34. BÚA TRONG MIỆNG
Lời Phật dạy:
“Con người được sanh ra
Sanh với búa trong miệng
Người ngu nói điều xấu
Là tự chém vào mình.”
Tăng Chi Bộ Kinh tâp 4 trang 469.
Trên đây là một lời khuyên chân thật của Đức Phật đối với loài người. Khi sanh ra làm người, ai ai cũng có chiếc búa trong miệng. Nếu người có trí thì không nói những lời ác mà phải nói lời lành. Chỉ có những người ngu mới nói lời ác. Những lời nói ác và những lời lành rất khó phân biệt.
Vậy, muốn biết lời ác và lời lành thì phải căn cứ vào đâu? Muốn biết lời ác và lời lành thì phải căn cứ vào giới luật Phật mà xác định.
Về lời nói thì có bốn lời nói ác khẩu:
1- Nói lời hung dữ;
2- Nói lời không thành thật
3- Nói xấu người khác;
4- Nói vu khống
Nói lời hung dữ là lời nạt nộ, chửi mắng, la hét, lớn tiếng, gầm thét, la lối, chửi thề, mày, tao, thằng, con, nó, hắn, v.v... Người có những lời nói hung dữ này như búa trong miệng chém vào mình. Khi nói ra những lời này thì người thọ khổ trước tiên chính là thân tâm của họ. Phải không các bạn? Các bạn có thấy những sự việc này xảy ra không?
Người đang chửi mắng người là người nói ác, người nói ác là người khổ đau trước người bị nói. Cho nên người có trí không bao giờ nói xấu ác người khác. Đây, chúng ta hãy lắng nghe cuộc đàm thoại giữa Phật và ông Phú Lâu Na:
“Một hôm ông Phú Lâu Na xin Phật đi hóa độ ở một phương xa, Phật hỏi:
- Ta nghe nói dân ở nước đó hung dữ lắm, liệu ông đến đó có độ được chăng? Họ sẽ chửi ông. Ông có kham nhẫn được không?
- Nếu họ chửi con là họ còn thương con vì họ chưa lấy đá ném con.
- Nhưng họ lấy đá ném ông. Ông nghĩ sao?
- Nếu họ lấy đá ném con, nhưng họ cũng còn thương con chưa lấy dao đâm con.
- Nếu họ lấy dao đâm ông chết thì ông nghĩ gì?
- Nếu họ lấy dao đâm con chết là họ còn thương con, vì họ đâm con chết để con không còn khổ đau nữa, vì mang thân này con phải chịu biết bao nhiêu sự khổ đau của kiếp làm người.
- Thôi! Ông hãy đi! Đi!”
Trên đây là một bài học đạo đức rất thực tế và cao thượng tuyệt vời qua sự đối đáp của Phật và ông Phú Lâu Na. Cho nên kẻ nào ngu si mới dùng lời nói ác; chửi mắng người, mạ lị mạt sát người, nói xấu người, đặt điều nói xấu người, nói không đúng sự thật, nói vu khống vu oan người, nói thêu dệt, nói lật lọng, lấy trái làm phải, lấy phải làm trái, v.v…
Cho nên trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:
“Con người được sanh ra
Sanh với búa trong miệng
Người ngu nói điều ác
Là tự chém vào mình.”
Các bạn có nhìn thấy một người đang chửi mắng người khác chăng? Họ la lối, múa tay, múa chân, dùng hết sức để la cho to tiếng, như cái loa. La lối như vậy là tự làm hao sức lực của mình. Đó là tự làm khổ mình, là búa trong miệng trở lại chém mình.
Người nói lời không thật, nói lời hung dữ, nói xấu người, nói vu khống, nói lật lọng, nói thêu dệt, nói ác cho người khác, nói phỉ báng, nói mạ nhục, nói vu oan, v.v... như trên đã nói. Những lời nói đó là búa trong miệng sẽ tự chém lại người đó. Ở đây, Đức Phật cho những người có lời nói như vậy là người ngu.
Người có trí thông minh không bao giờ có những lời nói hung ác như vậy, lời nói của họ rất ngọt ngào, êm dịu, không dối trá, không hung dữ, v.v... Khi nói đến một việc gì thì chúng ta phải thông suốt việc ấy, nếu chưa thông suốt mà vội đem ra bàn thì lời nói của chúng ta là lời nói dối. Lời nói dối là lưỡi búa trong miệng sẽ chém lại chúng ta, tự biến mình trở thành kẻ nông nổi, cạn cợt, có ác ý, chủ quan, kiến chấp, thiếu trí tuệ, không chân thật, mất uy tín, v.v...
Xin các bạn nên lưu ý giữ gìn lời nói như giữ tròng con mắt, nếu một khi lỡ lời nói không lấy lại được thường lời nói hay làm khổ mình khổ người và khổ cả hai. Cho nên các bạn hãy tu khẩu hành (miệng) của mình.
Lấy gương ông Phú Lâu Na đối với mọi người như vậy thì ngay đó chúng ta đã tìm thấy sự an vui thanh thản an lạc và hạnh phúc ngay liền và không có một ác pháp nào tác động được vào thân tâm.
35. NHÌN LỖI MÌNH
Lời Phật dạy:
“Không nên nhìn lỗi người
Người làm hay không làm
Nên tự nhìn thân ta
Có làm hay không làm.”
Kinh Pháp Cú
Lời nhắc nhở khuyên nhủ trên đây của Đức Phật nhằm giúp chúng ta khi tu hành không nên nhìn ra ngoài, mà hãy nhìn vào trong ta, kiểm điểm lại ta, quan sát lại ta, tư duy về ta... để tìm ra những lỗi lầm của mình, nhờ có thấy được lỗi lầm, ta mới cố gắng khắc phục làm không cho phạm phải những lỗi lầm đó nữa. Nếu hằng ngày chuyên cần làm những công việc này, tức là ngăn ác và diệt ác pháp thì tâm ta không còn lỗi lầm. Tâm không còn lỗi lầm là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là tâm vô lậu, là tâm hết khổ đau.
Lời khuyên: “Không nên nhìn lỗi người.”
Biết lỗi người thì tâm ta sinh ra đau khổ. Thường ở đời người ta đều thấy lỗi người chứ ít ai thấy lỗi mình, do đó tâm nhiều đau khổ, vì vậy Đức Phật khuyên dạy: “Không nên nhìn lỗi người.”
Người làm ác làm thiện ta không nên lưu ý đến, họ làm ác thì họ phải chịu mọi sự khổ đau, chứ ta cũng không chịu thế cho họ được, vì vậy ta không lưu ý đến mọi việc của người khác như lời khuyên này: “Người làm hay không làm” ta không cần biết đến, chỉ “Nên tự nhìn thân ta” xem xét lại ta, coi ta có tạo nên lỗi lầm gì không? Nếu có lầm lỗi thì cố gắng khắc phục, đừng để vi phạm những lỗi lầm đó nữa. Bốn câu kệ trên đây là dạy chúng ta tu tập Tứ Chánh Cần, các bạn có lưu ý điều này chăng? Đạo Phật tu tập rất nhẹ nhàng không có ức chế tâm chút nào cả. Phải không các bạn? Tu tập như ngồi chơi mà giải thoát thực sự. Cho nên không ai ngờ.
Người tu hành bây giờ là tu sai vì dụng công quá nhiều, phí năng lượng, phí sức nên bị hôn trầm thùy miên vô ký tấn công. Hằng ngày chỉ biết quan sát lại thân tâm mình, tìm xem có những ác pháp nào xâm chiếm vào nó thì phải ngăn và diệt. Còn về tâm cũng vậy, khi có một niệm nào khởi lên lầm lỗi thì phải mau mau diệt.
Sống hằng ngày mà nỗ lực tu tập như bốn câu kệ trên thì cuộc sống chúng ta có một đời sống an lạc và hạnh phúc tuyệt vời. Chỉ cần sống đúng như bốn câu kệ trên đây thì cũng đã giải thoát rồi, còn gì để tu tập nữa. Phải không các bạn? Tu tập như các bạn chúng tôi cảm nhận, dường như các bạn tu sai không đúng pháp, nếu qua bốn câu kệ trên đây thì rõ ràng là các bạn đã tu sai pháp. Các bạn nên lưu ý mà sửa lại thì mới thấy lời dạy của Phật là thực tế: “Pháp của Ta không có thời gian đến để mà thấy.”
36. HƯƠNG ĐẠO ĐỨC
Lời Phật dạy
“Ít giá trị hương này.
Hương già la, chiên đàn.
Chỉ hương người đức hạnh.
Xông ngát mấy trời xa.”
Kinh Pháp Cú
Người tu hành theo Phật giáo phải lấy giới luật (đức hạnh) làm cuộc sống. Vì chính giới luật đức hạnh mới xác định giá trị của một người tu giải thoát. Người tu hành phạm giới, phá giới như đa số các tu sĩ và cư sĩ hiện giờ bên Đại Thừa, Nam Tông, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông thì không xứng đáng là đệ tử Phật, không xứng đáng là tín đồ Phật giáo. Họ chỉ là những tu sĩ và cư sĩ của Bà La Môn giáo mang danh Phật giáo chứ chẳng có chút gì là Phật giáo cả. Cho nên trong kinh Pháp Cú dạy: Không mùi hương nào bay ngược chiều gió mà chỉ có hương đạo đức (Giới luật):
“Không một hương hoa nào
Bay ngược chiều gió thổi
Chỉ hương người đức hạnh
Bay ngược gió bốn phương.”
Người giữ gìn giới luật nghiêm túc là người giữ gìn thanh danh và uy tín của Phật giáo. Trước lúc nhập Niết Bàn Đức Phật đã di chúc: “Giới luật còn là Phật giáo còn, Giới luật mất là Phật giáo mất.” Nếu tu sĩ và cư sĩ cố gắng giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh không hề vi phạm thì ngày hôm nay Phật giáo đâu có ra nông nỗi như thế này. Hương giới luật không có một mùi hương hoa nào sánh bằng. Vì thế kinh Pháp Cú dạy:
“Chỉ hương người đức hạnh
Xông ngát mấy trời xa.”
Đúng vậy, người giữ gìn giới luật nghiêm túc, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì cả thế giới đều biết họ. Đó là hương giới luật xông khắp mấy trời xa.
Giữ giới luật mà không bị ức chế tâm, không bị gò bó trói buộc mình thì nhất định phải có giới hành. Giới hành tức là ba mươi bảy pháp hành (37 phẩm trợ đạo) để tu tập ly dục ly ác pháp.
Cho nên, trên đường tu tập cầu giải thoát thì giới luật là hành động đạo đức đời sống của người tu sĩ Phật giáo. Nếu ai không chấp nhận giới luật thì xin các bạn vui lòng đừng theo Phật giáo. Vì có theo cũng chẳng có ích lợi gì cho bạn mà chính bạn đã làm cho Phật giáo băng hoại; làm cho Phật giáo mất gốc; làm cho Phật giáo suy đồi. Đó là mùi thối bay khắp muôn phương. Các bạn hãy suy nghĩ lại đi! Có đúng không hỡi các bạn?
37. GIỚI HẠNH
Lời Phật dạy:
“Những ai có giới hạnh
An trụ không phóng dật
Chánh trí, chơn giải thoát
Ác ma không thấy đường.”
Kinh Pháp Cú.
Người tu sĩ và người cư sĩ đã tu tập theo Phật giáo thì phải biết giới luật rất là quan trọng. Nếu người tu sĩ và người cư sĩ nào sống không đúng giới luật thì tu hành chỉ phí công mà thôi. Vả lại, còn phạm tội rất nặng, đó là tội làm cho Phật giáo suy đồi, biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín lạc hậu; biến Phật giáo thành một nghề mê tín lừa đảo người khác để sống (thầy tụng)... Người tu sĩ và người cư sĩ đã tu tập theo Phật giáo thì có ba điều kiện quan trọng cần phải lưu ý:
1- Phải sống đúng giới luật không hề vi phạm lỗi nhỏ nhặt nào.
2- Phải luôn tu tập an trú và giữ tâm không phóng dật bằng các pháp ly dục ly ác pháp.
3- Phải luôn dùng Chánh Tri Kiến trước các ác pháp và các cảm thọ.
Nếu người tu sĩ và người cư sĩ Phật giáo tu tập và giữ gìn tâm được như vậy là thành Chánh Giác không có khó khăn, không có mệt nhọc. Bởi vậy, đạo Phật tu hành không phải khó. Khó là chỗ chúng ta không bền chí, thiếu nghị lực, không gan dạ mà thôi. Phải không hỡi các bạn?
“Những ai có giới hạnh
An trụ không phóng dật
Chánh trí, chơn giải thoát.”
Xin các bạn ghi nhớ ba câu kệ này, nó đã xác định được mục đích và con đường tu theo Phật giáo một cách cụ thể và rõ ràng. Cho nên các bạn tụng kinh, trì chú, niệm Phật, lạy hồng danh chư Phật sám hối chỉ là một hành động mê tín, lạc hậu của những giáo điều ngoại đạo, chứ trong kinh sách Nguyên Thủy Đức Phật luôn dạy chúng ta ngăn ác diệt ác pháp, sống trong thiện và mãi mãi sống trong thiện. Đó là chân giải thoát của Phật giáo.