Chánh Tín - Mê Tín. Kì 29 (91-95).

91. TỤNG KINH ĂN TÂN GIA VÀ ĐẦY THÁNG CHO CHÁU BÉ

            Hỏi: Kính thưa Thầy, bên Tịnh Độ và kinh sách Đại Thừa dạy: “Nếu người nào về nhà mới (ăn tân gia) lập bàn thờ và có con cháu đầy tháng thì mời các cư sĩ đến nhà tụng kinh cầu nguyện cho mát mẻ. Làm như vậy có lợi ích gì không? Kính thưa Thầy, xin Thầy dạy bảo cho chúng con được rõ.

            Đáp: Làm lễ “ăn tân gia” có nghĩa là khoe nhà mới với bạn bè thân hữu, làm lễ “đầy tháng” cho con tức là mừng đứa bé chào đời vừa tròn đầy một tháng (mẹ tròn con vuông). Đối với Phật giáo Nguyên Thủy, những việc làm này như tụng kinh cầu nguyện là một việc làm ngược lại với Phật giáo. Vì Phật giáo không thể cầu nguyện cho một sự khổ đau đang bắt đầu như vậy được.

            Một ngôi nhà mới được kiến tạo xây dựng là một sự cực khổ bằng sức lao động trí tuệ và tay chân, mồ hôi và nước mắt của người gia chủ. Một đứa bé chào đời vừa tròn một tháng là báo động cho biết một kiếp người phải chịu khổ đau bắt đầu từ đây.

            Đôi mắt nhân quả của Phật giáo nhìn ngôi nhà mới và đứa bé đầy tháng là một sự khổ đau tiếp nối của một chuỗi dài nhân  quả tiếp theo.

            Thọ Bát Quan Trai là một sự tu tập buông xả để học những đức hạnh của bậc Thánh Tăng. Thọ Bát Quan Trai là để tu tập tâm ly dục ly ác pháp trong một ngày để được tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Thọ Bát Quan Trai là một ngày để tu tập giúp cho tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Thọ Bát Quan Trai là một ngày tập sống như Phật, là một ngày hạnh phúc nhất trần gian. Thọ Bát Quan trai không phải là một ngày mừng tân gia, mừng cháu bé đầy tháng mà là một ngày hết sức quan trọng cho một đời người.

Vì gieo một hạt giống Thọ Bát Quan Trai đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc thì ngày mai nó sẽ trổ hoa quả giải thoát mà chính người gieo phải được thọ hưởng. Nếu hiểu sai, đặt không đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc thì hoa giải thoát kia không bao giờ nở và người gieo chỉ uổng phí công lao mà thôi.

            Tóm lại đừng lấy ngày Thọ Bát Quan Trai mà cầu phúc mừng ngày về nhà mới hoặc mừng cháu bé ra đời đầy tháng là sai. Ngày thọ Bát Quan Trai là ngày mà chính mọi người phải tự gieo hạt giống này chứ không ai gieo cho mình được. Các con nên nhớ lời Phật dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta không thể đi thay cho các con được con đường ấy, Ta chỉ là một người chỉ đường mà thôi.”

92. NGƯỜI CHẾT RỒI CÒN ĐAU ĐỚN NỮA KHÔNG?

            Hỏi: Kính thưa Thầy, người chết rồi còn đau đớn nữa không? Trong quyển “Sống Và Chết” con đã được đọc, trong đó nói rằng: “Người chết từ lúc tắt thở phải được để yên, không được đụng vào người chết từ 8 đến 12 giờ, nếu đụng vào người ta đau đớn lắm nhưng người ta không nói ra được nữa.” Có phải thế không thưa Thầy?

            Đáp: Trong sách “Sống và Chết” này người ta dựa vào đâu mà dám bảo rằng người đã tắt thở từ 8 giờ đến 12 giờ mà còn cảm giác đau đớn. Trong bệnh viện về khoa giải phẫu, bác sĩ gây mê cho bệnh nhân, thế mà khi mổ bệnh nhân còn không thấy đau đớn. Huống là một người đã chết, toàn bộ thần kinh không còn hoạt động nữa thì làm sao người ta còn có cảm giác đau đớn được? Thật ra người viết cuốn sách này sống toàn trong tưởng, vậy mà các con tin được sao?

            Một sự chết của một người là sự vô thường của một giai đoạn nhân quả trả vay, vay trả và tiếp tục những thân khác nữa để nối tiếp ngọn đuốc nhân quả mãi mãi. Chết là toàn bộ thân ngũ uẩn tan rã không còn một uẩn nào cả thì cái gì còn cảm giác biết đau? Sách này nói đi ngược lại lời Đức Phật dạy. Năm xưa Đức Phật dạy rằng: “nếu người chết còn lại một chút xíu thức dù như đất trong móng tay Ta thì đạo Ta cũng không ra đời.” Lời nói này rất chân thật, Đức Phật dám lấy tôn giáo của mình ra xác chứng rằng không có linh hồn, thần thức như kinh sách ngoại đạo thường tuyên bố.

            Không có thần thức linh hồn thì cái gì còn biết đau, thật ra những người viết kinh sách không có kinh nghiệm tu hành, cứ theo lối mòn của người xưa mà lập lại y khuôn khiến cho con người lầm lạc lại còn lầm lạc hơn; khiến cho con người bị lừa đảo lại còn bị lừa đảo hơn; cho nên mọi người tiền mất tật mang là phải. Bởi vậy Đức Phật dạy chúng ta mười điều chớ có tin, và chỉ dạy cho chúng ta tin khi nào điều đó đem lại lợi ích cho mình cho người.

            Thân tứ đại này là cát bụi, chết thì trả về cát bụi. Cái cảm thọ đau đớn kia của thân tứ đại này đã tan rã theo nó còn đâu đau đớn nữa mà gọi rằng người chết còn đau đớn. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, không biết mà viết kinh sách như vậy là lừa đảo người, thật đáng hổ thẹn, thật đáng chê trách.

93. NGƯỜI CHẾT ĐEM THIÊU CẢM THẤY NÓNG LẮM

            Hỏi: Kính bạch Thầy, có người bảo rằng nhà có người chết đem thiêu xác, khi đi gọi hồn, tức là đồng hay cốt về nói là chết nóng lắm, do đó mọi người và chúng con cũng thấy sợ thiêu Thầy ạ!

            Đáp: Với đân tộc Việt Nam tình cảm rất sâu sắc, khi thấy người thân của mình chết được đem thiêu đốt thì có một cảm giác như chính bản thân của mình đang bị nóng lắm phải không hỡi các con? Người chết rồi như một khúc cây đã bị chặt lìa thì còn gì là nóng, là đau nữa.

            Những người đồng, cốt, những nhà ngoại cảm là những người sống trong tưởng uẩn nên tưởng thường thể hiện cảm giác thấy nóng mà nói ra, nó là một ảo giác nóng chứ không thật có nóng. Người tu theo đạo Phật không nên tin thế giới tưởng, vì thế giới tưởng là một thế giới không thật có, là một thế giới ảo giác do năng lực của tưởng giao cảm những sự kiện xảy ra của thế giới hữu hình. Bởi vì mọi sự kiện xảy ra của thế giới hữu hình âm thanh và hình ảnh còn lưu lại trong không gian và thời gian đó.

            Khi năng lực của tưởng bắt gặp âm thanh sắc tướng đó, sự bắt gặp này giống như chúng ta nằm mộng nên những nhà ngoại cảm cũng như những người lên đồng, nhập cốt thấy như mình đang sống và sinh hoạt trong thế giới những người đã chết, chính lúc bây giờ nhà ngoại cảm cũng như đồng cốt không còn biết mình là ai đang sống giữa hai cảnh giới thực và ảo, giống như người chết mượn phần xác của người sống để nói lại tình trạng của mình cách đây năm năm hay mười năm. Bởi thế con người không đủ khả năng thiền định như Phật nên mới cho rằng có thế giới của con người sau khi chết.

            Các loại thiền định của các Tổ và kinh sách phát triển không vượt qua thế giới ảo tưởng này nên mới thấy có Phật Tánh, Bản thể Vạn hữu, cho nên chúng ta không nên trách con người bình thường làm sao thấu rõ trong cái thế giới hữu hình. Khi có thế giới hữu hình thì phải có cái bóng dáng của nó, mà con người không đủ trí sáng suốt nên mới cho cái thế giới bóng dáng đó là thế giới của người sau khi chết.

            Ví dụ: Một cây cổ thụ kia đang đứng sừng sững giữa trời thì cái bóng của cây kia luôn luôn cũng sừng sững không lìa nó, khi cây bị chặt phá không còn nữa thì bóng kia cũng không còn, nhưng âm thanh, sắc tướng của cây kia còn lưu lại mãi trong không gian và thời gian của nó. Cho nên người chết rồi còn gì biết đau, biết nóng, chỉ là một sự tưởng của người sống mà thôi.

94. BA NĂM CẢI TÁNG

            Hỏi: Kính thưa Thầy, ngoài Bắc có tục lệ, người chết chôn ba năm lại đào lên bốc xương đem chôn nơi khác, thật là mất vệ sinh làm ô nhiểm môi trường sống và chật đất. Chúng con mong Thầy dạy bảo để chúng con và mọi người thấu hiểu sự thật cái nào đúng, cái nào sai để chúng con và mọi người sửa lại cho tốt đẹp và phù hợp hơn.

            Đáp: Việc ba năm cải táng là một việc làm vừa hao tốn tiền của, vừa làm mất vệ sinh môi trường sống chung. Ngoài Bắc đã thành một tục lệ, tục lệ này xuất phát từ đâu? Từ những ông thầy địa lý.

            Trong lúc Đinh Bộ Lĩnh còn là một chú bé chăn trâu, có một thầy địa lý bên Trung Hoa sang Việt Nam đi tìm hàm rồng để cải táng nắm xương tàn của người cha vào huyệt đế vương để con cháu sau này làm nên danh phận. Khi tìm được huyệt đế vương dưới đáy hồ, ông bèn đến nhờ Đinh Bộ Lĩnh đem gói xương này bỏ xuống đáy hồ nơi có các gộp đá. Đinh Bộ Lĩnh nhận làm việc này, nhưng ông về cải táng mộ cha mình lấy nắm xương của cha bỏ vào những gộp đá trong đáy hồ, còn nắm xương cha của ông thầy địa lý kia được ném vào chỗ khác, nhờ đó sau này Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua nước ta.

            Nếu chúng tôi xác định không lầm thì tục lệ ba năm cải táng là do các ông thầy địa lý bịa đặt ra để lừa đảo mọi người, làm tiền một cách bất chánh. Cải táng là để chôn vào huyệt đế vương, con cháu sau này làm ăn phát đạt sang giàu, làm quan hoặc làm vua. Nhưng mãi sau này thành một tục lệ khó bỏ. Người miền Bắc bị phong tục này nên ba năm phải cải táng, nếu không cải táng thì thấy như mình còn thiếu sót một việc gì và bị mọi người lên án là bất hiếu. Cũng như bây giờ nhà nào có người chết mà không rước thầy chùa tụng kinh thì coi như thiếu sót một việc gì và cũng bị mọi người lên án là bất hiếu. Vì thế người ta quá sợ hãi những dư luận, cho nên ít ai dám đi trên dư luận để đả phá đi những phong tục mê tín lạc hậu.

            Hiện giờ người ta không dám đả phá những phong tục mê tín lạc hậu mà lại còn ca ngợi tán thán cho đó là văn hóa dân tộc, thật là đáng trách. Người ta đâu biết rằng sự giàu nghèo và làm quan, vua chúa đều do nhân quả. Nếu không gieo nhân làm vua, làm quan thì không bao giờ làm vua, làm quan được, nếu không gieo nhân giàu có thì không bao giờ giàu có được. Tất cả đều do nhân quả thiện ác mà có những điều trên chứ không phải đi tìm huyệt đế vương là con cháu làm vua làm quan; chứ không phải đi tìm huyệt giàu sang mà con chau sẽ giàu sang. Những điều này là những điều mê tín lạc hậu, còn những loại sách địa lý là những loại sách phi đạo đức, muốn ăn không ngồi chơi mà làm giàu, muốn không đánh giặc mà làm vua, muốn không học tập mà làm quan thì thật là một điều bất công.

            Đứng trên đạo đức làm người, ba năm cải táng là một việc làm vô đạo đức:

            1, Điều vô đạo đức thứ nhất: ông cha đã chết đi, được chôn cất yên mồ ấm mả, bây giờ con cháu xúm lại móc lên, phải chi móc lên mà được sống lại thì cũng nên, móc lên để làm đám ma một lần nữa, giết hại sanh linh, tạo thêm tội ác không những cho những người còn sống mà người đã chết cũng thêm tội, chỉ có ăn uống nhậu nhẹt say sưa chứ chẳng có ích lợi gì.

            2, Điều vô đạo đức thứ hai: là điều bất hiếu với người đã chết rồi, ba năm để nấm mồ đất lạnh, đó là tội thứ nhất. Nấm xương tàn cuối cùng cũng chẳng yên đó là tội bất hiếu thứ hai. Giết hại sanh linh làm đám gây tạo tội cho người chết đó là tội bất hiếu thứ ba.

            3, Điều vô đạo đức thứ ba: là làm mất vệ sinh, gây nên môi trường sống ô nhiễm, khiến cho những người còn sống phải chịu những bệnh tật khổ đau tức là thiếu đạo đức làm người, làm khổ mình khổ người. Môi trường sống của chúng ta hôm nay tràn đầy sự ô nhiễm do vô tình mà chúng ta đã thải ra trong không gian biết bao nhiêu những loại khí độc, để rồi chúng ta phải thọ chịu lấy những hậu quả của những chất khí độc đó.

            Tóm lại khi trong nhà có người chết thì chúng ta nên chôn cất một lần, xây mồ mả cho yên ấm ngay liền, đó là một việc làm tốt đẹp nhất, trong sạch nhất và đạo đức nhất của con người: “Sống cái nhà thác cái mồ.”

            Thầy tin rằng mọi người khi hiểu được sự lợi ích này thì những phong tục tập quán kia sẽ được dẹp bỏ và phật tử các con là những người tiên phong đi trước để xứng đáng là những người con của Phật, sống đầy đủ đạo đức làm người, không làm khổ mình khổ người, luôn luôn phá dẹp những phong tục mê tín lạc hậu khiến cho mọi người không hao tiền tốn của một cách vô lý, khiến cho mọi người không bị những kẻ lừa đảo “tiền mất tật mang,” khiến cho mọi người không còn bị các tôn giáo lừa đảo bằng sự cúng bái tụng, niệm, ngồi thiền, thần thông, bùa chú v.v… làm những việc phi đạo đức.

95. ĐÀN CẮT GIẢI OAN KẾT

            Hỏi: Kính thưa Thầy, đàn cắt giải oan kết là gì? Thưa Thầy, ở các chùa miền Bắc thường hay lập ra đàn cắt giải oan kết cho gia tiên tiền tổ rất là tốn kém.

Cuối tháng 11 âm lịch năm nay, có một gia đình lập một đàn cắt giải oan kết cho các cụ, gồm có cỗ mặn, cỗ chay tụng kinh lễ bái ba ngày đêm tốn hao trên 30 triệu đồng. Còn như nhà nghèo không có tiền chắc các cụ phải chịu oan kết mãi phải thế không thưa Thầy?

            Theo thiển nghĩ của con thấy là quá lãng phí và tốn kém rất nhiều mà không có ích lợi gì, nếu cả đời con nằm mơ cũng chưa bao giờ có số tiền đó. Con cúi mong Thầy dạy rõ cho mọi người khỏi bị lừa gạt bởi những sự mê tín này, giúp cho mọi người sau này đỡ tốn kém và không mắc nợ vào thân.

            Đáp: Trước khi muốn hiểu điều này thì chúng ta phải hiểu cho rõ ràng. Đàn cắt giải oan kết là gì?

            Đàn có nghĩa là lập đàn tràng, nói rõ hơn để dễ hiểu là tổ chức một cuộc tế lễ cúng bái với một hình tức mê tín.. Cắt giải oan kết có nghĩa là làm cho đoạn dứt những điều oan ức của những người đã chết.

            Những người chết tức, chết tối, chết oan, chết không đi đầu thai được, như những người tự tử, những người lính chết trận, những người chết bị tai nạn giao thông, chết bị cướp đâm, giặc giết v.v… Vua Đường Lý Thế Dân đánh Đông dẹp Bắc, chinh Nam, phạt Tây. Sau khi bình định được quê hương xứ sở thì những người chết oan vì chiến tranh vô số kể, vì thế vua Đường Lý Thế Dân cho người qua Thiên Trúc thỉnh kinh về lập đàn kỳ siêu giải oan kết. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta có làm gì oan kết với ai, có chết đường, chết sá, chết tức, chết tối đâu mà phải lập đàn cắt giải oan kết.

            Kinh sách phát triển bày ra nhiều điều mê tín lừa đảo người làm hao tốn tiền của phật tử mà chẳng có ích lợi thiết thực gì.

            Luật nhân quả rất công bằng, trên đời này không có ai chết oan ức, nếu mọi người lái xe cẩn thận đúng luật lệ giao thông thì làm sao có tai nạn chết người thình lình, làm sao có sự chết tức chết tối. Nếu con người không có lòng tham lam, không vì quyền lợi thì làm sao có chiến tranh, không có chiến tranh thì làm sao có người chết. Bởi con người chết vì chiến tranh, chết vì thiên tai hỏa hoạn, chết vì giặc cướp, chết vì buồn khổ thất tình, thất vọng hoặc tức giận tự tử, chết vì tai nạn giao thông đều do nhân quả tự mình làm ra rồi tự mình phải gánh chịu hậu quả đó chứ không phải ngẫu nhiên mà chết.

            Đối với luật nhân quả thì không có ai là người chết oan cả. Người chết thế này, kẻ chết thế khác đều do nhân quả. Người chết yểu không có nghĩa là chết oan. Người đó vô ý tứ dậm đạp lên chúng sanh khiến vô số loài côn trùng và loài kiến bị chết. Người ấy đã vô tình gieo nhân ác nên gặp người lái xe thiếu cẩn thận cũng vô tình gây tai nạn chết người, khiến cho người kia chết không toàn thây, đó cũng là trả quả, như vậy đâu có phải là chết oan.

            Một đứa bé chơi bóng, chạy đuổi theo quả bóng ra đường bị xe cán chết, chết như vậy đâu có nghĩa là chết oan, mà chết theo luật nhân quả. Một người phụ nữ mang thai do sự nông nổi không làm chủ được mình nên sợ tai tiếng, do đó phá thai, thai nhi bị chết và chết như vậy không có nghĩa là chết oan, mà chết theo luật nhân quả.

           Tất cả những sự sống chết khổ đau của con người đều nằm trong môi trường nhân quả cả, không một ai thoát ra khỏi định luật của nhân quả vì nhân quả chính là mình làm ra nhân, đến khi hái quả thì quả xử phạt lại chính mình, đo đó làm sao có sự oan kết được. Vì thế lập đàn cắt giải oan kết là một việc lừa đảo của kinh sách phát triển mà người phật tử cần phải suy tư chín chắn đừng để kẻ khác lừa gạt mình, hao tài tốn của vô ích. Là đệ tử của Phật, các con đừng tin theo những tà sư ngoại đạo này mà hãy dẹp bỏ những điều phi đạo đức, không phải là của Phật dạy.