Chánh Tín - Mê Tín. Kì 31 (99-100)

99. NHÂN QUẢ

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Khuya 2 giờ con thức dậy ra sau hè tu tập thì con chó (ban quản lý nuôi canh giữ ký túc xá) thường chạy theo con. Trong suốt thời gian con tu tập nó nằm im một xó vừa bị run, vừa lạnh, vừa bị muỗi đốt trông rất tội nghiệp. Con đuổi nó đi, nhưng nó vẫn nằm ì, ngày thường con đâu có cho nó ăn gì, chẳng hiểu sao nó lại mến con. Có khi nào con và nó có nhân duyên tiền kiếp với nhau? Nghe người ta nói loài chó mèo rất có linh tính. Điều đó có đúng không thưa Thầy?

          Đáp: Tất cả những loài vật và mọi người đang sống chung quanh ta đều có duyên nhân quả thuận hay nghịch với nhau.

Những loài vật nhỏ như kiến trùng muỗi, mồng, rắn, rết đang sống chung quanh con đều có duyên nhân quả với con cả, chứ không riêng con chó này. Nếu con giết chúng là con tạo nhân ác. Một con muỗi đến thăm con là đòi nợ máu của con, vô tình con chẳng biết rồi đập chết nó là con đã không trả nợ máu cho nó xong mà lại còn mang thêm nghiệp sát sanh giết muỗi.

          Khi một con kiến cắn, một con muỗi, một con mòng, một con rết hoặc con rắn cắn đều có nợ nhân quả với nhau cả. Ta hãy vui vẻ đừng giết chúng, vì có giết chúng thì quả đau khổ của chúng ta cũng không hết liền được mà lại tạo thêm nhân ác là giết chúng.

Vì thế, khi bị chúng cắn đau đớn thì con nên nghĩ ngay rằng con đang trả nợ nhân quả. Do hiểu biết đang trả nợ nhân quả thì con liền dừng tay không làm thêm một tội ác (giết chúng sanh). Bố thí một ít máu cho con muỗi, con có chết gì đâu mà lại giết chúng để mãi mãi nợ nhân quả ác từ kiếp này đến kiếp khác không bao giờ dứt.

          Một con chó theo quấn quít bên con đều có nhân quả. Đời trước nó là một người thân của con, hiện giờ ở lốt nghiệp chó, con không biết nó là ai, nhưng khi con có đôi mắt Tam Minh vượt qua nghiệp thì con biết nó là ai ở kiếp trước của con. Nó có thể là cha, là mẹ, là anh chị em, là cô bác, là những người thân chứ không có ai xa lạ đâu con ạ!

          Vì hiểu biết nhân quả cho nên mọi người, mọi vật chung quanh ta đều là nhưng người thân của chúng ta. Do đó ta đừng đánh đập chúng mà hãy thương yêu và tha thứ khi chúng đã lỡ lầm xúc phạm đến ta hoặc làm cho ta khổ đau, hoặc chúng đói khát ăn lén thực phẩm của ta thì ta nên tha thứ đừng giết hại chúng, đừng làm chúng đau khổ mà hãy thương xót chúng như thương thân ta vậy con ạ!

          Vì nghiệp nhân quả mà con muỗi đốt ta để hút máu nuôi sống thân, chúng có biết gì đâu, chỉ theo quy luật nhân quả đói là phải ăn, mà ăn thì phải làm ác cũng giống như chúng ta vậy. Phải không con?

Ở đời mọi người sống cũng vậy, vì không rõ nhân quả nên mọi người vì cuộc sống của mình mà chà đạp lên sự sống của loài vật khác, người khác.

          Vì cuộc sống của ta nên ta trở thành kẻ ác, gian tham, giết hại lẫn nhau.
          Vì cuộc sống mà con người mất bản tính thiện chỉ còn tính ác hay hung dữ của loài ác thú.
          Vì cuộc sống của mỗi dân tộc, của mỗi nước mà thế giới chẳng hòa bình, nước lớn mạnh ăn hiếp nước nhỏ yếu.
          Vì cuộc sống của ta mà ta hãy thương yêu mọi cuộc sống của người khác và loài vật khác. Có như vậy mới chính vì cuộc sống của ta.

          Con chó vì nhân quả ái kiết sử đời trước chưa tan, nên nó vẫn theo sát và nằm gần bên con, dù cho trời lạnh, muỗi đốt mà không hề rời con. Lòng yêu thương nó con đuổi nó vào, nhưng nó vẫn không nỡ rời lìa bỏ con vào nhà. Xem thế đủ biết luật nhân quả ái kiết sử quả là ghê gớm thật. Có đúng như vậy không con?

          Thương thì ai cũng thương, nhưng bản chất hung dữ và giận hờn, oán ghét thì ai cũng còn, chứ không bao giờ bỏ được. Phải không con? 

          Chúng ta được sanh làm người đều do nhân quả nên lúc nào cũng bị chi phối bởi luật nhân quả. Buồn rầu, đau khổ, bệnh tật, tai nạn, thương yêu, giận hờn, v.v… đều do nhân quả cả.

          Chúng ta sống trong vòng tay nhân quả mà không biết chuyển đổi nhân quả thì không thể nào thoát khỏi vòng tay nhân quả. Không gian và thời gian là những mảnh lưới thiên la, địa võng của nhân quả nên không có một vật nào thoát ra khỏi sự chi phối của nó. Muốn thoát ra khỏi qui luật của nhân quả thì chỉ có sống thiện. Sống thiện có mười điều chúng ta cần phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.

          1, Không giết hại và ăn thịt chúng sanh.
          2, Không gian tham trộm cắp, lấy của không cho.
          3, Không nên tà dâm với người khác làm hại gia đình người, gia đình mình. Chưa lập gia đình phải giữ gìn cho trong sạch, đừng nên trao thân gởi phận cho người khác khi chưa thành hôn. Chúng ta là con người chứ không phải là con thú vật. Hành dâm dục là phải có đạo lý, chứ đâu phải đụng đâu hành dâm đó. Nếu không lấy đạo lý mà giữ gìn đức hạnh thì khổ đau và hối hận không thể tránh khỏi trong cuộc đời đầy dẫy những ác pháp.
          4, Không nên nói lời hung dữ, nạt nộ, chửi mắng người.
          5, Không nên nói xấu người.
          6, Không nên nói vu khống người.
          7, Không nên nói dối, nói không đúng sự  thật.
          8, Không tham lam, ham muốn.
          9, Không sân giận.
          10,  Không si mê.

          Trên đây là mười điều thiện để chuyển hóa nhân quả, khiến cho nhân quả xấu trở thành nhân quả tốt. Con hãy đọc sách Hành Mười Thiện và Tứ Vô Lượng Tâm mà Thầy đã cho ấn tống thì rõ.

100. PHÓNG SANH

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Ở Châu Đốc người ta thường lợi dụng dịp vía bà Chúa Xứ, vía Quán Âm, vào ngày rằm lớn bắt chim nhốt vào lồng bán cho khách hành hương phóng sanh. Việc đó có ý nghĩa gì không? Thế nào là phóng sanh đúng chánh pháp?

          Đáp: Phóng sanh đúng chánh pháp là phóng sanh theo luật nhân quả, là phóng sanh đúng thời, đúng đối tượng. Đúng thời, đúng đối tượng như thế nào?

          Đúng thời và đúng đối tượng là thời gian vô tình chúng ta gặp một con vật đang bị lưới, bị câu thì ngay đó chúng ta xin mua con vật đó để phóng sanh. Đó là đúng giờ giấc và đối tượng nhân quả ta và con vật. Nếu xem xét trong nhân quả thì ta và con vật có nhân duyên với nhau đã khéo gieo nhân quả trong tiền kiếp, nên kiếp này gặp nhau trong hoạn nạn.

          Ta phóng sanh như vậy là phóng sanh đúng thời, đúng đối tượng, còn ra chợ mua chim cá phóng sanh là khiến cho người bắt chim cá giam nhốt lại trong chậu trong lồng để chờ chúng ta đến mua phóng sanh cho có giá. Phóng sanh như vậy là chúng ta mang tội đồng lõa với kẻ bắt chim cá. Có nghĩa chúng ta phóng sanh là trở lại thành tội sát sanh. (Vì đi bắt chim cá nhốt là đã vô tình dẫm đạp một số con vật chết; và khi nhốt thì có thể chúng bị thương, bị đói, bị xa đàn, lẻ bầy,… lòng dạ chúng cũng thương nhớ, âu sầu, sợ hãi,… và chết; hoặc có khi người khác thích ăn loại chim cá ấy đến mua thì chúng bị giết hết).

Kinh sách Đại Thừa dạy phóng sanh nhưng không giải thích rõ ràng, vì thế người phóng sanh không được phước báo, ngược lại trong nhà có nhiều tai nạn, bệnh tật cho người này hoặc người khác. Làm phước mà không thấy phước, chỉ thấy tai họa, thật là tội nghiệp. Nếu từ đây có ai phóng sanh thì con khuyên họ phóng sanh cho đúng chánh pháp, cho đúng luật nhân quả, chứ không khéo phóng sanh mà cuối cùng lại mang họa vào thân.

          Loài chim cá bị lưới rập, chài câu đều là do nhân quả đời trước mà đời nay phải làm thân chim cá để bị người đời chài câu, lưới rập lại. Cho nên người làm nghề chài lưới cá tôm sau này thành thân cá tôm cho người khác chài lưới lại, đó là nhân quả. Người săn bắn lưới rập chim thú, sau này trở thành chim thú cho người khác săn bắn và lưới rập trở lại. Quy luật nhân quả xoay vần không ai có thể thoát lưới rập của nó được.

          Loài người và loài vật được sanh ra đều do quy luật của nó. Cho nên không ai trốn khỏi luật nhân quả. Nhân nào thì quả nấy, có vay thì phải có trả. Đối với luật nhân quả mà không đủ trí tuệ thì làm một điều thiện nhưng trở lại là làm một điều ác như đi ra chợ mua chim cá phóng sanh. Mới nghe thì rất thiện, nhưng lại là ác pháp vì không trí tuệ, thiếu sự hiểu biết vô tình khiến người làm ác lại làm thêm, nên làm thiện mà lại làm tội ác đồng lõa. Cũng như bố thí cho người ăn mày nghèo, không ngờ chúng ta lại bị người không nghèo lừa đảo. Họ không nghèo giả vờ nghèo, họ không tàn tật giả vờ tàn tật ngửa tay xin tiền. Ta vô tình bị lừa đảo, tiền mất mà không phước lại còn bị kẻ lừa đảo cười chê cho mình là ngu.

             Trong kinh dạy:
             “Có một hôm vua Ba Tư Nặc hỏi Đức Phật,
          - Chúng con là người cư sĩ bố thí, cúng dường, phóng sanh đúng chánh pháp như thế nào xin Thế Tôn chỉ dạy.
          Đức Phật bảo:

          - Này Đại Vương, muốn cúng dường, bố thí, phóng sanh cho đúng chánh pháp. Khi cúng dường phải chọn những người tu sĩ giới luật nghiêm chỉnh mà cúng dường thì mới được phước báo. Còn cúng dường cho những tu sĩ phạm giới, phá giới thì không được phước mà còn thêm tội nối giáo cho các tu sĩ phạm giới diệt Phật giáo. Tội ấy muôn đời sẽ không còn gặp chánh pháp của Đức Phật và đời sau sanh làm người, làm vật đều gặp nhiều tai nạn, bệnh tật nan y khổ đau vô cùng, vô tận.

          - Này Đại Vương, muốn bố thí thì phải chọn một người nghèo mà ăn ở hiền lành, hiếu hạnh đối với cha mẹ, không tham lam, trộm cướp, không giựt của người, không lấy của không cho. Bố thí cho những người ấy thì được phước báo vô lượng. Bản thân ít bệnh tật, ít tai nạn, gia đình luôn luôn mọi người đều được bình an, yên vui và hạnh phúc tràn trề. Còn bố thí cho những người ác tham lam, lấy của không cho, trộm cắp, cướp giựt thì không được phước báo mà còn tai họa sẽ đến, hay gặp bệnh tật khó trị.”

Sư cô Trí Hải chuyển dịch Anh ngữ sang Việt ngữ những kinh sách có giá trị được mọi người biết đến. Nhưng khi đi làm từ thiện, đem tài vật đi bố thí cho những người nghèo, bất hạnh, mà bị tai nạn giao thông làm sư cô chết một cách đột ngột thê thảm và đau xót. Bố thí mà không được phước, còn mang họa vào thân.

          Nhân quả do những người tham lam giết người, cướp của, hại mạng chúng sanh hay ăn thịt chúng sanh hoặc bắt chim cá bán cho người phóng sanh. Vì thế mới lâm vào cảnh màn trời chiếu đất nghèo khổ, bất hạnh. Họ là những người không thiện, thế mà mình không trí tuệ mang của cải tài sản đến cho họ, nên mình phải lãnh nhân quả của họ. Vì thế tai nạn mới về mình.

          Cho nên Đức Phật dạy bố thí phải chọn lấy những người hiền lành mà bố thí thì mới được phước báo. Muốn phóng sanh thì phải chọn đúng nhân quả mà phóng sanh, chứ không phải đi tìm nhân quả của loài chúng sanh đang trả vay nợ nhân quả mà phóng sanh thì sai, không đúng chánh pháp. Phóng sanh như vậy là lãnh nhân quả của chúng. Cho nên người phóng sanh không được phước mà lại gặp tai nạn, đó là lãnh nhân quả của chúng.

          Kinh sách phát triển dạy phóng sanh hay bố thí thì người phóng sanh, bố thí không biết mình phóng sanh, bố thí và người nhận bố thí và vật được phóng sanh cũng không biết. Theo kinh sách phát triển, phóng sanh và bố thí như vậy mới là bố thí và phóng sanh đúng chánh pháp. Lời dạy này là lời dạy phóng sanh bố thí không trí tuệ, dạy như vậy đi phóng sanh và bố thí để trở thành cây đá. Bố thí mà không biết mình bố thí, phóng sanh mà không biết mình phóng sanh thì thật là vô lý, người được thí mà không biết mình được bố thí. Thật là ngu ngơ. Bố thí, phóng sanh như vậy là kẻ ngu dại si mê.

          Đối với đạo Phật, phóng sanh hay bố thí đều bằng trí tuệ nhân quả. Soi sáng tận gốc của nhân quả rồi mới bố thí, cúng dường và phóng sanh.