Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 18 (47-49).

47. CHÍNH ĐỨC PHẬT DẠY THẾ GIỚI SIÊU HÌNH KHÔNG CÓ

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Cũng trong cái ý hướng đó, thầy Chân Quang nói rằng: khi Thầy viết bộ sách Đường Về Xứ Phật là Thầy xiển dương chánh pháp của Đức Phật. Nếu Thầy từ chối thế giới siêu hình mà trong khi ở kinh điển Nikaya có nói thế giới siêu hình thì như vậy Thầy cũng không đi đúng với đường lối của Đức Phật.

Đến điều thứ nhì: thầy Chân Quang dẫn chứng lại ngài Ca Diếp và Ngài Phú Lâu Na tranh cãi nhau về những giới cần phải bỏ. Điều đó chứng tỏ rằng hai vị A-la-hán chưa có thông suốt.

Trong khi đó thầy Chân Quang nói rằng hàng chư thiên còn đồng ý với nhau được, huống chi quý vị A-la-hán không đồng ý với nhau cho nên các vị đó còn sai, còn lậu hoặc, còn đủ các thứ lậu. Kính xin Thầy chỉ dạy.

          Đáp: Trong kinh Trung Bộ, thuộc tạng kinh Nikaya, bài kinh Pháp Môn Căn Bản, Đức Phật đã xác định 33 cõi Trời là cõi tưởng tri chứ không phải liễu tri và như vậy trong tạng kinh Nikaya dù có bài kinh nào Đức Phật nói đến cõi Trời nào đi nữa thì chúng ta cũng phải hiểu là cõi tưởng mà thôi.

Do lời dạy của Đức Phật và kinh nghiệm nhập định vượt qua thế giới tưởng của Thầy thì Thầy cũng không tìm thấy thế giới siêu hình ở đâu cả, nên Thầy xác định như Phật: Thế giới siêu hình không có, chỉ là một thế giới tưởng do năng lực của tưởng uẩn tạo thành. Còn nếu nhập vào định tưởng thì tất cả thế giới siêu hình đều có ở đó.

          Tóm lại, việc làm của Thầy hôm nay là việc làm của Đức Phật ngày xưa. Vì Đức Phật ngày xưa đã bác thế giới siêu hình để xây dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả. Thầy bác thế giới siêu hình để phá vỡ những sự mê tín, lạc hậu, để làm sống lại nền đạo đức của Phật giáo không làm khổ mình, khổ người.

Còn thầy Chân Quang hiểu như thế nào cũng được, nhưng đừng đem thế giới siêu hình gây nhiều điều mê tín cho loài người, làm mất nền đạo đức nhân bản - nhân quả, thì con người phải chịu nhiều khổ đau. Trên hành tinh đã một lần bị giáo pháp Đại Thừa và Thiền Đông Độ dìm mất nền đạo đức này nên hơn hai mươi lăm thế kỷ loài người chịu thiệt thòi quá lớn. Đến giờ này đạo đức con người đang xuống dốc trầm trọng, thế mà nỡ tâm nào thầy Chân Quang muốn làm sống lại thế giới siêu hình để rồi sự khổ đau trên hành tinh này mãi mãi không bao giờ dứt.

          Tóm lại, thế giới siêu hình là Đức Phật bài bác, chứ không phải Thầy bài bác. Thầy biết chắc chắn thế giới siêu hình không có nên chấp nhận và dựng lại những gì của Đức Phật đã bị ngoại đạo ném bỏ, ngày nay thầy Chân Quang làm sống lại thế giới siêu hình để theo dấu chân của các Tổ dìm mất giáo lý chân chánh của Phật giáo. Thật là một việc làm tội lỗi, ngày mai sẽ không tránh khỏi quả ác nghiệp này.

Còn nói ngài Ca Diếp và ngài Phú Lâu Na tranh cãi nhau về những giới cần phải bỏ. Đoạn kinh này không đúng, do người sau thêm vào để phỉ báng đệ tử của Phật mà trong kinh Duy Ma Cật và kinh Pháp Hoa đã có ý đồ này.

Ngài Ca Diếp và ngài Phú Lâu Na là hai vị đại đệ tử của Phật đều từ giới sinh ra, chứng quả A-la-hán. Lẽ đâu từ giới sinh ra rồi lại bài bác giới luật, đó là một cách vô lý. Phải không các bạn?

Trong kinh sách Nguyên Thủy thường có những đoạn kinh rất mâu thuẫn với những lời Phật dạy: như Phật ăn nấm bệnh kiết lỵ mà chết, như kinh Vô Não, Bỏ Những Giới Nhỏ Nhặt, Ca Diếp và Phú Lâu Na v.v... đều do người sau thêm vào, nếu quý vị không tin thì có bạn nào đi với chúng tôi vào Niết Bàn hỏi Phật cho ra lẽ.

Kính thưa các bạn! Các bạn tu hành chưa chứng đạt chân lý, chưa có Tam Minh thì xin các bạn đừng dùng tri kiến hạn hẹp mà nói chuyện đến các bậc A-la-hán Thánh Tăng thì lỗi của các bạn lớn lắm. Các bạn biết gì về A-la-hán mà nói đến các bậc A-la-hán, chỉ khi nào các bạn chứng quả A-la-hán thì các bạn mới nói A-la-hán.

Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe chứ đừng dùng tri kiến hạn hẹp mà luận những điều mình không thấy, không biết là để lộ sự ngu dốt của mình cho mọi người thấy. Tóm lại những gì các bạn chứng ngộ được thì hãy nói còn những gì chưa chứng ngộ được thì xin các bạn hãy im lặng mà nghe.

 

48. ĐẠI THỪA CÓ Ý ĐỒ DIỆT PHẬT GIÁO

          Trong kinh Đại Thừa Duy Ma Cật, ngoại đạo viết kinh này đã có ý đồ diệt Phật giáo bằng cách hạ bệ các bậc A-la-hán hàng đại đệ tử của Đức Phật. Ông Xá Lợi Phất được Đức Phật xem là người đệ tử đệ nhất trí tuệ. Thế mà trong kinh Duy Ma Cật xem ông Xá Lợi Phất chẳng ra thứ gì. Bây giờ đến thầy Chân Quang cũng đi theo lối mòn của các Tổ, muốn dùng lý luận học giả để hạ bệ hai vị đại đệ tử A-la-hán của Phật: Ông Ca Diếp và ông Phú Lâu Na. Thầy Chân Quang không hiểu những bài kinh do các giáo sĩ Bà La Môn lồng vào trong kinh sách Phật để diệt Phật giáo.

          Như chúng ta biết hai vị A-la-hán, ngài Ca Diếp và ngài Phú Lâu Na là hai vị đại đệ tử của Phật, tu hành đã chứng quả A-la-hán hẳn hoi. Giáo sĩ Bà La Môn bịa đặt ra câu chuyện bỏ những giới nhỏ nhặt, chứ giới luật là thiện pháp, là đạo đức giúp người tu ly dục ly ác pháp để tâm bất động trước các ác pháp, để được tâm giải thoát hoàn toàn, để tâm nhập Sơ Thiền. Và như vậy thì có giới nhỏ nhặt nào phải bỏ, chỉ có một số tỳ-kheo chạy theo dục lạc mới a dua theo Bà La Môn mà tuyên bố bỏ những giới nhỏ nhặt.

          Đối với hai vị A-la-hán này thì sự giải quyết bỏ những giới nhỏ nhặt đâu phải là việc khó. Vì họ có đủ Tam Minh nên nhập vào Niết Bàn sẽ hỏi Đức Phật bỏ những giới nào? Tại sao hai vị A-la-hán có đầy đủ thần thông mà không làm điều này lại còn tranh cãi với nhau không khác gì phàm phu. Đại Thừa có thủ đoạn nhưng không khôn ngoan, lồng những đoạn kinh này để lừa đảo tín đồ Phật giáo.

Trí tuệ học giả tưởng giải của thầy Chân Quang lọt vào cạm bẫy của Bà La Môn nên đã vô tình nối giáo cho Đại Thừa hạ bệ những vị đại đệ tử của Đức Phật một cách quá đáng. Hai vị đại đệ tử này đều từ giới luật mà đạt được quả vị A-la-hán. Không do giới thì làm sao các ông có được thiền định, có được Tam minh, chứng quả A-la-hán. Sao các ông lại bỏ những giới luật nhỏ nhặt? Điều vô lý hết sức. Các bậc A-la-hán đều do giới sanh ra, cho nên Đức Phật nói: Ta nói giới luật là Ta nói tâm ly dục ly ác pháp. Nếu tâm không ly dục ly ác pháp thì làm sao chứng quả A-la-hán được. Phải không quý vị?

Cho nên các nhà Đại Thừa đã dìm Phật giáo xuống một cách trắng trợn, thầy Chân Quang không hiểu lại bắt chước ngoại đạo diệt Phật giáo một lần nữa. Cho các bậc A-la-hán Thánh Tăng của Phật giáo như kẻ phàm phu không bằng chư Thiên. Đó là một lời phỉ báng Phật giáo tận cùng, sau này thầy Chân Quang không thể tránh khỏi quả báo này.

Các bậc Hòa Thượng tôn túc chỉ có vô tình xương minh Đại Thừa mà còn chịu nghiệp quả khổ đau tận cùng. Các vị A-la-hán này sống một đời sống Phạm hạnh, giới luật nghiêm chỉnh mà lại tranh chấp bỏ những giới nhỏ nhặt. Trong khi Đức Phật dạy: Phải sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt. Như vậy Phật dạy bỏ hay các Tổ bỏ?

          Kính thưa các bạn! Bây giờ các bạn xét tất cả tu sĩ Phật giáo sẽ thấy không có một vị Hòa Thượng nào sống bằng các vị A-la-hán đó được, các vị ấy là những bậc Thánh Tăng, thế mà thầy Chân Quang dám phỉ báng những bậc A-la-hán như vậy, để rồi quý vị hãy xem những kẻ phỉ báng bậc A-la-hán Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật. Dám phỉ báng những bậc A-la-hán như ngài Ca Diếp và ngài Phú Lâu Na là phỉ báng Phật giáo. Đức hạnh của ngài Phú Lâu Na và ngài Ca Diếp khó có ai sánh kịp.

          “Một hôm Ngài xin Phật để đi độ chúng sanh ở xứ Sunaparanta thì Đức Phật hỏi Ngài: Độc ác, thô bạo, này Punna là người xứ Sunàparanta nếu người xứ đó chửi bới nhiếc mắng ông, ở đây ông nghĩ thế nào?

          - Nếu người xứ đó chửi bới nhiếc mắng con, ở đây con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện là người xứ đó. Vì những người đó không lấy tay đánh đập con.”

          - Nếu như người xứ đó lấy tay đánh đập ông, thì ông nghĩ sao? Nếu người xứ đó lấy tay đánh đập con thời con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện. Vì những người xứ này không đánh đập con bằng cục đất.”

          - Nhưng nếu họ đánh đập ông bằng cục đất, thì ở đây ông nghĩ thế nào? Vậy con sẽ nghĩ: “Thật là khéo hiền thiện. Vì những người xứ này không đánh đập con bằng gậy.”

          - Nhưng nếu họ đánh đập ông bằng gậy thời ông nghĩ thế nào? Vậy con sẽ nghĩ: “Thật là khéo hiền thiện, vì những người xứ này không đánh đập con bằng kiếm.”

          - Nhưng nếu những người này đánh ông bằng kiếm, thì ông nghĩ như thế nào? Con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện, vì những người này không đoạn mạng con với cây kiếm sắc bén.”

          - Nếu họ đoạn mạng ông với cây kiếm sắt bén, thì ông nghĩ như thế nào? Vậy con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện vì người xứ đó vẫn còn thương con.”

          Câu chuyện trên đã nói lên được đạo hạnh của một vị Thánh Tăng không thể lường được. Đến mức độ người ta giết ông, ông vẫn còn thương người ta. Một người như vậy là người đã ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì làm gì còn tranh chấp những việc nhỏ nhặt đó. Phải không hỡi các bạn? Mà ly dục ly ác pháp thì đâu phải ly bằng ngôn ngữ được mà phải ly bằng giới luật.

Đọc lại một đoạn tiểu sử của Ngài Phú Lâu Na, chúng ta thấy rõ ràng Ông Phú Lâu Na là bậc Thánh Tăng. Không lẽ một vị Thánh Tăng mà lại tuyên bố bỏ những giới nhỏ nhặt như vậy thì thật là vô lý. Đúng là lý luận này của ngoại đạo để diệt Phật giáo.

Tóm lại, việc phỉ báng bậc Thánh Tăng A-la-hán đại đệ tử của Đức Phật là một việc làm tội lỗi rất lớn đối với Phật giáo, đối với loài người. 

49. ĐỨC PHẬT VÀ CHÚNG THÁNH TĂNG
ĐỀU ĂN NGÀY MỘT BỮA MÀ CHỨNG ĐẠO

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Thật tình chúng con rất mến mộ thầy Chân Quang, chính chúng con đã kêu gọi bạn bè đóng góp tiền để in quyển sách Luận Về Nhân Quả. Thậm chí những cuộn băng của thầy Chân Quang chúng con rất quý.

Nhưng từ khi chúng con nghe được cuộn băng mà thầy Chân Quang nói về Thầy Thông Lạc, có những điểm mà trước đây chúng con nghe qua những cuốn sách, băng của Thầy giảng viết thì khác, có những điểm như thế này.

 Ví dụ: thầy Chân Quang nói rằng thầy không có đồng ý với sư ông (thầy Chân Quang đang nói chuyện với các đệ tử nên gọi là sư ông). Nói rằng sư Ông Thông Lạc còn những điểm mà thầy không đồng ý là ăn uống không đủ chất bổ, ăn uống không đủ chất bổ thì không thể nhiếp tâm được, thậm chí mình ăn no đi, ăn thật no nữa là chỉ cần đi kinh hành một chút xíu thì bắt chân lên ngồi là nhiếp tâm được liền, còn ăn uống thiếu thì nó hại đến não thì làm cho mình bệnh hoạn này kia. Đó là Sư ông ở tu viện Chơn Như bệnh nặng lắm. Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho.

          Đáp: Để xác định điều này quý cư sĩ về đây trực tiếp gặp Thầy, có thấy Thầy bệnh nặng không?

          - Dạ không, Thầy không có bệnh nặng.

          Thầy làm việc suốt đêm từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm, rồi Thầy chỉ đi nghỉ chút xíu, khuya Thầy dậy tọa thiền phục hồi sức khỏe để ngày hôm sau làm việc nữa. Trong một thời gian ngắn chưa đầy 3 năm bộ sách Đường Về Xứ Phật nhiều tập và các tập sách khác trên 5000 trang giấy được Thầy soạn thảo ra. Một khả năng làm việc phi thường như vậy thì các phật tử cũng đủ biết Thầy làm việc rất nhiều.

Và Thầy còn tiếp tục soạn thảo bộ sách đạo đức làm người nhiều tập. Trong lúc ấy Thầy vừa trả lời thư các cư sĩ bốn phương và cũng vừa làm việc trên máy vi tính để in thành sách với những trang sách có mỹ thuật như người chuyên nghiệp nhằm để hoàn tất một cuốn sách đẹp, chứ không in bừa bãi thiếu mỹ thuật.

Thầy làm việc như vậy quý phật tử phải thấy được sức khoẻ của Thầy không kém thua những người còn trẻ. Trong lúc tuổi Thầy đã 78. Nhất là Thầy chỉ ăn ngày một bữa. Ăn ngày một bữa không thiếu sức khỏe, không bị bệnh đau. Ăn ngày một bữa ít bệnh đau hơn người ăn nhiều bữa. Đau bệnh phần lớn là tâm phiền não, giận hờn lo lắng, khổ đau, thương ghét v.v…

Kế đó là do ăn uống không điều độ, ăn uống quá nhiều, ăn uống phi thời, ăn nhiều bữa, ăn uống không vệ sinh v.v… Ăn uống nhiều sanh ra dục tầm liên hệ giữa nam nữ phạm cấm giới làm hư hoại Phật pháp, còn ăn ngày một bữa đủ sống không sanh dục, không hôn trầm, dễ tu hành. Trong giới luật của Phật đã cấm không cho tu sĩ ăn uống phi thời.

Người mới vào tu như một Sa Di Tăng hay Sa Di Ni, thọ 10 giới thì giới thứ 9 cấm ăn phi thời, còn tỳ-kheo thì thọ 250 giới. Giới thứ 37 cấm ăn phi thời, giới này thuộc giới đọa địa ngục (Ba dật đề).

Lý luận của thầy Chân Quang ở trên là lý luận của người phá giới để chạy theo tham dục về ăn uống. Những lý luận của thầy Chân Quang, tức là thầy Chân Quang không hiểu thiền của đạo Phật, thầy dẫm lại lối mòn của các Tổ nên bảo: “Ăn thật no chỉ cần đi kinh hành một chút xíu thì bắt chân lên ngồi là nhiếp tâm được liền.

Như quý phật tử đã biết thiền của Phật là phải lìa tâm tham diệt ác pháp, chứ không phải ngồi bắt chân lên là nhiếp tâm không vọng tưởng. Thiền của Phật là ngăn ác diệt ác pháp tức là ly dục ly ác pháp, cho nên còn tham ăn, tham dục mà gọi là thiền định thì đó là tưởng thiền, thiền Đông Độ, thiền Đại Thừa v..v…

          Tóm lại, ngày xưa Đức Phật và chúng Thánh Tăng ăn ngày một bữa, tu hành chứng đạo làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi sanh tử, còn bây giờ tu sĩ ăn uống phi thời cho bổ khỏe, phá giới luật Phật tận cùng, sống đời sống phi Phạm hạnh. Vì thế chẳng có vị tu sĩ nào chứng quả giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt luân hồi sanh tử được. Rất uổng phí một đời tu hành, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo.

Thầy Chân Quang dựa vào các ông thầy nhập định tưởng, các nhà ngoại cảm lên đồng, nhập cốt mà cho rằng họ tu chứng, tu chứng như vậy không phải của đạo Phật. Bởi vì Đức Phật đã xác định: Giới luật còn thì đạo Ta còn, giới luật mất thì đạo Ta mất. Những ông thầy nhập định tưởng và các nhà ngoại cảm lên đồng, nhập cốt đều sống phi Phạm hạnh, sống phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới thì những vị này đâu xứng đáng là người tu chứng của đạo Phật.