Chánh Tín - Mê Tín. Kì 32 (101-104)

101. NHÂN QUẢ PHẢI TRẢ

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Ở kế nhà con có bà lão tuổi cao, sức yếu, thế mà ngày nào cũng phải đi bán vé số lo cho hai cháu đi học. Thằng con trai cầu tự của bà cũng chính là cha của hai đứa bé, suốt ngày ăn chơi, rượu chè, cờ bạc về nhà kiếm chuyện đập phá đồ đạc, đòi tiền bà như là món nợ tiền kiếp.

Lúc ở nhà con thường qua lại nói chuyện với bà. Bà mến con lắm. Nhìn tình cảnh của bà mà con động lòng thương. Con muốn nói lời nào đó an ủi bà, giúp bà vui vẻ trả nghiệp, vượt qua đau khổ mà suy nghĩ mãi không ra. Thầy có thể giúp con không?

            Đáp: Bà lão này nợ đứa con trai và hai đứa cháu trong đời trước, đời này chúng sinh ra để đòi nợ, cho nên bà không bỏ được mà phải vất vả bán vé số nuôi hai cháu, nhưng còn phải đưa tiền cho cậu con trai đi nhậu, nếu không có tiền đưa thì nó đập nhà phá cửa. Thật là tội nghiệp cho bà, nhưng luật nhân quả ai gieo thì phải gánh chịu, dù chúng ta có thương giúp đỡ nhưng nghiệp nhân quả bà đâu trốn khỏi.

            Con thương bà nên khuyên bà đừng buồn rầu, đừng than thân trách phận mà hãy vui lòng trả món nợ tiền kiếp. Vui vẻ chấp nhận khi con trai về xin tiền bà hãy vui lòng mà vét sạch tiền cho nó với tâm không buồn rầu, không trách mắng.

            Đối với luật nhân quả muốn chuyển hóa thì phải vui vẻ và giữ gìn tâm bất động, xem như không có việc gì xảy ra. Khi nhân quả đến, đến với sự khắc nghiệt cay đắng đến mức độ nào, dù cho có chết ta cũng giữ gìn tâm bất động, chẳng sợ hãi, chẳng khiếp đảm thì ngay lúc ấy ta đã chuyển hóa nhân quả.

Nếu chỉ có một chút xíu sự buồn phiền, than trách trong lòng là ta bị nhân quả chuyển hóa tức khắc; là ta đang tạo thêm nhân quả.

Con muốn giúp bà thì nên khuyên bà vui vẻ sẵn sàng tha thứ cậu con trai thì mới chuyển đổi cậu con trai sẽ trở thành người tốt, lo làm ăn nuôi dưỡng hai cháu và phụng dưỡng bà.

            Nhân quả chỉ có sống thiện, làm thiện thì mới chuyển đổi được, còn sống ác làm ác thì không bao giờ chuyển đổi được nhân quả mà còn gia tăng thêm.

102. CẦU CƠ

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Hằng năm sắp đến kỳ thi thì có những học sinh, sinh viên không lo học bài mà chỉ rủ nhau đi cầu cơ để hỏi vong hồn xem đề ra câu hỏi gì rồi học tủ câu đó. Chẳng may ma, quỷ, Thần, Thánh yếu năng lực chỉ sai câu, làm hại nhiều học sinh, sinh viên thi rớt chán nản, có người còn rơi vào tình trạng tuyệt vọng đến bất cần sống.

            Thưa Thầy, cầu cơ là như thế nào? Có thực vong hồn về không? Tại sao nó nói nhiều chuyện đúng thực tế làm cho nhiều người phải khâm phục mà tin theo?

            Đáp: Trong thân con người gồm có năm uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc uẩn là phần hữu hình của bốn uẩn kia thường hoạt động trên thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa). Trong thân tứ đại gồm có sáu căn, sáu thức và thường tiếp xúc với sáu trần bên ngoài.

            Sáu căn gồm có: 1, Nhãn căn; 2, Nhĩ căn; 3, Tỷ căn; 4, Thiệt căn; 5, Thân căn; 6, Ý căn
            Sáu thức gồm có: 1, Nhãn thức; 2, Nhĩ thức; 3, Tỷ thức; 4, Thiệt thức; 5, Thân thức; 6, Ý Thức
            Sáu trần gồm có: 1, Sắc trần; 2, Thanh trần; 3, Hương trần; 4, Vị trần; 5, Xúc trần; 6, Pháp trần

            Sáu căn tiếp xúc sáu trần sinh ra sáu thức tạo thành một sự sống của muôn loài muôn vật; một thế giới quan của Phật giáo hiện bày; một thế giới khổ đau đến với cuộc sống của con người và cả loài vật; một thế giới duyên hợp tưởng tri khiến cho con người sống điên đảo lầm chấp là có thật, nên tạo ra biết bao nhiêu điều ác làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Thế mà, còn chưa đủ lại tưởng tri thế giới siêu hình có linh hồn người chết, ma, quỷ, Thần, Thánh, v.v… Chính những hình ảnh ấy mà tưởng uẩn mới dựa vào đó mà hoạt động thành ra mới có người lên đồng, kẻ nhập cốt; mới có kẻ cầu cơ; mới có người cúng bái cầu siêu, cầu an, coi sao, bói quẻ, v.v…

            Tưởng uẩn là phần vô hình của thân ngũ uẩn, nhưng nó hoạt động theo sự tiếp nhận của các từ trường sắc uẩn còn lưu lại trong không gian. Tưởng uẩn cũng có những năng lực như sắc uẩn và còn hơn nữa. Cho nên có những điều sắc uẩn không làm được mà tưởng uẩn làm được.

Vì những năng lực hoạt động kỳ lạ phi thời gian và không gian ngắn hạn của tưởng uẩn, nên tri kiến, kiến thức của con người không thể nào hiểu được. Do đó họ cho những năng lực ấy là thế giới siêu hình, là có sự sống sau khi con người chết.

Do không hiểu nên người ta mới tin tưởng cầu siêu, cầu an, cầu cơ, v.v... Do cầu siêu, cầu an, cầu cơ, v.v… mà gần đây người ta thành lập ra một tôn giáo siêu hình tưởng. Nói chung tất cả các tôn giáo không chứng minh giáo lý được như khoa học là tôn giáo tưởng, tôn giáo mê tín.

            Cầu cơ là một hình thức cầu linh hồn người chết giáng cơ bút cho biết những điều mình ước muốn trong tương lai. Cầu cơ là một loại mê tín tri thức, chứ không phải loại mê tín bình dân. Cầu cơ là một phương pháp tập hợp tín lực vào một đối tượng ảo tưởng để nội lực tín lực của những người có mặt trong lễ cầu cơ thực hiện những ước muốn.

Nhất là những người trực tiếp cầu nguyện. Nếu những người đặt trọn lòng tin vào cơ bút thì tưởng uẩn sẽ họat động mạnh và rõ ràng. Còn không đủ tín lực thì tưởng uẩn không hoạt động, cơ bút không về hay nói cách khác là cầu cơ không được.

            Cầu cơ chẳng qua là một việc làm đánh thức năng lực của tưởng uẩn hoạt động. Năng lực tưởng uẩn hoạt động đúng thì người cầu cơ phải thân tâm thanh tịnh, nếu thân tâm không thanh tịnh thì cầu cơ không linh tức là không đúng, vì thế những học sinh cầu cơ thi rớt là vậy.

Cho nên trước khi cầu cơ thì thân phải tắm rửa sạch sẽ, còn tâm thì phải giữ gìn trai giới nghiêm chỉnh, nhờ có sự thanh tịnh như vậy nên tưởng uẩn giao cảm nhận ra từ trường đúng như thật. Còn thân tâm không thanh tịnh thì tưởng uẩn không nhận ra đúng, nên tín lực tạo thành ảo tưởng, vì thế mọi việc cơ báo đều sai.

            Cầu cơ cũng giống như lên đồng nhập cốt qua một hình thức khác nhưng cũng chỉ có một tưởng uẩn hoạt động giống như linh hồn người chết về nhập vào, thay vì nhập vào người thì gọi là lên đồng, lên cốt, nhập vào cơ thì gọi là cơ bút.

            Cho nên cơ bút chỉ là tưởng uẩn của con người hoạt động, chứ không có linh hồn người chết hay Tiên, Phật, Thần Thánh, quỷ, ma nhập vào.

Những điều kỳ lạ xảy ra chung quanh thế giới của con người cũng chỉ nơi thân tâm con người lưu xuất, ngoài thế giới con người đang sống thì không bao giờ có thế giới vô hình nào khác. Bởi, mỗi con người đều có năm uẩn mà phần sắc uẩn chỉ có một, còn phần không hình sắc tới bốn uẩn như:

            1, Tưởng uẩn (vô hình); 2, Thức uẩn (vô hình)
            3, Thọ uẩn (vô hình); 4, Hành uẩn (vô hình)

            Cho nên kẻ nào tin có Thiên Đàng, Cực Lạc, có linh hồn người chết, có Phật tánh, có thần thức, có ma, quỷ là mê tín, là thiếu óc khoa học, là thiếu đạo đức nhân bản - nhân quả, là những người còn lạc hậu.

            Cầu cơ là một loại mê tín tri thức như trên đã nói, do những nhà tri thức mê tín, trong đó có học sinh, sinh viên và một số người có trình độ học thức cao nhưng vẫn không thoát ra khỏi sự mê tín này. Ngay cả những nhà khoa học vẫn sống trong mê tín, vì những trạng thái mê tín khoa học chưa giải thích được.

            Gần đây có một số nhà khoa học dựa vào đạo học Đông phương giải thích theo khoa học vật lý. Cuốn sách “Đạo Của Khoa Học” được dịch từ sách “The Tao of Physies” của tác giả Frityof Capra do nhà khoa học giáo sư Nguyễn Tường Bách biên dịch. Tập sách dựa trên ngôn ngữ khoa Đạo Học Đông Phương, nhất là tư tưởng của Lão, Trang và Thiền Tông Trung Hoa để minh chứng một số vật lý siêu hình.

            Dù cho các nhà khoa học có cố gắng làm sáng tỏ mọi vấn đề trừu tượng, nhưng vì vấn đề tri kiến của các nhà khoa học vẫn còn bị hạn cuộc trong không gian và thời gian. Vì thế không thể vượt qua hàng rào không gian và thời gian mà minh chứng được rõ ràng.

Muốn vượt qua hàng rào không gian và thời gian thì chỉ có tu tập Tứ Thánh Định của Phật giáo, ngoài ra trong thế gian này không có một loại thiền nào vượt qua hàng rào không gian và thời gian được.

Thường các loại thiền đều sống trong từ trường tưởng nên diễn tả thiền đạo bằng ngôn từ hư ảo, thực thực, hư hư, v.v... khiến cho mọi người hiểu rồi không hiểu; không hiểu rồi hiểu. Giống như một trò cút bắt. Do những danh từ hư ảo ấy mà các nhà khoa học lầm đạo học giống như khoa vật lý. Khi khám phá về vật lý thấy các pháp duyên tan hợp liên tục rồi cho đó là “Đạo của vật lý.” Cho nên các nhà khoa học còn bị “Đạo học” qua mặt huống chi là những người bình thường.

            Kính thưa quý vị, Đạo học như vậy có ích lợi gì cho ai? Có bao nhiêu người đạt được đạo học ấy? Đạt được để làm gì? Hay chỉ để sống không bình thường như Bùi Giáng, Trần Chấn, Tế Công, v.v...

            Cầu cơ là một sự đánh thức tưởng uẩn hoạt động để nó giao cảm với những từ trường mọi sự việc đã, sẽ xảy ra bằng tín lực của con người. Còn đúng sai là do thân tâm của những người cầu cơ có thanh tịnh hay không thanh tịnh như trên đã nói. Linh hồn con người không bao giờ có. Người chết chỉ còn lưu lại những âm thinh sắc tướng khi còn sống trong không gian bằng những từ trường.

103. MA ĐÈ

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Cách đây khá lâu con bị tình trạng ma đè (hay bóng đè theo cách gọi dân gian). Toàn thân con bị tê cứng, con không điều phục được gì, ngoại trừ hơi thở, lúc đó vô tình con nhớ đến pháp môn Định Niệm Hơi Thở của Thầy bèn tác ý “hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Chỉ trong hai hơi thở con đã phục hồi trạng thái thân thể bình thường không cần xoa bóp chỗ tê như những người khác đã từng bị ma đè. Điều này được lý giải như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy.

            Đáp: Ma đè là một trạng thái tưởng, khi ngủ nửa tỉnh nửa mê, tình trạng này sắc uẩn chưa ngưng nghỉ thần kinh trọn vẹn, còn tưởng uẩn mới bắt đầu hoạt động nên cũng chưa hoạt động trọn vẹn, khiến thân con bị cứng không động đậy được, miệng chỉ ú ớ chứ không kêu la được như người ngủ mớ. Người bị ma đè cố gắng vùng vẫy cho đến khi tỉnh hẳn thì trạng thái ma đè biến mất.

            Một người ngủ say thì không bị ma đè; một người ngủ trong chiêm bao cũng không bị ma đè, chỉ có người ngủ nửa tỉnh nửa mê, trạng thái ấy trong thiền định của Phật giáo gọi là hôn tịch. Nhóm hôn tịch gồm có: hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không. 

Chiêm bao, ma đè, v.v… đó là một nhóm trạng thái si mê, do tưởng uẩn hoạt động. Tưởng uẩn hoạt động điều khiển thần kinh chưa trọn vẹn nên lúc bấy giờ có một số thần kinh không hoạt động. Một số thần kinh không hoạt động nên người ngủ nửa tỉnh nửa mê mới có cảm giác thân bị đè nặng và không động đậy được.

            Ở đây không có ma đè mà có một số thần kinh nghỉ ngơi chưa hoạt động trở lại bình thường trong khi còn đang ngủ nên cảm thấy thân cứng đơ.

104. NGHIỆP TÁI SANH

Hỏi: Kính bạch Thầy, con nghĩ khi chúng sanh luân hồi là do nghiệp lực, nghiệp lực như luồng khí, luồng từ trường sẽ thu hút những gì có chung duyên nhân quả với nó để hợp lại tạo nên một kiếp chúng sanh mới? Bởi vì ngay cả con người chết rồi là tan hoại hết thì chỉ còn có nghiệp luân hồi. Vậy nghiệp là thế phải không thưa Thầy?

Đáp: Đúng như vậy, con đã hiểu đúng nghiệp lực tái sanh luân hồi là như vậy. Khi một người còn sống hằng ngày thân, miệng, ý thường hay hoạt động tạo ra nghiệp lực, nghiệp lực có thiện và có ác.

Hành động ác thì làm khổ mình khổ người tạo ra nghiệp khổ chẳng lợi mình lợi người, mang đến sự khổ đau cho nhau, tạo cuộc sống chung như Địa Ngục.

Hành động thiện thì không làm khổ mình khổ người tạo ra nghiệp thiện lợi mình lợi người, mang đến hạnh phúc cho mọi người tạo cuộc sống chung an vui, thanh thản như cảnh giới Thiên Đàng.

Khi con người chết rồi, tất cả toàn thân ngũ uẩn đều trả về môi trường sống của nó, chẳng còn một vật gì là của ta dù chỉ còn lại một chút xíu nhỏ như đầu mũi kim cũng không còn, nhà cao cửa rộng, con bầy cháu đàn cũng chẳng còn gì, vàng bạc châu báu ngọc ngà cũng vô nghĩa, chỉ còn lại nghiệp ác thiện mà thôi.

Nghiệp ác thiện là gì?

Nghiệp ác thiện như con đã hiểu ở trên, nó là luồng khí như bao nhiêu luồng khí khác trong môi trường sống này, khi luồng khí nghiệp lực đó tương ưng với các luồng khí khác đủ duyên hợp lại thành một con người mới.

Nói một cách khác cho dễ hiểu là mỗi hành động của chúng ta làm, nói và suy tư đều có một từ trường, từ trường đó thiện hay ác là do hành động thân, miệng, ý ác hay thiện mà thôi.

Từ trường toàn thiện thì không có duyên để hợp nên không tái sanh, chỉ hưởng quả phước thiện ở từ trường đó chờ hết quả phước đó mới tái sanh làm người trở lại.

Còn từ trường thiện nhiều ác ít thì sẽ hợp duyên với những từ trường thiện ác khác trong môi trường sống và từ đó tiếp tục tái sanh làm chúng sanh mới trong hoàn cảnh thiện và phước báo đầy đủ, chứ không có linh hồn đi tái sanh.

Từ trường ác cũng vậy, sẽ hợp duyên với những từ trường ác khác trong môi trường sống và tiếp tục tái sanh trong hoàn cảnh khốn khổ đủ mọi điều khổ hoặc sanh làm những loài vật nhỏ bé ti tiện như côn trùng, sâu, bọ v.v… sống nơi ẩm ướt dơ bẩn, thời gian sống quá ngắn ngủi, tuổi thọ không được dài lâu.