Học Giới - Định - Tuệ. Kì 18 (25-30).

25. TRẠNG THÁI AN ỔN KHÔNG CÓ LIÊN TỤC

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi hơi thở bắt đầu quá nhẹ, đi vào trạng thái an ổn thì khoảng 5 phút bung ra, khi bung ra khoảng 5 phút, 10 phút mới an ổn trở lại. Kính thưa Thầy! Như vậy làm cách nào để nó được an ổn luôn luôn?

Đáp: Khi đã bắt đầu đi vào trạng thái an ổn, chỉ trong thời gian ngắn không thể kéo dài ra được có ba trường hợp:

              1- Xả tứ quá sớm.
              2- Sức tỉnh thức chưa đủ để xả tâm, có nghĩa là sự tỉnh thức chưa đủ để sống trong chánh niệm.
              3- Lậu hoặc chưa sạch.

Đó là thiếu thiện xảo an trú trong an ổn, có người được 5 hoặc 10 phút. Có người được 30 phút lại có người được một giờ cho đến ba, bốn giờ lại bung ra. Muốn được an trú kéo dài thời gian an ổn đó (yên lặng) thì phải tu tập các định:

              1- Định diệt tầm giữ tứ.
              2- Định chánh niệm tỉnh giác.
              3- Định vô lậu quét sạch lậu hoặc.

Nếu không tu ba loại định này cho thuần thục thì trạng thái an ổn kia chỉ là một xúc tưởng hỷ lạc sẽ đưa hành giả vào một loại định tưởng (tà định) hoặc lúc có lúc không và trạng thái đó không được duy trì lâu bền. Chính người tu thiền định ngày nay đều rơi vào trạng thái an ổn của các loại tà định này nên sinh ra kiến giải, tưởng giải, từ đó ngã chấp to lớn xem như mình đã chứng đạo (kiến tánh thành Phật. Phật mà chưa hết tâm tham, sân, si, còn tham ăn, tham ngủ, tham tiền, tham bạc, tham sắc, tham danh, tham lợi, v.v...)

Tóm lại, khi tu thiền mà tâm chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn mà có trạng thái hỷ lạc, khinh an thì nên đề cao cảnh giác coi chừng tu sai pháp rồi đó. Điều cần thiết khi có cảm giác khinh an hay hỷ lạc thì phải mau mau đến thưa hỏi với một thiện hữu tri thức có kinh nghiệm trong sự tu tập này để giải nghi cho, chứ đừng có tự ý tu tập thì không tốt, có thể xảy ra bệnh tật hoặc điên khùng như người mất trí.

26. CÓ TRẠNG THÁI AN ỔN RỒI MỚI NHẬP ĐỊNH

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi ngồi thiền lần lần hơi thở đi đến nhẹ nhàng vào trạng thái an rồi mới nhập được định. Có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp: Đúng vậy, nhưng đừng để tâm ở trạng thái “an lạc” mà phải ở trạng thái “yên lặng.”

An có nghĩa là khinh an, nhưng khinh an hiện giờ có là do ức chế tâm mà sinh ra, do ức chế tâm sinh ra thì an đó là khinh an của tưởng, chứ không phải khinh an do ly dục ly ác pháp sinh ra, tu đến đây coi chừng nhập vào định tưởng, cần cảnh giác.

Khi nào nhập định là lúc bây giờ tâm phải ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì mới nhập đúng chánh định, còn tâm chưa ly dục ly ác pháp mà nhập định thì phải đề cao cảnh giác tránh rơi vào các định tưởng như trên đã nói.

Hiện giờ con nên tu Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm; để khắc phục tâm tham, sân, si của con hơn là thiền định. Vì thiền định chân chánh của Phật sẽ không chấp nhận tâm chưa ly dục ly ác pháp.

Tâm còn giận hờn phiền não mà muốn nhập định thì đó là định của ngoại đạo. Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành đều nhờ đó sinh ra.” Lời nhắc nhở này làm sao chúng ta quên được, làm sao chúng ta tu lạc vào thiền của ngoại đạo được phải không hỡi các con?

Vậy, tâm con hiện giờ còn như đống rác bất tịnh, tham, sân, si, mạn, nghi còn dẫy đầy ác pháp thì làm sao con nhập định được. Nếu theo sự an ổn của tưởng kia mà nhập định thì định ấy là tà định con ạ! Nhập tà định có ích lợi gì cho bản thân con, có lợi ích gì cho mọi người khác đâu, tà định sẽ đưa con vào con đường tội lỗi, rồi đây tham, sân, si của con còn nhiều hơn.

           1- Thứ nhất, con làm tội cho con vì tâm ngã mạn, cống cao, khiến con có nhiều khổ đau và bất toại nguyện.
           2- Thứ hai, con đường tu của con sai lạc rơi vào thiền tưởng, đó là bước đường cùng của sự tu tập.

Khi tu hành đúng pháp, tâm ly dục ly ác pháp thì con cảm thấy mình an lạc bất động trước các ác pháp. Do đó tâm con giải thoát, dù bất cứ ai làm gì con, con cũng an nhiên không có mống tâm phiền não, sân hận một chút nào cả, còn ngược lại thì con khổ đau vô vàn. Cho nên sự tu tập có những trạng thái khinh an thì đừng lưu ý đến nó, mà hãy lưu ý đến pháp hành con đang tu tập và ôm pháp cho thật chặt như người vượt biển ôm phao khi gặp sóng gió ba đào. Nếu buông phao là chết chìm dưới biển, mạng sống như chỉ mành treo chuông. Người tu hành có khinh an, hỷ lạc cũng giống như người ôm phao vậy. Nhớ mà cảnh giác!  

27. NGỒI THIỀN LƯNG ĐAU NHỨC VÀ CHÂN TÊ CỨNG

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con tu một thời từ 25 đến 30 phút, lúc gần hết giờ, còn khoảng 5 đến 10 phút con bị trạo cử ngồi không an, đau buốt cái lưng, nhức và tê cứng đôi bàn chân chịu không muốn nổi, buộc con phải xả sớm hơn. Có khi con ám thị thì nó hết, có khi lại không hết. Cúi mong Thầy chỉ dẫn cho con.

Đáp: Khi ngồi thiền, gần hết giờ bị đau, nhức, tê chịu không nổi thì con nên dùng pháp hướng mà nhắn nhủ như thế này: “Ta quyết định chết bỏ dù cho xương tan thịt nát, máu trong thân này có khô cạn, ta cũng chẳng bao giờ xả ra, ta quyết tu xem mày làm gì?

Khi ám thị xong câu này, con tiếp tục hướng tâm ra lệnh: “Sáu thức phải gom chặt vào tụ điểm, tâm phải định tỉnh trong thân cho chặt không được phóng theo thọ.” Khi hướng tâm xong, bắt đầu con vận dụng hơi thở chậm chậm và nhẹ từng hơi thở một để cho tâm gom thật kỹ. Khi tâm gom chặt thì con tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.” Tác ý như vậy được một lúc sau con không thấy đau và tê nữa.

Nhớ đừng động thân, phải giữ thân cho thật chặt dù có đau nhức đến đâu cũng giữ thân bất động và tâm phải bám chặt hơi thở thì sẽ hết đau. Đây là phương cách thứ nhất để chiến đấu với cảm thọ, còn phương cách thứ hai con phải thực hiện Tứ Niệm Xứ trên bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp để khắc phục tham ưu, đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó.

Khi con gặp chướng ngại của Thọ thì con không nên ngồi ráng thêm một phút giây nào cả mà phải đứng dậy đi kinh hành ngay liền, tâm con luôn giữ gìn tỉnh thức khi đứng dậy, khi hướng tâm, khi bước đi giống như con đang ngồi tỉnh thức trong hơi thở vậy.

Và như vậy con đã xả Thọ, con sẽ có cảm giác giải thoát ngay liền khi con đứng dậy, không còn thấy tê và đau chân nữa, đó là tu theo pháp xả của Tứ Niệm Xứ, cho nên đức Phật gọi là: “Trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu là vậy.

Dưới đây là hai phương pháp tu hành:

1- Ức chế thân tâm để nhập định, phương pháp này rất nguy hiểm, dễ rơi vào tà định, dễ rối loạn thần kinh, dễ sinh ra những bệnh hiểm nghèo như tê, bại, xụi, v.v…

2- Xả các chướng ngại pháp để nhập định, phương pháp này bảo đảm hơn vì có xả là có giải thoát, nên thân tâm nhập vào chánh định dễ dàng, không có khó khăn, không mệt nhọc. Tâm hồn từ bắt đầu tu cho đến khi xả không có một cảm giác khó chịu hay bất toại nguyện, luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự.

Tóm lại, người mới bắt đầu tu tập đều phải tùy theo đặc tướng của cơ thể chứ không bắt buộc ngồi kiết già để chịu tê, đau nhức, còn bắt buộc ngồi kiết già chịu đau, tê nhức, nóng đó là mục đích rèn luyện nghị lực, can đảm, gan dạ, chịu đựng, bền chí v.v... Và đó cũng là sự rèn luyện để chuẩn bị trên cuộc hành trình đường xa.

28. LƯNG THỤNG

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi con ngồi lúc đầu thì thẳng lưng, nhưng từ từ lại bị thụng xuống. Con sửa lại và ám thị “cái thọ hãy ngồi thẳng lưng, không được thụng xuống” có lúc nó nghe, có lúc nó không nghe, con lại tự nghĩ chắc con bị đau lưng phải không Thầy?

Đáp: Không phải lưng con đau mà là một thói quen hay thụng. Khi ngồi thiền con nên tìm chỗ tựa lưng cho thẳng, nhờ điểm tựa lưng đó, sau này con ngồi không có điểm tựa, lưng vẫn thẳng hết thụng, phải tập ngồi tựa lưng, một thời gian khá lâu rồi mới bỏ được.

Lưng thụng là vì sức con ngồi ít mà ráng ngồi nhiều, ngồi lâu nên dễ bị thụng, bị nghiêng, bị ngửa, v.v... Lưng thụng mà con ám thị thọ là không đúng mà phải ám thị cột sống: “Cột sống phải thẳng đứng không được thụng” hoặc “Lưng phải thẳng đứng không được thụng.” Nhưng con nên nhớ, khi hướng tâm như vậy thì con phải cố gắng giữ gìn lưng phải thật thẳng, đừng để thụng nữa, vì để lưng thụng sẽ thành thói quen khó sửa.

Thầy chỉ có lời khuyên chân thật: con nên ngồi ít lại, đi kinh hành nhiều là tốt, nhất là thiền định ở tâm lìa tham, sân, si chứ không phải ở chỗ ngồi. Ngồi chỉ là một hình tướng gom tâm dễ dàng, nhưng gom tâm không phải thiền định, gom tâm chỉ là một phương tiện để giữ tâm tỉnh thức mà thôi. Tỉnh thức không phải chỉ để tỉnh thức ở chỗ đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, hơi thở, v.v… mà ở chỗ chánh niệm để luôn luôn lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự.

29. NGỒI THIỀN BỊ KIẾN BÒ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi ngồi thiền, con thường bị kiến bò ray rứt khiến tâm con bất an, con phải làm sao thưa Thầy?

Đáp: Khi tâm chưa đủ định lực, con nên dùng tay phủi nhẹ, khi phủi xong thì tâm con được an ổn liền.

Từ khinh an, lưng thụng, đến kiến bò v.v… mà con đã trình bày ở trên đều do sự hiểu lầm thiền định của Phật. Tuy rằng Phật có dạy khinh an, ngồi thẳng lưng, trạo cử, trạo hối, hôn trầm, thùy miên, vô ký v.v… nhưng những điều này đâu có quan trọng mà quan trọng ở chỗ tâm ly dục ly ác pháp, ở chỗ tâm bất động, ở chỗ tâm không phóng dật.

Thầy xin nhắc lại để con đừng quên khi tu tập thiền định của Phật, không phải chỗ ngồi, nằm, đi, đứng, không phải chỗ hết vọng tưởng mà chỗ ngăn ác diệt ác pháp sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Hay trên Tứ Niệm Xứ đẩy lui các chướng ngại pháp thì dù đi, dù đứng, ngồi, nằm đều tu hành được cả, đó là những pháp hành để ly dục ly ác pháp; đó là những pháp hành để thực hiện đạo đức giải thoát; đó là những pháp hành để triển khai trí tuệ giới đức làm người làm Thánh; đó là những pháp hành thực hiện tâm bất động giải thoát. Vì thế khinh an, lưng thụng, kiến bò không phải là vấn đề làm tâm mất định.

30. SỰ TỈNH THỨC TỰ NHIÊN LÀ ĐỊNH

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi ngồi thiền sự tỉnh thức quá cao, cứ chăm chú theo dõi từng hơi thở một, không đi vào trạng thái lặng hoặc mơ mơ, màng màng gì hết. Thưa Thầy, sức tỉnh thức đó có thể đi vào định được không?

Đáp: Sức tỉnh thức đó là định tỉnh chánh niệm nên không cần phải đi vào định tỉnh nào khác nữa. Nhưng con phải hiểu, sức tỉnh thức đó không phải do ức chế tâm mà có được, sức tỉnh thức đó có được phải là nhờ tâm ly dục ly ác pháp.

Nhưng không phải nhìn đăm đăm hơi thở, sức tỉnh thức đó là sức tỉnh thức rất tự nhiên, không có sự bắt buộc và gò bó của những loại thiền ức chế tâm, mà do tâm không phóng dật.

Sức tỉnh thức đó là sự nhận biết nhanh chóng ra các ác pháp trong sát na (nháy mắt). Muốn tâm không phóng dật thì phải tu tập ngũ căn, tu tập ngũ căn thì phải phòng hộ năm căn, phòng hộ năm căn thì phải sống đúng ba đức, ba hạnh của một bậc Thánh.

              Ba hạnh gồm: 1- Ăn ; 2- Ngủ; 3- Độc cư
              Ba đức: 1- Nhẫn nhục; 2- Tùy thuận; 3- Bằng lòng
Nhờ tu tập ba đức, ba hạnh này mà tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm tỉnh thức, tâm tỉnh thức này là một loại tâm tỉnh thức tự nhiên chứ không có ức chế như các loại thiền định khác.