Chánh Tín - Mê Tín. Kì 36 (117-119)

117. CÔ GÁI CÓ ĐÔI MẮT THẦN KỲ

Nữ bác sĩ quân y Trịnh Tường Linh mới 23 tuổi, người Thiểm Tây Trung Quốc có đôi mắt thần kỳ mà không ai lý giải nổi, nhìn cành hoa thì cành hoa đứt ngang, nhìn cá thì cá chết.

Dùng tai đọc chữ, nếu ai viết một tờ giấy rồi xếp lại nhét vào tai Tường Linh thì Tường Linh đọc không sai chữ nào cả.

Dùng đôi mắt nối được chỉ đứt, kim gãy và cũng đôi mắt đó nhìn thì kim gãy và chỉ lại bị đứt.

Dùng đôi mắt khám bệnh, Trịnh Tường Linh đã khám bệnh cho bốn vạn người. Bệnh nhân thuộc mười mấy tỉnh thành ở Trung Quốc đã mời cô hội chẩn.

Dùng đôi mắt khám thai nhi như máy X quang, như máy siêu âm B và máy rà quét CD.

Ở đây chúng ta thấy rất rõ, nếu mọi người không hiểu biết đều cho tai và mắt Tường Linh là mầu nhiệm, nhưng sự thật không có mầu nhiệm chút nào cả, chỉ Tưởng Uẩn của Tường Linh hoạt động ở tai, ở mắt thì việc làm như trên của Tường Linh làm rất dễ dàng.

Trên đời này không có gì mầu nhiệm vì thân người có năm uẩn đầy đủ khả năng làm bất cứ việc gì, nhưng năm uẩn có chịu làm việc hay không, nếu chịu làm việc thì người nào cũng giống như người nào. Người ta chỉ thấy có người làm được và có người không làm được, vì thế mà mọi người mới cho nó là mầu nhiệm.

Tất cả mọi sự mầu nhiệm chẳng qua chỉ là Tưởng Uẩn hoạt động mà thôi.

Chúng tôi xin kể lại một số người có khả năng tưởng uẩn hoạt động như sau:

1- Cháu Bích Hằng người Việt Nam đã nổi tiếng là nhà ngoại cảm có một cảm nhận chính xác tìm hài cốt liệt sĩ.

2- Bà Vanga người Bungari có đôi mắt không bị thời gian ngăn cách.

3- Trịnh Tường Linh người Trung Quốc có đôi lỗ tai nghe chữ, có đôi mắt nhập định đã cắt đứt cành hoa, nối chỉ và nối kim bị gãy, nhìn cá cá chết.

4- Ông B.Kajinxki người Liên Xô (cũ) có ý thức giao cảm với mọi việc xảy ra (thần giao cách cảm).

5- Trung sĩ Ivan Petrov người Liên Xô (cũ) nằm mộng thấy mọi việc xảy ra đúng như thật.

6- Ông Nguyễn Văn Chiều chữa bệnh bằng đôi tay, khi bị điện cao thế giật tưởng ông đã chết vì cơ thể bị bỏng nặng, nhưng khi ông tỉnh lại được và dùng đôi tay của mình vuốt các vết bỏng liền phục hồi lại như xưa. Ông Chiều cũng nghe được những âm thanh của những người đã chết.

7- Nguyễn Thị Hằng được hồn liệt sĩ Nguyễn Văn Tự nhập vào dẫn tìm hài cốt anh ta.

8- Trương Thị Phước nằm mộng thấy đúng như thật.

9- Em trai liệt sĩ Nghiêm Xuân Phú theo giấc mộng tìm hài cốt của anh.

10- Hài cốt Nguyễn Bá Hòa được một người bạn đồng đội mười ba lần đi vào Nam tìm kiếm, đó là bác sỹ Trần Văn Bản.

11- Đỗ Bá Hiệp có khả năng tìm hài cốt như cháu Bích Hằng. Tìm hài cốt người con cho bà mẹ Mỹ.

12- Phạm Văn Mẫn có khả năng tìm hài cốt như cháu Bích Hằng.

20- Một cháu gái bé khi thấy bộ hài cốt liệt sĩ được người cha dấu trong khóm chuối hoảng hồn ngất xỉu, khi tỉnh dậy cháu bé như người mất hồn giống như người lên đồng nhập xác.

21- Nguyễn Văn Liên người tỉnh Hải Dương thường ngồi tại nhà dùng Tưởng Uẩn của mình giao cảm chỉ cho những người thân của các liệt sĩ đi tìm hài cốt, tìm đâu được đấy. Ngay cả giữa thành phố Hà Nội ông chỉ cho những người thân tìm hài cốt những người đã bị giặc Pháp sát hại trong nhà giam Hỏa Lò.

22- Năm Chiến tức là Bùi Đăng Chiến người Thăng Bình (Quảng Nam – Đà Nẵng), ông đã từng đảm nhiệm những chức vụ như: phó Bí thư Huyện đoàn; Trưởng công an xã, vào năm 38 tuổi ông bị một cơn bệnh thập tử nhất sinh. Hai năm sau bệnh tật qua khỏi, bỗng một hôm ông bị “nhập đồng” và tìm được nơi chôn người chết dưới lớp đất sâu. Sau này trước khi mỗi lần tìm hài cốt ông phải thắp nhang, lâm râm khấn khứa… Rồi lặng người theo kiểu “nhập đồng” mới chỉ mọi người tìm hài cốt.

Đây là một hiện tượng ngoại cảm, đó là cách thức để Tưởng Uẩn hoạt động. Cho nên ngoài Tưởng Uẩn con người không có cách thức nào giao cảm với các từ trường người còn sống cũng như người đã chết.

23- Nguyễn Thị Nghi người tỉnh Hải Dương chữa được bệnh điên, bệnh mắt, tìm xác người chết bị mất tích, tìm mộ bị thất lạc. Cô chỉ ngồi tại nhà mà hướng dẫn mọi người bằng khả năng của mình qua chiếc đĩa cũ và hai đồng tiền xu để gieo quẻ âm dương như những ông thầy bói ở nơi đền thờ Bà Chúa Xứ, Trần Hưng Đạo, Quan Thánh Đế Quân, Bà Chúa Tiên, Bà Đen v.v… Đó cũng là một hành động đánh thức Tưởng Uẩn hoạt động.

24- Phạm Ngọc Hiền dùng con lắc để tìm hài cốt liệt sĩ, có khi dùng quả trứng vịt còn sống đặt trên đầu đũa. Con lắc và đầu đũa đều có một lực hút, vậy lực hút từ đâu mà có. Có phải từ hài cốt liệt sĩ không? Ngoài Phạm Ngọc Hiền thì mọi người dùng con lắc và đầu đũa sao không có sức hút. Như vậy rõ ràng không có linh hồn người chết mà lực hút đó có từ anh Phạm Ngọc Hiền. Lực hút của anh Phạm Ngọc Hiền do đâu mà có?

Lực hút của anh Phạm Ngọc Hiền do từ Tưởng Uẩn của anh hoạt động mà có. Do sự hoạt động này tác động vào sáu căn của con người mà mọi người không biết nên mới gọi là Tâm Linh Mầu Nhiệm.

118. CHUYỆN CÓ THẬT Ở TRƯỜNG TRƯNG VƯƠNG

Ngày 20-07-2003, khi tới trường Trưng Vương (Hà Nội) công tác, bằng khả năng đặc biệt của mình, Phan Bích Hằng - người từ lâu được coi là nhà ngoại cảm tài năng - đã phát hiện ít nhất chừng 7, 8 bộ hài cốt vẫn còn nằm dưới lòng đất trong khuôn viên trường, đồng thời xác định cả tên và vị trí nằm của ba bộ hài cốt nói trên. Chị đã đề nghị với trường, khi nào có điều kiện, những hài cốt này sẽ được khai quật.

Dịp may đó đã đến khi dự án cải tạo nâng cấp trường được chính thức phê duyệt và thi công. Ngày 15 - 9 - 2004, ba bộ hài cốt nói trên được tìm thấy ở đúng vị trí chị đã xác định với những đặc điểm đúng như nhận định ban đầu của chị.

Ngay sau khi phát hiện ra hài cốt (mà Bích Hằng khẳng định là của chiến sĩ cảm tử trong trận sáu mươi ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô mùa Đông năm 1946), Bích Hằng đã báo cho Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng đặc biệt của Con người, nơi chị đang là cộng tác viên.

Vấn đề này, giáo sư Đào Vọng Đức (Giám đốc Trung tâm) và nhà văn - tiến sỹ - Thiếu tướng Chu Phác (Chủ nhiệm Bộ môn) trước đó đã cử ba nhà ngoại cảm khác với tính chất độc lập trắc nghiệm. Tất cả đều xác nhận thông tin này là chính xác.

Nhưng trớ trêu thay, theo bản sơ đồ của Bích Hằng và ba nhà ngoại cảm kia thì vị trí của ba bộ hài cốt lại nằm ngay dưới chân cầu thang nhà C (còn gọi là dãy Côn Sơn - giáp đường Lý Thường Kiệt), không thể vì lý do đó mà khai quật được.

Cho mãi tới ngày 15 - 9 - 2004, trường Trưng Vương chính thức bàn giao mặt bằng để khởi công. Theo hình thức xây cuốn chiếu nên dãy nhà Côn Sơn được phá dỡ trước. Ngay sau đó, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng đặc biệt của con người và Phan Bích Hằng đã có cuộc trao đổi với nhà trường và bên thi công, đề nghị được tìm kiếm hài cốt nói trên.

Ngay trong hai ngày khai quật đầu tiên (23 và 24 / 9) ở đây đã tìm được hai bộ hài cốt và tối 25 / 9 là bộ hài cốt thứ ba ở đúng vị trí trong sơ đồ của Bích Hằng đã khẳng định. Đông đảo đại diện các cấp ngành, cùng các thầy cô giáo Trường Trung học Cơ sở Trưng Vương đã chứng kiến việc làm trên.

Điều đặc biệt là mặc dù những bộ hài cốt đã khá mủn, nhưng các đặc điểm nhận dạng trên từng bộ đều khớp với những tình tiết mô tả của Bích Hằng một năm trước đó như: ông D. là người hy sinh đầu tiên. Hài cốt của ông D. bị mất sọ khi ông vừa nhô người lên khỏi giao thông hào thì bị pháo địch phạt ngang, đồng đội thương ông nên trước khi chôn đã lấy chiếc bát (loại Bát Tràng thời đó có đáy bằng, thành đứng) úp lên cổ (hiện hay chiếc bát đó được đặt trong tiểu cùng hài cốt có tên là D).

Bích Hằng còn cho biết chị đã “nói chuyện” và biết được tên và chức danh của ba người hy sinh, nay là ba bộ hài cốt nói trên, đó là Phan Hào (còn gọi là Hào Professeur) - trung đội trưởng, Nguyễn Văn Dư (còn gọi là Dư đen, Dư còi) là trung đội phó, chính trị viên và Nguyễn Văn Đẳng. Cả ba đều thuộc Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 77, hy sinh ngày 21-12-1946.

Ông Hàn Thụy Vũ - đại tá, hiện là phó trưởng bộ môn Cận Tâm lý, nguyên phóng viên báo Quân đội Nhân dân, trước đây cũng là chiến sĩ Trung đoàn 48 - Trung đoàn Thăng Long (hai trung đoàn của Hà Nội là Thủ đô và Thăng Long) xác nhận: Về tiểu sử trung đội trưởng Phan Hào đã được nhắc đến trong cuốn lịch sử sáu mươi ngày đêm toàn quốc kháng chiến.

“Trung đội của ông Hào còn được gọi là Tiếp hoàn quân, chọn lọc toàn những trí thức giỏi tiếng Pháp. Đêm 19 rạng ngày 20, các lực lượng vũ trang nhân dân thủ đô Hà Nội và các thành phố nổ súng chiến đấu - toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 20/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cũng trong ngày 20/12/1946, bộ đội ta và quân Pháp giao tranh ở Tòa thị chính (tức UBND thành phố Hà Nội ngày nay), Bưu điện và Bắc Bộ phủ. Các chiến sĩ của ta tuy lực mỏng nhưng đã dũng cảm ngăn cản được nhiều đợt tấn công của giặc Pháp, cầm cự được một ngày để cho nhân dân và bộ đội chủ lực rút qua cầu Long Biên về chiến khu an toàn.

Đến ngày 21-12-1946, địch tăng cường lực lượng viện binh nên đã chiếm được một số chốt, trong đó có chốt ở Trường Trung học Cơ sở Trưng Vương. Và ba ông Hào, Dư, Đẳng có thể đã hy sinh trong ngày 21-12” (Theo báo Hà Nội Mới điện tử 15 / 11 / 2004).

Chuyện có thật ở trường Trưng Vương do cháu Bích Hằng giao cảm hướng dẫn lấy hài cốt là một sự thật, nhưng chúng ta phải xác định cháu Bích Hằng làm sao lại có khả năng đó mà mọi người khác không có, không làm được.

Qua câu chuyện tìm hài cốt cô Khang em gái của giáo sư Trần Phương chúng tôi đã xác định rất rõ ràng. Cháu Bích Hằng có khả năng đó được là nhờ Tưởng Uẩn của cháu hoạt động. Tưởng Uẩn của cháu hoạt động là nhờ nọc độc chó dại. Cháu không chết mà lại có sự giao cảm với các từ trường bên ngoài bằng hình thức như linh hồn người chết nhập và nói chuyện với cháu. Toàn bộ những sự việc này xảy ra đều do năng lực Tưởng Uẩn của cháu.

119. MỘT LINH HỒN NHIỀU THỂ XÁC

 “Một vị Tăng ở Tây Tạng đã nói cuộc đời chỉ là một sân khấu. Diễn tại sân khấu này đóng vai một người nghèo khó, nhưng ở một sân khấu khác, người đó lại hóa thân thành vị công tử, có thể là do sự lựa chọn vai diễn của người đó.”

Lời nói của vị Tăng Tây Tạng chứng tỏ ông ta chẳng biết gì về Phật giáo. Ông nói theo sự truyền thừa thuyết Linh Hồn Đi Tái Sanh của loài người từ xưa đến nay, chứng tỏ các vị Tăng Tây Tạng chỉ mang hình thức Tăng chớ thật sự không phải là tu sĩ Phật giáo. Các ngài đang theo tu theo ngoại đạo Bà La Môn nhưng mượn danh là Tăng sĩ Phật giáo để lừa độc giả.

Phật giáo thì cấm các đệ tử của mình không nên thị hiện thần thông, còn các ông Lạt Ma thì chuyên luyện thần chú để thể hiện cầu vồng, biết chuyện quá khứ vị lai của người khác để làm cho mọi người phục mình. Vì thế nói đến Tây Tạng thì người ta kèm theo danh từ Huyền Bí.

Có những tác giả họ hiểu như thế nào xứ Tây Tạng mà dám ghép Tây Tạng Đất Phật Huyền Bí. Trong khi Đức Phật sinh ra ở Ấn Độ, còn các sư Tây Tạng tu hành có làm chủ bốn sự đau khổ chưa? mà dám cho Tây Tạng Đất Phật Huyền Bí.

Tu thành Phật mà cũng (sống đời) giống như một người bình thường thì có gì huyền bí đâu?

Các sư Tây Tạng cũng sợ chết như mọi người, khi Trung Quốc qua xâm chiếm đất nước này thì các ông Lạt Ma chạy trốn sang bên Mỹ.

Khi Trung Quốc đặt nền cai trị đất nước này, biến đất nước này thành một nơi du lịch của Trung Quốc, muốn quyến rũ du khách đông đảo nên đặt cho cái tên đầy hấp dẫn “Tây Tạng Huyền Bí.” Nghe cái tên ai cũng muốn đến đó tham quan một lần, nhưng các ông Lạt Ma tu hành cũng như các sư thầy ở Việt Nam có khác chỗ nào đâu.

Có ông Lạt Ma nào tu tập làm chủ bốn sự đau khổ: Sinh, Già, Bệnh, Chết chưa?

Vậy mà huyến bí để làm gì hay để quyến rũ những người hiếu kỳ. Huyền bí để xây dựng thế giới siêu hình, để xây dựng một Linh Hồn bất diệt, để đi ngược lại lời dạy của Đức Phật, để diệt nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người.

Đừng lấy các sư Tây Tạng mà xây dựng thành một đất nước Huyền Bí, vì các sư Tây Tạng tu hành có ra, có tới đâu, chỉ đọc thần chú hiện cầu vồng để lừa bịp thiên hạ. Tu hành mà lừa gạt mọi người như vậy thì tự các ngài Lạt Ma rất xấu hổ cho người trước đã làm mà người sau phải chịu lấy tiếng xấu muôn đời.

Chúng ta ai cũng biết Phật giáo đã xác định rõ ràng: “Con người có thân ngũ uẩn là do nghiệp thiện ác.” Như vậy Nghiệp Thiện Ác Đi Tái Sinh chớ đâu phải Linh Hồn đi tái sinh.

Nếu quả có Linh Hồn đi tái sinh thì Linh Hồn đâu có ngu dại điên khùng mà chọn chỗ nghèo, chỗ con bò, con heo, con gà, con vịt, con cá, con tôm, con trùng, con dế v.v… mà tái sinh. Phải không quý vị?

Nếu có Linh Hồn Tái Sinh thì thế gian này toàn là ông chủ không có người làm công, còn trong cuộc sống hiện tại trong xã hội, ông chủ thì ít mà công nhân thì nhiều, như vậy Linh Hồn quá ngu si phải không, thưa quý vị?

Nếu có Linh Hồn Đi Tái Sinh thì thế gian này toàn là người giàu, nhưng sự thật trong xã hội hiện tại người giàu thì ít mà người nghèo thì vô số kể, như vậy Linh Hồn quá ngu si. Phải không quý vị?

Nếu có Linh Hồn Đi Tái Sinh thì thế gian này toàn là con người, nhưng sự thật trên hành tinh của chúng ta đang sống thì con người lại quá ít mà loài vật thì vô số kể, như vậy Linh Hồn quá ngu si. Phải không quý vị?

Cho nên Linh Hồn có là do những người sống trong ảo tưởng dựng lên để nuôi hy vọng mình có một cái gì vô hình mà luôn luôn trường tồn mãi mãi. Do những điều lý luận trên đây chúng tôi xác nhận và bảo thẳng cho mọi người biết Linh Hồn Không Có. Chỉ có nghiệp thiện ác của mọi người đi tái sinh mà thôi. Đó là luật Nhân Quả không sửa đổi hay bóp méo nó được.

Nếu ai bảo có Linh Hồn là những người không thông suốt Phật giáo, không hiểu biết Luật Nhân Quả.

Chúng tôi xin thành thật khuyên những người viết sách về tâm con người trong góc độ Tôn giáo, chỉ khi nào tu hành làm chủ Sinh, Già, Bệnh, Chết thì mới viết sách, còn chưa làm chủ bốn sự đau khổ này mà viết sách là viết theo Tưởng giải của mình, viết sách như vậy dạy người tu Thiền là giết người mà không cần gươm đao quý vị ạ!

Người chưa chứng đạo giống như người mù, cho nên quý vị đừng viết sách nữa và xin cáo lỗi với độc giả bốn phương để thu hồi những tập sách đó lại.

Viết sách là làm lợi ích cho mọi người chớ không phải viết sách cầu danh, cầu lợi.

Có một cuốn sách đề tựa “Một Linh Hồn Có Nhiều Thể Xác” tác giả biết chắc có Linh Hồn thật hay sao mà dám đặt tên sách như vậy. Muốn viết sách về Linh Hồn thì nên dựa vào lời dạy của Đức Phật mà viết. Khả năng mình biết gì trong thân người mà dám cho trong thân con người có Linh Hồn. Một mình không hiểu biết mà muốn cho mọi người cũng không hiểu biết như mình sao?

Người nào chưa hiểu biết về Linh Hồn mà dám xác định có Linh Hồn là người nói vọng ngữ đệ nhất. Xin quý vị tránh xa những người không thành thật với mình vì những người này còn tiếp tục nói vọng ngữ nữa. Cho nên ở đời cái gì biết chắc thì nói còn chưa biết thì thôi. Đừng làm hay mà thành dở.

Ở đây Linh Hồn là một việc cần phải làm sáng tỏ, bởi vì nó không có, nhưng từ xưa cho tới nay mọi người luôn cho rằng có, nhưng cho có mà không xác định được. Bởi vì nó có là do truyền thuyết từ xa xưa đến nay đã ăn sâu vào lòng con người, nó đã trở thành một Phong Tục Linh Hồn chớ không có Linh Hồn Thật Sự. Cho nên muốn dẹp bỏ nó không phải trong một ngày một giờ mà dẹp được.

Muốn dẹp nó phải bền chí, phải đủ sức thuyết phục mọi người, phải dẹp sạch những sách vở nói về Linh Hồn với sự tưởng tượng của các nhà văn, nhà báo.