Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 24 (64-66).

64. TRỌNG NAM KHINH NỮ

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Có người nói theo kinh phát triển, người nam có bảy báu kể từ khi mới sanh ra đời, còn người nữ thì không có báu nào? Do vậy mà người nam giới lúc nào cũng hơn hẳn phụ nữ trong bất kể lĩnh vực nào và trong bất kỳ người nam giới nào cũng có bảy báu đó. Thưa Thầy chỉ dạy cho con việc trên có đúng không?

          Đáp: Không đúng, kinh sách phát triển là kinh sách tưởng triển khai pháp tưởng trong bối cảnh phong kiến “trọng nam khinh nữ” mới cho người nam có bảy báu và người nữ không có báu nào, đây là sự bịa đặt của vua quan phong kiến.

Con người, nam cũng như nữ từ nhân quả sanh ra thì luật nhân quả công bằng, không thể nam ưu tiên hơn nữ được. Người ta đã khôn khéo gieo vào đầu óc người nữ một sự thấp kém, từ đó người nữ cũng tự thấy mình thấp kém.

Nhưng xét cho cùng, người nữ cũng thông minh đâu kém người nam. Người nữ cũng năng nổ làm việc có đâu thua kém người nam chỗ nào. Về tu tập thì người nữ cũng tu tập chứng quả A-la-hán, giải thoát hoàn toàn như người nam, có thua kém chỗ nào đâu?

          Đạo Phật là đạo bình đẳng, dựa trên nền tảng đạo đức công bằng và công lý của đạo đức nhân quả, của xã hội loài người thì người nam và người nữ phải được hưởng quyền bình đẳng như nhau. Từ những chế độ bộ lạc đến những chế độ phong kiến, đế quốc v.v... phân chia bốn giai cấp, cho đến việc trọng nam khinh nữ của đất nước Ấn Độ thời bấy giờ, đạo Phật ra đời xóa sạch bốn giai cấp trong xã hội đó và nâng cao sự bình đẳng nam, nữ. Vì thế, Đức Phật chấp nhận cho giới nữ xuất gia và thành lập Giáo đoàn nữ do bà Di Ái làm trưởng đoàn.

          Đọc trong Trưởng Lão Ni Kệ, chúng ta thấy những bậc Thánh Ni đâu có thua kém gì những bậc Thánh Tăng. Họ đều chứng quả A-la-hán rất nhiều. Cho nên, nam cũng như nữ, không thua kém nhau (nam nữ tu hành đều thành Phật như nhau cả).

          Trong khi giới luật của kinh sách phát triển có bịa ra câu chuyện trọng nam khinh nữ rõ ràng như sau: “Khi bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng với 500 người nữ dòng họ Xá Di đến xin Đức Phật cho xuất gia. Đức Phật không chấp nhận, phải đợi ông A Nan đến xin mới cho và còn đặt ra “Bát Kỉnh Pháp.”

Đó là một điều phỉ báng đạo Phật trọng nam, khinh nữ của kinh sách phát triển lồng vào để biến Phật giáo cũng giống như giáo pháp của Bà La Môn “trọng nam khinh nữ.”

          Trong lúc hàng đệ tử của Phật xuất gia: Thánh Tăng và Thánh Ni không thua kém nhau, bên nào cũng có nhiều người tu hành xuất sắc và đều chứng quả A-la-hán giải thoát như nhau. Và cũng trong kinh giới phát triển, khi Đức Phật cho người nữ xuất gia thì tuyên bố:

Nếu cho người nữ xuất gia thì đạo Phật chỉ trụ thế có 500 năm, thay vì 1000 năm.

Đó là những điều do các Tổ bịa đặt nói sai không đúng sự thật, làm cho Phật giáo mất niềm tin và sự công bằng, bình đẳng đối với con người trên hành tinh này. Chúng tôi không tin lời này là Phật dạy. Vì chúng tôi biết đạo Phật ra đời là ban bằng bốn giai cấp trong nước Ấn Độ. Giai cấp cùng đinh nhất còn được Đức Phật chấp nhận dạy cho tu hành thành chánh quả. Đó là ông Ca Chiên Diên.

          Trong thời đại chúng ta, nếu xét kỹ thì kinh sách phát triển đã làm mất uy tín Phật giáo rất nhiều. Từ những lời dạy mê tín phi đạo đức đến những dự đoán về tương lai đều không đúng sự thật. Từ việc trọng nam khinh nữ rõ ràng cho nam giới có bảy báu, nữ không có, trong khi Đức Phật dạy thân nguời nam cũng như nguời nữ đều bất tịnh, uế trược hôi thối. Vậy mà có bảy báu là như thế nào? Vậy mà cho nguời tu thiền có xá lợi là như thế nào?

          Thời Đức Phật nam nữ tu hành chứng đạo không thua kém nhau. Thời nay, Tăng sĩ tu hành cũng chẳng chứng đắc được những gì, thế mà bảo rằng, có bảy báu. Bảy báu chỗ nào? Toàn là Tăng sĩ phá giới, phạm giới, hiện giờ đi tìm một vị Tăng sĩ giới luật nghiêm chỉnh rất khó. Còn nữ hiện giờ tu hành cũng chẳng chứng đắc cũng như nam.

Nam chạy theo danh lợi thì nữ cũng chạy theo danh lợi, nam cất chùa to tháp lớn thì nữ cũng cất chùa to tháp lớn, nam được tấn phong Hòa Thượng, nữ cũng được tấn phong sư Trưởng (tương đương chức Hòa Thượng).

          Nam nữ đều y như nhau, tại sao lại bảo nam có bảy báu mà nữ không có? Đó là một điều nói sai. Luật nhân quả là phải có luân hồi, có luân hồi thì phải có sanh tử, sanh tử thì phải có giống đực giống cái, có giống cái giống đực thì mới có sanh tử luân hồi, tức là có nhân quả.

Vì thế, đạo Phật ra đời dạy người làm chủ nhân quả, làm chủ nhân quả tức là bình đẳng, công lý và công bằng. Có công lý, công bằng thì sao lại nam trọng nữ khinh? Nghe tên kinh sách phát triển cũng đã biết rằng không bình đẳng (có đại thì phải có tiểu). Còn chỗ nào là bình đẳng được nữa. Phải không quý vị?

          Chúng ta không trách kinh sách phát triển, mà chỉ biết kinh sách phát triển là một sản phẩm của thời đại phong kiến của giai cấp nam trọng nữ khinh, chứ không phải của Phật giáo. Vì Phật giáo là một tôn giáo bình đẳng ra đời, đem lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho loài người, đem lại sự bình đẳng nhân quyền của mọi con người trên hành tinh này thì nam nữ phải được xem bình đẳng như nhau. Cho nên tất cả sự phân chia giai cấp trọng nam khinh nữ của nó đều ban bằng.

65. TRÙNG TRONG LÔNG SƯ TỬ

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Có người xuất gia tu hành nhưng không đủ duyên nên trở về hoàn tục, nhưng cạo tóc mặc đồ nhà tu nhận của cúng dường đàn na thí chủ, thưa Thầy người này có phạm tội gì chăng?

Có người đã xuất gia thọ giới cụ túc nhưng không chịu tu hành, cứ nay đây mai đó để thỏa mãn mộng giang hồ vẫn nhận sự cúng dường của đàn na thí chủ, người tu như vậy có sai phạm không?

Nếu cả đôi nam nữ tu sĩ này trở về hoàn tục, xây dựng cuộc sống tu tại gia thì quá đẹp, tốt hơn là khoác chiếc áo nhà chùa.

          Đáp: Trong một đại gia đình Phật giáo hiện giờ có bao nhiêu chuyện tồi tệ trong đạo mà thỉnh thoảng báo chí Công An Thành Phố Hồ Chí Minh đã đăng tải, giáo chủ này, ông đạo kia v.v… Còn lắm kẻ ở ngoài đời làm ăn vất vả nên mượn chiếc áo nhà tu để thọ hưởng của đàn na thí chủ “ngồi trong mát ăn bát vàng” cho sướng thân, nếu Nhà nước không cấm cất chùa, lập miếu thì những hạng người này sẽ cất chùa miếu nổi lên như lều quán.

          Con người khôn ngoan xảo quyệt kinh khủng, lường gạt đủ mọi cách, dùng hình thức tượng cốt để làm tiền thiên hạ. Lợi dụng sự bệnh tật, tai nạn của con người bằng cách trị bệnh, châm cứu, thuốc nam, thuốc bắc, bùa chú, nhân điện, nước thảy, tàn hương, nước tiểu, khí công, hương công, gạo lức muối mè, tiết thực, tuyệt thực, dưỡng sinh, v.v... đó là một loại pháp môn tu hành biến dạng thành những phương thức để giữ gìn sức khỏe.

Phần đông, những nơi trị bệnh đều có thờ Phật, Bồ Tát cùng các quỷ thần. Làm thuốc trị bệnh, châm cứu, bùa chú mà không lấy tiền, chỉ cần người bệnh nhân cúng bái Phật, Bồ Tát, quỷ thần nhờ các ngài gia hộ hết bệnh. Làm phước không nhận tiền xem mạch hoặc thuốc thang, nhưng lại nhận tiền cúng Phật trong thùng phước sương.

Những phần tử này trong đạo Phật không biết bao nhiêu mà kể. Từ khi Thầy về làm trụ trì tu viện Chơn Như, khép chặt tu sĩ vào giới luật ăn, ngủ đúng giờ; không được ăn, ngủ phi thời, sống độc cư không được nói chuyện ồn náo. Những người tu sĩ tu cơm, tu áo, tu tiền, tu bạc, tu ăn, tu ngủ chỉ đến đây vài ba hôm là bay sạch.

Đến giờ này chỉ còn một hai người tạm gọi là được, chứ chưa nghiêm túc trong giới luật Phật. Nếu Thầy lấy giới luật Phật khép chặt sống nghiêm chỉnh thì tu sĩ Phật giáo chẳng còn mấy người. Những người tu sĩ lừa đảo này sẽ không dám chui vào Phật giáo để lừa đảo mọi người.

          Giới luật là cửa cổng chọn lựa tu sĩ Phật giáo đúng những người chân tu, những người quyết tâm tìm đường thoát khổ. Kinh sách phát triển dạy người tu sĩ phá giới luật nên những người tu sĩ này chỉ tu ăn, tu ngủ, tu danh, tu lợi nên dựa vào tôn giáo để buôn Phật (bán tượng cốt), buôn pháp (bán kinh sách) kinh doanh tôn giáo làm giàu vô đạo đức.

Chiếc lá chắn của kinh sách phát triển dạy phá giới, bẻ vụn giới làm tấm bình phong cho những người phi giới luật mới chui vào Phật giáo, mới kinh doanh buôn Phật bán pháp. Điều này chắc ai cũng rõ. Phải không quý vị?

Nếu không có kinh sách phát triển làm tấm bình phong che chắn thì những người bất lương không thể chui vào Phật giáo làm những điều tồi tệ. Giới luật Phật không dung túng cho những người này, sáng họ vào cổng chùa, chiều họ đã bay mất vì giới luật quá nghiêm khắc. Cho nên những người này sống trong giới luật chẳng nổi, nên chẳng dám vào làm tu sĩ Phật giáo.

          Ở chung quanh tu viện Chơn Như có một số người nghèo đói thất nghiệp hoặc làm ăn vất vả, cực nhọc nên muốn vào chùa tu cho sướng thân. Nào ngờ bước vào cổng chùa lúc sáng thì tối đã trốn mất, vì ngày ăn có một bữa cơm nên sống không nổi, vả lại sống không được nói chuyện ồn náo. Sống độc cư, sống một mình v.v... Chỉ sống có bấy nhiêu đó cũng đủ thử thách những người vào đạo Phật chứ chẳng cần thử thách gì cả.

Những người tu ăn, tu ngủ, tu tiền, tu bạc, tu danh, tu lợi v.v... cho nên những người này vào chùa cơm ăn áo mặc đầy đủ, không tốn tiền, cơm ngày ba bữa, còn được đi học cha mẹ khỏi lo. Có những thầy khôn ngoan lanh lợi khéo nịnh bợ phật tử nên có tiền tiêu riêng, còn sắm cả xe gắn máy rất sang trọng. Nhất là quý thầy giả dạng tu hành có hình thức giữ giới luật, lại còn dễ gạt phật tử, làm tiền, sống trên nhung lụa một cách đầy đủ sung túc.

Cho nên, Đức Phật đã xác định tất cả những hạng người này là trùng trong lông sư tử sẽ giết Phật giáo chết. Đúng vậy, những tu sĩ phá giới luật Phật đang đầy dẫy trong các chùa Phật giáo, đang làm hỏng hết giáo pháp và đạo đức của đạo Phật. Số tu sĩ trong các chùa mà con đã nêu trong câu hỏi là loại trùng trong lông sư tử, đang được một số cư sĩ vô minh nuôi dưỡng để phá hoại đạo Phật cho tận gốc rễ. Những tu sĩ này dùng những danh từ rất kêu khi họ lừa đảo phật tử: “làm phật sự,” “chấn hưng Phật pháp” v.v...

Các con đã hiểu giới luật Phật, vị tu sĩ nào giữ gìn đúng giới luật thì cúng dường, còn giữ gìn không đúng giới luật thì nên cảnh giác, đừng tiếp tay với những tu sĩ ngoại đạo của kinh sách phát triển này mà giết Phật giáo. Giết Phật giáo, tội ấy về ai? Về các con đấy, vì các con đã nuôi chúng. Vậy, các con phải tránh xa loại trùng độc này.

66. CÚNG DƯỜNG ĐÚNG CHÁNH PHÁP

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Những phật tử đã biết các tu sĩ tu hành không có đạo hạnh, phá giới luật, ăn uống phi thời, sống phóng dật chạy theo dục lạc thế gian mà cứ cúng dường cho họ, thì cúng dường như vậy có phước báo gì không? Hay tạo thêm nghiệp cho những tu sĩ ấy. Xin Thầy chỉ dạy cho con rõ.

          Đáp: Một hôm vua Ba Tư Nặc hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con là hàng cư sĩ cúng dường bố thí thế nào cho đúng chánh pháp?” Đức Phật đáp: “Cúng dường bố thí cho cá nhân hay tập thể, thì cá nhân hay tập thể đó phải thanh tịnh.” Chữ “thanh tịnh” ở đây Đức Phật dùng để chỉ cho những người hiền lành, có đạo đức, không gian xảo, không lừa đảo… Còn tập thể thì chỉ cho những tu sĩ (các vị tỳ-kheo) nghiêm trì giới luật, có đạo hạnh thì mới cúng dường bố thí.

          Đức Phật dạy tiếp: “Nếu cúng dường bố thí không đúng cách thì cũng giống như đem hạt giống tốt gieo trồng trên đất chai khô cằn thì hạt giống sẽ bị hư thối.” Chữ “hư, thối” ở đây có nghĩa là không được phước mà còn tổn phước.

          Biết một vị tu sĩ phá giới luật, phạm giới không có đạo hạnh, ăn uống phi thời, sống phóng dật mà cứ cúng dường cho những tu sĩ này để họ tiếp tục phá đạo Phật thì có tội rất lớn. Cũng như biết kẻ trộm cướp giết người mà che dấu, chứa nuôi trong nhà thì đồng tội với kẻ trộm cướp giết người đó (tội rất nặng).

          Nếu tất cả tín đồ Phật giáo ý thức biết điều này, tức là biết những tu sĩ phá giới, phạm giới luật Phật thì chẳng ai cúng dường, bố thí, trai Tăng thì những người tu danh, tu lợi làm sao sống được mà phá Phật giáo. Biết họ tu sai mà cứ luôn nuôi dưỡng họ. Họ bày ra những điều mê tín thì lại tin theo, làm theo khiến cho giáo pháp của Phật càng ngày càng sai lệch. Bây giờ nhìn lại giáo pháp của Phật không còn thực tế, cụ thể nữa, toàn là thứ giáo pháp trừu tượng, mơ hồ, mê tín dị đoan, lạc hậu v.v...

           Cho nên, cúng dường không đúng đối tượng khiến cho Phật pháp suy đồi, tà pháp hưng thịnh, đạo đức con người chẳng còn. Tuy rằng thời đại của chúng ta là thời đại văn minh khoa học cơ giới, điện tử, tin học đã phục vụ đời sống con người rất tiện nghi, nhưng lại khổ đau về tinh thần, khiếm khuyết về đạo đức quá lớn. Nên khắp trên thế giới không lúc nào ngơi nghỉ chiến tranh, không phút nào con người ngưng chà đạp lên con người.

          Sự lầm lạc phục vụ cho tà giáo ngoại đạo của kinh sách phát triển đã gây bao thế hệ trầm luân đau khổ. Mà đến giờ này con người chưa thức tỉnh, luôn luôn nối giáo cho giặc cướp nước, cướp nhà. Người phật tử phải sáng suốt cúng dường, bố thí cho đúng chánh pháp.

Đừng nghĩ rằng, ai làm tội nấy chịu, mà phải thấy mình có trọng trách với mình, với mọi người, với tôn giáo mình đang theo, nó tốt hay xấu đều do chính mình. Mình theo tôn giáo đó mà không làm đúng lời dạy của tôn giáo đó, lại làm theo tôn giáo khác tức là mình phỉ báng tôn giáo mình đang theo.

          Tôn giáo đưa ra những giáo lý dạy con người sống thiện, làm thiện, giúp con người có đạo đức, luôn sống trong những hành động thiện, chứ không có tôn giáo nào dạy làm những điều ác. Mà chính người theo tôn giáo lợi dụng tôn giáo, biến giáo pháp sai lệch theo ý đồ của mình, biến dần tôn giáo thành tà giáo, ác pháp, biến tôn giáo thành đế quốc, bắt con người làm nô lệ cho những kẻ độc tài.

Bởi vậy, tôn giáo ra đời cũng do con người, làm sai cũng do con người, làm đúng cũng do con người. Biết những tu sĩ phạm giới, phá giới sống không đúng phạm hạnh, sống phi đạo đức mà cứ cúng dường cho họ sống. Đó là sự cúng dường giúp cho những Ma vương phá đạo Phật thì sự cúng dường ấy không có phước báo mà còn tiếp tay cho Ma vương phá Phật pháp.

Tội phá Phật pháp là tội rất lớn với nhân loại, vì Phật pháp là đạo đức nhân bản của con người. Cho nên những hành động cúng dường không đúng chánh pháp khiến hiện giờ con người được xem như gần mất đi nền đạo đức nhân bản chân chánh của Phật giáo. Chỉ còn lại tà pháp vô đạo đức của Ma vương nên người tu thời nay dở chết, dở sống mà “đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời.”

          Quý phật tử là đệ tử của Phật, phải chấm dứt ngay hành động cúng dường phi pháp để Phật giáo còn có một chút hơi tàn, một chút ánh sáng mang lại cho loài người. Nếu nói phật tử tạo nghiệp cho quý thầy thì không đúng, vì quý thầy là Ma vương, mà đã Ma vương thì nó là ác pháp, lúc nào nó cũng muốn diệt chánh pháp của Phật. Chỉ có chúng ta lầm lạc Phật và Ma vương mà thôi. Nhưng quý phật tử sẽ không lầm lạc Ma vương và Phật. Vì Phật thì giới luật nghiêm chỉnh, còn Ma vương thì phá giới.

          Biết Ma vương mà lại cúng dường cho Ma vương, đó là đang sống trong nhà của Ma vương thì đừng than khổ, đừng kêu ca: “Tại sao chúng ta sanh làm người? Rồi làm người lại làm khổ người quá vậy? Hỡi quý thầy tu theo kinh sách phát triển?”

Theo Ma Vương không những làm khổ mình, khổ người mà còn làm khổ cho tất cả chúng sanh. Phật pháp càng ngày càng suy đồi, chánh pháp càng ngày càng biến mất, tà pháp càng ngày càng hưng thịnh. Thật là đau lòng phải không quý phật tử?

          Ma Vương đội lốt tu sĩ Phật giáo nơi nơi, đâu đâu cũng thấy, cũng có những hình ảnh chướng tai, gai mắt phạm giới, phá giới đầy dẫy, không đâu là không thấy trong các tu sĩ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới hiện giờ.