53. HỌ CHẤP NHẬN THẦY THÌ CÓ LỢI GÌ CHO THẦY?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Họ nói: Nếu Thầy nói câu lời nhẹ nhàng hơn thì may ra họ còn chấp nhận được. Còn Thầy quất mạnh quá thì họ không chấp nhận, họ không nghe.
Đáp: Họ bảo Thầy nói nhẹ nhàng thì may ra họ còn chấp nhận, nói như vậy tức là họ đã kiến chấp Đại Thừa, người có kiến chấp tà pháp Đại Thừa, dù chúng ta có nói như thế nào họ cũng chẳng nghe, họ là những người không trí tuệ, người không trí tuệ là người không đáng đi theo Phật giáo. Phật giáo đòi hỏi người đi theo đạo Phật phải là người trí tuệ, biết phán xét pháp sai pháp đúng, pháp có lợi ích cho mình cho người.
Đối với đạo Phật, người nào theo làm đúng là có lợi ích cho người đó, chứ không phải làm lợi ích cho người hướng dẫn, cho người khác. Vì thế họ chấp nhận hay không chấp nhận có lợi ích gì cho Thầy đâu? Nếu họ chấp nhận thì Thầy phải cực khổ chỉ dạy cho họ và còn phải gánh chịu trách nhiệm trong sự tu tập của họ. Trong lúc đời sống của Thầy chỉ có ba y, một bát, ngoài ra chẳng có gì: danh không màng, lợi không tham.
Sau khi tu xong, Thầy quyết tâm nhập diệt bỏ thân này vì xét thấy tình đời đen bạc, không có tình nghĩa gì cả, chỉ là một trò ảo tưởng của nhân quả.
Về Đại Thừa chỉ có những người vô minh mới chìm đắm trong đó, xe trước mắc lầy xe sau cứ tới mà chẳng biết lùi. Chỉ có những người kinh doanh tôn giáo mới chạy theo danh lợi đua đòi, không biết nhàm chán nên mới có chùa to Phật lớn, nên mới sống ăn uống phi thời, phạm giới, phá giới làm cho Phật giáo diệt mất, để rồi sản sanh ra một thứ giáo lý kỳ lạ đủ màu sắc mê tín, huyễn hoặc, mơ hồ, trừu tượng … đã giết hại biết bao nhiêu tín đồ Phật giáo.
Có những vị Hòa Thượng nào đã tu giải thoát được những gì? Hay chỉ có những thần thông ảo tưởng để lừa đảo người khác. Chấp nhận lời Thầy nói có ích lợi gì cho Thầy? Hay Thầy phải chịu nhiều sự cực nhọc. Ai biết? Không chấp nhận lời nói của Thầy thì Thầy có sao? Thầy cũng vẫn là người tu giải thoát, tâm bất động như cục đất, làm chủ được sự sống chết, chấm dứt được sự luân hồi. Quý vị không chấp nhận, Thầy có mất những điều này không?
Chấp nhận lời Thầy thì có lợi cho quý vị, chứ chẳng có ích lợi gì cho Thầy. Phải không? Chỉ vì sự đau khổ của con người, của tín đồ Phật giáo. Sự đau khổ từ thế hệ trước cho đến thế hệ sau. Và từ đây về sau nữa, kinh sách đó nếu còn là còn đau khổ mãi, thì con cháu chúng ta sẽ phải khổ biết bao. Cho nên Thầy nói là ngăn chặn để con cháu chúng ta không lầm những giáo pháp này nữa.
Cho nên, dù ai có nói Thầy là ngoại đạo, tà giáo đi nữa, thì Thầy cũng chẳng sờn lòng, chẳng chùn bước, quyết tâm đem lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo cho con người trên hành tinh này.
Chấp nhận hay không chấp nhận, lời nói của Thầy vẫn hùng hồn, mạnh mẽ như gió bão, thẳng thắn như roi quất mặt, hùng dũng như chiến sĩ xông trận. Thầy nói như vậy là đụng chạm, là đập bể nồi cơm của Đại Thừa, người ta sẽ giết Thầy. Thầy có chết nhưng lời nói của Thầy không chết, mãi mãi vẫn lưu lại muôn đời.
Vì Phật pháp phải được trường tồn, vì con người trên hành tinh này cần phải có nền đạo đức nhân bản - nhân quả. Thầy không sợ ai nữa hết! Đối với Thầy cái chết là một sự nối tiếp cho sự sống chứ có mất mát đi đâu mà sợ. Cho nên, từ khi bộ sách giáo án tu tập của đạo Phật ra đời, Thầy đã quyết định xây dựng nền đạo đức không làm khổ mình khổ người trên hành tinh này và giúp cho mọi người không còn lầm đường lạc lối đi theo con đường của Phật giáo mê tín, ảo giác, trừu tượng.
Dù cho khối Đại Thừa mạnh như thế nào, cấm ngăn như thế nào thì Thầy cũng nói thẳng mặt. Sai nói sai, đúng nói đúng, không tư vị một ai. Còn biết những cái sai, tai hại cho con người mà im lặng không dám nói thì đó là hèn nhát. Không xứng đáng là một con người.
Sống trong hiện hữu của mình phải có lợi ích cho loài người. Khi mình làm được điều gì có lợi ích cho mình, cho mọi người thì hãy làm. Thầy phải vạch ra cái đúng cái sai cho mọi người biết. Khi người ta biết sai thì Thầy mới dẫn dắt người ta đi vào đúng đường chánh pháp của Đức Phật.
Biết hy sinh tình nghĩa riêng tư giữa Thầy và Hòa Thượng Thanh Từ để đem lại sự lợi ích cho muôn người và Thầy tin chắc rằng Hòa Thượng thương Thầy và hiểu Thầy hơn. Lúc nào Thầy cũng nhớ ơn Hòa Thượng, một vị ân sư.
Điều mà Thầy ước muốn đó là làm sao phổ biến “đạo đức làm người” để đem lại hạnh phúc cho mọi người và được mọi người thực hiện đạo đức này. Thầy tin rằng khi con người thực hiện được đạo đức giải thoát này thì tâm họ ly dục ly ác pháp.
Bộ sách đạo đức làm người phải ra đời đúng lúc, đúng duyên của nó thì mới làm lợi ích cho con người, nếu không đúng duyên đúng lúc thì chẳng có ích lợi gì hết.
Sách Thầy ra đời là đánh lên tiếng chuông cảnh tỉnh. Đánh lên tiếng chuông cảnh tỉnh để làm gì? Cảnh tỉnh là để cho có những người hiểu biết trợ giúp Thầy sau này làm sống lại Phật giáo chơn chánh. Nếu Thầy không viết sách thì chẳng ai biết Phật giáo đúng sai chỗ nào. Còn nếu Thầy im lặng không viết cuốn sách nào ra hết thì người ta làm sao biết để ủng hộ con đường chánh pháp của Phật được.
Hôm nay quý phật tử biết được và ủng hộ Thầy, xây dựng con đường Chánh Pháp của Phật là nhờ Thầy viết sách nói thẳng nói thật, vạch cái sai, chỉ cái đúng. Nếu không có sách của Thầy viết thì hiện giờ các con vẫn tin kinh sách Đại Thừa là đúng và lời nói của thầy Chân Quang là đúng. Phải không?
Kinh sách Đại Thừa, kiến giải của thầy Chân Quang và lời dạy của Thầy đúng hay sai đều không quan trọng, mà quan trọng là ở chỗ phải đúng lời dạy của Đức Phật không được thêm bớt và có lợi ích thiết thực cho loài người, có thực sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết hay không?
Hỏi: Kính thưa Thầy, có người dạy: chúng con phải lạy lễ sám hối chư Phật thì có nhiều phước báo, tội chướng tiêu trừ, tai qua nạn khỏi và ngồi thiền hết vọng tưởng. Như vậy có đúng không. Xin Thầy chỉ dạy chúng con được rõ.
Đáp: Câu này Thầy đã trả lời ở câu hỏi trên rồi, nhưng Thầy sẽ giải thích thêm để quý vị rõ hơn. Nhiều người lạy lễ sám hối nhưng mà rốt cùng họ cũng chẳng tiêu trừ tội chướng, tai qua nạn khỏi. Họ lạy hồng danh chư Phật, cứ vào ngày rằm, ngày 30 là họ đến chùa lạy Phật. Niệm mỗi hồng danh Phật là họ lạy một lạy, tháng nào cũng vậy nhưng nhìn lại gia đình họ cũng chưa hết khổ mà còn có khổ đau nhiều hơn.
Những lời dạy này đi ngược lại lời dạy của Đức Phật. Phật dạy: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.” Thế mà bây giờ lại nghe các nhà Đại Thừa Bà La Môn dạy lạy lễ hồng danh sám hối thì được phước báo tiêu trừ tội khổ và ngồi thiền không vọng tưởng. Lời dạy này không đúng như trong kinh sách Nguyên Thủy.
Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” hay “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.” Lời dạy như vậy rất thực tế và cụ thể, đem lại lợi ích thiết thực cho con người.
Còn dạy lạy lễ hồng danh sám hối thì quá mơ hồ, trừu tượng, không thực tế, thiếu khoa học. Lối dạy như vậy là dạy mê tín, dắt con người vào thế giới tưởng. Có ông Phật nào dám ban phước ban lành cho họ khi họ làm điều ác. Phước báo hay tiêu trừ tội khổ đều do chính nơi họ, họ có làm lành thì họ sẽ hưởng được phước báo, còn họ làm ác thì họ phải lãnh những tai họa tội khổ.
Có bao giờ người ta lạy lễ hồng danh chư Phật mà nhập định được, chỉ có kinh sách học giả mới dạy như vậy mà thôi. Lạy lễ hồng danh chư Phật nhập được là nhập đồng, nhập cốt, nhập cô, nhập cậu.
Tóm lại, những lời dạy lạy lễ hồng danh chư Phật để được phước báo, tiêu trừ tội chướng, tai qua nạn khỏi và ngồi thiền nhập định, đó là những lời dạy không đúng lời dạy của Đức Phật, nếu không cảnh giác lời dạy này mà thực hành sẽ biến mình trở thành những người phi đạo đức, mê tín, thì chỉ uổng phí cho một đời tu hành mà chẳng đến đâu cả.
Lạy lễ hồng danh chư Phật là để tỏ lòng biết ơn đối với những bậc cao quý này chứ không có giải quyết vấn đề tiêu trừ tội chướng tai qua, nạn khỏi hoặc nhập thiền nhập định.
55. A-LA-HÁN
Hỏi: Kính thưa Thầy! Cho phép con xin được hỏi: Không có quả nào cao hơn quả A-la-hán phải không?
Đáp: Đối với đạo Phật chỉ có quả A-la-hán là cao nhất. Mục đích của đạo Phật là phải đạt được tâm vô lậu mà quả A-la-hán là quả Vô Lậu. Nếu ai tu hành tâm chưa vô lậu thì chưa chứng quả A-la-hán. Ngoài quả A-la-hán, đạo Phật không còn có quả nào khác nữa, nếu có quả vị nào khác nữa là do ngoại đạo bịa đặt ra để phá hoại đạo Phật.
Tâm vô lậu là tâm giải thoát hoàn toàn, là tâm toàn thiện, là tâm không làm khổ mình khổ người… Mục đích tu hành của đạo Phật đến đây là xong, nếu ai bảo tu đến đây là tu chưa xong, còn phải tu tập hay phải hành Bồ Tát đạo thì người ấy chưa thông hiểu Phật giáo, hay nói cách khác hơn là người ấy đang bị Đại Thừa lừa đảo. Tóm lại, trong đạo Phật không quả nào cao hơn quả A-la-hán. Quả A-la-hán là đệ nhất vô lậu.
Thưa các bạn! Đạo Phật là một tôn giáo bình đẳng nên không có nhiều quả vị, chỉ có một quả vị giải thoát mà thôi. Khi tu tập chứng đạt chân lý thì ai cũng như ai, Phật cũng như A-la-hán đều bình đẳng như nhau, chứ không phải Phật có quả vị cao hơn A-la-hán. Các bạn đừng nên tin kinh sách Đại Thừa vì kinh sách Đại Thừa là kinh sách phong kiến.
NHỮNG QUẢ A-LA-HÁN CỦA ĐẠI THỪA
Hỏi: Kính thưa Thầy! Do nguyên nhân nào, khi chứng quả A-La-Hán:
- Có người chứng A-La-Hán Toàn Giác.
- Có người chứng A-La-Hán Độc Giác.
- Có người chứng A-La-Hán Thinh Văn Giác?
Đáp: A-la-hán là quả vị vô lậu cao nhất trong đạo Phật, nhờ vô lậu nên tâm được thanh tịnh hoàn toàn. Tâm thanh tịnh hoàn toàn như nước hồ thu trong vắt, vì vậy dưới đáy hồ có những vật gì chúng ta đều thấy rất rõ ràng. Sự thấy biết rất rõ ràng gọi là Toàn Giác.
Người chứng quả A-la-hán nào tâm cũng phải hoàn toàn vô lậu, tâm vô lậu thì người nào cũng giống như người nào, không có khác nhau. Cũng như nước hồ thu trong vắt thì nước hồ thu nào trong vắt đều cũng giống như nhau. Nhưng vì trong sự tu hành đến với pháp tu có duyên khác nhau nên khi chứng quả A-la-hán có tên gọi khác nhau.
Người chứng quả A-la-hán Độc Giác là người tự mình tìm ra pháp môn tu tập đạt được tâm vô lậu hoàn toàn, trên đời này chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người duy nhất, ngoài ra thì chúng ta không thấy có người thứ hai. Ở đây chúng ta phải hiểu quả vị A-la-hán Độc Giác là quả vị A-la-hán Toàn Giác, không sai khác và không hơn kém nhau ở chỗ nào cả.
Người chứng quả A-la-hán Thanh Văn Giác là người được Đức Phật dạy cho tu tập theo giáo pháp của mình đã tu chứng, hoặc người ấy tự nghiên cứu trong kinh sách theo những lời dạy của Đức Phật mà tu tập cho đến khi tâm vô lậu hoàn toàn. Do đó mới có tên gọi là A-la-hán Thanh Văn Giác. Người chứng quả A-la-hán Thanh Văn Giác không sai khác quả vị A-la-hán Toàn Giác, có nghĩa là mọi năng lực của người chứng quả A-la-hán Toàn Giác và người chứng quả A-la-hán Thanh Văn Giác đều giống nhau, không hơn không kém.
Sự phân chia ra hơn kém này là do các nhà học giả tu hành chưa tới nơi tới chốn. Đọc trong kinh sách Đại Thừa chúng ta nhận thấy sự phân biệt này rất rõ ràng. Đó chứng tỏ các nhà sư Đại Thừa tu chưa tới nơi tới chốn, dùng kiến tưởng giải của mình phân chia ra làm nhiều quả vị A-la-hán như vậy.
Xin quý vị lưu ý: Kinh sách Đại Thừa không đáng cho chúng ta tin cậy.
56. CHÍ NGUYỆN CHỨNG QUẢ A-LA-HÁN TOÀN GIÁC
Hỏi: Kính thưa Thầy! Nếu con có chí nguyện chứng quả A-la-hán Toàn Giác thì con phải gieo nhân tu như thế nào? Và làm sao để được như nguyện?
Đáp: Phải sống đúng giới luật, đời sống phải ba y một bát, đi xin ăn, sống không nhà cửa, không gia đình, tâm hồn luôn luôn phải giữ gìn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không, đó là gieo nhân chứng quả A-la-hán Toàn Giác. Nhờ gieo nhân như vậy tâm mới ly dục ly ác, tâm có ly dục ly ác pháp thì tâm mới có vô lậu.
Nếu đời sống không sống đúng như vậy thì muôn đời ngàn kiếp chẳng bao giờ chứng quả A-la-hán Toàn Giác.
Làm sao để đạt được như nguyện? Muốn đạt được như nguyện thì phải tu tập bảy nẻo trong Đạo Đế, có nghĩa là phải tu tập hằng ngày bốn loại định ngăn ác diệt ác sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp trên bảy nẻo của Bát Chánh Đạo tức là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm.
Có sống như trên đã nói, có tu tập hằng ngày như vậy thì quả A-la-hán Toàn Giác sẽ đạt được như ý nguyện.