61. MỘT NGƯỜI MÙ DẪN MỘT ĐÁM NGƯỜI MÙ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Người đang tu chưa chứng đắc được gì về pháp môn Giới, Định, Tuệ mà vội lập đạo tràng để giảng đạo cho các người khác tu tập thì số phận người giảng sư lẫn các hành giả sẽ đi về đâu trên đường tu tập? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Chẳng đi đến đâu cả, giống như một người mù dắt đường cho tất cả những người mù khác để ra khỏi rừng sâu, núi thẳm nhưng không ngờ mọi người đều sa hầm, lọt hố và chết chìm nhau cả đám. Con người vì đắm mê danh lợi, tu chưa tới đâu mà vội đem ra dạy người là người “háo danh,” người tham danh mà Thầy thường gọi là “Tưởng giải.”
Kinh sách Đại Thừa dạy: “Một người vừa tu vừa dạy người khác tu là Bồ Tát độ chúng sanh.” Kinh sách này khuyến khích những vị tỳ-kheo và những cư sĩ thọ Bồ Tát giới, thực hiện Bồ Tát Hạnh. Nghĩa là tu sĩ vừa tu vừa hành Bồ Tát đạo, tức là mình vừa tu vừa dạy người khác tu, còn cư sĩ vừa học tu lại vừa bố thí, cúng dường và làm việc từ thiện, cũng có khi dạy người khác tu hành như cư sĩ Tâm Minh và Đoàn Trung Còn.
Thật là đau lòng cho Phật pháp, người ta lấy sự học mà dạy đạo, chứ không phải lấy sự tu chứng mà dạy. Vì thế Phật giáo đi dần về phía tà đạo không có người tu chứng nữa. Kinh sách này dạy như vậy có đúng đường lối của đạo Phật hay không?
Không, Đức Phật dạy người phải tu cho mình được giải thoát xong rồi mới dạy người khác tu. Trường hợp như ông Phú Lâu Na khi tu xong đến xin Đức Phật đi độ chúng sanh, Đức Phật trắc nghiệm thấy ông đủ khả năng độ chúng sanh, liền chấp nhận cho ngài đi.
Đó là sự cân nhắc rất kỹ của Đức Phật khi người đệ tử ra đi làm lợi ích cho chúng sanh, nếu không trắc nghiệm và cân nhắc như vậy thì một vị thầy tu hành chưa xong mà vội ra hướng dẫn người tu hành thì đó là giết người và giết nhiều thế hệ con người, vì mình chưa đủ đạo đức làm gương sáng và kinh nghiệm dạy đạo.
Dạy người bằng miệng lưỡi nói được mà mình làm không được, tức là nói láo, hầu hết các giảng sư hiện giờ đều dạy người tu nói láo như vậy.
Bởi, kinh sách Đại Thừa đã truyền thừa cho đến nay, đối với tu sĩ Phật giáo tu hành chẳng ra gì, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, chỉ toàn là những hạng người chạy theo danh lợi, buôn Phật, bán Pháp làm chuyện tồi tệ, phi đạo đức, chỉ cần dùng những danh từ “Tu Bồ Tát đạo, Hành Bồ Tát hạnh” là cao thượng, là bịt miệng tín đồ dễ dàng.
Ngoài đời, người ta muốn làm một việc gì thì cũng phải học tới nơi tới chốn, mới làm nên việc đó. Ví dụ: Như muốn làm một bác sĩ thì phải học 7, 8 năm, sau khi tốt nghiệp ra trường y khoa mới chính thức là một vị thầy thuốc, chừng đó mới trị bệnh thiên hạ, nếu vừa học vừa làm bác sĩ trị bệnh thì chắc chắn không trị bệnh nhân mà là giết bệnh nhân, cũng như các giảng sư Đại Thừa Phật giáo bây giờ là vậy, giống như con chim học nói tiếng người, nói mà chẳng biết gì cả. Chẳng tu mà dạy người tu thì cũng giống như một người mù dắt bầy người mù đi.
62. CHỨNG ĐẮC MỘT ÍT DẠY NGƯỜI ĐƯỢC KHÔNG?
Hỏi: Kính thưa Thầy, xin Thầy chỉ dạy, người đang tu mới chứng đắc được phần nào đó mà vội lập đạo tràng để dạy người thì hậu quả của người tu chưa xong này sẽ dẫn họ tới đâu? Và phần chứng đắc được liệu có giữ gìn được trọn vẹn hay không? Và những người học theo giáo pháp của người này dạy liệu có đúng như lời Phật dạy chăng? Tương lai cả những người học tu này có ích lợi gì cho họ?
Đáp: Con đường tu tập theo đạo Phật khó khăn vô vàn, người tu chưa tới đâu hoặc chứng đắc một phần nào trong các pháp hành của đạo Phật mà vội đem ra dạy người, cũng ví như người học nghề thầy thuốc tay nghề chưa rành mà đi ra trị bệnh cho người khác thì chỉ có giết người hơn là cứu người. Cũng giống như người hướng đạo viên không thông đường xá, chỉ biết có một ít lại dẫn người vượt suối băng ngàn thì làm sao ra khỏi rừng sâu núi thẳm, chỉ còn chết chung nhau giữa rừng già mà thôi.
Bởi vậy, tu phải đến nơi đến chốn, có đủ kinh nghiệm rồi mới hướng dẫn người khác tu. Ở đời người ta xem sự tu hành quá dễ dàng cho nên đụng đâu dạy người ta tu đó, đó là dạy tu vào con đường chết chứ không phải giải thoát. Tu chưa đến nơi đến chốn tức là tâm chưa giải thoát hoàn toàn, thì tâm ham muốn và ác pháp còn dẫy đầy mà vội ra làm đạo sư thì danh lợi với sắc dục sẽ cám dỗ và lôi cuốn đi sâu vào các ác pháp thế gian khiến cho người này giới luật bị bẻ vụn, phạm giới, đức hạnh không có.
Bây giờ tâm ly dục ly ác đã mất hết, chỉ còn lại tâm phóng dật chạy theo sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Do thế hình ảnh thì còn là người tu sĩ mà tâm thì phàm phu tục tử, sống bằng những danh từ lừa đảo tín đồ qua sự thuyết kinh giảng đạo từ bài kinh này đến bài kinh khác, pháp hành thì mù mờ loanh quanh không có rõ ràng, chỉ dùng một số ngôn ngữ xảo thuật cho thật kêu để phỉnh gạt người khác dễ dàng.
Những người theo những giảng sư này tu hành, chẳng đi đến đâu giống như con chó gặm xương, bỏ thì tiếc, nhai thì chẳng có gì lợi ích, phí cả cuộc đời, chẳng ích lợi gì cho mình cho người mà còn thêm tổn phước đức về tội vọng ngữ (nói láo ăn tiền).
Đối với đạo Phật, những hạng người không tu mà dạy đạo, chỉ đem ngôn thuyết lừa đảo thiên hạ để mua danh mua lợi thì tội đọa địa ngục muôn kiếp, chứ làm gì có chứng đắc, nhìn thấy cuộc sống của họ phạm giới luật, phi đạo đức, tức là phi Phạm hạnh, chỉ có ba hoa ngoài đầu môi chót lưỡi.
Nếu ai đi tìm cầu sự giải thoát của đạo Phật mà gặp các vị đạo sư này thì chỉ còn có nước đi chung nhau xuống địa ngục A Tỳ tìm vua Diêm Vương chứ không tìm giải thoát được.
Ở đây, quý vị đừng hiểu địa ngục A Tỳ là một cảnh giới siêu hình để hành phạt những linh hồn tội lỗi. Địa ngục A Tỳ ở đây có nghĩa là cuộc sống của con người tại thế gian này đang chịu đựng những sự khổ sở tận cùng.
Ví dụ: Bệnh bán thân, nằm ăn, đại tiểu tiện một chỗ; bệnh ung thư đau nhức khổ sở; bệnh cùi ngứa, đau nhức và chịu hôi thối; bệnh thần kinh la hét chẳng biết chi hết, vì thế người bị bệnh này bị nhốt như một con thú vật không khác hoặc chúng ta đi vào những bệnh viện thấy những bệnh nhân nằm la liệt đau khổ vô cùng.
Đó là địa ngục tại trần gian chứ không phải là sự tưởng tượng địa ngục thế giới siêu hình của con người mà từ lâu người ta đã bị các tôn giáo lừa đảo. Chỉ riêng có đạo Phật chỉ thẳng là không có thế giới siêu hình, sau này Phật giáo Đại Thừa và Thiền Đông Độ mới xây dựng thế giới siêu hình vĩ đại hơn tất cả các tôn giáo khác.
63. THÂM Ý CỦA BÀ LA MÔN VỚI PHẬT GIÁO
Hỏi: Kính thưa Thầy, thâm ý của Bà La Môn với Phật giáo như thế nào? Xin Thầy dạy rõ cho chúng con biết.
Đáp: Thâm ý của Bà La Môn đối với Phật giáo là muốn diệt Phật giáo bằng nhiều thủ đoạn:
1, Chế Bồ Tát giới cấm cư sĩ và tu sĩ không được tu tập theo kinh sách Nguyên Thủy (Tiểu Thừa).
2, Dùng lý luận trí tuệ Bát Nhã đập phá chân lý của Phật giáo. “Vô khổ, tập, diệt, đạo.”
3, Luồn lách đưa giáo lý của mình vào để thay thế giáo lý của Phật giáo.
4, Đưa Phật Di Lặc ra để thay thế Đức Phật Thích Ca làm giáo chủ Phật giáo trong thời vị lai.
Hỏi: Kính thưa Thầy, Bà La Môn trong kinh Pháp Cú mà Đức Phật ca ngợi và Ba La Môn nào mà Đức Phật chê, bài bác. Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Bà La Môn được Đức Phật khen ngợi là một Bà La Môn sống đúng giới luật và chánh pháp của Phật, còn sống không đúng giới luật và chánh pháp của Phật thì Đức Phật chê, không chấp nhận. Vậy chúng ta hãy đọc lại những bài kinh Pháp Cú thì sẽ biết rõ ràng hơn:
“Với người thân, miệng, ý
Không làm các ác hạnh
Ba nghiệp được phòng hộ
Ta gọi Bà La Môn.”
Thân, miệng, ý không làm các ác hạnh tức là sống đời sống giới luật nghiêm chỉnh, thường tu tập các pháp ly dục ly ác pháp diệt ngã xả tâm, tức là phòng hộ ba nghiệp.
“Đoạn hết các kiết sử
Không còn gì lo sợ
Không đắm trước buộc ràng
Ta gọi Bà La Môn.”
Đoạn hết các kiết sử, tức là dùng pháp ngăn ác diệt ác (Tứ Chánh Cần) đó là Bà La Môn tu đúng pháp được Đức Phật chấp nhận. Không đắm trước buộc ràng, tức là hộ trì các căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc sáu trần: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
“Bỏ điều ưa, điều ghét
Thanh lương, không nhiễm ô
Hùng dũng thắng mọi cõi
Ta gọi Bà La Môn.”
Thân tâm được trong sạch không cấu uế như vầng trăng sáng, tịnh lặng giữa đêm trường sâu thẳm và tất cả những hữu ái đều được đoạn trừ. Nếu người nào giữ thân tâm được như vậy là tu tập Tứ Niệm Xứ được viên mãn. Người ấy được Đức Phật chấp nhận là một Bà La Môn.
“Như trăng sạch không uế
Sáng trong và tịnh lặng
Hữu ái được đoạn tận
Ta gọi Bà La Môn.”
Tóm lại, người được Đức Phật gọi là Bà La Môn là phải sống đúng giới luật thường ngăn ác diệt ác pháp “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.” Một Bà La Môn tu tập và sống như vậy chính là tu sĩ Phật giáo, còn ngược lại là một Bà La Môn của đạo Bà La Môn hay nói cách khác một tu sĩ Phật giáo sống phạm giới, bẻ vụn giới, sống chạy theo danh lợi làm những điều mê tín lừa đảo tín đồ là Bà La Môn của đạo Bà La Môn.