“1. Này các Hiền giả, ở đây vị tỳ-kheo sống cung kính tuỳ thuận bậc Đạo Sư.
2. Sống cung kính tùy thuận pháp.
3. Sống cung kính tuỳ thuận chúng Tăng.
4. Sống cung kính tuỳ thuận học pháp.
5. Sống cung kính tuỳ thuận không phóng dật.
6. Sống cung kính tuỳ thuận lễ phép xã giao.” (Tức là khéo léo thiện xảo thích ứng trong mọi hoàn cảnh về oai nghi tế hạnh của một người tu tập theo chánh pháp Nguyên Thuỷ).
Đức Phật dạy chúng ta có sáu điều phải cung kính, phải tuỳ thuận. Vậy, cung kính và tuỳ thuận nghĩa là gì? Cung kính là tỏ lòng tôn trọng, kính mến, không có chút lòng khinh bỉ xem thường, luôn luôn ngưỡng mộ mến yêu. Tùy thuận là bằng lòng sống và làm theo đúng không sai một li hào nào, làm y như… làm giống như… không sai khác.
1- “Sống cung kính tuỳ thuận bậc Đạo Sư.” Người tu sĩ và người cư sĩ khi chọn một vị Thầy xứng đáng làm Thầy của mình thì phải hết lòng cung kính tôn trọng và phải sống như Thầy của mình.
Ví dụ: Chúng ta cung kính và tôn trọng Đức Phật, không có nghĩa là đến chùa cúng bái, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, hoặc chiêm ngưỡng dung nhan Phật hoặc quỳ lạy. Sự cung kính như vậy là hình thức bên ngoài không nói lên được lòng cung kính ở nội tâm. Theo nghĩa Đức Phật dạy tùy thuận tức là sống như Phật, Phật sống như thế nào mình sẽ sống như vậy, sống giống như Phật thì mới gọi là cung kính, tôn trọng Phật. Nếu ai chấp hành nghiêm chỉnh sống như Phật, làm như Phật thì người ấy hoàn toàn giải thoát không còn khổ đau.
Ví dụ: Phật sống mười phần, chúng ta mới bắt đầu tập sống như Phật một phần, rồi cố gắng lên hai phần, ba phần, bốn phần, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười phần. Khi sống đúng mười phần là sống y như Phật.
Trước khi muốn sống như Phật chúng ta nên xem xét Đức Phật sống như thế nào? Khi ăn, khi ngủ, khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi nói chuyện, khi làm thinh, khi quét sân, khi nhổ cỏ, khi đi khất thực, v.v… Có quan sát như vậy, chúng ta mới cố gắng bắt chước sống như Phật, làm như Phật.
Sống như Phật, làm như Phật không phải dễ, phải cố gắng rèn luyện tập sống hằng ngày từng hành động thì có thể sống như Phật mới được.
Tóm lại: sống như Phật, làm như Phật là tôn trọng, cung kính, thương mến tùy thuận Phật.
2- “Sống cung kính tuỳ thuận Pháp.” Cung kính tùy thuận các bạn đã hiểu nghĩa, còn Pháp thì phải hiểu cho rõ ràng, bởi vì trên đời này có rất nhiều pháp, nhưng toàn là pháp ảo tưởng trừu tượng mê tín, tu tập không đến đâu cả.
Muốn sống tu hành để thoát ra khỏi lưới nhân quả thì duy nhất chỉ có Pháp Thiện, nhưng Thiện là một danh từ chỉ chung chung, vì thế phải từ trên pháp Tứ Niệm Xứ.
Trên pháp Tứ Niệm Xứ ta phải tu tập từ pháp dễ đến pháp khó hơn. Bắt đầu là phải tu pháp Tứ Chánh Cần, trên Tứ Chánh Cần ta phải tu Tứ Bất Hoại Tịnh. Tu Tứ Bất Hoại Tịnh là phải sống như Phật, như Pháp, như Tăng, như Giới. Muốn sống như Phật, như Pháp, như Tăng, như Giới thì phải tu tập Tứ Vô Lượng Tâm.
Muốn tu tập Tứ Vô Lượng Tâm ta phải tu tập Định Niệm Hơi Thở, Định Sáng Suốt, Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác. Khi chọn pháp xong mỗi khi muốn tu tập một pháp nào ta hãy ăn mặc tề chỉnh hướng về Pháp mà đảnh lễ ba lạy rồi bắt đầu sống như pháp, sống như pháp mà chúng ta gọi là tu tập. Đây la điều cung kính thứ hai mà Đức Phật đã dạy: “Sống cung kính tùy thuận Pháp.”
Ngoài những pháp đã học ở trên (37 phẩm trợ đạo), còn những pháp khác thì chúng ta không cung kính và tùy thuận. Một người tu theo đạo Phật cần nên lưu ý để thực hiện cho đúng lời dạy trên đây để khỏi phụ lòng một bậc Thầy vĩ đại.
3- “Sống cung kính tuỳ thuận chúng Tăng.” Tăng là một bậc Đạo Sư của chúng ta, vì thế chúng ta phải chọn lựa cho kỹ lưỡng. Bởi vì Tăng có rất nhiều hạng nhưng gồm chung lại chia làm hai dạng:
(1) Tăng phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, chà đạp giới, xem thường giới, khéo che đậy giới;
(2) Tăng thanh tịnh giới không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào.
Trong hai hạng Tăng này chúng ta hãy chọn Tăng thanh tịnh giới làm Thầy, làm Đạo Sư. Khi chọn đúng bậc Đạo Sư thì ta nên y chỉ sống như bậc Đạo Sư của mình không hề sai khác của Người, lúc nào cũng gần gũi thân cận Người để thưa hỏi những điều cần biết, cần tu tập. Có sống như bậc Đạo Sư và thưa hỏi cặn kẽ tất cả những thiện pháp để tránh những ác pháp, có sống đúng như vậy thì mới xứng đáng lời dạy của Phật: “Sống cung kính tuỳ thuận chúng Tăng.”
Sống cung kính tuỳ thuận chúng Tăng là sống như trên đã dạy, chứ không phải cúng dường trai tăng như trong các chùa Đại Thừa hoặc chúng Tăng phạm giới phá giới cũng không dám nói, không dám chỉ thẳng những sự sai phạm đó là cung kính tuỳ thuận. Cung kính tùy thuận như vậy là sai không đúng pháp.
Bởi, cung kính Tăng là phải cung kính cho đúng pháp. Thấy Tăng sai thì nên nói thẳng để chúng Tăng sửa sai lại. Dám nói thẳng như vậy là cung kính Tăng, không dám nói thẳng là không cung kính Tăng. Vấn đề sống cung kính tuỳ thuận chúng Tăng là vấn đề hết sức tế nhị, các bạn muốn sống được như vậy khi thấy một vị Tăng phạm giới thì mau mau thẳng thắn nói rõ ra. Đó là cung kính tùy thuận chúng Tăng. Xin các bạn nên lưu ý.
4- “Sống cung kính tuỳ thuận học Pháp (Giới Luật).” Trước khi sống tùy thuận giới luật chúng ta phải nghiên cứu tất cả hạnh Phạm Thiên. Hạnh Phạm Thiên tức là giới luật của Phật. Giới luật Phật có trước Phật là vì Phạm Thiên có trước. Trong kinh thường nhắc đến hạnh Phạm Thiên, hạnh Phạm Thiên gồm có giới đức, giới hạnh và giới hành.
Tất cả các tôn giáo giáo khác đều có giới luật, nhưng giới luật của họ là giáo điều chứ không phải là đức hạnh nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người như đạo Phật. Khi chúng ta đã chọn giới làm cuộc sống cho mình thì lúc nào cũng phải sống như giới, giới luật dạy sao ta làm đúng và sống đúng như vậy, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì đó là ta đã sống cung kính tuỳ thuận Giới.
Sống cung kính tuỳ thuận giới mang đến cho chúng ta có một tâm hồn cao thượng tuyệt vời, luôn sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Sống đúng giới là mang đến hạnh phúc an vui cho muôn loài mà chính giới luật mang lại sự giải thoát sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.
Hạnh phúc vui thay cho những ai biết sống đúng giới. Sống đúng giới tức là sống đúng lời dạy của Đức Phật: “Sống cung kính tuỳ thuận Giới.” Chúng tôi ước mong sao trên cuộc đời này mọi người đều sống đúng như Giới thì cuộc đời này là Thiên Đàng, Cực Lạc.
5- “Sống cung kính tuỳ thuận không phóng dật.” Sống cung kính tuỳ thuận không phóng dật là sống độc cư. Sống độc cư là sống phòng hộ sáu căn. Sống phòng hộ sáu căn là giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Nói độc cư thì dễ nhưng sống đúng độc cư không phải dễ.
Không sống đúng độc cư thì không bao giờ có giải thoát. Ở đây Phật dạy: “Sống cung kính tuỳ thuận không phóng dật” có nghĩa là phải cung kính tôn trọng hạnh độc cư, vì có cung kính tôn trọng hạnh độc cư thì tâm mới không phóng dật.
Chúng ta hãy nghe Đức Phật nói: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật.” Vậy, tâm còn phóng dật là tâm chưa giải thoát. Thưa các bạn! Các bạn đã về tu viện Chơn Như tu tập. Các bạn có thấy chăng? Tất cả tu sĩ và cư sĩ về đây tu tập họ không sống đúng giới luật ba đức ba hạnh, nhất là không cung kính tôn trọng hạnh độc cư nên sự tu tập không có kết quả. Sự tu tập không có kết quả nên họ bị thối chuyển, bỏ cuộc tu hành.
Thưa các bạn! Các bạn có nhân với tu viện nhưng các bạn không có duyên, vì vậy các bạn phải biết tiếp tục tạo duyên mới. Tạo duyên mới như thế nào? Tạo duyên mới là các bạn phải tu tập đúng giới luật và pháp do lời dạy của Thầy Chơn Như thì đó là tạo duyên mới, còn các bạn sống và tu tập không đúng lời dạy này là các bạn tạo hết duyên. Khi hết duyên thì không bao lâu các bạn sẽ rời khỏi tu viện.
Có nhân là các bạn có gặp nhau với Thầy, nhưng duyên không có nên các bạn không sống đúng lời dạy của Thầy. Vì thế chúng ta không được ở gần nhau và do đó các bạn biết rằng các bạn có duyên với ngoại đạo, vì các bạn đã gieo duyên quá sâu dày. Mặc dù pháp tu không giải thoát nhưng các bạn vẫn phải bám trụ với nó. Do bám trụ mãi mãi để rồi các bạn tiếp tục với cái duyên của ngoại đạo từ kiếp này đến kiếp khác trong vô lượng kiếp luân hồi, lên xuống trong khổ đau triền miên bất tận.
Pháp mà Đức Phật đã dạy là pháp rất lợi ích cho bản thân của các bạn, nhưng các bạn không gieo duyên thì làm sao các bạn tu tập được, thường các bạn bỏ pháp chánh tìm pháp tà. Vì tà pháp còn mang đầy ắp tâm dục, nên chi nó cùng đi với con đường dục của thế gian.
Cho nên thuần đường dục, tuy không giải thoát nhưng các bạn vẫn thích, vì tà pháp: danh, lợi, thực thuỳ đầy đủ. Ngược lại chánh pháp thì ly dục ly ác pháp, sống trầm lặng độc cư một mình, hằng ngày ngồi quét tâm tham, sân, si không để một bóng dáng dục còn sót lại trong tâm. Con đường đi ngược chiều danh lợi thực thuỳ không khó nhưng lại khó là vì đi theo nghiệp lực nhân quả.
Tất cả mọi người về tu viện chỉ có “Sống cung kính, tuỳ thuận không phóng dật,” thế mà ai nấy cũng đều bỏ cuộc. Cho nên Phật giáo mất là đi ngược lại dòng đời. Do không sống đúng lời dạy của Đức Phật “Sống cung kính, tuỳ thuận không phóng dật.” Đó là vì các bạn có nhân mà không có duyên, nhưng các bạn không tạo duyên mới, do đó các bạn đi vào ngõ cụt của đường tu.
6- “Sống cung kính tuỳ thuận lễ phép xã giao.” (Tức là khéo léo thiện xảo thích ứng trong mọi hoàn cảnh về oai nghi tế hạnh của một người tu tập, theo chánh pháp Nguyên Thuỷ). Đây là điều cung kính cuối cùng trong Phật pháp, chúng ta hãy đọc và xem xét kỹ lời dạy và hãy lặp lại những chữ cần thiết trong lời dạy này: “Cung kính, tuỳ thuận lễ phép xã giao.”
Cung kính tùy thuận các bạn đã hiểu nghĩa, nhưng còn bốn chữ lễ phép xã giao. Vậy “Lễ phép xã giao” nghĩa là gì? Đối với đạo Phật, lễ phép xã giao không phải là theo lễ phép xã giao thường như ngoài đời, mà lễ phép xã giao là sống đối xử với nhau không làm khổ mình khổ người, tức là biết nhẫn nhục, tuỳ thuận và bằng lòng.
Lễ phép xã giao là cách đối sử với mọi người luôn luôn phải thấy mọi người đều là người tốt, người thiện, như Đức Phật đã dạy: “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người.”
Nhờ thấy như vậy, nên đó là cách thức cung kính, tuỳ thuận lễ phép xã giao của đạo Phật, khiến cho sự sống tràn đầy hạnh phúc an vui cho mình và cho người.
Cách thức lễ phép xã giao của đạo Phật là các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện.
Cho nên cuộc sống chung đụng đối xử với nhau là phải lấy lễ phép xã giao tức là ngăn ác diệt ác pháp, luôn luôn sanh thiện tăng trưởng thiện.
Muốn được vậy thì hằng ngày phải tâm niệm:
“Biết chuyện mình không nên biết chuyện người, người làm hay không làm là điều của họ, còn ta thì nên sửa mình từng phút từng giây không nên biếng trễ.”
Xin các bạn lưu ý, có biếng trễ là có khổ đau. Tóm lại, “Sống cung kính, tuỳ thuận lễ phép xã giao” của Phật giáo bằng câu Kinh Pháp Cú:
“Không nên nhìn lỗi người
Người làm hay không làm
Nên tự nhìn thân ta
Có làm hay không làm.”
39. HỔ THẸN
Đạo Phật lấy thiện pháp làm pháp môn tu tập để đẩy lùi các ác pháp, nên đạo Phật có một nền đạo đức nhân bản – nhân quả làm Người, làm Thánh được Đức Phật chú ý hàng đầu. Vì thế toàn bộ kinh sách Phật giáo đều lấy giới luật làm gốc để dạy người tu tập từ cơ bản đến Tam Minh. Bởi vì con người cũng chỉ là một loài động vật, nhưng loài động vật cao cấp. Dù cao cấp đến đâu bản chất loài động vật vẫn còn.
Muốn trở thành một con người thật là con người thì phải sống có đạo đức trọn vẹn, sống một đời sống biết thương người, thương vật như thương chính mình. Đạo đức làm người chưa đủ để giúp cho chúng ta thoát kiếp làm người đầy khổ đau.
Vì vậy, chúng ta phải tiến bước trên đường đầy đủ trọn vẹn đạo đức cao hơn nữa để trở thành những bậc Thánh vô lậu, làm chủ bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Đó là ước vọng của những người có cái nhìn thấy thế gian này khổ như thật, và biết pháp Phật là giới luật đạo đức cao quý tuyệt vời, giúp con người mãn nguyện.
Cho nên những vị tỳ-kheo Tăng và tỳ-kheo Ni hoặc những vị cư sĩ xem thường giới luật, luôn luôn sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, để chạy theo dục lạc thế gian thì dù có tu trăm ngàn kiếp cũng chỉ thành loài sâu bọ trong Phật giáo mà thôi. Những người tu sĩ hoặc cư sĩ sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, thường đắm chìm trong dục lạc thế gian thì không bao giờ tìm thấy sự hỷ lạc, giải thoát trong đao Phật, bởi vì Đức Phật đã xác định: “Do ly dục sanh hỷ lạc.” Còn các thầy Đại Thừa và Thiền Tông hiện giờ xem thường giới luật thì dù cho các vị có ngồi thiền một ngàn năm cũng chỉ lạc vào ma thiền chứ không bao giờ chứng được sự giải thoát chân thật.
Giới là một pháp môn vô lậu mà cũng là một pháp môn dạy về đạo đức tuyệt vời. Giới làm Người, giới làm Thánh một cách rõ ràng và cụ thể; giới cũng là một pháp môn để chuẩn bị cho hành giả nhập các loại chánh định.
Nếu không tu giới luật thì không bao giờ nhập chánh định được. Không nhập chánh định được mà nói nhập định là nói vọng ngữ lừa đảo người khác, bởi chánh định là loại thiền định không dành cho những người phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới. Đúng như vậy quý vị ạ!
Người muốn giữ gìn giới luật mà không biết xấu hổ thì không bao giờ giữ gìn giới luật được, cũng giống như người muốn tu thiện pháp mà không biết xấu hổ thì không bao giờ tu tập thiện pháp được. Đó là một điều xác quyết chắc chắn như vậy, không ai có thể thay đổi được điều này. Nếu ai dám cả gan thay đổi pháp môn của Đức Phật là sẽ tu tập lạc vào pháp tà đạo.
Người muốn giữ gìn đức hạnh làm Người, làm Thánh mà không biết xấu hổ thì chẳng bao giờ giữ gìn đức hạnh được, cũng như thế, người muốn tu hành giải thoát mà không biết xấu hổ thì không bao giờ có giải thoát được. Chỉ có pháp ngoại đạo mới không biết xấu hổ.
Bởi vậy, tàm quý (xấu hổ) là đức hạnh mà người không tôn giáo cũng như người có tôn giáo đều phải quý trọng hơn vàng bạc, châu báu, ngọc ngà vì nó giúp cho con người có đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh; nó giúp cho con người giải thoát khỏi tâm phiền não, khổ đau, giận hờn, thương ghét; nó giúp cho con người có một cuộc sống an vui, thanh thản và vô sự; nó giúp chuyển cảnh giới thế gian thành Thiên đàng, Cực lạc.
Nếu người nào không biết tàm quý thì người đó chẳng khác loài cầm thú, chẳng còn biết luân thường đạo lý gì cả. Nếu người nào sống trong ác pháp thường làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, mà không biết xấu hổ (tàm quý), thì đó cũng là loài ác thú chứ không còn là con người và còn tệ hơn thế nữa, họ là loài ác quỷ.
Nếu một vị tỳ-kheo Tăng hay một vị tỳ-kheo Ni hay một vị cư sĩ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới mà không biết xấu hổ (tàm quý) thì họ là loài bọ chét trong lông thú vật. Đức Phật thường nhắc nhở chúng tỳ-kheo trong câu nói này: “Trùng trong lông sư tử.”
Những tu sĩ và cư sĩ này không phải đệ tử của Đức Phật. Họ là những người tán tận lương tâm và tệ hơn nữa họ là loài Ma vương cùng với ma chúng đang cố tình diệt Phật giáo.
Tóm lại tàm quý là đức biết xấu hổ, nó là một pháp môn rất cần thiết cho người đời cũng như người trong đạo. Người có quyết tâm tìm đường cứu mình thoát ra sanh, già, bệnh, chết và luân hồi thì tàm quý là pháp môn hàng đầu.
Nếu làm người mà không biết xấu hổ như đã nói thì có khác nào là thú vật, luân thường đạo lý trong thế gian này sẽ đảo lộn, cang thường đạo đức (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) không còn nữa. Người ta sẽ chà đạp lên nhau vì sự sống miếng ăn, manh áo và vật chất; tình người sẽ bị mất đi; trên hành tinh này chiến tranh không bao giờ chấm dứt. Loài người chỉ còn là một loài thú vật thông minh cấu xé, giết hại lẫn nhau mà thôi.
Tóm lại đoạn kinh trên dạy cho chúng ta tu tập đức xấu hổ. Đức xấu hổ là một hành động cao quý tốt đẹp của loài người, nếu không có đức xấu hổ thì con người chỉ là con thú vật. Nhờ đức xấu hổ mà con người không làm điều ác, tăng trưởng làm những điều thiện khiến cho sự sống trên hành tinh này được an vui và hạnh phúc.