. Này Aggivessana, như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu hay nắm lấy vai có thể chế ngự, nhiếp phục và đánh bại người ấy.
Này Aggivessana, dầu cho Ta có chí tâm tinh cần, tinh tấn tận lực, dù cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân Ta vẫn bị kích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.”
Đây là cách ức chế tâm rất mạnh của đức Phật ngày xưa tu tập. Ngồi lâu thân sanh mỏi mệt và đau nhức, đức Phật vẫn tinh tấn chống lại khổ thọ để tu tập kéo dài thời gian. Tuy đau nhức, tâm đức Phật không bị chi phối, nhưng chẳng có giải thoát gì được cả. Đức Phật lại tu tiếp pháp hơi thở ức chế tâm tối đa:
“Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thiền nín thở. Và này Aggivessana, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi thì một tiếng gió động kinh khủng thổi lên, ngang qua lỗ tai, ví như tiếng kinh khủng phát ra từ ống thổi bễ đang thổi của người thợ rèn.
Này Aggivessana, dầu Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú, không dao động, nhưng thân Ta vẫn bị kích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.”
Đức Phật tu thiền nín thở đầu tiên phát ra âm thanh tiếng gió thổi ngang qua lỗ tai rất là kinh khủng (phong tưởng thanh) khiến cho thân bị kích động không được khinh an, khổ thọ khởi lên nhưng không chi phối được tâm của đức Phật.
Lần thứ hai đức Phật tiếp tục tu tập thiền nín thở:
“Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: Ta hãy tu thiền nín thở. Và này Aggivessana, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai thì có ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu Ta, ví như một người lực sĩ chém đầu một người khác với một thanh kiếm sắc.
Này Aggivessana, dầu cho Ta có chí tâm tinh cần, tinh tấn, tận lực, dù cho niệm được an trú không dao động nhưng thân của Ta vẫn bị kích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy, tuy vậy khổ thọ ấy vẫn khởi lên nơi Ta được tồn tại, nhưng không chi phối tâm Ta.”
Lần thứ hai đức Phật tu thiền nín thở, một ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu, đối với khổ thọ đó không chi phối được tâm của đức Phật.
Lần thứ ba, đức Phật tu thiền nín thở thì một cảm giác đau đầu kinh khủng như ai lấy sợi dây cột quanh đầu xiết mạnh, cảm thọ đó khởi lên, nhưng không chi phối tâm đức Phật:
“Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thiền nín thở.” Và Này Aggivessana, Ta nín thở vô thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai. Ta cảm giác đau đầu kinh khủng, ví như một người lực sĩ lấy một sợi dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu và xiết mạnh.
Này Aggivessana, dù Ta có chí tâm tinh cần tinh tấn tận lực, dù cho niệm được an trú không dao động nhưng thân Ta vẫn bị kích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh cần chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.”
Lần thứ tư đức Phật tu thiền nín hơi thở, một cảm giác đau đớn như ai cầm dao sắc bén cắt ngang qua bụng.
Lần thứ năm đức Phật cũng tu thiền nín hơi thở, một sức nóng kinh khủng khởi lên như đốt người trên hố than đỏ, trong trường hợp đó một số chư thiên, tức là những người hiền đức bảo đức Phật đã chết, chưa chết, sắp chết v.v ...
Đó là những pháp môn thiền hơi thở ức chế tâm, đức Phật nín thở tối đa để mong tìm được sự giải thoát, nhưng do tu pháp ức chế hơi thở sai, đức Phật gần như sắp chết. Ngài bỏ các pháp ức chế tâm, chuyển qua pháp ức chế thân. Ngài dự định tuyệt thực hoàn toàn, nhưng có một số người hiền biết chuyện khuyên Ngài không nên tuyệt thực, nếu Ngài tuyệt thực chúng tôi sẽ đem đồ ăn đổ cho Ngài.
“Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy hoàn toàn tuyệt thực.” Rồi chư Thiên (tức là những người lành) đến với Ta và nói như sau: Này hiền giả, chớ có hoàn toàn tuyệt thực, này hiền giả, nếu hiền giả hoàn toàn tuyệt thực, chúng tôi sẽ đem thực phẩm đổ cho hiền giả và nhờ vậy hiền giả vẫn phải sống.”
Đó là sự suy tư ức chế thân tối đa để tìm sự giải thoát khi thân bị ức chế sẽ không còn tham, sân, si nữa. Đức Phật đã suy tư như vậy và cố thực hành cho bằng được. Nhưng nghe điều này, một số thiện hữu đến ngăn cản. Vì tuyệt thực hoàn toàn sẽ mang đến cái chết, nếu chết là giải thoát thì bao nhiêu người đã chết nằm lô nhô ngoài nghĩa địa là giải thoát hết sao.
Nghe lời khuyên có lý này, do đó đức Phật không tuyệt thực mà tiết thực để ức chế thân, khiến cho thân thoát ra khổ dục và khổ ác pháp. Lần đầu tiên Ngài giảm thiểu sự ăn uống.
“… Chỉ ăn ít từng giọt một, như cháo đậu xanh, cháo đậu đen, cháo đậu đỏ. Vì ăn uống quá ít, thân Đức Phật hết sức gầy yếu giống như cọng cỏ, những đốt cây leo khô héo, bàn chân Phật giống như móng chân con lạc đà, xương sống phô bày giống như một chuỗi banh, xương sườn gầy mòn giống như rui cột một sàn nhà hư nát, hai con mắt long lanh nằm sâu thẳm trong hai lỗ con mắt giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu.
Da đầu Phật đã trở thành nhăn nheo khô cằn như trái bí trắng và đắng cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn. Đức Phật sờ da bụng đụng xương sống, sờ xương sống đụng da bụng. Đi đại tiểu tiện thì ngã quỵ úp mặt xuống đất. Lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng cả nắm. Có người thấy vậy nói, da Đức Phật đen thui, xám xịt, vàng sẫm…”
Đức Phật đã từng sống khổ hạnh khốc liệt như thế mà vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng là bậc Thánh. Chẳng lẽ không có hay còn có một đạo lộ nào đưa đến giác ngộ chăng?
Ức chế tâm và ức chế thân tối đa như đức Phật từng sống và tu tập như vậy, nó không mang lại một sự giải thoát mà chỉ mang đến cho một sự khốc hại, như chúng tôi đã tu cách đây mười mấy năm. Nếu chúng sanh không có đủ duyên phước thì đức Phật không thể sống nổi qua những trận tu khổ hạnh thì ngày nay đâu có Phật giáo truyền thừa trên thế gian này.
Tự ức chế tâm bằng pháp thiền nín thở thì tất cả pháp ức chế tâm của ngoại đạo, không có pháp nào ức chế bằng pháp này hơn được.
Tự ức chế thân bằng pháp môn tiết thực tối đa như đức Phật thì cũng không có pháp môn tiết thực nào hơn được.
Bởi vậy, bài kinh Tiếng Hống Sư Tử đã nói lên các pháp môn ức chế thân tâm rất rõ ràng và cụ thể. Xét cho cùng pháp ức chế thân tâm dù ít dù nhiều thì cũng không bao giờ tìm được giải thoát. Muốn hiểu rõ sự tu tập ức chế thân tâm của đức Phật thì nên đọc lại bài kinh Đại Kinh Saccaka thì các bạn sẽ rõ pháp ức chế không đi đến giải thoát sanh tử, luân hồi mà đi đến sự khổ đau tồi tệ hơn nữa.
Các pháp môn của ngoại đạo phần nhiều cầu tha lực, còn một số các pháp môn khác như: Thiền Đông Độ, Thiền Đại Thừa, Thiền Yoga, Thiền Xuất hồn, Khí công, Nội công v.v ... đều là pháp dùng tưởng ức chế tâm. Cho nên chẳng có sự làm chủ khổ đau của kiếp người, chỉ có một vài pháp thuật thần thông để lừa đảo người khác mưu cầu danh, lợi.
Minh Tông đã hỏi Thầy: “Ức chế vọng tưởng, tức là ức chế tâm có hại và có lợi gì?”
Thầy sợ các con không đủ niềm tin nên đã dẫn chứng một số bài kinh Phật để chứng minh cho các con thấy pháp môn ức chế tâm là những pháp môn đem đến tai hại rất lớn cho những người tu hành. Hầu hết các pháp môn Thiền Đông Độ và các pháp môn Đại Thừa đều dạy người tu tập ức chế tâm. Nên từ xưa đến giờ nó đã giết chết ông cha và thầy Tổ của chúng ta nhiều đời, nhiều kiếp. Cho đến ngay bây giờ chúng ta cũng chết dần mòn với những pháp môn này, và ngày mai với những pháp môn này nó sẽ giết con cháu của chúng ta chết dần mòn trong sự tu tập.
Bằng chứng qua sự kinh nghiệm tu hành của con (Minh Tông), con đã ức chế thân ngồi trên vết thương rướm máu suốt sáu tháng trường mà đạt được những gì? Cô Diệu Quang đã chỉ trích cách tu của các con như: Minh Tông, Diệu Hồng, Diệu Thiện v.v… “Ngồi như cóc, tu như vậy rất uổng công chẳng ích lợi gì.” Trong lúc các con tu hành, kẻ ngồi sáu tiếng đồng hồ, người ngồi tám tiếng, ba tiếng, hai tiếng v.v… không có ai ngồi dưới một tiếng, đua nhau ngồi cho nhiều, nhưng kết quả chẳng ra gì.
Kẻ thì thuyết giảng lung tung như Diệu Thiện, thuyết ra toàn là pháp tưởng, tưởng giải, bị ma tưởng ám ảnh. Kẻ thì thở ra không thở vô suốt cả tám tiếng đồng hồ; người thì tuyên bố nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và thấy được bóng dáng Tứ Thiền. Mãi cho đến hôm nay, con (Minh Tông) đã khạc ra máu ba lần. Lần thứ nhất khi khạc ra máu, Thầy bảo con đình chỉ không được gom tâm ức chế tịnh chỉ hơi thở như vậy mà phải xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp thì mới tịnh chỉ hơi thở được, con không nghe lời Thầy để xảy ra lần thứ hai, rồi đến lần thứ ba, ra máu quá nhiều con mới sợ hãi và mới chịu bỏ gom tâm ức chế tịnh chỉ hơi thở.
Như vậy pháp môn ức chế tâm có lợi và có hại gì chắc con đã rõ thấu hơn ai hết. Vì suốt năm năm trời theo Thầy tu hành con đã dùng pháp môn ức chế thân tâm mà chẳng chịu nghe lời Thầy: “Sống độc cư trọn vẹn để diệt ngã, xả tâm, ly dục ly ác pháp thì mới đủ sức tịnh chỉ tầm tứ, hỷ tưởng và hơi thở.”
Qua bài kinh Song Tầm, bài kinh An Trú Tầm, bài kinh Xuất Tức Nhập Tức và Đại Kinh Saccaka thì con sẽ hiểu thế nào là ức chế tâm, thế nào là xả tâm.
Kẻ tu hành dùng pháp môn ức chế tâm thì không bao giờ tịnh chỉ khẩu hành (tầm tứ), tịnh chỉ tưởng hành (ly hỷ), tịnh chỉ thân hành (hơi thở), tịnh chỉ ý hành (thọ tưởng) và không bao giờ thực hiện được Tứ Như Ý Túc và Tam Minh.
Cô Diệu Hồng ngồi suốt tám tiếng đồng hồ trong trạng thái an lạc, thế mà xả thiền ra bị cô Diệu Quang đập cho một đòn, tâm phiền não sân hận nổi lên bỏ về Long Hải. Vậy thì thử hỏi ngồi 7, 8 tiếng đồng hồ có ích lợi gì cho cuộc sống. Ngồi để mà ngồi, như đức Phật nói: “Nhập Vô Sở Hữu Xứ để mà nhập Vô Sở Hữu Xứ, chứ không có nghĩa gì.”
Diệu Thiện ngồi thiền tịnh chỉ hơi thở từ 30 phút đến một giờ, thân bất động, tâm bất động có lợi ích gì cho bản thân. Khi đọc bộ Đường Xưa Mây Trắng do Hòa Thượng Nhất Hạnh biên soạn rồi đem ra thuyết giảng lung tung. Đang bị ma pháp tưởng mà không biết. Kết quả tu hành chẳng ra gì.
Suốt năm năm trời theo Thầy tu hành, rồi đây con cũng sẽ như các bạn con, cũng chẳng đi về đâu, chỉ vì không nghe lời Thầy. Sống không độc cư trọn vẹn, không chịu diệt ngã, xả tâm, ly dục ly ác pháp, chỉ thích ngồi thiền ức chế tâm để nhập các định, nhưng các định ấy trở thành một giấc mơ.