Học Giới - Định - Tuệ. Kì 16 (16-18).

16. KHÔNG CHỐNG ĐỐI VA CHẠM

Hỏi: Kính thưa Thầy, câu “Không chống đối va chạm,” va chạm là như thế nào? Nếu sống riêng một mình, không tiếp xúc, không va chạm thì tu hành có được không? Trong cảnh động muốn tránh va chạm thì phải sống như thế nào? Có phải giữ gìn thân, khẩu, ý hay không?

Đáp: Không chống đối va chạm không có nghĩa là sống một mình. Không chống đối tức là nhẫn nhục; không va chạm tức là tùy thuận. Sống chung đụng với nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận là sống không chống đối va chạm.

Giữ gìn thân, khẩu, ý tức là tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.

Nếu sống riêng một mình không chống đối không va chạm với ai thì tu hành dễ dàng không khó. Nhưng phải hiểu rõ các pháp tu và còn phải biết cách tu tập cho đúng pháp, chỉ cần tu sai một tí là lọt vào thiền ức chế tâm rất là nguy hiểm, hoặc sống không đúng cách cũng có thể rơi vào sự ức chế tâm. Cho nên sự tu hành có va chạm, có chống đối thì ít bị ức chế tâm.

Tại sao vậy? Tại vì có đối tượng nên thấy được tâm mình còn tức giận hay hết tức giận rõ ràng. Nếu thấy được tâm mình còn phiền não, giận hờn hay tức tối thì cố gắng xả ly đẩy lui các chướng ngại pháp đó để tâm được thanh thản, an lạc.

Còn nếu không đẩy lui các chướng ngại pháp đó mà cứ để trong tâm ôm ấp, đó chỉ là những người chưa biết cách tu, người chưa học đạo đức làm người, người còn vô minh, ngu si, dại dột cứ để ôm ấp sự đau khổ đó trong lòng.

Người không trí tuệ thường sống ngược lại với người biết tu, người có trí tuệ đạo đức nhân bản nhân quả, họ chẳng ngu gì mà để ôm ấp sự đau khổ trong tâm như vậy, họ luôn luôn sáng suốt và nhất định dù một giây một phút cũng không để ác pháp trong tâm.

Trong cảnh động muốn tránh va chạm thì phải sống phòng hộ khẩu hành, nghĩa là phải giữ gìn miệng lưỡi, không được nói chuyện phiếm, chuyện tào lao, chuyện người khác, không có ý kiến trong tất cả mọi việc, ai làm gì mặc họ, mình chỉ biết giữ gìn tâm và ý của mình lúc nào cũng thanh thản, an lạc, vô sự. 

Ngoài chuyện thanh thản, an lạc của tâm, nhất định mình không để ý chuyện gì khác như lời Đức Phật đã dạy: Chuyện mình mình biết, chuyện người người hay.Biết chuyện người thì tâm bất an, tức là tâm phóng dật, biết chuyện mình là để xả tâm ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp là tâm thanh thản, an lạc. Đó là một trạng thái tâm giải thoát không còn khổ đau, tức là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật tức là tâm thiền định.

Người tu hành mà sống đúng cách, biết phòng hộ sáu căn, giữ gìn tâm ý không tham dự vào chuyện của ai cả thì người ấy sống độc cư trọn vẹn. Sống độc cư mà không ức chế tâm đó là đời sống của con tê ngưu một sừng. Suốt ngày gặp mọi người mà không ai tác động được vào tâm tư của mình đó là sống độc cư.

Có nhiều người hiểu độc cư là lẩn trốn, tránh né mọi người, ở riêng trong cảnh một mình, không dám gặp ai hết như lúc đức Phật tu tập hạnh độc cư của ngoại đạo. Ngài ở trong một khu rừng hoang vắng, hễ thấy bóng dáng có người là Ngài trốn chạy chưa từng để cho ai gặp mình cả, đó là độc cư ức chế tâm.

Tóm lại, sống chung với mọi người nhưng không nói chuyện với ai cả, ai hỏi thì trả lời, không hỏi thì không kiếm chuyện nói, sống mà cứ lo giữ gìn tâm mình thanh thản, an lạc và vô sự, đó là độc cư, độc bộ, độc hành, đó là im lặng như Thánh. Suốt ngày sống với mọi người mà chỉ có một mình, sống như vậy không bao giờ có va chạm, đó là sống phòng hộ sáu căn giữ gìn tâm ý.

Người sống được như vậy thì sự tu hành không bao lâu sẽ thành đạt, nghĩa là người ấy sẽ đạt được Thiền Định và Tam Minh một cách dễ dàng không mấy khó khăn và mệt nhọc. Bởi vậy, người biết sống độc cư như vậy là người tu đúng pháp, không bao giờ sợ sai pháp. Sống độc cư được như vậy tức là đã biết ôm pháp tu hành, lúc nào cũng không lìa pháp, vì thế tâm hồn họ thanh thản, an lạc và vô sự, đó là một trạng thái giải thoát của người tu theo đạo Phật.

17. GIÁO ÁN TU TẬP  QUÁ NHIỀU,
KHÔNG BIẾT PHÁP NÀO TU CÓ KẾT QUẢ?

Hỏi: Kính thưa Thầy, giáo án tu tập thì mênh mông, như hiện nay con thực hiện thế nào để đạt kết quả viên mãn trong cảnh động?

Đáp: Trong cảnh động con nên tu tập các pháp dưới đây, nhưng cũng tùy theo đặc tướng của con hợp với pháp nào thì nên lấy pháp ấy tu hành. Nghĩa là pháp ấy có kết quả giải thoát rõ ràng đối với bản thân của mình như:

            1. Phòng Hộ Sáu Căn.           
            2. Tứ Vô Lượng Tâm.            
            3. Tứ Chánh Cần.         
            4. Tứ Bất Hoại Tịnh.    
            5. Thiểu Dục Tri Túc.
            6. Chánh Niệm Tỉnh Thức.      
            7. Định Niệm Hơi Thở.          
            8. Định Vô Lậu.         
            9. Định Sáng Suốt.     
            10. Trạch Pháp.            
            11. Hướng Pháp.
            12. Quán Pháp
            13 Đoạn Dứt Pháp.
            14. Viễn Ly Pháp.
            15. Tùy Pháp.
            16. Nhẫn Pháp.
            17. Tịnh Chỉ Pháp.
            18. Ức Chế Pháp.
            19. Xả Pháp.
            20. Từ Khước Pháp. 

            Trong hai mươi pháp này Thầy sẽ chọn cho con để con tu tập được dễ dàng.
           
            Về cuộc sống thì con nên chọn bốn pháp như:

            1. Phòng Hộ.
            2. Thiểu Dục Tri Túc.
            3. Nhẫn Pháp.
            4. Từ Khước.

            Về các pháp tu tập thì con nên chọn sáu pháp như:

            1. Tứ Chánh Cần.       
            2. Chánh Niệm Tỉnh Giác.       
            3. Định Niệm Hơi Thở.
            4. Định Vô Lậu.
            5. Định Sáng Suốt.
            6. Pháp Hướng Tâm.

Trong sáu pháp này Thầy sẽ chọn gọn lại cho con để con có một pháp duy nhất tu tập hằng ngày đêm, đó là Định Vô Lậu câu hữu với Thân Hành Niệm nội, ngoại trên bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp để ngăn ác diệt ác pháp, và không cho tâm con dính mắc vào các pháp ấy.

Nếu con quyết tâm tu hành để cầu giải thoát thì các pháp duy nhất này sẽ giúp con mãn nguyện trên đường tu tập, chỉ còn tu tập đúng theo lời dạy của Thầy và có nhiệt tình quyết tâm thì thời gian không còn lâu, nếu không quyết tâm nhiệt tình thì sự tu tập không biết bao lâu mới xong.

Phải cố gắng lên con ạ! Cuộc đời chẳng có gì là của chúng ta cả, chỉ toàn là một trò ảo ảnh lừa đảo con người mà thôi. Khi đã chết đi rồi, danh cũng không còn, của cải, tiền bạc châu báu ngọc ngà, còn có vật gì mà mang theo chúng ta được. Thân này cũng không còn là ta thì còn gì là ta nữa, của ta nữa. Thôi hết rồi, chỉ còn một nghiệp lực khổ đau tiếp diễn luân hồi tái sanh, rồi lại tiếp tục trò ảo ảnh của cuộc sống này nữa mãi mãi muôn đời muôn kiếp.

Tóm lại, hằng ngày con nên quan sát thân, thọ, tâm và pháp, trên bốn chỗ này có chướng ngại pháp thì con hãy mau mau đẩy lui nó khỏi thân tâm con thì ngay đó là con giải thoát, đó là một pháp duy nhất mà Thầy chọn cho con để đem lại cho con một sự giải thoát chân thật nơi tâm hồn, con hãy cố gắng lên con ạ!

 

18. SẮC DỤC

Hỏi: Kính thưa Thầy, tâm sắc dục là gì? Đối trị nó như thế nào?

Đáp: Tâm sắc dục là lòng thương yêu giữa trai gái gồm có tình yêu và tình dục. Muốn đối trị tâm này, người tu sĩ và người cư sĩ phải tu tập Định Vô Lậu quán xét như:

             1- Quán xét tâm sắc dục bất tịnh, uế trược, bẩn thỉu, hôi thối, v.v…
             2- Quán thân bất tịnh.
             3- Quán tử thi sình trương hôi thúi.
             4- Quán xương trắng.
             5- Quán xét tâm sắc dục trong nhân quả nối tiếp sanh tử luân hồi nhiều đời, nhiều kiếp khổ đau, không những một người mà nhiều người.
             6- Quán xét tâm sắc dục trong mười hai nhân duyên hợp lại tạo thành một thế giới khổ đau triền miên, bất tận.
             7- Quán Tứ Diệu Đế.
             8- Quán xét sắc dục trong đời sống vợ chồng nghèo đói, con cái nheo nhóc thiếu ăn, thiếu mặc, không được học hành tới nơi tới chốn.
             9- Quán xét sắc dục trong đời sống đôi vợ chồng gây gổ đánh nhau, chửi mắng, la khóc.
            10- Quán xét sắc dục trong đời sống vợ chồng ghen tuông.
            11- Quán xét sắc dục khi người phụ nữ đang sanh.
            12- Quán xét sắc dục khi người phụ nữ ôm con nuôi nấng cho đến lớn khôn.

Sắc dục là con đường đi tái sanh luân hồi của tất cả các loài động vật, không riêng gì loài người, cho nên trên đời này không có người nào thoát khỏi, chỉ vì sắc dục có mùi vị dục lạc cám dỗ rất mạnh khiến cho ai cũng đắm mê. Dục lạc của sắc dục chỉ chốc lát mà để lại cho con người biết bao nhiêu là sự khổ đau của cả một đời người. Con đường tái sanh luân hồi ai cũng biết đó là sắc dục, muốn chấm dứt tái sanh luân hồi mà không dứt tâm sắc dục thì làm sao mà tránh khỏi tái sanh luân hồi được.

Có người bảo rằng: “Nếu mọi người trên thế gian này ai cũng ngăn chặn và tránh sắc dục thì con người trên hành tinh này sẽ không còn nữa, loài người sẽ tuyệt chủng.” Nếu mọi người ai cũng không đi vào con đường sắc dục thì trong môi trường sống này sẽ có một loài động vật sanh ra nơi thanh tịnh và cao quý hơn.

            Loài động vật sanh ra có bốn chỗ sanh:
            1- Hóa sanh.   
            2- Thấp sanh.
            3- Noãn sanh.
            4- Thai sanh.

Trong bốn loại sanh này, có hai loại sanh không đi vào con đường sắc dục, đó là hóa sanh và thấp sanh, còn noãn sanh và thai sanh thì phải đi vào đường sắc dục. Từ thấp sanh, noãn sanh và thai sanh đi vào con đường bất tịnh ô uế bẩn thỉu để tạo môi trường hợp duyên sản sinh các loài động vật.

Hóa sanh, các con đừng hiểu sự biến hóa ra con người, mà là sự chủ động phối hợp các duyên để sản sanh ra một con người bằng một khả năng tâm lực. Chỉ có những người tu hành lìa khỏi các duyên hợp bất tịnh, đoạn dứt tâm dục thế gian thì mới có đầy đủ tâm lực hòa hợp các duyên trong môi trường sống, tạo nên một con người hoàn thiện. Hoàn thiện cả thân và tâm, có nghĩa là thân tâm của người hóa sanh thanh tịnh không còn một chút dục và ác pháp.

Như vậy, trên hành tinh này sẽ có một số lượng con người được sanh ra theo sự chủ động của con người, và những con người hóa sanh này sẽ có một tuổi thọ theo ý muốn của loài người.

Như chúng tôi đã nói ở trên, do tâm lực mà người tu hành tạo ra khi họ còn mang thân ngũ uẩn, thân ngũ uẩn là một loại thân bất tịnh được sanh ra nơi con đường sắc dục, con đường ô uế, bẩn thỉu.

Nếu con người toàn bộ đều chấm dứt con đường sắc dục thì thế gian này rất thanh tịnh và con người sẽ xuất hiện bằng con đường hoá sanh. Con đường hóa sanh là con đường chủ động sanh ra chứ không phải như con đường sanh sản bị động như thấp sanh, noãn sanh và thai sanh.

Nếu trên thế gian này con người không sợ nạn nhân mãn, cứ để tự do theo đường sắc dục mà sanh đẻ thì trái đất này sẽ không còn chỗ ở và cũng không có lấy vật gì để đủ ăn mà sống.

Kế hoạch hóa gia đình là chiến lược hàng đầu của thế giới chống nạn nhân mãn, cho nên sự sanh sản đi qua nẻo sắc dục là một sự lo lắng và đau khổ nhất của loài người. Nhưng con người cứ mãi đắm đuối trên sắc dục mà không thấy sự khổ đau, sự lo lắng, sự ưu tư mà những người trí hiểu biết đang tìm mọi cách thoát ra con đường tái sanh bẩn thỉu, nguy hiểm và đau khổ này.

Đức Phật đã thấy được điều này, vì vậy Ngài chủ trương tuyệt dục để chấm dứt con đường thai sanh, khiến cho loài người không còn khổ đau nữa. Nếu như vậy, trên hành tinh này loài người sanh ra bằng con đường hóa sanh thì sẽ có một số lượng con người vừa đủ để sống không thừa, không thiếu.

Tại sao vậy? Vì con người chủ động sự sanh sản bằng cách hoá sanh, sanh mà không bị sắc dục lôi cuốn, sanh mà không bị sự đam mê của dục lạc, sanh mà không bị đau khổ, tự tại thật là hạnh phúc biết bao, sanh mà không bị động như ba loại sanh sản kia.

Như vậy chúng ta nên chọn lấy con đường sanh sản nào hơn, nếu chọn con đường sanh sản hóa sanh thì chúng ta phải chấm dứt con đường sanh sản bằng tình dục. Con đường sanh sản bằng tình dục là con đường sanh sản bẩn thỉu, hôi thúi, bất tịnh, uế trược, khổ đau, cho nên loài người sanh ra trên hành tinh này đều vô minh dù là một nhà bác học vẫn là vô minh.

Tại sao vậy? Tại vì sanh ra từ con đường bất tịnh, uế trược, hôi thúi, dục lạc hèn hạ, ích kỷ, dơ bẩn giữa đôi trai gái. Cho nên nhà bác học cũng còn mang bản chất vô minh, còn tự làm khổ mình khổ người, có nghĩa là nhà bác học vẫn ăn thịt chúng sanh, vẫn còn tham muốn, vẫn còn sân hận, vẫn còn buồn lo, sợ hãi, phiền não, bất toại nguyện, v.v… Những con người còn mang bản chất này là còn vô minh, u tối, dại dột, ngu si dù là họ có những bằng tiến sĩ.

Người ta cứ nghĩ rằng con người là một con vật thông minh, biết sáng tạo, sáng chế ra mọi thứ vật chất để phục vụ con người. Nhưng con người đã lầm to, dù phục vụ con người có tiện nghi như thế nào đi nữa thì con người càng khổ đau nhiều hơn vì sự sanh, già, bệnh, chết, con người không giải quyết được.

Cuối cùng những nhà bác học vẫn đau khổ, phiền não, bất toại nguyện vì lòng tham, sân, si trong cuộc sống của họ; họ vẫn khổ đau vì thân già yếu lụm cụm; vẫn khổ đau vì các chứng bệnh; vẫn khổ đau vì phải chết.

Hiện giờ khoa học đang ráo riết đưa ra những đề án để giải quyết sanh, già, bệnh, chết của loài người, nhưng nếu con người còn sống trong dục thì những đề án này khó thành công.

Cách đây 2548 năm, đức Phật là người đầu tiên đưa ra đề án này để giải quyết sanh, già, bịnh, chết của loài người. Đề án đó đã trở thành một chân lý của loài người “Tứ Thánh Đế.” Nếu con người trên hành tinh này thực hiện Tứ Thánh Đế là để giải quyết sanh, già, bệnh, chết thì phải đi về ngả hóa sanh, chứ không thể còn có con đường nào khác hơn nữa được.

Trên hành tinh này có nhà bác học nào đã thoát ra khỏi bốn sự đau khổ này chưa? Cho nên, vật chất của các ông sáng tạo ra đối với người vô minh thì nó là phục vụ tiện nghi cho đời sống con người, nhưng đối với người có trí hiểu biết thì rất lo lắng vì nó là tai họa của loài người. Tại sao người ngu cho những phát minh sáng tạo ra vật chất phục vụ tiện nghi cho con người là hạnh phúc, còn người trí thì cho là tai họa?

Tại vì người ta sanh ra nơi con đường tình dục nên phải ngu si thấy vật chất cho là hạnh phúc, chứ kỳ thực nó là một đối tượng để con người chà đạp lên nhau, xâu xé lẫn nhau, giết hại lẫn nhau, làm khổ cho nhau, trừ ra khi nào con người tránh sanh nơi con đường tình dục thì vật chất phát minh sáng tạo ra kia mới là hạnh phúc chân thật.

Đạo Phật ra đời giúp con người sanh ra bằng con đường hoá sanh, vì thế Ngài dạy chúng ta “Ái dục” là khổ đau, là vô thường cần phải chấm dứt. Nếu loài người ai cũng biết và hiểu được như vậy thì nên cố tránh xa con đường tình dục, vì con đường đó sản sanh ra con người u mê, uế trược, bất tịnh, vô minh, vô thường, khổ đau và luôn luôn chịu chi phối trong luật nhân quả sanh, già, bệnh, chết.